Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

11/03/2017

Văn nghệ Thứ Bảy : nhà thư pháp quốc ngữ Nguyễn Quốc Trọng với vùng đất Trấn Biên (1)

Nếu so sánh để chọn một trong hai, tức hai dòng thư pháp Việt Nam đương đại, thì mình chọn thư pháp quốc ngữ, mà không chọn thư pháp Hán Nôm.

Thư pháp Hán Nôm đương đại thì nói sau. 

Hôm nay, trong mục Văn nghệ Thứ Bảy, sẽ đề cập đến thư pháp quốc ngữ với một gương mặt tiêu biểu của giới trẻ phía Nam hiện nay, là họa sĩ - thư pháp gia quốc ngữ Nguyễn Quốc Trọng.

Hình như câu chuyện ấn tượng đầu tiên chúng tôi nói với nhau, ở lần gặp mặt đầu tiên, là về văn phòng đại diện của hãng Bitis (Bình Tiên) ở thành phố Quảng Châu (Quảng Đông, Trung Quốc). Về ngôi chùa Đại Phật tự ở gần (đã viết về chùa này từ 2012, ở đây), và về tiệm cơm Việt Nam ở không xa đó.

Đầu tiên, ở entry này, mình chưa viết gì, mà chỉ sưu tập những gì mà báo chí đã/đang nói về Trọng.

Mình sẽ viết về Trọng từ từ, bằng tư liệu thực tế và họa phẩm thực tế của em.

Từ đây trở xuống là một ít sưu tầm.


---

Thêm chú thích




Hoạ sĩ Nguyễn Quốc Trọng: Hạnh phúc là nuôi lớn được ước mơ


Cập nhật lúc 23:07, Thứ Sáu, 09/12/2016 (GMT+7)

Nguyễn Quốc Trọng (ảnh), họa sĩ trẻ sinh năm 1982, là con thứ 6 trong gia đình có truyền thống cách mạng. Mẹ làm văn công giải phóng, thương binh 2/4; cha là bộ đội phục viên.


Anh thừa hưởng năng khiếu vẽ từ cha mình, vốn từng là họa sĩ nghiệp dư.

Nuôi nấng ước mơ
Thời chưa đi bộ đội, cha của anh kiếm sống bằng cách vẽ poster quảng cáo phim, nhưng  thời đó họa sĩ chỉ được xem qua bộ phim rồi ngồi tưởng tượng lại mà vẽ. Sau ngày đất nước thống nhất, gia đình Trọng theo cha về Dầu Tiếng. Tuy làm cán bộ hành chính xã, song ông và cả gia đình phải mưu sinh bằng đủ thứ nghề. Gia đình 7 người con thì chỉ có một mình Trọng học được hết cấp III, được cha mẹ kỳ vọng sẽ nối đường binh nghiệp. Nhưng anh đã âm thầm chuẩn bị cho mình con đường riêng: học làm họa sĩ.

Thời đi học, Nguyễn Quốc Trọng không hề biết đến khái niệm “luyện thi”. Anh chỉ biết mình mê vẽ và có năng khiếu vẽ, nhưng phải giấu cha mẹ để thỏa niềm say mê. Anh thường vẽ lại những minh họa trong sách giáo khoa để học; vẽ truyện tranh cho bạn thuê để kiếm tiền mua cà rem, mua bút mực.

May mắn mỉm cười vì anh đậu vào Trường cao đẳng mỹ thuật trang trí Đồng Nai, thế là khăn gói về Biên Hòa với phương châm “tự lực cánh sinh”. Nhiều năm liền, phòng trọ của anh chứa đầy tranh, tượng, đến nỗi không có chỗ ngả lưng. Nhưng anh say mê với hành trình vừa học vừa làm, vừa sáng tác của mình.

Học tập không ngừng
Một điều giúp Nguyễn Quốc Trọng “bám trụ” lại Biên Hòa suốt từ thời đi học đến nay, đó là vì mảnh đất này cho anh cơ hội thử sức ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Đã làm qua 8 công ty lớn nhỏ, song Trọng gắn bó nhiều với Biti’s - một thương hiệu giày Việt mà ở đó anh học được nghề tạo mẫu, một lĩnh vực sáng tạo yêu cầu tính khoa học chính xác đến nghiêm ngặt.

Lăn lộn trong nghề 10 năm, anh đã giành được một số giải thưởng trong nước và quốc tế (giải nhì Nhà thiết kế giày Việt Nam năm 2009; vào chung kết cuộc thi thiết kế giày quốc tế tại Hong Kong năm 2010). Đồng thời, qua đó anh đã xác lập được kỷ lục đầu tiên về giày thể thao Việt Nam (giày thể thao là lĩnh vực đòi hỏi kỹ thuật cao nhất đối với cả tạo mẫu và sản xuất giày). Thành công của Bitis cũng mang đến cho Nguyễn Quốc Trọng sự tự tin và niềm tự hào để anh dấn bước, hiện anh vẫn là cộng tác viên thân thiết của công ty.

Sự đam mê và ham học đã giúp Trọng hoàn thành chương trình đại học và cao học. Đến nay, anh trở thành một người thầy đúng nghĩa khi tham gia giảng dạy ở Trường cao đẳng công nghệ và quản trị Sonadezi; cộng tác với Thành đoàn Biên Hòa dạy các lớp hội họa, thư pháp miễn phí và mở lớp dạy thêm ở nhà...  Anh vẫn không ngừng học hỏi, thể nghiệm các thể loại, các công cụ mới để có thêm nhiều kinh nghiệm sáng tác.

Kết nối những thành công
Năm 2012, Nguyễn Quốc Trọng được biết đến với bức họa tự “Chân dung Bác Hồ trên mành tre lớn nhất” được xác lập kỷ lục, sau đó bán đấu giá được 60 triệu đồng ủng hộ cho học sinh nghèo hiếu học. Năm 2014, anh tiếp tục lập kỷ lục với tác phẩm Chiến sĩ hải quân vẽ bằng bút sắt trên gỗ lớn nhất. Năm 2016, anh cùng với Giám đốc Trung tâm Văn miếu Trấn Biên Trần Đăng Ninh biên soạn và xuất bản cuốn sách ảnh Theo dấu chân Người (tập hợp hình ảnh lãnh tụ Hồ Chí Minh qua các thời kỳ). Ngoài ra, anh còn thực hiện 2 công trình điêu khắc mới: một tại Vườn tượng Văn miếu Trấn Biên và một tại Vườn tượng Chiến khu Đ. Anh cũng là một họa sĩ tích cực của Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai, vừa được anh em tín nhiệm bầu làm Phó ban Mỹ thuật.

Nguyễn Quốc Trọng yêu tuổi thơ vất vả, yêu nghề và say mê theo đuổi ước mơ của mình đến cùng... Anh tự ví mình như một người tập leo núi, mỗi ngày cố gắng một ít nhưng không có khái niệm “xuống núi”. Vì, theo Nguyễn Quốc Trọng: “Được sống với hội họa, có điều kiện nuôi dưỡng ước mơ của mình là một niềm hạnh phúc lớn lao. Vì vậy, tôi nghĩ mình luôn phải cố gắng vươn lên, dùng sức trẻ của mình làm việc có ích cho đời”.

Triết lý sống giản dị, nhưng đòi hỏi anh phải nỗ lực không ngừng...

Hoàng Phong

http://www.baodongnai.com.vn/giaitri/201612/hoa-si-nguyen-quoc-trong-hanh-phuc-la-nuoi-lon-duoc-uoc-mo-2763164/







Đầu năm xin chữ

Cập nhật lúc 22:23, Thứ Hai, 10/02/2014 (GMT+7)


Xin chữ của các ông đồ mỗi dịp tết đến xuân về nơi đền chùa, miếu mạo để cầu mong mọi sự tốt lành trong năm mới là nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc ta.

Ông Đồ Quốc Trọng tặng chữ cho nhân dân
Ông Đồ Quốc Trọng tặng chữ cho người dân

Tại lễ hội chùa Ông (xã Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa, diễn ra từ ngày 9 đến 12-2), những gian hàng thư pháp của các ông đồ luôn chật kín người. Từ chiều 9-2, anh Nguyễn Quốc Trọng (thành viên Câu lạc bộ thư pháp Việt thanh niên Biên Hòa) đã viết hàng trăm chữ để tặng khách thập phương đến viếng chùa. Trên nền giấy đỏ, những nét chữ dần hiện ra. Có người xin chữ Nhẫn, chữ Đức, chữ Nghĩa, chữ Trọng, chữ Tài, chữ Lộc, lại có người xin chữ Dũng, chữ An, chữ Cường, chữ Thịnh… Tất cả đều có mong ước gặp được nhiều điều may mắn, tốt lành trong năm mới.

Hai chị em Nguyễn Như Ngọc, Nguyễn Như Ngà (sinh viên Trường đại học Đồng Nai) xin cho mình chữ Thành với mong muốn học hành tiến tới, thành đạt, thành tài, ra trường sớm xin được việc làm để đỡ đần cha mẹ và làm giàu bằng chính năng lực của mình.

Bà Đỗ Thị Nhàn, người dân xã Hiệp Hòa, chia sẻ: “Tôi xin chữ Lộc, với mong ước tất cả mọi người trong gia đình sẽ luôn mạnh khỏe, gặt hái được nhiều thành công, may mắn trong cuộc sống”…

Không chỉ có xin chữ, tại gian hàng thư pháp của các ông đồ, người dân còn có thể tìm mua nhiều bức tranh dân gian, thư pháp hiện đại… với nhiều nội dung khác nhau.

An Yên

http://www.baodongnai.com.vn/tintuc/201402/dau-nam-xin-chu-2293027/






Cà phê nghệ sĩ

Cập nhật lúc 15:36, Thứ Ba, 05/02/2013 (GMT+7)

Quyết tâm theo đuổi niềm đam mê nghệ thuật, nhiều người sẵn sàng từ bỏ công việc hiện tại để thực hiện ước mơ: tạo cho mình và bạn bè một không gian nghệ thuật riêng để thỏa trí sáng tạo, thỏa niềm khát khao.


Từ nhiếp ảnh cà phê…

Nằm nép mình ở số 19 đường Nguyễn Ái Quốc, F-Café là điểm dừng chân tuyệt vời của những người yêu thích nhiếp ảnh, thích phượt ở Biên Hòa. Với 1 tầng trệt và 1 lầu, tổng diện tích chỉ vỏn vẹn 60m2 nhưng bên trong quán là cả một không gian nghệ thuật đặc sắc đầy quyến rũ. Vừa sang trọng hiện đại lại vừa trang nghiêm cổ kính, F-Cafe để lại một dấu ấn đậm nét trong lòng những ai từng đến đây và khi đã tới một lần, ắt sẽ muốn tới lần tiếp theo.

Các bạn trẻ lắng mình qua các giai điệu guitar tại F-Café.
Các bạn trẻ lắng mình qua các giai điệu guitar tại F-Café.

Vé xe ở đây không giống bất kỳ quán cà phê nào khác, không được đánh số thứ tự mà đó là những địa danh mà dân ghiền phượt cả nước hay đến nhất, như: Hà Giang, Mộc Châu, Fansipan, Cực Nam, Cực Bắc… Từ những mảnh gỗ tạp, phế thải, qua bàn tay nghệ sĩ khéo léo của anh Diệp Bảo Hoàng và Nguyễn Thành Anh Quốc, từng mảnh gỗ được ghép và trang trí như có hồn. Hai nghệ sĩ đam mê nhiếp ảnh này tự tay đóng tất cả bàn ghế, kệ tủ, treo tường, sàn nhà, trần nhà đến cuốn menu riêng biệt.

Trong không gian nhỏ nhắn, xinh xắn, dưới ánh nến lung linh, khách có thể tham quan, chiêm ngưỡng những bức ảnh màu, đen trắng do các thành viên của nhóm F-photo chụp từ những chuyến đi phượt trong và ngoài nước. Không những vậy, quán còn bố trí một tủ sách, truyện văn hóa, sách hướng dẫn kỹ thuật nhiếp ảnh cho khách. Từ đó giúp khách hiểu thêm được nhiều nền văn hóa của nhiều vùng miền khác nhau.

Mỗi khi có buổi offline của F-photo hay Bienhoafan, trên khuôn mặt của anh Bảo Hoàng và Anh Quốc lại ánh lên niềm hạnh phúc khó tả và không quên lưu giữ lại những khoảnh khắc kỷ niệm đầy thân thương. Đặc biệt, lướt qua menu đồ uống ở F-Café, khách sẽ không chần chừ gọi cho mình một ly cà phê đặc trưng của quán và ký tặng vào danh sách bạn bè làm bằng những tấm gỗ nhỏ treo trên tường.

…Đến không gian thư pháp

Tọa lạc ở số 100 đường Võ Thị Sáu, TP. Biên Hòa, Art café là điểm đến lý tưởng cho những ai yêu thư pháp và guitar. Chủ quán là anh Nguyễn Quốc Trọng, 31 tuổi, thành viên của Câu lạc bộ thư pháp Việt thanh niên Biên Hòa. Nung nấu ý tưởng có được một không gian độc lập cho các thành viên trong câu lạc bộ hoạt động thay vì sinh hoạt ở các công viên, quán nước như trước, năm 2010, anh nghỉ việc ở công ty và cùng bạn đi thuê mặt bằng, vẽ thiết kế, trang trí quán.
Với diện tích 100m2, ngay từ cổng, khách đã được chiêm ngưỡng tượng của vua David người Ý - ông vua đam mê nghệ thuật và là hình mẫu chuẩn mực về vẻ đẹp của phái nam. Tiếp đến là các bậc cầu thang bằng đá hoa, hệ thống bàn ghế, các hình vẽ trang trí tỉ mỉ trên tường, những bức thư pháp đặt xen lẫn các lối đi tạo nên một thế giới nghệ thuật sinh động nhiều sắc màu. Quán được chia thành hai phần: châu Á (phòng lạnh, ngồi bệt theo kiểu Nhật) và không gian châu Âu (sân vườn, ghế ngồi theo kiểu châu Âu).

Anh Trọng chia sẻ: “Ngay từ ban đầu mình đã có ý tưởng duy trì, phát triển, quảng bá nghệ thuật thư pháp đến tất cả mọi người, nhưng vì không có không gian riêng nên hoạt động bị bó hẹp. Sau hơn 1 năm thiết kế bản vẽ, trang trí, sắp đặt, tháng 12-2011, quán đi vào hoạt động. Tại đây, các câu lạc bộ, như: thư pháp, guitar, Anh văn tổ chức các buổi offline, vừa uống nước, thư giãn, thưởng ngoạn, nghe nhạc vừa học hỏi, trao đổi kinh nghiệm nghề nghiệp lẫn nhau. Mình sắp xếp, bố trí các đồ dùng vật dụng sao cho kết hợp, giao hòa giữa hai nền văn hóa Á, Âu. Các bức tranh vẽ cũng được treo đan xen giữa tranh sơn dầu, tranh nước với tranh thủy mặc, thư pháp”.

Vào tối chủ nhật hàng tuần, Câu lạc bộ guitar sẽ họp mặt, đàn hát trong không khí ấm cúng, nhẹ nhàng. Tại đây, chủ quán còn trực tiếp vẽ ảnh chân dung truyền thần và viết thư pháp tặng khách.

Từ ngày quán ra đời, anh em nghệ sĩ trong câu lạc bộ thư pháp, guitar có một sân chơi lành mạnh, bổ ích và nảy sinh nhiều ý tưởng hay, như: tổ chức lớp dạy phương pháp viết thư pháp cho các em học sinh trên địa bàn thành phố, viết thư pháp tại Văn miếu Trấn Biên, kẻ vẽ, viết chữ lên đá bán cho khách ở phiên chợ thanh niên công nhân...

Và cùng làm ca sĩ

Hiện nay, trên địa bàn thành phố có rất nhiều quán cà phê có chương trình ca nhạc riêng dành cho khách vào những dịp cuối tuần. Những ai yêu thích, đam mê ca hát, muốn được trình diễn trên sân khấu hoặc hát tặng bạn bè đi cùng có thể đăng ký với người dẫn chương trình của đêm nhạc. Sẽ có một ban nhạc đáp ứng nhu cầu các bài hát của khách.

Vẽ chân dung tặng khách.
Vẽ chân dung tặng khách.

Nổi bật trong số đó là quán Chân (số 1/6 đường Phạm Văn Thuận, gần cổng chào Biên Hòa), thường xuyên tổ chức các đêm nhạc hát với nhau. Trong năm 2012, quán Chân tổ chức xuyên suốt cuộc thi “Tìm kiếm giọng hát hay” vào các tối thứ bảy, chủ nhật hàng tuần. Không những thế, chủ quán còn mời những ca sĩ tên tuổi, đoạt giải cao trong các cuộc thi Tiếng hát truyền hình TP. Hồ Chí Minh về giao lưu, hát phục vụ khách…

Sân khấu của quán cà phê Thành Phát (đường Phi Trường, phường Tân Phong) lúc nào cũng nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của khán giả. Khách đến đây sẽ tự đăng ký bài hát với MC và ban nhạc, sau đó được thỏa đam mê ca hát. Có những khách hàng đến đây uống cà phê và trở thành khách “ruột” của quán từ lúc nào không hay.
Hạnh Dung

http://www.baodongnai.com.vn/xuan-quy-ty-2013/201302/Ca-phe-nghe-si-2217786/



---

CẬP NHẬT



1. Ngày cuối cùng của tháng 8 năm 2024





31 thg 8, 2024
..


3 nhận xét:

  1. Em càm ơn Thầy về phần giới thiệu! Tháng 12/2017. E có dịp ra HN bảo vệ tốt nghiệp,Thầy trò gặp nhau nha.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn Trọng. Vậy hẹn Trọng vào cuối năm nhé !

      Xóa
  2. Ngày cuối cùng của tháng 8 năm 2024

    Trả lờiXóa

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.