Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

19/03/2016

Văn nghệ Thứ Bảy : xin tài trợ nghiên cứu từ quĩ quốc gia ở Mĩ và Việt Nam (bài Vũ Hà Văn)

Một số thông tin về NSF (National Science Foundation), tức Quĩ Khoa học Quốc gia của Mĩ, được Vũ Hà Văn tâm sự bằng kinh nghiệm của bản thân anh.

NSF rõ ràng gần gũi với JSPS (Quĩ phát triển Khoa học) của Nhật Bản.

Cuối bài, Vũ Hà Văn so sánh giữa NSF với Nafosted (National Foundation for Science and Technology) của Việt Nam.

Lấy nguyên từ blog Vũ Hà Văn.



---

Làm dự án


Tháng Một 31, 2016

Bài này là tiếp theo chuyện “Xuất bản” và “Trích dẫn”, với mục đích giới thiệu công việc của các nhà khoa học. (Đang tạp chí Tia sáng số Tết con Khỉ 2016.)
NSF (National Science Foundation) là quỹ khoa học quốc gia của Mỹ. Nó được thành lập năm 1950, với mục đích là tài trợ các nhà khoa học tại Mỹ trong các nghiên cứu độc lập của họ. Hiện tại số tiền tài trợ hàng năm chừng 7 tỷ USD, trong đó hơn 80% là vào thẳng các dự án (grants) từ các trường đại học và viện nghiên cứu.
Đối với các giáo sư ở Mỹ, nộp dự án cho NSF (hay một số tố chức tương tự có qui mô nhỏ hơn) là việc  ích nước lợi nhà. Lợi nhà là một khi dự án  được chấp nhân tài trợ, nhà khoa học được thêm một hai tháng tiền lương, được tiền để tài trợ cho sinh viên, mua trang thiết bị và  đi  hội nghị. Hơn nữa, trường đại học được hưởng trực tiếp một khoản rất lớn từ tiền dự án của các giáo sư. Tuỳ từng ngành, số tiền này có thể lên đến 30% tới 50% (hay hơn nữa) giá trị của dự án.  Vì vây, các trường lớn có hẳn một đội nhân viên cứ đến mùa dự án là giục dã các giáo sư cho khỏi quên, và giúp họ nộp hồ sơ đúng thời hạn. Giáo sư có nhiều dự án  được tài trợ thường được trường đại học ưu ái. Ngoài danh tiếng và giá trị khoa học ra,  trong không ít trường hợp, số tiền trường thu  từ các dự án nhiều hơn lương của các giáo sư này rất nhiều. Bởi vậy, có nhiều dự án thành công là một yếu tố quyết định trong việc tuyển chọn hay thăng tiến ở các trường đại học. Nó cũng ảnh hưởng đến uy tín của nhà nghiên cứu trong con mắt đồng nghiệp.
Dự án quan trọng vậy, nên việc nộp và xét dự án khá kỳ công. Trong ngành toán,  cách đây chừng 15 năm, số người được duyệt chừng 1/3 số người nộp, hiện tại con số này chỉ còn 1/5,  tính cạnh tranh rất cao. Mỗi dự án thường có thời hạn ba năm, đôi khi trong một số trường hợp đặc biệt có thể dài hơn.
Phần nội dung của dự án có độ dài tối đa 15 trang, phần lớn người viết dùng hết giới hạn này, cộng thêm phần trích dẫn  từ 50 đến 150 bài báo. Nội dung phải đặt được các yêu cầu sau:
(0) Tóm tắt nội dung và thành tựu của dự án vừa hoàn thành (nếu có).
(1) Nêu các vấn đề sẽ được nghiên cứu một cách mạch lạc.
(2) Giải thích tại sao các vấn đề này lại hay và quan trọng.
(3) Các phuơng pháp và ý tưởng đã được dùng để tấn công vấn đề này hay các vấn đề tương tự. Mặt mạnh và hạn chế của các phương pháp này.
(4) Đề cập được một số phương pháp hay ý tưởng mới.
(5) Ứng dụng và đào tạo.
Một số khó khăn của  việc viết dự án:
(A) Chọn vấn đề. Nếu vần đề  tầm thường, không được nhiều người quan tâm, thường rất khó được chấp nhận. Vấn đề mà về cơ bản đã được giải quyết rồi, dự án chỉ làm thêm một số bước kỹ thuật thường cũng không được ủng hộ. Nhưng nếu vần đề nổi tiếng quá, rất dễ bị đặt câu hỏi “nhưng anh/chị ấy đã bao giờ giải quyết được các vấn đề lớn tương tự chưa ?”
(B) Cách diễn giải.  Dự án phải được viết  rất mạch lạc, dễ hiểu.  Mấu chốt ở đây là ban duyệt dự án sẽ gồm chừng 10-15 thành viên, và nếu may mắn chỉ có một hai người cùng chuyện ngành hẹp với bạn thôi. Nếu người đọc  không hiểu thì đó là lỗi của người viết. Bạn có thể vùng vằng “ngôn ngữ toán học  của tôi cao quá, uỷ ban không hiểu”, đó là việc của bạn, còn việc uỷ ban không duyệt thì đó là việc của họ.
(C) Hiệu quả trong ứng dụng và đào tạo. Ở các trường đại học, nghiên cứu đi liền với giảng dạy, nên dự án cần chỉ ra tác dụng của việc nghiên cứu trong lĩnh vực này. Điều này một phần nào bắt buộc các gíao sư mang những kiến thức mới nhất đến cho sinh viên.  Trong thời gian gần đây, hiệu quả ứng dụng của công trình, ngay cả trong những lĩnh vực được coi là lý thuyết như toán cũng rất  được coi trọng.

Viết một dự án kỹ  lưỡng rất tốn thời gian. Ngay cả những nhà nghiên cứu hạng nhất, khi viết dự án, cũng thường mất đến cả tháng. Tuy nhiên, một tháng đó cũng rất có lợi cho họ, ở chỗ họ có thời gian cân nhắc kỹ càng các đề tài, đề tài nào khả thi, đề tài nào có thể làm với ai, đề nào nào thích hợp với sinh viên nào. Vô hình chung, nó tạo  ra một kế hoạch  làm việc khá cụ thể cho tương lai.
Như đã nói ở trên, việc xét dự án thông qua các uỷ ban ngành (panel). Các uỷ ban ngành do NSF chọn ra, thường có từ 10-15 người và thay đổi hàng năm. Một ngành khoa học lớn (như Toán hay Vật Lý) có thể có tới cả chục uỷ ban ngành cho các hướng nghiên cứu khác nhau (chẳng hạn có các uỷ bang riêng biệt cho đại số, xác suất, hình học).  Uỷ ban thường họp vào cuối năm, là mùa bận rộn của NSF.  Các thành viên đến trụ sở NSF ở Arlington, một thị trấn ngoại vi thủ đô Washington, họp kín chừng 3 ngày liền. Để bảo đảm tính công bằng, NSF có những nguyên tắc   chặt chẽ, chẳng hạn khi thảo luận dự án của giáo sư A, tất cả những thành viên có  liên hệ với A (như người cùng trường, thầy giáo hay học sinh cũ, hay người cùng nghiên cứu trong vòng 4 năm) không được tham gia vào cuộc thảo luận và không được bỏ phiếu. (Đơn giản là họ bị mời ra ngoài hành lang.) Những nhà nghiên cứu trẻ, đang bắt đầu sự nghiệp khoa học, thường có một số ưu thế trong bước xét duyệt. Ngoải ra, còn có những loại dự án chỉ dành cho những người trẻ tuổi, đôi khi dưới dạng một giải thưởng (như NSF Career Arward).
Gần đây, chúng ta có quỹ Nafosted (National Foundation for Science and Technology), với mục đích tương đồng với NSF. Đây là một bước tiến rất quan trọng, đáng khích lệ,  trong việc đẩy mạnh phát triển nghiên cứu tại Việt Nam.   Dĩ nhiên, do chênh lệch giữa  hai nước, số tiền giành cho mỗi dự án ở Việt Nam (về giá trị tuyệt đối) không thể so với Mỹ. Nhưng nếu tính  tương đối (dựa theo thu nhập trung bình) thì sự trợ giúp của Nafosted rất có giá trị.
Về cơ bản, hai quỹ hoạt động khá giống nhau. Nhưng ở một số bước, có sự khác biệt.  Môt số lần tôi được mời phản biện cho các dự án Nafosted, thì thấy nội dung viết rất sơ sài. Các dự án đều  hết sức ngắn, từ 1 đến 2 trang,  đọc rất khó hiểu, hay đôi khi không có gì để hiểu hay thảo luận cả. Không biết tình hình được cải thiện chưa nhưng không thể biết những  dự án như vậy  sẽ được thông qua hay bác bỏ trên cơ sở gì.
Thành công của dự án, đôi khi được xét trên số bài đăng ở tạp chí ISI. Tiêu chí này hơi khiên cưỡng, vì nhiều tạp chí ISI giá trị khoa học rất kém. Vì vậy chỉ đếm số bài có thể dẫn đến việc phấn đấu đạt chuẩn một cách hình thức. Một bài báo nếu đã đăng trong vòng 3-5 năm mà không có ai sử dụng hay trích dẫn, thì dù đăng ở tạp chí nào, giá trị khoa học của nó cũng rất đáng hồ nghi.
Việc phải hoàn lại (một phần)  tiền trong trường hợp không thành công, có thể  làm người nghiên cứu, nhất là các nhà nghiên cứu trẻ chưa có kinh nghiệm, rất do dự khi nộp dự án, và vô tình tạo ra quyền lực cho những người nghiệm thu dự án. Thông qua dự án là chấp nhận đầu tư vào nhà khoa học, và đầu tư thì ở đâu cũng có thể có rủi to. Ở NSF, một dự án không thành công đơn giản sẽ làm cho các dự án tiếp theo rất khó được chấp thuận. Đó là một cái giá rất nặng buộc các nhà nghiên cứu phải toàn tâm toàn ý với dự án của mình.

https://vuhavan.wordpress.com/2016/01/31/lam-du-an/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.