Hội thảo ở Tp. Hồ Chí Minh, đã kết thúc. Tin của nhà tổ chức.
---
Sáng ngày 19/03/2016 tại phòng D202, Trường ĐHKHXH&NV-ĐHQG-HCM đã diễn ra hội thảo quốc tế: "Quan hệ Việt Nam - Nhật Bản thời cận thế (thế kỷ XVI-XVII)", đây là hội thảo do Khoa Nhật Bản tổ chức với sự hỗ trợ của nhà trường và Quỹ Giao lưu Quốc tế Nhật Bản (Japan Foundation).
Đến dự hội thảo có Tổng lãnh sự Nhật Bản; các nhà nghiên cứu đến từ Nhật Bản có GS. Kikuchi Seiichi; GS. Shiraishi Masaya; PGS.TS. Yajima Michifumi; PGS.TS Hasuda Takashi... Phía nhà trường và các đơn vị khác trong nước có GS.TS. Nguyễn Văn Kim - Phó Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV-ĐHQG-Hà Nội; TS. Trịnh Tiến Thuận - ĐH Sư Phạm TP.HCM, PGS.TS. Lã Minh Hằng - Viện Hàn Lâm KHXH Việt Nam... Đại diện trường ĐHKHXH&NV-ĐHQG-HCM có ThS. Phan Thanh Định - Phó Hiệu trưởng nhà trường; ThS. Bàng Anh Tuấn - Trưởng phòng QHQT&PTDA; PGS.TS. Nguyễn Tiến Lực - Trưởng khoa, TS. Huỳnh Trọng Hiền, ThS. Nguyễn Thu Hương - Phó Trưởng khoa Nhật Bản học; PGS.TS. Trần Nam Tiến - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Biển và Đảo, cùng Nghiên cứu sinh, Học viên cao học, sinh viên Khoa Nhật Bản, Văn hóa, Lịch sử, Địa lý, Nhân học cùng về dự hội thảo.
ThS. Phan Thanh Định - Phó Hiệu trưởng, phát biểu khai mạc hội thảo. Ảnh Việt Thành
Thay mặt Ban Giám Hiệu, Phó Hiệu trưởng, ThS. Phan Thanh Định đã phát biểu khai mạc hội thảo. Ông gửi lời cảm ơn chân thành đến Tổng lãnh sự quán Nhật Bản đã hỗ trợ nhà trường đào tạo Nhật Bản học trong những năm qua và trân trọng gửi lời cảm ơn đến Quỹ Giao lưu Quốc tế Nhật Bản (Japan Foundation) và ĐHQG-HCM đã tài trợ tổ chức hội thảo. ThS. Phan Thanh Định hy vọng nhà trường sẽ đón nhận những hỗ trợ quan trọng từ Quỹ Giao lưu Quốc tế Nhật Bản (Japan Foundation), các quỹ tài trợ, các trường đại học, Viện Nghiên cứu ở Nhật Bản, Tổng Lãnh sự quán Nhật Bản tiếp tục hỗ trợ nhà trường cho hoạt động giáo dục và nghiên cứu khoa học của Khoa Nhật Bản học trong tương lai.
Đại diện Tổng lãnh sự Nhật Bản (bìa trái) và BGH, BCN Khoa Nhật Bản tại hội thảo. Ảnh: Việt Thành
Trong bài phát biểu khai mạc, ThS. Phan Thanh Định – Phó Hiệu trưởng nhà trường nhấn mạnh đến tầm quan trọng của quan hệ Việt Nam - Nhật Bản đang phát triển một cách mạnh mẽ và toàn diện, đạt được nhiều thành quả to lớn và có thể nói quan hệ của hai nước phát triển tốt đẹp nhất trong thời gian qua, đó là điều kiện thuận lợi cho hai nước hợp tác và nghiên cứu lẫn nhau. Đó chính là điều mà nhà trường luôn đặt trọng tâm nghiên cứu về mối quan hệ Việt Nam - Nhật Bản trong cái nhìn đa diện không những về ngôn ngữ, lịch sử, và hóa mà còn những vấn đề liên quan đến kinh tế, đạo đức trong bối cảnh quá khứ, hiện tại và tương lại. Với hơn 10 hội thảo tầm quốc tế được hai bên tổ chức trong thời gian qua, hội thảo lần này đi sâu vào nghiên cứu (1) quan hệ Việt Nam - Nhật Bản giai đoạn thế kỷ XVI-XVII, tập trung vào các vấn đề như thành tựu và những vấn đề trong việc nghiên cứu về quan hệ Việt - Nhật trong thời cận thế; (2) Những vấn đề kinh tế, chính trị, văn hóa, giáo dục trong thời cận thế của Nhật Bản và Việt Nam; (3) So sánh những vấn đề trong lịch sử Việt Nam - Nhật Bản trong thời cận thế... hy vọng thông qua hội thảo này sẽ có nhiều tư liệu mới được công bố, nhiều kiến giải mới góp phần làm rõ những vấn đề trong lịch sử của hai nước cũng như mối quan hệ của hai nước thời cận thế và có thể lý giải được nhiều vấn đề trong mối quan hệ giữa hai nước ngày này.
PGS.TS. Nguyễn Tiến Lực (bìa trái) phát biểu. Ảnh: Việt Thành
Hội thảo tập trung nghiên cứu vấn đề giữa Việt Nam và Nhật Bản có mối quan hệ lâu đời trong thời kì giao thương phát đạt Chu Ấn Thuyền thế kỉ XVII, người Việt đến sinh sống ở Việt Nam và xây dựng "Phố Nhật Bản", tham gia vào việc buôn bán giữa quốc gia, điều này thể hiện qua ghi chép của người Nhật trôi dạt vào Việt Nam thế kỷ 18, hay thông qua các cứ liệu điều tra Khảo cổ học tại Việt Nam, cũng từ cứ liệu này, lịch sử cận đại của Nhật Bản, Nam Bộ và Trung Bộ - Việt Nam ghi nhận, hay trong lịch sử, cùng với thương nhân Trung Hoa, các thương nhân bán đảo Triều Tiên, Ryukyu (Lưu Cầu), Nhật Bản, Đài Loan... cũng đã đến Đông Nam Á giao lưu, buôn bán. Thông qua các mối quan hệ đó, ý thức về một cộng đồng khu vực đã xuất hiện, việc giao thương, buôn bán vừa là động lực vừa là mục tiêu thúc đẩy sự hợp tác, phát triển các mối quan hệ khác giữa các quốc Đông Á - Đông Nam Á điều này và được thế hiện trong các tham luận như: Nhật Bản và Việt Nam trong thời cận đại ở Châu Á của GS. Kikuchi Seiichi; Quan hệ Việt Nam - Nhật Bản trong bối cảnh giao thương Đông Á thế kỷ XVI-XVII của GS.TS. Nguyễn Văn Kim; Từ việc nghiên cứu quan hệ mậu dịch với Phương Tây (mậu dịch Nagasaki) suy nghĩ về "Sakoku" của GS. Yajima Michifumi; Thành quả nghiên cứu lịch sử quan hệ Nhật - Việt thời cận thế ở Nhật Bản và những vấn đề đặt ra của của PGS. Hasuda Takashi; Tình hình nghiên cứu quan hệ Việt - Nhật tại Việt - Nhật tại Việt Nam và những vấn đề đặt ra của TS. Huỳnh Trọng Hiền.
GS. Kikuchi Seiichi trình bày tham luận. Ảnh: Việt Thành
Ở phần lịch sử, với đặc trưng của Đông Nam Á và khu vực nam biển Đông có tính đa dạng, do đó tính lịch sử của khu vực này khá đặc biệt, trong đó vai trò của Nhật Bản như việc xuất Bạc từ Nhật đi nhưng vấn đề này không được chú trọng đúng với vai trò trong các hoạt động mang tính chính trị, quân sự hay kinh tế văn hóa của người Nhật ở Đông Nam Á thời cận thế. Các nghiên cứu về lịch sử Việt Nam và Nhật Bản nhiều hơn sau những năm 1990, với nhiều sử liệu mới khai thác, hay vấn đề cận thế của lịch sử Nhật Bản, vấn đề sakoku là vấn đề được quan tâm (sakoku – chính sách đóng cửa) tuy nhiên giới nghiên cứu đã xác nhận sakoku không phải là đóng cửa như cách hiểu bấy lâu nay mà là chính sách hải cảm (kaikin), tức là hạn chế buôn bán, kiểm soát buôn bán với nước ngoài một cách chủ động, thông qua thuyết “Bốn cửa khẩu” trong hoạt động buôn bán và giao lưu quốc tế của Nhật Bản với bên ngoài vẫn diễn ra sôi động ngay trong thời kì sakoku, các nghiên cứu trong phần này được thể hiện qua các tham luận sau: Vai trò của "Bốn cửa khẩu" trong quan hệ thương mại và giao lưu quốc tế của Nhật Bản thời Sakoku của PGS.TS. Nguyễn Tiến Lực; Phân tích chiến lược phát triển ngoại thương của Việt Nam thế kỷ XVI-XIX (so sánh với trường hợp Nhật Bản) của TS. Nguyễn Mạnh Dũng; Chính sách đóng cửa của Nhật Bản thời Mạc Phủ Tokugawa và của Việt Nam thời Nguyễn - Một cách nhìn đối sánh của PGS.TS. Nguyễn Văn Tận; Hiện tượng cúng hậu thế kỉ XVII-XVIII (trường hợp văn bia cúng hậu huyện Tiên Lãng - Hải Phòng) của ThS.NCS. Tống Văn Lợi; Người Nhật ở Đàng Ngoài sau khi Nhật Bản thi hành chính sách Sakoku của TS. Trịnh Tiến Thuận; Quan hệ thương mại giữa Đại Việt và Nhật Bản - Trường hợp cảng thị Hội An thế XVI-XVII của ThS. Nguyễn Văn Hoàn; "Tơ lụa đổi bạc": hoạt động xuất khẩu bạc của Bồ Đào Nha ở Nhật Bản (1571-1639); Quan hệ Việt Nam - Nhật Bản thời kì Châu ấn thuyền (1592-1637)....
GS.TS. Nguyễn Văn Kim - Phó Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV-ĐHQG Hà Nội. Ảnh: Việt Thành
Tại tiểu ban văn hóa – xã hội – văn học, tập trung vào nghiên cứu các vấn đề hôn nhân Nhật – Việt thế kỉ XVI-XVII, việc các thương nhân Nhật đến Hội An hình thành nên những con phố sầm uất, kết hôn với người Việt, sau đó họ quay về Nhật Bản sinh sống, tạo nên những dấu ấn trong cộng đồng người Nhật Bản, nghiên cứu chỉ ra một vấn đề hôn nhân xuyên quốc gia ở giai đoạn trước thời Minh trị, giữa người Nhật và người Việt ở xứ Đàng Trong; việc dựa vào điều kiện tự nhiên và kinh tế để phân loại các nền văn hóa trên thế giới, từ đó nhận định Việt Nam – Nhật Bản nằm trong khu vực Đông Á, thuộc văn hóa Phương Đông, chịa ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa, trong đó có tết Đoan ngọ, được xem là một sản phẩm của người Đông Á, cả Việt Nam và Nhật Bản đều có nét tương đồng cũng như khác biệt; các nghiên cứu về giáo dục, nhất là từ sự thành công với các trường học thời Endo, hệ thống trường Terakoya chính là điển hình đó; văn chương nhất là thơ hai kư của Nhật Bản cũng được phân tích thêm ở những góc nhìn mới, được trình bày cụ thể trong các tham luận tại tiểu ban như:Theo dấu chân Matsuo Basho của TS. Nguyễn Vũ Quỳnh Như; Nam biếu ký – Tập tư liệu hiếm và giá trị về Việt Nam cuối thế kỷ XVIII của ThS. Nguyễn Mạnh Sơn; Về hai bức quốc thư do Thụy Quốc Công Nguyễn Phúc Nguyên gửi Gia Đằng Thanh Chính (Kato Kiyomasa) nước Nhật Bản của ThS. Võ Vinh Quang; Quan hệ Việt Nam – Nhật Bản thế kỷ XVI-XVII nhìn từ hôn nhân Nhật – Việt của ThS. Nguyễn Thu Hương; ngoài còn có các tham luận khác viết về Hòa tự và việc tiếp thu ngôn ngữ văn hóa Âu Châu, So sánh các hoạt động của Tết Đoan ngọ của Việt Nam và Nhật Bản dưới góc nhìn của loại hình văn hóa, Di tích người Nhật trong văn bia Quảng Nam, “Nhã” và “Tục” trong văn học Nhật Bản thời Endo…
Tại các tiểu ban của hội thảo, các học giả đã có dịp trao đổi thêm các vấn đề lịch sử - văn hóa xã hội của hai quốc gia (Đại Việt – Nhật Bản) trong giai đoạn thế kỉ XVI – XVII với nhiều tư liệu phong phú, góc nhìn mới, nhận định và tiếp cận mới được các nhà nghiên cứu cung cấp. TS. Trịnh Tiến Thuận đã có những lời bình luận sâu sắc đối với các vấn đề lịch sử giao thương giữa hai quốc gia. Các học giả Nhật Bản tại hội thảo cũng mong muốn được thấy các nhà nghiên cứu trẻ thể hiện các nghiên cứu về Nhật Bản và Việt Nam sâu sắc và toàn diện hơn, làm nổi bật các vấn đề lịch sử, văn hóa đang chìm khuất cần được khai phá nhiều hơn để làm rõ mối quan hệ bang giao Việt Nam và Nhật Bản trong lịch sử cũng như hiện tại.
Phòng QLKH-DA
http://qlkh.hcmussh.edu.vn/?ArticleId=bb2e58f4-f838-428c-9de9-dda95b4f2330
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.
LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.
Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.