Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

19/07/2016

Tin Cao Bằng : Cần cấp cứu một vùng di tích đang bị xâm lấn nhanh chóng


Tin mới, lấy về từ báo Cao Bằng.

---





Thứ bảy 16/07/2016 07:00


LTS: Sau khi Báo Cao Bằng số 3958, ra ngày 17/6/2016 đăng bài “Dấu tích cổ xuống cấp nghiêm trọng và nguy cơ “biến mất”, được độc giả, dư luận quan tâm và có nhiều ý kiến tâm huyết với Tòa soạn Báo. Để rộng đường dư luận, Tòa soạn tiếp tục cử phóng viên xuống cơ sở, tìm hiểu, ghi nhận ý kiến của nhân dân, chính quyền xã Hưng Đạo (Thành phố) phản ánh về việc gìn giữ, bảo tồn dấu tích cổ xuống cấp nghiêm trọng.
    Ông Nông Hùng Cường, Chủ tịch UBND xã Hưng Đạo (Thành phố):
    Báo Cao Bằng đã phản ánh đúng thực trạng dấu tích cổ trên địa bàn xã bị xuống cấp nghiêm trọng mà chưa được bảo vệ để xếp hạng. Từ trước năm 2009, xã Hưng Đạo thuộc huyện Hòa An, các bậc cao niên và chính quyền xã nhiều lần đề nghị lên UBND huyện Hòa An xem xét, xếp hạng dấu tích cổ nhưng chưa được xem xét. Những năm gần đây, Hội Di sản văn hóa (DSVH) Cao Bình cũng phản ánh vấn đề trên lên các cấp, ngành của Thành phố, tỉnh. Chúng tôi mong lần này khi báo chí phản ánh, dư luận quan tâm, các cấp, ngành hữu quan sớm có phương án bảo vệ, nghiên cứu, xếp hạng dấu tích cổ xã Hưng Đạo có hàng nghìn năm trong lịch sử để Hưng Đạo xứng tầm trung tâm văn hóa tâm linh thành phố Cao Bằng.
    Chính quyền xã, bên cạnh tuyên truyền nhân dân có ý thức gìn giữ dấu tích cổ chưa được xếp hạng cũng gặp khó khăn bởi các vấn đề sau: Vì dấu tích cổ “Thành Bản Phủ” và “Đôi Guốc đá” chưa được xếp hạng, lại nằm trên đất đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng của một số chủ hộ nên chính quyền xã không có căn cứ pháp lý để vận động, can thiệp hộ dân bảo vệ dấu tích cổ, còn chủ hộ được quyền xây dựng các công trình hợp pháp trên đất thuộc quyền sở hữu.
    Tháng 7/2016, xã làm đường nông thôn đi qua dấu tích cổ Thành Bản Phủ, xóm 1 Hồng Quang, nhưng thể theo nguyện vọng bà con, vẫn đảm bảo việc bảo vệ 1/3 dấu tích Thành Bản Phủ còn lại.
    Xã Hưng Đạo là vùng đất cổ về lịch sử, văn hóa từ thế kỷ III trước Công nguyên, thời Thục Chế, Thục Phán xây dựng kinh đô nước Nam Cương, đến thời nhà Mạc lên đóng đô xây dựng vương triều (thế kỷ XVI - XVII). Vậy nên xã Hưng Đạo không chỉ có hai dấu tích cổ “Thành Bản Phủ” và “Đôi Guốc đá” mà còn nhiều dấu tích cổ khác cũng chưa được khảo sát, nghiên cứu xếp hạng xứng tầm. Nếu Thành phố chọn xã Hưng Đạo làm trung tâm văn hóa tâm linh trong xây dựng “Thành phố một trục ba trung tâm” thì không chỉ dựa vào di tích được xếp hạng chùa Đống Lân, Đà Quận và liền kề một số di tích xã Hoàng Tung (Hòa An), Vĩnh Quang (Thành phố), mà phải tiếp tục khảo sát, nghiên cứu xếp hạng dấu tích cổ xã Hưng Đạo để xếp hạng, tôn tạo, tôn vinh cho xứng tầm với giá trị văn hóa, lịch sử nghìn năm đã tồn tại trên xã Hưng Đạo. Vì vậy, chính quyền và nhân dân xã Hưng Đạo mong muốn, Thành phố, tỉnh và các cơ quan hữu quan sớm có phương án tích cực, khảo sát, nghiên cứu khoa học để xếp hạng dấu tích cổ trên vùng đất Hưng Đạo để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, phục vụ xây dựng văn hóa của tỉnh, quốc gia và đồng thời gìn giữ giá trị văn hóa cho thế hệ mai sau.
    Bà Nông Thị Dỳ, Trưởng xóm Hồng Quang 1, xã Hưng Đạo - nơi có dấu tích cổ Thành Bản Phủ:
    Tại vị trí trang trọng nhất trong phòng khách nhà bà nổi bật với câu đối “Cẩm sơn mạch tú Bản Phủ lưu trường”. Trao đổi về dấu tích cổ Thành Bản Phủ, bà Dỳ tự hào nói: Gia đình tôi cũng như nhiều hộ khác sinh sống trên khu vực trong và ngoài Thành Bản Phủ đều biết, Thành Bản Phủ là dấu tích cổ nghìn năm. Dòng tộc gia đình tôi đã trải qua 6 đời an cư, lạc nghiệp trên mảnh đất thiêng liêng này. Vì vậy mà ông cha đã ghi câu đối “Cẩm sơn mạch tú Bản Phủ lưu trường” để dặn dò thế hệ sau trân trọng, bảo vệ, gìn giữ dấu tích cổ. Trước nhà tôi có khóm tre cổ lâu năm gần Thành Bản Phủ nhưng không muốn chặt phá đi mà muốn để sau này phục vụ cho nghiên cứu khảo sát, khai quật dấu tích cổ. Những năm qua, tôi tuyên truyền vận động các hộ gìn giữ dấu tích cổ chưa được xếp hạng như bảo vệ, tôn tạo giếng Bó Phủ gần Thành Bản Phủ (thành đất cổ còn lại)… Tuy nhiên, những hộ có đất trên Thành Bản Phủ do có sổ đỏ được quyền sở hữu sử dụng hợp pháp nên xây dựng công trình mới lên dấu tích cổ theo nhu cầu gia đình nên chúng tôi không có quyền can thiệp…
    Bà con trong xóm chúng tôi rất mong tỉnh, Thành phố, cơ quan chức năng quan tâm, sớm khảo sát, nghiên cứu chuỗi dấu tích cổ tại xóm để được bảo vệ, tôn tạo trước nguy cơ xuống cấp nghiêm trọng…
    Ông Sầm Tưởng, bậc cao niên xóm Nà Vẩư, xã Bế Triều (Hòa An) bày tỏ quan điểm:
    Cả nước hiếm có tỉnh nào có bề dày về lịch sử, văn hóa từ thời cổ, trung, cận hiện đại như tỉnh Cao Bằng, trong đó xã Hưng Đạo và liền kề xã Hoàng Tung (Hòa An), Vĩnh Quang (Thành phố) đều có dấu tích lịch sử cổ, trung, cận hiện đại. Bảo vệ dấu tích cổ Đôi Guốc đá đang bị xuống cấp nghiêm trọng và nguy cơ biến mất là việc làm hết sức khẩn trương, cần thiết. Vì từ bao đời nay truyền thuyết “Cẩu chủa cheng vùa” được truyền tụng trong nhân dân gắn với Đôi Guốc đá xóm Nà Vẩư. Truyền thuyết vẫn được lưu truyền mà chúng ta để mất đi dấu tích gắn với truyền thuyết thì chính chúng ta đánh mất đi giá trị văn hóa nghìn năm… Xã Hưng Đạo có chuỗi dấu tích cổ mấy nghìn năm chính là lợi thế vô cùng quan trọng cho tỉnh, Thành phố khảo sát, nghiên cứu, xếp hạng di tích để nâng tầm phát huy giá trị văn hóa gắn với phát triển du lịch, văn hóa tâm linh góp phần thúc đẩy KT - XH Thành phố, tỉnh ngày càng phát triển. Đó chính là thực hiện cụ thể đường lối của Đảng về bảo tồn, xây dựng và phát triển văn hóa phù hợp với công cuộc đổi mới. Vì thế, khảo sát nghiên cứu xếp hạng dấu tích cổ trên xã Hưng Đạo cần có quy mô, đồng thời có quy hoạch cụ thể cho việc tôn tạo.
    Đồng chí Ngô Quang Tú, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin Thành phố cho biết:
    Tháng 3/2016, chúng tôi nhận được sự chỉ đạo của UBND Thành phố tiếp nhận đơn của Hội DSVH Cao Bình, xã Hưng Đạo phản ánh về tình trạng xuống cấp nghiêm trọng của 2 dấu tích cổ “Thành Bản Phủ” và “Đôi guốc đá”, Phòng Văn hóa - Thông tin Thành phố đã phối hợp với Bảo tàng tỉnh, chính quyền xã Hưng Đạo và Hội DSVH Cao Bình họp bàn thống nhất công tác quản lý, bảo vệ dấu tích cổ trên địa bàn xã. Hướng dẫn Hội và xã làm tờ trình gửi lên UBND Thành phố đúng trình tự thủ tục. Đồng thời, tham mưu cho UBND Thành phố làm Tờ trình số 71/TTr-UBND, ngày 1/6/2016 gửi lên Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc đề nghị xếp hạng 2 di tích “Thành Bản Phủ” và “Đôi Guốc đá”. Chúng tôi rất mong tỉnh, cơ quan chức năng quan tâm, xem xét và sớm có giải pháp bảo tồn 2 dấu tích cổ trên. Đồng thời, mở rộng khảo sát, nghiên cứu, xếp hạng những chuỗi dấu tích khác trên địa bàn xã Hưng Đạo để xếp hạng, bảo tồn, tôn vinh giá trị văn hóa, lịch sử xứng tầm với xây dựng phát triển trung tâm văn hóa tâm linh của Thành phố, tỉnh. 
    Trường Hà
    http://baocaobang.vn/Van-hoa/Can-tiep-tuc-khao-sat-nghien-cuu-xep-hang-dau-tich-co-xa-Hung-Dao/50359.bcb









    Chủ nhật 19/06/2016 06:00
    Từ khi xã Hưng Đạo (Hòa An) sáp nhập về Thành phố (tháng 7/2009), nhân dân phố Cao Bình và người dân trong xã thêm tự hào vì nơi đây - vùng đất cổ địa linh nhân kiệt sẽ làm tăng thêm giá trị lịch sử, văn hóa tâm linh cho trung tâm văn hóa, chính trị của tỉnh. Nhiều năm qua, nhân dân nơi đây mong mỏi, đề nghị chuỗi dấu tích, cổ vật xưa sớm được các nhà khoa học, cơ quan chức năng thẩm định, xếp hạng di tích để gìn giữ, bảo tồn trước sự xuống cấp nghiêm trọng và nguy cơ “biến mất”.
      Hộ dân có đất trên Thành nội, thuộc Thành Bản Phủ, xóm Hồng Quang 1 xây dựng tường đá trên thành cũ.
      NGHÌN NĂM ĐẤT CỔ LINH THIÊNG VÀ CHUỖI DẤU TÍCH
      Xã Hưng Đạo là vùng đất cổ, địa linh nhân kiệt bởi lưu truyền trong dân gian và trong tài liệu sử sách từ thế kỷ III trước Công nguyên (TCN) đến thế kỷ XVI - XVII. Thành Bản Phủ trên đất Cao Bình hiện nay là di tích lịch sử của hai thời kỳ cách nhau gần 2.000 năm. Thời kỳ thứ nhất là vua Thục Chế cha của vua Thục Phán lấy Nam Bình (nay là Cao Bình thuộc xã Hưng Đạo, thành phố Cao Bằng) làm kinh đô nước Nam Cương. Thành Bản Phủ làm vương phủ, xây dựng vào năm 214 (TCN). Thục Phán khi kế vị ngôi vua của cha phải tranh tài với 9 chúa mường trên Thành Bản Phủ để lên ngôi vua xây dựng nên nước Nam Cương hưng thịnh. Thục Phán là vị vua lập nên nước Âu Lạc là nhà nước thứ hai trong lịch sử Việt Nam sau nhà nước Văn Lang đầu tiên của các vua Hùng. Thời kỳ thứ hai, nhà Mạc thất thế ở Thăng Long chạy lên Cao Bằng (1593 - 1677) cũng chọn Thành Bản Phủ đóng làm vương phủ, nơi thiết triều của ba đời vua Mạc là Mạc Kính Cung, Mạc Kính Khoan và Mạc Kính Vũ (84 năm).
      Cùng với dòng chảy lịch sử các triều vua là chuỗi dấu tích chồng lấn lên nhau trên cùng một địa bàn. Theo các bậc cao niên xã Hưng Đạo, xã có mấy chục điểm - chuỗi dấu tích xưa gắn với các vương triều vua. Hiện nay, có di tích đã được thẩm định, xếp hạng như chùa Đống Lân, Đà Quận (Hưng Đạo) và thành Na Lữ, đền Vua Lê, đền Dẻ Đoóng (thế kỷ XVI - XVII) nhưng vẫn là số ít so với số dấu tích còn lại chưa được thẩm định trên địa bàn. Đặc biệt là Thành Bản Phủ gắn với vua Thục Phán và truyền thuyết “Cẩu chủa cheng vùa” (Chín chúa tranh vua) được người dân lưu truyền nhiều đời nay vẫn còn những dấu tích xưa, tuy chưa được thẩm định nhưng gắn liền với cốt truyện, như: Thành Bản Phủ (thành đắp bằng đất dựa theo địa hình); cánh đồng Tổng Chúp; giếng Ngọc (nay gọi là Bó Phủ); cây đa cổ thụ (tương truyền là chúa Kim Đán đã dùng cung tên bắn gần trụi hết lá), Nà Vẩư (có một đôi guốc đá khổng lồ chưa kịp đục lỗ xỏ quai, đó là kết quả thi tài của chúa Văn Thắng), đồi Khau Lừa (tức đồi thuyền, theo truyền thuyết đó là thuyền mà chúa Ngọc Tặng chưa kịp lật)... Nhiều dấu tích, địa danh gắn với Thành Bản Phủ và truyền thuyết “Cẩu chủa cheng vùa” được ông Đinh Ngọc Viện, nguyên Trưởng Phòng Lịch sử Đảng, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Cao Bằng trình bày tại Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần 3 vào ngày 4 - 7/12/2008. Nếu những chuỗi dấu tích còn lại của Thành Bản Phủ gắn với truyền thuyết “Cẩu chủa cheng vùa” và dấu tích thời nhà Mạc sớm được thẩm định càng làm tăng thêm giá trị văn hóa, lịch sử tâm linh cho Thành phố, tỉnh và đất nước. Thế nhưng các dấu tích xưa vẫn nằm chờ trước sự xói mòn của thời gian, ảnh hưởng môi trường, thiên nhiên và tác động “vô can” từ con người…
      DẤU TÍCH CỔ XUỐNG CẤP NGHIÊM TRỌNG VÀ NGUY CƠ BIẾN MẤT
      Thực tế cho thấy, dấu tích cổ chưa được thẩm định, xếp hạng cũng đồng nghĩa với chưa được bảo vệ, gìn giữ nên ngày càng xuống cấp nghiêm trọng, nguy cơ mất đi bởi yếu tố môi trường, thời gian và con người. Theo các bậc cao niên Hội Di sản văn hóa (DSVH) Cao Bình, dấu tích gắn với Thục Phán - An Dương Vương xây dựng kinh đô nước Nam Cương trên đất cổ Cao Bình còn nhiều nhưng rõ nét vẫn là dấu tích tường thành của Thành Bản Phủ - Thành nội (xóm Hồng Quang 1), thành ngoại sân vận động phố Cao Bình và đôi guốc đá xóm Nà Vẩư - dấu tích cự thạch. Hai dấu tích này chưa được thẩm định để xếp hạng, tôn tạo và bảo vệ nên xuống cấp nghiêm trọng.
      Ông Đàm Văn Học, Chủ tịch Hội DSVH Cao Bình cho biết thêm: Những năm của thế kỷ trước, Thành Bản Phủ còn tương đối nguyên vẹn. Thành đắp bằng đất, đá sỏi cao trên 2 m. Hiện nay, thành bị thay đổi, tàn phá chỉ còn lại 2/3 do tác động môi trường, thời gian xói mòn và do mục đích sử dụng đất khác nhau của các hộ dân có đất gắn với thành nội. Ông Học dẫn chúng tôi đi xem thành nội, cơ bản các hộ dân đã xây tường đá xi măng trên diện tích đất sở hữu gia đình. Còn dấu tích cự thạch đôi guốc đá (xóm Nà Vẩư) được nhắc đến trong truyền thuyết “Cẩu chủa cheng vùa” cũng rơi vào tình trạng xuống cấp nghiêm trọng, sụt lún dần xuống trong lòng mương, nguy cơ bị xâm lấn do công trình san, gạt mặt bằng của các hộ dân.
      Ông Học nhấn mạnh, dấu tích cổ không được bảo vệ, càng chậm thẩm định bao nhiêu thì càng có nguy cơ xuống cấp, mất đi sẽ gây khó cho công tác nghiên cứu sau này. Người dân trên địa bàn có hai xu hướng khác nhau. Những người tích cực là các bậc cao niên trên địa bàn với tâm nguyện gìn giữ, bảo tồn di sản văn hóa, nên đã thành lập Hội DSVH Cao Bình, được UBND Thành phố công nhận, đi vào hoạt động từ năm 2014. Hội sưu tầm, lưu giữ nhiều tư liệu lịch sử, cổ vật tìm được trên đất Cao Bình phục vụ bảo vệ, gìn giữ dấu tích, di tích trên địa bàn. Bên cạnh đó có một số người thờ ơ với dấu tích cổ vì chưa được thẩm định để bảo tồn. Hơn nữa dấu tích cổ lại thuộc đất sở hữu gia đình, nên họ có quyền xây dựng các công trình khác phục vụ gia đình trên dấu tích cổ, làm mất di tích Thành nội - xóm Hồng Quang 1 và di tích Thành ngoại. Hai bên bờ ruộng, đường đi vào dấu tích Đôi guốc đá là đất của các hộ dân nên họ san gạt đất lấy mặt bằng lấp dần đường đi vào.
       

      Hộ dân hai bên san gạt mặt bằng dần dần xuống Đôi guốc đá - di tích cự thạch.
      Theo một số người dân phản ánh, do nhu cầu cần một mặt bằng rộng liền thửa nhưng không cùng một chủ hộ, nên các hộ san đất lấy mặt bằng, dự kiến thỏa thuận với xóm Nà Vẩư đổi đất (nơi mấy đám ruộng sát Đôi guốc đá) để san gạt thành mặt bằng liền thửa trên đất di tích. Nếu sự việc này diễn ra thì Đôi guốc đá mất đi.
      MÒN MỎI CHỜ THẨM ĐỊNH
      Trước năm 2012, Phó Giáo sư - Tiến sỹ Trình Năng Chung, Trưởng Phòng Khoa học, Viện Khảo cổ học Việt Nam và đoàn nghiên cứu di tích cổ tại Cao Bằng đã tiến hành khai quật tại 3 điểm, gồm: Bản Phủ, Đà Quận, Bó Mạ, tìm thấy hàng trăm di vật, bao gồm đồ đá, đồ sành, gốm, sứ và một số mẩu kim loại bằng sắt, đồng đã gỉ. Theo Phó Giáo sư - Tiến sỹ Trình Năng Chung, về niên đại của thành, qua nghiên cứu và xác định những di vật khai quật được nằm trong địa tầng, phần lớn cho thấy thành này được xây dựng từ thời Lê - Mạc. Tuy nhiên, theo tài liệu của các nhà sử học như Phan Huy Lê, Trần Quốc Vượng, Hà Văn Tấn, Lương Ninh nghiên cứu, kết quả tạm xác lập quê Thục Phán - An Dương Vương ở Cao Bằng, theo truyền thuyết “Chín chúa tranh vua”. Vậy nên, ông Chung cũng mong muốn được nghiên cứu, khai quật tìm thấy di vật cổ để chứng minh Thành Bản Phủ là của Thục Phán - An Dương Vương nhưng làm được việc đó thì phải khai quật như thành Cổ Loa, Đông Anh (Hà Nội) nên mất nhiều thời gian, vật lực và nhân lực. Cũng vì thế, công tác nghiên cứu, thẩm định Thành Bản Phủ gần như bỏ ngỏ, các dấu tích xưa không được khoanh vùng bảo tồn theo năm tháng, xuống cấp nghiêm trọng…
      Năm 2012 - 2013, Hội DSVH Cao Bình đã liên tục kiến nghị Tỉnh ủy, Ban Tuyên giáo, UBND tỉnh, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL), Thành ủy, UBND Thành phố và UBND xã Hưng Đạo đề xuất nghiên cứu, xác minh, khoanh vùng bảo vệ, xếp hạng, trùng tu tôn tạo dấu tích văn hóa Cao Bình từ thời Thục Phán - An Dương Vương đến vương triều Mạc, đặc biệt cần bảo vệ dấu tích Thành Bản Phủ (Thành nội và Thành ngoại) và di tích cự thạch Đôi guốc đá. Ngày 25/9/2012, Bảo tàng tỉnh, Sở VH-TT&DL sau khi nhận được phiếu chuyển của Văn phòng UBND tỉnh cũng đã tham mưu, đề xuất phương án cho UBND tỉnh... Nhưng Hội DSVH Cao Bình chưa nhận được phương án bảo vệ dấu tích cổ như đề nghị. Đến tháng 3/2016, trước sự xuống cấp trầm trọng và nguy cơ bị xâm hại di tích cự thạch Đôi guốc đá, Hội DSVH Cao Bình tiếp tục làm đơn lên các cấp ủy, chính quyền và cơ quan chức năng. Ngày 13/5/2016, theo sự chỉ đạo của Thành phố, Phòng Văn hóa và Thông tin Thành phố, Bảo tàng tỉnh, UBND Thành phố, xã Hưng Đạo và Hội DSVH Cao Bình có cuộc họp bàn thống nhất công tác quản lý, bảo vệ di tích trên địa bàn xã Hưng Đạo. Các bên kết luận với 5 nội dung, trong đó thống nhất việc dấu tích lịch sử chưa được thẩm định, công nhận di tích cần được khoanh vùng bảo vệ. Xác định rõ địa giới hành chính của điểm Trường Quốc học Bản Thảnh. Đề  nghị UBND Thành phố thành lập tổ công tác tiến hành xác định, đo đạc, khoanh vùng bảo vệ dấu tích chưa xếp hạng có nguy cơ bị xâm hại. Xã Hưng Đạo quan tâm bảo vệ các vị trí có dấu hiệu di tích lịch sử văn hóa Thành Bản Phủ, Đôi guốc đá, Trường Quốc học Bản Thảnh và một số thủ tục hành chính khác có liên quan đến quyền sử dụng đất và dấu tích cổ trên đất sở hữu các chủ hộ. Hiện nay, Hội DSVH Cao Bình làm Tờ trình việc xếp hạng di tích lịch sử văn hóa Thành Bản Phủ, di tích cự thạch (Đôi guốc đá)… để các cấp có thẩm quyền xem xét, thẩm định lập hồ sơ công nhận di tích.
      Nguyện vọng bảo tồn dấu tích cổ trên đất cố đô Cao Bình được họp bàn, có phương hướng bảo vệ nhưng các bậc cao niên xã Hưng Đạo và người dân không khỏi chua xót chia sẻ với chúng tôi: “Từ khi Tạp chí Nghiên cứu lịch sử công bố truyền thuyết “Cẩu chủa cheng vùa” của người Tày ở Cao Bằng liên quan đến Thục Phán - An Dương Vương xây dựng kinh đô Nam Bình (thế kỷ III TCN), trên đất Cao Bình đến nay mới chỉ có phương án bảo vệ 2 dấu tích khi đã bị xâm hại, xuống cấp nghiêm trọng là quá ít ỏi so với bề dày di tích, lịch sử nơi đây. Còn nhiều dấu tích bị xói mòn mất đi, cùng với đó là các bậc cao niên hiểu biết nhiều về dấu tích xưa cũng lần lượt qua đời vì tuổi cao sức yếu. Như vậy cũng đồng nghĩa với việc khó thẩm định công nhận di tích Cao Bình là di tích văn hóa cổ nghìn năm. Nguyện vọng tha thiết của người dân là các cấp chính quyền, cơ quan chức năng, nhà khoa học quan tâm nghiên cứu, thẩm định xếp hạng dấu tích cổ trên đất Cao Bình để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa.
                
      Nếu Thành phố Cao Bằng định hướng quy hoạch xây dựng “Thành phố một trục ba trung tâm”, trong đó xây dựng xã Hưng Đạo thành “Trung tâm văn hóa tâm linh” thì việc thẩm định chuỗi dấu tích cổ Thành Bản Phủ liên quan đến Thục Phán - An Dương Vương và thành nhà Mạc để xếp hạng di tích là quyết định quan trọng cho quy hoạch phát triển sau này. Thẩm định, xếp hạng thành công không chỉ mở ra tầm giá trị văn hóa quan trọng cho Thành phố, tỉnh mà còn mang tầm quốc gia. Trước hết, cần phải bảo vệ ngay chuỗi dấu tích cổ dù chưa được thẩm định để phục vụ cho công tác nghiên cứu và cũng là bảo tồn giá trị văn hóa cổ đã tồn tại nghìn đời nay trong tín ngưỡng, tâm linh của người Cao Bằng.

      Trường Hà


      http://www.baocaobang.vn/Van-hoa/Dau-tich-co-xuong-cap-nghiem-trong-va-nguy-co-bien-mat/49852.bcb









      Thứ ba 27/01/2015 17:00
      Ngày 27/1, Hội Di sản văn hóa (DSVH) Cao Bình, xã Hưng Đạo (Thành phố) tổ chức Đại hội lần thứ nhất.

        Ban Chấp hành Hội Di sản văn hóa Cao Bình lần thứ nhất.
        Hội DSVH Cao Bình tiền thân là Câu lạc bộ DSVH Cao Bình được thành lập từ năm 2009, hiện có 35 hội viên. Hội có nhiệm vụ bảo tồn, phát huy di tích lịch sử, sưu tầm, bảo tồn cổ vật, văn hóa phi vật thể…, có liên quan đến lịch cổ đại từ thế kỷ thứ III trước công nguyên có Kinh đô nước Nam Cương của Thục Phán An Dương Vương đóng đô tại Cao Bình, sau là thời kỳ nhà Mạc lên Cao Bình đóng đô từ năm 1528 - 1592. Đến nay, Hội đã sưu tầm, lưu giữ hơn 70 ảnh về di vật, cổ vật; sưu tầm lưu giữ hơn 20 cổ vật, gồm: búa đá, xẻng, cuốc, thuổng đá, đồ gốm, kim khí, đao sắt, 2 khúc gỗ nghiến đường kính 40 - 50 cm, chiều dài trên 18 m được dự đoán gỗ xây dựng thành nhà Mạc…
        Trên cơ sở hoạt động tích cực của Câu lạc bộ DSVH Cao Bình về gìn giữ, bảo tồn văn hóa, UBND Thành phố Cao Bằng ra Quyết định số 2722/QĐ-UBNDTPCB ngày 17/12/2014, về việc cho phép thành lập Hội DSVH Cao Bình, thành phố Cao Bằng.
        Tại Đại hội, Hội DSVH Cao Bình bầu Ban Chấp hành gồm 7 người; quán triệt quy chế Hội; đề ra nhiệm vụ hoạt động những năm tới với mục tiêu: tiếp tục lưu giữ, sưu tầm cổ vật, văn hóa vật thể, phi vật thể di tích lịch sử trên xã Hưng Đạo (Thành Phố), xã Hoàng Tung (Hòa An).
        Trường Hà

        Không có nhận xét nào:

        Đăng nhận xét

        Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

        LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

        Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.