Ông Tập Cận Bình tặng bài thơ đó cho Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, trong chuyến thăm Trung Quốc chính thức vào đầu tháng 1 năm 2017.
Mấy năm trước, tại quốc hội Việt Nam, ông Tập đã đọc 4 câu thơ trong bài Tẩu lộ. Bây giờ, ông tặng văn bản dạng phục chế.
Mấy năm trước, tại quốc hội Việt Nam, ông Tập đã đọc 4 câu thơ trong bài Tẩu lộ. Bây giờ, ông tặng văn bản dạng phục chế.
Bắt đầu bằng tin của báo chí Trung Quốc.
Về ẩm trà, xem ảnh ở đây.
---
.
2. Bài cũ trên Tiền Phong (tháng 11 năm 2015)
2. Bài cũ trên Tiền Phong (tháng 11 năm 2015)
06:33 AM ngày 07 tháng 11 năm 2015
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình giao lưu với các đại biểu Quốc hội Việt Nam
Hơn hai mươi phút thay vì khoảng 10 phút như ông Nguyễn Hạnh Phúc Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội từng thông báo với báo chí, thời gian ông Tập Cận Bình Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc phát biểu trước Quốc hội Việt Nam.
Như nhắn nhủ của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, sáng 6/11, Quốc hội đã đón tiếp ông Tập Cận Bình trân trọng, hiếu khách. Khi ông Tập Cận Bình bước vào phòng Diên Hồng nơi 500 đại biểu Quốc hội đang họp, các đại biểu Quốc hội đã đứng dậy, đồng loạt vỗ tay.
Từ 10 giờ 48 phút đến 11 giờ 10 phút, trong 22 phút, ông Tập Cận Bình phát biểu liên tục vì các đại biểu nghe qua tai nghe bản dịch ca bin.
Người viết bài này không có ý và không dám làm cái việc giải mã này khác bài phát biểu của Chủ tịch Tập. Với kiến văn hạn hẹp cũng liều đánh trống qua cửa nhà sấm ngõ hầu cùng bạn đọc thưởng lãm bài phát biểu mà như ông Bộ trưởng Thông tin – Truyền thông Nguyễn Bắc Son đã ngỏ cùng báo chí “Chủ tịch Tập Cận Bình đọc và dẫn rất nhiều bài thơ, câu thơ của Bác Hồ, thơ Đường… để nói về quan hệ láng giềng hai nước”.
Khi Chủ tịch Tập nói mất hàng ngàn vàng mua láng giềng gần thì có lẽ ông lấy ý câu ngạn ngữ Trung Hoa bất hoán thiên kim dĩ lân gia tương đồng với bán anh em xa mua láng giếng gần?
Rồi câu ngạn ngữ Trung Hoa: Huynh đệ đồng tâm, ký lợi đoạn kim (anh em đồng tâm thì đủ sắc bén để cắt vàng). Thông điệp của dạng ngạn ngữ này hơi bị thâm (xin hiểu nghĩa từ thâm đây là sâu). Tại sao không cắt đá cắt sắt mà cắt vàng? Phải, chỉ có sự thông cảm thấu hiểu thương nhau lắm thì mới cùng nhau làm cái việc cực khó là phân chia của cải (cắt vàng) này?
Kết thúc bài phát biểu, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc nói trong thời gian Chủ tịch Hồ Chí Minh hoạt động cách mạng tại Trung Quốc từ năm 1942-1943, Người đã viết câu thơ “Núi cao lên đến tận cùng/ Thu vào tầm mắt muôn trùng nước non”. Sự tế nhị (hay là cái tài cũng được?) của Tổng Bí thư, Chủ tịch Tập là đã trích nguyên câu dịch của Nam Trân bài Tẩu lộ (Đi đường) thơ Hồ Chủ tịch trong Nhật ký trong tù. Bài thơ chữ Hán của Bác:
Tẩu lộ tài tri tẩu lộ nan
Trùng san chi ngoại hựu trùng san
Trùng san đăng đáo cao phong hậu
Vạn lý dư đồ cố miện gian.
Nhà thơ Nam Trân đã chuyển ý khá đạt:
Đi đường mới biết gian lao,
Núi cao rồi lại núi cao trập trùng;
Núi cao lên đến tận cùng,
Thu vào tầm mắt muôn trùng nước non.
Tổng Bí thư, Chủ tịch Tập cũng không quên nhắc đến thi hào Vương Bột đời Đường cũng có câu nói lên cái ý chí ấy “Lên tận đỉnh núi Thái Sơn, muôn ngàn ngọn núi hình dáng hiện ra” để nhìn nhận quan hệ Trung - Việt đang đứng trên khởi điểm lịch sử mới. Ý ông Tập Cận Bình là mong muốn hai nước hãy đứng cao nhìn xa, chung tay và cố gắng để có những đóng góp mới càng to lớn hơn nữa vào việc mở ra cục diện mới đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Trung - Việt?!
Nhân ông Tập Cận Bình dẫn thơ Hồ Chí Minh và Vương Bột cũng phải nói thêm điều này.
Tôi dò tìm và tranh thủ hỏi thêm vài bậc túc nho nữa nhưng đều chưa biết cái câu ấy của Vương Bột ở bài nào? Mà nhiều người cứ nhầm bài thơ của Vương Chi Hoán Đăng Quán Tước lâu có hai câu nói lên cái ý ấy Dục cùng thiên lý mục/ Cánh thướng (thượng) nhất tằng lâu (Muốn tận cái nhìn vạn dặm/ Thì cứ lên một tầng lầu nữa) mà nhà thơ Khương Hữu Dụng đã dịch là Muốn cùng muôn dặm mắt/ Lên nữa một tầng lầu.
Cố nhiên ông Tập đã không lầm! Cái ý chí leo núi (trùng san) khác với leo lầu (thượng lâu)? Địa danh Thái Sơn mà Vương Bột nhắc theo nghĩa đen cùng là nghĩa bóng thuộc tỉnh Sơn Đông, một thắng cảnh được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới. Thái Sơn cao 1.545 m so với mặt biển và chiếm diện tích 125 km2. Thái Sơn là một hình tượng tổng hợp của truyền thống văn hóa cổ Trung Quốc thu nhỏ. Đến tham quan Thái Sơn, du khách phải leo lên tận đỉnh mới cảm nhận được hết vẻ đẹp tự nhiên và sự hùng vĩ của nó. Du khách phải trèo bằng cái “thang lên trời” có 6.600 bậc đá mới lên đến đỉnh Thái Sơn mà Chủ tịch Tập đã nhắc đến thơ Vương Bột Lên tận đỉnh núi Thái Sơn/ Muôn ngàn ngọn núi hình dáng hiện ra.
Không phải ngẫu nhiên ông Tập nhắc đến bài Tẩu lộ của Hồ Chủ tịch. Dẫn ra hai câu cuối nhưng buộc người đọc người nghe phải nhớ lại hai câu đầu Có đi đường mới biết đường đi khó, Hết lớp núi này lại tiếp đến lớp núi khác (Trùng san chi ngoại hựu trùng san). Có lẽ đắt nhất là chữ hựu Hồ Chủ tịch đã dùng. Phải kiên nhẫn vững tâm mà leo mà trèo. Không phải một mà nhiều mà liên tiếp (hựu) các ngọn núi (trùng san). Vượt hết muôn trùng lớp núi ấy, lên đến đỉnh cao chót, thì muôn dặm nước non (mới) thu cả vào tầm mắt.
Đành phải dài dòng một chút mới thấy thâm (sâu, rộng) cái ý của Chủ tịch Tập muốn phải đứng cao nhìn xa nhìn ra đại cục của mối quan hệ Việt Trung khi viện dẫn ý chí ấy của các bậc tiền nhân. Nhớ thêm buổi sáng, khi gặp gỡ thanh niên hai nước Việt - Trung, Chủ tịch Tập đã khẳng định “Nhân dân Trung Quốc quan niệm rằng, kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân, tức là cái gì mình không chấp nhận thì không thể bắt người ta chấp nhận. Trung Quốc không chấp nhận cường quốc tất bá, sẽ tiếp tục kiên trì “Thân - Thiện - Huệ - Dung”.
Để ý người phiên dịch khi chuyển ngữ đoạn này hình như chưa rành rẽ cụm từ Thân, Thiện Huệ, Dung Thân và Thiện đã rõ. Nhưng còn Huệ còn Dung?Tạm hiểu Huệ hàm nghĩa trí, sáng khôn ngoan lanh lợi (Từ điển Thiều Chửu), Dung với nghĩa hòa, đều, chan hòa. Ý Chủ tịch Tập là phải đi sâu hợp tác cùng có lợi và kết nối với các nước xung quanh, trong đó có Việt Nam, mãi mãi là bạn bè đáng tin cậy và đối tác chân thành của các nước đang phát triển?
Quốc hội đã mãn phiên họp buổi sáng. Gọi điện hồi lâu cho nhà sử học Dương Trung Quốc mà mãi đến đầu giờ chiều mới được. Lý do không bắt máy là ông bận trả lời phỏng vấn của một vài hãng truyền thông quốc tế trong đó có Tân Hoa xã về những cảm nghĩ, nhận xét về bài phát biểu của Chủ tịch Tập. Nhà sử học cũng chia sẻ luôn với tôi cảm tưởng như khi phát biểu với giới truyền thông ngoại quốc rằng, bài phát biểu của Chủ tịch rất cô đọng, súc tích, sinh động. Hay thì thật là hay. Nhưng hay nhất là trên thực tế phải nỗ lực biến những lời nói ấy trở thành hành động cụ thể, thiết thực…
Chia sẻ của nhà sử học khiến tôi nhớ đến câu thành ngữ Trung Hoa. Câu ấy là NGÔN DỊ HÀNH NAN (nói thì dễ làm thì khó)!
Chợt nhớ đến năm xa ấy trong nhóm báo chí tháp tùng chuyến thăm của Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu. Thăm Thành Đô được ghé khách sạn Kim Ngưu tham quan cái phòng còn nguyên kiểu bài trí bàn ghế nội thất cuộc gặp lịch sử Việt Trung tại Thành Đô. Trên tường có lưu hai câu thơ do Chủ tịch Giang Trạch Dân thủ bút (không biết bây giờ có còn?) Đó là thời điểm sau khi hai bên ký kết vào văn kiện, ông Giang Trạch Dân đã đọc tặng hai câu thơ (của Giang Vĩnh -đời nhà Thanh):
Độ tận kiếp ba huynh đệ tại
Tương phùng nhất tiếu mẫn ân cừu
(Trải qua cơn sóng gió, tình anh em vẫn còn/ Gặp nhau cười một cái quên hết oán thù).
Thời điểm ấy là năm cuối cùng của thế kỷ 20 (mùa xuân năm 1999).
Từ bấy đến nay, tình anh em huynh đệ có không ít những khúc quanh! Quả như minh triết người xưa ngôn dị hành nan!
Một lộ trình bằng, thẳng hơn mở ra từ chuyến thăm và bài phát biểu của nhà lãnh đạo Trung Hoa?
Đêm 6/11/2015
Lấy đại cục làm trọng !Khoảng 10 giờ ngày 6/11, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đã hội kiến Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng tại Phòng họp Thăng Long, Nhà Quốc hội. Khoảng 10 giờ 45 cùng ngày, ông Tập Cận Bình có mặt tại Hội trường Quốc hội và có bài phát biểu kéo dài hơn 20 phút.Trong bài phát biểu, ông Tập Cận Bình khẳng định, chữ tín chính là nền tảng để làm bạn. Đồng thời, Trung Quốc và Việt Nam phải là láng giềng tốt, gắn bó gần gũi nhau. Cũng vì là “láng giềng” nên khó tránh va chạm nhưng hai bên cần phải kiên trì, lấy đại cục phát triển của hai nước làm trọng, kiên trì, tôn trọng lẫn nhau, hiệp thương hữu nghị…Ông Tập Cận Bình đề cập đến 16 chữ vàng, Trung Quốc hết sức coi trọng phát triển quan hệ với Việt Nam, nguyện cùng phía Việt Nam tiếp tục kiên trì phương châm: Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai. Ông Tập Cận Bình cho rằng, tình hình khu vực và quốc tế có những thay đổi, Trung Quốc và Việt Nam đều đang đứng trước những vấn đề mới, thách thức mới tương đồng như nhau.Trên cơ sở đó, ông Tập Cận Bình đề nghị hai nước cần phải giúp đỡ nhau, chung tay cùng nhau tiến lên. Với quan hệ ngoại giao 65 năm, hai bên cần nắm chắc phương hướng lớn quan hệ hai nước, đảm bảo tình hữu nghị truyền thống đời đời bền vững. “Hãy đứng cao nhìn xa, chung tay cùng cố gắng để có những đóng góp mới càng to lớn hơn nữa, vì sự hòa bình lâu dài, thịnh vượng chung của châu Á và thế giới”.Thay mặt Quốc hội Việt Nam, trong phần đáp từ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng tin tưởng, cùng với tiến bộ của thời đại, niềm khát khao vì sự chung sống hòa bình, hữu nghị của hai dân tộc Việt- Trung, những định hướng trong quan hệ hai nước của lãnh đạo cấp cao sẽ được nghiêm túc tổ chức thực hiện, hai bên sẽ tiếp tục kiểm soát bất đồng, vượt qua trở ngại, đưa quan hệ hai nước phát triển lành mạnh, thực chất, ổn định, vững chắc hơn vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hoà bình và sự phồn thịnh của khu vực và thế giới.Dũng Nguyễn
http://www.tienphong.vn/Print.aspx?id=929585
‘Ẩn ý’ của ông Tập Cận Bình khi trích thơ Chủ tịch Hồ Chí Minh
Xung quanh lời phát biểu này đến nay đã xuất hiện nhiều ý kiến tranh luận trái chiều. Nguyên nhân chính dẫn tới sự tranh luận này, có lẽ đều nhằm tới việc mổ xẻ, phán đoán “ẩn ý” của ông Tập trong bài phát biểu có liên quan đến bối cảnh quan hệ ngoại giao hai nước Trung- Việt.
http://thanhnien.vn/toi-viet/an-y-cua-ong-tap-can-binh-khi-trich-tho-chu-tich-ho-chi-minh-631704.html
Việc ông Tập Cận Bình trích đọc hai câu trong 2 bài thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhà thơ Vương Bột của Trung Quốc nhằm nói gì? Tôi mạn phép diễn giải để bạn đọc cùng chia sẻ, ngõ hầu bớt đi những phán đoán về ‘ẩn ý’ của ông Tập.
Trong bài phát biểu trước Quốc hội Việt Nam, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đọc hai câu thơ cuối trong bài Tẩu lộ (Đi đường) nằm trong tập thơ Nhật ký trong tù của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Trùng sơn đăng đáo cao phong hậu, vạn lý dư đồ cố miện gian" (nghĩa là: Sau khi lên đến đỉnh cao nhất giữa các lớp núi, thì muôn dặm giang sơn thu cả vào trong tầm mắt). Sau đó ông Tập có nói rằng: “Nhà thơ Vương Bột đời Đường của Trung Quốc cũng từng nói: “Đăng Thái Sơn nhi lãm quần nhạc, tắc cương loan chi bản mạt khả tri dã”.
Câu văn được ông Tập nhắc tới có xuất xứ từ bài Bát quái đại diễn luận (luận về sự mở rộng lớn lao của Bát quái). Nguyên văn đầy đủ của câu này là: “Cứ thương hải nhi quan chúng thuỷ, tắc giang hà chi hội quy khả kiến dã. Đăng Thái Sơn nhi lãm quần nhạc, tắc cương loan chi bản mạt khả tri dã” (Theo biển xanh mà xem các nguồn nước, thì sự qui tụ của sông ngòi [về đó] có thể thấy được; lên Thái Sơn để ngắm núi non, thì gốc ngọn của núi gò có thể biết được).
|
Một điều ai cũng rõ đó là không phải ngẫu nhiên mà Tập Cận Bình đọc hai câu thơ trên của Hồ Chủ tịch, lại càng không phải ngẫu nhiên khi ông viện dẫn văn chương của Vương Bột để minh chứng cho một sự tương đồng về phương diện ý nghĩa tư tưởng giữa hai nước đồng văn, để rồi từ đó gửi gắm đi một thông điệp.
Vậy sự tương đồng đó là gì, theo cá nhân tôi, đó chính là vấn đề “đăng cao vọng viễn” (lên cao nhìn xa) như chính lời phát biểu ngay tiếp sau của ông Tập. Hình tượng lên núi nhìn xa, để thu trọn tất cả vào trong tầm mắt vốn đã xuất hiện trong rất nhiều các tác phẩm văn học, triết học... khác của cả Trung Quốc, Việt Nam. “Đăng cao vọng viễn” vốn dùng để chỉ cho một tư tưởng siêu việt, một tâm thái cao viễn, một tầm nhìn khoáng đạt, xa rộng, vốn được cổ nhân, đặc biệt là các nhà Nho Trung Quốc và các nước đồng văn, trong đó có Việt Nam xem trọng. Họ luôn coi đó là một nguyên tắc, một lý tưởng cần đạt được. Vì vậy, việc tương đồng ý nghĩa trong văn chương của Vương Bột và Hồ Chủ tịch là điều dễ hiểu.
Trong bối cảnh quan hệ hai nước Việt – Trung hiện nay, thông điệp của Tập Cận Bình gửi đi rất rõ, ông nói rằng: “Mối quan hệ hai nước Trung Việt đã đứng trên bước tiến mới của lịch sử, khiến chúng ta lên cao nhìn xa, chung tay nỗ lực, để mở ra một cục diện mới trong quan hệ hợp tác chiến lược toàn diện của hai nước Trung -Việt; xây dựng, duy trì sự hoà bình, thịnh vượng chung của châu Á và thế giới, tạo ra những cống hiến to lớn hơn nữa”.
Việc “lên cao nhìn xa” đó chính là nhằm mở ra một tầm nhìn rộng lớn, bao quát; một thế cục quảng đại, một cảnh giới cao xa, và có lẽ đó cũng là chỉ một thông điệp mang tính chất ngoại giao mà ông Tập muốn gửi đi trong bài phát biểu vừa qua mà thôi. Chúng ta không nên phán đoán, hay suy xét một cách khiên cưỡng, áp đặt để đưa vấn đề này đi quá xa.
Lê Phương Duy
Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, Thạc sĩ Hán Nôm, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội.
1. Bài trên báo Phượng Hoàng ngày 14/1/2017 (dán về blog ngày 16/1/2017):
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.
LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.
Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.