Bác sĩ Nông học Lương Định Của sinh năm 1920 tại làng Đại Ngãi, quận Kế Sách (nay là thị trấn Đại Ngãi, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng). Ông đã bảo vệ xuất sắc Luận án di truyền học với đề tài “Cách xử lý đa bội thể di truyền nhằm tạo nên giống lúa mới”, được Hội đồng khoa học Trường ĐH Tổng hợp Kyoto (Nhật Bản) nhất trí cấp học vị Bác sĩ Nông học – học vị cao nhất ở Nhật Bản.

Ngoài ra, ông chính là người trẻ nhất và là người nước ngoài duy nhất được cấp học vị này tại Nhật Bản. Là một nhà khoa học Việt Nam có uy tín lớn trên thế giới thuộc lĩnh vực di truyền-chọn giống, sinh thời Bác sỹ Nông học Lương Định Củ đã có nhiều công trình lớn đóng góp thiết thực vào sự phát triển của nông nghiêp nước nhà và thế giới… Ông được tặng Bằng khen của Viện Nghiên cứu sinh học Kinhara về công trình “Sự sinh sản của giống lúa lai tạo từ hai giống lúa Japonica và Indica”.


Các đại biểu chủ trì Hội thảo khoa học: “Lương Định Của - Nhà nông học vì dân, vì nước”.
Phát minh này của Bác sỹ Nông học Lương Định Của được ứng dụng ngay lúc đó trong việc lai tạo giống lúa tại Hoa Kỳ. Năm 1952, theo lời Hiệu triệu của Chủ tịch Hồ Chí Minh, GS.TS Lương Định Của cùng vợ (người Nhật) và con về nước phục vụ và trở thành một trong những người đầu tiên đặt nền móng cho ngành nông nghiệp Việt Nam. Ông cũng là Đại biểu Quốc hội liên tục từ khóa II đến khóa V; được phong tặng hiệu Anh hùng Lao động năm 1967 và Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học công nghệ đợt 1 năm 1996.

Tại hội thảo, ngoài việc đánh giá lại đóng góp của GS.TS Lương Định Của, các diễn giả còn làm rõ vai trò to lớn của ông trong việc đào tạo nên các thế hệ nhà khoa học nông nghiệp nổi tiếng của nước nhà; vai trò cầu nối trong mối quan hệ hợp trên lĩnh vực nông nghiệp Việt – Nhật. Đặc biệt, các chuyên gia, diễn giả cũng là những học trò của Bác sỹ Nông học Lương Định Của đã chia sẽ những kỷ niệm khi còn làm việc với ông. TS Nobuyuki Iseri – Điều phối viên dự án JICA – VNUA, Trưởng đoàn Nhật Bản đã chia sẻ kỷ niệm khi đọc lại lá thư từ một người nhắc đến nhiều kỷ niệm về Giáo sư Lương Định Của.

“Thật ngạc nhiên khi những kỷ niệm về Giáo sư Lương Định Của vẫn sống mãi, bất chấp thời gian và khoảng cách địa lý giữa Việt Nam và Nhật Bản. Tôi hy vọng, những kỷ niệm mà tôi chia sẻ với các bạn ngày hôm nay sẽ tiếp tục được lưu giữ mãi mãi”- TS Nobuyuki Iseri, cho biết. Hội thảo cũng dành thời gian để trình bày tham luận về những giải pháp đẩy mạnh phát triển cây lúa ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu; học tập Bác sỹ Nông học Lương Định Của xây dựng nền nông nghiệp Việt Nam hiện đại. Qua đó, làm rõ công lao và làm sáng tỏ hơn cuộc đời và sự nghiệp của GS.TS Lương Định Của. Đặc biệt, bà Nakamura Nobuko (vợ của cố GS.TS Lương Định Của) đã có những chia sẽ đầy xúc động khi đến dự hội thảo về người chồng đáng kính của mình
Đức Văn