Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

19/10/2016

Suy tư 2010s : Sự tha hóa quyền lực đến một mức độ trầm trọng thì... (bài Vũ Ngọc Hoàng)


Loạt bài suy tư 2010s đang đi dần trên blog này:

Suy tư 2010s : Sự tha hóa quyền lực đến một mức độ trầm trọng thì... (bài Vũ Ngọc Hoàng)

Suy tư 2010s : Ngoại giao văn hóa, và sức mạnh mềm (bài Song Thành)

- Suy tư 2010s : Xã hội Việt Nam đang là của ai (bài Nguyễn Văn Thọ)



Tóm tắt của bác Thợ Cạo:

"
"Nếu để quá nhiều cán bộ đảng viên suy thoái nghiêm trọng về đạo đức thì tổ chức Đảng không còn nguyên bản chất, mà đã thay đổi rồi. "

"Sự tha hóa quyền lực đến một mức độ trầm trọng thì nhà nước thay đổi bản chất, không còn là nhà nước của dân nữa, Đảng cũng sẽ thay đổi bản chất – không còn là Đảng chân chính, và rạn vỡ như một quy luật tự nhiên."

Vũ Ngọc Hoàng - Nguyên Phó ban Tuyên giáo TƯ

"



Toàn văn ở dưới.



---


Nguyên nhân và giải pháp chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống:

Lắng nghe dân và đảng viên không chức quyền nói về suy thoái

 Lâu nay, việc xây dựng Đảng và Nhà nước chủ yếu thực hiện theo hướng “tự mình”. Tự phê bình và phê bình, tự chỉnh đốn, tự đổi mới, tự kiểm tra, tự thanh tra, tự xử lý… Có cấp trên chỉ đạo cấp dưới, nhưng vẫn là trong hệ thống, cũng có nghĩa là vẫn “tự mình”. Chỉ có “tự mình” cũng còn có nghĩa là quyền lực chưa được Nhân dân kiểm soát. 
LTS-Hội nghị lần thứ 4 Ban chấp hành TƯ Đảng khóa 12 đang nhóm họp. Phát biểu khai mạc hội nghị, đề cập nội dung xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Hội nghị lần này cần thảo luận, ra Nghị quyết về "Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ". Đây là vấn đề hệ trọng, vừa cơ bản, vừa cấp bách.
Nhân dịp này, Tuần Việt Nam trân trọng giới thiệu bài viết của ông Vũ Ngọc Hoàng. Mời đọc giả cùng theo dõi và thảo luận.
Không thể phủ nhận những việc đã làm được trong công tác xây dựng Đảng. Nhưng cũng phải nói rằng, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống của cán bộ đảng viên thời gian qua có xu hướng tăng lên, xấu hơn, mặc dù nhiệm kỳ nào Trung ương cũng đều có những chủ trương về xây dựng Đảng.
Từ chỗ có một số đảng viên suy thoái rồi đến một bộ phận, và sau đó là một bộ phận không nhỏ, và trong bộ phận không nhỏ ấy có cán bộ cao cấp. Trong các Nghị quyết của Đảng đã chính thức nhìn nhận tình hình như vậy. Đó là sự nhận định đúng, dù chưa nói hết mức độ nghiêm trọng của tình hình.
Sau Đại hội XII đến nay, Tổng Bí thư và tập thể Bộ Chính trị (tôi nói tập thể) đã có nhiều cố gắng đáng ghi nhận trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, “lợi ích nhóm”. Tuy nhiên, tình hình sẽ chuyển biến ra sao thì cần phải có thời gian để có thể nhận được câu trả lời chính xác.
Hãy lắng nghe nhân dân và đảng viên không có chức quyền nói về sự suy thoái trong Đảng thì sẽ rõ. Bao nhiêu vụ việc tiêu cực, tham nhũng như vậy nhưng tổ chức Đảng không phát hiện được qua sinh hoạt Đảng, mà là do nhân dân, báo chí phát hiện và nói lên. Qua các lần kiểm điểm thường xuyên và kiểm điểm chuyên đề hầu hết đều đánh giá là đảng viên đủ tư cách và hoàn thành tốt hoặc xuất sắc nhiệm vụ, còn tổ chức Đảng thì trong sạch vững mạnh. Bản thân tình hình ấy cũng đã nói lên sự suy thoái.
Về tư tưởng chính trị, điều đáng nói nhất là lòng tin của nhân dân và nhiều cán bộ, đảng viên đối với các cơ quan lãnh đạo của Đảng và Nhà nước đã suy giảm. Đó là một thực tế! Dù ta không muốn vậy, hoặc không muốn nói thế, thì nó vẫn cứ là một thực tế khách quan. Không thể né tránh. Phải nhìn thẳng vào sự thật, đối diện với nó, hiểu nó đến cùng, để từ đó tìm cho ra cách giải quyết hiệu quả nhất. Đó là trách nhiệm, là bản lĩnh, là cách tiếp cận khoa học. Với tình hình của ta như hiện tại, thì đối mặt với sự thật, nói rõ sự thật cũng là giải pháp. Và là giải pháp đầu tiên. Từ đó mà tìm các giải pháp tiếp theo. Còn né tránh nó, che giấu nó, thì tổ chức Đảng sẽ suy yếu.
Kiểm soát quyền lực, Vũ Ngọc Hoàng, Tham nhũng, Lợi ích nhóm, Tự do ngôn luận, Con ông cháu cha, Tam quyền phân lập, Cải cách hành chính, Thi tuyển lãnh đạo, Thi công chức
Công tác cán bộ thì chạy chọt quá nhiều. Ảnh minh họa.
Trong chính trị chân chính (chứ không phải mị dân), khi có lòng tin bền vững của nhân dân là có tất cả. Khi lòng tin không còn thì sẽ mất tất cả. Lòng tin của nhân dân là nền tảng chính trị quan trọng nhất của một chế độ, một chính quyền. Làm hỏng nền tảng ấy thì chông chênh, và nếu không sớm khắc phục, để ngày càng trầm trọng hơn thì trước sau gì cũng sụp đổ. Không thể khác! Không có cái gì thay thế được. Bạo lực càng không phải là giải pháp đối với nhân dân. Thậm chí nó còn là thứ độc hại, làm cho nền tảng chính trị ngày càng thêm rạn nứt và dẫn đến đổ vỡ hoàn toàn.
Vì sao mà lòng tin giảm sút? 
Đừng bao giờ suy nghĩ là tại nhân dân không tốt, không chịu tin lãnh đạo. Nghĩ như thế là nghĩ ngược. “Tiên trách kỷ” là kinh nghiệm và lời khuyên từ cha ông. Lý do đầu tiên, quan trọng nhất, mang tính quyết định, làm cho lòng tin giảm mạnh là sự hư hỏng đạo đức của cán bộ.
Nói cách khác, chính sự suy thoái về đạo đức lối sống là nguyên nhân lớn nhất dẫn đến suy thoái về tư tưởng chính trị. Lòng tin không tự nhiên mà có, cũng không phải bất biến. Khi đạo đức của nhiều cán bộ suy đồi thì người ta không tin vào sự chân chính của tổ chức và từ đó mà dẫn đến không tin vào mục tiêu và con đường của tổ chức ấy.
Nếu để quá nhiều cán bộ đảng viên suy thoái nghiêm trọng về đạo đức thì tổ chức Đảng không còn nguyên bản chất, mà đã thay đổi rồi. Diễn đạt khác, nếu khắc phục được suy thoái về đạo đức của cán bộ thì tự nhiên sẽ cơ bản khắc phục được suy thoái về niềm tin, và cũng có nghĩa là khắc phục cơ bản về suy thoái tư tưởng chính trị. Còn bộ phận không nhỏ cán bộ suy thoái kia thì chính họ đã rời bỏ lý tưởng chân chính rồi, tha hóa về đạo đức rồi, cũng có người sẽ tỉnh ngộ, hối lỗi và phục thiện, nhưng rất ít, chỉ là cá biệt.
Đạo đức là lõi của văn hóa, mà văn hóa là nền tảng của xã hội nói chung, trong đó có chính trị. Văn hóa nhất định phải là nền tảng của chính trị (chân chính), chứ không phải ngược lại. “Chính trị là thống thoái, chính trị quy định văn hóa” là một luận điểm rất sai lầm, phản khoa học. Tất nhiên lòng tin không phải chỉ có đạo đức, nhưng đạo đức là cái nền, là cái đầu tiên. Chính đạo đức mới thể hiện sự chân chính của con người và tổ chức. Còn đương nhiên là không chỉ thế, mà còn trí tuệ và năng lực của cán bộ nữa, mới tạo được niềm tin đầy đủ và bền vững, nhưng trước tiên phải là đạo đức. Đạo đức là cái gốc.
Bản thân lý luận và công tác lý luận của chúng ta còn quá nhiều lạc hậu và yếu kém. Đó cũng là một nguyên nhân làm mất lòng tin. Các nghị quyết của Đảng đã chỉ ra sự lạc hậu và yếu kém này, dù chưa nói hết. Khoa học liên quan đến phương pháp luận đã nhiều chục năm không theo kịp một thế giới biến đổi nhanh chóng theo hướng phi tuyến tính. Lý luận mà nhiều vấn đề không lý, không luận, áp đặt một chiều, không thảo luận, tranh luận đầy đủ, không có phản biện, không tiếp cận đa chiều, đa nguồn mà chủ yếu là đơn tuyến, một nguồn, theo kiểu độc quyền chân lý, làm cho đội ngũ trí thức và tập thể Đảng phải thụ động.
Vài chục năm nay lý luận luôn bị mang tiếng là bảo thủ, giáo điều. Mà nghĩ cũng không phải oan. Hoặc ít ra, họ đã nói đúng trên một phần đáng kể hệ thống lý luận của chúng ta. Không ít vấn đề còn mập mờ, chưa rõ cơ sở khoa học, thậm chí chắp vá, mâu thuẫn nhau, xa thực tế, không có sức thuyết phục. Công tác lý luận với phương pháp tiếp cận chưa khoa học, không bám chắc thực tiễn, cũng tức là đã rời xa nguồn gốc, cơ sở sản sinh ra nó, vì vậy mà ít sức sống; nặng minh họa, ít phản biện và tư duy độc lập, lẫn lộn giữa khoa học và chính trị.
Nhiều trí thức nói là khoa học đã bị chính trị hóa. Không cãi lại họ được đâu. Công tác tư tưởng nói chung còn một chiều, mang tính áp đặt, ai phản biện, nói khác dễ bị quy chụp là “mất quan điểm lập trường”, là “chệch hướng”, thậm chí còn đẩy về phía đối lập.
Với phương pháp tư tưởng như vậy đã tự mình cô lập với thế giới sôi động và chặn đứng con đường tiếp cận chân lý khách quan. Đối với khoa học tự nhiên, có thể một người, một mình ngồi trong phòng thí nghiệm, miệt mài làm việc và tìm ra chân lý. Còn đối với khoa học xã hội thì sự đối thoại, tranh luận bình đẳng chính là con đường tiếp cận chân lý. Không như thế tức là tự mình đã chặn đứng con đường đi đến chân lý khách quan. Có những việc nói một đường trên thực tế lại làm một nẻo, nói duy vật biện chứng nhưng lại nghĩ và làm theo kiểu duy tâm siêu hình.
Một lý do nữa làm mất lòng tin là năng lực lãnh đạo, quản lý còn rất nhiều bất cập so với yêu cầu, không giải quyết nổi các vấn đề của cuộc sống đặt ra, để đất nước bị tụt hậu trên nhiều mặt và thế lực “bành trướng” nước ngoài lấn ép. Khi để đất nước tụt hậu và đạo đức suy đồi thì quá khứ vinh quang ngày hôm trước cũng giảm dần ý nghĩa. Từ đó, cái vốn văn hóa được xây nên bằng máu xương của hàng triệu Đảng viên và Nhân dân trước đây - làm nền tảng cho hôm nay đang bị cạn dần.
Nhiều vụ việc giải quyết thiếu minh bạch, ít ra là thiếu minh bạch về thông tin, làm cho nhân dân nghi ngờ. Nghi ngờ có tham nhũng, hối lộ, “lợi ích nhóm”, dung túng và bao che cho nhau, kể cả nghi ngờ về chính trị nữa (trong quan hệ với láng giềng).
Kiểm soát quyền lực, Vũ Ngọc Hoàng, Tham nhũng, Lợi ích nhóm, Tự do ngôn luận, Con ông cháu cha, Tam quyền phân lập, Cải cách hành chính, Thi tuyển lãnh đạo, Thi công chức
Bao nhiêu vụ việc tiêu cực, tham nhũng như vậy nhưng tổ chức Đảng không phát hiện được qua sinh hoạt Đảng. Ảnh minh họa
Sự thật là có nhiều vụ việc chưa minh bạch. Thất thoát nhiều chục ngàn tỷ trong các vụ việc và tại các tập đoàn kinh tế nhà nước, các ngân hàng đã xảy ra như thế nào, vì sao, nó đi đâu, ai chịu trách nhiệm? Chuyện ép nông dân để lấy đất cho đại gia xây biệt thự, dân “khiếu kiện đông người” thì bị “trấn áp”, có tiêu cực gì trong đó? có “lợi ích nhóm” không? trách nhiệm thuộc ai? công tác cán bộ thì chạy chọt quá nhiều, kể cả chạy luôn vào đại hội (thậm chí lên được chức to), bị đồng tiền và các mối quan hệ không lành mạnh chi phối… Từ đó, người ta đặt câu hỏi không biết chính quyền có còn là của đại đa số nhân dân không?
Rồi chuyện cá chết, biển bị ô nhiễm nặng bởi chất thải công nghiệp đã nửa năm rồi vẫn chưa thấy xử lý trách nhiệm ai? Rồi chuyện hàng trăm xí nghiệp bị đập phá, thủ phạm là ai? xử lý thế nào?....
Không ít việc chúng ta cho là thế lực thù địch chống phá. Chẳng phải họ “tài giỏi” vậy đâu, đừng vô tình nâng cao vai trò của họ. Rồi chuyện “tham nhũng quyền lực”, chạy chức chạy quyền, ai cũng thấy nhưng chẳng cơ quan nào đưa ra giải pháp ngăn chặn, trong khi đó vẫn còn lặp lại câu hỏi chứng cứ đâu, ai chạy và chạy ai?... Đã có bao nhiêu cuộc lợi dụng đầu tư dự án và lợi dụng cổ phần hóa, mua bán doanh nghiệp để chia chác ngân sách và tài sản của nhà nước?
Còn nhiều chuyện nữa, vẫn mập mờ, không thấy rõ trách nhiệm thuộc về ai và lối ra ở đâu. Sở dĩ cán bộ, đảng viên và nhân dân nghi ngờ là có lý do chứ, và họ có quyền chứ, sao lại không? Không thể cấm mọi người nghi ngờ, càng không được quy chụp là “phản động”, cách ấy là cách tự mình đối lập lại với nhân dân – những con người mà lòng tin của họ là nền tảng chính trị của quốc gia.
Còn sự suy thoái về đạo đức (cả lối sống) của cán bộ? Đạo đức xã hội nói chung cũng là môi trường sống đối với cán bộ. Vì vậy, khi đạo đức xã hội suy đồi thì nó cũng tác động tiêu cực trở lại đối với đạo đức cán bộ. Nhưng không vì thế mà đổ lỗi cho xã hội, lẩn tránh trách nhiệm khi cho rằng: đạo đức cán bộ suy thoái là do đạo đức xã hội suy đồi. Nói thế là nói ngược, ngụy biện, biến thứ yếu thành chủ yếu, làm lẫn lộn giữa nguyên nhân và kết quả.
Trong mối quan hệ giữa đạo đức xã hội và đạo đức cán bộ thì đạo đức xã hội là hệ quả của đạo đức cán bộ. Khi đạo đức cán bộ suy thoái thì đó là nguyên nhân quan trọng nhất dẫn đến đạo đức xã hội suy đồi. Như trong một “gia đình”, có đứa con hư hỏng thì đó là sự hư hỏng của một đứa con, còn nếu bố mẹ hư hỏng thì cả nhà sẽ hư hỏng theo, mất cả thế hệ nối tiếp. Các triều đại phong kiến Việt Nam, khi nào triều đình tha hóa thì bên ngoài xã hội đạo đức suy đồi, loạn lạc và giặc giã nổi lên. “Thượng bất chính, hạ tất loạn” – câu ấy người xưa đã tổng kết.
Sự suy đồi đạo đức xã hội nói chung ở nước ta đang có nhiều biểu hiện rất đa dạng, phức tạp và nghiêm trọng. Trong đó, đáng lưu ý bậc nhất là: tham nhũng, “lợi ích nhóm”; hối lộ, chạy án, chạy chức, chạy tội; giả dối và gian lận; bất chấp pháp luật; bạo lực và giết người…
Tình hình trên có một phần do sự tác động tiêu cực từ mặt trái của cơ chế thị trường. Tuy nhiên, không thể đổ lỗi cho cơ chế ấy, bởi nó là thế, luôn có hai mặt: mặt tích cực là chủ yếu, sự lựa chọn kinh tế thị trường là đúng đắn, đồng thời có mặt trái, tiêu cực, là mặt thứ yếu. Nói mặt trái mặt phải chẳng qua chỉ là cách nói, còn thực ra mọi thứ đều có  mặt này và mặt kia hợp lại mà thành. Nó không thể khác. Cũng là dễ hiểu, hầu hết các vấn đề của đời sống xã hội đều có hai mặt như vậy, ngay cả thuốc chữa bệnh cũng có tác dụng phụ. 
Nhiệm vụ và năng lực của những người lãnh đạo, quản lý là phải biết phát huy mặt tốt và hạn chế ngăn ngừa tác động của mặt xấu. Đất nước cần lãnh đạo là cần như vậy! Nhiều nước họ còn Kinh tế thị trường đầy đủ hơn ta, thời gian dài hơn ta, nhưng mặt trái của kinh tế thị trường không làm tha hóa như vậy?
Mặt trái của cơ chế thị trường có tác động xấu đối với đạo đức xã hội, nhưng nó không phải là thủ phạm chính. Vậy thủ phạm chính ở đâu? Đáng lưu ý nhất là sự tha hóa quyền lực. Đó là nguyên nhân chính yếu gây nên mọi hư hỏng. Tôi dùng từ tha hóa quyền lực là nói gọn, nói tắt, còn nói rõ hơn thì đó là sự tha hóa của những con người được sử dụng quyền lực, là sự lộng quyền vì lợi ích cá nhân, những người được giao quyền lực không sử dụng đúng mục đích để bảo vệ và phục vụ nhân dân, kiến tạo và quản trị quốc gia phát triển, mà ngược lại coi đó là phương tiện phục vụ mục đích cá nhân, chà đạp công lý, ức hiếp mọi người và gian lận thu vén.
Quyền lực là công cụ rất hữu hiệu để tập hợp lực lượng nhằm xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nếu như nó được trao đúng cho những người có đủ nhân cách tốt. Mặt khác, nó luôn làm tha hóa những người sử dụng quyền lực, nếu họ không đủ nhân cách và quyền lực không được kiểm soát. Chức quyền càng lớn hoặc sử dụng càng lâu thì nguy cơ tha hóa càng nhiều. Sự tha hóa quyền lực đến một mức độ trầm trọng thì nhà nước thay đổi bản chất, không còn là nhà nước của dân nữa, Đảng cũng sẽ thay đổi bản chất – không còn là Đảng chân chính, và rạn vỡ như một quy luật tự nhiên. Bài học này đã được thực tế chứng minh hồi đầu thập niên 90 của thế kỷ trước tại Đông Âu và Liên Xô cũ.
Kiểm soát quyền lực, Vũ Ngọc Hoàng, Tham nhũng, Lợi ích nhóm, Tự do ngôn luận, Con ông cháu cha, Tam quyền phân lập, Cải cách hành chính, Thi tuyển lãnh đạo, Thi công chức
không thỏa hiệp các vụ tiêu cực đã xảy ra, minh bạch tất cả thông tin cho nhân dân biết để lấy lại lòng tin. Ảnh minh họa
Đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ theo hướng phải tranh cử gắn với mở rộng quyền đề cử của các tổ chức chính trị - xã hội và tổ chức xã hội, cũng như quyền ứng cử của các cá nhân. Không có tranh cử thì cơ chế ấy sẽ dẫn đến tha hóa đội ngũ cán bộ, giống như muôn loài khi tách khỏi “chọn lọc tự nhiên”. 
Trong điều kiện một Đảng thì tất nhiên là khó hơn. Nhưng không có nghĩa là hoàn toàn không làm được. Và nhất thiết phải làm. Trong khi một Đảng lãnh đạo thì Đảng ấy nhất thiết phải giương cao ngọn cờ dân chủ, tổ chức Đảng chủ yếu là lãnh đạo, thuyết phục về tiêu chuẩn cán bộ, hạn chế tối đa việc giới thiệu nhân sự cụ thể, chỉ tổ chức hiệp thương giới thiệu một số ít trường hợp để làm chủ chốt với các phương án khác nhau không có quân “xanh” quân “đỏ”; khắc phục tối đa tình trạng “một mình một sân”, “Đảng cử dân bầu”, đồng thời phát huy cao nhất vai trò tự chủ của các đoàn thể chính trị xã hội và các hội trong việc chọn người ra tham gia tranh cử. Đó cũng là nói về vai trò của xã hội dân sự lành mạnh.
Đối với cán bộ lãnh đạo, cán bộ qua bầu cử, là vậy. Còn đối với cán bộ chuyên môn thì phải thông qua thi cử công khai và công bằng. Giảm mạnh bộ máy và nâng lương cao lên cho cán bộ, không để cán bộ sống chủ yếu bằng các nguồn “thu nhập khác” như hiện nay. [Xin hãy đừng nói với tôi rằng không có ngân sách lấy gì mà nâng lương ? Chẳng qua chỉ là thay đổi cách quản trị quốc gia].
Việc xử lý nghiêm minh các vụ tiêu cực là hết sức cần thiết, nhất định không được bỏ qua vụ nào, dù phải động chạm đến bất kỳ ai. Mọi sự bao che hoặc dung túng cho “quan tham” đều là con đường dẫn đến sụp đổ chế độ. Tập thể các Ban Chấp hành và những đảng viên chân chính không được thụ động, thả tay, thừa nhận bất lực, mà phải kiên cường và chủ động tham gia cuộc chiến chống tham nhũng, “lợi ích nhóm” - ủng hộ mạnh mẽ những việc làm đúng, nhất là trong việc chống “lợi ích nhóm” và chống bảo thủ (thúc đẩy đổi mới) của Tổng Bí thư và tập thể Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong cuộc chiến này.
Trong số các nhóm giải pháp, việc xử lý các vụ tiêu cực viết sau không có ý rằng nó ít quan trọng, mà vì nó chủ yếu là giải quyết hậu quả, giải quyết cái đã xảy ra rồi, vẫn rất quan trọng, nếu xử lý nghiêm sẽ có tác dụng răn đe. Nhưng dù sao thì nó vẫn không phải là cách trực tiếp ngăn chặn từ đầu. Nếu chúng ta chỉ tập trung công sức cho việc xử lý cái đã xảy ra, thì đề phòng trong khi giải quyết được vài ba vụ, có thể đã phát sinh thêm năm bảy vụ mới, tổng số tồn đọng vẫn cứ không giảm, mà có thể nhiều hơn. Cho nên phải tập trung nhiều nhất cho việc ngăn chặn đầu vào, giải quyết từ gốc cái điều kiện và tác nhân sinh ra tiêu cực, đồng thời xử lý một cách kiên quyết, không dung túng, không khoan nhượng, không thỏa hiệp các vụ tiêu cực đã xảy ra, minh bạch tất cả thông tin cho nhân dân biết để lấy lại lòng tin.
Trong nhiều trường hợp, việc minh bạch thông tin còn công hiệu hơn kỷ luật, vì cái xấu không còn nơi ẩn nấp. Nếu không minh bạch thông tin, cứ để mập mờ, thì mọi người sẽ nghi ngờ tất cả, người tốt và liêm khiết cũng bằng nhau với người xấu và tham nhũng, không còn ai tốt cả, vậy thì nhân dân biết tin vào đâu.
Hà Nội 10/2016
TS. Vũ Ngọc Hoàng
http://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/tieudiem/333367/lang-nghe-dan-va-dang-vien-khong-chuc-quyen-noi-ve-suy-thoai.html


Bao che, dung túng “quan tham” sẽ dẫn đến kết cục xấu

 ‘Bao nhiêu vụ tham nhũng hầu hết do quần chúng và báo chí phát hiện, tổ chức Đảng không phát hiện vụ nào. Chủ động vẫn là cần nhưng phải chủ động tích cực, có bản lĩnh, có trí tuệ.’
LTSTiếp tục bàn về nguyên nhân và giải pháp chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, TS Vũ Ngọc Hoàng quả quyết, các nhóm giải pháp quan trọng nhất gồm: Kiểm soát quyền lực; tự do tư tưởng, tự do ngôn luận và minh bạch thông tin; đổi mới cơ chế quản lý; cải cách bộ máy và đổi mới công tác cán bộ; xử lý nghiêm minh các vụ tiêu cực.
Những năm gần đây Nghị quyết của Đảng có nói đến việc dựa vào dân để xây dựng Đảng. Hồ Chí Minh đã nói lâu rồi. Tư duy ấy tiến bộ, nhưng thực hiện còn quá ít, chỉ mới coi như một kênh thông tin tham khảo. Không ít trường hợp ở dưới nói, trên không nghe, lại còn định kiến, đối phó, thậm chí cả trù dập. Ở dưới chán, và sợ, không nói nữa. Cấp trên cũng ngại động chạm với cấp dưới, mà trên – dưới cũng đều bị bệnh giống nhau nên cùng “dễ người dễ ta”. Cuối cùng cấp nào lại quay về với cấp ấy. Và lại “tự mình”. “Tự mình” cũng không sai, cũng đúng – phải chủ động, không để bị động. Bị động thì kết quả thấp, thậm chí có lúc hỏng việc.
Đồng thời cần lưu ý việc “tự mình” chỉ đạt kết quả khi cán bộ và tổ chức còn lành mạnh, sinh hoạt nội bộ có tính chiến đấu và tính giáo dục cao; còn khi đã hư hỏng thì “tự mình” không có kết quả, kiểm điểm phê bình chỉ là hình thức cho qua chuyện hoặc là nhân cơ hội ấy mà đấu đá lẫn nhau. Nói chung không nên quá mong đợi một người đã hư hỏng bỗng “tự mình” tốt lên. Bao nhiêu vụ tham nhũng hầu hết do quần chúng và báo chí phát hiện, tổ chức Đảng không phát hiện vụ nào. Chủ động vẫn là cần nhưng phải chủ động tích cực, có bản lĩnh, có trí tuệ.
Từ nay, một mặt vẫn quan tâm tính chủ động “tự mình” nhưng mặt khác phải thật sự dựa vào dân. Đây cũng là tư tưởng lấy dân làm gốc. Phải lấy dân để rèn Đảng, nếu không muốn Đảng hư. “Tự mình” và “dựa dân” như hai mặt của một vấn đề, song song, “cân đối”, quan trọng ngang nhau, không xem nhẹ việc dựa dân, không phải là tham khảo nhân dân, mà là hỏi dân, xin ý kiến nhân dân để nhân dân quyết định. Không coi dân là cấp dưới. Luôn luôn giữ vững tính chất nhân dân của Đảng và Nhà nước. Đảng và Nhà nước đều vì dân và của dân. Quay trở lại đúng tư tưởng Hồ Chí Minh: Đảng là con nòi của dân tộc. Cuộc sống của nhân dân là mục tiêu cao nhất của Đảng và Nhà nước.
Trịnh Xuân Thanh, Đảng lãnh đạo, Đổi mới, Cải cách thể chế chính trị, kiểm soát quyền lực
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo tiếp tục đẩy nhanh tiến độ xử lý một số vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng.
Đổi mới mạnh mẽ và căn bản phương thức lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước theo hướng thực hành dân chủ rộng rãi và không chồng chéo công việc giữa Đảng với nhà nước. Đảng lãnh đạo bằng những giá trị chứ không phải bằng quyền lực, như cách trước đây Đảng nhờ nó mà thành lãnh đạo, không can thiệp sâu vào công việc của Nhà nước, tập hợp trí tuệ, thuyết phục và nêu  gương, đối thoại bình đẳng để cảm hóa  bằng lẽ phải, không dùng mệnh lệnh hành chánh hoặc quyền lực, không áp đặt độc quyền chân lý; phát hiện và giới thiệu hiền tài cho nhân dân xem xét lựa chọn chứ không phải “Đảng cử dân bầu” với nghệ thuật sắp đặt.
Đảng phải luôn giương cao ngọn cờ dân tộc và dân chủ mà Đảng đã nêu ra từ ngày thành lập, sau này nhiều lúc đã lãng quên và không ít vi phạm. Lấy dân làm thước đo để đánh giá Đảng. Thường xuyên điều tra và công bố kết quả điều tra dư luận xã hội đánh giá về tổ chức và cán bộ của Đảng và nhà nước, kể cả việc sử dụng các tổ chức đánh giá độc lập.
Theo tôi, các nhóm giải pháp quan trọng nhất gồm: Kiểm soát quyền lực; tự do tư tưởng, tự do ngôn luận và minh bạch thông tin; đổi mới cơ chế quản lý; cải cách bộ máy và đổi mới công tác cán bộ; xử lý nghiêm minh các vụ tiêu cực. Trong năm nhóm giải pháp nêu trên, mỗi nhóm đều có ý nghĩa và vị trí riêng, không cần phải xác định cái nào quan trọng hơn cái nào. Tuy nhiên, nếu bị buộc phải chọn một giải pháp duy nhất thì tôi sẽ chọn vấn đề kiểm soát quyền lực, đồng thời đề nghị thêm giải pháp thứ hai thuộc về tự do tư tưởng, ngôn luận và minh bạch thông tin.
Đã có nhiều Nghị quyết của Đảng và Nhà nước về chống tham nhũng, suy thoái. Gần nhất có Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI được cán bộ, đảng viên và nhân dân hoan nghênh, đồng tình. Các Nghị quyết ấy nhìn chung không có gì sai trái và cũng đã được tổ chức thực hiện một cách tích cực, khá vất vả, tốn nhiều công sức. Nhưng kết quả vẫn hạn chế, chưa có chuyển biến đáng kể, về cơ bản tình hình vẫn vậy, thậm chí có mặt còn xấu hơn.
Phải xem lại trong các Nghị quyết ấy còn thiếu điều gì? đã trúng chưa? Theo tôi, còn thiếu những biện pháp cụ thể về kiểm soát quyền lực ; thực thi dân chủ rộng rãi, tự do ngôn luận và minh bạch thông tin; đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ. Như phần trên đã nói, quyền lực không được kiểm soát tất yếu sẽ dẫn đến lộng quyền và tha hóa. Tham nhũng và “lợi ích nhóm” thường gắn với quyền lực, liên quan đến cán bộ có chức quyền, có sự liên kết chặt chẽ giữa tiền và quyền. Nước ta, việc kiểm soát quyền lực và tự do ngôn luận, minh bạch thông tin và công tác cán bộ hầu như còn khuyết điểm ở rất nhiều khâu.
Cần sớm nghiên cứu kinh nghiệm kiểm soát quyền lực của các mô hình phân quyền ở các nước tiên tiến giữa ba nhánh quyền lực (mà lâu nay ta gọi họ là tam quyền phân lập) nhằm kiểm soát chéo và điều chỉnh lẫn nhau, chống lạm quyền, khi đã sai thì sớm phát hiện và kịp thời sửa chữa; kể cả kinh nghiệm phân quyền giữa các cơ quan trong cùng một nhánh quyền lực, nhất là hành pháp và tư pháp. Tổ chức Đảng không sử dụng quyền lực nhà nước và phải chịu sự kiểm soát của nhân dân, của nhà nước và của cơ quan giám sát do đại hội cử ra.
Tiếp tục thực hiện tốt hơn việc bỏ phiếu đánh giá hằng năm của cấp ủy và hội đồng nhân dân các cấp, Trung ương và Quốc hội đối với các chức danh do các cơ quan ấy bầu cử và phê chuẩn. Ban hành luật trưng cầu dân ý; về tự do ngôn luận, tự do thể hiện chính kiến. Nghiên cứu sửa đổi các điều luật về tội tuyên truyền chống nhà nước nhằm bảo đảm cho “ông chủ” nhân dân được quyền phê phán “các đầy tớ” khi họ làm sai, làm hỏng hoặc gian lận, lộng quyền mà “ông chủ” không bị “đầy tớ” tống giam.
Nghiêm cấm việc bịa chuyện vu cáo, qui chụp, xúc phạm nhân phẩm, vi phạm nhân quyền và tự do cá nhân của người khác, kể cả lãnh đạo và nhân dân; ra qui định về đạo đức công vụ; về trách nhiệm giải trình và minh bạch thông tin; về sự lành mạnh, nhân văn và mở rộng tự do trong truyền thông. Chính tự do ngôn luận sẽ góp phần tích cực đưa nhân dân lên vị trí làm chủ, tham gia kiểm soát quyền lực và thúc đẩy đổi mới lý luận và công tác tư tưởng để không bị lạc hậu và gắn với thực tiễn; đồng thời lại giúp cho nhân dân có thông tin về tư cách cán bộ, để không chọn nhầm người vào bộ máy lãnh đạo.
Trong đổi mới cơ chế quản lý, cần tiếp tục thực hiện Kinh tế thị trường đầy đủ, không để bị biến dạng, đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước để các nhà đầu tư tham gia quản trị doanh nghiệp; lấy kinh tế tư nhân làm động lực chính để tiến lên; thực hiện bình đẳng giữa các loại doanh nghiệp của các thành phần kinh tế khác nhau; lực lượng công an, quân đội nói chung không nên làm kinh tế; kiên quyết bỏ cơ chế chủ quản các doanh nghiệp; xóa bỏ cơ chế xin – cho; cải cách chế độ thuế bất động sản theo hướng đánh thuế lũy tiến về đất đai nhằm chống đầu cơ và khắc phục bất bình đẳng quá mức trong khoảng cách giàu nghèo ngày càng phân hóa lớn; nghiên cứu chế độ đa sở hữu đối với đất ở, đất vườn và đất nông nghiệp.
Trước mắt cần thay đổi căn bản cách thu hồi đất nhân dân đang sử dụng. Theo đó, chỉ thu hồi cho dự án trực tiếp phục vụ quốc phòng, phúc lợi xã hội, xây dựng hạ tầng công cộng. Ngoài ra, đối với các dự án khác thì nhà đầu tư phải thỏa thuận mua bán với người dân. Lâu nay, lợi dụng chế độ quản lý đất đai hiện hành, tham nhũng và “lợi ích nhóm” về đất đai là khá phổ biến, cần sớm khắc phục tiêu cực do cơ chế quản lý đất đai và tạo điều kiện cho người nông dân có sở hữu đối với tư liệu sản xuất chủ yếu trong nông nghiệp, để trên cơ sở đó mà tham gia làm chủ xã hội.
Để có thể nâng cao chất lượng lãnh đạo của Đảng; Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Ban Thường vụ các cấp ủy cần có kế hoạch cụ thể để ngày càng mở rộng dân chủ trong Đảng và trong xã hội, tập hợp nhân tài, trí thức vào bộ máy lãnh đạo các cấp với ý thức rằng trí thức chính là lực lượng đại diện cho phương thức sản xuất tiên tiến nhất trong thời đại hậu công nghiệp, kinh tế tri thức. [Tôi muốn nói đến trí thức chân chính và thực chất, chứ không phải những người chạy theo bằng cấp vì trong quy hoạch đã ghi một cách rất hình thức ấy].
Trên cơ sở tiếp thu tinh hoa văn hóa dân tộc và nhân loại, tự do tư tưởng và đa dạng về văn hóa, các cấp ủy Đảng phải thường xuyên đổi mới tư duy, nâng cao trí tuệ, để đủ sức tham gia công cuộc khai hóa văn minh của dân tộc thay cho các tư tưởng bảo thủ, giáo điều, xa rời thực tế. Đặc biệt lưu ý đổi mới căn bản tư duy lý luận và công tác lý luận, thay đổi hẳn cách tiếp cận, lấy tinh hoa văn hóa dân tộc và nhân loại, cộng với cập nhật thường xuyên các tư tưởng mới và tiến bộ khoa học công nghệ làm nền tảng, thực hiện đối thoại bình đẳng giữa các quan điểm khác nhau, tập họp anh chị em trí thức để đồng hành và hợp tác trong phát triển bền vững đất nước.
Cải tổ bộ máy, bỏ trùng lắp và chồng chéo về chức năng nhiệm vụ giữa hệ thống Đảng và hệ thống nhà nước, hệ thống dân vận, thật sự khắc phục tình trạng ở nước ta cùng lúc có 3 bộ máy đều được trả lương bằng ngân sách nhà nước (tức là tiền thuế của dân). Trên cơ sở đó mà bỏ bớt các bộ phận dư thừa trong hệ thống chính trị, tinh gọn biên chế và làm rõ hơn trách nhiệm của các cơ quan và cá nhân từng người lãnh đạo, từ đó dễ xử lý trách nhiệm trong các sai trái. Nước ta có rất nhiều việc làm hư hại uy tín của Đảng, Nhà nước và tài sản của quốc gia, nhưng quá ít trường hợp bị xử lý về trách nhiệm, không thấy ai từ chức và cũng ít thấy ai bị cách chức. Cần phải nghiêm túc sửa chữa tình trạng vô trách nhiệm này.
Đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ theo hướng phải tranh cử gắn với mở rộng quyền đề cử của các tổ chức chính trị - xã hội và tổ chức xã hội, cũng như quyền ứng cử của các cá nhân. Không có tranh cử thì cơ chế ấy sẽ dẫn đến tha hóa đội ngũ cán bộ, giống như muôn loài khi tách khỏi “chọn lọc tự nhiên”. Trong điều kiện một Đảng thì tất nhiên là khó hơn. Nhưng không có nghĩa là hoàn toàn không làm được. Và nhất thiết phải làm.
Trịnh Xuân Thanh, Đảng lãnh đạo, Đổi mới, Cải cách thể chế chính trị, kiểm soát quyền lực
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: TTXVN
Trong khi một Đảng lãnh đạo thì Đảng ấy nhất thiết phải giương cao ngọn cờ dân chủ, tổ chức Đảng chủ yếu là lãnh đạo, thuyết phục về tiêu chuẩn cán bộ, hạn chế tối đa việc giới thiệu nhân sự cụ thể, chỉ tổ chức hiệp thương giới thiệu một số ít trường hợp để làm chủ chốt với các phương án khác nhau không có quân “xanh” quân “đỏ”; khắc phục tối đa tình trạng “một mình một sân”, “Đảng cử dân bầu”, đồng thời phát huy cao nhất vai trò tự chủ của các đoàn thể chính trị xã hội và các hội trong việc chọn người ra tham gia tranh cử. Đó cũng là nói về vai trò của xã hội dân sự lành mạnh.
Đối với cán bộ lãnh đạo, cán bộ qua bầu cử, là vậy. Còn đối với cán bộ chuyên môn thì phải thông qua thi cử công khai và công bằng. Giảm mạnh bộ máy và nâng lương cao lên cho cán bộ, không để cán bộ sống chủ yếu bằng các nguồn “thu nhập khác” như hiện nay. [Xin hãy đừng nói với tôi rằng không có ngân sách lấy gì mà nâng lương ? Chẳng qua chỉ là thay đổi cách quản trị quốc gia].
Việc xử lý nghiêm minh các vụ tiêu cực là hết sức cần thiết, nhất định không được bỏ qua vụ nào, dù phải động chạm đến bất kỳ ai. Mọi sự bao che hoặc dung túng cho “quan tham” đều là con đường dẫn đến kết cục xấu. Tập thể các Ban Chấp hành và những đảng viên chân chính không được thụ động, thả tay, thừa nhận bất lực, mà phải kiên cường và chủ động tham gia cuộc chiến chống tham nhũng, “ lợi ích nhóm” - ủng hộ mạnh mẽ những việc làm đúng, nhất là trong việc chống “ lợi ích nhóm” và chống bảo thủ (thúc đẩy đổi mới) của Tổng Bí thư và tập thể Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong cuộc chiến này.
Trong số các nhóm giải pháp, việc xử lý các vụ tiêu cực viết sau không có ý rằng nó ít quan trọng, mà vì nó chủ yếu là giải quyết hậu quả, giải quyết cái đã xảy ra rồi, vẫn rất quan trọng, nếu xử lý nghiêm sẽ có tác dụng răn đe. Nhưng dù sao thì nó vẫn không phải là cách trực tiếp ngăn chặn từ đầu.
Nếu chúng ta chỉ tập trung công sức cho việc xử lý cái đã xảy ra, thì đề phòng trong khi giải quyết được vài ba vụ, có thể đã phát sinh thêm năm bảy vụ mới, tổng số tồn đọng vẫn cứ không giảm, mà có thể nhiều hơn. Cho nên phải tập trung nhiều nhất cho việc ngăn chặn đầu vào, giải quyết từ gốc cái điều kiện và tác nhân sinh ra tiêu cực, đồng thời xử lý một cách kiên quyết, không dung túng, không khoan nhượng, không thỏa hiệp các vụ tiêu cực đã xảy ra, minh bạch tất cả thông tin cho nhân dân biết để lấy lại lòng tin.
Trong nhiều trường hợp, việc minh bạch thông tin còn công hiệu hơn kỷ luật, vì cái xấu không còn nơi ẩn nấp. Nếu không minh bạch thông tin, cứ để mập mờ, thì mọi người sẽ nghi ngờ tất cả, người tốt và liêm khiết cũng bằng nhau với người xấu và tham nhũng, không còn ai tốt cả, vậy thì nhân dân biết tin vào đâu.
Hà Nội 10/2016
TS. Vũ Ngọc Hoàng
http://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/tieudiem/333395/bao-che-dung-tung-quan-tham-se-dan-den-ket-cuc-xau.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.