Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

24/03/2016

Ngôi chùa liên quan đến nhà Mạc ở Vĩnh Phúc nhận bằng di tích

Là ngôi chùa trên bìa sách, đã nói đến ở entry trước.

Và, nhất là, gần đây, nó được giải thích là liên quan đến Mạc Kính Quang. Giải thích này cũng đã được điểm tin ở đây và ở đây (tháng 12 năm 2015).

Dưới là sự kiện của ngày 20/3/2016 (Chủ Nhật). Lấy về từ trang Mạc tộc.

---














Ngày 20/3/2016 (tức ngày 12/2 Bính Thân) xã Tiên Lữ, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc long trọng tổ chức lễ đón nhận Bằng xếp hạng di tích Quốc gia chùa Sùng Khánh. Về dự chung vui ngày lễ trọng đại này có các Đồng chí Đại diện thường vụ Tỉnh ủy, UBND, lãnh đạo Sở văn Hóa thể thao và Du lịch, Sở TNMT, Công an, các sở ban ngành .. cơ quan báo chí truyền thông tỉnh, Lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện Lập thạch, lãnh đạo chính quyền địa phương và nhân dân, con em sinh sống làm ăn xa quê  xã Tiên lữ  .

Đoàn HĐMTVN gồm : Ông Thái Khắc Việt Chủ tịch, ông Hoàng Trần Hòa Phó chủ tịch thường trực kiêm trưởng ban Kiểm tra, bà Nguyễn ngọc Dung Trưởng ban Tổ chức cùng đi có bà Thái thị Hương Sen.

Đoàn HĐMT Vĩnh Phúc có ông Nguyễn Ngọc Thu chủ tịch  , ông Nguyễn Hữu Hạnh Phó chủ tịch  đồng thời là người chủ trì - trưởng ban tổ chức buổi lễ  và nhiều con cháu hậu duệ họ Mạc ở các tỉnh, thành vùng lân cận cùng về dự.

Chùa Sùng Khánh được xây dựng từ cuối thế kỷ thứ XVII do con trai trưởng của Hoàng Đế Mạc Kính Vũ là Mạc Kính Quang về đây để xây dựng ngôi chùa này, sau đó  ngài trụ trì đổi tên là Nguyễn Hữu Pháp, tự Đạo Thái, hiệu Huyền Ân. Ngôi chùa mang kiến trúc thời Mạc, hệ thống tượng phật còn nguyên vẹn, hiện còn giữ được hai bia đá cổ dựng năm 1708 và một bia dựng năm 1712 ghi lại nhân dân công đức xây lầu gác tam quan, xây bờ tường bao trong đó có ghi tên Ngài con cả Nguyễn Hữu Pháp hội chủ hưng công.

Chùa cổ  Sùng Khánh chứa đựng nhiều giá trị văn hóa tiêu biểu minh chứng cho sự phát triển văn hóa thời Mạc, ghi nhận những giá trị văn hóa đó nên đã được Bộ VHTTDL công nhận là: di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia tại quyết định số: 4249/BVHTTDL ngày 09/12/2015. Đây là niềm vinh dự tự hào cho con hậu duệ họ Mạc ở Tiên Lữ nói riêng và con cháu họ Mạc cả nước nói chung. Lễ đón nhận được tổ chức với nghi thức trang nghiêm . Kết thúc Đại biểu và bà con thụ lộc cơm chay trong niềm vui hân hoan tự hào.

Theo  ông Hoàng trần Hòa có lẽ để hậu thế mai sau luôn nhớ về tổ tiên, các Tiên vương tiên đế họ Mạc, Nhà Mạc , nên  đặt tên  Chùa là “Sùng Khánh”  để  nhớ  hướng về Điện Sùng Đức do Mạc Thái Tổ lên ngôi xây dựng ở Long động đã truy tôn thờ phụng tổ tiên họ Mạc và Vua Mạc Mậu Hợp đặt niên hiệu  thứ 3 Sùng Khang 11 năm (1568-1578) . Họ Mạc , nhà Mạc  luôn tôn Sùng chữ  “Đức” lấy Đức là gốc trị quốc chăn Dân làm trọng , lấy văn giáo để rèn luyện nhân tài nên mới có tên “Sùng Đức, Sùng Khang, Sùng Khánh” là vậy. Nhân đây con cháu phát hiện thêm  các địa danh, công trình Đền, chùa, Đình, Đền, Đạo quán, chợ…Hậu duệ  xưa các ngài có lấy niên hiệu các Tiên vương đặt tên ở đâu nữa?

Nhân dịp này Đoàn Thường trực HĐMTVN và HĐMT Vĩnh phúc cùng con cháu hậu duệ họ Mạc dâng hương lăng mộ ngài Nguyễn Hữu Pháp ở xứ đồng mả vàng xã Tiên Lữ.

 Chùa Sùng Khánh
 
Thừa ủy quyền Bộ Văn Hóa TT&DL. Phó Giám đốc Sở văn Hóa TT& DL trao Bằng công nhận Di tich Quốc Gia Chùa Sùng Khánh.
 
                                   Đại biểu quan khách về dự
 
Đại biểu HĐMT Việt nam và HĐMT Vĩnh Phúc về dự
Các tăng ni phật tử , các cụ bà về dự lễ
 
 Thường trực HĐMTVN chụp ảnh lưu niệm với Đại diện HĐMT tỉnh Vĩnh Phúc
 
Lăng mộ Ngài Nguyễn Hữu Pháp ở xứ đồng Mả vàng xã Tiên lữ.

 Thường trực HĐMT Việt nam và HĐMT Vĩnh Phúc dâng hương lăng mộ  Tổ ngài Nguyễn Hữu Pháp

Tin Bài và Ảnh : Nguyễn Hữu Hạnh PCT HĐMT tỉnh Vĩnh Phúc


---


BỔ SUNG





1.


Đinh Khắc Thuân - Trần Mỹ Linh
89. Chùa Sùng Khánh, xã Tiên Lữ, huyện Lập Thạch và những pho tượng lạ (TBHNH 2012)
Cập nhật lúc 10h30, ngày 09/02/2015
CHÙA SÙNG KHÁNH XÃ TIÊN LỮ HUYỆN LẬP THẠCH
VÀ NHỮNG PHO TƯỢNG LẠ
ĐINH KHẮC THUÂN
Viện Nghiên cứu Hán Nôm
TRẦN MỸ LINH
Viện Nghiên cứu Văn hoá
Chùa Sùng Khánh xã Tiên Lữ huyện Lập Thạch tỉnh Vĩnh Phúc là danh lam cổ tích, hiện còn hai bia đá, cùng hệ thống tượng thờ vô cùng sinh động và quý giá, hàm chứa không ít sự kiện và nhân vật lịch sử quan trọng gắn với ngôi chùa này trong các thời kỳ lịch sử.
1. Bia đá
Chùa Sùng Khánh hiện có 2 bia đá được dựng trong tòa Thượng điện. Cả hai bia đều được dựng vào niên hiệu Vĩnh Thịnh thời Lê. Bia thứ nhất dựng năm Vĩnh Thịnh thứ 4 (1708).
Nội dung ghi việc xây tường bao chùa vào năm Mậu Tí (1708). Người hưng công xây dựng tường bao và tu sửa chùa là Tiểu tăng trụ trì chùa này Nguyễn Hữu Pháp tự Đạo Thái hiệu Huyền Ân. Cùng tham gia hưng công xây dựng chùa, còn có trên 30 vị khác là người trong làng, cùng các thập phương như ở huyện Đường Hào phủ Thượng Hồng, xã La Nội huyện Từ Liêm phủ Quốc Oai, huyện Bình Lộc phủ Lí Nhân,..
Bia thứ hai, bị vỡ mất một góc phía dưới, chỉ còn một phần bên trên. Bia dựng năm Vĩnh Thịnh thứ 12 (1716). Nội dung văn bia cho biết, chùa được xây tường bao, lầu gác và tam quan, hành lang. Từ đó, người người hân hoan, tôn bầu bà hiệu Từ Yên làm Hậu Phật dựng bia để ở chùa Sùng Khánh.
Nội dung hai văn bia trên cho biết rằng chùa này được xây dựng khá quy mô vào niên hiệu Vĩnh Thịnh đầu thế kỷ XVII thời Lê. Hưng công hội chủ xây dựng ngôi chùa này là Nguyễn Hữu Pháp tương truyền là con trai cả của Mạc Kính Vũ, sau khi thất thủ ở Cao Bằng đã lánh nạn ở chùa Diệm Xuân cùng huyện đổi họ Mạc ra họ Nguyễn.
Chính từ văn bia này góp phần xác định niên đại một số pho tượng hiện còn ở chùa, trong đó tiêu biểu là một số bệ tượng bằng đá có hình đuôi rồng chạm nổi dáng mập, khỏe.
2. Tượng thờ
Tượng thờ được bài trí trên tòa Thượng điện và tòa đại bái. Tại tòa Thượng điện, trên cùng là tượng Tam thế, tiếp theo là tượng A Di đà và Thích ca, ngoài cùng là tượng Quan âm nghìn mắt nghìn tay cùng hai vị Bồ tát. Phía hai gian bên là tượng Phổ hiền và Ngọc hoàng. Các pho tượng Phật này này khá đẹp, phần lớn đều có niên đại vào thế kỷ XVII.
Nhà bái đường có tượng Kim cương bài trí ở đầu hồi hai bên. Tượng Thiện, Ác ở hai gian bên, cùng hai cụm tượng ông, tượng bà.
Tượng ông ở phía tượng ông Ác, còn tượng bà ở bên ông Thiện. Tượng ông ở tư thế ngồi, hai bên có hai thị vệ là võ sĩ. Tượng bà cũng ở tư thế ngồi, hai bên có hai thị nữ chắp tay chầu. Người dân địa phương không rõ đây là tượng gì, nhưng không phải là tượng Đức ông và tượng Phổ hiền thường gặp ở các ngôi chùa khác. Tượng ông có dáng dấp là một võ tướng, oai nghiêm, vạm vỡ, đầu đội mũ, áo bổ tử. Mũ tượng ở phía trên khá phẳng thường được gọi là mũ bình thiên, đặc trưng mũ của vua chúa. Tượng có thân hình khỏe như lực sĩ, có dáng dấp như tượng Mạc Đăng Dung ở chùa Trà Phương (Hải Phòng) và chùa Đào Xá (Quỳnh Phụ, Thái Bình).
Còn tượng bà, thực ra đã được tu sửa vẽ thêm râu, ria như một nam giới, nhưng nhìn kỹ có thể nhận ra là tượng nữ, bởi mũi thanh, lông mày mảnh, cong, áo ngoài như áo của tăng ni, nhưng trong có yếm. Hai bên lại có hai thị nữ là hai nữ giới.
Rõ ràng đây không phải là tượng Phật, cũng không phải là tượng Hậu, mà là tượng ông và tượng bà, có thị tòng và thị nữ đứng chầu. Tuy chưa rõ hai vị này là ai, nhưng vị thế của họ đã rất được trân trọng.
Theo tư liệu văn bia, thì chùa này do Nguyễn Hữu Pháp tự Đạo Thái hiệu Huyền Ân xây dựng và trụ trì. Theo truyền ngôn, thì ông là con trai cả của Mạc Kính Vũ đã được đổi ra họ Nguyễn sau khi lánh nạn từ Cao Bằng về đây, nên rất có thể đã cho dựng tượng vua cha Mạc Kính Vũ và Phu nhân để thờ ở chùa này. Tham gia hưng công xây dựng chùa còn có một người Trung Quốc là tín quan Chung Nghiên Khôi người Tư Minh phủ Quảng Tây Tả Giang nước Thiên triều Đại Minh. Điều đó cho thấy, ông và gia đình ông có mối quan hệ trực tiếp với nhà Thanh, hoàn toàn phù hợp với thực tế là nhà Mạc ở Cao Bằng luôn được sự giúp đỡ ủng hộ của nhà Thanh. Tư liệu ở Quảng Châu (Trung Quốc) thì cho biết Mạc Kính Vũ sau khi thất thủ Cao Bằng đã chạy sang Trung Quốc. Ông từng đến và công đức cho một ngôi chùa ở ngay thủ phủ Quảng Châu hai bia đá. Bia hiện còn trong sự lưu truyền của người dân địa phương.
Điều này cần tiếp tục nghiên cứu, song liên hệ với hệ thống tượng thờ ở trong các ngôi chùa khác, cũng như các tượng vương, nhất là tượng Mạc Đăng Dung được thờ ở các ngôi chùa thời Mạc ở Hải Phòng, thì những giả thuyết trên của chúng tôi có những cơ sở nhất định. Chí ít thì ở vùng đất Lập Thạch này đã có di duệ của nhà Mạc từ Cao Bằng lánh nạn, lưu tán ở đây từ những năm cuối thế kỷ XVII- đầu thế kỷ XVIII đến nay. Bởi lẽ hiện tại, di duệ họ Mạc ở đây đã chắp nối gia phả và nhận lại họ Mạc.
(Thông báo Hán Nôm học 2012,tr.732-736)
 In
http://www.hannom.org.vn/detail.asp?param=2334&Catid=940

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.