Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

11/09/2016

Chuyện về hàng triều đình trong Truyện Kiều : từ nhà sư, Từ Hải theo người Nhật thành cướp biển

Bên tách trà ngày Chủ Nhật
Một tay gây dựng cơ đồ,
Bấy lâu bể Sở sông Ngô tung hoành.
Bó thân về với triều đình,
Hàng thân lơ láo, phận mình ra đâu ?
(Nguyễn Du, Truyện Kiều)

Ai quan tâm đến nguyên mẫu của nhân vật Từ Hải trong Truyện Kiều của Nguyễn Du, thì đều đại khái biết chàng vốn là tướng cướp.

Nguyễn Du vẽ chàng quá đẹp, nên ta hay gọi chàng trìu mến là "anh hùng Từ Hải". 

Nguyễn Du không cho chàng liên quan tới người Nhật. Tức trong Truyện Kiều, chúng ta không thấy xuất hiện những cuộc chiến giữa quân đội nhà Minh với cướp biển Nhật Bản ở thế kỉ 16.

Từ Hải vốn là một người đã xuất gia, trở thành hòa thượng. Rồi nhập vào đội quân cướp biển người Nhật Bản, thành một thủ lĩnh. Chàng chống lại triều đình nhà Minh (đại diện là Hồ Tôn Hiến) là với tư cách của một tướng cướp Nhật (theo Nhật).

Đó chính là lí do chính yếu để em Vương Thúy Kiều khuyên chàng về với triều đình nhà Minh. Và cũng chính là điểm yếu lòng của Từ Hải, để mà, chàng nghe theo lời khuyên của em Vương. 

Vấn đề "giặc Nhật" là chìa khóa để Từ Hải về hàng Hồ Tôn Hiến, để rồi phải chết đứng giữa trận tiền.

Bây giờ, đi tạm một đoạn ngắn tiếng Việt, về danh phận tướng cướp của Từ Hải. Lấy về từ trang của Đài phát thanh CRI bản tiếng Việt. Sau đó, là ít bài của báo Người lao động.

Các tư liệu cũ, từ thời Nguyễn Vỹ (thập niên 1950), sẽ đi sau khi tiện dịp. Trước Nguyễn Vỹ còn có cả Phạm Quỳnh với tạp chí Nam Phong. Để biết, vấn đề không có gì mới.


---



1. Đài CRI 2009



2009-12-21 15:43:46     cri

Thích Kế Quang chống giặc Nhật

Nhân dân hai nước Trung--Nhật từ xưa đã có mối giao lưu hữu nghị, nhưng đến đời nhà Minh, do tình hình trong nước Nhật thay đổi, đã dẫn đến tình trạng giặc Nhật luôn luôn xâm nhiễu các khu vực ven biển Trung Quốc. Quân dân Trung Quốc đứng đầu là Thích Kế Quang đã anh dũng đánh trả lũ cướp Nhật.

Nạn ngoại xâm này vẫn luôn tồn tại kể từ đầu thời kỳ triều nhà Minh. Khi Chu Nguyên Chương dựng nên triều nhà Minh, thì nước Nhật đang ở vào thời kỳ Nam Bắc Triều cát cứ phong kiến. Năm 1336 công nguyên, Ashikaga Takauji đánh vào Ky-ô-tô đã phế truất Thiên Hoàng Godaigo và lập nên Thiên Hoàng mới, còn mình thì làm trinh Di đại tướng quân. Thiên hoàng Godaigo chạy trốn xuống Yoshino, đã lập nên triều đình mới mà lịch sử gọi là Nam triều, còn triều đình ở Ky-ô-tô thì gọi là Bắc triều. Ngoài hai triều đình này ra, ở Nhật còn có khá nhiều thế lực cát cứ, ngoài việc cướp của và thảo phạt nhau ra, chúng còn thường xuyên ủng hộ và câu kết với bọn cướp biển đến quấy nhiễu và cướp bóc ở các khu vực ven biển Trung Quốc.

Sau khi Chu Nguyên Chương lên ngôi, nhà vua đã liên tục cử sứ giả sang Nhật nhằm hàn gắn quan hệ giữa hai nước, mà điều quan trọng hơn là mong chấm dứt tình trạng xâm nhiễu. Nhưng vì Nhật đang trong thời kỳ chia cắt chống chọi nhau, nên mỗi lần sứ giả sang Nhật đều bị thất bại, sự xâm nhiễu của giặc Nhật càng thêm dồn dập, dải ven biển từ Sơn Đông đến Phúc Kiến vẫn thường xuyên bị cướp phá.

Trong thời kỳ vua Gia Tĩnh, theo đà kinh tế hàng hóa ven biển đông nam phát triển, thì phú thương quan liêu cũng ngày càng tăng lên, một số người như Uông Trực, Từ Hải v v, đã câu kết với giặc Nhật tổ chức thành băng cướp có vũ trang, một số quan chức trong triều cũng có quan hệ mật thiết với chúng. Năm 1548 công nguyên, triều đình nhà Minh đã cử Chu Khóa đi tuần sát Chiết Giang kiêm đề đốc quân vụ Phúc Kiến. Chu Khóa đến nơi bèn ra lệnh phong tỏa mặt biển, xử tử 96 người thông đồng với giặc cướp Nhật, việc làm này đã phương hại tới lợi ích của các phú hào, nên họ đã ngầm mua chuộc các quan chức trong triều kiếm cớ bôi nhọ Chu Khóa, khiến Chu Khóa đành phải tự sát. Từ đó, việc cướp phá của giặc Nhật càng thêm ngông cuồng.

Thích Kế Quang(1528-1587) tự Nguyên Kính, người Mậu Bình-Sơn Đông. Thời vua Gia Tĩnh nhậm chức Đô chỉ huy thiên sự ở Sơn Đông, năm 1555 được điều xuống Chiết Giang chống giặc Nhật, khi đến nơi ông phát hiện quan quân ở đây cơ bản không đủ năng lực tác chiến, mà nhân dân địa phương thì lại chiến đấu rất anh dũng, tức thì ra lệnh chiêu mộ nông dân và thợ mỏ tại Nghĩa Ô được hơn 3000 người đưa về tập luyện và đặt tên là Thích Gia Quân. Đội quân này kỷ luật nghiêm minh, chiến đấu gan dạ. Thích Kế Quang đã dựa vào đặc điểm vũ khí của giặc Nhật, sáng tạo ra một trận pháp mới gọi là Trận Uyên Ương, qua đó đã nâng cao sức chiến đấu và lập được nhiều chiến công.

Năm 1561, giặc Nhật huy động mấy nghìn quân tập kích một số nơi của tỉnh Chiết Giang, Thích Kế Quang được sự ủng hộ của nhân dân địa phương, trước sau đã đánh 9 trận và giành toàn thắng, khiến giặc Nhật ở miền đông Chiết Giang bị tiêu diệt gọn.

Năm sau, giặc Nhật lại xâm lấn tỉnh Phúc Kiến, Thích Kế Quang tiến quân vào Phúc Kiến chặn đánh và chiếm được Hoành Ngư, tiêu diệt được 2600 tên giặc, sau đó thừa thắng chiếm được Ngưu Điền, phá hủy sào huyệt của giặc Nhật.

Bọn cướp Nhật thua chạy về Hưng Hóa, Thích Kế Quang dẫn quân rượt đuổi theo và chém chết quân giặc nhiều vô kể. Sau đó, Thích Gia Quân tiến vào thành Hưng Hóa, được nhân dân địa phương nhiệt liệt hoan nghênh.

Sau khi Thích Kế Quang rút về Chiết Giang, giặc Nhật lại kéo sang xâm lấn Phúc Kiến, Thích Kế Quang lại lần nữa tiến quân vào Phúc Kiến, rồi mở một chiến dịch lớn tại Bình Hải, giết chết 2200 tên giặc và cứu được 3000 người dân bị giặc bắt. Sau trận đánh này, Thích Kế Quang được thăng làm tổng binh.

Năm Sau, hơn 10 nghìn giặc Nhật lại kéo vào vây đánh Tiên Du, Thích Gia Quân đánh bại chúng ở dưới chân thành, liền thừa thắng truy kích và tiêu diệt được khá nhiều tên giặc. Sau đó, Thích Gia Quân lại đánh cho chúng một trận thảm hại ở Phúc Ninh, khiến toàn bộ quân giặc trong địa phận tỉnh Phúc Kiến bị tiêu diệt sạch.
http://vietnamese.cri.cn/561/2009/12/21/1s133962.htm




2. Báo Người Lao động 2016

Giải mã nhân vật “Truyện Kiều”


0/08/2016 22:07

Dưới ngọn bút tài tình của đại thi hào Nguyễn Du, những nhân vật Thúy Kiều, Từ Hải, Hồ Tông Hiến… đã trở nên rất đỗi quen thuộc với người Việt qua tác phẩm “Truyện Kiều” bất hủ. Những con người này đã từng xuất hiện trong đời thực qua chính sử như thế nào?

Vào những năm Gia Tĩnh triều Minh Thế Tông Chu Hậu Thông (1521-1567), tuy nói là “bốn phương phẳng lặng, hai kinh vững vàng” nhưng kỳ thực cả triều đình khốn đốn bởi nạn cướp biển.
Thế lực Thương bang
Khởi đầu là những tướng lĩnh, võ sĩ thất trận trong chiến loạn của Nhật Bản thời kỳ Nam Bắc triều lưu vong câu kết cùng tàn quân của Trương Sĩ Thành, Phương Quốc Trân bị Chu Nguyên Chương đánh bại tụ tập thành băng đảng chiếm cứ và cướp bóc vùng duyên hải Đông Nam Trung Quốc.
Hình ảnh minh họa Từ Hải gặp Thúy Kiều
Hình ảnh minh họa Từ Hải gặp Thúy Kiều
Năm 1523 xảy ra “sự kiện tranh cống” với sứ thần Nhật Bản, triều Minh ra lệnh cấm thông thương trên biển thì nạn cướp biển càng trở nên khốc liệt. Cướp biển mà nhà Minh gọi là Oa khấu (hay Nụy khấu, chỉ người Nhật cầm đầu) có thời điểm tấn công chiếm cả Thanh Đảo, Tế Nam, Tượng Sơn, Định Hải... Thủy quân nhà Minh liên tiếp bại trận, có lúc bị cướp biển đánh tới Trịnh Châu, Lạc Dương.
Vùng duyên hải các tỉnh An Huy, Phúc Kiến, Triết Giang hình thành lớp thương nhân dựa vào bảo hộ của bọn cướp biển để chuyên chở hàng cấm đi các nơi, sang tận Cao Ly (Triều Tiên), Xiêm La (Thái Lan), Nga và các nước Tây dương thu lợi rất lớn, rất có thế lực, gọi là Thương bang. Vì nhiều lý do, một số thương nhân dần dần tham gia vào tổ chức cướp biển và trở thành thủ lĩnh. Từ Hải là một trong số đó.
Từ hòa thượng thành hải tặc
Theo “Minh sử” thì Từ Hải (?-1556) là một thủ lĩnh hải khấu dữ dằn vào loại nhất nhì thời Gia Tĩnh, về sau được tiểu thuyết, dã sử mô tả như bậc anh hùng “đội trời đạp đất”. Tuy chính sử không nói rõ xuất thân của Từ Hải nhưng theo nhiều nguồn tư liệu thì Từ Hải người huyện Hấp, Huy Châu (tỉnh An Huy), vốn là hòa thượng chùa Hổ Bào ở Hàng Châu, pháp danh Phổ Tịnh, còn gọi là Minh Sơn hòa thượng.
Có lẽ do chán kinh kệ nên khi người chú là Từ Duy Học (Từ Bích Khê) rủ bỏ chùa đi làm ăn trên biển để mau phát tài thì anh chàng “vai năm tấc rộng, thân mười thước cao” này nhận lời ngay. Khởi đầu, Từ Duy Học đưa Từ Hải gia nhập tập đoàn thương nhân vũ trang trên biển do Vương Trực (Uông Trực) cầm đầu.
Vương Trực (?-1559) cũng là người huyện Hấp, hào hiệp, gan dạ. Từ năm 1540, Vương Trực đã tạo thuyền lớn ở Quảng Đông, buôn bán hàng cấmnhư tiêu thạch (làm thuốc súng), tơ lụa… với nhiều nước, mau chóng phát tài. Vương Trực liên kết với các thủ lĩnh hải tặc người Nhật như Thứ Lang, Tứ Trợ Tứ Lang chiếm cứ vùng đảo Bình Hộ, Cửu Châu (nay là huyện Nagasaki, Kyushu, phía Tây Nhật Bản) làm căn cứ địa. Vương Trực đương thời tung hoành vùng biển Đông Á, đóng thuyền chiến có thể chứa 2.000 người, ngựa chạy ở trên, được giang hồ hải khấu tôn xưng là Ngũ Phong thuyền chủ. Năm Gia Tĩnh thứ 31 (1552), Vương Trực thôn tính lực lượng hải tặc ở Triết Giang của Trần Tư Phấn, tự xưng là Huy Vương, đặt quốc hiệu là Tống, cai quản 36 đảo. Theo Minh sử thì bấy giờ, các nhóm hải tặc không chịu chế tài của Vương Trực đều không thể tồn tại.
Từ Duy Học, Diệp Tông Mãn vốn là bạn thân của Vương Trực, cùng nhau làm ăn, về sau Học tách ra. Thế nhưng, trong khi họ Vương ngày càng phát đạt, thế lực hùng mạnh thì họ Từ ngày càng sa sút. Để có vốn làm ăn, Từ Duy Học buộc phải vay nợ của một nhóm hải khấu. Tuy nhiên, bất cứ hoạt động nào có tính thương mại đều mang mầm nguy hiểm, buôn lậu và hải khấu cũng không ngoại lệ. Sau vài chuyến hàng lớn bị mất trắng do biển cả và quân triều đình truy bắt, Từ Duy Học bèn trốn đi và để người cháu Từ Hải lại làm vật thế chấp cho nhóm hải tặc.
Trong rủi lại có may, từ chân sai vặt, Từ Hải dần dần phát huy bản lĩnh của mình. Với khả năng tổ chức và tác chiến thiên bẩm, Từ Hải trở thành một đầu lĩnh, vươn ra thâu tóm các nhóm hải tặc xung quanh, thế lực dần lớn mạnh với hơn vạn quân, tung hoành cướp phá một dải vùng biển Triết Giang, tự xưng là Thiên Sai Bình Hải đại tướng quân.
Áp trại phu nhân Thúy Kiều
Vây cánh giúp cho Từ Hải “giang hồ quen thói vẫy vùng/Gươm đàn nửa gánh non sông một chèo” là 2 nhóm hải tặc do Trần Đông và Ma Diệp cầm đầu. Trần Đông vốn là thư ký của anh em chúa đảo Tát Ma (Satsumanokuni, Nhật Bản), sau trở thành đầu mục của Vương Trực, rồi lại tách ra theo Từ Hải. Tập đoàn hải tặc này chiếm vùng Sạ Phố, Chá Lâm làm căn cứ địa. Có thể nói, thời Gia Tĩnh triều Minh, 2 tập đoàn hải tặc hoành hành ghê gớm nhất là do Vương Trực và Từ Hải cầm đầu.
Một người nữa gắn liền với cuộc đời Từ Hải là Vương Thúy Kiều, áp trại phu nhân. Trong Minh sử không thấy nhắc đến, trong “Kỷ tiễu trừ Từ Hải bản mạt” (Chép lại việc dẹp trừ Từ Hải) của quan Phó sứ Mao Khôn (1512-1641), mưu sĩ của Hồ Tông Hiến, tham gia bình Từ Hải, chỉ có nhắc đến việc bắt 2 thị nữ của Từ Hải đều họ Vương là Thúy Kiều và Lục Châu. Trong những tác phẩm văn học về sau này thì Thúy Kiều vụt tỏa sáng trở thành một trang kỳ nữ. Xuất thân của Vương Thúy Kiều có nhiều thuyết khác nhau hoặc là con nhà nghèo hoặc là con nhà quan thất thế… nhưng tựu trung đều thống nhất rằng Kiều là người Lâm Truy, Sơn Đông, xinh đẹp, đàn hay hát giỏi, trở thành danh kỹ đất Kim Lăng và ảnh hưởng đến sự thành bại của Từ Hải.
Kỳ tới: Hồ Tông Hiến đối trận Từ Hải
Cải họ làm cướp!
Theo nghiên cứu của học giả, nhà văn Triệu Diễm, giáo sư Trường ĐH Sư phạm An Huy, Từ Hải thực ra là họ Hứa. Hiện nay, tại Hứa Thôn, huyện Hấp, tỉnh An Huy còn lưu truyền nhiều câu chuyện về Hứa Hải, Hứa Đống từng là thủ lĩnh hải khấu nổi tiếng thời Minh. Mối quan hệ giữa Hứa Hải và Hứa Đống không xác định được là chú cháu, anh em hay cha con. Lý do đổi họ Hứa sang Từ, theo giáo sư Triệu, là vì đi làm cướp, chống lại triều đình, sợ phải bị tru di cửu tộc nên “chuyển tính” để tránh liên lụy. Cũng như Vương Trực thực ra là họ Uông.
Ngoài ra, đời Minh còn có 2 nhân vật cùng tên Từ Hải, một người tự là Đức Dung, người kia là Cự Phu, cùng quê Triết Giang và đều đỗ tiến sĩ, làm quan lớn.
THIÊN TƯỜNG

http://nld.com.vn/van-hoa-van-nghe/giai-ma-nhan-vat-truyen-kieu-2016081021482347.htm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.