Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

09/08/2016

Vấn đề chân giả của Kinh Vu Lan (bài Chánh Tư Duy)

Vấn đề được bàn luận từ rất lâu rồi trong thế giới Phật học, và một số nước theo Phật giáo. 

Bản thân tôi, từ góc nhìn dân tộc học, đã thực hiện điều tra thực tế về việc này tại Nhật Bản từ nhiều năm trước. 

Nhưng trong tiếng Việt thì mới đây mới thấy bàn luận.

Trong tiếng Việt, có ý kiến tiếp tục khẳng định Kinh Vu Lan là chân kinh, xem lại ở đây.

Đồng thời, cũng có ý kiến khẳng định đó là ngụy kinh, do người Trung Quốc làm giả từ nhiều thế kỉ trước. Mục đích là để cột Phật tử bằng Nho giáo. Ví dụ như bài ở dưới.


Bài lấy nguyên về từ trang Chánh Tư Duy.

---



Vào mùa tháng Bảy (âm lịch) ở chùa nào cũng khai hội Vu Lan báo hiếu. Nhưng tại sao chỉ nhắc đến Mẹ mà không báo hiếu Cha? Mà thôi, ai cũng được vì ai cũng là đấng sinh thành như người ta thường nói vậy! Mà tại sao chỉ có báo hiếu vào mùa này nhỉ? Còn mùa khác thì không báo hiếu sao? Mà tại sao lại phải vào tháng Bảy âm lịch mới có Vu lan thắng hội?

Thực sự ra ngày 14 tháng Bảy âm lịch hằng năm là ngày cúng giỗ tổ tiên người Tàu. Tại sao có sự trùng hợp với lễ Vu lan bồn một cách kỳ lạ như thế? Có ai suy nghĩ về điều này không? Tôi cũng như quý vị chưa từng nghĩ như vậy cho đến khi đọc được khai thị của hoà thượng Tuyên Hoá, vị thánh tăng người Trung Quốc, người sáng lập Vạn Phật Thánh Thành tại nước Mỹ vào thập niên 80 của thế kỷ 20.

Theo pháp ngữ của Ngài thì người Tàu ngụy tạo ra kinh “Vu lan bồn” nhằm củng cố sự chuyên chế của giường cột phong kiến, vốn lấy Trung Hiếu làm đầu, dầu là ngu trung và ngu hiếu! Ngoài ra còn nhằm vào những mục đích khác nữa! Thật choáng váng cho tôi lúc đọc đến chỗ này, nhưng niềm sùng kính của tôi đối với Ngài là tuyệt đối vào thời điểm đó, nên tôi hoàn toàn tin tưởng đây là sự thật.
Giờ đây bình tâm mà xét lại quả nhiên kinh Vu lan bồn lộ ra nhiều sơ hở, trái với chánh tư duy của nhà Phật. Theo kinh điển đạo Phật, một người đắc thánh quả thì 9 đời tổ tiên dòng họ được siêu thăng. Tôn giả Mục Kiền Liên sau khi quy y đầu Phật, chỉ 18 ngày sau là đắc A la hán, thì tại sao mẹ Ngài vẫn còn ở địa ngục?

Trong kinh Vu lan bồn, sau khi trở về từ địa ngục thăm mẹ, tôn giả Mục Kiền Liên được Đức Phật chỉ dẫn cách lập Vu lan bồn.  Trong kinh này có ghi là đàn tràng này được thiết lập với sự cúng dường phẩm vật (còn gọi là cúng trai tăng), và nhờ đến 500 vị thánh tăng A la hán cùng chú nguyện vào, thì mẹ Ngài mới siêu thăng. Vậy thì tôn giả chúng ta bấy giờ lấy đâu ra nhiều phẩm vật cúng dường và mời đâu ra dễ dàng 500 vị A la hán cùng một lúc nhỉ? Được biết, sau khi Đức Phật nhập Niết bàn, cuộc kết tập kinh điển lần thứ nhất chỉ có 499 vị, về sau có ngài A nan bổ sung mới đủ 500 vị. Như thế, thời điểm tôn giả Mục Kiền Liên “cứu mẹ”  làm sao có được nhiều thánh tăng A la hán vậy?

Nếu tôn giả Mục Kiền Liên làm như vậy, thì các tôn giả khác cũng có mẹ hoặc cha hoặc tứ thân phụ mẫu bị đoạ địa ngục. Vậy thì tính sao đây? Lẽ nào làm được cho tôn giả Mục Kiền Liên mà vị khác lại không? Đây là sự thiếu công minh, chắc chắn không phải là chỉ dụ của Phật!

Trong kinh “Địa tạng bổn nguyện” một người nữ Bà la môn, vì thương mẹ mình bị mất mà không biết thác sanh vào chốn nào, niệm tôn hiệu của Đức Giác Hoa Định Tự Tại Vương Như Lai chỉ một ngày một đêm thì người mẹ ấy từ địa ngục thác sanh vào cõi trời. Suy ra, 500 vị thánh tăng A la hán cùng chú nguyện chỉ bằng một người nữ Bà la môn? Phải chăng chỗ này lộ ra sự vô lý về đối tượng “cầu siêu” và “đạo lực” giữa một người phụ nữ với hàng trăm vị thánh tăng?

Do những sơ hở này, chúng ta hiểu thêm về xác quyết của hoà thượng Tuyên Hoá. Đây không phải lần đầu người Tàu nguỵ tạo kinh điển. Hoà thượng Hư Vân cho biết, thời Võ Tắc Thiên, kinh “Đại Vân” được “sáng tác” nhằm phục vụ cho việc soán ngôi vua của bà ấy!

Đối với người Tàu, cái gì cũng có thể nguỵ tạo, bịa đặt, vẽ rắn thêm chân. Các vị xem “Tây du ký” là truyện chương hồi của Ngô Thừa Ân, khác xa với chính sử về hình ảnh của Pháp sư Trần Huyền Trang còn gọi là Đường Tam Tạng. Xem truyện “Thuỷ Hử”, lại càng thấy tài hư cấu bịa đặt của người Tàu đối với chính sử mà Thi Nại Am đã phóng tác. Mới đây nhất, trong một bài viết đăng trên báo “Hôn nhân và Pháp luật”, tác giả Phong Nguyệt cho biết, hậu bối của dòng họ Võ, đòi kiện con cháu nhà văn Thi Nại Am vì đã bôi xấu tên tuổi của Võ Đại Lang, vốn thời đó là một vị quan thanh liêm, chứ không phải là chàng gù bán bánh tiêu trong truyện “Thuỷ Hử”.

Dẫn chứng nóng hổi nhất, thời sự nhất là người Tàu cho rằng đảo Trường Sa và Hoàng Sa là của Trung Quốc, trong khi những tài liệu lịch sử đều không có. Còn đường “lưỡi bò” mà Trung Quốc tự vẽ ra, chỉ mới đây thôi, khẳng định vùng biển Đông là của Trung Quốc. Cả thế giới lên án, ViệtNamđã bác bỏ luận điểm trên bằng những chứng cứ lịch sử đầy thuyết phục. Trung Quốc không dám đưa vấn đề này ra Toà án Quốc tế.

Trở lại kinh “Vu lan bồn”, chúng ta nên xét lại để mà minh bạch với đồ chúng, để nguỵ-chân, thực giả đưa ra ánh sáng Phật pháp chiếu soi. Đừng vì những gì gọi là truyền thống hay là những lợi ích gì đó mà không dám lên tiếng!

ĐÁO BỈ NGẠN
http://chanhtuduy.com/kinh-vu-lan-bon-thuc-hay-gia/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.