Phần 1 (đánh số từ 1 đến 24) đã đi ở đây.
Phần 2 (đánh số từ 25 đến 45) đã đi ở đây.
Từ đây trở xuống là phần 3 (đánh số từ 46). Vẫn theo thứ tự ngược như mọi khi.
---
64.
Vụ Trịnh Xuân Thanh từ góc nhìn dư luận
VOV.VN - Dưới đây là tổng hợp ý kiến về vụ ông Trịnh Xuân Thanh – người đang bị truy nã quốc tế.
Ông Lê Quang Thưởng, nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương: “Người ta vẫn nói “con ruồi chui qua lỗ kim” tưởng chừng không thể xảy ra nhưng nó vẫn đang xảy ra vì có lý do của nó. Lý do thứ nhất là trách nhiệm quản lý cán bộ kém. Thứ hai, người ta vẫn nói chạy chức, chạy việc mất cả trăm triệu, thậm chí, những ngành quan trọng khi lên chức cũng mất cả tỷ bạc. Vì vậy, tôi nghi ngờ có chạy chọt trong việc này và cần phải lên án. Cần phải xem lại những chữ ký của các cơ quan từ dưới lên trên đã đề bạt, luân chuyển ông Trịnh Xuân Thanh, những ai đã ký và ký vì sao? Phải làm rốt ráo việc này”. (Trả lời trên VOV.VN ngày 14/6)
Tiến sĩ Nguyễn Quốc Dũng, Giám đốc Học viện Chính trị khu vực IV: “Có hai bài học đắt giá qua vụ việc ông Trịnh Xuân Thanh. Thứ nhất, đó là phía Chi bộ cơ sở. Chi bộ cơ sở phải là nơi nhận thức rõ nhất, đánh giá đầy đủ nhất về phẩm chất, tư duy và năng lực hành động thực tiễn của cán bộ tại đó và phải phát huy vai trò cơ sở này. Tuy nhiên, trong thực tế, những năm qua, vai trò cơ sở ở một số nơi, qua vụ việc của ông Trịnh Xuân Thanh, cho thấy cơ sở chưa đấu tranh đủ mạnh, vẫn còn tắc ở đâu đó. Vì vậy, phải rà soát lại từ phía cơ sở, chi bộ.
Thứ hai, đó là quy trình từ phía các cơ quan cao nhất, Ban Tổ chức Trung ương, Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Ban Tổ chức các Tổng công ty, Doanh nghiệp Nhà nước. Các cơ quan này phải công tâm, làm đúng yêu cầu của Đảng, Nhà nước về việc đánh giá cán bộ”. (Trả lời trên VOV.VN ngày 12/7)
Ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương:“Cần phải làm rõ, vì sao một người có vấn đề như ông Trịnh Xuân Thanh lại “đi” qua tất cả các khâu trong công tác cán bộ, trái với quy định của Trung ương. Tôi chỉ băn khoăn một điều về đào tạo cán bộ trẻ. Trách nhiệm của các tổ chức là rất quan trọng. Để một cán bộ có thiếu sót được di chuyển đến những vị trí khác và tiếp tục vi phạm là làm hại cán bộ. Nếu những cán bộ như thế ở những vị trí cao hơn thì còn làm hại cho đất nước”. (Trả lời trên VOV.VN ngày 14/7)
Giáo sư Nguyễn Ngọc Trân, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội: “Một quy trình mà để lọt những người như Trịnh Xuân Thanh thì quy trình đó phải xem lại. Một người có vấn đề như vậy, tại sao nằm trong quy hoạch, được luân chuyển. Tổng Bí thư từng phát biểu, nghe râm ran có chuyện chạy chức, chạy quyền, chạy luân chuyển; rồi chạy “đi”, chạy “về”. Cả bộ máy làm mà để trường hợp như ông Thanh lọt vào. Tôi nghĩ đây không phải là trường hợp duy nhất. May phát hiện ra được, chứ không mà vào Quốc hội rồi thì nguy” (Trả lời trên VOV.VN ngày 15/7)
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Phúc - nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh: “Vụ việc của ông Trịnh Xuân Thanh có thể nói là rất “điển hình”. Ông Thanh đã phạm phải những sai lầm mà văn kiện Đại hội XI từng phê phán: đó là chạy chức chạy quyền, chạy án chạy tội, chạy khen thưởng để đánh bóng tên tuổi mình, chạy luân chuyển khi không nằm trong diện được luân chuyển. Vụ việc này giải quyết được triệt để cũng sẽ giải quyết được gốc rễ của vấn đề”. (Trả lời trên VOV.VN ngày 25/7)
Ông Vũ Mão, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội: “Việc ông Trịnh Xuân Thanh được đưa về làm Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang thì phải có quyết định của các cơ quan có thẩm quyền. Đưa ông Thanh vào Tỉnh ủy Hậu Giang thì phải có quyết định của Ban Bí thư, vì cấp đó là Ban Bí thư Trung ương Đảng quản lý, mà người giúp Ban Bí thư Trung ương Đảng là ai? Cơ quan nào? Và việc liên quan đó phải có quyết định của Thủ tướng vì đây là vị trí Phó Chủ tịch tỉnh, Thủ tướng quyết định trên cơ sở của ai đề nghị? Rõ ràng là có Bộ, ngành cụ thể đề nghị việc này. Những việc đó không thể né tránh được mà hãy dũng cảm. Nếu có khuyết điểm thì nhận khuyết điểm, không vì sợ xử lý mà né tránh.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đặt vấn đề vụ này phải đi đến cùng và phải làm rõ. Theo tôi, các cơ quan có trách nhiệm phải đi đến cùng và phải dũng cảm nhận thấy phần trách nhiệm của mình, từ đó cùng nhau tìm ra nguyên nhân sâu sắc. Đây là hiện tượng cụ thể nhưng lại khá phổ biến, cần phải rút ra bài học chung cho Đảng, Nhà nước”. (Trả lời trên VOV.VN ngày 6/8)
Ông Nguyễn Tuấn Kiệt, nguyên Thường vụ Tỉnh ủy, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Vĩnh Long: “Việc xử lý ông Trịnh Xuân Thanh phải xử lý từ gốc, không thể đơn giản chỉ xử lý một mình ông Thanh được. Một mình ông Trịnh Xuân Thanh không thể làm được. Trong sự việc này có trách nhiệm của Ban Tổ chức Trung ương và Bộ Nội vụ. Quy trình bổ nhiệm ông Trịnh Xuân Thanh phải có các cơ quan này” (Trả lời trên VOV.VN ngày 9/9)./.
http://vov.vn/chinh-tri/vu-trinh-xuan-thanh-tu-goc-nhin-du-luan-551365.vov63.
TP - “Trong vụ việc Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đức Thuận, phải xem có lợi ích nhóm, câu kết, bao che, dung túng hay không". Với một người bình thường, xin từ cơ quan này sang cơ quan khác đã là rất khó, đằng này họ không những “thoát hiểm” ở PVC mà lại còn nhảy hết bộ này sang bộ kia, tỉnh này sang tỉnh khác, chức vụ nhỏ lên chức vụ to rất dễ dàng”, GS. Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nói như vậy khi trao đổi với Tiền Phong.
Ông Trịnh Xuân Thanh, nguyên Phó Chủ tịch Hậu Giang đang bị truy nã quốc tế, hiện đang ở đâu? Ảnh: PV.
Gần như lặp lại vụ Dương Chí Dũng
Liên quan sai phạm để xảy ra thua lỗ gần 3.300 tỷ đồng tại Tổng công ty Cổ phần xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC), cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án, bắt tạm giam nguyên Tổng giám đốc PVC Vũ Đức Thuận, đồng thời truy nã quốc tế nguyên Chủ tịch HĐQT Trịnh Xuân Thanh. Ông thấy sao?
Vụ việc ông Trịnh Xuân Thanh gần như lặp lại vụ việc của Dương Chí Dũng trước đây. Nghĩa là cứ sát ngày cơ quan công an ra quyết định khởi tố thì đối tượng bỏ trốn. Điều này đang đặt ra rất nhiều câu hỏi về sự quyết liệt trong đấu tranh, xử lý vụ việc Trịnh Xuân Thanh.
Vấn đề thứ hai, có tổ chức, cá nhân nào sẽ phải chịu trách nhiệm trong việc bổ nhiệm, điều chuyển ông Trịnh Xuân Thanh không? Chứ trong quá trình xem xét sự việc bổ nhiệm ông Trịnh Xuân Thanh thì cơ quan Trung ương đổ cho địa phương rằng, không luân chuyển ông Trịnh Xuân Thanh về Hậu Giang; còn tỉnh Hậu Giang lại nói, nếu Trung ương không cử về thì ai về được? Đúng là “đồng đổ cho cốt, cốt đổ cho đồng”. Dân biết tin ai?
Ông vừa nhắc đến trường hợp của Dương Chí Dũng, vậy phải chăng việc ông Trịnh Xuân Thanh bỏ trốn và nhiều khả năng hiện đã ra nước ngoài thì cũng phải có tổ chức, hay cá nhân nào đó chịu trách nhiệm về việc này?
Vấn đề trách nhiệm khi ông Trịnh Xuân Thanh bỏ trốn chắc chắn phải đặt ra với cơ quan đang điều tra. Không ít người cũng cho rằng, ông Trịnh Xuân Thanh hay ông Vũ Đức Thuận mới chỉ là đầu mối trong một mắt xích nào đó. Nếu chỉ là đầu mối mà nhiều tháng trời xử lý không xong thì còn xử lý được cái gì?
Trong trường hợp Trịnh Xuân Thanh đã trốn ra nước ngoài, theo ông việc dẫn độ có gặp khó khăn không, đặc biệt khi ông Thanh trốn sang các nước mà chúng ta chưa ký kết hỗ trợ tư pháp, hoặc có ký nhưng đã hết hiệu lực?
Vấn đề này thì cơ quan tư pháp nắm rõ nhất, nhưng tôi được biết, Việt Nam đã ký hiệp định dẫn độ với nhiều nước. Nếu Trịnh Xuân Thanh trốn sang những nước đã ký kết thì sẽ bị dẫn độ về Việt Nam, còn nếu ở quốc gia mà hiệp định đã hết hiệu lực thì hai bên cũng có thể thỏa thuận. Nhìn chung, ở những nước phát triển, họ thực hiện dẫn độ tương đối tốt, đặc biệt đối với các loại tội phạm tham nhũng, giết người...
GS. Nguyễn Minh Thuyết.
Chắc hẳn phải có “ô dù” rất to
Nhiều ý kiến cho rằng, nếu chỉ một cá nhân thì người ta sẽ không thể làm được những việc “tày trời” như vậy. Ngoài trách nhiệm, mức độ vi phạm của hai cá nhân ông Trịnh Xuân Thanh và ông Vũ Đức Thuận, phải chăng cần làm rõ xem có sự bao che, dung túng, hay lợi ích nhóm nào đó?
Việc này đương nhiên cần phải làm rõ. Nhưng dấu hiệu của sự bao che, câu kết thì khá rõ, bởi nếu không thì người ta chẳng thể nhảy nhót được như thế, cũng chẳng ngông nghênh đến mức đưa hẳn cái xe sang từ Hà Nội vào Hậu Giang như vậy. Chắc hẳn đằng sau ông Thanh này phải có “cái ô” rất to nên ông ấy mới chẳng ngán gì ai cả.
Việc ra quyết định khởi tố vụ án, bắt tạm giam cũng như truy nã quốc tế chứng tỏ sự quyết tâm trong công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng hiện nay?
Phải nói rằng, việc khởi tố vụ án, truy nã bị can hợp với lòng dân, nhưng cũng có ý kiến cho rằng việc thực hiện là quá chậm. Đặc biệt, dư luận thắc mắc là tại sao suốt mấy năm trời, từ khi xảy ra vụ cố ý làm trái, gây hậu quả nghiêm trọng ở PVC mà ông chủ tịch HĐQT PVC Trịnh Xuân Thanh vẫn vô tư bay nhảy từ chức vụ này đến chức vụ khác như vậy?
Còn với ông Vũ Đức Thuận, điều khiến người ta quan tâm bấy lâu nay là hành tung của nhân vật này rất bí mật, đến mức khi hỏi tới, ngay cả những người có trách nhiệm cũng không nói. Chẳng hạn khi nhà báo hỏi, sau một thời gian giữ chức Chánh Văn phòng ở Bộ Giao thông, ông Thuận đi đâu, Bộ Giao thông Vận tải lại “hồn nhiên” bảo … không biết.
Điều đó cho thấy công tác quản lý cán bộ còn lỏng lẻo?
Bình thường thì có thể gọi là lỏng lẻo, còn ở đây là nói dối quanh, không dám nói sự thật. Với một cán bộ tầm cỡ của cơ quan như thế, rõ ràng cơ quan phải biết ông ta “luân chuyển” đi đâu chứ! Chỉ một việc nhỏ cũng loanh quanh như thế, thử hỏi làm sao chống được tham nhũng?
Xoay quanh vụ việc này, theo ông, điều quan trọng nhất tới đây cần phải làm là gì?
Trước tiên phải làm rõ tội danh và mức độ phạm tội của những người liên quan trực tiếp trong vụ việc này. Bên cạnh đó, cần làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan trong việc luân chuyển, đề bạt, bổ nhiệm ông Thanh, ông Thuận ra sao. Cần phải xem xét đúng người đúng việc, đặc biệt phải xem có lợi ích nhóm, câu kết, bao che, dung túng hay không. Với một người bình thường, xin từ cơ quan này sang cơ quan khác rất khó, đằng này đã “thoát hiểm” ở PVC lại còn nhảy hết bộ này sang bộ kia, tỉnh này sang tỉnh khác, chức vụ nhỏ lên chức vụ to dễ dàng như vậy thì không thể không làm rõ.
Cảm ơn ông.
62.
Đăng bởi Hai Hoang Van on Chủ Nhật, ngày 18 tháng 9 năm 2016 | 18.9.16
Gần đây sau khi Trịnh Xuân Thanh bị khởi tố và có lệnh truy nã Quốc tế, thì bản thân blogger Người Buôn Gió đã bày tỏ sự lo ngại sẽ bị liên lụy, vì hiện tại ông Bùi Thanh Hiếu vẫn mang Quốc tịch Việt nam. Mới đây, trên trang FB. Bùi Thanh Hiếu, blogger Người Buôn Gió lại bật mí rằng, "Vừa voice với Trịnh Xuân Thanh xong, thấy phong độ lắm, (nhưng) ĐM nhìn cái phòng thì hình như vẫn ở Hà Nội mới tài".
Từ khi Bộ Công An phát lệnh truy nã quốc tế đối với Trịnh Xuân Thanh, rất nhiều giả thiết được đặt ra về nơi ở của Trịnh Xuân Thanh. Trong khi ông Vũ Đức Thuận bị khởi tố và bắt giam, thì đang có dư luận đồn thổi cho rằng ông Trịnh Xuân Thanh đã bỏ trốn ra nước ngoài. Chỉ có một số trang tay chân của cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng như PetroTimes, Thời báo .de ở Đức ... mới tung tin là Trịnh Xuân Thanh đang ở Đức. Nếu đẻ ý, Bùi Thanh Hiếu muốn gởi hai cái chứng minh thư và giấy phép lái xe cho Thanh cầm để xác nhận khi chụp hình phải mất thời gian đến đến 42 tiếng, như blogger Người Buôn Gió đã xác nhận.
Thậm chí theo một nhật báo tiếng Việt ở Đức còn tiết lộ rằng "Một nguồn tin giấu tên cho biết, hôm thứ năm, ngày 8.9.2016 vừa qua, chính họ đã chứng kiến một chủ doanh nghiệp nổi tiếng – ông L.H.Q, chuyên môi giới đầu tư từ Việt Nam sang Đức đi cùng ông Trịnh Xuân Thanh vào nhà hàng Georg Bräu ở trung tâm Berlin và cùng nhau ăn nhậu ở đây.".
Nhà báo Kami đã phân tích và khăng định không có chuyện, ông Trịnh Xuân Thanh chạy trốn ra nước ngoài rồi đi uống bia giữa thanh thiên, bạch nhật như thế được. Trước đó, nhà báo Kami đã nhiều lần khẳng định là Trịnh Xuân Thanh chưa rời khỏi VN.
Nhiều người cũng cho rằng, Trịnh Xuân Thanh không việc gì phải trốn ra nước ngoài, mà thực ra vẫn ung dung ở trong một Safe House nào đó trong nước nhờ sự bao bọc của một thế lực đủ mạnh “bảo kê”. Theo họ, vì An ninh Việt Nam từ trước đến nay vốn cực kỳ giỏi trong việc theo dõi và giám sát đối tượng. Nhất là vụ việc của ông Trịnh Xuân Thanh là vấn đề lớn, nổi cộm, có ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư yêu cầu làm rõ các sai phạm để xử án điểm, thì làm sao mà thoát được? Nếu như không có sự che chắn.
Theo như nhà báo Dương Hoài Linh phân tích rằng, “Thanh đang nằm trong một khách sạn nào đó ngay tại Việt nam và đang được BCA bảo vệ, không loại trừ là đang du hí đánh bạc tại Phú Quốc. Chỉ có các trang DLV Petrotime,VNTB mới tung tin là Thanh đang ở Đức. Trong khi Bùi Thanh Hiếu muốn gởi hai cái chứng minh thư và giấy phép lái xe cho Thanh cầm để xác nhận khi chụp hình phải mất đến 42 tiếng.”
Trong loạt bài “Trịnh Xuân Thanh, con Dê tế thần”, blogger Người Buôn Gió cố gắng chứng minh rằng, ông Thanh đang ở Đức hoặc một quốc gia dân chủ nào đó. Tuy nhiên, mới đây sau khi Trịnh Xuân Thanh bị khởi tố và có lệnh truy nã Quốc tế, thì bản thân blogger Người Buôn Gió đã bày tỏ sự lo ngại sẽ bị liên lụy, vì hiện tại ông Bùi Thanh Hiếu vẫn mang Quốc tịch Việt nam.
Ảnh chụp từ trang FB của ông Bùi Thanh Hiếu |
Không biết có phải vì thế hay không, mà trên trang FB. Bùi Thanh Hiếu, blogger Người Buôn Gió lại bật mí rằng, "Vừa voice với Trịnh Xuân Thanh xong, thấy phong độ lắm, (nhưng) ĐM nhìn cái phòng thì hình như vẫn ở Hà Nội mới tài".
Ảnh chụp từ trang FB của ông Bùi Thanh Hiếu |
Các tin tức tố cáo hành vi tham nhũng của Trịnh Xuân Thanh gây thiệt hại vô cùng lớn được báo chí nhà nước liên tục đưa ra lúc này, không ngoài mục đích nhằm để buộc Bộ CA truy tố ông Trịnh Xuân Thanh, với tội danh tham nhũng và dọn đường cho việc truy nã và bắt giữ.
Dẫu rằng, ngày 16/9 vừa qua, Trung tướng Phan Văn Vĩnh - Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an trả lời câu hỏi về việc tại sao đã khởi tố 4 bị can nguyên là lãnh đạo PVC nhưng chưa nhắc đến ông Trịnh Xuân Thanh - nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty này? vẫn khẳng định rằng “Cái đấy để tính sau, có thể là ở giai đoạn 2” (!?).
Cho nên, các tin đồn cho rằng, Trịnh Xuân Thanh dễ dàng trốn thoát ra nước ngoài chỉ là những tin tức hỏa mù. Điều đó, nhiều người tưởng rằng sẽ khiến cho phe của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tin và lúng túng. Vì thế lực chống ông Trọng muốn cho dư luận hiểu rằng lãnh đạo Đảng không có khả năng kiểm soát Đảng ủy Công An TW và Bộ Công An.
Việc tối 16/9, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã buộc phải ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông Trịnh Xuân Thanh về tội danh "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng", đồng thời ra quyết định truy nã toàn quốc, truy nã quốc tế đối với ông Thanh đã cho thấy Bộ Công An đã chịu áp lực rất lớn từ Ban Bí thư và Văn phòng Tông Bí thư.
Nếu biết rằng, Việt Nam đã tham gia vào "Công ước chống tham nhũng của Liên Hiệp Quốc" gồm 140 nước đã ký kết phê chuẩn. Vậy thì Trịnh Xuân Thanh có thể chạy đi đâu ngoài 140 nước đó mà không bị phát hiện. Bộ ngoại giao VN sẽ căn cứ vào công ước để yêu cầu tất cả các nước phải cung cấp thông tin về Trịnh Xuân Thanh. Hơn nữa khi Thanh thoát ra khỏi Việt Nam qua bất kỳ cửa khẩu nào cũng có để lại thông tin từ hộ chiếu và CA VN sẽ dễ dàng điều tra ngay nước mà Thanh đã tới.
Còn tị nạn chính trị? Đó là điều nằm mơ. Trịnh Xuân Thanh là tội phạm nằm trong "công ước chống tham nhũng" của Liên Hiệp Quốc, nếu đến các nước dân chủ sẽ bị bắt ngay theo yêu cầu của Đại sứ Quán VN tại nước đó.
Như vậy, phương án tối ưu nhất chỉ có cách là Thanh đang nằm trong một khách sạn nào đó ngay tại Việt nam và đang được BCA bảo vệ, không loại trừ là đang ở tại Phú Quốc, nơi thuộc phạm vi cai quản của ông Nguyễn Thanh Nghị, vốn là căn cứ địa của cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Vì thế, không lâu đâu chỉ dăm bữa nửa tháng CA sẽ cho Thanh ra thực hiện màn “tự thú” để nhận sự khoan hồng của pháp luật. Trịnh Xuân Thanh thừa đủ thông minh để hiểu rằng, cái tội nói xấu cụ Tổng nếu không có sự bảo kê của một thế lực đủ mạnh thì có cho vàng thì Thanh cũng chả dám “xí sớn”.
Việt Dũng tổng hợp
* Bài của tác giả gửi đến TTHN Online
61. Phân tích của Nguyễn Thị Từ Huy, trên BBC Việt ngữ
Vụ Trịnh Xuân Thanh: hệ thống bất lực?
- 17 tháng 9 2016
Vụ việc đã và đang xảy ra đối với ông Trịnh Xuân Thanh phần nào cho thấy sự 'bất lực' thậm chí 'băng hoại' của hệ thống chính trị và luật pháp ở Việt Nam, theo quan điểm riêng của một nhà nghiên cứu chính trị từ Paris.
Ngoài ra, qua những thông tin chính thức từ truyền thông trong nước, cũng có thể cho thấy có những vấn đề khác về chính trị và pháp luật của chế độ, trong đó có việc tuyển dụng cán bộ, lãnh đạo theo lối 'con ông cháu cha', 'con cháu các cụ cả' hay cả vấn đề được cho là 'dối trá' trong đạo đức, phẩm chất của cán bộ trong chính quyền, theo Tiến sỹ Nguyễn Thị Từ Huy, qua một phỏng vấn bằng bút đàm với BBC hôm 17/9/2016.
"Nếu không có cải cách thể chế chính trị thực sự, nếu không có tam quyền phân lập, nếu luật pháp không độc lập với đảng pháp, thì những vở hề kịch sẽ còn tiếp tục xảy ra khi một hay một nhóm lãnh đạo muốn "trừng phạt" một vài người trong lúc mà tham nhũng hoành hành trên toàn hệ thống," nhà nghiên cứu từ Pháp nêu quan điểm.
"Điều đáng nói, như nhiều người khác đã chỉ ra, ông Thanh không phải là trường hợp duy nhất hay hy hữu trong chế độ. Trái lại, ông Thanh chỉ là một nhân vật thuộc dạng 'mờ nhạt' so với những nhân vật khác còn 'khủng' hơn nhiều nhưng chưa bị (hoặc không thể bị) khui ra", vẫn theo ý kiến này.
Mời quý vị theo dõi dưới đây toàn văn cuộc trao đổi của BBC với Tiến sỹ Nguyễn Thị Từ Huy.
BBC. Vụ việc với ông Trịnh Xuân Thanh, nguyên Phó Chủ tịch Tỉnh Hậu Giang của Việt Nam vẫn đang diễn ra và có lẽ cần thêm thời gian để theo dõi, tuy nhiên quan sát các phản ánh, diễn biến trên truyền thông, nhất là qua truyền thông chính thức của Việt Nam cho tới nay, bà thấy có điều gì đáng nói, đáng bàn?
TS. Nguyễn Thị Từ Huy: Trước hết, có thể nói ngay, tôi thấy có vấn đề đáng nói về điều có thể được gọi là sự dối trá và băng hoại của hệ thống chính trị. Ngay như tiểu sử của ông Trịnh Xuân Thanh cho thấy điều gì? Đã và sẽ có nhiều phân tích, nhưng cá nhân tôi đưa ra ít nhất hai điểm như sau:
Thứ nhất, trường hợp ông Trịnh Xuân Thanh khẳng định một lần nữa điều đã được nhận xét từ lâu: việc bổ nhiệm cán bộ của đảng cộng sản Việt Nam vận hành dựa trên nguyên lý 5C (con cháu các cụ cả). Bố ông Trịnh Xuân Thanh là ông Trịnh Xuân Giới, một cán bộ cao cấp của đảng, từng giữ các chức vụ Hiệu trưởng trường Đoàn Trung ương (TW) và Phó Trưởng ban Dân vận TW. Điều này giải thích tại sao ông Thanh chỉ có bằng cử nhân quy hoạch đô thị (năm 1990), sau đó đi làm ăn ở Đông Âu (dẫn theo Wikipédia tiếng Việt, không rõ làm ăn trong lĩnh vực nào) rồi trở về Việt Nam năm 1995, và ngay lập tức 1996 (lúc ông Thanh 30 tuổi) được bổ nhiệm chức vụ Phó giám đốc công ty phát triển kinh tế kĩ thuật Detesco của Trung ương Đoàn.
Người ta sẽ đặt câu hỏi là: nếu bố ông không phải là cán bộ lớn trong đảng và từng là hiệu trưởng trường Đoàn TW thì có thể xảy ra việc ông được bổ nhiệm chức vụ Phó giám đốc dễ dàng như vậy hay không? Chúng ta thử hình dung xem, nếu ta là con nông dân, hay con cán bộ bình thường, và ta chỉ có cái bằng cử nhân thôi, lại chẳng trải qua một quá trình làm việc lâu dài để chứng tỏ năng lực… thì ta làm sao có thể đột nhiên nhảy lên làm phó giám đốc một công ty nhà nước được? Vị trí Phó giám đốc của Detesco là bàn đạp để ông Thanh rất nhanh chóng nắm giữ các chức vụ từ quan trọng đến quan trọng nhất của tổng công ty Sông Hồng trong giai đoạn 2000-2007.
Lặp lại lộ trình của bố, con trai của ông Trịnh Xuân Thanh là Trịnh Xuân Cường được bổ nhiệm vị trí trợ lý giám đốc của Halico (tháng 10/2015) lúc mới 23 tuổi, và chỉ 6 tháng sau được bổ nhiệm làm phó phòng truyền thông marketing (tháng 4/2016). Một số người có nghiên cứu về hiện tượng cán bộ thuộc diện 5C này đều nhận định rằng đặc điểm chung của các lãnh đạo nhóm 5C là họ lên làm lãnh đạo khi tuổi đời còn rất trẻ, dĩ nhiên do tác dụng của ô dù gia đình.
Thực ra tuổi tác không quyết định khả năng làm việc. Và nhiều người xuất thân trong các gia đình cán bộ cao cấp nhưng vẫn có thực tài, có năng lực thực sự. Nhưng nếu "con cháu các cụ cả" trở thành nguyên tắc (ngầm) trong việc tuyển dụng cán bộ thì dĩ nhiên hậu quả không thể tránh khỏi là tham nhũng, kém hiệu quả, thua lỗ, kém phát triển, và tình trạng "gia đình trị" sẽ tiếp tục kéo dài dẫn đến hiện tượng toàn bộ các lĩnh vực trong xã hội bị một số gia đình nắm trong tay họ, còn các khẩu hiệu như "sử dụng nhân tài", "công bằng cơ hội"… trong thực tế chỉ là một mớ ngôn từ đưa ra lừa dối nhân dân mà thôi.
Từ chiếc xe biển xanh
Thứ hai, trường hợp Trịnh Xuân Thanh cho thấy một cách rõ ràng tính chất dối trá của hệ thống chính trị. Rất nhiều chi tiết giúp chứng minh tính chất dối trá này, ở đây tôi chỉ nêu hai chi tiết.
Chi tiết thứ nhất liên quan đến cái xe Lexus biển số xanh. Xin dẫn nguyên văn lời của ông Trần Công Chánh, Bí thư tỉnh ủy Hậu Giang, trong bài báo trên Tuổi trẻ ngày 14/6/2016 " Đã báo cáo tổng bí thư vụ 'hóa kiếp' xe Lexus": "Ông Thanh có đề xuất để ông mượn một chiếc ô tô đi làm tạm, thường trực tỉnh ủy xét thấy tạo điều kiện cho cán bộ luân chuyển thuận tiện trong đi lại, làm việc nên cũng có thể chấp nhận được". Phát biểu này cho thấy luật pháp của Việt Nam rất có vấn đề, có người còn đặt dấu hỏi "luật pháp ấy đáng giá mấy xu?"
Bài báo " Những ẩn khuất sau vụ hóa kiếp xe Lexus", cũng trên tờ Tuổi trẻ, cung cấp nhiều thông tin quan trọng, nó cho biết chủ sở hữu của cái xe lexus là tài xế của ông Thanh, tên là Nguyễn Đặng Toàn. Xe được mua năm 2013 và đăng ký ở Hà Nội với tên ông Toàn là chủ sở hữu. Sau khi ông Toàn mua xe một ngày thì nó được chuyển vào Hậu Giang và biến thành tài sản của Phòng hậu cần kỹ thuật Công an tỉnh Hậu Giang, với cái biển số xanh chỉ được phép dành cho xe công vụ. Không cần nhiều trí tưởng tượng lắm cũng có thể hình dung một số điều nếu đặt ra vài câu hỏi sau đây: "Một ông tài xế thì lấy tiền đâu ra mà mua xe Lexus?". "Một ông tài xế thì làm sao có đủ quyền lực để mà chỉ trong một ngày biến cái xe riêng của mình thành ra cái xe công vụ?", "Tại sao ông ta phải biến xe riêng của mình thành xe công vụ, để làm gì?"
"Tại sao ông Trịnh Xuân Thanh là Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang, cựu Tổng giám đốc Tổng công ty xây dựng Sông Hồng, cựu chủ tịch Hội đồng Quản trị Tổng công ty PCV, cựu Phó Chánh Văn phòng Bộ công thương… mà lại phải mượn xe của ông tài xế? Tại sao tài xế của ông Thanh thì có tiền mua xe, còn ông Thanh, với chừng đó chức vụ đã kinh qua, lại phải đi xe mượn?" Hãy thử trả lời câu hỏi này để thấy tính chất khôi hài nhưng bi thảm của chế độ đã đến mức nào. Đồng thời cũng để thấy tính chất dối trá đã đến mức nào, và đối chiếu với phát biểu của Chủ tịch tỉnh Hậu Giang để thấy lãnh đạo các cấp chấp nhận sự dối trá dễ dàng như thế nào, nếu không muốn nói rằng sự dối trá đã trở thành bản chất của họ.
Tuy nhiên, chi tiết thứ hai được đề cập đến sau đây mới nói lên sự dối trá điển hình của thể chế chính trị. Ông Trịnh Xuân Thanh lên làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị của PVC năm 2009, đến năm 2011 thì được phong danh hiệu Anh hùng lao động. Nhưng cũng chính thời gian đó PVC thua lỗ hơn 3.200 tỷ. Một đơn vị thua lỗ trầm trọng, thậm chí có nguy cơ mất vốn, mà lãnh đạo lại được phong Anh hùng lao động, và sau đó được thăng chức lên cấp cao hơn, ở Bộ Công thương, rồi về làm Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang. Còn có bằng chứng nào hùng hồn hơn cho sự dối trá của chế độ?
Điều đáng nói, như nhiều người khác đã chỉ ra, ông Thanh không phải là trường hợp duy nhất hay hy hữu trong chế độ. Trái lại, ông Thanh chỉ là một nhân vật thuộc dạng "mờ nhạt" so với những nhân vật khác còn "khủng" hơn nhiều nhưng chưa bị (hoặc không thể bị) khui ra.
Đừng ngạc nhiên và đừng trách cứ nếu trong nhân dân có những giả thiết hoặc những suy luận đủ các loại, kể cả những suy luận rất bất lợi về khả năng thanh trừng nội bộ của lãnh đạo cao cấp. Chỉ có thể tránh được các suy luận bất lợi ấy khi nền quản trị, nền hành chính và bộ máy truyền thông có được sự minh bạch, công khai, và sự minh bạch, công khai này phải được đảm bảo bằng một hệ thống pháp luật chuẩn mực.
Tới lối thoát hoàn hảo
BBC. Xin được lưu ý là vụ việc vẫn còn đang được nhà nước Việt Nam điều tra và xác minh, nhưng tiện đây, nếu có điều gì có thể bàn thêm về hệ thống chính trị và pháp luật của Việt Nam, ở góc độ tính hiệu quả, hiệu năng, chẳng hạn, thì bà có bình luận gì hay không?
TS. Nguyễn Thị Từ Huy: Tôi cho rằng ở đây cho thấy rõ có sự bất lực của hệ thống chính trị và hệ thống pháp luật xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.
Theo tin lan truyền thì giờ phút này ông Trịnh Xuân Thanh đã ra nước ngoài và đưa cả nhà ra nước ngoài. Báo chính thống không có tin chính thức về việc ông Thanh đang ở đâu. Ông Trịnh Xuân Thanh đã đưa đơn ra khỏi đảng trước khi bị đảng khai trừ. Và đến giờ này vẫn chưa có một kết luận nào mang tính pháp lý về vụ việc.
Toàn bộ sự việc này phải chăng cho thấy sự bất lực của cả hệ thống chính trị lẫn hệ thống luật pháp của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam?
Theo các báo chính thống thì vào tháng 6/2016 đã có đầy đủ các bằng chứng về vụ phạm pháp của chiếc xe Lexus tư nhân bị chuyển thành biển số xanh công vụ. Tài xế của ông Trịnh Xuân Thanh lấy tiền đâu ra để mua xe, ông làm sao phù phép để cái xe biến thành xe công vụ?…, những điều này Thanh tra chính phủ và các cơ quan luật pháp thừa sức làm sáng tỏ.
Và chỉ riêng chi tiết này cũng đã đủ để ông Thanh phải ra hầu tòa, nếu ông sống ở một nước có pháp luật hẳn hoi (pháp luật được tôn trọng). Nhưng cho đến thời điểm này cả hệ thống chính trị và hệ thống pháp luật của Việt Nam đã không làm gì được ông Thanh (quyết định khai trừ đảng, đúng như vô số các bình luận trên mạng, chỉ là một vở hài kịch không hơn không kém, khi mà chính ông Thanh đã đưa đơn ra khỏi đảng trước).
Việc ông Thanh rời khỏi Việt Nam không ngăn cản luật pháp Việt Nam tiếp tục điều tra và làm sáng tỏ những việc mà ông Thanh phải chịu trách nhiệm, và những cá nhân và tổ chức có liên quan đến vụ việc của ông Thanh cũng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Nhất là Ban tổ chức cán bộ Trung ương phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, bởi vì chính Ban tổ chức cán bộ Trung ương chịu trách nhiệm phê duyệt bổ nhiệm cán bộ.
Nếu vụ này bị "chìm xuồng" thì chúng ta có thể nói mà không hề sợ sai rằng hệ thống chính trị và hệ thống pháp luật hiện tại của Việt Nam là những hệ thống bất lực trong việc xử lý các tội phạm.
Và lúc đó những kẻ tham nhũng và tội phạm kinh tế, qua "tấm gương" vụ việc của ông Trịnh Xuân Thanh, họ có thể yên tâm lớn: lúc nào họ cũng có thể ra khỏi đảng, có thể mang cả nhà đi khỏi Việt Nam, có thể bảo toàn cho bản thân và gia đình, vì thế mà họ sẽ yên tâm tiếp tục mà tham nhũng. Còn gì phải sợ? Trịnh Xuân Thanh đã mở ra một lối thoát tuyệt hảo cho cả một hệ thống các quan chức tham nhũng, họ chẳng có gì phải sợ.
Nếu không có cải cách thể chế chính trị, nếu không có tam quyền phân lập, nếu luật pháp không độc lập với đảng pháp, thì những vở "hề kịch Trịnh Xuân Thanh" sẽ còn tiếp tục xảy ra khi một hay một nhóm lãnh đạo muốn "trừng phạt" một vài người trong lúc mà tham nhũng hoành hành trên toàn hệ thống.
Còn trong trường hợp cả chính quyền và luật pháp đều bất lực, không thể trừng phạt ai cả, và không thể "chống tham nhũng", thì dĩ nhiên cả hệ thống sẽ rữa nát vì chính căn bệnh tham nhũng của nó, vấn đề chỉ là thời gian mà thôi. Nhưng hậu quả không phải là do "căn bệnh" (tức là sự tham nhũng) gánh chịu, mà là "người mang bệnh", tức là toàn bộ dân tộc này, phải gánh chịu.
"Căn bệnh" dĩ nhiên sẽ không tự đào thải nó được (hình dung xem, cái khối ung thư nằm trong cơ thể một người nào đó lại tự nhiên nhảy ra khỏi người đó ư?). Chỉ khi nào người bệnh biết mình mang bệnh và muốn cắt bỏ nó và tìm cách cắt bỏ nó thì lúc đó mới mong có thể được chữa trị. Người bệnh chính là mỗi công dân Việt Nam chúng ta đấy thôi. Cần đối diện với sự thật này: cả dân tộc đang nuôi cái khối ung thư có tên "tham nhũng" bằng chính máu của mình.
Sự giàu có và sự an toàn của những kẻ tham nhũng có thể được đổi lại bằng cái chết của những đứa trẻ phải tự tử vì quá nghèo, những người phải bán nội tạng của mình vì không có gì để ăn, những phụ nữ chết xác phải đắp chiếu chở trên xe máy, và những bờ biển chết, những ngư dân đang đối diện với cái chết...
Khối ung thư tham nhũng đã và đang di căn đi khắp mọi nơi. Và hạt nhân của khối ung thư ấy là một thể chế chính trị trong đó pháp luật chỉ là công cụ để bảo vệ nhóm đặc quyền chính trị, tức cũng là nhóm đặc quyền tham nhũng.
Trên đây là ý kiến, quan điểm riêng của nhà nghiên cứu chính trị Nguyễn Thị Từ Huy, người có bằng tiến sĩ văn chương bảo vệ tại Pháp năm 2008 và từng giảng dạy tại một số trường đại học ở Việt Nam. Hiện bà đang làm luận án Tiến sĩ về triết học chính trị tại Đại học Paris Diderot, Pháp.
http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/2016/09/160917_nguyenthituhuy_on_trinhxuanthanh
60. Chuyện cũ năm 2014
08:47 - Thứ Sáu, 21/3/2014
Danh tính và chức vụ của 44 cán bộ Trung ương luân chuyển
Có 25 cán bộ sẽ giữ chức phó bí thư và 19 cán bộ được giới thiệu để bầu giữ chức phó chủ tịch UBND các tỉnh, thành...
TỪ NGUYÊN
Văn phòng Trung ương Đảng vừa có thông báo tới các tỉnh, thành ủy, các cơ quan liên quan về việc 44 cán bộ được Bộ Chính trị luân chuyển, điều động về công tác tại các địa phương.
Theo đó, có hai cán bộ được Bộ Chính trị điều động, phân công là ông Nguyễn Thanh Nghị, Uỷ viên dự khuyết Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Xây dựng về tỉnh Kiên Giang, giữ chức Phó bí thư Tỉnh uỷ nhiệm kỳ 2010 - 2015 và giới thiệu để Hội đồng Nhân dân tỉnh bầu giữ chức Phó chủ tịch UBND tỉnh, nhiệm kỳ 2011 - 2016.
Cùng với ông Nghị là ông Sơn Minh Thắng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc giữ chức Phó bí thư Tỉnh uỷ Sóc Trăng, nhiệm kỳ 2010 - 2015.
Ngoài ra, có 23 cán bộ được chỉ định tham gia ban chấp hành, ban thường vụ và giữ chức phó bí thư các tỉnh, thành ủy, gồm:
- Ông Nguyễn Hữu Từ, Phó chánh văn phòng Trung ương Đảng, giữ chức Phó bí thư Tỉnh uỷ Bình Dương.
- Ông Lê Hồng Quang, Phó chánh án Toà án Nhân dân Tối cao, giữ chức Phó bí thư Tỉnh uỷ Tiền Giang.
- Thiếu tướng Trần Quốc Tỏ, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm, Phó thủ trưởng cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an, giữ chức Phó bí thư Tỉnh uỷ Thái Nguyên.
- Bà Nguyễn Thị Xuân Thu, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giữ chức Phó bí thư Tỉnh uỷ Thanh Hoá;
- Ông Phan Văn Mãi, Bí thư Thường trực Trung ương Đoàn, giữ chức Phó bí thư Tỉnh uỷ Bến Tre.
- Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Phó chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, giữ chức Phó bí thư Tỉnh uỷ Vĩnh Long.
- Ông Lê Quang Huy, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, giữ chức Phó bí thư Tỉnh uỷ Nghệ An.
- Ông Đặng Thế Vinh, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, giữ chức Phó bí thư Tỉnh uỷ Hậu Giang
- Ông Nguyễn Văn Thanh, Phó tổng thanh tra Chính phủ, giữ chức Phó bí thư Tỉnh uỷ Lạng Sơn;
- Ông Lê Minh Khái, Phó tổng kiểm toán Nhà nước, giữ chức Phó bí thư Tỉnh uỷ Bạc Liêu;
- Ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó chủ tịch chuyên trách Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia, giữ chức Phó bí thư Tỉnh uỷ Bắc Kạn;
- Ông Trần Văn Sơn, Thứ trưởng Bộ Xây dựng, giữ chức Phó bí thư Tỉnh uỷ Điện Biên;
- Ông Nguyễn Khắc Định, Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, giữ chức Phó bí thư Thành uỷ Tp.HCM.
- Ông Lê Thành Long, Thứ trưởng Bộ Tư pháp, giữ chức Phó bí thư Tỉnh uỷ Hà Tĩnh.
- Ông Phạm Gia Túc, Phó chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), giữ chức Phó bí thư Thành uỷ Cần Thơ.
- Ông Nguyễn Đình Khang, Tổng giám đốc Tập đoàn Hoá chất Việt Nam, giữ chức Phó bí thư Tỉnh uỷ Hà Giang.
- Ông Lê Thanh Vân, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, giữ chức Phó bí thư Tỉnh uỷ Hải Dương.
- Ông Đỗ Ngọc An, Vụ trưởng Vụ Địa phương 1, Ban Tổ chức Trung ương, giữ chức Phó bí thư Tỉnh uỷ Lai Châu.
- Ông Dương Văn An, Bí thư Trung ương Đoàn, giữ chức Phó bí thư Tỉnh uỷ Bình Thuận.
- Bà Nguyễn Thị Hà, Bí thư Trung ương Đoàn, giữ chức Phó bí thư Tỉnh uỷ Bắc Ninh.
- Ông Trần Văn Minh, Vụ trưởng Vụ Đơn thư - Tiếp đảng viên và công dân, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương, giữ chức Phó bí thư Tỉnh uỷ Quảng Ngãi.
- Ông Lê Văn Châu, Tổng giám đốc Tổng công ty Sông Đà, Bộ Xây dựng, giữ chức Phó bí thư tỉnh uỷ Bình Phước.
Riêng ông Hoàng Văn Trà, Uỷ viên Uỷ ban Kiểm tra Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương sẽ thống nhất với địa phương để xác định địa bàn luân chuyển.
Đối với 19 cán bộ còn lại được Bộ Chính trị chỉ định tham gia ban chấp hành đảng bộ các tỉnh, thành phố và giới thiệu để hội đồng nhân dân bầu giữ chức phó chủ tịch UBND tỉnh, thành, gồm:
- Ông Lê Hồng Sơn, Thứ trưởng Bộ Tư pháp, được giới thiệu giữ chức Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội.
- Ông Nguyễn Hoàng Giang, Vụ trưởng, Thư ký Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Trung ương, được giới thiệu giữ chức Phó chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình.
- Ông Lê Quang Tùng, Vụ trưởng Vụ Kinh tế địa phương và lãnh thổ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, được giới thiệu giữ chức Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh.
- Ông Vũ Đại Thắng, Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, được giới thiệu giữ chức Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam.
- Ông Bạch Ngọc Chiến, Trưởng ban Truyền hình đối ngoại, Đài truyền hình Việt Nam, được giới thiệu giữ chức Phó chủ tịch UBND tỉnh Nam Định.
- Ông Bùi Nhật Quang, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, được giới thiệu giữ chức Phó chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận.
- Ông Nguyễn Xuân Bình, Chánh văn phòng Bộ Nội vụ, được giới thiệu giữ chức Phó chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng.
- Ông Trương Quang Hoài Nam, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương, được giới thiệu giữ chức Phó chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ.
- Ông Nguyễn Duy Bắc, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, được giới thiệu giữ chức Phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hoà.
- Ông Lê Anh Tuấn, Vụ trưởng - Trưởng ban Quản lý đầu tư các dự án đối tác công tư, Bộ Giao thông Vận tải, được giới thiệu giữ chức Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá.
- Ông Trần Ngọc Liêm, Vụ trưởng Vụ Giám sát, thẩm định và xử lý sau thanh tra, Thanh tra Chính phủ, được giới thiệu giữ chức Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng.
- Ông Nguyễn Tiến Hoàng, Vụ trưởng Vụ Lý luận chính trị, Ban Tuyên giáo Trung ương, được giới thiệu giữ chức Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình.
- Ông Đặng Xuân Thanh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Trung Quốc, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, được giới thiệu giữ chức Phó chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai.
- Ông Phạm Văn Thuỷ, Cục trưởng Cục Văn hoá cơ sở, Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch, được giới thiệu giữ chức Phó chủ tịch UBND tỉnh Sơn La.
- Ông Vũ Chí Giang, hàm Vụ trưởng Vụ 3, Văn phòng Chính phủ, được giới thiệu giữ chức Phó chủ tịch UBND tỉnhVĩnh Phúc.
- Ông Lê Văn Thanh, Cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, giữ chức Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam.
- Ông Cao Huy, Phó bí thư thường trực Đảng uỷ Văn phòng Chính phủ, được giới thiệu giữ chức Phó chủ tịch UBND tỉnh Đăk Nông.
- Ông Thân Đức Hưởng, Giám đốc Trung tâm thông tin kinh tế, Ban Kinh tế Trung ương, giữ chức Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau.
- Ông Nguyễn Hải Anh, Vụ trưởng Vụ Thi đua - khen thưởng, Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch, được giới thiệu giữ chức Phó chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang.
Được biết, trong tuần qua, một số bộ, ngành, cơ quan quản lý các đơn vị trên đã tiến hành các thủ tục bàn giao công việc và tổ chức chia tay các cán bộ nói trên để về địa phương đảm nhận nhiệm vụ mới.
Trước đó, ngày 28/2, Văn phòng Trung ương Đảng đã có thông báo quyết định của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về luân chuyển 44 cán bộ Trung ương về các địa phương nhằm chuẩn bị một bước về nhân sự lãnh đạo cấp ủy địa phương, cơ quan, đơn vị ở Trung ương nhiệm kỳ tới.
Trao đổi với báo chí ngày 20/3 về đợt luận chuyển cán bộ lần này, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó trưởng ban Tổ chức Trung ương Trần Lưu Hải cho biết, mục đích của đợt luân chuyển này chủ yếu chọn cán bộ có đủ tiêu chuẩn đưa xuống cơ sở rèn luyện, nếu hoàn thành tốt nhiệm vụ sẽ được bố trí ở vị trí cao hơn nhằm đào tạo lớp cán bộ chất lượng cao, có phẩm chất, đạo đức tốt, có trình độ cao cả lý luận, thực tiễn và kinh nghiệm công tác cho các ngành, các cấp.
Lãnh đạo Ban Tổ chức Trung ương cũng chia sẻ, ngoại trừ một số trường hợp Bộ Chính trị chỉ định, số còn lại để muốn tham gia bên chính quyền sau khi được Bộ Chính trị giới thiệu cần phải được hội đồng nhân dân địa phương bầu.
Đặc biệt, để tránh trường hợp bầu nhưng không trúng, trước khi đưa cán bộ đi luân chuyển, lãnh đạo Ban tổ chức Trung ương phải trao đổi, bàn bạc rất kỹ, tạo sự thống nhất cao trong cấp ủy địa phương để lãnh đạo hội đồng nhân dân bầu nên cán bộ đó sẽ được “ủng hộ”. Trường hợp cán bộ không trúng cử thì có thể rút về, bố trí công việc thích hợp.
Tuy nhiên, theo ông Hải, thực tế từ khi tiến hành công tác luân chuyển cán bộ đến nay, "chưa có trường hợp nào Trung ương giới thiệu mà bầu không trúng".
http://vneconomy.vn/thoi-su/danh-tinh-va-chuc-vu-cua-44-can-bo-trung-uong-luan-chuyen-2014032006210423.htm
59. Nhà báo Xuân Ba vừa có bài về ông Trịnh Xuân Giới
TP - Cuộc hẹn. Tôi chợt nhận ra chỗ ông hẹn với tôi là một địa điểm trước chùa Tảo Sách ngay sát Hồ Tây. Cũng nói thêm là khi gọi, ông bắt máy và nói luôn đến nhà riêng của ông không tiện vì nhiều nhẽ…
Ông Trịnh Xuân Giới (phải) với tác giả.
Không gian trước chùa như phóng khoáng thoáng đãng trong nắng với gió thu Hà thành. Nên từ xa, cái dáng ông lâu ngày chưa gặp lại trên cái chiếc cúp cũ mèm rất dễ nhận ra. Mà hình như khác? Khác là cái cúp 92 thuở nào mà tôi vẫn gặp ông cưỡi hồi là Hiệu trưởng trường Đoàn Trung ương và cả khi là Phó ban Dân vận nay được thay bằng thứ xe khác ngó xuôn gọn hơn. Vẫn cái dáng manh mảnh lòng khòng và may chưa dính bụng bự. Khác chăng là ông nuôi râu lẫn ria. Đã trắng phớ cả. Xem nào năm nay ông sắp tám mươi, hình như bảy tám bảy chín?
Thay vì ghé vào một quán cà phê gần đó, tự dưng tôi ngỏ là nên vào chùa? Ông cũng vui vẻ chiều.
Để tĩnh tâm cho ông. Và cho nhau? Tôi cũng chả biết nữa. Nhưng mấy khi như sớm thu này được sải những bước chầm chậm bên một vị vong niên như một thứ cố nhân cũng là cái việc đường được? Vong niên là mối quan hệ của người nhiều tuổi chơi với người ít tuổi. Gọi là đường được chứ không dám và rành rẽ là thú vị bởi cái người bên tôi đây, vẻ ngoài bình lặng cùng cái cười như cố hữu ấy dám chắc chả nhiều thì ít đang chất chồng nhưng giông bão này khác trong lòng?
Cũng lạ là chúng tôi diễu suốt từ cổng chùa đến gian tam bảo rồi nhà tổ quành ra chỗ bình phong nghi môn ngay sát mí nước Tây Hồ, khách vãn chùa sáng thu nay cũng lắm, chùa lại gần nhà ông thế mà hình như chả có ai nhận ra cái người trông cao lão râu ria bạc trắng kia là thân phụ của một người tên là Trịnh Xuân Thanh tâm điểm mấy ngày nay của bão dư luận?
Cũng có biết vị tiến sĩ sử học này đọc rộng nhưng vẫn bất ngờ khi ông rành rẽ thêm cùng tôi về ngôi chùa Tảo Sách đã tồn tại hơn 6 thế kỷ ven Tây Hồ này. Tảo (còn có tên nữa là Tào) Tào Sách, đọc sách dưới nắng mai, tên chữ là Linh Sơn tự. Khi cùng nhau luận một chặp để tạm hiểu được vế đối Tào Sách thanh phong thiên cổ danh lam quang hữu vĩnh/Tây Hồ minh nguyệt tứ thời cảnh chí ánh vô biên (Gió Tào Sách danh lam nghìn xưa ánh sáng còn mãi/Trăng Tây Hồ bốn mùa cảnh sắc tươi sáng vô cùng) ông khẽ cười rằng người xưa cũng như nay luôn chăm chú nhưng lại viễn vông lảng tránh những sự thật trần trụi.
Nhưng cái gì cũng tuân theo thứ luật dịch biến. Ngay ngôi chùa cổ này đã bao lần dâu bể những là phá phách hỏa hoạn. Lần mới đây đâu như năm 2011, gian tam bảo nguy nga hoàng tráng ta vừa ghé nãy một cơn hỏa hoạn đã bùng phát thiêu rụi hơn trăm mét vuông may mà nhiều tượng thờ đã mau chóng được cứu thoát.
Thiên hạ ít người biết được những thứ dâu bể đó mà nay chỉ rờ rỡ trước mắt chúng sinh những cảnh cẩm tú minh nguyệt thanh phong trăng trong gió mát? Nói vậy nghĩa là thế nào? Hình như ông đang nhắc đến công đoạn nào đó của quy luật vô thường sinh, trụ, dị, diệt?Liệu quy luật ấy có hữu hiệu khi vận vào thứ chúng sinh phàm trần, hiểu đại khái là qua cơn bĩ cực sẽ tới hồi thái lai?
Những sải bước viếng chùa chầm chậm lại khi chúng tôi tìm được một chỗ ngồi vắng vẻ nơi góc vườn bên một gốc bưởi lúc lỉu những quả.
Là tôi đang nói dở đến đoạn vong niên với cố nhân bậc đàn anh cũ nay gặp lại. Tờ báo Tiền Phong nơi tôi tòng sự cuối những năm bảy mươi của thế kỷ trước giao nhiệm vụ cho đám phóng viên mới vào nghề là phải bám cho chặt những chỉ thị cùng hoạt động của một ban thuở ấy có tên Ban Thanh niên Công nhân Trung ương Đoàn.
Từ tòa báo nhảo sang ngôi nhà 62 Bà Triệu trụ sở của Ban cũng gần. Tuần nhiều thì ba bốn buổi, ít thì một thường luôn có những cuộc gặp làm việc như thế. Tôi không rành lắm các Ban khác của cơ quan T.Ư Đoàn như thế nào nhưng hoạt động lẫn nhân sự của Ban Thanh niên Công nhân thì hơi bị chắc. Tôi với Dương Xuân Nam (tức nhà thơ Dương Kỳ Anh, sau trở thành tổng biên tập của báo) bám theo nhiều thành viên trong Ban đi khắp các tỉnh thành địa phương, nơi nào có hoạt động của thanh niên công nhân.
Trưởng Ban là anh Phan Xuân Chương cẩn trọng nhưng vui tính từng để lại bao kỷ niệm lẫn dấu ấn. Còn nhớ hồi anh chuyển công tác sang làm chỗ Ban cán sự Đảng ở Mátxcơva, lần đó nhổng sang tôi mò về nằm ở phòng anh trong khu tập thể của Ban gần mươi ngày, được anh chỉ vẽ cụ thể cung cách thâm nhập mảng người Việt lao động hợp tác khi đó đang nhan nhản khắp Liên Xô. Tiếc anh Chương bị bạo bệnh mất sớm đâu năm 1990.
Trên cái vầng trán thanh thoát ngày nào là mớ tóc bạc của người cha đang trĩu xuống nỗi buồn mang tên con Trịnh Xuân Thanh. Chợt chi tiết năm cái bát ăn cơm sắt tráng men ngày ấy ập về…
Phó của anh Chương ở 62 Bà Triệu là anh Lê Quang Thưởng. Ông này khi đó còn trẻ mà tóc đã bạc cũng là tấm gương cần cù, sâu sát thực tế. Nhiều dịp tôi theo anh Thưởng đi cơ sở, anh em công trường cứ một haithưa bác với anh. Anh Thưởng chả thèm để ý đến chuyện nhuộm tóc cứ để thế mãi sau này khi đảm nhận chức tước mới là Phó ban Tổ chức Trung ương Đảng.
Một vị phó nữa của anh Chương cùng họ tên lót nhưng khác tên với tôi là anh Trịnh Xuân Giới. Tôi được bám cơ sở với anh Giới có vẻ nhiều hơn là với ông Trưởng và ông Phó ban kia. Phong trào rèn tay nghề thi thợ giỏi. Phong trào tiết kiệm (thu hồi) vỏ bao xi măng. Phong trào thu nhặt sắt thép phế liệu… Thôi thì đủ cả.
Luẩn quẩn với lẩn mẩn vậy cũng vèo đi dễ sáu, bảy năm giời. Lần ấy, anh Giới đưa tôi về nhà máy sắt tráng men Hải Phòng nơi anh từng làm việc. Kết thúc đợt công tác, quà nhà máy biếu hai anh em là cái ca sắt tráng men trắng có dòng chữ đỏ Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược sản phẩm của nhà máy vốn thịnh hành trước đó rất lâu thời chống Mỹ và năm cái bát ăn cơm bằng sắt tráng men. Anh Giới trịnh trọng cảm ơn nhưng trả lại năm cái bát ăn cơm và nói hai anh em tôi chỉ xin cái ca làm kỷ niệm. Tiếc nhưng anh đã làm vậy đành chịu.
Hình như có ai đã nói những cú hích thời trẻ nó quan trọng dư năng lượng để ngoặt cuộc đời sang một hướng khác? Những câu chuyện không đầu cuối lui mãi vào những đêm sâu ở nhà khách mỏ Đèo Nai, Quảng Ninh, xi măng Hải Phòng… đến giờ hình như vẫn còn roi rói?
Hình như anh không phải vài lần khuyến khích tôi là nên xin tập trung dứt điểm một đợt hàm thụ chuyên tu Hán Văn hay ngoại ngữ gì đó cho đứt điểm, cậu có khiếu đấy, cứ chùng chình láu táu kiểu học lỏm chả đi đến đâu… Cái thời ấy bao thứ chia lòng chia trí rồi những lần lữa chùng chình này khác mà tôi đã ngó lơ những lời khuyên của những người anh! Giờ vèo cái, chửa tiêu gì ra món đã sắp hết veo cuộc đời đúng như anh Giới từng cảnh báo vậy!
Chu tất đến tỷ mẩn. Cẩn trọng đến cứng nhắc. Thứ phát lộ ấy ở anh ở công việc ở ban ngày. Nhưng những câu chuyện về đêm ở nhà khách thấy thấp thoáng một anh Giới là lạ. Gia đình anh thuộc loại có máu mặt của dòng họ Trịnh mạn Mai Lâm, Đông Anh. Cụ ông có hai bà. Anh là con bà sau. Kháng chiến, gia đình anh bỏ lại gia sản lếch thếch tản cư lên Thái Nguyên. Sau 1954, gia đình bà trước đi Nam.
Anh rành rẽ khai trong lý lịch. Có phải vì thế chuyện vào Đảng của anh cũng hơi bị trục trặc nhưng may rồi xuôi. Cuối 1975, Phó ban Thanh niên Công nhân Trung ương Đoàn Trịnh Xuân Giới được tham gia trong tổ công tác đặc biệt do Phó Thủ tướng Đỗ Mười vào Sài Gòn nghiên cứu khảo sát tình hình chuẩn bị cho cuộc cải tạo tư sản.
Vào Nam, chợt nhớ ra chủ định lâu nay, anh đã mạnh dạn gặp ông Đỗ Mười đề đạt nguyện vọng được đến thăm người anh ruột cùng cha khác mẹ vô Nam từ năm 1954 lâu nay biệt tích hiện đang học tập cải tạo. Anh cậu làm gì? Dạ người anh tên là Trịnh Xuân Ngạn làm Chánh án Pháp Viện tối cao. Anh mày làm to nhỉ. Rồi ông Đỗ Mười cũng cấp giấy…
Gần hai mươi năm sau, năm 1995 nhân một hội nghị quốc tế về thiên văn học tổ chức tại Hà Nội, tôi được gặp, phỏng vấn viết bài về nhà thiên văn học tài năng người Việt ở Pháp Trịnh Xuân Thuận. Từng được đọc cuốn Hỗn độn và hài hòa với cách viết độc đáo khoa học xen với văn chương trước đó nên tôi bập vào chuyện với nhà thiên văn học rất tự nhiên.
Càng chuyện càng ngạc nhiên thú vị khi biết GSTS Trịnh Xuân Thuận là con trai vị Chánh án pháp Viện Tối cao của chính quyền Sài Gòn bị đi tập trung cải tạo và cũng là anh ruột của anh Trịnh Xuân Giới. Hai mươi năm, chắp nối lại câu chuyện của cả hai người, đại thể thế này, người anh của Trịnh Xuân Giới nổi tiếng đến mức Chính phủ Pháp đã có thư riêng cho Thủ tướng Phạm Văn Đồng thỉnh cầu việc giúp đỡ.
Việc giúp ấy do ông Trịnh Xuân Ngạn thời gian tập trung học tập cải tạo, ngoài cái trại mà anh Giới vào thăm lần đầu ấy sau chuyển ra Bắc qua trại Hoàng Liên Sơn một thời gian dài sức khỏe kém sút. Rồi ông Ngạn, cha của GSTS Trịnh Xuân Thuận được đặc cách ra trại và xuất cảnh ra nước ngoài.
Chia tay người anh tại ga Hàng Cỏ do được báo gấp và muộn, anh Giới chỉ gặp được người anh của mình một chốc. Sách báo bên phe của chú anh đã nghiền ngẫm nhiều ở các trại cải tạo. Có lẽ phải khác đi chứ theo cái cách này thì chỉ nghèo mãi. Ông anh vắn tắt vội với chú em khi ấy là Phó Ban Thanh niên Công nghiệp T.Ư Đoàn như thế…
Đối diện 1
Rồi anh Giới chuyển công tác về phụ trách Trường Đoàn Trung ương. Tôi có người bà con ở Trường dưới quyền anh nên thi thoảng nhảo sang cũng có gặp anh. Đâu như thời gian anh Sáu Phong Nguyễn Minh Triết làm Trưởng ban Dân vận Trung ương đề nghị xin anh Giới sang thì phải, hay nhiệm kỳ trước đó ông Phan Minh Tánh làm việc đó tôi không được biết rõ?
Mười một năm với cương vị Phó ban Dân vận Trung ương, có lẽ lãnh vực dân vận cần anh ở nhiều vị trí khác nhau và được việc nên mới trụ lâu như thế? Có một chuyện cũng thú vị mà thời điểm đó tôi định viết nhưng anh bảo đừng, để khi khác. Khi khác chả bao giờ được thực hiện ấy là chuyện ông Phó ban Dân vận Trịnh Xuân Giới đi Hoa Kỳ.
Ông không đi với danh nghĩa Phó ban Dân vận mà là phụ tá cho nhà ngoại giao Nguyễn Đình Bin. Đoàn công tác có thể nói là đặc biệt (sau này mới biết đó là đoàn sang để chuẩn bị cho việc ra đời Nghị quyết 36 về người Việt ở nước ngoài) với nhiều nhiệm vụ quan trọng thế nào không biết nhưng có cái việc kéo… ông Nguyễn Cao Kỳ về.
Tìm được nơi ông Kỳ cư ngụ, nhưng gặp không dễ. Có người bày cho cách đến sân ten nít. Cựu Phó tổng thống kiêm phi công Nguyễn Cao Kỳ gác vợt lau mồ hôi thẳng băng à mấy ổng dụ tôi về để bắt chứ gì… Cái gì? Về với tư cách thăm thân à? Để tôi nghĩ đã… Sau đó là những tiếp xúc chuyện trò, ăn uống thân mật này khác.
Ông Kỳ nêu ba việc. Được mang theo nhà đầu tư và ký giả về; Được tự do về thăm quê; Được đi thoải mái từ Nam ra Bắc. Mọi thứ OK. Và như mọi người đã biết, cái bắt tay thân mật lần đầu của ông Phạm Thế Duyệt - Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam với ông Nguyễn Cao Kỳ tại Trụ sở Tràng Thi có duyên do từ cuộc đi tiền trạm năm ấy của ông Bin với ông Giới.
… Bây giờ lại ngồi với ông như bốn mươi năm trước. Có điều không phải ở nhà khách nhà máy sắt tráng men mà ở vườn chùa Tảo Sách, Tây Hồ. Và trên cái vầng trán thanh thoát ngày nào là mớ tóc bạc của người cha đang trĩu xuống nỗi buồn mang tên con Trịnh Xuân Thanh. Chợt chi tiết năm cái bát ăn cơm sắt tráng men ngày ấy ập về… Chao ôi chả thể tưởng tượng được cái ông Giới khiêm nhường đến rụt rè ngày nào gần đây đã hào sảng đồng ý cho lính của con trai tổ chức cho mình một cái lễ sinh nhật hoàng tráng chi phí nửa tỷ đồng!
Thời thế quả là đảo điên! Ngập ngừng rồi tôi cũng hỏi thẳng ông cái việc ầm ĩ trên truyền thông vừa rồi là đơn vị dưới quyền của Trịnh Xuân Thanh đã dám tổ chức sinh nhật cho bố sếp tức lo cho ông Giới đây một cái lễ sinh nhật chi phí gần nửa tỷ bạc là cơ sự làm sao?
Vừa buột lời tôi đã hơi hối vì chợt nghĩ đến câu chuyện của một cán bộ lãnh đạo Đảng Quận Tây Hồ dịp báo cáo về phong trào học tập làm theo tấm gương Bác Hồ đã xúc động kể về một ông Bí thư chi bộ khu 14 của Khu đô thị Ciputra đã từng làm cái việc hằng ngày đi thu gom giấy trắng một mặt tại các cửa hàng phô tô để làm phong bì giao dịch và in nháp các tài liệu nghiên cứu. Đồng chí đã dùng tiền từ nghiên cứu khoa học và tiền tiết kiệm mua một bộ máy tính tặng trường Mầm non Phú Thượng.
Vị Bí thư ấy là ông Trịnh Xuân Giới. Cũng vẫn lời vị cán bộ Đảng nọ.
Năm 2013, trong dịp kỷ niệm 123 năm ngày sinh nhật Bác, đồng chí Trịnh Xuân Giới được Quận ủy, Hội đồng thi đua khen thưởng Quận Tây Hồ tặng giấy khen vì có thành tích trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. 75 năm tuổi đời, 52 năm tuổi Đảng, đồng chí Trịnh Xuân Giới thực sự là người đảng viên mẫu mực, người Bí thư chi bộ điển hình trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác Hồ.
Ciputra Tây Hồ là vị trí đắc địa nơi quần cư của dân thượng lưu. Là khu dân cư được thành lập chưa lâu, người dân khu đô thị ở nhiều nơi chuyển đến, chủ yếu là những người có địa vị trong xã hội, có trình độ dân trí cao. Gần 30% cư dân là người nước ngoài, với gần 50 quốc tịch. Là khu dân cư có nhiều cán bộ cao cấp đang đương chức, đã nghỉ hưu với hàm Ủy viên Bộ chính trị, Ủy viên Trung ương, đứng đầu Bộ ngành này khác. Thế mà đã hơn ba nhiệm kỳ, ông Giới được tín nhiệm là Bí thư Chi bộ khối dân cư 14.
Liên hệ gắn kết và chuyển động được những cán bộ cao cấp đã cao tuổi trong khu đô thị đã nghỉ hưu để họ tham gia công tác ở cơ sở là cả một việc gian nan và không có tâm có tầm chả thể làm được?
Tôi đang tưởng tượng ông Bí thư chi bộ Trịnh Xuân Giới ngày đêm ra chạm vào đụng với những khuôn mặt, những mái đầu bạc khả kính cũ lẫn mới ấy có thể những ánh mắt ấy vẫn ánh lên những cái nhìn tin cậy ấm áp và cả cảm thông nữa nhưng chắc ông phải chịu một thứ áp lực vô hình cực kỳ khó chịu nào đó?
Rằng các vị ơi, kia là cha ruột của cái tên Trịnh Xuân Thanh, Phó chủ tịch Hậu Giang vừa bị khai trừ Đảng bị truất quyền Quốc hội này khác… Mà khốn khổ, thể nào mà chả có những xầm xì nghi ngại rằng con dại cái mang, bố thì tô tượng đúc chuông, con thì phá đình phá chùa.
(Cuối buổi gặp ấy, ông có kể với tôi mặc dù vụ việc của con trai ông chưa được điều tra chưa kết luận cụ thể và mặc dù trong chi ủy các đồng chí trong chi bộ hưu thuyết phục, khuyên răn đủ cách nhưng ông Giới vẫn chủ động và dứt khoát xin từ chức Bí thư chi bộ. Nguyên nhân chắc có nhiều nhưng ông Giới có phần áp lực trước những ánh mắt nghi ngại ấy thì ông biết ăn biết nói ra sao?)
Khuôn mặt ông như có đám mây đen lướt qua. Ông lão khốn khổ đang lặng phắc bên tôi đây, trong cuộc đời ông, không biết có những sự kiện sự cố nào lớn hơn sự kiện mà bây giờ chỉ cần gõ guc gồ từ khóa cái tên Trịnh Xuân Thanh con trai ông tức khắc tuôn ngay ra hai triệu bảy trăm bốn mươi ngàn kết quả.
Mà khủng khiếp thay, kết quả ấy toàn những sự việc con số như những thứ búa tạ giáng vào ông vào vợ con ông và những người thân. Nói đến chuyện người thân, ban nãy ông thở dài khi cho tôi biết vợ ông cũng đã bảy mấy. Nay ở trong tim bà vợ đang có thép không phải sức chịu đựng gì gang thép mà nhiều năm nay đã phải luồn 2 ống thép để chống cự với căn bệnh động mạch vành…
Cậu có tin không?
Bất ngờ chất giọng khàn khàn của ông bỗng vống lên… Không đợi tôi trả lời ông nhắc lại hình như từng kể tôi nghe cái đoạn một thời gian chiến sĩ vệ quốc đoàn Trịnh Xuân Giới được biệt phái làm thư ký cho các đội cải cách ruộng đất. Phải, ông đã từng kể và tôi có nhớ. Cái thời nhất đội nhì giời.
Cái thời tố điêu tố lấy được để nhăm nhăm tí quả thực. Cái thời băng hoại tình nghĩa bố con anh em ruột rà lân gia này khác mà ông trực tiếp chứng kiến và tệ hơn là phải biên chép những sự ấy một cách tường tận.
Ông thở hắt ra rằng không ngờ cái chuyện tố điêu tố lấy được mà ông hãi hùng đích mục sở thị ấy lại vận vào chính thời điểm cuối đời mình. Đó là cái cách ông nói cái chuyện tày đình lo cho sinh nhật bố sếp nửa tỷ bạc được ghi trong một cuốn sổ đen nào đó của doanh nghiệp con trai ông! Ông nói ông muốn làm cái việc đối chứng đối chất kiểm tra chuyện này…
Cậu có tin không? Chưa kịp trả lời việc của bố, lại tiếp một câu hỏi từ ông với chất giọng thở hắt ra cái việc của thằng con. Chất giọng ông vẻ như đanh và dứt khoát rằng nếu như thằng Thanh tham ô làm thất thoát hơn ba ngàn tỷ, nếu cơ quan chức năng điều tra đến nơi đến chốn nghiêm minh nếu đúng như thế thì tội của nó là trời tru đất diệt, nó phải chịu sự phán xét nghiêm khắc của luật pháp bất kể hình thức gì.
Rằng ông và những người thân đang mong, rất mong việc đó diễn ra theo đúng trình tự luật pháp. Nhưng bây giờ, kể cũng lạ, chưa điều tra xét xử hay pháp đình gì nhưng hơn hai triệu kết quả trên gúc gồ cả lề trái lẫn lề phải đều toát lên hơi hướng án tử úp chụp xuống đầu con trai ông?
Tôi có nhớ mình đã khẽ khàng hỏi ông rằng đang rộ lên cái tin thằng con trai ông đã bỏ trốn? Lại một cái thở dài kèm cái cười như mếu sau một hồi ắng lặng. Ông lắc đầu vẻ thiểu não rằng thật tình ông không thể biết được con trai của ông hiện đang ở đâu?
Mấy ngày nay, dân báo chí, người thì đón đường gặp, người thì gọi điện gặng ông cho biết Trịnh Xuân Thanh đang ở đâu? Việc biến mất của con trai cùng cung cách ứng xử lạ lùng bí hiểm của Thanh đã gây bão trên mạng và giới truyền thông và chuốc lấy liều lượng khinh khi dè bỉu nghi ngại hình thành một câu hỏi lẫn dấu chấm than khổng lồ rằng phải vướng vào một tội tày đình thì mới đi trốn như thế?
Tôi ngó lâu hơn vào cặp mắt đã vương chút mờ đục của tuổi tác gặng thêm đại loại trước khi biệt tích, Thanh có nói có gọi trao đổi gì với ông? Và sau khi biệt tích có tin nhắn nào hay người nào nhắn cho bố mẹ mình an lòng rằng mình đang ở một chốn an toàn nào đó? Vv…
(Còn nữa)
Trọng thu năm Thân
07:14 ngày 19 tháng 09 năm 2016
Chuyện với người cha của Trịnh Xuân Thanh: Đối diện 2
TP - Thú thực cũng có chút phập phồng hy vọng khi nối máy với ông Trịnh Xuân Giới. Nghĩ rằng chỗ cũng từng quen biết câu hỏi Trịnh Xuân Thanh đang ở đâu sẽ được giải đáp phần nào? Nhưng cái thứ tò mò của tôi đến đây là tắc tỵ bởi ngay người ruột thịt nhất của Thanh với vẻ hoang mang cũng đang lắc đầu bí rị!
Ông Trịnh Xuân Giới
… Chiều hôm trước nhà ông có khách. Đó là mấy anh em cán bộ thay mặt cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hậu Giang. Khách Hậu Giang vừa từ sân bay Nội Bài về thẳng đây. Một bịch nặng cây trái miệt vườn được rinh từ xe xuống làm quà. Trong số ấy ông biết có người đã đến thăm gia đình ông trước đó. Vẫn là ánh mắt thẳng thắn chất giọng xởi lởi của người miền Tây Nam bộ nhưng hình như bây giờ đang pha chút ái ngại? Và cả một chút tò mò. Cả ngó nghiêng sau trước? Họ ngó họ trông chừng biết đâu may ra cái ông phó chủ tịch tỉnh của họ biết đâu đang lấp ló chỗ nào đó trong nhà. Ái ngại vì căn nhà rộng thênh chỉ có hai ông bà già đang vò võ đang thẫn thờ buồn bã nhìn thẳng vào khách mà rành rẽ cho hay cả tháng nay con trai ông bà không có ở nhà!
… Ông chủ nhà bất đồ đứng lên. Chất giọng cố hữu vẫn như những lần họ được gặp ông dẫu trong lúc nguy biến bối rối này vẫn khẽ khàng rành rẽ. Ông thay mặt cho gia đình, lời đầu tiên là cảm ơn các đồng chí đã đến thăm hỏi han tình hình của em nó cháu nó. Thứ nữa là ông cũng thay mặt cho gia đình ngỏ lời xin lỗi các đồng chí và bà con cô bác của tỉnh nhà. Mặc dù việc của em (cháu) nó gia đình đang đợi các cơ quan chức năng vào cuộc nghiêm minh rồi kết luận theo đúng trình tự của luật pháp nhưng gia đình cũng thành thật xin lỗi vì đã gây cho đồng chí và bà con những buồn phiền không đáng có.
… Câu chuyện như lui về một làng quê Mai Lâm yên ả quê ông. Nơi đấy có đông đúc hậu duệ của nhà chúa Trịnh Tùng. Nhiều năm nay ông Trịnh Xuân Giới có chân trong Ban liên lạc tộc Trịnh của cả nước. Thi thoảng cũng gặp ông bươn bả chi chút với việc họ. Lần mới đây nhất được nghe ông khúc chiết về y phục của Thành Tổ Triết vương Trịnh Tùng trên bức tượng đồng đang được khẩn trương chế tác để đặt tại Phủ Trịnh của làng Vĩnh Hùng, Vĩnh Lộc, Thanh Hóa nơi phát tích chúa tiên khởi Trịnh Kiểm. Khúc chiết bởi cái ông đại diện họ Trịnh mạn Đông Anh kia không chỉ bộc bạch với tư cách hậu duệ mà còn là tư thế của một tiến sĩ sử học Trịnh Xuân Giới.
Mà Mai Lâm Đông Anh, tôi chợt nhớ cái làng ông Giới đâu như láng giềng cận kề với làng của vị Tổng Bí thư đương nhiệm Nguyễn Phú Trọng. Lại loáng thoáng thêm hình như ông Giới từng có chân trong Ban (hay tổ?) biên soạn, soạn thảo văn kiện? Hỏi thêm thì được biết, ông Giới tham gia trong Ban soạn thảo văn kiện từ thời TBT Nông Đức Mạnh vắt sang thời TBT Nguyễn Phú Trọng. Thường có hơn 20 thành viên trong ban soạn thảo văn kiện thuộc đủ mọi lĩnh vực. Đó là một công việc hết sức đặc thù nghiêm cẩn không phải ai ngẫu hứng cũng trở thành thành viên của cái Ban ấy được. Hiện giờ ông vẫn là thành viên Tổ tư vấn đang chuẩn bị Dự luật tôn giáo trình Quốc hội.
Tôi chùng chình một lúc nhưng rồi cũng vuột thẳng ra cái ý, tại sao ở chỗ quen biết, ông không mạnh dạn gặp TBT Trọng để nhờ thúc cái việc hay giải tỏa cái nạn của ông con đến nơi đến chốn? Nhưng tôi hơi bất ngờ thấy ông cười nhẹ rồi lảng sang chuyện khác. Bản tính trung thực cẩn trọng vốn không làm phiền người khác của ông Giới hay có chuyện chi khác? Chịu, tôi chả thể biết được…
Bữa nay mười bốn âm, cận rằm Trung thu, từ phía gian tam bảo, âm thanh kinh kệ cùng chuông mõ vọng ra lúc khoan lúc nhặt. Âm thanh ấy như thứ vô ngôn nhưng như có lời giữa chúng tôi những lúc im lặng. Phật nghìn mắt Phật nghìn tay / Cớ sao lại để cảnh này Phật ơi.Thoáng cái câu tếu táo của một ông bạn thơ… Chao ôi thời buổi nay có vô khối mê lộ cùng hằng hà sa số con thuyền của chúng sinh lạc vào sông Mê bến Lú và hiếm hoi lắm mới có thuyền dạt vào bờ Giác? Hồi nãy ông có nói ngày sóc vọng (rằm, mồng một AL), thi thoảng ông và bà vợ vẫn qua đây hương khói vãn chùa.
Ông Trịnh Xuân Giới với tác giả.
Tự dưng cái câu Dẫu xây chín đợt phù đồ / không bằng làm phúc cứu cho một người ( Phù đồ, gốc tiếng Ấn Độ là Phật Đà. Phù đồ có nghĩa là xây chùa tháp để thờ Phật) lấn bấn trong tâm trí khi tôi hỏi thêm về một việc ban nãy ông có thoáng qua. Việc ấy cứ như một sự lạ trong nhà ông. Ấy là chuyện vợ chồng Trịnh Xuân Thanh có tới ba đứa con nuôi. Con nuôi? Chứ sao! Thực hư không biết đến đâu nhưng một đứa thì xin ở Đông Anh. Một đứa ở tận Quảng Ninh. Và một cháu nữa ở một tỉnh phía Nam. Điều lạ nữa không phải ba trẻ ấy đã nhớn nhao mà đều xin khi còn đỏ hỏn mới mấy tháng. Công đẻ chả bằng công nuôi. Các cụ mình bảo vậy. Thôi thì bao nhiêu công lênh. Ba công trình xiết kể mấy mươi cái sự bú mớm cơm cháo thuốc thang cho ba đứa trẻ còn đỏ hỏn đến bây giờ đứa đã đi học tiểu học đứa vào mẫu giáo. Ông bà Giới bao năm cũng đã phải đóng vai Osin chăm cháu nuôi rồi đưa đón học hành. Công lênh của ông bà đã đành. Tôi chưa gặp chưa biết người vợ của Trịnh Xuân Thanh. Tất nhiên vợ chồng Thanh cũng phải thuê bảo mẫu để tiện việc chăm nuôi trông coi. Nhưng rõ ra cái sự cô vợ Trịnh Xuân Thanh phải là người như thế nào, phải có chút tố chất của cái tướng ích phu vượng tử đảm đang tháo vát và cả nhân hậu nữa thì mới làm được làm nổi cái sự lạ ấy chứ nhỉ? Tôi cũng không rõ con trai của ông Giới lắm nhưng khó có cái chuyện Trịnh Xuân Thanh là tác giả chính của việc nhận con nuôi này.
Thoảng chứng kiến thái độ bức xúc của ông Giới khi kể lại khúc nhôi làm giấy khai sinh cho các cháu nuôi, tôi như đọc như bắt gặp tình cảm lâu nay ông bà dành cho chúng. Ông Giới bức xúc rằng cái quy định bắt buộc là mặt sau tờ khai sinh phải ghi rất rõ là đứa trẻ này sinh ở nhà hộ sinh nào địa chỉ cụ thể. Tình trạng sinh. Là vô thừa nhận hay bố (hoặc mẹ) gửi vào vv… Ông Giới nói quy định ấy có gì như phản cảm khi đứa trẻ ấy sau này biết được gốc gác của nó dễ nảy sinh tình cảm tính cách không hay. Hãy đợi chúng trưởng thành cho chúng biết cũng chưa muộn. Tuy bức xúc nhưng quy định đã như thế ông cũng đành chấp thuận thì mới làm giấy khai sinh được cho các cháu.
Ngồi với ông cũng biết thêm hai đứa cháu nuôi không biết bị bệnh gì đã điều trị ở Bệnh viện Việt Pháp nhưng không đỡ phải đưa ra nước ngoài. Chợt mang máng trên mạng đang dậy lên chuyện đồn thổi vợ Trịnh Xuân Thanh đưa con ra nước ngoài? Phải là chuyện này
không nhỉ?
Chịu chả thể biết được. Nhưng làm được cái chuyện đưa trẻ nhỏ đi chữa bệnh ở ngoại quốc phải là những người khá giả và rất có điều kiện. Trịnh Xuân Thanh rõ ra phải là cỡ đó hoặc hơn thế nữa. Chao ôi Trịnh Xuân Thanh từng ngông nghênh xe biển xanh và bao đồn thổi về đại gia vung vinh này. Không có lửa sao có khói? Thanh nói như ngôn ngữ teen quả là một con cá kiếm cừ khôi. Con cá kiếm kiếm bộn tiền. Kiếm bộn tiền giàu có là một cách tụ. Tụ cũng như tán nếu không biết sẽ là thứ họa. Lẩn thẩn nghĩ thêm, việc nuôi những đứa con nuôi của nhà ấy hình như cũng là một cách tán hợp lý cho nhẹ đường âm đức?
Gẫm thêm cái câu họa phúc hữu môi phi nhất nhật (họa phúc nó có nguồn chả phải ập đến một buổi) để nghĩ thêm về gia cảnh nhà ông Giới. Phong lưu ấm êm chi cho bằng có con trai (Thanh sinh năm 1966) đã thành đạt hết nấc này đến bậc khác cả kinh tế lẫn chính trị. Lại có anh con Trịnh Hùng Cường cũng thành đạt chả kém. Cường sớm được gia đình đưa sang học nốt bậc THPT ở trường quốc tế Auckland, New Zealand. Rồi Cường học đại học ở trường Queen Mary, London và tốt nghiệp vào năm 2014 rồi về nước.
Sau đó làm việc tại Halico, Cường đã nhanh chóng được bổ nhiệm chức Phó phòng ở tuổi 24. Mới hôm nào còn nhộn nhịp người vô ra những chúc mừng chúc tụng chia vui mà nay trống trải buồn tênh căn hộ sang trọng hai ông bà già. Sớm còn xanh mượt như tơ / Tối thì tuyết đã phạc phơ bời bời (Triêu như thanh ty mộ như tuyết - Tương Tiến tửu của Lý Bạch, Trần Trọng Kim dịch). Có vẻ như tai họa đã không bất thần úp chụp xuống mái nhà ấm Ciputra mà ập xuống từ từ một cách êm ái? Hình như phụ huynh Trịnh Xuân Giới ít nhiều lâu nay đã để vuột con cháu mình khỏi cái tầm kiểm soát cần thiết?
Và bây giờ cái tay nổi tiếng cá kiếm ấy đang lặn nơi nào? Thôi về đi, phát lộ đi Thanh ơi. Dẫu thế nào cũng phải xuất hiện để đối diện với luật pháp. Thế giới dẫu mông mênh, hành tinh dẫu bao la nhưng cái thế giới này nó phẳng. Mắt phàm trần vô thường lẫn nhỡn lực của Đấng Tối cao có bao nhiêu phương cách định vị tinh vi và
hữu hiệu?
Âm thanh chuông mõ đã bặt tự khi nào. Ngó tấm lưng ông như còng hẳn xuống của tuổi sắp tám mươi đang cố gò dẫn cái xe máy lên con dốc chùa Tảo Sách tôi bất giác quay vội đi…
Tôi lại chạm mặt với lớp lang trùng điệp những tượng chùa.
___________________
Trọng thu năm Thân
58.
21 năm thăng tiến - xuống dốc của Trịnh Xuân Thanh
Mạnh Quân - Thành Công |
Trịnh Xuân Thanh sinh năm 1966. Quê: Đông Anh - Hà Nội. Tốt nghiệp ĐH Kiến Trúc Hà Nội. Là kỹ sư quy hoạch đô thị. Trình độ lý luận chính trị cao cấp.
57.
Sự nghiệp của ông Vũ Đức Thuận trước khi bị bắt
16/09/2016 11:56 GMT+7
- Ông Vũ Đức Thuận, nguyên ủy viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc PVC vừa bị CQĐT ra quyết định khởi tố, bắt tạm giam và khám xét vì có trách nhiệm trong việc để xảy ra thua lỗ gần 3.300 tỉ tại PVC.
Ông Vũ Đức Thuận sinh năm 1971, quê ở Thái Bình, có bằng kỹ sư xây dựng, thạc sỹ Quản trị kinh doanh.
Sự nghiệp ban đầu của ông Thuận gắn bó với ngành xây dựng, bất động sản. Thời gian đầu, ông làm việc cho một vài công ty thuộc tổng công ty Sông Đà như công ty Sông Đà 3, Sông Đà 8.
Ông Vũ Đức Thuận. Ảnh: PVC |
Từ năm 2003, ông đầu quân cho công ty cổ phần Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Sông Đà (Sudico) và gắn bó khá lâu tại đây.
Ông Thuận từng được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc Sudico. Sau 2 năm, đầu năm 2008, ông Thuận bất ngờ bị bãi nhiệm.
Năm 2009, ông Thuận chuyển sang giữ vị trí Tổng giám đốc tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí VN (PVC).
Đến ngày 1/1/2013, ông Thuận được miễn nhiệm chức vụ Tổng giám đốc PVC, thuyên chuyển giữ chức Phó trưởng ban Xây dựng của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Đây cũng là thời điểm PVC để xảy ra kết quả kinh doanh bết bát thua lỗ nặng nề.
Tháng 10/2013, ông Vũ Đức Thuận được bổ nhiệm làm Phó giám đốc Sở GTVT tỉnh Thái Bình.
Theo Sở GTVT Thái Bình, trong thời gian hơn 1 năm công tác tại đây, ông Thuận hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, không xảy ra mẫu thuẫn với đồng nghiệp. Việc điều chuyển ông Vũ Đức Thuận đến và đi là do các bộ và UBND tỉnh Thái Bình.
Từ 1/3/2015, ông Thuận chuyển về làm Chánh văn phòng Bộ GTVT.
Ông Vũ Đức Thuận cùng ông Trịnh Xuân Thanh giữ vị trí lãnh đạo chủ chốt của PVC thời điểm công ty này thua lỗ nặng nề hơn 3.200 tỉ đồng.
Một nguồn tin cho biết, từ cuối tháng 3/2016, ông Thuận đã không thường xuyên có mặt tại Bộ GTVT. Ghế Chánh văn phòng Bộ GTVT đã bỏ trống trong vài tháng trước khi ông Nguyễn Trí Đức, Phó chánh văn phòng Bộ GTVT được bổ nhiệm Chánh văn phòng Bộ GTVT vào ngày 16/6.
Đầu tháng này, Quận ủy Cầu Giấy, Hà Nội đã có giấy giới thiệu cho ông Vũ Đức Thuận về sinh hoạt Đảng tại chi bộ phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm
Đây là địa chỉ thường trú của ông Vũ Đức Thuận. Trước đó, ông chuyển sinh hoạt Đảng khỏi Đảng bộ Bộ GTVT từ 1/9 về Quận ủy Cầu Giấy.
Với tội danh Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại PVC và các đơn vị thành viên, ngoài ông Vũ Đức Thuận còn có 3 bị can khác cũng bị khởi tố là Nguyễn Mạnh Tiến (SN 1966), Phó tổng giám đốc; Trương Quốc Dũng (SN 1982), nguyên Phó tổng giám đốc; Phạm Tiến Đạt, nguyên kế toán trưởng PVC.
Cơ quan cảnh sát điều tra (C46) Bộ Công an đang điều tra, xác minh làm rõ các hành vi sai phạm để xảy ra thua lỗ gần 3.300 tỷ đồng tại PVC.
Đ.Bảo
http://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/chinh-tri/327046/su-nghiep-cua-ong-vu-duc-thuan-truoc-khi-bi-bat.html
Chân dung, con đường thăng tiến của các lãnh đạo PVC vừa bị bắt
Hoàng Đan |
Trong thời kỳ ông Vũ Đức Thuận và các thuộc cấp của mình điều hành PVC đã để xảy ra nhiều sai phạm, dẫn đến thua lỗ gần 3.300 tỷ đồng.
Cơ quan điều tra (C46) Bộ Công an vừa ra quyết định khởi tố, bắt tạm giam đối với ông Vũ Đức Thuận, nguyên Tổng giám đốc Tổng Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) và một số thuộc cấp của mình gồm:
Nguyễn Mạnh Tiến, Phó tổng Giám đốc; Trương Quốc Dũng, nguyên Phó tổng Giám đốc; Phạm Tiến Đạt, nguyên Kế toán trưởng Tổng công ty PVC.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, trước khi trở thành Tổng giám đốc của doanh nghiệp ngàn tỷ PVC, ông Vũ Đức Thuận (45 tuổi, quê Thái Bình) từng chèo lái một "ông lớn" bất động sản là Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Sông Đà (Sudico).
Dưới thời ông Thuận làm Tổng giám đốc của công ty này (2006-2008), Sudico trải qua nhiều thăng trầm về lợi nhuận.
Năm 2007, ông Thuận giúp lợi nhuận sau thuế của công ty tăng vọt lên 359 tỷ đồng thì chỉ 1 năm sau đó, ông Thuận lại khiến lãi ròng của Sudico giảm xuống chỉ còn 119 tỷ đồng.
Dù lợi nhuận Sudico tụt giảm trong năm 2008 nhưng ông Thuận vẫn được chuyển sang vị trí Tổng giám đốc PVC từ năm 2009 và thời điểm đó, vốn của PVC nhiều gấp 4 lần vốn Sudico.
Trong giai đoạn ông Vũ Đức Thuận đảm nhiệm chức vụ Tổng giám đốc, PVC nhận được rất nhiều dự án từ Tập đoàn Dầu khí VN (PVN), trong đó có không ít dự án được chỉ định thầu. PVC vươn lên thành một doanh nghiệp lớn và thu hút được nhiều đơn vị về làm công ty liên kết.
Tháng 8/2009, PVC lên sàn với mã chứng khoán PVX, quy mô của PVC tiếp tục phình to nhanh chóng khi tiếp tục tăng vốn lên 2.500 tỉ đồng vào năm 2010 và 4.000 tỉ đồng vào đầu năm 2012.
Tuy nhiên, sau một số thành công, PVC đã đầu tư nhiều vào lĩnh vực bất động sản, đầu tư tài chính khi rót vài nghìn tỉ đồng đầu tư vào gần 40 công ty thành viên lớn nhỏ cùng hàng nghìn tỉ đồng khác bảo lãnh cho các công ty này.
Từ năm 2011, một số công ty thành viên của PVC bắt đầu có dấu hiệu lỗ. Bước sang năm 2012 và 2013, tình hình rõ hơn, hàng chục công ty con, công ty liên kết của PVC kéo nhau lỗ.
Chỉ trong 2 năm, PVC đã phát sinh khoản lỗ lũy kế hơn hơn 3.000 tỉ đồng - tức thổi bay mất ¾ vốn chủ sở hữu của công ty.
Sau khi PVC thua lỗ, Ban lãnh đạo mới đã miễn nhiệm ông Trịnh Xuân Thanh ở vai trò Chủ tịch HĐQT và ông Vũ Đức Thuận, Tổng giám đốc PVC.
Sau đó, ông Thanh được thuyên chuyển công tác do điều động của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN). Ông Thuận giữ vị trí Phó trưởng Ban Xây dựng của của Tập đoàn.
Từ tháng 10/2013, ông Vũ Đức Thuận được bổ nhiệm làm Phó giám đốc Sở GTVT tỉnh Thái Bình. Ngày 27/2, Bộ GTVT đã chính thức công bố quyết định điều động, bổ nhiệm ông Vũ Đức Thuận - Phó giám đốc Sở GTVT tỉnh Thái Bình làm Chánh Văn phòng Bộ kể từ ngày 1/3/2015.
Theo thông tin, từ cuối tháng 3/2016, ông Thuận đã không thường xuyên có mặt tại Bộ GTVT và chuyển vào TP.HCM.
Chức Chánh văn phòng Bộ GTVT đã bỏ trống trong vài tháng trước khi ông Nguyễn Trí Đức, Phó chánh văn phòng Bộ GTVT được trao quyết định bổ nhiệm Chánh văn phòng Bộ GTVT vào ngày 16/6/2016.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường sau đó đã xác nhận, ông Thuận đã chính thức không còn là người của Bộ GTVT.
Chiều 7/9, lãnh đạo phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội cho biết, phường đã nhận được thông báo về việc ông Vũ Đức Thuận - nguyên Tổng giám đốc Tổng công ty Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) đã chuyển sinh hoạt Đảng từ Bộ Giao thông vận tải về phường vào ngày 6/9.
Ông Nguyễn Mạnh Tiến, Phó Tổng giám đốc PVC người bị khởi tố, bắt tạm giam cùng ông Thuận sinh năm 1966, quê Hà Nội. Trước khi về PVC giữ chức vụ Phó Tổng giám đốc vào tháng 12/2009, ông Tiến có thời gian dài công tác tại Tổng công ty Sông Đà.
Sau đó, từ tháng 9/2011, ông Tiến chuyển công tác về Tập đoàn dầu khí giữ chức Phó trưởng Ban Tài chính kế toán và kiểm toán của Tập đoàn. Tháng 9/2015, ông Tiến quay trở về tiếp tục đảm nhiệm chức vụ Phó Tổng giám đốc PVC.
Ông Trương Quốc Dũng, nguyên Phó Tổng giám đốc PVC, sinh năm 1982, quê Ninh Bình.
Ông Dũng có bằng cử nhân kinh tế, khá nổi tiếng trong làng chứng khoán những năm trước đây. Ông lãnh đạo một công ty niêm yết trên sàn chứng khoán lúc 25 tuổi.
Cụ thể, sau 3 năm làm chuyên viên tại Ban dự án Tổng CTCP Bảo hiểm dầu khí Việt Nam (PVI), ông Trương Quốc Dũng chuyển về PVV với vai trò Tổng giám đốc khi chỉ mới 25 tuổi, và đảm nhận vị trí Chủ tịch PVV từ năm 2011.
Năm 2011, ông Trương Quốc Dũng nhận bằng khen và cúp doanh nhân trẻ tiêu biểu năm 2010.
Trong quãng thời gian từ 2011 đến nay, ông Dũng có rời ghế chủ tịch trong thời gian 2 tháng vào năm 2012 để giao cho bà Tô Linh Hương (sinh năm 1988).
Tháng 7/2012, ông trở lại đảm nhận vị trí Chủ tịch HĐQT PVV tới khi bị bắt. Ông Dũng từng là một chủ tịch HĐQT trẻ tuổi nhất sàn chứng khoán Việt Nam năm 2011 khi mới 29 tuổi.
Ngoài ra, ông từng là Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ Dầu khí của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam.
Từ tháng 7/2011, ông Dũng đảm nhiệm chức Phó Tổng giám đốc PVC. Đến tháng 3/2013, ông Dũng xin từ nhiệm vì lý do cá nhân.
Ông Phạm Tiến Đạt, sinh năm 1979, quê Hà Nam.
Ông Đạt có bằng cử nhân kinh tế ngành kế toán. được bổ nhiệm làm Kế toán trưởng PVC vào tháng 4/2011. Tháng 7/2013, ông Đạt thôi giữ chức Kế toán trưởng chuyển sang làm thành viên Ban kiểm soát PVC.
Trước đó, ông Đạt từng công tác tại trong các phòng, ban tài chính kế toán của công ty sông Đà 11, Xí nghiệp sông Đà 11-5; Công ty thủy điện Nà Lơi; Ngân hàng BIDV Điện Biên; Tổng công ty xây dựng Bạch Đằng.
Từ tháng 5/2008, ông về công tác tại PVC đảm nhiệm các chức vụ Phó ban tài chính kế toán, Phó Giám đốc Ban tài chính kế toán.
Trước đó, liên quan đến khoản thua lỗ gần 3.300 tỷ này, Văn phòng Trung ương Đảng đã có văn bản số 1578-CV/VPTW gửi các ban, bộ, cơ quan liên quan, truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu làm rõ các vi phạm dẫn đến thua lỗ kể trên.
Ủy ban kiểm tra Trung ương cũng đã có kết luận khẳng định "ông Trịnh Xuân Thanh và Ban Thường vụ Đảng ủy, HĐQT, Ban Tổng giám đốc, Ban Kiểm soát Tổng công ty đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, quản lý điều hành, thiếu kiểm tra, giám sát, làm trái các quy định của pháp luật về quản lý kinh tế.
Đã để xảy ra nhiều sai phạm và thua lỗ hơn 3.298 tỷ đồng (giai đoạn 2011-2013), nhiều tổ chức, cá nhân của PVC bị kỷ luật và xử lý hình sự".
Ngoài 4 cá nhân bị khởi tố, bắt tạm giam kể trên, ông Trịnh Xuân Thanh, nguyên Chủ tịch HĐQT PVC thời kỳ đó, sau khi được miễn nhiệm đã thuyên chuyển về Bộ Công thương rồi về làm Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang.
Ngày 8/9, Ban Bí thư đã biểu quyết 100% bằng phiếu kín quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng đối với ông Trịnh Xuân Thanh vì những sai phạm trong thời gian công tác tại Bộ Công Thương và tỉnh Hậu Giang.
Ban Bí thư kết luận, giai đoạn 2011 -2013, ông Thanh cùng lãnh đạo PVC đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý điều hành, thiếu kiểm tra, giám sát, làm trái các quy định của pháp luật về quản lý kinh tế gây thua lỗ gần 3.300 tỷ đồng, nhiều tổ chức, cá nhân trong Tổng Công ty bị kỷ luật và xử lý hình sự.
Ông Trịnh Xuân Thanh là người chịu trách nhiệm chính về các khuyết điểm, vi phạm và thua lỗ ở PVC, lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ và cho thôi các chức vụ Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty.
Khi thuyên chuyển vào Hậu Giang công tác, với cương vị là Tỉnh uỷ viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, nhưng ông Thanh dùng biển số xe công gắn vào ôtô tư nhân để sử dụng trái quy định gây phản cảm và tạo dư luận xấu, gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Tuy nhiên, đến nay, ông Thanh vẫn chưa có mặt tại Hậu Giang để giải quyết các công việc liên quan.
56. Chính thức truy nã Trịnh Xuân Thanh
TTO - Vào lúc 22g đêm 16-9, Cơ quan cảnh sát điều tra (C46) Bộ Công an chính thức phát thông báo truy nã toàn quốc và truy nã quốc tế bị can Trịnh Xuân Thanh, nguyên phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, nguyên chủ tịch HĐQT Tổng công ty Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC).
Thông báo của cơ quan điều tra cho biết: ngày 16-9, Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can số 363/C46(P12) đối với Trịnh Xuân Thanh về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (quy định tại điều 165 Bộ luật hình sự); đồng thời ra lệnh bắt tạm giam và lệnh khám xét đối với Trịnh Xuân Thanh.
Tuy nhiên, sau khi xác định bị can Trịnh Xuân Thanh đã bỏ trốn, căn cứ các điều 34, 82, 161, 169, 187, 256 và 260 Bộ luật tố tụng hình sự, Cơ quan cảnh sát điều tra ra quyết định số 19/C46-P12 truy nã toàn quốc và truy nã quốc tế đối với Trịnh Xuân Thanh, thông tin truy nã cụ thể như sau:
Họ tên: Trịnh Xuân Thanh. Giới tính: Nam. Sinh ngày 13-2-1966 tại Hà Nội.
Đặc điểm nhận dạng: cao 1m72, màu da vàng, tóc đen, lông mày ngang, sống mũi thẳng, dái tai chúc, mắt đen.
Được xác định bỏ trốn ngày 16-9-2016.
Cơ quan điều tra yêu cầu khi bắt được người bị truy nã, báo ngay cho Cảnh sát điều tra Bộ Công an theo các số điện thoại: 0692322577, 0913229847.
Trước đó, liên quan việc điều tra vụ án cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại PVC, ngày 15-9, Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can bốn người đã và đang là các lãnh đạo của PVC.
Dân trí Sau khi xác định bị can Trịnh Xuân Thanh, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, nguyên chủ tịch HĐQT Tổng công ty Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) bỏ trốn, tối 16/9 Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an ra quyết định truy nã toàn quốc và truy nã quốc tế đối với Trịnh Xuân Thanh.
>> Bắt nguyên Tổng Giám đốc PVC cùng 3 thuộc cấp
>> Hậu Giang không đồng ý cho ông Trịnh Xuân Thanh chữa bệnh ở nước ngoài
Bị can Trịnh Xuân Thanh, nguyên Chủ tịch PVC bị truy nã quốc tế.
Theo thông báo, cơ quan Cảnh sát điều tra (C46, Bộ Công an) đang thụ lý điều tra vụ án Cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Tổng công ty Cổ phần xây lắp Dầu khí Việt Nam (Tổng công ty PVC).
Ngày 16/9, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã ra Quyết định truy nã Trịnh Xuân Thanh, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty PVC.
Trước đó, ngày 15/9, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Tổng công ty Cổ phần xây lắp Dầu khí Việt Nam.
Theo đó, cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an ra Quyết định khởi tố bị can đối với Trịnh Xuân Thanh về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; đồng thời ra Lệnh bắt tạm giam và Lệnh khám xét đối với bị can này.
Sau khi xác định bị can Trịnh Xuân Thanh bỏ trốn, cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an ra Quyết định truy nã toàn quốc và truy nã quốc tế đối tượng này.
Giới tính: Nam
Tên gọi khác: Không
Sinh ngày 13 tháng 02 năm 1966 tại Hà Nội
Nơi đăng ký HKTT: Số nhà 24, C2, Khu đô thị Nam Thăng Long, phường Phú Thượng, Tây Hồ, Hà Nội
Chỗ ở trước khi trốn: Số nhà 24, C2, Khu đô thị Nam Thăng Long, phường Phú Thượng, Tây Hồ, Hà Nội
Nghề nghiệp: nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Cổ phần xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC)
Quốc tịch: Việt Nam
Dân tộc: Kinh
Đặc điểm: - Chiều cao 1m72 - Màu da: Vàng - Tóc: Đen
- Lông mày: Ngang - Sống mũi: Thẳng - Dái tai: Chúc - Mắt: Đen
Trốn ngày 16 tháng 9 năm 2016
Bắt được người bị truy nã, yêu cầu báo ngay cho Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an (đồng chí Vũ Quốc Hưng), số điện thoại: 0692322577; 0913229847./.
Tuấn Hợp - Kim Tân
Truy nã quốc tế bị can Trịnh Xuân Thanh
16/09/2016 22:34 GMT+7
- Xác định bị can Trịnh Xuân Thanh bỏ trốn, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an ra quyết định truy nã toàn quốc và truy nã quốc tế.
Cơ quan Cảnh sát điều tra (C46) - Bộ Công an đang thụ lý điều tra vụ án Cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại tổng công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (tổng công ty PVC).
Hôm nay, C46 đã ra quyết định truy nã Trịnh Xuân Thanh, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị tổng công ty PVC.
Hôm qua, C46 đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự: Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng theo điều 165 bộ luật Hình sự xảy ra tại tổng công ty Cổ phần xây lắp Dầu khí Việt Nam; ngày 16/9/2016 ra Quyết định khởi tố bị can số 363/C46(P12) đối với Trịnh Xuân Thanh về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại điều 165 bộ luật Hình sự; đồng thời ra lệnh bắt tạm giam và lệnh khám xét đối với Trịnh Xuân Thanh.
Nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị tổng công ty PVC Trịnh Xuân Thanh
|
Sau khi xác định bị can Trịnh Xuân Thanh bỏ trốn; căn cứ các điều 34, 82, 161, 169, 187, 256 và 260 bộ luật Tố tụng hình sự nước CHXHCN Việt Nam, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an ra quyết định số 19/C46-P12 truy nã toàn quốc và truy nã quốc tế đối với Trịnh Xuân Thanh.
Giới tính: Nam
Tên gọi khác: Không
Sinh ngày 13 tháng 2 năm 1966 tại Hà Nội
Nơi đăng ký HKTT: Số nhà 24, C2, Khu đô thị Nam Thăng Long, phường Phú Thượng, Tây Hồ, Hà Nội
Chỗ ở trước khi trốn: Số nhà 24, C2, Khu đô thị Nam Thăng Long, phường Phú Thượng, Tây Hồ, Hà Nội
Nghề nghiệp: nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Cổ phần xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC)
Quốc tịch: Việt Nam
Dân tộc: Kinh
Họ tên cha: Trịnh Xuân Giới
Họ tên mẹ: Đàm Thị Ngọc Kha
Đặc điểm: - Chiều cao 1m72 - Màu da: Vàng - Tóc: Đen
- Lông mày: Ngang - Sống mũi: Thẳng - Dái tai: Chúc - Mắt: Đen
Trốn ngày 16 tháng 9 năm 2016
Bắt được người bị truy nã, yêu cầu báo ngay cho Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an (ông Vũ Quốc Hưng), số điện thoại: 0692322577; 0913229847.
H.Anh
55. Tin của ngày 16/9/2016
Chiều 16/9, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã đến Hậu Giang thi hành quyết định khai trừ Đảng đối với ông Trịnh Xuân Thanh - Tỉnh ủy viên, nguyên Phó chủ tịch tỉnh này.
Khai trừ Đảng ông Trịnh Xuân Thanh
16/09/2016 15:50 GMT+7
- Chiều nay, Đoàn công tác của UB Kiểm tra Trung ương làm việc với Tỉnh ủy Hậu Giang để triển khai quyết định của Ban Bí thư về việc khai trừ ông Trịnh Xuân Thanh ra khỏi Đảng.
Đoàn công tác của UB Kiểm tra Trung ương do ông Nguyễn Thanh Sơn - Phó chủ nhiệm UB làm trưởng đoàn.
Quyết định khai trừ ông Trịnh Xuân Thanh ra khỏi Đảng được triển khai vào lúc 14h cùng ngày tại Tỉnh ủy Hậu Giang.
Sau khi kết thúc buổi làm việc, Tỉnh ủy Hậu Giang đã ra thông báo.
Theo đó, vào 14h chiều nay, đoàn kiểm tra của UB Kiểm tra Trung ương đã công bố quyết định số 355-QĐNS/TW ngày 9/9/2016 của Ban Bí thư về việc thi hành kỷ luật đồng chí Trịnh Xuân Thanh, Tỉnh ủy viên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang nhiệm kỳ 2011-2016 bằng hình thức ra khỏi Đảng.
Do ông Trịnh Xuân Thanh không có mặt nên chi bộ 3 - Đảng bộ Văn phòng UBND tỉnh, nơi ông sinh hoạt Đảng, nhận.
Ông Trịnh Xuân Thanh chính thức bị khai trừ ra khỏi Đảng
|
Quyết định khai trừ ông Trịnh Xuân Thanh do Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh ký nêu rõ:
Căn cứ Điều lệ Đảng, căn cứ các quy định và hướng dẫn thực hiện công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật của Đảng, xét báo cáo đề nghị thi hành kỷ luật của UB Kiểm tra Trung ương, Ban Bí thư nhận thấy: Vi phạm của đồng chí Trịnh Xuân Thanh là nghiêm trọng, không còn đủ tư cách đảng viên.
Ban Bí thư quyết định:
Điều 1, thi hành kỷ luật đồng chí Trịnh Xuân Thanh bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng.
Điều 2, UB Kiểm tra Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Hậu Giang và đồng chí Trịnh Xuân Thanh thi hành quyết định này.
Hoài Thanh
http://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/chong-tham-nhung/327100/khai-tru-dang-ong-trinh-xuan-thanh.html
54.
LS Vũ Đức Khanh đề nghị ông Trịnh Xuân Thanh tổ chức họp báo quốc tế tại Canada
Thư ngỏ gửi ông Trịnh Xuân Thanh
Luật sư Vũ Đức Khanh, thành viên của Luật sư Đoàn tỉnh bang Ontario, Canada |
Ottawa, ngày 14 tháng 9 năm 2016.
- Kính gửi ông Trịnh Xuân Thanh.
Tôi, Luật sư Vũ Đức Khanh, thành viên của Luật sư Đoàn tỉnh bang Ontario, Canada, hiện đang sống và làm việc tại thủ đô Ottawa, Canada.
Ngoài công việc chính là hành nghề luật sư, tôi thỉnh thoảng cũng có viết báo bình luận, phân tích thời sự Việt Nam cũng như khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Vì thế tôi có một vài quan hệ nhất định với một số cơ quan truyền thông nổi tiếng quốc tế và Việt Nam hải ngoại.
Thời gian gần đây, tôi tình cờ có theo dõi một số diễn biến liên quan đến vụ việc ông xin "ra khỏi Đảng Cộng sản Việt Nam," và đặc biệt nhất, tôi muốn nhấn mạnh đến lá thư đề ngày 11 tháng 9 năm 2016 của ông gửi "các anh chị trong Bộ Chính trị và Ban Bí thư" của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Trong lá thư vừa nêu, tôi đặc biệt chú ý đến hai sự việc sau đây, và tôi nghĩ trong chừng mực nào đó, tôi có thể giúp ông được một việc gì đó hữu ích.
Thứ nhất, về đề nghị của ông để có một cuộc họp do Tổng Bí thư (TBT) và Uỷ ban Kiểm tra Trung ương (UBKTTW) Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức cho phép ông được "tự do" trình bày quan điểm của ông về "kết luận" của TBT và UBKTTW về những việc làm của ông mà ông cho là "sai trái, chụp mũ" và không công bằng!
Về kiến nghị của ông, tôi đơn giản nghĩ rằng nó sẽ không bao giờ khả thi, cho nên tôi mạo muội gợi ý là tôi sẽ đứng ra tổ chức một buổi họp báo quốc tế cho ông tại thủ đô Ottawa, Canada vào thời điểm thuận tiện nhất cho ông. Tôi nghĩ ông có thể thông qua diễn đàn này để tự do trình bày, minh bạch hoá tất cả những gì liên quan đến vụ việc này. Và đây là cách tốt nhất để ông có thể minh oan và bảo vệ thanh danh của mình.
Thứ hai, cũng trong lá thư nói trên, ông có đưa ra một khẳng định rằng ông "hiện nay đang ở nước ngoài" và ông chỉ sẽ trở lại Việt Nam khi ông "thấy trong nước không có một bản án chụp mũ, gây oan".
Tôi nghĩ trong điều kiện khách quan và chủ quan của ông hiện nay, việc ông trở lại Việt Nam trong thời gian tới là điều không tưởng. Vì thế tôi mạn phép đề nghị ông nên suy nghĩ tới giải pháp "xin quy chế tỵ nạn chính trị" càng sớm càng tốt.
Về việc này thì cá nhân tôi và nhiều người bạn của tôi ở Canada cũng như ở một vài nơi khác trên thế giới có thể giúp được ông một cách nghiêm túc và hữu hiệu.
Với tư cách của một luật sư, tôi bảo đảm với ông rằng một khi tôi chính thức thụ lý hồ sơ của ông, mọi thông tin chi tiết liên quan đến vụ việc ông xin tỵ nạn chính trị sẽ được cá nhân tôi và các đồng sự bảo mật tối đa.
Vài hàng kính ông để tường và hy vọng sớm nhận được thư hồi âm của ông.
Trân trọng.
Luật sư Vũ Đức Khanh
Khanh VU DUC, LL.M., LL.B., LL.L.
Barrister & Solicitor
VDK LAW OFFICE
* Luật sư Vũ Đức Khanh gửi tới TTHN
http://www.ijavn.org/2016/09/ls-vu-uc-khanh-e-nghi-ong-trinh-xuan.html
53. Người Buôn Gió đi tiếp tư liệu
"
Thứ Ba, ngày 13 tháng 9 năm 2016
Trịnh Xuân Thanh dê tế thần phần 13.
Thông tin chính thức là Trịnh Xuân Thanh hôm nay cùng vợ và hai con nhỏ ( hai con nuôi nhận ở trại mồ côi ) đã đến một quốc gia dân chủ.
Hiện nay dư luận có một số ý kiến, từ những nhà '' đấu tranh dân chủ nặc danh '' cho rằng.
- Việc Trịnh Xuân Thanh nhờ tôi giúp đỡ, ảnh hưởng đến danh dự của những nhà đấu tranh dân chủ. Vì tiếp tay cho quan chức cộng sản.
Về ý kiến này tôi xin trả lời.
- Thứ nhất tôi chưa bao giờ nhận mình là nhà đấu tranh dân chủ, cũng chưa ai phong cho tôi, chính các bạn những người nêu ý kiến này cũng chưa bao giờ phong cho tôi. Thật bất ngờ là ở lần này thì các bạn phong cho tôi cái danh ấy, và đòi hỏi tôi phải giữ danh dự cho những nhà đấu tranh.
Tuy nhiên nếu các bạn khẳng định được rằng việc tôi dừng giúp sức cho Trịnh Xuân Thanh sẽ khiến danh dự của những nhà đấu tranh dân chủ được sáng giá hơn, tôi sẽ chấp nhận dừng sự kiện này. Với điều kiện các bạn công khai tên tuổi, danh tính và được những người đấu tranh dân chủ khác đồng tình.
Một số người đơn lẻ, không phải chịu trách nhiệm hay hoạt động cùng ai thì nói rằng.
- Hành động của tôi đã tạo nên sự kiện khiến phong trào dân chủ bị suy yếu, không phát triển vì chạy theo sự kiện, quên phận sự của mình.
Về ý kiến này tôi xin trả lời.
- Các bạn có hoặc đã giao cho phong trào đấu tranh dân chủ nhiệm vụ gì, và những nhà đấu tranh ấy đã làm chậm hoặc không hoàn thành nhiệm vụ ra sao.? Nếu chứng minh được nếu tôi dừng sự kiện này, phong trào dân chủ sẽ phát triển mạnh hơn. Tôi sẽ dừng lại. Mặc dù tôi không bị bắt buộc phải dừng, nhưng tôi tôn trọng những gì người khác đang làm có lợi cho đất nước.
Một cuộc thăm dò ở một tổ chức đấu tranh cuối cùng mà tôi từng sinh hoạt là nhóm NoU Hà Nội. Các thành viên đều nhất trí để tôi theo đuổi sự kiện này. Điều đó thể hiện tôi có trách nhiệm với những người bạn đã từng sát cánh với mình. Trong bao la của phong trào đấu tranh dân chủ này, tôi không thể chiều lòng theo vài ý kiến cá nhân lẻ tẻ. Tôi sẽ không nói về những ý kiến này một lần nào nữa để khỏi mất thời gian. Việc tôi trả lời thế này cũng là tôn trọng ý kiện các bạn.
Bây giờ thì tôi tiếp tục câu chuyện về Trịnh Xuân Thanh, phần thứ 13.
Trịnh Xuân Thanh đã gửi một lá thư đến Bộ Chính Trị, vì điều kiện thư gửi qua email lên không ký tên. Cá nhân tôi đảm bảo lá thư này là của Trịnh Xuân Thanh viết.
Do không bắt được Trịnh Xuân Thanh, uy tín của Nguyễn Phú Trọng bị giảm sút trầm trọng. Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo Đinh Thế Huynh và các bồi bút chọn phương án làm sao để dư luận phải đi theo chiều hướng Trịnh Xuân Thanh và Bùi Thanh Hiếu là những tên xấu xa, cặn bã.
Chúng tôi sẽ sẵn sàng chấp nhận tất cả mọi quy chụp và không thanh minh bất kỳ một lần nào nữa, kể cả những chất vấn về bằng chứng và đoì hỏi phải làm thế này, thế kia. Nếu các bạn không tin có thể không đọc. Các bạn có thể bình phẩm, đánh giá nó là giả tạo trên trang cá nhân của các bạn. Tôi khước từ những câu hỏi theo dang tin nhắn, điện thoại, comment hoặc trực tiếp.
"
http://nguoibuongio1972.blogspot.com/2016/09/trinh-xuan-thanh-de-te-than-phan-13.html
52.
Thứ Ba, 13/9/2016 17:34 GMT+7
Nếu ông Trịnh Xuân Thanh trốn mất, mọi việc sẽ ra sao?
(PLO) - Ông Trịnh Xuân Thanh là người chịu trách nhiệm chính về các khuyết điểm, vi phạm và thua lỗ ở PVC. Nhiều luồng dư luận đồn đoán rằng hiện ông Thanh đã trốn ra nước ngoài. Trong khi đó, thông tin từ Cục Cảnh sát Hình sự (C45) Bộ Công an hôm nay (13/9) cho biết, cơ quan này chưa nhận được đơn đề nghị tìm kiếm ông Trịnh Xuân Thanh từ gia đình ông này và Tỉnh uỷ Hậu Giang.
Trao đổi với PV Tiền Phong hôm nay (13/9), đại diện C45, Bộ Công an khẳng định chưa nhận được đơn thư trình báo của gia đình cũng như Tỉnh uỷ Hậu Giang về việc đề nghị tìm kiếm ông Trịnh Xuân Thanh.
Về việc này, Công an phường Phú Thượng, Tây Hồ, Hà Nội cho rằng, ông Trịnh Xuân Thanh không thuộc diện quản lý của địa phương nên không nắm được việc ông này đã chuyển hộ khẩu và tạm trú ở đâu.
Trong khi đó, Ban bí thư kết luận ông Trịnh Xuân Thanh là người chịu trách nhiệm chính về các khuyết điểm, vi phạm và thua lỗ ở PVC. Lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí đã đánh giá ông Thanh không hoàn thành nhiệm vụ và cho thôi các chức vụ Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch HĐQT Tổng Cty; không đủ điều kiện, tiêu chuẩn để được đề bạt, bổ nhiệm, quy hoạch các chức vụ cao hơn và không thuộc diện cán bộ luân chuyển (theo kết luận số 146 của Bộ Chính trị).
Việc ông Thanh vẫn đề nghị và để các cơ quan chức năng làm quy trình tiếp nhận, bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo ở Bộ Công thương và tỉnh Hậu Giang là thể hiện sự thiếu trung thực, thiếu trách nhiệm và thiếu gương mẫu.
Căn cứ nội dung, tính chất, mức độ vi phạm, căn cứ Quy định số 181-QĐ/TW, ngày 30/3/2013 của Bộ Chính trị khóa XI về xử lý đảng viên vi phạm, Ban Bí thư đã nhất trí rất cao, quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng đối với ông Trịnh Xuân Thanh.
Hôm nay (13/9) cũng là thời điểm ông Trịnh Xuân Thanh phải có mặt tại Hậu Giang theo văn bản triệu tập của Tỉnh ủy để xem xét, giải quyết các vấn đề liên quan.
Tuy nhiên, đến thời điểm này, ông Trịnh Xuân Thanh đang ở đâu vẫn như “bóng chim tăm cá".
Trao đổi với báo chí, ông Trần Công Chánh, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang cho biết, nếu ông Trịnh Xuân Thanh không có mặt tại tỉnh này như yêu cầu, Tỉnh uỷ Hậu Giang sẽ làm văn bản báo cáo về việc này gửi các các cơ quan Trung ương.
Mới đây, Tỉnh ủy Hậu Giang đã cử cán bộ ra Hà Nội, đến nhà riêng của ông Trịnh Xuân Thanh để thăm hỏi khi hay tin ông này bị ốm. Ở thời điểm đó, các cán bộ này đã không gặp được ông Trịnh Xuân Thanh.
Trước thông tin của dư luận cho rằng, ông Trịnh Xuân Thanh đã đi nước ngoài, lãnh đạo Tỉnh ủy Hậu Giang cho biết, chưa thể xác định được chính xác thông tin này.
Tuy nhiên, trước đó, ngày 18/7, ông Trịnh Xuân Thanh đã gửi đơn đến Tỉnh ủy Hậu Giang xin nghỉ phép với lý do bị bệnh gút nặng. Thời gian xin nghỉ là từ 25/7 đến ngày 29/7. Ngày 19/8, ông này gửi đơn lần 2 xin nghỉ phép và điều trị bệnh trong 1 tháng, kể từ ngày 3/8 đến 2/9 tại nước ngoài.
Cho rằng việc xin đi nước ngoài ở thời điểm này là chưa phù hợp, Tỉnh ủy Hậu Giang đã không đồng ý với đề nghị thứ hai của Trịnh Xuân Thanh. Quan điểm của tỉnh này là: “Tuyệt đối không được cử hoặc cho phép ra nước ngoài vì bất cứ lý do gì đối với Đảng viên đang trong thời gian xem xét kỷ luật Đảng, đang bị điều tra về hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm tư cách đảng viên, có vấn đề liên quan đến chính trị hiện nay nhưng chưa được cơ quan có thẩm quyền kết luận”.
Dư luận đăng đặt câu hỏi, nếu ông Thanh trốn mất thì liệu mọi việc có "hoà cả làng" hay không?
Q.Minh
http://baophapluat.vn/chinh-tri/neu-ong-trinh-xuan-thanh-tron-mat-moi-viec-se-ra-sao-294308.html
51.
Bổ nhiệm con trai Trịnh Xuân Thanh vẫn 'đúng quy định'
13/09/2016 09:27 GMT+7
Tổng công ty Cổ phần Rượu bia và nước giải khát Hà Nội (Habeco) vừa có văn bản báo cáo Đoàn kiểm tra của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương về việc bổ nhiệm cán bộ, trong đó có trường hợp ông Trịnh Hùng Cường, con trai ông Trịnh Xuân Thanh.
Theo đó, với trường hợp ông Trịnh Hùng Cường (sinh năm 1992, trình độ cử nhân quản trị kinh doanh, Đại học Queen Mary - UK), Habeco cho hay: Do có nhu cầu tuyển dụng vị trí trợ lý Giám đốc, tháng 10/2015, Công ty Cổ phần cồn rượu Hà Nội (Halico), một công ty thành viên của Habeco đã tiến hành phỏng vấn và ký hợp đồng thử việc đối với ông Trịnh Hùng Cường
Sau một thời gian ông Cường thử việc tại Halico, Habeco cho rằng ông Cường là cán bộ trẻ, năng động, có năng lực chuyên môn phù hợp với công tác thị trường. Căn cứ trên nhu cầu cán bộ, định hướng của Hội đồng quản trị và ban giám đốc công ty về chiến lược nhận diện thương hiệu, đề xuất của phòng ban chuyên môn, nên ông Cường được bổ nhiệm làm Phó phòng Truyền thông Marketing (tháng 1/4/2016).
Tiếp đó, đến ngày 22/4/2016, Phòng truyền thông Marketing họp và đồng thuận nhất trí đề nghị cho ông Trịnh Hùng Cường phụ trách phòng này. Nhưng đến nay, Halico vẫn chưa có quyết định chính thức.
Habeco lưu ý: Việc tiếp nhận và bổ nhiệm ông Trịnh Hùng Cường là thuộc thẩm quyền của HĐQT Halico, Habeco không can thiệp, chỉ đạo vào việc bổ nhiệm này.
"Việc tiếp nhận và bổ nhiệm ông Trịnh Hùng Cường là phù hợp quy định hiện hành", Habeco đánh giá.
Trong báo cáo gửi Đoàn kiểm tra của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Habeco cũng đề cập đến trường hợp bổ nhiệm ông Mai Văn Lợi làm Chủ tịch HĐQT Halico nhiệm kỳ 3 (2016-2021) kể từ ngày 15/4/2016.
Habeco cho biết, ông Mai Văn Lợi được tiếp nhận từ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Theo Habeco, ông Mai Văn Lợi được Hội đồng quản trị Halico ký hợp đồng lao động vào tháng 11/2014 với chức vụ Giám đốc điều hành.
Tháng 3/2015, cổ đông Diageo (chiếm tỷ lệ cổ phần 45,27%) đề nghị bổ nhiệm ông Lợi làm Chủ tịch HĐQT vì ông Lợi là người “phù hợp nhất để gánh vác trọng trách chiến lược" và đã có thời gian xây dựng, hiểu biết vững chắc và hoạt động, định hướng phát triển của Halico, dẫn dắt công ty này bước đầu khôi phục được vị thế công ty trên thị trường.
Tháng 4/2015, HĐQT của Halico chính thức ra nghị quyết thông qua việc bổ nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT nhiệm kỳ (2016-2021) cho ông Mai Văn Lợi kể từ ngày 15/4/2016.
Habeco cho rằng: "Việc tiếp nhận và bổ nhiệm ông Mai Văn Lợi tại Halico thuộc thẩm quyền của HĐQT và Đại hội đồng cổ đông Halico và Tổng công ty không can thiệp vào việc bổ nhiệm này".
Báo cáo giải trình của Habeco cũng nêu khoản tiền 500 triệu đồng Halico ủng hộ cho Tỉnh ủy Hậu Giang để “thực hiện chính sách giải quyết khó khăn cho gia đình chính sách, người nghèo”.
Cụ thể, ngày 13/3/2015, Halico nhận được văn bản của Tỉnh ủy Hậu Giang về việc hỗ trợ thực hện chính sách giải quyết khó khăn cho gia đình chính sách, người nghèo.
Habeco cho rằng: Với tinh thần lá lành đùm lá rách và mục đích của hoạt động hỗ trợ từ thiện này sẽ góp phần làm tăng uy tín thương hiệu của Halico, tạo điều kiện để Halico xúc tiến phát triển thị trường vào các tỉnh miền Tây Nam Bộ rộng lớn, cho nên Giám đốc Halico có văn bản báo cáo Chủ tịch HĐQT và Ban giám đốc tiến hành họp, thống nhất chi hỗ trợ khoản tiền này từ Quỹ phúc lợi và Quỹ từ thiện.
Số tiền này đã được chuyển khoản cho tỉnh Hậu Giang. Các khoản chi đã giải ngân (năm 2015) gồm: Chi cho Hội liên hiệp phụ nữ tỉnh họp mặt cán bộ phụ nữ vùng nông thôn (50 triệu đồng); chi cho đoàn Cựu chiến binh viếng lăng Bác (66 triệu đồng)... còn lại là các khoản chi xây nhà đồng đội, sửa chữa nhà cho cựu chiến binh và 4 căn nhà cho hộ nghèo ở huyện Kế Sách (Sóc Trăng) - Hebeco giải thích.
Lương Bằng
http://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/doanh-nhan/326319/bo-nhiem-con-trai-trinh-xuan-thanh-van-dung-quy-dinh.html
50.
Bí thư Hậu Giang: Chúng tôi không cho anh Thanh đi nước ngoài
13/09/2016 10:47 GMT+7
- Hậu Giang đã không đồng ý với đơn xin nghỉ phép lần 2 của ông Trịnh Xuân Thanh vì "đi nước ngoài thời điểm đó chưa phù hợp".
Trao đổi với VietNamNet sáng nay, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang Trần Công Chánh cho biết, đến thời điểm này ông Trịnh Xuân Thanh vẫn chưa có mặt theo công văn triệu tập của Tỉnh ủy để giải quyết các vấn đề có liên quan.
Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang trao đổi với VietNamNet sáng nay
|
“Nếu đến chiều nay, anh Thanh không có mặt theo công văn triệu tập, Hậu Giang sẽ làm văn bản báo cáo về Trung ương.
Đến thời điểm này, chúng tôi vẫn chưa biết anh Thanh đang làm gì, ở đâu. Chúng tôi đã nhận được quyết định của UB Kiểm tra Trung ương về việc khai trừ anh Thanh ra khỏi Đảng. Quyết định này sẽ được thực hiện vào ngày 16/9”, Bí thư Hậu Giang cho biết.
Ông Trần Công Chánh cũng cho biết thêm, vẫn chưa thể xác định được chính xác thông tin ông Trịnh Xuân Thanh đã đi nước ngoài.
“Ngày 18/7, Trịnh Xuân Thanh có gửi đơn đến Tỉnh ủy xin nghỉ phép với lý do bị bệnh nặng. Thời gian xin nghỉ là từ 25-29/7. Sau đó, ngày 19/8, Thanh gửi đơn lần 2 xin nghỉ phép và điều trị bệnh trong 1 tháng, kể từ ngày 3/8 đến 2/9 tại nước ngoài.
Tuy nhiên, Tỉnh ủy Hậu Giang đã không đồng ý với đề nghị thứ hai của anh Thanh vì đi nước ngoài thời điểm đó chưa phù hợp” - ông Chánh nói.
Nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Trịnh Xuân Thanh |
Trước đó, như VietNamNet đưa tin, tại kỳ họp lần thứ 6 từ ngày 6-8/9, UB Kiểm tra Trung ương đề nghị Ban Bí thư thi hành kỷ luật bằng hình thức khai trừ khỏi Đảng đối với ông Trịnh Xuân Thanh.
Theo UB Kiểm tra Trung ương, những khuyết điểm, vi phạm của ông Thanh rất nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận, làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước.
Trong quá trình kiểm điểm, ông Thanh chưa nghiêm túc, thiếu trung thực, chưa thành khẩn, tự giác nhận vi phạm, khuyết điểm.
Sau đó, Văn phòng Tỉnh ủy Hậu Giang cho biết, đã nhận đơn của ông Trịnh Xuân Thanh xin ra khỏi BCH Đảng bộ tỉnh và xin ra khỏi Đảng.
Sau khi nhận được, đơn xin ra khỏi Đảng của ông Trịnh Xuân Thanh, Thường trực Tỉnh ủy Hậu Giang đã có công văn triệu tập nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh. Trong công văn nêu rõ, ông Trịnh Xuân Thanh phải có mặt ở Hậu Giang vào ngày hôm nay.
Hoài Thanh
http://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/chinh-tri/326349/bi-thu-hau-giang-chung-toi-khong-cho-anh-thanh-di-nuoc-ngoai.html
Thứ Ba, 13/09/2016 - 10:17
Hậu Giang không đồng ý cho ông Trịnh Xuân Thanh chữa bệnh ở nước ngoài
Dân trí Sáng 13/9, trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Trần Công Chánh - Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang cho biết, ông Thanh đã 2 lần gửi đơn xin nghỉ phép, đi điều trị bệnh tại nước ngoài; nhưng tỉnh cho rằng thời điểm đó ông Thanh đi nước ngoài chưa phù hợp nên không đồng ý.
Ông Trần Công Chánh, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang tiếp xúc với PV Dân trí sáng 13/9
Ông Chánh cho biết thêm đến 10h hôm nay 13/9, ông Thanh vẫn chưa trở lại tỉnh Hậu Giang và cũng không hề có thông tin phản hồi nào về công văn triệu tập đó. “Tỉnh ủy Hậu Giang không thể liên lạc được với ông Trịnh Xuân Thanh. Nếu đến hết ngày hôm nay ông Trịnh Xuân Thanh không có mặt tại tỉnh này như yêu cầu, Tỉnh uỷ Hậu Giang sẽ làm văn bản báo cáo về việc này gửi các các cơ quan Trung ương”- Ông Chánh nói.
Ông Chánh cũng cho biết, tuần rồi Hậu Giang đã cử cán bộ ra nhà riêng của ông Trịnh Xuân Thanh ở Hà Nội để thăm bệnh tình ông Thanh nhưng không gặp, mà chỉ gặp được vợ con và người thân trong gia đình.
Phóng viên nêu câu hỏi, có thông tin ông Trịnh Xuân Thanh đang ở nước ngoài, vậy lãnh đạo Tỉnh ủy có nắm thông tin đó không?, ông Chánh cho biết: Ngày 18/7, ông Trịnh Xuân Thanh đã gửi đơn đến Tỉnh ủy Hậu Giang xin nghỉ phép với lý do bị bệnh gút nặng. Thời gian xin nghỉ là từ 25/7 đến ngày 29/7. Tiếp đó, ngày 19/8, ông Thanh gửi đơn lần 2 xin nghỉ phép và điều trị bệnh trong 1 tháng, kể từ ngày 3/8 đến 2/9 tại nước ngoài.
“Tuy nhiên chúng tôi cho rằng việc xin đi trị bệnh nước ngoài ở thời điểm này là chưa phù hợp nên không đồng ý. Hiện tại chúng tôi cũng không biết ông Thanh đang ở đâu"- Ông Chánh khẳng định.
Dự kiến, ngày 16/9, Ủy ban Kiểm tra Trung ương sẽ làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Hậu Giang, triển khai Quyết định của Ban Bí thư về việc khai trừ khỏi Đảng đối với ông Trịnh Xuân Thanh.
Phạm Tâm
49. Ảnh vừa xuất hiện trên Fb
https://www.facebook.com/photo.php?fbid=10154434805303808&set=a.371777483807.157172.693948807&type=3&theater
48.
Dân trí Theo công văn triệu tập của Tỉnh ủy Hậu Giang, ngày hôm nay 13/9, ông Trịnh Xuân Thanh phải có mặt tại Hậu Giang để giải quyết những vấn đề có liên quan tới bản thân ông.
Hậu Giang hiện vẫn chưa biết Ông Trịnh Xuân Thanh ở đâu.
Trước đó, ngày 8/9, ông Lê Công Lý – Chánh văn phòng Tỉnh ủy Hậu Giang cho biết, sau khi nhận được đơn xin ra khỏi Đảng của ông Trịnh Xuân Thanh, Văn phòng Tỉnh ủy đã gửi công văn triệu tập đến tận nhà riêng của nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Xuân Thanh đề nghị ngày 13/9 ông Thanh phải có mặt ở Hậu Giang để giải quyết các vụ việc liên quan.
Hậu Giang cũng đã cử cán bộ ra nhà riêng của ông Trịnh Xuân Thanh ở Hà Nội để tìm ông này nhưng không thấy. Đến chiều ngày hôm qua 12/9, Hậu Giang vẫn chưa biết ông Trịnh Xuân Thanh ở đâu, cũng như chưa nhận được phản hồi đơn triệu tập của ông Thanh.
Theo một lãnh đạo Tỉnh ủy Hậu Giang, nếu ngày hôm nay ông Thanh vẫn không có mặt tại Hậu Giang để làm việc theo công văn triệu tập thì Tỉnh ủy Hậu Giang sẽ báo cáo gửi Trung ương.
Như Dân trí đã thông tin, trong 3 ngày từ 6 đến 8/9, UB Kiểm tra Trung ương đề nghị Ban Bí thư thi hành kỷ luật bằng hình thức khai trừ khỏi Đảng đối với ông Trịnh Xuân Thanh. Theo UB Kiểm tra Trung ương, những khuyết điểm, vi phạm của ông Thanh rất nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận, làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước. Trong quá trình kiểm điểm, ông Thanh chưa nghiêm túc, thiếu trung thực, chưa thành khẩn, tự giác nhận vi phạm, khuyết điểm.
Căn cứ nội dung, tính chất, mức độ vi phạm, căn cứ Quy định số 181-QĐ/TW, ngày 30/3/2013 của Bộ Chính trị khóa XI về xử lý đảng viên vi phạm, Ban Bí thư đã nhất trí rất cao (biểu quyết 100% bằng phiếu kín) quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng đối với ông Trịnh Xuân Thanh.
Phạm Tâm
http://dantri.com.vn/xa-hoi/hom-nay-ong-trinh-xuan-thanh-phai-co-mat-o-hau-giang-20160913070722654.htm
Ông Trịnh Xuân Thanh phải có mặt ở Hậu Giang hôm nay
13/09/2016 08:29 GMT+7
- Theo công văn triệu tập của Tỉnh ủy Hậu Giang, ông Thanh phải có mặt trong ngày hôm nay để giải quyết các vấn đề có liên quan.
Tuy nhiên, đến chiều hôm qua, Hậu Giang vẫn chưa liên lạc được với nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh, ông Trịnh Xuân Thanh, người viết đơn xin nghỉ phép để chữa bệnh nhưng quá hạn nghỉ đã lâu.
Ông Trịnh Xuân Thanh tại một hoạt động của tỉnh Hậu Giang trước đây |
Theo một lãnh đạo Tỉnh ủy Hậu Giang, nếu ông Trịnh Xuân Thanh không có mặt ở Hậu Giang theo đúng tinh thần công văn triệu tập, tỉnh sẽ báo cáo về Trung ương.
Trước đó, tại kỳ họp lần thứ 6 từ ngày 6-8/9, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị Ban Bí thư thi hành kỷ luật bằng hình thức khai trừ khỏi Đảng đối với ông Trịnh Xuân Thanh.
Theo Ủy ban Kiểm tra Trung ương, những khuyết điểm, vi phạm của ông Thanh rất nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận, làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước.
Trong quá trình kiểm điểm, ông Thanh chưa nghiêm túc, thiếu trung thực, chưa thành khẩn, tự giác nhận vi phạm, khuyết điểm.
Sau đó, Văn phòng Tỉnh ủy Hậu Giang cho biết, đã nhận đơn của ông Trịnh Xuân Thanh xin ra khỏi BCH Đảng bộ tỉnh và xin ra khỏi Đảng.
Sau khi nhận được đơn xin ra khỏi Đảng của ông Trịnh Xuân Thanh, Thường trực Tỉnh ủy đã có công văn triệu tập nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh về để báo cáo những vấn đề có liên quan. Trong công văn nêu rõ, ông Trịnh Xuân Thanh phải có mặt ở Hậu Giang hôm nay (13/9).
Hoài Thanh
http://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/chinh-tri/326285/ong-trinh-xuan-thanh-phai-co-mat-o-hau-giang-hom-nay.html
47.
QUỐC TOẢN
08:28 12/09/16
(GDVN) - Những vi phạm liên quan tới ông Trịnh Xuân Thanh chắc chắn phải có tính hệ thống, có sự tham gia của các cơ quan có thẩm quyền, đặc biệt là đơn vị quản lý...
Cứ thế này thì người ta sẽ nghĩ bộ máy nhà nước chỉ toàn "con ông, cháu cha"Hậu Giang triệu tập cán bộ, ông Trịnh Xuân Thanh bị đề nghị khai trừ khỏi ĐảngÔng Trịnh Xuân Thanh có được phép ra khỏi Đảng trong thời điểm này hay không?Bộ Công Thương thay lãnh đạo Vụ Tổ chức cán bộ
Cần làm rõ trách nhiệm của ông Vũ Huy Hoàng
Ngày 8/9, Ban Bí thư đã họp để xem xét thi hành kỷ luật ông Trịnh Xuân Thanh, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang nhiệm kỳ 2011- 2016.
Sau khi xem xét Báo cáo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Bí thư kết luận: Trong thời gian từ năm 2007-2013, trên các cương vị là Phó Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC), mặc dù đã có kiến nghị, cảnh báo của các cơ quan thanh tra, kiểm toán về tình hình thua lỗ và tiềm ẩn thua lỗ, nhưng ông Trịnh Xuân Thanh cùng với Ban Thường vụ Đảng ủy, Hội đồng quản trị, Ban Tổng Giám đốc, Ban Kiểm soát Tổng Công ty đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, quản lý điều hành.
Thiếu kiểm tra, giám sát, làm trái các quy định của pháp luật về quản lý kinh tế, để xảy ra nhiều sai phạm và thua lỗ 3.298,27 tỷ đồng (giai đoạn 2011-2013), nhiều tổ chức, cá nhân trong tổng công ty bị kỷ luật và xử lý hình sự.
Kết luận của Ban Bí thư cũng chỉ rõ, ông Trịnh Xuân Thanh là người chịu trách nhiệm chính về các khuyết điểm, vi phạm và thua lỗ ở PVC, lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ và cho thôi các chức vụ Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị.
Trao quyết định bổ nhiệm ông Trịnh Xuân Thanh (ngoài cùng bên trái) làm Vụ trưởng, Ban đổi mới doanh nghiệp thuộc Bộ Công thương. Ảnh: Báo Công thương. |
Ông Trịnh Xuân Thanh không đủ điều kiện, tiêu chuẩn để được đề bạt, bổ nhiệm, quy hoạch các chức vụ cao hơn và không thuộc diện cán bộ luân chuyển theo Thông báo kết luận số 146-TB/TW, ngày 4/10/2013 của Bộ Chính trị khóa XI.
Nhưng ông Trịnh Xuân Thanh vẫn đề nghị và để các cơ quan chức năng làm quy trình tiếp nhận, bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo ở Bộ Công Thương và tỉnh Hậu Giang là thể hiện sự thiếu trung thực, thiếu trách nhiệm và thiếu gương mẫu.
Căn cứ nội dung, tính chất, mức độ vi phạm, căn cứ Quy định số 181-QĐ/TW của Bộ Chính trị khóa XI về xử lý đảng viên vi phạm, Ban Bí thư đã nhất trí rất cao (biểu quyết 100% bằng phiếu kín) quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng đối với ông Trịnh Xuân Thanh.
Nhiều ý kiến cho rằng, khi PVC thua lỗ, nhưng ông Trịnh Xuân Thanh vẫn được đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển lên các vị trí lãnh đạo là có dấu hiệu bất thường.
Câu hỏi đặt ra là: Việc ông Trịnh Xuân Thanh gây thất thoát hơn 3.000 tỷ đồng nhưng vẫn được điều lên làm Chánh Văn phòng Ban Cán sự Đảng Bộ Công thương, điều về Hậu Giang làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang! Vậy trách nhiệm của ông Vũ Huy Hoàng - nguyên Bộ trưởng Bộ Công thương tới đâu?
Về việc này, hôm 9/9, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, Đại biểu Quốc hội Bùi Văn Xuyền - Ủy viên thường trực Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, ngoài việc xem xét trách nhiệm của ông Trịnh Xuân Thanh, cần thiết phải xem xét trách nhiệm của người đứng đầu, liên quan trực tiếp về công tác quản lý, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ.
“Những vi phạm liên quan tới ông Trịnh Xuân Thanh chắc chắn phải có tính hệ thống, có sự tham gia của các cơ quan có thẩm quyền, trong đó đặc biệt là đơn vị quản lý.
Một mình ông Thanh không thể làm được việc đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ. Bản thân ông Thanh chỉ là đối tượng được đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển”, Đại biểu Bùi Văn Xuyền nêu quan điểm.
Đại biểu Quốc hội Bùi Văn Xuyền - Ủy viên thường trực Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội (ảnh: Báo Thanh tra). |
Đại biểu Bùi Văn Xuyền cho biết thêm, việc PVC xảy ra thua lỗ có trách nhiệm của ông Trịnh Xuân Thanh. Mặt khác, quá trình thực hiện đề bạt bổ nhiệm, ông Thanh không trung thực thông tin trong hồ sơ là lỗi do cán bộ này.
“Lỗi của ông Thanh một phần, thế nhưng việc tổ chức kiểm tra không đến nơi đến chốn mới xảy ra việc “con voi chui lọt lỗ kim”.
Do đó, phải làm rõ trách nhiệm của từng giai đoạn một, từ việc đề xuất đến việc quyết định đề bạt, bổ nhiệm, tiếp nhận.
Những người có liên quan tới việc đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển ông Thanh cũng cần phải làm rõ".
Từ vụ việc nêu trên, Đại biểu Bùi Văn Xuyền nhận định, cơ chế chịu trách nhiệm của người đứng đầu là khâu yếu nhất trong công tác cán bộ hiện nay.
“Chế độ làm việc tập thể, phân công phân nhiệm, trách nhiệm quản lý từng lĩnh vực không rõ ràng, dẫn tới việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu chưa đầy đủ. Lỗi này có tính hệ thống.
Cứ có "tội" là... ốm
Trước đó, trong cuộc trao đổi với báo giới Bí thư tỉnh ủy Hậu Giang Trần Công Chánh cho biết: "Hiện tại, ông Trịnh Xuân Thanh đang trong giai đoạn xin nghỉ phép để đi chữa bệnh".
Tuy nhiên, ông Thanh sau khi hết phép vẫn không có mặt tại cơ quan để làm việc.
Tiếp đó, hôm 8/9, Thường trực Tỉnh ủy đã có công văn triệu tập ông Trịnh Xuân Thanh để báo cáo những vấn đề có liên quan.
Tuy nhiên, tới thời điểm hiện tại, việc ông Trịnh Xuân Thanh đang ở đâu vẫn còn là ẩn số.
Trước những thông tin nêu trên, PGS.TS Bùi Thị An, Đại biểu Quốc hội khóa XIII (đoàn Hà Nội) phân vân: "Tôi thấy rất kỳ lạ! Tất cả mọi người khi được đề bạt hay bổ nhiệm thì rất vui, phấn khởi. Nhưng đến lúc bắt đầu xảy ra chuyện liên quan tới mình thì kiểu gì cũng có sự cố. Lý do có thể là ốm đau, bệnh tật...
Tất nhiên có những chuyện bất ngờ, đột biến xảy ra với con người là điều bình thường. Nhưng hiếm có sự trùng hợp ngẫu nhiên nào xảy ra nhiều lần, đối với nhiều người và đúng thời điểm đến vậy. Tôi nhớ rằng từng cấp đều có ban quản lý, theo dõi sức khỏe cán bộ cả đấy!".
PGS.TS Bùi Thị An (ảnh: NGỌC QUANG). |
Về việc đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển ông Trịnh Xuân Thanh, PGS.TS Bùi Thị An cho rằng, cần làm rõ trách nhiệm của những người có liên quan.
"Rõ ràng trong quản lý hoạt động kinh tế, công tác cán bộ, ông Trịnh Xuân Thanh là người có lỗi. Nhưng ông Thanh chỉ có quyền đề đạt nguyện vọng, nêu ý kiến của mình.
Bản thân ông Thanh làm sao có thể tự ý ký quyết định bổ nhiệm, luân chuyển cho mình được. Do đó, phải làm rõ từng khâu trong công tác cán bộ liên quan tới ông Trịnh Xuân Thanh.
Bên cạnh đó, phải làm rõ ai đã "chống đỡ" cho ông Trịnh Xuân Thanh trước những vi phạm nêu trên. Vấn đề này, Bộ Công thương phải giải trình rõ và quy trách nhiệm đến cùng. Như vậy mới công bằng", PGS.TS Bùi Thị An cho biết.
Quốc Toản
http://giaoduc.net.vn/Xa-hoi/Ong-Trinh-Xuan-Thanh-bi-khai-tru-Dang-nguyen-Bo-truong-Vu-Huy-Hoang-thi-sao-post170773.gd
46.
Ông Trịnh Xuân Thanh vẫn bặt vô âm tín
12/09/2016 11:07 GMT+7
- Ông Trịnh Xuân Thanh vẫn chưa hồi đáp công văn triệu tập của Tỉnh ủy Hậu Giang.
Trao đổi với báo chí sáng nay, ông Lê Công Lý - Chánh văn phòng kiêm người phát ngôn Tỉnh ủy Hậu Giang cho biết, hiện vẫn chưa biết chính xác ông Trịnh Xuân Thanh đang ở đâu.
Ông Trịnh Xuân Thanh
|
“Tuần rồi chúng tôi đã cử cán bộ ra nhà riêng của anh Thanh ở Hà Nội để hỏi về tình hình sức khỏe của anh ấy, đồng thời muốn thăm hỏi gia đình nhưng không gặp được. Hiện không rõ anh Thanh đang ở đâu, còn thông tin anh ấy ở nước ngoài, Tỉnh ủy không rõ và không có cơ sở về chuyện này”, ông Lê Công Lý cho biết.
Chánh văn phòng Tỉnh ủy Hậu Giang cũng cho biết thêm, ông Trịnh Xuân Thanh vẫn chưa hồi đáp công văn triệu tập của Tỉnh ủy gửi trước đó.
Theo kế hoạch, ngày 16/9, đại diện UB Kiểm tra Trung ương sẽ làm việc với Hậu Giang để triển khai quyết định của Ban Bí thư về việc khai trừ ông Trịnh Xuân Thanh ra khỏi Đảng.
Hoài Thanh
http://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/chinh-tri/326127/ong-trinh-xuan-thanh-van-bat-vo-am-tin.html
Tỉnh ủy Hậu Giang vẫn chưa biết ông Trịnh Xuân Thanh ở đâu
TTO - Theo kế hoạch, ngày 16-9, đại diện Ủy ban Kiểm tra trung ương sẽ vào Hậu Giang để triển khai quyết định của Ban Bí thư về việc khai trừ Đảng đối với ông Thanh.
Chiều 12-9, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trần Công Chánh - bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang cho biết, hiện ông Trịnh Xuân Thanh - Tỉnh ủy viên, nguyên phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang vẫn chưa có mặt tại Hậu Giang để trình diện và làm việc với lãnh đạo Tỉnh ủy.
Theo ông Chánh, trước đó Tỉnh ủy Hậu Giang đã có văn bản triệu tập gửi đến nhà riêng ông Thanh ở Hà Nội, trong thư Tỉnh ủy yêu cầu ông Thanh phải có mặt tại Hậu Giang chậm nhất là ngày 13-9 để giải quyết các vấn đề liên quan, nhưng đến thời điểm này (17g chiều 12-9) ông Thanh vẫn chưa có mặt và cũng chưa hồi đáp thư triệu tập.
“Nếu ngày mai 13-9, ông Thanh vẫn không có mặt tại Hậu Giang để làm việc theo đúng tinh thần văn bản triệu tập thì Tỉnh ủy Hậu Giang sẽ có báo cáo cụ thể gửi về Trung ương”, ông Chánh nói.
Ông Chánh cũng thông tin tuần trước, Tỉnh ủy Hậu Giang có cử cán bộ ra nhà riêng của ông Thanh tại Hà Nội nhưng vẫn không gặp được ông Thanh.
Theo kế hoạch, ngày 16-9, đại diện Ủy ban Kiểm tra trung ương sẽ vào Hậu Giang để triển khai quyết định của Ban Bí thư về việc khai trừ Đảng đối với ông Thanh.
Trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ xung quanh việc lãnh đạo Tỉnh ủy có biết ông Thanh đang ở đâu và trong khi dư luận đang đồn thổi rằng ông Trịnh Xuân Thanh đã sang Đức để trị bệnh, ông Chánh nói: “Hiện tỉnh không biết rõ ông Thanh đang ở đâu. Cá nhân tôi không có thông tin như vậy nên không thể nói gì, khi có thông tin cụ thể về ông Thanh, Tỉnh ủy sẽ cung cấp cho báo chí”.
Trước đó, ngày 8-9, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã họp dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để xem xét thi hành kỷ luật ông Trịnh Xuân Thanh, Tỉnh uỷ viên, phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang nhiệm kỳ 2011 - 2016.
Căn cứ nội dung, tính chất, mức độ vi phạm, căn cứ Quy định số 181-QĐ/TW, ngày 30-3-2013 của Bộ Chính trị khóa XI về xử lý đảng viên vi phạm, Ban Bí thư đã nhất trí rất cao (biểu quyết 100% bằng phiếu kín) quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng đối với ông Trịnh Xuân Thanh.
http://tuoitre.vn/tin/chinh-tri-xa-hoi/20160912/tinh-uy-hau-giang-van-chua-biet-ong-trinh-xuan-thanh-o-dau/1170270.html
Bình loạn của Phạm Chí Dũng
"
Phạm Chí Dũng
Dù gì, chiến dịch “đả hổ diệt ruồi” của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng đã nâng bản lĩnh của ông lên một bậc khiêm tốn so với cung cách “giáo làng” cùng não trạng bị coi là ủy mị vào thời gian trước đại hội 12.
Gần ba tháng sau khi phát lệnh “việc cần làm ngay,” có thể nhận thấy sắc diện và khẩu khí của ông có phần đanh rắn và dày dạn thủ thuật hơn, cùng một quyết tâm “đập chuột giữ bình” chưa có gì thay đổi.
“Có những việc làm có lẽ chưa nói ra đâu, các bác cứ chờ. Đang điều tra, chuẩn bị, nói ra thì lộ hết, chúng nó chạy. Phải làm đúng luật pháp, chứ cứ tạo dư luận, gây sức ép, mai kia xử ít thì bảo nương nhẹ, xử nặng lại bảo oan sai,” một trong số ít phát ngôn công khai và có phần tự tin của ông Nguyễn Phú Trọng, cũng là một đại biểu Quốc Hội, trong cuộc tiếp xúc với cử tri quận Ba Đình ở Hà Nội trong thời gian qua mà có thể toát lộ phần nào tâm thế của nhân vật đầu não đang có xu hướng tập quyền này.
Nhiều người hiểu là ông Trọng muốn ám chỉ đến ai, hoặc những ai. Trịnh Xuân Thanh là cái tên đầu tiên, và như ông Trọng hàm ý, mới chỉ là “một ví dụ.”
Trước Lễ Quốc Khánh 2 Tháng Chín, giới dư luận viên và những chuyên gia phục vụ cho phe đảng ồn ào tung hứng: “Thấy chưa, Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng có nói đùa đâu, mà nói là làm!”
Trừ những “ví dụ” khác hoàn toàn nằm ngoài đường ray của ông Trọng: Thảm sát Yên Bái và Trịnh Xuân Thanh “biến mất.”
Nạn cát cứ sứ quân đang lan rộng?
Bất chấp những thông báo mang tính một chiều của các cơ quan công an và tuyên giáo, hai chi tiết không thể giải thích được trong và sau vụ Yên Bái là vì sao người bị công an gần như xem là hung thủ – ông Đỗ Cường Minh – lại tự sát với cái cách bắn từ gáy mình, và tại sao cả ba nhân vật tử vong đều được chôn cất quá vội vã mà dường như chẳng cần tuân thủ những nguyên tắc phải có của khoa học hình sự về điều tra đường đạn và của pháp y về khám nghiệm tử thi?
Một câu hỏi nữa mà dư luận vỉa hè cũng đang ồn ào: Liệu vụ Yên Bái chỉ thuần túy là cuộc khủng hoảng nội bộ của tỉnh này, hay còn liên quan đến những bí ẩn nào đó ở Quân Khu 2?
Vì nếu có liên đới với Quân Khu 2 và cái chết chỉ 11 ngày trước khi xảy ra vụ thảm sát Yên Bái của Thiếu Tướng Lê Xuân Duy, vẫn bị đảng tặng cho chức danh “Phụ trách tư lệnh Quân Khu 2” chứ không phải “Tư lệnh Quân Khu 2” cho đến khi từ trần, phạm vi và tính chất vụ Yên Bái sẽ ghê gớm hơn nhiều, mà có khi đó là “chuyện của mấy anh Bộ Chính Trị” như một số quan chức thì thầm.
Nếu vụ Yên Bái được khuấy động và trở thành nỗi lo chung của đảng về thực trạng và tương lai cát cứ sứ quân – mối lo sợ có thể là lớn nhất của đảng hiện thời – bầu không khí tung hứng về “chống tham nhũng” của Tổng Bí Thư Trọng chắc chắn sẽ bị pha loãng đáng kể.
Mất đầu mối Trịnh Xuân Thanh?
Trong khi vụ Yên Bái còn lâu mới chìm lắng, chỉ ít ngày sau Lễ Quốc Khánh, báo chí nhà nước một lần nữa tỉnh ngủ với thông tin ông Trịnh Xuân Thanh làm đơn ra đảng, còn mạng xã hội sôi trào với cả tin này lẫn tin ông Thanh có khả năng đã đào tẩu ra nước ngoài.
Thông tin trên phát ra vào ngày 7 Tháng Chín. Nhưng trước đó hai ngày, bất thần xuất hiện tin về ông Dương Chí Dũng, một phạm nhân đình đám về tham nhũng đang thụ án trong trại giam của Bộ Công An, “bất ngờ chết trong tù.”
Cần chú ý là tin tức về Trịnh Xuân Thanh ra đảng đã xuất hiện trên mạng xã hội trước, sau đó được nhiều tờ báo nhà nước xác nhận. Tuy nhiên, báo nhà nước không đăng tải một bản báo cáo của ông Trịnh Xuân Thanh gửi cho Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương Đảng, trong lúc mạng xã hội lại nhận được một nguồn gửi nặc danh báo cáo này và cho đăng phát rộng rãi.
Bản báo cáo của ông Trịnh Xuân Thanh được phát trên mạng xã hội có hai nội dung rất đáng chú ý: Ông xin ra khỏi đảng là “vì không tin vào sự chỉ đạo của đồng chí tổng bí thư,” tức là ông Nguyễn Phú Trọng, và cho biết thêm rằng “để đảm bảo an toàn cho bản thân, tôi đã xin nghỉ phép để đi chữa bệnh ở nước ngoài.”
Trước khi xuất hiện báo cáo trên của ông Thanh, báo Thanh Niên tường thuật rằng ông Thanh đã gọi điện thoại cho phóng viên báo này để bộc lộ phản ứng về một số vấn đề mà theo ông, các cơ quan kiểm tra đảng đã kết luận sai về ông. Tuy nhiên, khi phóng viên hỏi ông Thanh đang ở đâu thì ông không cho biết, mà chỉ nói ông đang điều trị bệnh gout.
Hành động gọi điện cho phóng viên đã cho thấy ít nhất một hàm ý: Nếu ông Trịnh Xuân Thanh thực sự bị công an bộ bắt giữ hoặc bị câu lưu ở một nơi nào đó như đồn đoán trước đó thì đã rất khó có thể gọi điện thoại thoải mái ra ngoài như thế. Biểu hiện này cũng dẫn đến một giả thiết được nhiều người tin là có thể ông Thanh chưa bị bắt giữ hoặc bị câu lưu, mà đang “ngoài vòng pháp luật.”
Tuy chưa thể kết luận được bản báo cáo xin ra khỏi đảng ký tên Trịnh Xuân Thanh là xác thực hay không, người ta vẫn có thể liên hệ lại một báo cáo dài đến chín trang ký tên Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng gửi cho trang Ba Sàm chỉ vài tháng trước khi đại hội 12 của đảng cầm quyền diễn ra, trong đó giải trình 12 điểm. Báo cáo này đã gây sôi động dư luận và sau đó được nhiều nguồn tin xác nhận là báo cáo thực chứ không phải giả mạo.
Nếu bản báo báo ký tên Trịnh Xuân Thanh được gửi cho một số trang mạng xã hội và đăng tải vào ngày 7 Tháng Chín là thật, điều này xác nhận rằng ông Thanh nhiều khả năng hiện ở một chỗ đủ an toàn để chủ động viết thư, gọi điện thoại và phản ứng với Tổng Bí Thư Trọng, người muốn bắt ông. Nơi an toàn đó thường phải là ở nước ngoài.
Và nếu quả ông Trịnh Xuân Thanh đã trốn ra nước ngoài, một vụ Dương Chí Dũng đào tẩu sang Cambodia vào năm 2012 có khả năng tái hiện. Và nếu trước đây ông Dũng khai đã được một quan chức cao cấp lộ tin về “sắp bị bắt” nên đã có đủ thời gian trốn thoát, thì với ông Trịnh Xuân Thanh, liệu kịch bản “bắn tin” có hay không, và nếu có thì xảy ra như thế nào?
Chỉ biết rằng, nhiều khả năng ông Thanh không còn nằm trong tay ông Trọng, không còn là một phi vụ “dễ như thò tay vào túi” mà ông Trọng có thể dùng để “nhân điển hình tiên tiến” cho công cuộc được coi là “chống tham nhũng” mà ông đang khởi sự, và do đó cũng đang tước đi một điểm hết sức quý giá mà ông muốn vớt vát lại uy tín của ông và của đảng trong “quần chúng và cán bộ đảng viên.”
Tiếp sau hàng loạt vụ bê bối trong đảng mà gần nhất là vụ quan chức bắn nhau (hoặc “cả ba bị bắn”) ở Yên Bái, đảng đang phải đối mặt với một “scandal” lớn trong nội bộ mang tên Trịnh Xuân Thanh. Nếu quả ông Thanh đã trốn ra nước ngoài hoặc đang ẩn nấp đâu đó trong nước, một chiến dịch điều tra cấp tốc và rộng lớn sẽ phải được đảng tiến hành để truy tìm ông, trong đó sẽ phải đặc biệt truy xét xem ai, những ai, cơ quan nào đã có thể tiết lộ tin cho ông Thanh bỏ trốn, hoặc thậm chí còn giúp cho ông Thanh bỏ trốn.
Chưa kể vụ đào tẩu trên liệu có mối liên đới nào với “cái chết bất ngờ trong trại giam” của phạm nhân Dương Chí Dũng.
Vấp đá
Gần đây, báo chí nhà nước đăng một ý kiến đáng chú ý từ “một đồng chí cao cấp cách mạng lão thành” đề nghị với Tổng Bí Thư Trọng là “đánh rắn phải đánh dập đầu,” tuy không nói rõ là “rắn” nào.
Nhưng một số dư luận đang suy đoán rằng cấp trên trực tiếp của ông Trịnh Xuân Thanh là ông Vũ Huy Hoàng, cựu bộ trưởng Bộ Công Thương. Còn cấp trên trực tiếp thời ông Vũ Huy Hoàng làm bộ trưởng lại là cựu Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng, nhân vật được xem là “bố già” trong rất nhiều phi vụ.
Nếu không xảy ra sự cố “biến mất” của Trịnh Xuân Thanh, logic nối tiếp sau ông Thanh là ông Hoàng, để sau ông Hoàng có thể là ông Dũng, nhân vật mà ông Nguyễn Phú Trọng dù đã “kết quả” nhưng chưa thể “kết thúc.” Trong thời gian qua, đã có những tín hiệu một nhóm quyền lực – lợi ích nào đó muốn nhân đà chính sách “đả hổ diệt ruồi” của Tổng Bí Thư Trọng để tổ chức tập kích vào hai cứ điểm của bà Nguyễn Thanh Phượng, con gái ông Nguyễn Tấn Dũng. Đó là Mỏ Núi Pháo và hãng MobiFone.
Tuy nhiên, nhiều người lại nghi ngờ vào bản lĩnh thực sự của “ông giáo làng,” dù rằng với kết quả mỹ mãn tại đại hội 12, chẳng còn quá nhiều người mang cái tên “lú” ra để chế giễu tổng bí thư nữa.
Cũng như việc đảm nhiệm chức vụ bí thư quân ủy trung ương mà chưa kinh qua một trận đánh nào, Tổng Bí Thư Trọng chưa thể hiện được dấu ấn gì trong suốt chiều dài làm người đứng đầu đảng, dù việc phát ngôn chống tham nhũng của ông là không ít.
Với tư cách là một “tổng bí thư tháp ngà,” ông Trọng dù được một số người cho là trong sạch nhưng cuộc chiến đấu của ông đa phần có thể là đơn độc, trong vòng vây của rất nhiều nhóm quyền lực và tài phiệt cả cũ lẫn mới, cùng mối xen cài chằng chịt giữa phạm trù tiền bạc với không loại trừ cả những người thân cận với ông.
Mới đây, lại có thông tin ngoài lề cho rằng hai vụ Núi Pháo và MobiFone đã được “kết quả” với một trao đổi lợi ích đáng kể, và tiến trình thanh tra hoặc điều tra của các cơ quan chức năng đối với những sự việc này sẽ chỉ diễn ra một cách hình thức. Nếu thông tin này là đúng, không biết Tổng Bí Thư Trọng có hài lòng hay sẽ phản ứng theo một cách riêng và hết sức “nội bộ” của ông?
Sau ba tháng phát lệnh “việc cần làm ngay” với một trong những mong nguyện muốn trở thành “Nguyễn Văn Linh thứ hai,” giờ đây đang xuất hiện những dấu hiệu chiến dịch “đả hổ diệt ruồi” của Tổng Bí Thư Trọng vấp đá khiến nguy cơ thất bại đang hiện ra.
Vô hình trung, những đối thủ đã lộ mặt và chưa lộ mặt của ông Trọng sẽ dễ thở hơn và có thể có thời gian để chuẩn bị đối phó, thậm chí còn có thể tổ chức một đợt phản công không tệ đối với ông Trọng và ê kíp của ông.
Đã phát ra những tín hiệu về cuộc phản công ấy…
Hãy thử tưởng tượng, nếu ông Trịnh Xuân Thanh không thèm trốn ra nước ngoài mà vẫn ung dung ẩn mặt tại một nơi nào đó trong nước và còn ngang nhiên thách thức quyền lực của đảng bằng việc gọi điện thoại và viết thư gửi qua bưu điện lẫn tung lên mạng xã hội, hẳn phải có một thế lực đủ mạnh “bảo kê” cho ông. Và nếu giả thiết này có lý thì Tổng Bí Thư Trọng đang phải đối mặt với một hiểm họa ghê gớm ngay trong lòng đảng.
Ông Trọng phải làm gì đây?
http://www.nguoi-viet.com/binh-luan/yen-bai-trinh-xuan-thanh-va-su-sa-lay-cua-tbt-trong/
49. Ảnh vừa xuất hiện trên Fb
Trả lờiXóa56. Chính thức truy nã Trịnh Xuân Thanh
Trả lờiXóaBộ Công an truy nã quốc tế bị can Trịnh Xuân Thanh
16/09/2016 22:23 GMT+7
TTO - Vào lúc 22g đêm 16-9, Cơ quan cảnh sát điều tra (C46) Bộ Công an chính thức phát thông báo truy nã toàn quốc và truy nã quốc tế bị can Trịnh Xuân Thanh, nguyên phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, nguyên chủ tịch HĐQT Tổng công ty Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC).