Dưới là các tin và bình luận từ các nguồn, theo thứ tự từ dưới lên.
---
8.
Chủ đề:
TP - Đánh giá tác động môi trường của dự án Formosa, được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt năm 2008 vô cùng sơ sài, giản lược.
Một góc Formosa (ảnh lớn), Hiện trường chôn lấp chất thải (ảnh nhỏ). Ảnh: Minh Thùy.
Luật Bảo vệ Môi trường 2005 quy định, báo cáo đánh giá tác động môi trường (gọi tắt là ĐTM) phải đánh giá chi tiết các tác động môi trường có khả năng xảy ra khi dự án được thực hiện; dự báo rủi ro về sự cố môi trường do công trình gây ra; biện pháp cụ thể giảm thiểu các tác động xấu đối với môi trường. Thế nhưng, khi đọc ĐTM của dự án Formosa, được Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) phê duyệt năm 2008, dường như không thấy điều này?
Dài 1 trang, không có một dòng nào về môi trường biển
Báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương Formosa Hà Tĩnh giai đoạn 1-1 được phê duyệt theo quyết định 1315/QĐ-BTNMT ngày 30/6/2008. Người ký phê duyệt là Vụ trưởng Vụ Thẩm định và ĐTM của Bộ TN&MT khi ấy là ông Nguyễn Khắc Kinh.
Theo ông Kinh, sau khi ĐTM được phê duyệt, dự án có thay đổi về quy mô (nâng công suất). Theo Nghị định 29 quy định về đánh giá môi trường chiến lược, ĐTM và cam kết bảo vệ môi trường, với việc thay đổi quy mô, dự án phải làm lại ĐTM bổ sung. Tuy nhiên, phía Formosa chỉ giải trình một số thay đổi trong ĐTM và được Bộ Tài nguyên và Môi trường chấp thuận.
ĐTM dày 285 trang, gồm 9 chương, thiết kế theo chuẩn của Thông tư 08/2006-BTNMT hướng dẫn đánh giá môi trường chiến lược, ĐTM và cam kết bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, đi sâu vào đọc các nội dung của ĐTM thì thấy, các yêu cầu về đánh giá chi tiết các tác động môi trường có khả năng xảy ra khi dự án được thực hiện, dự báo rủi ro về sự cố môi trường do công trình gây ra, biện pháp cụ thể giảm thiểu các tác động xấu đối với môi trường; phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường lại vô cùng sơ sài, giản lược.
Trong phần ĐTM, đánh giá tác động của nước thải đến môi trường trong giai đoạn vận hành nhà máy chỉ chưa đến 2,5 trang. Mất 1,5 trang là các bảng biểu, vỏn vẹn một trang ĐTM, chủ yếu là liệt kê các nguồn nước thải của nhà máy ra môi trường, đặc điểm của các loại nước thải đó. Ngoài ra, không có thông tin nào cho biết, lượng nước thải này có ảnh hưởng như nào đến môi trường?
Đánh giá tác động của chất thải rắn đến môi trường cũng chỉ hơn một trang, đánh giá tác động do ô nhiễm nhiệt 1/3 trang. Đặc biệt đánh giá rủi ro về sự cố môi trường chỉ dài một trang, nêu vắn tắt, gạch đầu dòng một số sự cố có thể xảy ra như nổ và bén lửa, ngã do đứng ở vị trí trên cao, kim loại nóng chảy phun bắn ra ngoài, sự cố chập điện, phóng điện, bỏng điện…Không có một dòng nào về sự cố với môi trường biển, với đất, với không khí.
Ở phần biện pháp giảm thiểu tác động xấu, phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường, biện pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường nước cũng chỉ vỏn vẹn 6 trang, mới dừng ở nêu cách xử lý nước thải của tổng thể nhà máy, chưa chi tiết hóa các giải pháp cụ thể. Biện pháp giảm thiểu ô nhiễm nhiệt và tiếng ồn chỉ trong 2 trang. Về chất thải rắn, biện pháp thu gom và xử lý chất thải rắn chỉ 5 trang.
Nhìn tổng thể cả báo cáo, hai phần quan trọng nhất là chương 3- đánh giá tác động môi trường và chương 4 - biện pháp giảm thiểu tác động xấu, phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường đều giản lược, ít thông tin.
Chất thải tại Formosa trước khi được vận chuyển ra ngoài. Ảnh: Minh Thùy.
Sơ sài, đối phó
Đó là những từ được các chuyên gia môi trường nhận định khi đọc ĐTM của dự án Formosa. PGS.TS Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu, Trường Đại học Cần Thơ cho biết, ông đã xem ĐTM của dự án Formosa và thấy đây là ĐTM có chất lượng quá thấp, mang tính đối phó, như một thủ tục để được phê duyệt chứ không phải một báo cáo có tính khoa học thực sự. Nếu dựa trên ĐTM này để giám sát môi trường thì lộ rất nhiều lỗ hổng.
Một chuyên gia đề nghị giấu tên cho hay, Báo cáo ĐTM có mục đích là đánh giá tác động môi trường của dự án và xây dựng các giải pháp để kiểm soát, đảm bảo dự án không ảnh hưởng đáng kể tới môi trường. Như vậy, báo cáo phải làm rõ nhà máy đang sử dụng công nghệ nào, với công nghệ đó thì sẽ thải ra các chất gì? Thành phần chất thải ra sao?...
Tức là phải nêu được lượng thải rắn là bao nhiêu? Thành phần chất thải rắn gồm những chất độc hại gì? Phương pháp xử lý, đổ thải ra sao? Những biện pháp nào cần áp dụng để đảm bảo chất độc trong chất thải rắn không ngấm xuống đất, ảnh hưởng tới nguồn nước, bị mưa chảy tràn mang vào khu dân cư, mang xuống sông, ra biển? Với khí thải phải nêu được khí thải gồm những thành phần độc hại nào? Xử lý ra sao?
Nước thải là bao nhiêu (bao gồm nước thải luyện Coke và nước thải luyện thép), thành phần như thế nào? Công nghệ xử lý ra sao? Khi xả ra môi trường biển thì thành phần độc hại và nhiệt độ ra sao? Nếu thải thì sẽ ảnh hưởng tới biển như thế nào? Vùng nào bị ảnh hưởng? Mức độ ảnh hưởng đến đâu… Tức là phải có phần dùng mô hình toán để tính sự lan truyền chất nhiễm bẩn và nước nóng trong biển.
Với những câu hỏi trên, theo vị chuyên gia này, ĐTM của Formosa đã không trả lời được hoặc trả lời được rất ít. Vì thế đây là báo cáo ĐTM không dùng được.
Cũng theo ông, ĐTM là một văn bản pháp luật, dùng làm căn cứ thi hành khi triển khai dự án. Vì vậy, báo cáo ĐTM phải được làm cực kỳ cẩn trọng.
Ông Trần Hồng Hà thừa nhận ĐTM chung chung quáPhát biểu tại Hội nghị Sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai công tác 6 tháng cuối năm 2016, Bộ trưởng TN&MT - ông Trần Hồng Hà thừa nhận, ĐTM của dự án Formosa quá chung chung. Trong phần kiến nghị lên Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, ông Hà nêu có quá nhiều bất cập trong luật pháp về bảo vệ môi trường. Luật quy định cần ĐTM ngay từ khi mới có ý tưởng, đề xuất dự án để làm căn cứ xét duyệt đầu tư, cấp giấy phép đầu tư. Như vậy không khả thi. Như vụ Formosa vừa qua, báo cáo ĐTM mang tính chất chung chung quá.
7.
Formosa tự ý thay đổi công nghệ
11/07/2016 11:25 GMT+7
- Formosa đã tự ý thay đổi công nghệ xử lý cốc sang công nghệ phát tán nhiều chất thải - Bộ trưởng TN&MT nói tại UBTVQH.
Tại phiên họp của UB Thường vụ QH hôm nay, sau khi nghe dự thảo báo cáo kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm của Chính phủ, với vấn đề nổi cộm là sự cố môi trường nghiêm trọng ở Bắc Trung Bộ, Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh băn khoăn: "Trong vụ Formosa, được biết qua kiểm tra đã phát hiện, ngoài các vấn đề ô nhiễm môi trường còn các vấn đề khác, đó là các vấn đề gì?".
Bà Thúy Anh nhấn mạnh đến việc sử dụng lao động người nước ngoài trong khu kinh tế Vũng Áng.
Trả lời câu hỏi về môi trường, Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà cho biết: Trong giai đoạn hiện nay, Formosa đang chạy thử nghiệm, các cơ quan quản lý nhà nước vào kiểm tra để cho phép hoạt động.
Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà: 6 nhà thầu của Formosa đều là từ Trung Quốc. Ảnh: Website Bộ TN&MT
|
"6 nhà thầu của Formosa, có liên quan đến xử lý xả thải, đều là từ Trung Quốc. Qua kiểm tra đã phát hiện 53 hành vi vi phạm hành chính, liên quan đến thiết kế, vận hành, xây dựng, thi công, có dấu hiệu xảy ra các sự cố liên quan đến điện, triển khai hệ thống xử lý chưa đáp ứng đúng quy trình, quy định pháp luật và quy định của cơ quan quản lý", ông Hà nói.
Chủ tịch HĐ Dân tộc QH Hà Ngọc Chiến: Formosa là dự án đầu tư nước ngoài được phê duyệt rất nhanh, đánh giá tác động môi trường cũng được phê duyệt rất nhanh, sau khi nhà đầu tư được cấp phép, các yêu sách cũng cơ bản được đáp ứng rất nhanh, và sau đó, hậu quả xảy ra cũng rất nhanh, dù chưa đưa vào hoạt động, chỉ mới thử nghiệm.
|
"Trong đó nghiêm trọng nhất là hành vi tự ý thay đổi công nghệ xử lý cốc, sang công nghệ phát tán nhiều chất thải. Đây là một trong những bằng chứng pháp lý quan trọng, nhưng không liên quan đến sự cố môi trường".
Bộ trưởng TN&MT cũng cho biết, nơi là nguồn thải lớn nhất, lò luyện cốc, mới đang chạy thử với 1/4 công suất, sự cố ô nhiễm vừa rồi là do có sự cố.
"Khi họ hoạt động đúng công suất, đầy đủ, đúng quy định, được kiểm tra chặt chẽ, sẽ hoàn toàn kiểm soát được việc kiểm soát và xử lý chất thải. Sau khi họ nhận trách nhiệm, Chính phủ cũng yêu cầu họ thực hiện đúng các yêu cầu kiểm tra, kiểm soát", ông Hồng Hà nói.
Về việc lao động nước ngoài ở Formosa, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Phạm Minh Huân cho biết: Bộ đã cùng với UBND tỉnh Hà Tĩnh tổ chức nhiều đoàn kiểm tra việc cấp giấy phép, hiện 70% lao động ở Formosa đã được cấp giấy phép.
"Tuy nhiên, con số của các nhà thầu luôn biến động theo từng giai đoạn. Hiện việc cấp giấy phép đang giao cho địa phương Hà Tĩnh, và theo chúng tôi được biết là đúng quy định", ông cho hay.
Cũng liên quan đến sự cố môi trường biển, Chủ nhiệm UB Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng Nguyễn Thanh Hải đặt câu hỏi về ảnh hưởng đối với khu vực du lịch, dịch vụ.
Bộ trưởng Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thừa nhận: "Đến nay ở 4 tỉnh bị ảnh hưởng, các nhà hàng vẫn chưa ai dám ăn, kể cả dân bản địa, khách du lịch cũng chưa dám tắm, chính người dân và cán bộ ở đó cũng chưa trở lại sinh hoạt bình thường".
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Phạm Minh Huân. Ảnh: VietNamNet
|
Trong báo cáo của Chính phủ hôm nay chưa nêu giải pháp cho vấn đề này, nhưng ông Chí Dũng cho biết trong tuần này Chính phủ sẽ họp bàn về phát triển du lịch, chắc chắn sẽ tìm giải pháp cụ thể hơn cho 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế.
Theo Nghị quyết QH, năm 2016 GDP phải tăng 6,7%. Nhưng 6 tháng đầu năm nay chỉ tăng 5,52%. Để đạt mục tiêu của QH, 6 tháng cuối năm phải tăng trưởng 7,6%, mà điều này là bất khả thi.
Sự cố môi trường biển cũng là một trong những vấn đề nghiêm trọng kìm hãm kinh tế 6 tháng đầu năm nay, theo báo cáo của Chính phủ.
Lần đầu tiên trong rất nhiều năm trở lại đây, khu vực nông lâm ngư nghiệp tăng trưởng âm. Trong đó, khai thác thủy hải sản gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng tâm lý người tiêu dùng đối với vụ cá chết hàng loạt. Hải sản khai thác khó tiêu thụ, người dân phải dừng đánh bắt ở vùng ven bờ.
Nhìn chung tình hình kinh tế cả năm nay, Chính phủ cũng cho rằng khó đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% theo Nghị quyết QH.
6 tháng đầu năm nay GDP chỉ tăng 5,52%. Để đạt mục tiêu của QH, 6 tháng cuối năm phải tăng trưởng 7,6%, mà điều này là bất khả thi.
Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng nhận định: "Năm nay tăng trưởng 6,2-6,3% là tốt, 6,5% là quá tốt, còn 6,7% là không khả thi".
Chung Hoàng
6.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Phát hiện 53 hành vi vi phạm ở Formosa
VOV.VN - Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà cho biết, Formosa có hành vi tự ý thay đổi công nghệ xử lý liên quan đến phát tán chất thải.
Phát biểu tại phiên họp thứ 50 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, sáng 11/7, Chủ nhiệm Uỷ ban về các vấn đề xã hội Nguyễn Thuý Anh đề nghị Chính phủ thông tin về các vấn đề được phát hiện tại Formosa Hà Tĩnh ngoài vấn đề gây ô nhiễm môi trường và việc sử dụng lao động người nước ngoài ở Khu kinh tế Vũng Áng.
Trả lời câu hỏi trên, Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà cho biết, qua công tác kiểm tra phát hiện trong giai đoạn hiện nay Formosa Hà Tĩnh khi chạy thử nghiệm - là trước khi cơ quan Nhà nước vào kiểm tra và cho phép hoạt động thì có 6 nhà thầu nước ngoài.
Liên quan đến việc chuyển giao công nghệ, lắp ghép thiết bị và vận hành hệ thống xử lý nước thải thì hầu hết nhà thầu này đều là nhà thầu của Trung Quốc.
Cơ quan chức năng phát hiện 53 hành vi vi phạm về hành chính, trong đó liên quan đến thiết kế, vận hành, xây dựng, thi công, vấn đề qua giai đoạn thử nghiệm có dấu hiệu xảy ra sự cố liên quan đến điện, liên quan đến việc triển khai các hệ thống xử lý chưa đáp ứng theo đúng quy trình, chưa đúng quy định của pháp luật và quy định của cơ quan quản lý.
“Trong 53 hành vi đó có một hành vi rất quan trọng là Formosa đã tự ý thay đổi công nghệ xử lý cốc từ xử lý khô sang công nghệ xử lý cốc ướt – là công nghệ xử lý có rất nhiều chất thải. Công nghệ này hoàn toàn do họ tự ý điều chỉnh, đây là bằng chứng rõ ràng về mặt pháp lý. Tuy nhiên, việc sửa đổi công nghệ này không liên quan đến sự cố môi trường mà nó liên quan đến việc họ đã vi phạm quy định của ta” – ông Trần Hồng Hà nói.
Bộ trưởng Bộ TN-MT cũng cho biết, hiện nay các vấn đề về xử lý đang trong giai đoạn chạy thử, trên thực tế công suất và nơi có nguồn thải nguy hiểm nhất là lò luyện cốc, tại đó nguồn nước thải ra được xử lý ở trạm sinh hoá mới chạy được ¼ công suất.
“Việc xảy ra ô nhiễm như vậy có thể khẳng định là do sự cố, còn trên thực tế nếu vận hành đầy đủ, đúng quy định và được kiểm tra chặt chẽ thì hoàn toàn có thể đáp ứng được việc kiểm soát và xử lý chất thải trước khi thải ra môi trường” – Bộ trưởng khẳng định.
Hiện nay, sau khi Formosa thừa nhuận trách nhiệm và khắc phục hậu quả, Chính phủ đã triển khai đồng bộ các công việc liên quan đến kiểm soát, giám sát và yêu cầu Formosa khắc phục các tồn tại.
Về quản lý lao động nước ngoài ở Formosa, ông Phạm Minh Huân – Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH cho biết đã tổ chức nhiều đoàn vào cùng UBND tỉnh Hà Tĩnh kiểm tra việc cấp giấy phép.
“Hiện nay, chúng tôi được biết có 70% lao động ở Formosa được cấp giấy phép, còn con số của các nhà thầu luôn biến động phụ thuộc vào từng giai đoạn. Theo số liệu được báo cáo, các lao động nước ngoài hiện nay giao cho Hà Tĩnh quản lý cấp giấy phép, quản lý việc cấp giấy phép và việc này được thực hiện theo đúng quy định” – ông Phạm Minh Huân nói./.
http://vov.vn/xa-hoi/bo-truong-tran-hong-ha-phat-hien-53-hanh-vi-vi-pham-o-formosa-529099.vov
5.
Cấp phép dự án Formosa sai quy định ngay từ đầu
14:28 | 05/07/2016
Tamnhin.net - Công ty TNHH gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh đã cúi đầu nhận tội và xin lỗi nhân dân Việt Nam trong vụ xả thải gây ô nhiễm môi trường bốn tỉnh miền trung. Đáng chú ý là ngay từ đầu việc thẩm định, cấp phép dự án này đã có nhiều vấn đề sai phạm từng bị Thanh tra Chính phủ chỉ rõ trong kết luận thanh tra số 1538/KL-TTCP ngày 3.7.2014.
Cấp phép sai quy định ở khu vực nhạy cảm
Ngay từ đầu việc thẩm định, cấp phép dự án này đã có nhiều vấn đề sai phạm từng bị Thanh tra Chính phủ chỉ rõ. |
Theo như kết luận của Thanh tra Chính phủ (TTCP), dự án đầu tư và xây dựng Nhà máy liên hợp luyện thép và cảng nước sâu Sơn Dương (dự án Formosa) do Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Đài Loan làm chủ đầu tư đã được Ban quản lý Khu kinh tế Vũng Áng cấp phép đầu tư với thời hạn 70 năm.
Việc cấp phép với thời hạn này theo TTCP là sai quy định, vì điều 52 của Luật đầu tư quy định thời hạn hoạt động của dự án nước ngoài phải phù hợp với yêu cầu hoạt động của dự án và không quá 50 năm. Trong trường hợp cần thiết, Chính phủ ra quyết định về thời hạn dài hơn nhưng không được quá 70 năm. Đối chiếu với hồ sơ tại thời điểm thanh tra, TTCP cho biết Chính phủ chưa có ý kiến cho phép thời hạn hoạt động của dự án trên 50 năm.
Đặc biệt, TTCP chỉ rõ đây là dự án nằm trong khu vực khá nhạy cảm (cảng biển khu vực liên quan đến An ninh quốc phòng). Bởi vậy, việc Hà Tĩnh vượt quyền Chính phủ để cho thuê đất lên đến thời hạn 70 năm là một sai phạm rất nghiêm trọng.
TTCP đã yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, xem xét, xử lý việc cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty Formosa 70 năm sai quy định tại Điều 52 và các quy định của pháp luật liên quan.
Hà Tĩnh bảo đúng quy định
Ông Võ Kim Cự - nguyên Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh – hiện nay đang là Chủ tịch Liên minh hợp tác xã Việt Nam, người gắn bó với dự án Formosa từ những ngày đầu từng khẳng định: “Tất cả các quyết định của UBND tỉnh cũng như các cơ quan, ban ngành Hà Tĩnh liên quan đến các dự án kinh tế, đặc biệt là dự án Formosa đều đúng với các qui định của pháp luật hiện hành”.
Trong buổi công bố kết luận của Thanh tra Chính phủ vào ngày 25-3-2015 về những sai phạm của Hà Tĩnh, nói về việc cấp phép 70 năm cho Formosa, ông Võ Kim Cự cũng cho rằng việc này UBND tỉnh đã xin ý kiến của Chính phủ, Bộ KHĐT đã có ý kiến đồng ý cấp phép 70 năm.
Ông Võ Kim Cự - nguyên Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh – hiện nay đang là Chủ tịch Liên minh hợp tác xã Việt Nam, là người gắn bó với dự án Formosa từ những ngày đầu |
Tuy nhiên, khi đó Phó tổng TTCP đã nhấn mạnh không nên đồng nhất 2 khái niệm: việc Chính phủ và Bộ KHĐT có ý kiến đồng ý cho thuê đất 70 năm là sau khi có kết luận của TTCP. Và TTCP kết luận việc Hà Tĩnh cấp Giấy chứng nhận đầu tư với thời hạn 70 năm cho nhà đầu tư khi chưa được Chính phủ đồng ý là vi phạm.
Ông Thái Sinh, Chánh thanh tra tỉnh Hà Tĩnh thời điểm công bố kết luận của TTCP (tháng 3/2015) đã từng trả lời báo chí: “Dự án Formosa là một trong những dự án kinh tế trọng điểm, được Chính phủ rất quan tâm và thường xuyên chỉ đạo. Trong thực tế, từ khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư cho đến nay, nhà đầu tư đã triển khai dự án đúng tiến độ, làm thay đổi căn bản cơ cấu kinh tế theo hướng CNH – HĐH của Hà Tĩnh. Trong quá trình thực hiện dự án, chắc chắn sẽ không tránh khỏi những thiếu sót. Nhưng phải khẳng định rằng, những thiếu sót đó là những thiếu sót thuộc về thủ tục hành chính, hoàn toàn không mang tính vụ lợi, tất cả vì sự phát triển chung. Đến thời điểm này, có thể khẳng định, Formosa là một dự án hoàn toàn đúng đắn, đang và sẽ đóng vai trò then chốt đối với sự phát triển vững mạnh về kinh tế - xã hội của địa phương”.
Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện nay, việc Formosa xả thải đã gây ra thảm họa môi trường biển lớn chưa từng có ở nước ta, gây thiệt hại năng nề về kinh tế cũng như tâm lí bất ổn, hoang mang, lo lắng cho người dân các tỉnh miền trung.
Phát biểu tại cuộc họp Chính phủ ngày 1.7 vừa qua, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu phải thanh tra, kiểm tra quá trình cấp phép cho Formosa. "Phải xem trong quá trình thẩm định, phê duyệt, quy hoạch có tiêu cực hay không để xử lý nghiêm trước pháp luật", Phó thủ tướng chỉ đạo.
Liên quan đến vụ việc này, sáng hôm qua 4.7, Bộ Công an và Công an tỉnh đã vào cuộc và có những buổi làm việc đầu tiên đối với những cơ quan liên quan để tìm hiểu quá trình cấp phép, giám sát xả thải tại Formosa.
Cụ thể, lực lượng công an đã làm việc với ông Võ Tá Đinh, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh để tiếp cận hồ sơ liên quan trách nhiệm của tập thể, cá nhân của Sở này khi để Formosa xả thải gây nhiễm độc biển. Cảnh sát cũng tiếp cận các số liệu hoạt động thuế của Formosa từ Chi cục thuế Hà Tĩnh. Trước đó, cơ quan công an đã làm việc với Ban quản lý Khu kinh tế Hà Tĩnh, UBND thị xã Kỳ Anh…
Ông Dương Tất Thắng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết, quan điểm của tỉnh là sẽ xử lý nghiêm theo quy định các cá nhân, đơn vị liên quan trong việc quản lý, giám sát Formosa xả thải.
Mai Nguyễn
4.
Nguyễn Đình Quân (thực hiện)
06:24 ngày 05 tháng 07 năm 2016
Cần phục hồi nhân tạo sinh cảnh biển
TP - “Để phục hồi sinh cảnh biển ở các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế, bên cạnh việc tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc phục hồi tự nhiên, cần thực hiện các biện pháp phục hồi nhân tạo, chấm dứt tình trạng khai thác thủy sản bằng các biện pháp hủy diệt”, TS Võ Sĩ Tuấn, Viện trưởng Viện Hải dương học, nói.
TS Võ Sĩ Tuấn, Viện trưởng Viện Hải dương học.
Viện Hải dương học có tham gia Hội đồng quốc gia tìm nguyên nhân cá chết hàng loạt ở vùng biển từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên – Huế. Sinh cảnh biển ở vùng này có bị thiệt hại nhiều không, thưa ông?
Vùng này có rạn san hô ở một số nơi, như ở Sơn Dương, Đảo Yến, Cồn Cỏ, chân đèo Hải Vân đến đảo Sơn Chà (Huế)… Các rạn san hô này quy mô nhỏ, không có tính chất quyết định đến hệ sinh thái biển như các rạn san hô ở Nam Trung bộ, nhưng cũng có vai trò quan trọng cho sự lưu trú, phát triển của các loài thủy sinh. San hô ở đảo Cồn Cỏ không hề bị ảnh hưởng, san hô ở Vũng Chùa, Đảo Yến (Quảng Bình) bị hủy hoại một ít, vùng Sơn Dương bị nặng hơn. Tuy nhiên, không chỉ các rạn san hô bị ảnh hưởng do sự cố vừa rồi, cần phải quan tâm đến một hệ rất quan trọng trong sinh cảnh biển, trong phát triển nguồn lợi thủy sản, đó là hệ đầm phá. Vừa rồi, thiệt hại nhiều nhất là cá, các nhóm sinh vật biển khác cũng bị ảnh hưởng, nhưng không lớn.
Ông đã có nhiều kinh nghiệm về nghiên cứu, phục hồi rạn san hô. Theo ông, cần làm gì để phục hồi rạn san hô ở vùng biển 4 tỉnh kể trên?
Thứ nhất, phải hỗ trợ việc phục hồi tự nhiên. Vừa rồi cá bố mẹ bị chết nhiều. Nhưng rất may là ở biển, cá ở các vùng khác nó sinh sản, rồi ấu thể có thể di chuyển đến đây, đến các rạn san hô, các đầm phá, các cửa sông rồi phát triển. Tức là có nguồn bổ sung từ các thủy vực khác.
Nhiệm vụ của con người là làm thế nào thuận lợi nhất cho quá trình tái sinh tự nhiên. Phải chấm dứt tình trạng khai thác bằng các biện pháp hủy diệt, vốn khá phổ biến ở các tỉnh này. Phải giữ gìn được sinh cảnh, không chỉ rạn san hô, mà cả các hệ đầm phá, các vùng cửa sông. Đừng hủy hoại các thảm rong biển, cỏ biển.
Thứ hai, phục hồi nhân tạo rạn san hô và nguồn lợi trong rạn san hô. Có thể làm rạn nhân tạo, để thu hút nguồn lợi thủy sản về. Có những nước, họ đánh đắm cả con tàu, để làm chỗ cho cá đến trú ngụ, hoặc làm những kết cấu bằng bê tông, bỏ xuống biển. Ở Khánh Hòa, chúng tôi có làm ở bãi Thủy Triều, đầm Nha Phu.
Đồng thời với rạn san hô nhân tạo, có thể đưa nguồn giống bố mẹ các sinh vật về, để tái tạo, bổ sung trong rạn san hô. Đi liền đó là quản lý, bảo vệ. Chúng tôi đã có kinh nghiệm không vui. Sau hai năm tái tạo, phục hồi san hô, kết quả rất tốt, cá đến rất nhiều. Nhưng một năm sau quay lại không còn gì cả, bị ngư dân đánh mìn tan hết.
Một việc cần làm nữa là giảm xả thải ra biển. Không chỉ ông Formosa xả ra đâu, nhiều ông thải lắm. Từ 4 - 5 năm trước, phân tích số liệu quan trắc nhiều năm của Tổng cục Môi trường, của 4 tỉnh, chúng tôi đã phát hiện dấu hiệu suy thoái môi trường. Có nghĩa, sự số Formosa là sự cố cấp tính, còn mãn tính là chúng ta đang càng ngày càng làm suy thoái môi trường. Suy thoái môi trường thì làm sao nguồn lợi phát triển được.
Có người nói, để làm sạch đáy biển phải hút hết trầm tích?
Theo tôi, biển cả mênh mông thì hút ở đâu? Nếu hút thì phải tìm được chỗ chất độc tích tụ, chứ đâu phải chỗ nào cũng có đâu. Hút rồi đổ đi đâu? Mà hút như thế, làm xáo trộn cả tầng đáy, chắc chắn ảnh hưởng lớn đến rạn san hô, nguy hại lắm.
Nhưng nếu cứ để các chất phenol, xyanua ở đáy biển, nó sẽ gây nguy hại lâu dài?
Nó phải phát tán chứ, phải phân hủy chứ. Nó phát tán thì cá mới nhiễm độc, mới chết, không phát tán thì làm sao có chuyện cá chết. Tức là, sẽ có quá trình gọi là biển tự làm sạch, nhanh hay chậm tùy theo chất độc hại.
Cảm ơn ông
3.
Saturday, July 2, 2016
Bàn về vụ cá chết hàng loạt và Formosa "nhận tội"
Thế là Formosa đã cúi đầu "nhận tội" đã gây ra thảm hoạ cá chết hàng loạt ở miền Trung. Sự thú nhận của Formosa chẳng làm ngạc nhiên ai, vì công chúng hình như đã biết từ lâu. Nhưng biết qua cảm nhận là một chuyện, còn tìm chứng cứ để kết luận là một chuyện khác. Có khi những quyết định mang tính chính trị hơn là khoa học (như vụ thuốc rosiglitazone chẳng hạn). Ở đây, tôi bàn qua một cách tiếp cận khoa học để kết tội thủ phạm gây cá chết hàng loạt. Tôi tiếp cận bằng mô hình nghiên cứu y khoa và khái niệm "environmentome" để có thể áp dụng tìm thủ phạm gây cá chết hàng loạt.
Thỉnh thoảng tôi tự đặt giả thiết nếu được giao nhiệm vụ điều tra nguyên nhân cá chết hàng loạt ở miền Trung, tôi sẽ làm gì? Tôi sẽ tiếp cận vấn đề ra sao? Dĩ nhiên, đây là một vấn đề rất hệ trọng và có liên quan đến pháp lí, nên chứng cứ và dữ liệu phải chính xác. Nhưng cách tiếp cận chắc chắn sẽ không đơn giản. Dù biết thế, tôi tự đặt mình vào tình thế và tìm cách làm. Có lẽ tôi sẽ lập một uỷ ban điều tra độc lập, tức là có đại diện của các nhà khoa học từ nhiều ngành (như hoá học, sinh hoá, sinh học phân tử, ngư nghiệp, thống kê học) nhưng không có liên quan đến Nhà nước và Formosa. Uỷ ban đó có nhiệm vụ vạch những bước làm như sau:
1. Rà soát và xác định những hoá chất mà hãng Formosa đã thải ra biển. Lượng hoá chất thải ra bao nhiêu, trong thời gian nào và bao lâu, cường độ thải ra như thế nào, ai chịu trách nhiệm việc thải hoá chất ra biển.
2. Nghiên cứu 1: Tôi sẽ thiết kế một nghiên cứu khoa học theo mô hình "bệnh chứng". Theo mô hình này, tôi sẽ chọn khoảng vài trăm con cá đã chết (tạm cho con số là n), và phân loại cá theo trọng lượng và độ sâu mà chúng sinh sống. Con số bao nhiêu n cá phải được xác định bằng cách tham khảo y văn. Ngoài ra, tôi cũng sẽ lấy n con cá đang sống và cố gắng chọn có cùng trọng lượng. Tôi sẽ lấy mẫu tissue của hai nhóm cá, đem đi phân tích bằng mass spectrometry (dùng mô hình hiện đại nhất) để phân tích và xác định khoảng 200 hoá chất mà cá bị phơi nhiễm. Những hoá chất này dĩ nhiên bao gồm phenol, cyanide, iron hydroxides, purines, copper, zinc, v.v.
Trong nhóm cá chết, tôi sẽ yêu cầu các chuyên gia chụp hình và "chẩn đoán" xem chúng bị thương ở đâu. Một sự thẩm định tổn thương nội tạng và ngoại tạng có thể tiết lộ những thông tin thú vị về mối liên quan giữa phơi nhiễm hoá chất và nguy cơ tử vong của cá.
Phân tích: Sau khi đã có dữ liệu, tôi sẽ xây dựng một "expsome" (bản đồ phơi nhiễm) và những mối liên quan giữa các hoá chất. Tôi sẽ dùng phương pháp giống như phương pháp phân tích trong các nghiên cứu GWAS để kiểm định sự khác biệt về nồng độ các hoá chất phơi nhiễm giữa nhóm cá chết và nhóm chứng (cá sống). Tôi sẽ có một biểu đồ kiểu Manhattan, và sẽ chọn hoá chất nào có trị số P thấp hơn 0.000001 hoặc BF cao hơn 1000 để chú ý và xem như là một khám phá. Dĩ nhiên, phân tích này phải phân theo loại cá mà thí nghiệm đặt ra lúc ban đầu.
3. Nghiên cứu 2: Bước thứ ba, cùng lúc tôi sẽ thiết kế một thí nghiệm để xác định nồng độ hoá chất trong nước biển. Theo mô hình này, tôi sẽ lấy mẫu nước ở gần hãng Formosa, nhưng phân cấp theo khoảng cách 100 m, 500 m, 1 km, 2 km, 5 km, 10 km. Ngoài ra, tôi sẽ cần một nhóm chứng, bằng cách lấy mẫu nước ở vùng rất xa và không có hiện tượng cá chết (như ở Nha Trang chẳng hạn) và cũng lấy cách bờ theo khoảng cách trên. Tôi sẽ dùng thiết bị mass spect để phân tích và xác định khoảng 200 các hoá chất trong nước biển.
Phân tích: Tôi cũng sẽ dùng phương pháp phân tích trong Nghiên cứu 1 để xác định nồng độ phơi nhiễm giữa các mẫu nước. Ở bước này, tôi cũng sẽ phân tích mối tương quan giữa nồng độ hoá chất trong nước biển và xác suất sống / chết của cá. Phân tích này cũng phải phân chia theo loại cá.
4. Bước thứ tư, để chắc ăn, tôi sẽ làm một nghiên cứu trong phòng thí nghiệm. Từ phát hiện của Nghiên cứu 1 và Nghiên cứu 2 tôi sẽ biết hoá chất nào là đáng tình nghi. Nhưng tình nghi vẫn chưa đủ để "kết tội" cho những hoá chất đó. Do đó, bước này, tôi sẽ làm 2 thí nghiệm: một thí nghiệm trên cá, và một thí nghiệm trên tế bào.
Thí nghiệm thứ nhất, tôi sẽ chọn những con cá còn sống và khoẻ mạnh ở Nha Trang (chẳng hạn); sau đó tôi sẽ cho chúng bị phơi nhiễm các hoá chất tôi đã tìm ra ở Nghiên cứu 1 và Nghiên cứu 2, và quan sát xem bao nhiêu cá chết và bao nhiêu cá còn sống sót. Dĩ nhiên, tôi sẽ cho phơi nhiễm từ nồng độ thấp đến cao, và qua thiết kế này, tôi sẽ biết nồng độ cỡ nào là nguy hiểm và làm cho cá chết.
Thí nghiệm thứ hai, tôi sẽ chọn ra một số nội tạng phát hiện trong Thí nghiệm 1, và challenge với các hoá chất trong phòng thí nghiệm. Tôi sẽ đo lường DNA methylation của các nội tạng cá đã chết và nội tạng cá sống để biết các hoá chất phơi nhiễm đã kích hoạt những gen nào làm cho cá chết.
Nếu kết quả các nghiên cứu trên nhất quán nhau, thì tôi mới có lí do khoa học để phán quyết rằng hoá chất nào đã làm cho cá chết, và hoá chất đó có liên quan đến Formosa hay không. Đây là mô hình để tìm nguyên nhân gây bệnh, rất phổ biến trong các nghiên cứu y khoa. Tìm ra mối liên quan giữa A và bệnh vẫn chưa đủ thuyết phục; phải can thiệp vào A xem có thay đổi bệnh hay không thì mới thuyết phục. Tương tự, nếu chỉ tìm mối liên quan giữa hoá chất A và cá chết vẫn chưa đủ, cần phải làm thí nghiệm can thiệp bằng hoá chất A xem nguy cơ tử vong của cá là bao nhiêu mới có thể phát biểu nguyên nhân - hệ quả được.
Thủ phạm chỉ là phenol và cyanide?
Nhưng trong thực tế thì Formosa đã "nhận tội", nên những bàn tính trên chỉ mang tính ... mua vui mà thôi. Đọc qua báo chí, tôi thấy có vẻ các quan chức tập trung vào hai hoá chất phenol và cyanide. Trả lời câu hỏi dựa vào căn cứ nào để xác định Formosa là nguyên nhân làm cho cá chết, một quan chức cho biết rằng kết quả xét nghiệm của các nhà khoa học cho thấy hơn 50% mẫu cá chết có chưa phenol và cyanide, và hãng Formosa thải ra biển hai hoá chất này (1).
Đây là một dữ liệu quan trọng, nhưng có lẽ ... chưa đủ. Con số "hơn 50%", tôi đoán là trong khoảng 50 và 60%. Bởi vì nếu gần 100% thì không ai nói "hơn 50%". Chúng ta không biết bao nhiêu cá đã được xét nghiệm, và bao nhiêu là dương tính cho phenol, bao nhiêu dương tính cho cyanide, và bao nhiêu dương tính cho cả hai phenol và cyanide. Không chỉ dương tính, mà cần phải biết nồng độ của hai hoá chất này ra sao. Không có những dữ liệu này rất khó diễn giải kết quả xét nghiệm. Cũng giống như nếu tôi nói có 50% bệnh nhân bị phơi nhiễm hoá chất A, thì tôi vẫn chưa thuyết phục được A là nguyên nhân của bệnh, vì tôi còn thiếu nhóm không mắc bệnh (nhóm chứng).
Một điều hết sức quan trọng là thiếu nhóm chứng. Chúng ta không biết trong những con cá sống (có thể ở vùng biển khác) thì nồng độ phenol và cyanide là bao nhiêu, và bao nhiêu cá có dương tính hai hoá chất này. Giả dụ rằng nếu ở nhóm cá sống (nhóm chứng), mà có đến 40% bị nhiễm phenol và cyanide, thì chúng ta sẽ kết luận ra sao? So sánh giữa 40% trong nhóm cá sống và 50% trong nhóm cá chết sẽ cho ra kết quả, nhưng kết quả đó chưa đủ thuyết phục để kết luận hai hoá chất này là nguyên nhân gây cá chết hàng loạt. Nếu nhóm chứng có 0% phơi nhiễm thì chúng ta có lí do để nói chút chút (nhưng nếu nhóm chứng có tỉ lệ 80% phơi nhiễm thì chúng ta sẽ gặp trở ngại). Nói như thế để thấy rằng thiếu nhóm chứng làm cho kết quả rất khó diễn giải.
Nhưng một điều kì lạ là trong một xét nghiệm nước biển ở Lăng Cô (nơi cũng có hiện tượng cá chết hàng loạt) thì không phát hiện nồng độ phenol và cyanide (2)! Tuy nhiên, nồng độ chromium thì tăng đáng kể. Mà, chromium là một trong những nguyên nhân làm cá chết (3). Nhưng ngay cả những số liệu trong bảng này cũng khó diễn giải vì thiếu các chỉ số như standard deviation và không rõ phân bố ra sao.
Bảng kết quả đo đạc các mẫu nước ở đầm Lập An (2).
Quay lại dữ liệu hơn 50% cá chết bị nhiễm phenol và cyanide, chúng ta thấy gì? Nói cách khác, phenol và cyanide chỉ giải thích được khoảng phân nửa vì sao cá chết. Vậy còn phân nửa khác là do thủ phạm nào? Đây là câu hỏi quan trọng, nhưng chúng ta không/chưa biết. Có thể là do các hoá chất khác như kẽm, đồng, thuỷ ngân, cadnium, và các hoá chất khác. Do đó, chỉ tập trung vào phenol và cyanide tôi sợ là Nhà nước VN đã bỏ qua những thủ phạm có thể còn quan trọng hơn.
Nói tóm lại, tôi nghĩ ngoài phenol và cyanide có thể là thủ phạm gây cá chết hàng loạt, còn có những thủ phạm khác cũng có thể nguy hiểm không kém. Ở đây, về mặt khoa học, chúng ta chỉ có thể nói "có thể" thôi, chứ không khẳng định được, bởi vì chưa có nhóm chứng và chưa có những thí nghiệm mà tôi mô tả trên, chúng ta không thể nói về nguyên nhân và hệ quả được. Nhưng dĩ nhiên, khoa học rất khác với chính trị, và nhiều khi người ta có thể đi đến quyết định nhanh và bỏ qua những rườm rà và phức tạp của khoa học.
====
(1) http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/bo-truong-tran-hong-ha-toi-vua-trai-qua-84-ngay-cang-thang-nang-triu-3428300.html
(2) http://vntinnhanh.info/buoc-dau-ket-luan-nguyen-nhan-ca-chet-hang-loat-tai-hue.html
(3) http://www.sciencedirect.com/science/article/pii/0045653581901831
2.
Thứ bảy, 2/7/2016 | 11:29 GMT+7
Vệt nước màu đỏ từng xuất hiện ở Quảng Bình, Hà Tĩnh không phải tảo nở hoa hay phù sa, mà là lớp màng sắt - manh mối quan trọng để tìm ra ổ độc di động dưới đáy biển.
http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/manh-moi-lan-ra-nguyen-nhan-gay-ca-chet-hang-loat-3429463.html
1.
Chủ đề:
TP - Giữa lúc việc tìm nguyên nhân cá chết gặp nhiều khó khăn do các mẫu phân tích không thấy bất thường thì vệt nước đỏ xuất hiện ở Quảng Bình ngày 4/5 mà nhiều người nghĩ là thủy triều đỏ hoặc phù sa lại chính là manh mối quan trọng, mở ra bước ngoặt quan trọng trong quá trình tìm nguyên nhân cá chết.
Hệ thống xả thải của Formosa (ảnh lớn); Người dân vùng biển Hà Tĩnh đau lòng vì cá chết (ảnh chụp ngày 26/4). Ảnh: Minh Thùy.
Gian nan
Theo TS Vũ Đức Lợi, Phó Viện trưởng Viện Hóa học, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, Phó chủ tịch Hội đồng khoa học tìm nguyên nhân cá chết, ban đầu hàng loạt các giả thiết về nguyên nhân được đặt ra như sự cố tràn dầu, động đất, dịch bệnh. Khi các giả thiết này dần được loại trừ thì việc tìm kiếm nguyên nhân cá chết rất khó khăn.
Giả thiết được Bộ Tài nguyên và Môi trường đưa ra tại cuộc họp ngày 27/4 cho rằng, có thể do thủy triều đỏ. Tuy nhiên, kết quả phân tích cho thấy, không phát hiện dấu hiệu tảo nở hoa trên diện rộng dù một số thời điểm bùng phát cục bộ về số lượng vi tảo xảy ra. Các nhà khoa học kết luận, tảo nở hoa được ghi nhận tại một số thời điểm trong phạm vi hẹp có thể gây cá chết nhưng không phải là nguyên nhân gây cá chết hàng loạt.
Như vậy chỉ còn giả thiết cá chết do nhiễm độc. Tuy nhiên, theo kết quả phân tích các mẫu nước biển và trầm tích thu được ở 4 tỉnh miền Trung từ ngày 19/4/2016 đến ngày 29/4/2016, các thông số cơ bản, hàm lượng kim loại nặng, hàm lượng phenol và xyanua đều nằm trong giới hạn cho phép, chỉ duy hàm lượng sắt tổng số trong mẫu trầm tích có xu hướng cao hơn các năm trước đây và trong mẫu trầm tích lấy bằng phương pháp lặn biển phát hiện thấy phenol với hàm lượng từ 0,2 đến 3,8 mg/kg. Ngoài ra, trong mẫu cá phân tích, hàm lượng kim loại nặng và asen đều thấp hơn tiêu chuẩn theo quy định của Bộ Y tế.
Đúng vào thời điểm khó khăn đó, theo TS Lợi, kết quả phân tích độc tố (phenol, xyanua) tại Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Bộ Y tế và Đại học Sydney, Úc chỉ ra, trong nhiều mẫu cá chết thu được có hàm lượng độc tố cao. Các nhà khoa học nhận định, phải có một nguồn phát tán có hàm lượng phenol, xyanua đủ cao để gây chết cá.
Thời điểm đó, một vệt nước màu đỏ dài 1,5km, rộng 10m xuất hiện ở xã Nhân Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình xuất hiện ngày 4/5 và vệt nước màu đỏ sẫm xuất hiện tại khu vực cảng Sơn Dương, Hà Tĩnh ngày 12/5/2016 đã dần hé lộ kịch bản cá chết.
Ngư dân Hà Tĩnh trở lại bám biển đánh bắt hải sản.
Cá đã chết như thế nào
Các nhà khoa học đã thử độc tính của mẫu nước lấy từ hai nơi nói trên. Cá cũng được thả vào lọ chứa các mẫu nước này. Kết quả cho thấy, 80-100% cá chết trong thời gian từ 3-30 phút. Mẫu nước cũng cho kết quả hàm lượng sắt trong cặn lơ lửng cao và có chứa phenol. Màu nước ở các vệt nước bất thường này không phải là màu của tảo nở hoa hay màu của phù sa tự nhiên mà là dạng keo sắt hấp thụ các độc tố như phenol, xyanua, là sản phẩm do hoạt động xả thải của con người gây ra.
Phân tích màng dịch nhầy bao bọc thân cá trên rạn san hô thu được ở Thừa Thiên Huế ngày 24/4/2016 cũng thu được hàm lượng sắt cao và có chứa phenol. Như vậy kịch bản cá chết đã sáng tỏ. Các nhà khoa học khi ấy đưa ra kết luận, độc tố hóa học, cụ thể là phenol, xyanua cùng với sự đóng góp của hợp chất chứa sắt là nguyên nhân chính gây ra sự cố hải sản chết hàng loạt. Bản thân phenol và xyanua dạng tự do tan tốt và sẽ bị nước biển pha loãng nhanh, khó có thể gây hiện tượng cá chết tức thời trên diện rộng. Tuy nhiên, phenol, xyanua đã kết hợp phức sắt ở dạng keo (Mixel) xả ra môi trường biển. Nguồn xuất phát từ khu vực Vũng Áng, Hà Tĩnh.
Phức sắt dạng keo sẽ hấp phụ phenol, xyanua và các độc chất khác. Các độc chất này được làm giàu tới hàm lượng có thể gây độc cấp tính để hình thành cái gọi là “ổ độc di động”. Trên đường đi theo chiều của dòng hải lưu từ Hà Tĩnh tới Thừa Thiên Huế, “ổ độc di động” sẽ làm chết cá do lớp màng nhầy của keo sắt làm tắc mang hoặc do tác động gây độc cấp tính của phenol, xyanua. Ngoài ra, cá chết có thể do thiếu hụt ô-xy bởi sự chuyển hóa từ dạng sắt hóa trị 2 lên sắt hóa trị 3.
Trong quá trình di chuyển, phenol và xyanua sẽ được giải phóng dần và dạng keo này có thể bị lắng xuống đáy. Khi bị tác động của thủy triều và sóng, tại một số địa điểm, dạng keo này bị đẩy lên mặt nước tạo thành các vệt màu bất thường. Đó chính là vệt màu đỏ xuất đỏ dài 1,5km, rộng 10m ở xã Nhân Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình và vệt nước màu đỏ sẫm xuất hiện tại khu vực cảng Sơn Dương, Hà Tĩnh ngày 12/5/2016.
Ngày 01/6/2016, Hội đồng khoa học đã có báo cáo gửi Bộ KH&CN kết luận về nguyên nhân cá chết, đồng thời chuyển cho GS Yasuki Maeda (Trường Đại học tổng hợp Osaka, Nhật Bản), chuyên gia trong lĩnh vực môi trường để nhận xét phản biện. Ngày 04/6/2016, GS Yasuki Maeda gửi bản nhận xét và đánh giá cao về tính khoa học của báo cáo cũng như kết luận trong báo cáo. Nhờ đó, Việt Nam có cơ sở khoa học định hướng tìm thủ phạm gây ra sự cố môi trường này.
http://www.tienphong.vn/xa-hoi/qua-trinh-tim-nguyen-nhan-ca-chet-manh-moi-bat-ngo-1022652.tpo
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.
LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.
Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.