Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

07/09/2016

Khai giảng 2016 : trường học ở bản Lũng Luông, anh Châu và chị Phượng

Anh Châu là Ngô Bảo Châu, và chị Phượng là Nguyễn Thanh Phượng.

Lũng Luông là địa danh thấy nhiều ở vùng miền núi phía Bắc, ở đây là Lũng Luông thuộc Võ Nhai (tỉnh Thái Nguyên).








Tin từ Fb Hương Lãnh.














Dưới là chép nguyên về.



---



"


Đây là Lũng Luông. Before và After. Ảnh trên do người khác chụp năm 2014, ảnh dưới tôi chụp hôm 5/9 năm 2016. Sự thay đổi của một ngôi trường, hay một con người, thường không thể nào thể hiện đủ qua những gì chúng ta thường thấy trong các bức ảnh. Ví dụ, hai bức ảnh Before và After của Hoa hậu Mai Phương Thúy sẽ khiến người ta quên mất rằng giữa cô gái đen nhẻm kia và người đẹp nõn nà này là 15 năm cuộc đời.
Còn giữa Lũng Luông Before và After là 2 năm của rất nhiều cuộc đời. Những bức ảnh trông lam lũ 2 năm trước, đăng báo rộng rãi, cho người ta thấy những đứa trẻ thiếu thốn nhiều mặt trong một ngôi trường có nền đất “nhão như ruộng cấy” vào ngày mưa. Những bức ảnh trông vui vẻ, 2 ngày trước, cho người ta thấy một ngôi trường có nền bê tông, những đứa trẻ đang cười vì được xem ảo thuật trong lễ khánh thành. Nụ cười là thật. Tìm mỏi mắt không thấy một gương mặt buồn.

Hai hình ảnh đó đặt cạnh nhau, cũng giống như hai hình ảnh về giáo sư Ngô Bảo Châu đứng trong cùng một lớp học, Before và After, với sự thay đổi quá lớn dễ khiến người ta liên tưởng đến phép màu. Cứ như trong đêm, ông tiên nào đó đã thực hiện động tác “vẫy chiếc đũa thần” trong truyền thuyết.

Nhưng chẳng có đũa thần nào cả (thời này không phải thời cô Tấm). Mà là nhiều tỷ đồng cũng hàng trăm nghìn giờ lao động của hàng trăm con người. Có người chị của Quỹ Trò nghèo Vùng cao, đến ngày ngôi trường ra mắt, chính thức kiệt sức. Đường lên Lũng Luông có những đoạn dốc 77 độ (không chính xác đâu, chỉ là tôi thích số 7), cảnh đẹp nín lặng. Hơn Tam Đảo. Hơn cả Ba Vì. Nhưng không du lịch được (may quá, dân bản vẫn còn hồn nhiên). Trước đó không có đường bê tông. Người ta phải làm đường. Rồi mới làm trường. (Vẫn còn rẻ hơn xây tượng). Chỉ tốn sức người. Lòng người nữa.

Và Ngô Bảo Châu cũng không phải ông tiên. Anh là con người thôi (giỏi toán hơn chúng ta một chút). Khi đi lên Lũng Luông, anh không... bay, cũng không “trèo đèo lội suối bằng đôi chân của mình” như nhiều người đang sáo ngữ ca ngợi (sự giỏi toán giúp anh hiểu rằng đi bộ đường đèo dốc 77 độ là không khôn ngoan). Anh đi ô tô, 19 chỗ, ngồi cạnh kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào (người vẫn miệt mài chứng minh 1+1>2).

Ngồi ngay sau 2 anh là nhà hảo tâm, chị Nguyễn Thanh Phượng, người bỏ gần hết số tiền xây trường chỉ với điều kiện: loài cây mang tên chị sẽ được trồng trong sân trường để tỏa bóng mát và cung cấp view đẹp cho lũ trẻ vào mùa hè.

Trước đây tôi hay băn khoăn vì “kích dục thương hại”. Là chụp ảnh những đứa bé nghèo trong không gian khổ. Nhưng không có ảnh (Before) thì không có trường (After). Không có khổ (Before) thì không có cười (After). Không được “gõ” vào lương tri, ai sẽ đi xây trường? Trong khi vẫn xây nhiều thứ vớ vẩn khác.


Điều quan trọng nhất là những đứa trẻ được học.
Điều quan trọng nhất là những đứa trẻ được đọc.

- Facebook Mi Ly -
https://www.facebook.com/groups/comcothit/permalink/1288978721142120/
"

---





BỔ SUNG

"
Trần Đăng Tuấnさんが動画2件を追加しました。
3時間前
Hình ảnh Tiểu học và Mầm Non Lũng Luông ngày khánh thành trường mới 5.9.2016. Học sinh tập trung trong sân xem các chú ở Hà nội lên biểu diễn ảo thuật. Ít lâu nữa cây mới trồng sẽ làm trường xanh mát hơn (Các bạn có thể thấy có hai mái nhà cũ còn lại, là lớp học Mầm Non trước đây).

Trường được xây dựng theo đúng thiết kế (KTS Hoàng Thúc Hào) trong hình ảnh 3D cách đây 1,5 năm.

Nhà tài trợ: Phoenix Foundation (TP. Hồ Chí Minh)

Tài trợ thiết kế: Công ty cổ phần kiến trúc quốc tế 1+1>2

Tài trợ thiết bị, đồ dùng học tập: Tập đoàn công nghệ Honeywell, Trung tâm hợp tác Trí tuệ Việt ViCC, Công ty Nam Hải, Công ty AVG, CCT Nagoya (Nhật Bản), các Tình nguyện viên CCT....

Chủ đầu tư: Quỹ Trò Nghèo Vùng Cao (Chương trình Cơm Có Thịt).

https://www.facebook.com/trandangtuanavg/posts/1042421692541080?pnref=story
"




09:52 ngày 06 tháng 09 năm 2016
Nghiêm Huê

Tiết giảng đặc biệt của Giáo sư Ngô Bảo Châu

TPO - Lớp 1A của trường tiểu học Lũng Luông, xã Thường Nung, huyện Võ Nhai, Thái Nguyên chiều qua là một buổi chiều đặc biệt. Vì trên bục giảng, người đứng giảng hàng ngày cho các em học sinh không phải là cô giáo chủ nhiệm mà là GS. Ngô Bảo Châu.
GS.NGô Bảo Châu nói chuyện với học sinh lớp 1A của trường tiểu học Lũng Luông.GS.NGô Bảo Châu nói chuyện với học sinh lớp 1A của trường tiểu học Lũng Luông.
Có một chút ngơ ngác khi người bước vào lớp không phải là cô giáo chủ nhiệm nên các em học sinh có phần bối rối. Tuy nhiên, vì các em học sinh lớp 1 của trường 100% là học sinh người dân tộc H’Mông nên tiếng Việt chưa sõi, chưa nghe được nhiều từ nên GS. Ngô Bảo Châu và các em vẫn cần "người phiên dịch" là cô giáo chủ nhiệm. Màn chào hỏi diễn ra khá sôi nổi. Vốn sống trong điều kiện kinh tế khó khăn nên thể chất của học sinh trong trường không như những vùng thuận lợi. Các em ngồi hay đứng cũng chỉ cao hơn mặt bàn học một chút. Tuy nhiên, khi được giới thiệu tên, các em đều nói tròn vành rõ chữ.
Tiết học bắt đầu với một phép tính  của GS. Ngô Bảo Châu 1 + 1 = ?.
Kết quả của phép tính khi được hỏi các em đều trả lời đúng. Nhưng bất ngờ, GS. Ngô Bảo Châu đặt phép tính 1+1>2?
- Phép tính này đúng không, các em?
- Có ạ! – cả lớp đồng thanh.
Nhưng không học sinh nào giải thích được lý do. Lúc đó, GS. Ngô Bảo Châu tươi cười cho biết, phép tính này đúng khi có thêm một ký hiệu đó là cần thêm một trái tim bao quanh dấu cộng (+). Cả lớp cùng giáo viên chủ nhiệm thích thú cười ồ. Và tiết học kết thúc.
Niềm vui của học trò vùng cao
Hôm qua, 5/9, hòa chung không khí khai giảng của cả nước, thầy cô và học sinh trường tiểu học Lũng Luông, xã Thường Nung, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên còn có thêm một niềm vui mới là được học trong ngôi trường mới khang trang, sạch đẹp và có một kiến trúc đậm chất nghệ thuật.
Trường tiểu học Lũng Luông được tách ra từ trường tiểu học Thường Nung năm 2014, với 2 điểm trường, 136 học sinh. Xã Thường Nung là một trong xã thuộc chương trình 135  của Chính Phủ và Lũng Luông là xóm khó khăn nhất của huyện Võ Nhai. Cách trung tâm huyện 40km, người dân nơi đây sống chủ yếu bằng làm nương rẫy, điều kiện kinh tế gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 90%. Các em học sinh chủ yếu là con gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn sống trên địa bàn xã.
Phát biểu tại buổi lễ khai giảng và khánh thành trường hôm qua, GS. Ngô Bảo Châu, chủ tịch danh dự quỹ Học trò nghèo vùng cao đã kể lại câu chuyện cách đây 2 năm khi GS đặt chân tới vùng đất đặc biệt khó khăn này. GS cho biết: “Cách đây 2 năm, quỹ Học trò vùng cao, chương trình cơm có thịt cùng với người bạn tôi được lên Lũng Luông. 2 năm sau, không thể tưởng tượng mọi thứ thay đổi nhanh đến vậy. Ngày đó, đường chưa được bê tông hóa và chúng tôi lúc nào cũng lo ngay ngáy không biết bao giờ lên được đến nơi. Nhưng cái đó không phải là điều quan trọng mà đó là ánh mắt dẫn đường của cô hiệu trưởng Đinh Thị Hoa.
Khi trở về Hà Nội, kỳ vọng một ngôi trường mới thành công ngoài sức tưởng tượng của tôi”.
Được biết, trường tiểu học Lũng Luông là ngôi trường duy nhất nằm trên đỉnh núi cao của huyện Võ Nhai và được thiết kế bởi những kiến trúc sư tài ba. Kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào, công ty kiến trúc 1 + 1 >2 chia sẻ, khi thiết kế ngôi trường này, ông mong muốn có ngôi trường hòa nhập với cảnh quan của núi rừng. Do đó, ở góc độ nào của trường cũng nhìn thấy khe suối, thấy rừng, thấy núi. Các lớp học kết nối với nhau bằng hệ thống hành lang cũng uốn lượn như những con đường trên núi đến trường.  Cũng theo ông Hào, kinh phí để xây dựng hoàn thiện ngôi trường này là gần 6 tỷ. Trong đó, quỹ Phượng Hoàng tài trợ chính, quỹ học trò nghèo vùng cao là chủ đàu tư và công ty 1+1>2 tài trợ kiến trúc.
Trong lễ cắt băng khánh thành trường, ngoài học sinh, thầy cô còn có rất nhiều phụ huynh đến dự. Trong ánh mắt họ, niềm vui, niềm tin được lấp đầy bởi từ năm học mới này, con em họ được học trong một ngôi trường có kiến trúc đẹp, độc đáo nhất Thái Nguyên và có đầy đủ các phòng học heo yêu cầu.
http://www.tienphong.vn/giao-duc/tiet-giang-dac-biet-cua-giao-su-ngo-bao-chau-1046838.tpo








05:05 PM - 06/09/2016 Thanh Niên Online


Dự lễ khai giảng và khánh thành trường mới ở một ngôi trường nằm trên đỉnh núi huyện Võ Nhai, Thái Nguyên, giáo sư Ngô Bảo Châu đã chuyển tải đến các em thông điệp về tình yêu thương.

1 + 1 lớn hơn 2
Khai giảng năm nay của cô trò Trường Tiểu học Lũng Luông, Võ Nhai, Thái Nguyên là một sự kiện đặc biệt. Ngày khai giảng cũng là ngày khánh thành trường mới, với sự tham dự của một thầy giáo đặc biệt: giáo sư Ngô Bảo Châu.





Tại lớp 1A, cùng với sự trợ giúp của cô giáo Hoàng Thị Thanh Hà, giáo sư Ngô Bảo Châu bắt đầu câu chuyện của mình với các em nhỏ (với sự quan sát của đông đảo phụ huynh, giáo viên và các nhà hảo tâm từ mọi miền đất nước kéo về) bằng bài học tập đếm. Sau đó ông đưa ra một bài toán đố 1 + 1 = (?).
Cũng chỉ một số em mạnh dạn đưa ra đáp số. Tuy nhiên, giáo sư Châu chỉ vào kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào (giảng viên Trường ĐH Xây dựng và là kiến trúc sư trưởng của Công ty kiến trúc 1 + 1 > 2), người thiết kế thiện nguyện ngôi trường mà các em đang học, rồi nói: “Thầy Châu dạy các em 1+ 1 = 2. Nhưng thầy Hào lại nói 1 + 1 lớn hơn 2. Vậy theo các em thầy Hào nói đúng hay thầy Châu nói đúng?”.
Đến đây, ngay cả kiến trúc sư Hào cũng chỉ biết mỉm cười thì giáo sư Ngô Bảo Châu bất ngờ dùng phấn vẽ hình trái tim bao phủ ngoài dấu cộng. Tất cả những ai chứng kiến “tiết học” đều ồ lên thích thú trước cách giải thích quá đơn giản mà lại rất dễ hiểu ấy.
Thực ra với thầy trò Trường Tiểu học Lũng Luông thì giáo sư Ngô Bảo Châu là “người nhà” từ hai năm nay. Hồi đó, trường mới được tách ra từ Trường Tiểu học Thượng Nung (trước đó chỉ là một điểm lẻ) với điều kiện cơ sở vật chất tạm bợ, phòng học là mấy cái lán gỗ dựng tạm bợ trên nền đất.
"Cõng tình thương" lên đỉnh núi xây trường

Tiết học trên đỉnh núi ở Võ Nhai với giáo sư Ngô Bảo Châu - ảnh 2

Giáo sư Ngô Bảo Châu (trái) và kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào (phải) tại tiết học đầu tiên sau lễ khai giảng ở Trường Tiểu học Lũng Luông
ẢNH QUÝ HIÊN
Theo ông Nịnh Văn Hào, Phó chủ tịch Hội đồng nhân dân huyện Võ Nhai thì Lũng Luông là trường học nằm trên đỉnh núi duy nhất của huyện. Vì thế, dù cách trung tâm huyện chỉ 40 km nhưng đường đến trường khá cheo leo, hiểm trở, ô tô không lên được đến nơi (gần đây mới có đường bê tông dẫn từ trung tâm xã lên đến cổng trường).
Vào những ngày mưa, do trên đường đến trường phải vượt qua hai con suối, các thầy cô phải lội bộ nhiều cây số trong tình trạng đường trơn trượt, nhiều đá lở. Người dân 100% là người Mông nên đời sống rất khó khăn, trẻ con không được chăm sóc đầy đủ. Trong điều kiện như vậy, các thầy cô của trường phải rất cố gắng để đưa hoạt động dạy học đi vào nề nếp.
Ban đầu, giáo sư Châu lên Lũng Luông theo các chương trình từ thiện thông thường. Về sau, nhờ tấm lòng thiện nguyện của bạn bè (quỹ Phượng Hoàng, Công ty Kiến trúc 1 + 1 >2…), quỹ Trò nghèo vùng cao mà giáo sư Ngô Bảo Châu là chủ tịch danh dự trở thành chủ đầu tư của dự án xây mới ngôi trường.
Nhờ có bàn tay của kiến trúc sư tài ba (kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào là chủ nhân của nhiều giải thưởng kiến trúc danh giá trong và ngoài nước), ngôi trường khi hoàn thiện trở nên một sản phẩm rất đặc biệt. Trường có đầy đủ phòng học, phòng chức năng, phòng đa năng, thư viện, bếp nấu, nhà nội trú, khu vệ sinh với những đường nét thiết kế đơn giản mà vẫn khá điệu đà, nội thất sử dụng nhiều vật liệu truyền thống như tre, gỗ, gạch mộc…, tạo nên một không gian hài hòa với cảnh quan núi rừng.
Đứng ở bất kỳ góc nào trong trường, học sinh cũng nhìn thấy rừng và các khe núi. Ông Nịnh Văn Hào nhận xét: “Tôi đã đến nhiều nơi trong tỉnh nhưng chưa thấy một ngôi trường nào đặc biệt thế này. Ngôi trường đẹp, kiến trúc lạ so với hệ thống trường học thông thường. Tôi nghĩ được học ở một không gian như thế này hẳn các em học sinh rất thích thú, từ đó tạo ra nhiều hứng khởi trong học tập”.
Cô giáo Hoàng Thị Thanh Hà cũng chia sẻ, trước đây do trường học còn tạm bợ, nhà nhiều em ở xa mà trường lại không có điều kiện tổ chức dạy học bán trú  nên các em đi học rất thất thường. Từ 2 năm nay, nhờ sự hỗ trợ thiết thực của các tổ chức từ thiện mà các em chăm đến trường hơn. “Giờ có trường mới đẹp và tiện nghi thế này, giáo viên chúng tôi còn mong cho trời chóng sáng để đến ngắm trường nữa là các em!”, cô Hà nói.
Quý Hiên
http://thanhnien.vn/giao-duc/tiet-hoc-tren-dinh-nui-o-vo-nhai-voi-giao-su-ngo-bao-chau-741611.html

1 nhận xét:

  1. em muốn xin thông tin liên hệ với trường được không ạ?

    Trả lờiXóa

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.