Một ít tư liệu cũ, của phía báo chí.
---
http://cand.com.vn/Xa-hoi/Hoi-thao-khoa-hoc-Luong-Dinh-Cua--Nha-nong-hoc-vi-dan-vi-nuoc-277530/
3.
Vợ chồng Giáo sư Lương Định Của
DƯƠNG ĐÌNH TƯỜNG (*)
http://nongnghiep.vn/gs-luong-dinh-cua-da-chet-vi-hoc-xuong-post127649.html
3.
Nhà bác học với giấc mơ dân Việt sánh cùng dân Nhật:
GS Lương Định Của đã chết vì hóc xương?
Cập nhật: 08:20, Thứ 4, 09/07/2014
Nhà nông học Lương Định Của ra đi khi mới 55 tuổi để lại dở dang ước mơ đưa nông dân Việt bắt nhịp cùng nông dân Nhật.
Giai đoạn ở nhà tập thể của Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm, bà Nobuko (vợ GS. Lương Định Của) cũng tranh thủ nuôi thêm con gà, con lợn để cải thiện thêm bữa ăn cho gia đình - những việc mà khi ở Nhật Bản bà chưa bao giờ nghĩ tới.
Vợ chồng Giáo sư Lương Định Của
Về sau bà được giao làm phát thanh viên tiếng Nhật cho Đài Tiếng nói Việt Nam phải ở trên Hà Nội thi thoảng ông Của có ghé thăm. Trở lại Hải Dương bao giờ trên tay ông cũng là cặp lồng ruốc hoặc cặp lồng thịt rang kho mặn vợ làm.
Ông Của ở Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm, ăn cùng hai đứa con gái và một đứa con trai nhỏ. Lương Hồng Việt, người con trai lớn học Đại học Nông nghiệp ra trường 1968 về Viện cũng chỉ ăn bo bo, mì luộc, ở giường tầng, đi cày, đi bừa, đi cấy, gánh phân như ai.
Viện có đài công nhưng lúc mở lúc tắt. Cùng cơ quan, thỉnh thoảng anh Việt có lên phòng bố nghe đài ké với ba đứa em. Hễ nghe tiếng ô tô từ ngoài cổng thường trực thì đài trong nhà cũng tắt tiếng.
Anh Việt có người yêu là cháu của Phó Chủ tịch huyện Gia Lộc. Chị là người Hải Dương nhưng làm trên phố Hàng Thiếc (Hà Nội), đồng nghiệp với bà Của ở Đài Tiếng nói Việt Nam. Hai bên gia đình ra sức tác hợp, mai mối cho họ.
Anh Việt lúc đó chưa có xe đạp riêng còn ông Của thì có cái commăngca đít tròn cũ để đi lại. Thế mà từ Hải Dương về Hà Nội nếu có họp ông Của cũng không bao giờ cho Việt đi theo. Ông thường bảo: “Xe này Nhà nước trang bị cho bố đi công tác chứ không phải cho con. Con làm được tiền thì đi xe đạp còn không làm được thì đi bộ hay nhờ bạn bè đèo ra đường 5 mà bắt xe ô tô về Hà Nội”.
Ngoài lý do muốn con mình cũng như mọi cán bộ khác ông còn muốn giành chỗ trống ít trong xe cho những người phụ nữa, trẻ em con của cán bộ đi cùng.
Có thời kỳ người yêu anh Việt định bỏ vì hàng tháng không thấy anh này về thăm. Năm 1975, ông Của cử ba cán bộ của Viện dự thi nghiên cứu sinh nước ngoài trong đó có Lương Hồng Việt, rủi thay cả ba đều trượt. Thực hiện chính sách công bằng xã hội, ông vận động Việt đi nghĩa vụ quân sự trong khi hai người trượt khác được thi tiếp nghiên cứu sinh nước ngoài lần hai vào năm sau.
Ông Của luôn có một giấc mơ cháy bỏng là được đứng vào đội ngũ của Đảng. Ông Hồ Đắc Song, nguyên Bí thư Đảng ủy của Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm, kể: “Về việc này chúng tôi đã đề đạt rất nhiều nhưng chỉ được giải thích nếu ông Của là đảng viên, một số nhân sĩ yêu nước ở nước ngoài thấy ông là cộng sản sẽ không trao đổi khoa học nữa”.
Còn ông Nguyễn Hoài Bắc, nguyên Chủ tịch tỉnh Hải Hưng, nhận định: “Ông Của không được vào Đảng nhưng nhân cách con người ông ấy còn hơn cả nhiều đảng viên. Ngoài Đảng nhưng ông có thể gõ cửa Bộ Chính trị gặp ông Phạm Văn Đồng, ông Phạm Hùng lúc nào cũng được”...
Thiếu tướng Tô Ký là bạn thân đến chơi, ông Của nói anh em ra đồng bắt chuột đãi. Đương mùa lúa chín, chuột đồng rất béo. Tự tay ông Của làm lông, làm lòng rồi luộc chuột ép lá chanh. Thịt chuột ăn theo cách ấy vị thơm ngon, ngọt, thịt gà còn phải chắp tay hàng. Lúc bạn về, ông Của còn dúi 100 đồng vào tay bắt nhận dù cảnh nhà mình cũng đang túng thiếu như ai. |
Năm 1975, Thủ tướng cử chuyên gia đầu ngành về cây lúa là Lương Định Của sang giúp Cu Ba. Trở về sau chuyến đi, ông tham gia họp Quốc hội khóa thống nhất đầu tiên của đất nước. Những ngày khác ông Tôn Đức Thắng thường chiêu đãi mọi người cơm nhưng hôm đó lại chiêu đãi bánh kẹo. Ông Của chia gói bánh của mình làm đôi, nửa cho ông Nguyễn Hoài Bắc nửa mang về nhà.
Tối đó, bà Của làm cơm, có rán nem để chồng nhắm rượu. Ông Của có tiếng là uống giỏi. Đồng nghiệp kể rượu Phú Lộc dí diêm là cháy phừng phừng, thức nhắm lại chỉ có bát châu chấu rang mà cốc vại ông làm hai hơi là hết.
Bữa rượu tại nhà đó uống xong ông chẳng may phải cảm, thấy khó thở nên dậy tập khí công. Ba người phụ nữ trong nhà là bà Của và hai cô con dâu đang bụng mang dạ chửa tính gọi xe cấp cứu nhưng ông can: “Rồi cuối cùng sẽ qua thôi”.
Từ 8 giờ tối đến 11 giờ tối, tình hình mỗi lúc một trầm trọng. Chiếc com măng ca khi ấy của Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm đang để ở gara của Viện Thú y, lái xe thì chẳng biết ở đâu vì điện thoại không có. Khó thở quá nên ông Của nôn khan. Thức ăn từ thực quản trào vào khí quản. Gần như ông đã tắc thở từ ở nhà. Bởi thế mới xuất hiện dư luận đồn rằng ông Của chết vì hóc xương.
Ngay trong khu tập thể ông ở có anh làm lãnh đạo ở Bệnh viện Việt Xô. Anh này bình thường ngày nào cũng mang hộp đồ y tế về nhà nhưng tối đó lại để quên ở cơ quan nên đành khoanh tay bất lực. Bà Của cuống quýt đi gọi điện thoại cấp cứu cho Bệnh viện Bạch Mai thì kíp trực lạnh tanh bảo: “Bệnh viện chỉ cấp cứu khi bệnh nhân tới đây chứ không mang xe đi chở bệnh nhân”.
Cái chết của GS Lương Định Của khiến cho nhiều nông dân hồi đó để tang, thương khóc. Có người còn thốt lên tự chính đáy lòng mình rằng: “Giá có thể chết thay ông ấy tôi cũng cam lòng. Ông Của mất đi rồi thì lấy ai tiếp tục tạo ra cho nông dân chúng tôi những cây giống tốt?” |
Sáng 28/12/1975, Đài Tiếng nói Việt Nam thông báo trước quốc dân, đồng bào tin nhà khoa học Lương Định Của đã ra đi. Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã chỉ thị cho Bộ Nông nghiệp, Tổng cục Bưu điện, Bộ Y tế phải kiểm điểm vì cái chết của ông.
Bộ Nông nghiệp bị kiểm điểm vì không mắc điện thoại ở nhà riêng của ông, Bộ Y tế bị kiểm điểm vì không cấp cứu kịp thời, còn Tổng cục Bưu điện bị kiểm điểm vì làm ăn tắc trách.
Khi biết ông mất, Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm điều ô tô đi đón anh Lương Thắng, con của ông lúc này đang là sinh viên khoa cơ khí thực tập ở Trạm máy kéo huyện Văn Giang (tỉnh Hưng Yên) về.
Thắng có hỏi sao đón đột ngột thế, đoàn đành nói dối là: “Bố cháu đang ốm nặng”. Cũng ngày 28/12 có một máy bay của ta rơi ở huyện Văn Giang do hết xăng không đỗ xuống đường băng. Dư luận đồn rộ ông Của bị tai nạn máy bay chết là vì thế.
Lúc đó ông Nguyễn Quốc Tuấn, cán bộ Viện cùng Viện phó là ông Hồ Đắc Song vào bệnh viện sau khi người ta giải phẫu tử thi ông Của. Bác sĩ nói, mổ sọ ra không thấy có gì bất thường, mổ tim ra thấy có cục máu đông bằng hạt tấm ở động mạch. Nhà nông học Lương Định Của ra đi khi mới 55 tuổi để lại dở dang ước mơ đưa nông dân Việt bắt nhịp cùng nông dân Nhật.
Trước ngày ra đi đột ngột đó, ông đã rất thành công với giống lúa xuân sớm được đặt tên là Nông nghiệp 75-1 chịu được cái rét cắt da, cắt thịt ở miền Bắc và có năng suất cao. Năm 1978, sau đúng 3 năm ngày mất của GS Lương Định Của, giống lúa này đã chính thức được công nhận, cấp bằng sáng chế.
(*) Tư liệu trong bài viết được ghi theo lời kể của ông Nguyễn Quốc Tuấn và ông Trần Quý Lộc, cán bộ Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm
DƯƠNG ĐÌNH TƯỜNG (*)
http://nongnghiep.vn/gs-luong-dinh-cua-da-chet-vi-hoc-xuong-post127649.html
2.
02/12/2013 06:51 GMT+7
Vợ chồng ông Lương Định Của tại Hà Nội - Ảnh tư liệu gia đình |
Gương mặt nhẹ nhõm, thanh thoát của bà tươi lên khi gặp khách đến thăm, cố gắng chắp nối vài câu tiếng Việt: “Đã hơn hai năm rồi, từ ngày sóng thần 2011, tôi chưa về thăm Nhật Bản, nhưng theo dõi trên tivi cũng biết tất cả tình hình bên đó. Tôi nay đã 91 tuổi rồi, ở VN đến hết đời thôi”. Hỏi bà vì sao lại đến VN, vì sao lại tình nguyện ở đây suốt đời dù vẫn giữ quốc tịch Nhật Bản, bà cười: “Cả ngàn người hỏi tôi vậy rồi, cả các con tôi cũng hỏi. Câu trả lời cách nay 60 năm là: Thuyền theo lái, gái theo chồng. Câu trả lời của hôm nay là: Vì cơn gió thổi từ Hà Nội”. Nói rồi bà lại cười.
Ngày mai sẽ thổi cơn gió riêng
Tháng 10-1945, khi Chiến tranh thế giới thứ hai vừa chấm dứt, cô Nakamura Nobuko 23 tuổi đã gật đầu đồng ý cưới một lưu học sinh VN ở Fukuoka, Nhật Bản. Anh lưu học sinh nghèo đến không có được một món quà cưới tặng vợ ấy sau này trở thành nhà nông học nổi tiếng: giáo sư - tiến sĩ - Anh hùng lao động Lương Định Của. |
Bà Nobuko bảo câu ngạn ngữ Nhật Bản mà bà thích nhất là “Ngày mai sẽ thổi cơn gió riêng của nó”, tương ứng với câu “Sau cơn mưa trời lại sáng” của VN. Lạc quan vậy nên bà cứ cười hoài khi xua tay giải thích: “Mọi người bảo Nhật Bản là một nước phát triển, giàu có, còn VN thì nghèo, thời tôi đến lại còn có chiến tranh, sợ tôi vất vả. Nhưng mà không phải vậy đâu. Tôi có vất vả mấy cũng không bằng người nông dân VN, sáng sớm đã phải ra đồng, ngâm chân xuống bùn lạnh buốt, ăn uống thì cực khổ. Người VN lại luôn giúp đỡ tôi. Bên cạnh tôi còn có anh Của, có các con”.
Câu chuyện của bà tràn ngập hình ảnh về ông Lương Định Của, thật khác với những gì người ta thường hình dung về ông giáo sư, viện trưởng đạo mạo, tác giả của những giống lúa năng suất cao, cây ăn trái nổi tiếng. “Anh Của” của bà dí dỏm, dễ gần, luôn đắm trong tình yêu với khoa học và lý tưởng về một xã hội chỉ có những điều tốt đẹp. Người Nhật trọng lễ nghi, phép tắc, đôi khi quá lịch sự mà trở thành xã giao, vậy nhưng chàng thanh niên Lương Định Của lại đến gặp cô gái làm việc trong phòng thí nghiệm trường mình rồi đưa ra một gói giấy: “Xin nhờ chị Nobuko may giúp tôi một cái áo sơmi”. Lần đầu tiên được Nobuko đưa đến nhà mình để nhờ mua giúp lương thực đang rất khan hiếm trong thời điểm chiến tranh, “anh Của” đã ngọt ngào gọi “Cha ơi! Mẹ ơi!” trước sự ngỡ ngàng của cha mẹ Nobuko. Bà Nobuko hôm nay cười thật tươi: “Sau này đến VN, tôi mới biết người miền Nam có tập quán xưng hô thân mật như thế. Nghe anh gọi “mẹ”, mẹ tôi thích lắm, và vì thế mà sau đó ít lâu bà đồng ý gả con gái cho anh sinh viên ấy. Bà còn tự tay đi chợ, nấu ăn cho đám cưới”.
Những ngày mùa thu 1945, ngoài niềm vui vì hạnh phúc riêng tư, ông Lương Định Của còn một niềm vui khác khiến ông như muốn bay lên, đôi mắt sáng loáng lên khi nói với vợ: “Em Nobuko ơi, VN đã được độc lập rồi. VN không còn là thuộc địa nữa. Từ nay trở đi, anh là người của nước VN độc lập, em ạ”. Từ ngày ấy, cơn gió thổi từ Hà Nội đã len vào tổ ấm nhỏ của đôi vợ chồng trẻ, theo họ từ Fukuoka đến Kyoto, Tokyo, từ lúc Lương Định Của còn là sinh viên cho đến khi nhận được danh hiệu bác sĩ nông học danh giá, tạo ra được giống lúa mới hột to, từ khi Nobuko là một cô gái trẻ cho đến lúc cô đã là một bà mẹ với hai con trai nhỏ.
Bà Nakamura Nobuko hạnh phúc ở tuổi 91 tại TP.HCM - Ảnh: T.Trung |
Tiếng nói Nhật từ Hà Nội
"Nhớ ngày đầu tiên bước xuống khỏi tàu tập kết vào bãi biển Sầm Sơn, gia đình chủ nhà nấu cơm cho chúng tôi rồi xuống bếp ăn khoai, củ chuối, mùa đông chỉ có cái ổ rơm chống rét. Thương lắm. Bây giờ thì đời sống người dân cũng khá lắm rồi"
Bà Nakamura Nobuko
|
Ông Lương Định Của đã say sưa nói với vợ về tương lai mới của đất nước, về xã hội tốt đẹp, tất cả vì nhân dân mà Nhà nước VN dân chủ cộng hòa đang tạo lập. Ông từ chối các cơ hội đi làm nghiên cứu sinh ở Mỹ, làm việc cho Viện Nghiên cứu lúa gạo thế giới (IRRI) để tìm cách về nước tham gia kháng chiến. Sau nhiều nỗ lực móc nối, chờ đợi, xoay đường này cách khác, năm 1952 ông đã đưa cả gia đình về Sài Gòn, và đến năm 1954 cả nhà lại cùng lên một chuyến tàu tập kết ra Bắc.
Từ đấy, bà Nobuko đã biết đến nỗi cực khổ của người nông dân VN khi cùng ông Lương Định Của ra khỏi phòng thí nghiệm bước xuống ruộng làm khoa học thực nghiệm, nuôi con gà, con lợn trong sân nhà; biết đến tem phiếu, xếp hàng, thiếu trước hụt sau khi phải chăm sóc đàn con; biết đến hầm trú ẩn, bom đạn rơi sát bên mình trong những năm tháng ở lại Hà Nội để dịch và đọc những bản tin tiếng Nhật tại Đài Tiếng nói VN. Bà đã thay mặt đài viết từng lá thư tay trả lời thính giả Nhật, cảm ơn những lời động viên trong cuộc chiến tranh tàn khốc, giới thiệu những món ăn, những điểm du lịch VN... Tình yêu nước của chồng, những “cơn gió thổi từ Hà Nội” đã thấm vào bà từ bao giờ. Bà Nobuko lặp lại: “Tôi sống ở VN rất dễ chịu. Thời tiết dễ chịu, thức ăn dễ chịu, con người cũng dễ chịu, và cả cách ăn mặc nữa. Tôi rất thích áo dài, vừa nhẹ nhàng, vừa đẹp, lịch lãm, lại vừa dễ mặc”.
Tấm ảnh bà mặc áo dài đứng cạnh chồng chụp mấy mươi năm trước, dịu dàng, nền nã không khác gì một phụ nữ VN. Cầm tấm ảnh, bà lặng đi: “Chỉ tiếc anh Của mất sớm quá, mới 55 tuổi”. Đất nước vừa thống nhất, ông Lương Định Của đã hai lần vào Nam khảo sát để chuẩn bị xây dựng Trung tâm Nông nghiệp miền Nam. Rồi ông bác sĩ nông học hăng say tính chuyện trở về quê hương sinh sống, háo hức vì sắp được phát huy khả năng của mình trên những đồng ruộng mênh mông, màu mỡ của đồng bằng sông Cửu Long. Tháng 12-1975, ông tham dự kỳ họp thứ hai của Quốc hội khóa V, dự định kết thúc thì chuyển vào miền Nam nhận công tác. Chỉ còn hai ngày nữa lên đường, bỗng một đêm ông lên cơn nhồi máu cơ tim. Hôm ấy là ngày 28-12-1975.
Hạnh phúc là ở đây
Hồi ký của bà Nobuko viết: “Tôi luôn tin tưởng là tôi hiểu biết về anh Của nhiều nhất, nhưng chứng kiến cảnh tang lễ, niềm tin này bắt đầu lung lay. Nhiều đoàn cán bộ cao cấp, nhiều cơ quan đoàn thể, đại biểu địa phương, những đoàn dài học sinh, sinh viên, hàng trăm người nông dân đứng xếp hàng trước cổng Bộ Nông lâm nghiệp... Tôi mới hiểu anh với tư cách một người chồng, người cha, chứ chưa hiểu hết những đánh giá về mặt xã hội”.
Đúng là mỗi ngày lại có một cơn gió mới. Với những phát hiện mới về người chồng quá cố, bà Nobuko cùng các con quyết định chuyển vào TP.HCM để được sống trên quê hương ông Lương Định Của, tiếp tục làm việc ở Sở Ngoại vụ, tiếp tục cùng VN vượt qua những thời kỳ từ khó khăn đến đổi mới về kinh tế, đường lối chính sách.
Trong năm người con của bà, có tới ba người theo cha vào ngành nông nghiệp. Trong đó, từng tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh, phục vụ mười năm trong quân đội rồi lại tiếp tục theo nông nghiệp, người con trai cả Lương Hồng Việt bây giờ đã nghỉ hưu, luôn sát vai cùng mẹ Nobuko trên những nẻo đường: về quê cha ở Sóc Trăng lo phần mộ tổ tiên, về Hà Nội mỗi năm để trao Giải thưởng Lương Định Của cho những thanh niên nông thôn xuất sắc, về quê mẹ Nhật Bản để bà vơi nỗi nhớ hoa anh đào...
Nhắc về ông Lương Định Của, bà Nobuko bảo: “Ai cũng nói nếu chúng tôi vẫn cứ ở Nhật Bản thì sẽ giàu có lắm, sự nghiệp của anh cũng rực rỡ hơn về khoa học. Nhưng vật chất không làm nên hạnh phúc. Ở lại Nhật Bản thì anh Của sẽ không thể vui được đâu, vì những “cơn gió thổi từ Hà Nội”. Tôi đến đây, được làm vợ anh 30 năm, hợp nhau tới từng lời nói, như vậy là tôi được ở nấc thang trên cùng của hạnh phúc rồi”. Ông Việt cười tiếp lời: “Nhìn vào câu chuyện cuộc đời của ông bà, lớp con như chúng tôi thì thấy như huyền thoại, đám cháu thì bảo như cổ tích, không thể có được. Cả nhà bảo nhau phấn đấu theo ông bà thôi”.
Nhà nông học tiên phong
Nhà nông học Lương Định Của sinh năm 1920 tại Đại Ngãi, Long Phú, Sóc Trăng. Ông tốt nghiệp bác sĩ nông học tại Nhật Bản (tương đương học vị tiến sĩ ở VN), cùng vợ con về nước và tập kết ra Bắc năm 1954. Ông nghiên cứu và giảng dạy tại Viện Khảo cứu nông lâm, Trường đại học Nông nghiệp, Viện Nghiên cứu cây lương thực thực phẩm.
Ông là người đi tiên phong trong lĩnh vực khoa học thực nghiệm về nông nghiệp, hướng dẫn nông dân đắp bờ thửa, cấy lúa thẳng hàng để có năng suất cao. Ông là tác giả của nhiều giống lúa với đặc tính phù hợp thổ nhưỡng địa phương, các loại cây trồng: khoai lang, đu đủ, dưa lê, xương rồng, rau muống, dưa hấu không hạt...
Ông được phong tặng Anh hùng lao động năm 1967 và truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 1995. Có nhiều con đường, trường học được đặt tên Lương Định Của ở Hà Nội, TP.HCM, Sóc Trăng.
Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh lập ra Giải thưởng Lương Định Của vào năm 2006, trao tặng hằng năm cho các thanh niên nông thôn có thành tích đặc biệt xuất sắc trong sản xuất, kinh doanh, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ, phát triển ngành nghề, bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới... Mới đây nhất, tháng 9-2013, lễ trao giải thưởng lần thứ 8 đã tổ chức tại Hà Nội.
|
1.
Hai ông bà gặp nhau khi ông còn ngồi trên ghế nhà trường ở Kyushu, bà Nobuko Nakamura lúc bấy giờ đang là sinh viên theo học trường Cao đẳng nữ học Fukuoada. Cảm mến vì cái tài và nghị lực của chàng trai trẻ xứ An Nam, sự nết na, thùy mị của cô gái xứ Phù Tang đã dẫn họ đến với nhau.
Hồi ấy, việc một cô gái Nhật được bố mẹ cho phép lấy chồng người nước ngoài là một việc rất hiếm, nhất là người ấy lại là người "An-nam-mít" nữa. Người Nhật biết đến An Nam rất ít, có chăng chỉ là một nước từng là thuộc địa của mình, thái độ cũng ít nhiều có sự kì thị. Khi hai người đến với nhau, gặp không ít cản trở, khó khăn từ phía gia đình, bạn bè, người thân, thậm chí cả chính quyền. Tuy nhiên, chàng trai Việt lại được sự ủng hộ nhiệt tình từ phía nhạc mẫu.
Về sau, khi đã thành vợ chồng, có cơ hội gần gia đình vợ hơn, chàng trai trẻ Lương Định Của đã dần nhận được sự cảm mến của cả những người có thành kiến nhất. Ông yêu quý và kính trọng mẹ vợ (bố bà Nobuko mất sớm từ trước), có của ngon vật lạ gì, mẹ vợ ông cũng để dành cho con rể. Ngược lại, đi làm có lương thưởng gì, ông cũng dành một khoản để mua quà biếu bà. Mẹ ruột mất từ khi mới hơn 10 tuổi nên ông coi mẹ vợ như mẹ ruột của mình, có lẽ vì vậy mà trong suốt bao nhiêu năm sống ở Nhật cũng như về sau, vợ chồng ông luôn nhận được sự hậu thuẫn lớn từ cụ.
Vợ chồng "bác Của" với hạnh phúc khiến nhiều người phải ngưỡng mộ
Năm 1945, khi ông vừa tốt nghiệp trường đại học quốc lập Kyushu cũng là lúc hai người thành thân. Đây cũng là thời điểm lịch sử, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chính thức ra đời. Bà nghe ông nói nhiều về Hồ Chủ Tịch, về ước mong được trở về và cống hiến. Dần dần, bà cũng bị lây tình yêu của ông với đất nước của lũy tre xanh, nơi bản thân chưa một lần được đặt chân tới.
Theo chồng về Việt Nam, bà Nobuko buộc phải học lại tất cả những lễ nghi, phong tục của người Việt. Cuộc sống cũng khó khăn hơn rất nhiều, vợ chồng con cái phải sống trong một căn nhà rất nhỏ. Bà đảm nhiệm công việc trợ lý riêng của ông trong công tác chọn giống, công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ và cẩn thận cao.
Phụ nữ Nhật được tiếng khéo chiều chồng, bà Nobuko không biết mình có khéo hay không nhưng bà biết luôn được chồng yêu thương và trân trọng, các con lớn lên trong khốn khó nhưng vẫn giữ được nếp học, gia phong.
Những ngày bà được mời về làm phát thanh viên tiếng Nhật của đài Tiếng nói Việt Nam, vợ chồng nhiều lúc phải xa nhau. Cứ đầu tuần bà lại đạp xe lên Hà Nội, cuối tuần trở về Hải Dương, mãi về sau khi cuộc sống ổn định dần thì việc đi về mới đỡ hơn nhiều. Tính ông "khảnh" trong việc ăn uống nên đi đâu cũng chỉ mong về ăn một bữa cơm gia đình.
Ngày ông mất vì tắc động mạch cũng là lúc bà đang mang thai cô con gái út trở thành một cú sốc lớn với cả gia đình. Không những thế, bởi vì quá yêu mến "nhà khoa học của nông dân này" mà nhiều giả thuyết sai lệch về cái chết của ông cũng được đưa ra.
Các cuộc điều tra mất một thời gian cũng lắng lại nhưng sự tiếc nuối với người dân thì vẫn còn mãi. Có người còn thốt lên: "Nếu tôi có thể chết thay ông ấy, tôi cũng đành. Ông ấy mất đi rồi thì lấy ai tiếp tục tạo nên những giống cây tốt cho bà con tụi tôi". Nghe những lời đó người ta lại càng thấy thấm thía và chua xót.
Hiện bà Nobuko vẫn sống ở TP.HCM cùng con gái, bà vẫn đi đi về về giữa Việt Nam và Nhật Bản, cả hai đều là quê hương yêu dấu của bà. Sống lâu ở đất Việt, bà đã "bị Việt hóa" tới mức khó có thể phân biệt được cũng bởi tình yêu lớn với quê hương của chồng.
Bà cũng đang ấp ủ cho ra mắt cuốn hồi kí về cuộc sống hai vợ chồng trong những ngày gian nan, vất vả. Cuốn sách là những hình ảnh chân thực nhất mà bà luôn ghi nhớ về người chồng của mình, phần nào khắc họa được bức chân dung nhà bác học nông dân một cách gần gũi nhất.
Đỗ Huệ
http://www.nguoiduatin.vn/chuyen-tinh-luong-dinh-cua-o-xu-hoa-anh-dao-a60082.html
Bà Nubuko Nakamura (người Nhật), phu nhân cố Giáo sư (GS) Lương Định Của - nhà nông học hàng đầu VN - năm nay đã 86 tuổi, nhưng nhìn rất trẻ và khỏe. Hiện bà đang sống tại TP.HCM cùng con cháu.
Cách đây đúng 55 năm, bà theo chồng về VN, và nguyện sống suốt đời tại quê hương thứ hai này dù chồng bà đã vĩnh viễn ra đi. Bà vừa có chuyến du lịch từ TP.HCM ra Hà Nội, Lào Cai, và dự lễ trao giải thưởng Lương Định Của lần I tại ĐH Nông nghiệp I. Bà đã dành cho Thanh Niên một cuộc trò chuyện cởi mở.
* Thưa bà Nubuko, bà và cố GS Lương Định Của đã gặp gỡ nhau trong hoàn cảnh nào?
- Trước khi chiến tranh thế giới thứ II kết thúc, tôi là sinh viên ĐH quốc lập Kyushyu (Nhật Bản). Chồng tôi (tên là Lương Định Của chứ không phải là Lương Đình Của như một số người hay viết nhầm) là một trong số lưu học sinh thuộc các nước Đông Nam Á học ngành trồng trọt tại trường này và chúng tôi quen nhau ở đó.
Sau khi tốt nghiệp, do muốn học cao hơn nữa, chồng tôi chuyển đến ĐH Kyoto nghiên cứu về di truyền học tế bào. Năm 1945, kết thúc chiến tranh, được sự đồng ý của gia đình, chúng tôi tổ chức đám cưới. Tôi kém chồng tôi 2 tuổi. Trong thời gian sống tại Nhật Bản, chúng tôi đã có 2 con trai.
"Bạn bè tôi ở Nhật ngạc nhiên khi thấy tôi sống ở Việt Nam, vì họ cho rằng đất nước này nghèo nàn, lạc hậu, cuộc sống không an toàn. Tôi khuyên họ đến Việt Nam một chuyến vì giá du lịch sang đây rẻ, thế là họ đi. Sau khi đi ai cũng muốn quay trở lại lần nữa...". |
* Được biết, dù đã lấy vợ và sống ở Nhật, nhưng lúc nào chồng bà cũng nung nấu ý định trở về Việt Nam để đem tài năng, sức lực ra giúp dân, giúp nước. Và mặc dù Việt Nam đang bị ảnh hưởng bởi chiến tranh, nhưng bà vẫn nhiệt tình ủng hộ và theo chồng về Việt Nam...
- Cũng năm 1945, khi nghe tin nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, chồng tôi rất vui mừng, phấn khởi. Đặc biệt, chồng tôi rất ngưỡng mộ, kính trọng Bác Hồ và luôn tâm niệm sẽ trở về Việt Nam để phục vụ đất nước.
Năm 1952, sau khi chồng tôi lấy bằng Bác sĩ Nông học, gia đình tôi và bạn bè khuyên ông nên đưa vợ con sang châu u hoặc đến Mỹ. Ở đấy, công danh sự nghiệp nhất định thuận lợi hơn ở Nhật Bản.
Nhưng chồng tôi quyết định trở về Việt Nam. Ông thu thập các tư liệu, kết quả thí nghiệm... làm tài sản cho chuyến trở về nước qua đường Trung Quốc để đến chiến khu Việt Bắc. Nhưng chuyến đi không thuận lợi, gia đình tôi phải quay về Sài Gòn.
Lúc này Việt Nam đang là thuộc địa của Pháp, nên người Việt chịu rất nhiều bất công về vật chất và tinh thần. Gia đình các em chồng đối xử với tôi rất tốt. Tuy nhiên, phải một thời gian dài tôi mới hòa nhập được với phong tục tập quán VN.
* Được biết, trong thời gian GS Lương Định Của công tác ở Hà Nội, với kiến thức về nông học của mình bà đã giúp đỡ GS rất nhiều trong việc lai tạo giống cây trồng?
- Năm 1954 cách mạng cử người liên lạc, đưa cả gia đình tôi từ Sài Gòn tập kết ra miền Bắc. Lúc này tôi chưa nói được tiếng Việt. Tôi được Bộ Nông nghiệp sắp xếp công tác giúp đỡ chồng trong công việc lai cây lúa.
Đây là công việc đòi hỏi tính tỉ mỉ, cẩn thận, kiên nhẫn, những người khác làm việc này chồng tôi không tin tưởng.
* Và bà còn là biên dịch viên kiêm phát thanh viên tiếng Nhật của Ban tiếng Nhật, Đài Tiếng nói Việt Nam...
- Tôi nhận lời làm việc tại đài phát thanh vì thấy phù hợp và mình có thể làm được. Có một kỷ niệm không bao giờ quên khi tôi dịch và đọc bản tin ngày 30.4.1975, ngày miền Nam Việt Nam được giải phóng.
Tôi như vẫn thấy không khí sôi nổi, phấn khởi của người dân lúc đó. Đã trải qua những năm chiến tranh vất vả khi ở Nhật Bản cũng như ở Việt Nam, nên tôi không thể nào quên ngày chiến tranh hoàn toàn kết thúc.
Bà Nubuko thời trẻ |
* Trong thời gian sống ở Hà Nội, chắc hẳn gia đình bà từng đón tiếp nhiều nhà lãnh đạo của Đảng và Nhà nước đến thăm?
- Gia đình tôi ở gác 4, khu tập thể Kim Liên, Hà Nội. Trong số các vị lãnh đạo nhà nước thời bấy giờ, quan tâm giúp đỡ chồng tôi nhiều nhất và được chồng tôi vô cùng kính trọng, coi như người anh lớn của mình là ông Phạm Văn Đồng và ông Phạm Hùng. Ông Phạm Văn Đồng đã đến thăm và chụp ảnh cùng gia đình.
Còn ông Phạm Hùng nhiều lần mời gia đình đến dùng cơm. Tại những nơi chồng tôi công tác có trồng nhiều cây, một số vị lãnh đạo có ghé thăm và chồng tôi có tặng họ những loại hoa quả trồng ở đó.
* GS Lương Định Của được coi là một nhà nông học hàng đầu Việt Nam, từng được trao tặng danh hiệu Anh hùng lao động (năm 1967), Giải thưởng Hồ Chí Minh (1996)... Trong những thành công được ghi nhận của GS có phần đóng góp rất lớn của bà, bà có tự hào về chồng mình?
- Các danh hiệu mà chồng tôi được Chính phủ và Quốc hội trao tặng là do nỗ lực của bản thân ông cùng với sự góp sức rất nhiều của các đồng nghiệp. Trong đó, quan trọng nhất là việc các vị lãnh đạo đã tạo điều kiện thuận lợi cả về vật chất lẫn tinh thần để chồng tôi phát huy hết khả năng của mình phục vụ đất nước.
Bản thân tôi chỉ lo gánh vác việc nhà, nuôi dạy con cái để chồng yên tâm công tác. Tôi rất tự hào vì chồng mình có phần đóng góp trong việc phát triển nền nông nghiệp Việt Nam trong một giai đoạn rất khó khăn.
* Hơn 50 năm sống ở VN, bà có giữ mối liên lạc nào với quê hương và có dành thời gian trở về Nhật thăm gia đình?
- Tôi được cho phép về thăm gia đình ở Nhật Bản hai lần vào năm 1972 và 1976 bằng kinh phí do nhà nước đài thọ (vé máy bay và vé tàu biển). Tôi rất biết ơn, vì trong hoàn cảnh đất nước còn nhiều khó khăn, nhưng Chính phủ vẫn quan tâm săn sóc đến cá nhân và gia đình tôi.
Lúc đó đi sang Nhật rất khó, do nước ta chưa có quan hệ ngoại giao với Nhật Bản. Nhưng bây giờ thì khác, việc đi lại rất dễ dàng, hằng năm tôi đều về Nhật thăm gia đình. Mặt khác thông tin liên lạc bây giờ hiện đại nên việc liên lạc với người thân ở Nhật Bản rất thường xuyên.
* Vì sao bà nguyện sống suốt đời tại quê hương thứ hai này dù chồng bà đã vĩnh viễn ra đi?
- Quan niệm của tôi là sống vì gia đình, vì chồng con. Tôi đã sống ở Việt Nam được 55 năm, đây cũng chính là quê hương của tôi. Hiện nay tôi thấy rất hạnh phúc vì sống gần gũi với con cháu. Năm 1976, khi về thăm gia đình ở Nhật Bản (lúc này chồng tôi đã mất), mẹ tôi có nói đưa hết cả gia đình về Nhật, bà sẽ lo cho.
Nhưng chồng tôi luôn nói rằng là người Việt Nam phải sống và làm việc ở Việt Nam để phục vụ đất nước. Có thể ra nước ngoài để học tập, nghiên cứu nhưng mục đích cuối cùng cũng là quay trở lại làm giàu cho quê hương mình.
Trong khi con cái tôi đang đi làm, học tại Việt Nam thì quay về Nhật Bản làm gì? Bây giờ tôi thấy mình quyết định không về Nhật Bản là hoàn toàn đúng đắn và trong lòng luôn cảm thấy hạnh phúc khi sống ở Việt Nam.
Bà Nubuko ở Bảo tàng Quang Trung |
* Chứng kiến biết bao nhiêu thăng trầm của lịch sử, kinh tế, văn hóa..., bà có cảm nhận gì về sự đổi thay của đất nước Việt Nam hôm nay?
- Việt Nam đang có nhiều thay đổi chóng mặt. Tôi vừa du lịch từ TP.HCM đến Lào Cai, đâu đâu cũng thấy xây dựng, hai bên đường cây cối xanh tươi, nhà cửa đẹp đẽ, nét mặt người dân luôn tươi vui... Năm 1955, lần đầu tiên tôi biết nông thôn miền Bắc, không thể tưởng tượng được sự nghèo khổ của người nông dân khi đó. Chính vì thế, tôi hiểu được lý do tại sao người Việt Nam hy sinh tất cả để đấu tranh giành độc lập cho dân tộc, và quyết tâm xây dựng lại đất nước.
* Bằng những trải nghiệm của chính mình và sự quan sát những người Nhật khác sống ở Việt Nam, bà có nhận xét gì về người nước ngoài nói chung và người Nhật nói riêng sống ở Việt Nam?
- Bạn bè tôi ở Nhật ngạc nhiên khi thấy tôi sống ở Việt Nam, vì họ cho rằng đất nước này nghèo nàn, lạc hậu, cuộc sống không an toàn. Tôi khuyên họ sang Việt Nam một chuyến vì giá du lịch sang đây rẻ, thế là họ đi. Sau khi đi ai cũng muốn quay trở lại lần nữa.
Họ ca ngợi Việt Nam phong cảnh rất đẹp, cái gì cũng rẻ, thức ăn ngon, an ninh trật tự tốt, người Việt Nam rất hiếu khách. Nhiều người Nhật sang Việt Nam công tác muốn ở lại sống ở đây sau khi hết hạn.
Họ đã lấy chồng, vợ người Việt Nam, chứng tỏ nước ta rất hấp dẫn người nước ngoài. Chính phủ ta cũng có chế độ chính sách thích hợp, không phân biệt người nước ngoài, người dân không kỳ thị chủng tộc.
* Mối tình của bà và cố GS Lương Định Của là minh chứng cho tình hữu nghị giữa hai dân tộc. Bà có muốn nói điều gì với thế hệ trẻ hai nước hôm nay?
- Thế hệ trẻ ngày nay ít quan tâm đến quá khứ. Ở cả Việt Nam và Nhật Bản ngày nay, thanh niên đều ít biết đến chiến tranh. Tôi có hỏi một cháu gái bán hàng lưu niệm khoảng 17-18 tuổi ở Quảng Trị: "Ở đây trước kia chiến tranh rất ác liệt phải không?". Cháu nói: "Không có, ở đây không bao giờ có chiến tranh cả!".
Nếu chúng ta không giáo dục cho thế hệ trẻ biết về sự khốc liệt của chiến tranh, thì chúng sẽ không thấy giá trị của hòa bình ngày nay. Tôi nghĩ, muốn có nền hòa bình bền vững để đất nước phát triển, những người trẻ tuổi cần phải thông hiểu lịch sử đất nước mình.
* Xin cảm ơn bà.
Như Trang (thực hiện)
http://thanhnien.vn/doi-song/nguoi-phu-nu-nhat-trong-doi-co-giao-su-luong-dinh-cua-372116.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.
LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.
Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.