Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

29/10/2016

Việc xử tử giáo sĩ và giáo dân thời Nguyễn nửa cuối thế kỉ 19, qua 14 bức tranh màu

Vốn là bài mang tên 14 bức họa các thảnh tử vì đạo do các họa sĩ Việt Nam vẽ vào t.k.XIX của Nguyễn Đình Đăng.

Bài viết hoàn thành năm 2014, và được công khai trên blog NĐĐ.

Từ đây trở xuống là nguyên văn, chép từ bên đó về.


---








Nguyễn Đình Đăng
Nơi nào cảm xúc mạnh nhất, 
nơi đó có những người tử vì đạo vĩ đại nhất.
Leonardo Da Vinci
1) Hội Thừa sai Paris và các thánh tử vì đạo
Sau nhiều chuyến đi sang Viễn Đông trong những năm 1624 – 1645,Alexandre de Rhodes – tu sĩ dòng Tên, người đã xuất bản cuốn từ điển tiếng Việt – Bồ Đào Nha – Latin đầu tiên tại Rome vào năm 1651 – đã thuyết phục giáo hoàng Alexandre VII bổ nhiệm các giám mục tình nguyện người Pháp, do Alexandre de Rhodes tuyển mộ, làm khâm mạng tòa thánh sang châu Á để thành lập các giáo giới bản địa hòa hợp với truyền thống phong tục địa phương và không can dự vào chính trị.
Rhodes
Alexandre de Rhodes trong bức “Sự ra đời của chữ quốc ngữ – Cái chết siêu việt của ông Nguyễn Văn Vĩnh” của Nguyễn Đình Đăng (2001)
sơn dầu trên canvas, 65 x 80 cm
Ba giám mục đầu tiên được chọn là Pierre Lambert de la Motte (sang Tàu năm 1660), François Pallu (sang Thái Lan năm 1661, phụ trách khu vực Đông Nam Á và các tỉnh ở Tàu giáp giới Bắc Kỳ), và Ignace Cotolendi (phụ trách các tỉnh phía đông Tàu, Trung Á và Triều Tiên). Mỗi giám mục dẫn đầu một nhóm gồm các linh mục và người ngoại đạo. Tất cả gồm 17 người, từ giã nước Pháp lên đường sang châu Á trong một hành trình kéo dài 2 năm. Giám mục Ignace Cotolendi và 7 người khác đã chết trên đường đi. Pierre Labert de la Motte và François Pallu chính là những người đã thành lập Hội Thừa sai Paris(Séminaire des Missions étrangères de Paris) vào năm 1663, một tổ chức tu sĩ Công giáo Pháp, có trụ sở tại nhà số 128 rue du Bac thuộc quận VII Paris, mang sứ mệnh truyền giáo tại các nước không theo Công giáo ở châu Á, châu Mỹ và châu Phi. Kể từ những chuyến đi đầu tiên đó Hội Thừa sai Paris đã cử sang châu Á khoảng 4500 tu sĩ.
Tòa nhà Hội Thừa sai tại số 128 rue du Bac, Paris
Tòa nhà Hội Thừa sai tại số 128 rue du Bac, Paris
Trong những năm đầu tiên của sự nghiệp truyền giáo các tông đồ đã bị chính quyền bản xứ Viễn Đông truy hại. Nhiều người, trong đó có nhiều người bản xứ, đã bị chém đầu, treo cổ, tùng xẻo. Nhiều người khác đã chết trong ngục. Theo thống kê của Tòa thánh Vatican số tín đồ Công giáo bị giết tại Việt Nam trong 4 thế kỷ, từ t.k. XVI tới t.k. XX, là vào khoảng từ 130 ngàn tới 300 ngàn người. Cũng theo Tòa thánh Vatican, các nhục hình và cách xử tội đối với các tín đồ Công giáo tại Việt Nam là thuộc loại dã man tàn bạo nhất trong lịch sử tử vì đạo của Công giáo. Các tín đổ Công giáo bị xử theo những hình phạt tàn khốc mà chính quyền Việt Nam đương thời học từ phong kiến Tàu, như lăng trì (tùng xẻo, tức chặt chân tay), róc thịt bằng kìm nung đỏ, bị ép uống thuốc độc, thuốc lú lẫn, bị đóng dấu “tả đạo” (左道, tức đường trái hay … lề trái!) lên mặt. Các gia đình theo Công giáo bị xoá sổ [1]. Sau năm 1836, dưới thời Minh Mạng, các cuộc bắt bớ tín đồ và linh mục công giáo trở nên ráo riết. Nhiều làng xóm bị trừng phạt cả làng vì chứa chấp tín đồ công giáo. Một số thừa sai và cộng đồng Công giáo đôi khi tìm cách hối lộ các quan chức để thoát bị bắt bớ. Họ trở thành nạn nhân của các vụ tống tiền từ những kẻ dọa sẽ khai báo họ với chính quyền. Cha thừa sai Pierre Duclos viết: “Những thỏi vàng đã làm các vụ ăn cắp và giết tróc lan tràn khắp cả nước.” [2]
Các mảnh y phục vấy máu của các thánh tử vì đạo An Nam, một số xiềng xích trói buộc họ trong ngục, và các cụng cụ tra tấn họ, đã được các tín đồ trung thành gìn giữ như những thánh tích, bí mật tuồn sang Macao rồi đưa về Paris. Những di vật này hiện được trưng bày trongPhòng tưởng niệm những người tử vì đạo (La Salle des Martyrs) tại Hội Thừa sai Paris. Ngoài những di vật kề trên, từ năm 1842, Hội Thừa sai Paris còn là nơi quàn hài cốt của các giám mục, linh mục người Pháp cùng hài cốt của nhiều tín đồ Công giáo đã bị chính quyền Việt Nam hành quyết vì đức tin của họ.
Ngày 19.06.1988, đức giáo hoàng John Paul II đã phong thánh 117 tín đồ tử vì đạo tại Việt nam từ 1625 tới 1886. Trong số này có 96 người Việt, 11 người Tây Ban Nha, và 10 người Pháp của Hội Thừa sai Paris. Họ gồm 8 giám mục, 50 linh mục, và 59 tín đồ Công giáo [3]. Ngày lễ tưởng niệm họ là ngày 24.11 hàng năm, mang tên lễ “Các thánh tử vì đạo An Nam“.
Chiếc gông cùm thánh Pierre Dumоulin-Borie Cao, bị hành quyết tại Đồng Hới năm 1838, bày trong Phòng tưởng niệm những người tử vì đạo tại Hội Thừa sai Paris
Chiếc gông cùm thánh Pierre Dumоulin-Borie Cao, bị hành quyết tại Đồng Hới năm 1838, bày trong Phòng tưởng niệm những người tử vì đạo tại Hội Thừa sai Paris
2) Các bức hoạ vẽ các cuộc tử vì đạo tại Việt Nam
Trong số các di vật trưng bày tại Phòng tưởng niệm những người tử vì đạo đặc biệt đáng chú ý là 14 bức hoạ mô tả cảnh hành quyết các thánh tử vì đạo tại Việt Nam trong những năm từ 1833 tới 1852. Cuốn sách 562 trang “La Salle des Martyrs du Séminaire des Missions étrangères de Paris” [4], xuất bản năm 1865, đã dành 32 trang đầu tiên viết về các bức hoạ này. Trong phần giới thiệu khái quát, cuốn sách khẳng định hầu hết các bức hoạ này là tác phẩm do những hoạ sĩ bản xứ vẽ hoặc bản sao tác phẩm của họ. Sách này viết: “Sự thiếu vắng luật viễn cận, cách phối màu đặc biệt, các y phục đôi khi kỳ dị, các hình nhân rất biểu cảm, các quang cảnh máu me, tất cả tạo thành một tổng thể thu hút sự chú ý và gây hứng thú.”
Linh mục Adrien-Charles Launay (1853 – 1927), từng làm cha tuyên úy tại Đàng Trong những năm 1877 – 1882, trong cuốn sách cùng tên, xuất bản năm 1900 [5], cũng nhận xét: “Các bức hoạ này, ngoại trừ hai hoặc ba bức, thảy đều được các hoạ sĩ của nước sở tại vẽ tại Nam Kỳ và Bắc Kỳ: dễ thấy chúng được vẽ thiếu phối cảnh cũng như dùng các mảng màu bẹt, không tả khối và lên bóng, hình hoạ thường chỉ phác thảo, với các tư thế phi tự nhiên và đôi khi kỳ dị mà ý tưởng được thể hiện bằng nét bút vụng về, hoặc ít nhất là với kỹ năng khác với những gì chúng ta thường thưởng thức.
Các bức hoạ đều có kích thước khá lớn, từ 89 x 129.5 cm tới 180.4 x 196.5 cm, được vẽ bằng 4 màu tự nhiên đỏ, vàng, lam và nâu (ngoài màu đen) trên giấy bồi lên canvas mỏng. Màu tự nhiên vốn được các nghệ nhân làng Hồ chiết từ sỏi son hay hoa hiên (đỏ), hoa hòe (vàng), lá chàm (lam, chàm), than lá tre (đen). Các bức hoạ đều không đề tên tác giả và năm hoàn thành, song phong cách khác nhau của các bức hoạ cho thấy chúng được vẽ bởi nhiều hoạ sĩ. Ông phó Thư thuộc làng Vĩnh Trị, xã Yên Trị, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định được cho là đã vẽ bức hoạ số 14 do cha Retord Liêu nhờ [5]. Tên các hoạ sĩ khác hiện chưa ai biết. Các sự kiện được mô tả rất chi tiết trong các bức họa cũng cho thấy chúng phải được vẽ theo trí nhớ của những người đã mục kích những sự kiện trên hoặc theo lời kể của những người này. Việc các bức họa này được mô tả chi tiết trong cuốn sách [3] xuất bản năm 1865 có nghĩa là chúng đã được vẽ ngay hoặc không lâu sau các vụ hành quyết.
Trong khi luật viễn cận (perspective) hoàn toàn vắng bóng trong tranh dân gian Việt Nam, như tranh Đông Hồ (từ t.k. XI) hay Hàng Trống (từ t.k. XVII), có thể thấy tất cả 14 bức hoạ này đề được vẽ theo những luật viễn cận nhất định. Các bức số 1, 4, 5, 7, 10 – 12 được vẽ theoviễn cận song song (perspective parallèle), không có điểm hội tụ và không có đường chân trời, rất phổ biến trong hội hoạ Tàu từ đời nhà Đông Hán (25 – 220) và Nhật Bản thời Heian (t.k. XI).
Các bức số 3, 6, và 9 được vẽ theo viễn cận quân sự (perspective militaire) hay viễn cận kỵ sĩ (perspective cavalière) [6]. Luật viễn cận này được áp dụng trong t.k. XVII ở Pháp để mô tả sơ đồ các pháo đài, tuyến phòng thủ, cách bài binh bố trận nhìn từ tầm mắt được giả định từ một khoảng cách rất xa và trên cao, ví dụ như tầm mắt của người chỉ huy cưỡi ngựa đứng trên ngọn đồi nhìn xuống chiến trường [7]. Viễn cận quân sự gần với phối cảnh điểu khám (鳥瞰) (tầm nhìn của chim) tức bird’s eye view, mà một số tác giả gọi là phối cảnh phi điểu(飛鳥), nhưng hình học của các công trình kiến trúc không biến dạng theo viễn cận tuyến tính như trong phối cảnh điểu khám.
Bốn trong số 14 bức hoạ, bức số 2, 8, 13 và 14, được vẽ theo phối cảnh trung tâm, tức được vẽ từ một góc nhìn cố định. Phối cảnh của bức số 13 và 14 tuân theo luật viễn cận tuyến tính (perspective linéaire). Các nhân vật trung tâm được tả khối lên bóng chút ít. Trong các bức số 2 và 8 phần quan trọng được cường điệu vẽ thành to hơn.
Những chi tiết trong các bức hoạ cũng cho thấy một bước tiến khá dài hướng về phía tả thực so với các tranh dân gian Việt Nam. Điều đó được thể hiện trong bố cục hoành tráng, nhiều lớp, nhiều nhân vật, với các hoạt động phức tạp, trong sự đặc tả các y phục với các nếp vải được vẽ theo phong cách gần với hội hoạ Gothic châu Âu (t.k. XII – XV). Đặc biệt bức số 2, 8 và 13 là những bức họa lột tả chân dung và giải phẫu cơ thể các vị thánh tử vì đạo khá chi tiết và hiện thực nhất. Bức hoạ số 2 (Cuộc tử vì đạo của cha Marchand Du tại Huế ngày 30.11.1835) có bố cục và phong cách hiện thực biểu cảm gần với bức hoạ “Cuộc tử vì đạo của thánh Cucuphas” của Ayne Bru, hoạ sĩ Đức t.k. XVI sống tại Catalonia, Tây Ban Nha.
Điều đó cho thấy các hoạ sĩ vẽ các bức tranh này đã được các giáo sĩ Pháp hoặc Tây Ban Nha truyền thụ kiến thức hội hoạ châu Âu thông qua sách có minh hoạ tranh của các bậc thầy cổ điển và qua hướng dẫn trực tiếp. Trong cuốn sách giới thiệu Phòng tưởng niệm các thánh tử vì đạo cũa Hội Thừa sai Paris xuất bản năm 1988 cũng có đoạn viết:
Trong số các tranh trưng bày tại phòng này, bức này (bức hoạ số 14) có lối vẽ độc đáo. Rõ ràng đức giám mục Retord (hiện diện trong tranh) đã chỉ dẫn cho hoạ sĩ và đã dạy anh ta vẽ theo luật viễn cận kiểu châu Âu.” [8]
Trong bối cảnh lịch sử hội hoạ Việt Nam hầu như trống trơn cho tới năm 1925, khi trường Mỹ thuật Đông Dương được hoạ sĩ Pháp Victor Tardieu thành lập [9], các bức họa vẽ các cuộc tử vì đạo này là những tư liệu quý giá trong việc tìm ra những trang bị thất lạc của thời kỳ chuyển từ sáng tạo và thưởng thức mỹ thuật thủ công dân gian sang một nền mỹ thuật hiện đại tại Việt Nam. Các bức hoạ cũng cho thấy, trong cuộc chuyển mình đó, các linh mục Công giáo chính là những người đã có những đóng góp quan trọng đầu tiên. Họ đã không chỉ sáng tạo cho người Việt một hệ thống chữ viết dùng ký tự Roman thay thế hoàn toàn Hán tự, mà còn truyền cho người Việt những kiến thức về văn hóa, mỹ thuật và âm nhạc châu Âu. Mặc dù bị nhà cầm quyền của chế độ phong kiến đương thời đàn áp hết sức dã man, các linh mục Công giáo đã không chỉ đem lại cho dân Việt một tôn giáo mà còn mở cho họ cả một nền văn hóa và nghệ thuật mới.
Dưới đây là phần giới thiệu 14 bức hoạ nói trên.
Hầu hết các bức hoạ mô tả cảnh các thánh tử vì đạo từ lúc họ bị bắt tới khi bị hành hình. Nhiều cảnh xảy ra tại các thời gian khác nhau nhưng được vẽ theo thủ pháp đồng hiện, tức như đang diễn ra cùng một lúc, tựu chung gồm 4 cảnh chính [4]:
1) Cảnh bị bắt:
Người tử vì đạo, cổ đeo cùm, bị lính mang binh khí do một viên quan chỉ huy áp giải ra tòa.
2) Cảnh thẩm vấn:
Toà án thường được vẽ trong một thành phố có tường thành vây quanh. Cạnh một trong các cổng thành thường thấy một lá cờ bay trên đỉnh cột cờ. Một hoặc nhiều quan lại ngồi trên tòa. Quan tòa hình sự mặc áo đỏ, quan tòa dân sự vận áo lam. Cạnh các quan tòa là bọn mõ tòa và lục sự. Lính canh cầm binh khí đứng hai bên phòng xử án. Bọn đao phủ chuẩn bị dụng cụ tra tấn bắt người tử vì đạo phải giẫm lên cây thánh giá hoặc ép cung họ. Những dụng cụ tra tấn tín đồ Công giáo để buộc họ từ bỏ niềm tin thường là roi mây, kìm nguội hoặc nung đỏ trên lửa. Cạnh phòng xử án là cái cũi nhốt người tù bị gông cổ và cùm chân.
3) Cảnh ra pháp trường:
Người tù, cổ đeo gông và chân bị xích, bị một đám lính chân đất tay cầm giáo giải ra pháp trường. Đao phủ mặc giáp che ngực, tay cầm gươm tuốt trần đi sau một tên lính tay cầm bản án tử hình. Đi trước đoàn diễu hành là một đội lính đánh trống, trong khi viên quan giám sát cuộc hành quyết cưỡi ngựa hoặc thường là cưỡi voi đi sau cùng đoàn diễu hành. Một tên lính cầm lọng che cho viên quan trong khi một hoặc hai người khác điều khiển ngựa hoặc voi.
4) Cảnh hành quyết:
Đễ giữ đám đông trật tự, bọn lính cắm dáo đứng thành vòng tròn. Ở giữa vòng là tội nhân, ngồi, nằm, quỳ hoặc đứng tùy theo cực hình phải chịu. Cạnh người đó là một cái cọc treo bản án tử hình viết trên một miếng ván dọc dài chừng 70 – 80 cm. Nằm rải rác trên mặt đất cạnh đó là những mảnh gông vừa được cưa ra, và các đoạn xích vừa bị chặt đứt. Một viên quan cầm bản cáo trạng mà y sẽ xướng lên hoặc lệnh cho một người làm thay. Ngay sau khi viên quan này phát lệnh hành quyết, tiếng trống dồn dập vang lên và đao phủ ra tay. Một viên quan tay cầm gươm hoặc gậy buộc băng đỏ đứng bên giám sát cuộc hành quyết.
Ngoài vòng lính thường có rất nhiều người xem, cả lương lẫn giáo, không phân biệt nam lẫn nữ thuộc mọi lứa tuổi, tầng lớp. Khi đầu người tử vì đạo vừa rơi khỏi cổ, đám đông ùa tới dùng quần áo mình hoặc giấy thấm vào máu người vừa bị hành quyết.
image001
Bức họa 1
Cuộc tử vì đạo của cha Pierre Lê Tùy tại Nghệ An ngày 11.10.1833
166 x 94.2 cm
Bức hoạ 2 Cuộc tử vì đạo của cha Marchand Du tại Huế ngày 30.11.1835 150 x 83.6 cm
Bức hoạ 2
Cuộc tử vì đạo của cha Marchand Du tại Huế ngày 30.11.1835
150 x 83.6 cm
Du
Trái: Một bản sao đen trắng bức hoạ “Cuộc tử vì đạo của cha Marchand Du“.
Phải: Ayne Bru, Cuộc tử vì đạo của thánh Cucuphas (1504 – 1507)
Bức hoạ “Cuộc tử vì đạo của cha Marchand Du” có bố cục và phong cách hiện thực biểu cảm khá giống bức hoạ của hoạ sĩ Đức t.k. XVI Ayne Bru “Cuộc tử vì đạo của thánh Cucuphas“.
Bức hoạ 3 Cuộc tử vì đạo của cha Jean-Charles Cornay Tân tại xứ Đoài (tức Sơn Tây) ngày 20.09.1837 166 x 121.3 cm
Bức hoạ 3
Cuộc tử vì đạo của cha Jean-Charles Cornay Tân tại xứ Đoài (tức Sơn Tây) ngày 20.09.1837
166 x 121.3 cm
Cha Jean-Charles Cornay sinh năm 1809 tại Loudun (Pháp) trong một gia đình khá giả làm nghề buôn bán vải. Ngày cha Cornay rời nước Pháp lên đường sang Bắc Kỳ, cha mẹ ngài quá thương con đã nằm lăn ra đường để cản. Tới Bắc Kỳ, ngài được phong linh mục năm 25 tuổi (1834), lấy tên Việt là Tân. Ngài bị vu cáo tội phiến loạn và bị bắt. Trước tòa, bị ép nhận tội, ngài trả lời: “Thưa quan, chúng tôi chỉ chuyên giảng đạo dạy người ta làm lành tránh dữ, dạy con cái kính yêu cha mẹ, dạy dân chúng phục tùng vua quan. Tôi đâu có thể đi ngược lại giáo huấn của mình mà chống đối nhà vua được“. Ngài bị kết án tử hình xử lăng trì. Ngày 20.09.1837, 28 tuổi, ngài bị giải ra pháp trường Năm Mẫu, Sơn Tây. Sau khi cầu nguyện, ngài tự cởi áo nằm lên chiếu trải sẵn. Ngài bị chém đầu và phân thây thành bốn khúc [4, 10].
Tại góc trái dưới cùng bức hoạ là một hình chiếu khác của tòa thành nơi cha Cornay Tân bị xử trảm và từng bị giam cùng 3 thày giảng của ngài. Viên quan giám sát cuộc thi hành án cưỡi ngựa che lọng ở góc phải phía dưới, trong vòng lính vây quanh. Hai nhân viên tòa án đứng trong vòng, tay cầm bản án tử hình. Cha Corney bị bọn đao phủ dùng gươm và rìu chặt khúc, tứ chi bị vứt ra xung quanh. Tên đao phủ chặt đầu cha, đứng bên phải, một tay cầm đầu, tay kia cầm gươm vấy máu vị thánh tử vì đạo đưa lên miệng mút. Cạnh y, một tên khác đang cúi xuống cắt một miếng tim hay gan để ăn. Các khúc tay chân, và các đoạn dây xích, cọc nhọn dùng để cột cơ thể khi hành hình vương vãi trên mặt đẩt. Phía trái là chiếc cũi nhốt cha Cornay.
Bức hoạ 4 Cuộc tử vì đạo của cha François Xavier Nguyễn Cần ở Kẻ Chợ (tức Hà Nội) ngày 26.11.1837 167.5 x 119.6 cm
Bức hoạ 4
Cuộc tử vì đạo của cha François Xavier Nguyễn Cần ở Kẻ Chợ (tức Hà Nội) ngày 26.11.1837
167.5 x 119.6 cm
Cha François Xavier Nguyễn Cần tên thật là Nguyễn Tiến Truật. Ngày 20.11.1837 bản án của vua Minh Mạng châu phê ra tới Hà Nội. Viên quan tổng trấn khuyên ngài nhắm mắt bước qua thập giá thì sẽ tha tội chết. Ngài nói: “Mắt thì nhắm được, chứ lòng không thể nhắm được, nên tôi không làm.” Quan cho xếp chéo hai khúc gỗ và nói: “Đây không phải hình Chúa. Gỗ này cũng chưa được làm phép, cứ bước qua sẽ thoát chết.” Nhưng ngài vẫn không làm vì biết đó là chối đạo. Ngày 26.11.1837, cha Xavier Cần bị một đội quan quân gồm 5 quan cưỡi voi, 10 cai đội cưỡi ngựa và 300 lính gươm tuốt trần điệu ra pháp trường ô Cầu Giấy. Viên quan cố thuyết phục ngài lần cuối: “Ngươi có thể cứu mạng mình. Ngươi không trộm cướp, không làm loạn, ta vẫn có thể rút bản án cho ngươi, chỉ cần ngươi bước một bước qua thập giá.” Song ngài trả lời : “Tôi trung không thờ hai chủ, xin quan cứ y án mà thi hành.” Thánh Xavier (34 tuổi) bị thắt cổ chết (xử giảo). Cùng với ngài còn có 6 tội nhân khác bị xử trảm. Trong tranh, bốn người đã bị chém đầu, một người đang bị tên đao phủ kề gươm vào cổ, và một người còn đang quì.
Bức hoạ 5 Cuộc bắt bớ và giải thầy Pierre Nguyễn Khắc Tự, cha Vincent Nguyễn Thế Điểm và giám mục Pierre Dumoulin Borie Cao tới Quảng Bình ngày 27.07 và 31.07.1838 170.9 x 89 cm
Bức hoạ 5
Cuộc bắt bớ và giải thầy Pierre Nguyễn Khắc Tự, cha Vincent Nguyễn Thế Điểm và giám mục Pierre Dumoulin Borie Cao tới Quảng Bình ngày 27.07 và 31.07.1838
170.9 x 89 cm
image006
Bức hoạ 6
Cuộc tử vì đạo của các ông Michel Nguyễn Huy Mĩ, Antoine Nguyễn Đích và cha Jacques Đỗ Mai Năm tại Nam Định ngày 12.08.1838
180.4 x 196.5 cm
Bức hoạ lớn nhất này được vẽ theo luật viễn cận quân sự hay điểu khám với thủ pháp đồng hiện, gồm cả bốn giai đoạn: bị bắt (phần dưới), thẩm vấn (góc phải phía trên, trong thành), giải ra pháp trường và hành quyết (góc trái phía trên). Con sông vây quanh bức họa là sông Đáy.
Vụ bắt bớ xảy ra và ngày 2.07.1838. Ba trăm lính vây làng Vĩnh Trị, thuộc xã Yên Trị, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định. Cảnh bắt bớ mô tả quân lính bắt được cha Jacques Đỗ Mai Năm tại nhà ông Antoine Nguyễn Đích, tức ông trùm Đích, và bắt cả con rể ông Đích là Michel Nguyễn Huy Mĩ – lí trưởng làng Vĩnh Trị. Ba ông bị trói giải ra đình làng Vĩnh Trị. Ông lí Mĩ bị nọc ra đánh đòn giữa sân đình.
Trong cảnh thẩm vấn, ông lí Mĩ bị ép giẫm lên thập giá nhưng ông co chân lên không chịu. Một tên lính vung roi đánh ông, còn tên kia cố xô ông bước lên thập giá.
Trong cảnh hành quyết, ba ông quỳ trên 3 chiếc chiếu. Quân lính cầm giáo đứng thành hàng rào vây quanh pháp trường. Ba viên quan cưỡi voi giám sát hành quyết.
Trang 186 trong [4] kể rằng ông lí Mĩ bước ra pháp trường với một sự gan dạ đáng kinh ngạc. Tên đao phủ rỉ tai ông bảo cho y 5 quan tiền thì y sẽ chém đầu ông chỉ bằng một nhát đao để ông chết luôn, khỏi đau đớn. Ông trả lời: “Cứ chặt đi, trăm nhát cũng được, nếu mày muốn, miễn là chặt đứt. Còn tiền ấy à, có cũng không cho mày đâu. Để đem cho người nghèo còn hơn.”
Hai năm sau khi tử vì đạo, cả ba vị đã được giáo hoàng Grégoire XVI truy phong danh hiệu Đại đức ngày 19.06.1840.
Bức hoạ 7 Cuộc bắt bớ và giải thầy Jean-Baptiste Đinh Văn Thanh, thầy Pierre Nguyễn Văn Hiếu và cha Pierre Phạm Khắc Khoan tới Ninh Bình ngày 24.08.1838 147 x 80 cm
Bức hoạ 7
Cuộc bắt bớ và giải thầy Jean-Baptiste Đinh Văn Thanh, thầy Pierre Nguyễn Văn Hiếu và cha Pierre Phạm Khắc Khoan tới Ninh Bình ngày 24.08.1838
147 x 80 cm
Bức hoạ 8 Cuộc tử vì đạo của giám mục Pierre Dumoulin-Borie Cao ngày 24.11.1838 tại Đồng Hới 169 x 107.4 cm
Bức hoạ 8
Cuộc tử vì đạo của giám mục Pierre Dumoulin-Borie Cao ngày 24.11.1838 tại Đồng Hới
169 x 107.4 cm
Linh mục Pierre Dumoulin-Borie rời cảng Havre tháng 11.1830. Tới Macao ngày 18.7.1831, ngài nhờ bọn lái buôn Tàu đưa sang Trung Kỳ. Bị bắt năm 1838, ngài được tin mình được phong giám mục. Tên đao phủ nhận lệnh chém ngài đã phải uống rượu say bét nhè cho đỡ sợ, đến nỗi run tay, phải chém tới 7 lần mới chặt đứt đầu ngài. 11 tháng sau, thi hài ngài được các giáo dân bí mật đào lên, tuồn sang Macao, và hiện an nghỉ tại Phòng tưởng niệm các thánh tử vì đạo tại Hội Thừa sai Paris.
Pierre Dumoulin-Borie Cao (1808 - 1838) (chân dung trong lưu trữ của hội Thừa sai Paris)
Pierre Dumoulin-Borie Cao (1808 – 1838)
(chân dung trong lưu trữ của hội Thừa sai Paris)
Bức hoạ 9 Cuộc tử vì đạo của các cha Paul Nguyễn Văn Mĩ, Pierre Trương Văn Đường, và Pierre Vũ Văn Truật tại Sơn Tây ngày 18.10.1838 168 x 121.8 cm
Bức hoạ 9
Cuộc tử vì đạo của các cha Paul Nguyễn Văn Mĩ, Pierre Trương Văn Đường, và Pierre Vũ Văn Truật tại Sơn Tây ngày 18.10.1838
168 x 121.8 cm
Bức hoạ 10 Cuộc tử vì đạo của các cha Paul Phạm Khắc Khoan, Pierre Nguyễn Văn Hiếu và Jean-Baptiste Đinh Văn Thanh tại Vân Sàng - Ninh Bình ngày 28.04.1840 147 x 79.7 cm
Bức hoạ 10
Cuộc tử vì đạo của các cha Paul Phạm Khắc Khoan, Pierre Nguyễn Văn Hiếu và Jean-Baptiste Đinh Văn Thanh tại Vân Sàng – Ninh Bình ngày 28.04.1840
147 x 79.7 cm
Bức hoạ 11 Cuộc tử vì đạo của ông Antoine Nguyễn Hữu Quỳnh và thầy Pierre Nguyễn Khắc Tự tại Quảng Bình ngày 10.07.1840 171 x 94.7 cm
Bức hoạ 11
Cuộc tử vì đạo của ông Antoine Nguyễn Hữu Quỳnh và thầy Pierre Nguyễn Khắc Tự tại Quảng Bình ngày 10.07.1840
171 x 94.7 cm
Bức hoạ 12 Cuộc tử vì đạo của cha Pierre Phạm Khanh tại Hà Tĩnh ngày 12.07.1842 167 x 95.2 cm
Bức hoạ 12
Cuộc tử vì đạo của cha Pierre Phạm Khanh tại Hà Tĩnh ngày 12.07.1842
167 x 95.2 cm
Bức hoạ 13 Cuộc tử vì đạo của cha Augustin Schoeffler Đông tại Sơn Tây ngày 1.05.1851 89 x 129.5 xm
Bức hoạ 13
Cuộc tử vì đạo của cha Augustin Schoeffler Đông tại Sơn Tây ngày 1.05.1851
89 x 129.5 xm
Cha Augustin Schoeffler Đông bị bắt khi đang truyền đạo và bị xử chém năm 29 tuổi. Khi quan tòa hỏi ngài có biết truyền đạo là vi phạm pháp luật không, ngài trả lời rằng, ngay từ trước khi rời Pháp, ngài đã biết là Công giáo bị cấm ngặt tại Bắc Kỳ và những người thuyết giáo bị xử tử, nhưng đó chính là nguyên nhân khiến ngài tới đây chứ không vì bất kỳ mục đích nào khác (tr. 328 trong [4]). Ngài nở nụ cười và ngước mắt nhìn lên trời, khi bị buộc quỳ chờ chém. Đao phủ run tay, phải chém tới 3 nhát đầu ngài mới đứt. Đầu ngài bị vứt xuống sông cho nước cuốn đi [4,11].
Bức hoạ 14 Cuộc tử vì đạo của cha Jean-Louis Bonnard Hương tại Vĩnh Trị ngày 1.05.1852 107 x 178.9 cm (được cho là do ông phó Thư người làng Vĩnh Trị vẽ [4])
Bức hoạ 14
Cuộc tử vì đạo của cha Jean-Louis Bonnard Hương tại Vĩnh Trị ngày 1.05.1852
107 x 178.9 cm
(được cho là do ông phó Thư người làng Vĩnh Trị vẽ [5])
Các yếu tố của hội hoạ châu Âu được thể hiện khá rõ trong bức hoạ này như luật viễn cận tuyến tính, cách dùng tương phản để vẽ các nhân vật với khuôn mặt và y phục sáng nổi trên nền tối, lên khối, bóng đổ, cây cối phía xa được vẽ mờ và lạnh hơn theo luật viễn cận không khí của hội hoạ Phục Hưng, cách đặt khoảng trống trước đoàn người bên phải để tạo cảm giác chuyển động về phía linh cữu của thánh Bonnard Hương nằm bên trái. Tuy nhiên, bố cục bức hoạ vẫn kết hợp với thủ pháp đồng hiện ở góc phải bên dưới, nơi không gian được xử lý bằng viễn cận song song, thể hiện cảnh giáo dân vớt xác cha Bonnard bị quan quân vứt xuống biển sau khi hành quyết.
11.07.2014
_______________________


Tài liệu tham khảo:
[1] Attwater, Donald and Catherine Rachel John, The Penguin Dictionary of Saints, 3rd edition (New York, Penguin Books, 1993).
[2] Jacob Ramsay, Extortion and Exploitation in the Nguyên Campaign against Catholicism in 1830s–1840s Vietnam, Journal of Southeast Asian Studies, Vol. 35, No. 2 (June 2004), pp. 311-328.
[3] Xem danh sách các thánh tử vì đạo Việt Nam tại Vietnamese martyrs.
[5] Adrien-Charles Launay, La Salle des Martyrs du Séminaire des Missions Étrangères (Paris, Téqui, 1900);
Jean Du Breuil, La perspective pratique nécessaire à tous peintres(Paris, 1663).
[7] Jacques Ozanam, Cours de mathématiques, Tomes I – V (Paris, 1693).
[8] La salle des Martyrs du Séminaire des Missions étrangères de Paris(Saint-Paul, Bar-le-Duc, 1988) p. 12.
[9] Nguyễn Đình Đăng, Đi tìm một phong cách Hà Nội trong hội hoạ, 14.06.2010.
[10] Michael Walsh, A new dictionary of saints: East and West(Collegeville, Liturgical Press, 2007).
[11] Theo thư giám mục Retard, thừa sai phía tây Bắc Kỳ trong “The new glories of the Catholic church” (1859), chương III.


https://nguyendinhdang.wordpress.com/2014/07/11/14-buc-hoa-cac-thanh-tu-vi-dao-do-cac-hoa-si-viet-nam-ve-vao-t-k-xix/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.