Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

28/02/2016

Bán hàng đa cấp lừa đảo dây chuyền : Liên kết Việt BQP (bài Nguyễn Thông)

Đầu tiên xem Bộ Quốc phòng và Trung ương Đảng (gồm cả quan chức nguyên và đương) đã tham gia vào dây chuyền như thế nào.


"
 
605 lượt xem
Xuất bản 27 thg 2, 2016
Video này là bằng chứng cung cấp cho Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an về việc ông Nguyễn Văn Quyền - Nguyên phó chánh văn phòng Trung ương đảng cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam trao bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho Công ty LKV và Chủ tịch Lê Xuân Hà (Giang).

Video cũng cho thấy sự xuất hiện của nhiều quan chức cấp cao khác. Đặc biệt là ông Đại tá Nguyễn Văn Tùng - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Thiết bị Y tế BQP đọc nội dung quyết định trao thưởng này.

Xem thêm: https://www.facebook.com/hd.cdvn/vide...
"

Dưới là mấy nhận xét gạch đầu dòng của nhà báo Nguyễn Thông.

---


Chủ Nhật, ngày 28 tháng 2 năm 2016

Lừa nhau quá dễ

Chỉ là một công ty tư nhân bán hàng đa cấp, trong thời gian mấy năm, Công ty Liên Kết Việt của một kẻ vô danh tiểu tốt là Lê Xuân Giang đã lừa được tới 62.000 người (một con số kinh khủng), trên khắp cả nước, với số tiền 1.900 tỉ đồng (con số này còn kinh hơn nữa). 


Qua vụ lừa đảo ở tập đoàn bán hàng đa cấp Liên Kết Việt này, ta có thể thấy mấy điều:



-Nhiều người không nghĩ rằng để có đồng tiền sinh sống phải đổ mồ hôi sôi nước mắt, cứ tưởng kiếm tiền dễ lắm, tiền sinh tiền, nên sa bẫy là phải. Lòng tham đã khiến con người mờ mắt, liều lĩnh, đần độn, tự mình hại mình, khó trách được ai.



-Có không ít người bế tắc trong cuộc sống cho nên dù khá tỉnh táo, biết nguy cơ là rất cao nhưng vẫn liều nhắm mắt đưa chân. Rất bi kịch. Những nhà cai trị lúc nào cũng phát ngôn về an sinh xã hội cần biết điều này.



-Xã hội ta bây giờ, do quân đội và công an quá được cưng chiều, bất khả xâm phạm nên có những kẻ ma lanh dựa vào đó để làm bậy và dễ thành công. Chúng cũng biết khi bị đổ bể thì cũng khó xử lý bởi rút dây động rừng. Vụ Lê Xuân Giang, hoặc vụ một sĩ quan công an ở Tây Ninh thế chấp thẻ đảng để vay hàng trăm triệu đồng rồi không chịu trả, vụ một đại tá công an ở Quảng Trị bị đình chỉ công tác để "kiểm điểm" do nhận hàng tỉ đồng chạy việc, bị tố cáo... đủ nói rằng đã phát sinh loại kiêu binh, quyền lực rất lớn, dân chúng dễ bị họ mê hoặc, lừa đảo.



-Bộ máy quản lý nhà nước, cơ quan chức năng (trong đó có quân đội, công an) rất vô trách nhiệm khi để sự lừa đảo của Lê Xuân Giang kéo dài, công khai, rùm beng như vậy. Chỉ riêng cái tên viết tắt BQP, nếu tinh ý là nhận ra ngay, truy 1 câu là ra ngay, nhưng không ai hỏi, tạo điều kiện cho nó tác oai tác quái.



-Những vị lãnh đạo cấp cao, tướng lĩnh, sĩ quan cao cấp "ngây thơ" nhận tiền, quà, phong bì... của nó để làm bình phong cho nó, nếu còn biết điều thì hãy nhả ra để trả lại cho người bị hại.


Nguyễn Thông
http://thongcao55.blogspot.com/2016/02/lua-nhau-qua-de.html





Liên kết Việt: 'Đại tá' Giang vỡ trận vì tiền đổ về... quá nhiều!


Nằm trong trại tạm giam Bộ Công an, Lê Xuân Giang, Chủ tịch HĐQT công ty Liên kết Việt thừa nhận, bản thân Giang cũng “ngợp” và không hình dung nổi số tiền của người dân đổ về nhiều đến thế. Cơ quan điều tra cũng đã chỉ ra sơ hở lớn nhất khiến công ty đa cấp này có thể lừa tới 1.900 tỷ đồng.
Tiền nhiều quá, Liên kết Việt vỡ trận!
Đại tá Trần Quang Huy, Trưởng phòng hướng dẫn và điều tra án tham nhũng, Cục cảnh sát điều tra tội phạm về Kinh tế và tham nhũng (Bộ CA) cho biết, trước khi thành lập công ty đa cấp này, Lê Xuân Giang cũng là người có tiền, xin được cấp giấy phép đầu tư. Có tiền ở đây là tiền thật, vì theo quy định khi thành lập công ty kinh doanh đa cấp, Giang phải nộp ký quỹ 10 tỷ đồng.
Liên kết Việt, đa cấp, kinh doanh đa cấp
Lê Xuân Giang (mặc quân phục) tại lễ đón nhận bằng khen của Thủ tướng. Đây là bằng khen bị các đối tượng làm giả.
Nhưng Giang không phải là người giỏi về kinh doanh đa cấp. Giang gặp Nguyễn Thị Thủy, một người từng làm nhiều nghề ngoài xã hội và kinh qua nhiều công ty đa cấp nên Thủy có nhiều kinh nghiệm về lĩnh vực này.
Giang và Thủy bắt tay làm ăn, Giang cho Thủy đứng đầu nhóm, đứng đầu hệ thống đa cấp. Cứ mỗi người đến để nộp tiền hoặc mua hàng phải trả 290 nghìn đồng. Sau đó mở rộng mạng lưới, Giang đàm phán xuống, Thủy hưởng 210 nghìn đồng, còn 80 nghìn đồng Giang giữ lại mở rộng mạng lưới.
Trong khoảng 1 năm, Giang và Thủy đã mở rộng hệ thống bán hàng đa cấp của Liên Kết Việt ra 27 tỉnh thành và thu về 1.900 tỷ đồng.
Liên kết Việt, đa cấp, kinh doanh đa cấp
Nguyễn Thị Thuỷ, trong thời gian ngắn cùng Lê Xuân Giang và đồng phạm đã lừa đảo mang về cty số tiền "khủng", 1.900 tỉ đồng.
Theo Đại tá Huy, khi bị bắt giữ, khai nhận với cơ quan điều tra, bản thân Lê Xuân Giang cũng thừa nhận bị "ngợp" về số tiền thu về, không thể ngờ nhanh và nhiều đến vậy.
Giang cũng thừa nhận, quá nhiều tiền trong một thời gian ngắn khiến cho Giang và các đồng phạm khác của Liên kết Việt mất kiểm soát, không thể điều tiết được và “vỡ trận”!
Kinh doanh đa cấp đang bị thả nổi
Theo cơ quan điều tra, hoạt động bán hàng đa cấp là hoạt động được phép tại VN và Chính phủ có Nghị định 42/2014/NĐ-CP về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp. Về bản chất hoạt động kinh doanh bán hàng đa cấp là không sai, nhưng khi về Việt Nam, nhiều doanh nghiệp đã lợi dụng, biến tướng trở thành lừa đảo.
Kinh doanh đa cấp là hình thức kinh doanh thông qua mạng lưới người tham gia gồm nhiều cấp, nhiều nhánh khác nhau, trong đó, người tham gia được hưởng hoa hồng, tiền thưởng và các lợi ích kinh tế khác từ hoạt động kinh doanh của mình và của mạng lưới do mình xây dựng.
Liên kết Việt, đa cấp, kinh doanh đa cấp
Thiếu cơ quan giám sát trực tiếp với hoạt động kinh doanh đa cấp.
Những mặt hàng không bị cấm sẽ được kinh doanh đa cấp thực hiện bán cho khách hàng. Mô hình bán hàng đa cấp là một xu thế phân phối sản phẩm tiến bộ, hiện đại trên thế giới, mang lại nhiều giá trị và tính ưu việt cho người tiêu dùng, nên từ năm 2005, Nhà nước đã thừa nhận tính hợp pháp của hoạt động bán hàng đa cấp. Tuy nhiên, trong việc quản lý còn nhiều lỏng lẻo, nên các doanh nghiệp lợi dụng, lách luật để hoạt động.
Theo cơ quan điều tra, quá trình điều tra cho thấy, về vấn đề quản lí nhà nước trong lĩnh vực kinh doanh đa cấp nói riêng và quản lý doanh nghiệp không giao chính thức cho một bộ ngành nào. Công ty này bán bao nhiêu hàng, khai thế nào thì biết thế chứ không khai thì không ai bắt được. Rồi hàng sản xuất ra có đúng như đăng ký với Bộ Y tế không, cũng không ai biết...
Ai giám định thuốc của công ty này phân phối có đủ điều kiện và đạt tiêu chuẩn phân phối ra thị trường không?
Người cấp phép thì đủ tiêu chuẩn nhưng trong quá trình hoạt động thì không ai giám sát. Đó là sơ hở lớn nhất.
“Nói chung là thiếu một đơn vị quản lí trực tiếp lĩnh vực kinh doanh đa cấp”, vị cán bộ này nói. Theo vị cán bộ này, để theo dõi nắm bắt được doanh nghiệp nào kinh doanh đa cấp đi sai quỹ đạo thì phải có một cơ quan giám sát, nhưng vấn đề này ở Việt Nam nói chung và các tỉnh thành nói riêng thì chưa được rõ ràng.
Theo thông tin từ cơ quan điều tra, Cục quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) trước đó có nhận được phản ảnh của người dân tại địa phương về dấu hiệu sai phạm của Liên Kết Việt và cơ quan chức năng này đã phạt Liên kết Việt 1 lần 500 triệu đồng. Trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng thì họ phải thu hồi giấy phép.
Thông tin từ cơ quan điều tra, họ đang tiếp tục tiến hành điều tra các sản phẩm của Liên Kết Việt xem có dấu hiệu của việc làm hàng giả, hàng nhái không!
Hiện vụ việc đang được cơ quan điều tra tiếp tục làm rõ.
Theo Dân trí
http://vietnamnet.vn/vn/xa-hoi/291365/lien-ket-viet-dai-ta-giang-vo-tran-vi-tien-do-ve-qua-nhieu.html



Tan cửa, nát nhà vì đa cấp

29/02/2016 09:17 GMT+7
TT - Qua vụ một số cá nhân 
của Công ty Liên Kết Việt bị khởi tố điều tra cho thấy tình trạng biến tướng của mô hình bán hàng đa cấp đang diễn biến khá phức tạp. 

Tan cửa, nát nhà vì đa cấp
Công an, quản lý thị trường tỉnh Gia Lai niêm phong, thu giữ hàng hóa có dấu hiệu vi phạm trong lĩnh vực bán hàng đa cấp tại cơ sở kinh doanh Thiên Ngọc III (đường Phạm Văn Đồng, TP Pleiku). Cơ sở này là một chân rết trong mạng lưới bán hàng đa cấp của Công ty Thiên Ngọc Minh Uy - Ảnh: Thái Bá Dũng
Hàng chục ngàn 
người đang bị cuốn trong vòng xoáy này gây ra nhiều hệ lụy...
Với tính chất trong thời gian ngắn có thể xây dựng mạng lưới phân phối rộng khắp, lôi kéo được số đông nhanh chóng, các công ty làm ăn bất chính đã lợi dụng mô hình bán hàng đa cấp để lừa đảo, chiếm đoạt số tiền giá trị lớn.
1 gói trà, 4 gói cà phê giá... hơn 36 triệu đồng
Phổ biến trong bán hàng đa cấp lừa đảo hiện nay là các công ty kinh doanh đa cấp nhưng không khuyến khích cá nhân đi bán hàng mà chỉ khuyến khích mua hàng từ công ty. Với cách thức này, chỉ có công ty có lợi vì bán được hàng, thu được tiền, còn người tham gia thiệt hại do không nắm được chính xác thông tin nên mất tiền đầu tư vào hàng hóa nhưng lại 
không tiêu thụ được.
Theo ông A Thẳng - chủ tịch UBND xã Đắk Kroong (Đắk Glei, Kon Tum), tình trạng bán hàng đa cấp bắt đầu nổi lên từ năm 2011. Công ty Thiên Ngọc Minh Uy (có văn phòng tại TP Kon Tum) đưa xe chở hàng về rao bán cho người dân. Để tham gia đường dây này, người dân mua một gói hàng (chủ yếu là đồ điện tử) giá từ 4-5 triệu đồng trở lên sẽ được cấp thẻ thành viên. Khi được trở thành thành viên của công ty, người mua hàng được quyền giới thiệu những người kế tiếp mua hàng, nếu giới thiệu thành công, thành viên ban đầu được hưởng 20-28% hoa hồng trên tổng giá trị sản phẩm do 
mình vận động được.
Tại xã Đắk Kroong có hai người là ông A Niêng và A Nuông được một công ty đa cấp “phong” chức phó phòng và trưởng phòng. Ông A Niêng cho hay đã bỏ ra gần 5 triệu đồng mua một nồi cơm điện và bếp hồng ngoại có xuất xứ từ Trung Quốc để làm thành viên của công ty. Tình trạng người dân bị lôi kéo, chấp nhận mua hàng với giá trên trời để được vào chuỗi bán hàng đa cấp cũng xảy 
ra ở các xã khác.
Theo Phòng kinh tế hạ tầng huyện Đắk Glei, hầu hết mặt hàng mà các công ty bán hàng đa cấp đưa về tại các xã vùng cao có đông người dân tộc Giẻ Triêng là đồ điện gia dụng như: bếp từ, nồi cơm điện, máy lọc nước nano... Qua kiểm tra, cơ quan chức năng kết luận nhiều mặt hàng được bán cho dân với giá rất cao. Ông Nguyễn Văn Sơn, trưởng Phòng kinh tế hạ tầng huyện Đắk Glei, bức xúc: “Có sản phẩm giá thị trường chỉ khoảng 1 triệu đồng, họ đưa về bán giá hàng chục triệu đồng. Người dân cứ thấy quảng cáo về lợi nhuận là mua, tham gia”.
Dù cơm ăn chưa no, con cái đi học không có tiền đóng nhưng trước bẫy đa cấp, nhiều người dân ở các làng sẵn sàng bán tài sản, mua những món đồ giá trên trời với mục đích cuối cùng là được làm thành viên của công ty đa cấp nào đó. Ông A Lan ở làng Kon Riêng (xã Đắk Choong, Đắk Glei) lục trong nhà lôi ra bốn gói cà phê và một gói trà rồi nói rằng số tiền phải trả cho số sản phẩm này là 36,6 triệu đồng. Ông A Lan kể trước đó có ông anh họ bán hàng của công ty nào đó rỉ tai mua số cà phê này để tham gia góp vốn kinh doanh chuỗi cửa hàng, siêu thị rất to ở thành phố. Ông A Lan bán tài sản để mua sản phẩm và được cấp một thẻ VIP kèm theo lời hứa: “Sau 9 tháng được công ty trả 99 triệu tiền lợi tức kèm theo tiền vốn ban đầu”. Ông Nguyễn Văn Sơn nói: “Cái này chúng tôi kiểm tra rồi, đúng là giá họ bán 36,6 triệu như thế. Có hóa đơn chứng từ”.
Trong báo cáo của UBND tỉnh Kon Tum gửi Ban chỉ đạo 389 quốc gia và Bộ Công thương cũng khẳng định các mặt hàng đa cấp được bán về cho dân ở Kon Tum có giá rất cao, không phù hợp với nhu cầu sử dụng và cũng chưa hề được kiểm chứng. UBND tỉnh Kon Tum cũng đặt hoài nghi về tính pháp lý trong việc xác nhận giá từ các cơ quan có thẩm quyền.
UBND tỉnh cũng đề xuất phải xem xét lại nghiêm túc vấn đề này, đồng thời đề xuất với Ban chỉ đạo 389 mở chuyên án điều tra, đưa ra ánh sáng các tổ chức doanh nghiệp có dấu hiệu lừa đảo, lợi dụng bán hàng đa cấp để trục lợi. Theo thống kê, năm 2014 tỉnh Kon Tum chỉ có một doanh nghiệp đăng ký kinh doanh đa cấp thì năm 2015 đã có tới 19 doanh nghiệp, lôi kéo 4.190 
người dân tham gia.
Tan cửa, nát nhà vì đa cấp
Để được là thành viên bán hàng đa cấp, ông A Tria (trái), ở xã Xốp, Đắk Glei, Kon Tum, phải mua chiếc bếp từ của Trung Quốc với giá 5 triệu đồng - Ảnh: B.D.
“Làm giàu nhanh chóng”
Cung cấp những mặt hàng kém chất lượng hoặc không có giá trị sử dụng để bán với giá trên trời sau đó thổi phồng tính năng của sản phẩm, người tham gia mạng lưới không hưởng được lợi ích từ việc bán sản phẩm mà miễn sao lôi kéo người khác tham gia càng nhiều thì hoa hồng càng lớn là hình thức phổ biến của các công ty bán hàng đa cấp lừa đảo thực hiện ở VN thời gian qua. Các công ty dạng này không quan tâm đến việc đầu tư cho sản phẩm mà chỉ đánh vào lòng tham của người tham gia. Tại những buổi hội thảo đào tạo, thay vì tập trung giới thiệu sản phẩm thì những người tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp được “tiêm” những hứa hẹn về tương lai giàu có, mức thu nhập hàng chục triệu đồng/tháng mà 
không cần phải làm gì.
Bà Trương Thị Nhi, chủ tịch Hiệp hội Bán hàng đa cấp VN, thừa nhận bất kỳ mô hình bán hàng đa cấp nào cho phép người tham gia nhận tiền nhưng không có hàng hóa, có hàng hóa nhưng không đi bán hoặc tuyển người về không bán hàng mà vẫn nhận được tiền đều là bất chính. Trong bán hàng đa cấp, hoa hồng chỉ được trả khi có bán hàng, có tuyển dụng người để tham gia bán hàng. Rất nhiều doanh nghiệp tuyển dụng người đến mua hàng và trả tiền tuyển dụng cho người đi tuyển dụng mà không khuyến 
khích việc bán hàng.
Một điểm nhận diện rõ bán hàng đa cấp bất chính nữa là người tham gia không được phép trả lại hàng hóa, trong khi về nguyên tắc người tham gia có quyền đổi, trả lại hàng hóa, lấy lại tiền trong vòng 30 ngày kể từ ngày mua và nhận được hàng mà không cần lý do. Cá biệt hơn, có doanh nghiệp bán hàng không giao hàng nhưng lại yêu cầu người tham gia ký vào phiếu xuất kho để lừa gạt.
Tan cửa, nát nhà vì đa cấp
Lược ghi từ nguồn của Cục Quản lý cạnh tranh Bộ Công thương - Đồ họa: Nh.Khanh
Huy động vốn 
cũng... đa cấp
Theo nghị định 42/2014 về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp, mọi loại hình dịch vụ hoặc các loại hình kinh doanh không phải là mua bán hàng hóa không được kinh doanh theo phương thức đa cấp. Thế nhưng, tình trạng biến tướng kêu gọi đầu tư tài chính, mô hình giống Công ty Liên Kết Việt gần đây lại rất phổ biến và đây cũng là hình thức để lại 
hậu quả nặng nề nhất.
Ông T., nhà ở Q.Tân Bình (TP.HCM), cho hay cách đây không lâu gần nhà ông mọc lên một cơ sở bấm huyệt. Dù biển hiệu là massage, bảo dưỡng sức khỏe nhưng thực chất là huy động vốn đa cấp. Từng vào công ty này, ông T. kể công ty chỉ có hai phòng massage với vài nhân viên nhưng bán rất nhiều “mã”. Mỗi mã trị giá 11,8 triệu đồng, khách được hưởng 12 lần bấm huyệt, tính ra gần 1 triệu đồng/suất. Vì vậy dù mua nhưng ít ai sử dụng dịch vụ mà chủ yếu muốn lấy lợi nhuận. Lợi nhuận bắt đầu trả lần đầu tiên sau 6-8 tháng, với mức 500.000 đồng. Lần 2 sau 12-16 tháng, mức 4,5 triệu đồng và lần 3 là sau khoảng 2 năm, với mức 20 triệu đồng. Tổng cộng nhà đầu tư bỏ ra 11,8 triệu sẽ nhận lại được 25 triệu 
đồng trong vòng 2 năm.
Hiện hoạt động huy động vốn đa cấp đã mở rộng ra nhiều hình thức, ngoài bán suất massage, chăm sóc sắc đẹp còn bán cả thực phẩm chức năng, trong đó đối tượng được nhắm đến chủ yếu là người già, bà nội trợ, người buôn bán nhỏ... Ông A. (Q.Phú Nhuận) cho biết từng bị dụ mua thực phẩm chức năng hết 4,7 triệu đồng nhưng sau đó không sử dụng được mà cũng không bán 
lại được cho ai.
Tại Kon Tum, công an thành phố này cũng xác nhận hiện có hàng trăm người dân ở Đắk Tô, Ngọc Hồi, TP Kon Tum tham gia góp vốn đa cấp với số tiền hàng tỉ đồng ở nhiều hình thức huy động vốn. Phương thức chủ yếu là các đơn vị huy động vốn sẽ tổ chức ký hợp đồng với người dân và cấp một mã số. Cứ giới thiệu được một người vào đường dây, người giới thiệu sẽ được hưởng 10% giá trị hợp đồng và hưởng theo cấp số nhân tương ứng với số người lôi kéo được... Trong số người tham gia có cả cán bộ nhà nước, 
viên chức, giáo viên...
Theo các chuyên gia, đây là một dạng biến tướng của bán hàng đa cấp, các công ty này không quan tâm đến hàng hóa, không trao đổi, tiếp thị để bán hàng mà chỉ huy động tài chính kêu gọi đầu tư nhiều mã sản phẩm để được hưởng lãi suất cao mà không cần lao động. Chiêu thức hiện nay của các công ty đa cấp là núp dưới vỏ bọc mua bán hoặc cung cấp một sản phẩm, dịch vụ nào đó để thu hút vốn. Họ không có bất kỳ hợp đồng ràng buộc nào với nhà đầu tư mà chỉ có các phiếu thu, đơn đặt hàng. Điểm chung của hầu hết các đơn vị này là quảng cáo về những khoản chi hoa hồng khổng lồ.
Theo luật sư Phạm Văn Thạnh - Đoàn luật sư TP.HCM, việc các công ty đa cấp bịa ra các đơn hàng để huy động vốn tiềm ẩn nhiều rủi ro cho nhà đầu tư. Huy động vốn của nhiều người mà chỉ cấp phiếu thu, biên nhận thì pháp luật không thừa nhận và nhà đầu tư không phải thành viên của doanh nghiệp đó. Đây chỉ là hình thức nhà đầu tư cho doanh nghiệp mượn tiền. Cũng theo ông Thạnh, các phiếu thu, đơn đặt hàng chỉ có giá trị pháp lý đối với doanh nghiệp đó. Trong trường hợp doanh nghiệp mất khả năng chi trả, nhà đầu tư coi như mất toàn bộ.
Một đại diện Sở Công thương TP.HCM cho biết về mặt pháp lý, các công ty này không được phép vì không có chức năng huy động vốn và trả lãi như ngân hàng vì đây là loại hình dịch vụ bị cấm không cho kinh doanh đa cấp.
Cần xử lý hình sự
Theo ông Phan Đức Quế - trưởng phòng điều tra xử lý các hành vi cạnh tranh không lành mạnh, Cục Quản lý cạnh tranh, qua các vụ bị xử lý hình sự như MB 24, Colony Invest, Tâm Mặt Trời... các doanh nghiệp này đều lợi dụng mô hình kinh doanh đa cấp để trục lợi, các đối tượng vi phạm không phải là các doanh nghiệp kinh doanh bán 
hàng đa cấp thật sự.
Nhìn lại vụ lừa đảo ở Công ty Liên Kết Việt với số người tham gia lên tới 45.000 người, giá trị lừa đảo tới 1.900 tỉ đồng, ông Quế cho rằng hoạt động bán hàng đa cấp được thực hiện bởi hệ thống có nhiều cấp, nhiều nhánh nên số lượng người tham gia thường rất lớn. Nhiều người dân mong muốn kiếm tiền nhanh chóng nên dễ dàng bị dụ dỗ. Thậm chí, nhiều người mặc dù biết các mô hình này là bất chính nhưng vì lợi nhuận họ vẫn tham gia.
Việc xử lý các đơn vị này, bà Trương Thị Nhi cho rằng các hành vi vi phạm cũng phức tạp vì nhiều doanh nghiệp vi phạm lợi dụng mô hình bán hàng đa cấp nên có sự chồng chéo giữa cơ quan cấp phép và cơ quan công an. Mặt khác, đối tượng người bị hại không có nơi cư trú ổn định và rất đông nên việc thụ lý điều tra gặp nhiều khó khăn. “Từ những vụ việc vừa qua, Nhà nước và các cơ quan chức năng liên quan cần hoàn thiện Luật kinh doanh đa cấp và đưa tội danh vi phạm bán hàng đa cấp vào Bộ luật hình sự để răn đe. Có như vậy, các doanh nghiệp kinh doanh bất chính sẽ không còn cơ hội để 
tồn tại” - bà Nhi nói.
Công ty Liên Kết Việt từng bị phạt 570 triệu đồng
Liên quan đến việc một số cá nhân Công ty Liên Kết Việt vừa bị khởi tố điều tra, ông Bạch Văn Mừng, cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh - Bộ Công thương, xác nhận cơ quan này đã cấp giấy phép hoạt động cho công ty này. Cục Quản lý cạnh tranh từng tiến hành hậu kiểm công ty vào ngày 15-7-2015. Kết quả, cục đã phát hiện Liên Kết Việt vi phạm hàng loạt quy định như: không thực hiện nghĩa vụ thông báo về hoạt động hội nghị, hội thảo; vi phạm về nghĩa vụ liên quan đến hoạt động đào tạo người tham gia và cấp thẻ cho người tham gia; cung cấp các thông tin gian dối và gây nhầm lẫn cho khách hàng về chất lượng, công dụng của sản phẩm...
Sau đó, Cục Quản lý cạnh tranh đã xử phạt Liên Kết Việt số tiền 570 triệu đồng. “Như vậy, Cục Quản lý cạnh tranh đã chủ động thực hiện hậu kiểm và đã xử lý nghiêm các hành vi vi phạm của Liên Kết Việt” - ông Mừng nói.
Tan cửa, nát nhà vì đa cấp
* Ông Phan Đức Quế 
(trưởng phòng điều tra xử lý các hành vi cạnh tranh không lành mạnh, Cục Quản lý cạnh tranh):
Tiếp tục quản lý chặt bán hàng đa cấp
Mô hình bán hàng đa cấp hiện được thừa nhận rộng rãi tại trên 170 quốc gia. Cũng tương tự một số nước trên thế giới ở giai đoạn đầu phát triển, bên cạnh mặt tích cực, bán hàng đa cấp tại VN cũng có tiêu cực. Để ngăn ngừa được những hiện tượng biến tướng của bán hàng đa cấp, Cục Quản lý cạnh tranh đã tham vấn cho Chính phủ và Bộ Công thương trong việc hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật điều chỉnh hoạt động bán hàng đa cấp theo hướng thắt chặt quản lý đối với hoạt động bán hàng đa cấp. Thực tế, Cục Quản lý cạnh tranh cũng đã tích cực kiểm tra, xử lý vi phạm... Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả tối đa cần phải có sự tham gia của các cơ quan quản lý, cộng đồng doanh nghiệp, cơ quan truyền thông và toàn thể xã hội. Và hơn ai hết, người dân cần phải có ý thức tự bảo vệ mình, cần tìm hiểu kỹ về pháp luật cũng như loại hình kinh doanh này để tránh bị lợi dụng bởi dấu hiệu nhận biết đa cấp bất chính không phải quá khó. Thực tế, Cục Quản lý cạnh tranh đã đưa danh sách những doanh nghiệp bán hàng đa cấp được cấp phép lên trang web, ai truy cập cũng có thể biết ngay danh sách.
1,4 triệu người tham gia bán hàng đa cấp
Theo Hiệp hội Bán hàng đa cấp VN, đến hết năm 2015 cả nước có 67 công ty được cấp phép bán hàng đa cấp, trong đó có 2 doanh nghiệp đã chấm dứt hoạt động nên hiện còn 65 doanh nghiệp, trong đó 11 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Năm 2015, theo thống kê của Bộ Công thương, doanh thu toàn ngành đạt hơn 7.000 tỉ đồng. Số lượng người tham gia bán hàng đa cấp tính đến cuối năm 2015 là có 1,4 triệu người trở thành nhà phân phối với số tiền hoa hồng chi trả khoảng 2.100 tỉ đồng. Theo bà Trương Thị Nhi - chủ tịch Hiệp hội Bán hàng đa cấp VN, Công ty Liên Kết Việt và Công ty Thiên Ngọc Minh Uy từng là thành viên của hiệp hội. Từ cuối tháng 12-2015, do vi phạm quy chế và điều lệ của hiệp hội nên hai doanh nghiệp này đã bị xóa tên.

http://tuoitre.vn/tin/kinh-te/20160229/tan-cua-nat-nha-vi-da-cap/1059112.html






Nguyên Phó Chánh văn phòng Trung ương trao bằng khen cho Liên Kết Việt nói gì?

(VTC News) - Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam - nguyên Phó Chánh văn phòng Trung ương Đảng nói về việc ông trao Bằng khen của Thủ tướng cho Tập đoàn Liên Kết Việt do Lê Xuân Hà đứng đầu.

Mới đây, trên mạng xã hội xuất hiện một clip dài hơn 8 phút ghi lại hình ảnh ông Nguyễn Văn Quyền - nguyên Phó Chánh văn phòng Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam -  trao tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho Công ty CP Tập đoàn Thiết bị Y tế Bộ Quốc phòng (BQP) do đối tượng Lê Xuân Hà, tức Lê Xuân Giang đứng đầu. 


Clip được cho là ghi lại tại “Đại hội hoa hồng” có chủ để “Đường đến vinh quang” do Công ty Liên Kết Việt – Công ty CP Tập đoàn Thiết bị Y tế BQP tổ chức vào tháng 12/2014 tại Hà Nội.

Hình ảnh trong clip cho thấy, sau khi đọc Quyết định trao tặng bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, một lãnh đạo Công ty CP Tập đoàn Thiết bị Y tế BQP đã nêu đích danh và mời ông Nguyễn Văn Quyền – nguyên Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam lên trao Bằng khen cho Tập đoàn Thiết bị Y tế BQP.

Lê Xuân Hà – Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Thiết bị Y tế BQP là người nhận Bằng khen.

Hình ảnh ông Nguyễn Văn Quyền trao Bằng khen cho Công ty CP Tập đoàn Thiết bị Y tế BQP. Ảnh cắt từ clip

Theo nội dung Bằng khen thì Công ty CP Tập đoàn thiết bị y tế BQP đã được Thủ tướng tặng Bằng khen vì có thành tích trong phát triển kinh tế và hoạt động từ thiện xã hội từ năm 2009-2014, góp phần vào sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa Xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

Ngày 4/3, phóng viên VTC News đã trao đổi với ông Nguyễn Văn Quyền – Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam liên quan đến clip nói trên. 

Mặc dù không nhớ chính xác thời gian, nhưng ông Nguyễn Văn Quyền xác nhận rằng, trước đây ông từng tham dự một hội nghị của Công ty CP Tập đoàn Thiết bị Y tế BQP tổ chức tại Thiên đường Bảo Sơn, Hà Nội. Tại hội nghị này, ông Quyền có trao Bằng khen cho Công ty Tập đoàn Thiết bị Y tế BQP. 

Tuy nhiên, ông Quyền cho biết, trước hội nghị, ông không hề được thông báo về việc mình được mời lên trao Bằng khen. Ông cũng không biết Bằng khen đó là thật hay giả.

“Khi tới đó, sau khi đọc Quyết định thì họ mời tôi lên để trao tặng nên tôi lên. Trước khi tới hội nghị tôi không biết nội dung đó,” ông Quyền nói.

Trả lời câu hỏi tại sao lại có mặt tại hội nghị nói trên, ông Nguyễn Văn Quyền cho biết, sự việc xuất phát từ việc khi đó vợ của Lê Xuân Hà (người đứng đầu Công ty Liên Kết Việt) là người làm việc ở Ban Chỉ đạo cải cách Tư pháp Trung ương – thuộc Văn phòng Trung ương Đảng. Vợ của Hà đã mời ông Quyền và một số đồng nghiệp khác tham dự hội nghị nói trên.

“Tôi chưa gặp và không biết mặt anh đó (Lê Xuân Hà – PV). Nhưng vợ anh ta trước đây làm ở Văn phòng Trung ương. Chị này mời, vì nhân tiện trong chuyến đi chơi tại Thiên đường Bảo Sơn nên tôi và mấy anh em trong Văn phòng Ban chỉ đạo cải cách Tư pháp mới tới hội nghị đó,” ông Quyền nói.

Ông Nguyễn Văn Quyền khẳng định, ông không hề có bất cứ quan hệ nào đối với Công ty của Lê Xuân Hà.

Clip: Ông Nguyễn Văn Quyền trao Bằng khen cho Công ty CP Tập đoàn Thiết bị Y tế BQP




Trước đó, ngày 19/2, cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, khởi tố bị can, thực hiện lệnh khám xét, bắt tạm giam đối với 7 lãnh đạo và tổng đại lý của Công ty Liên Kết Việt về tội danh "lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Các bị can bị tạm giam gồm Lê Xuân Giang (Lê Xuân Hà), Chủ tịch HĐQT; Nguyễn Thị Thủy, Lê Văn Tú, đều là Phó tổng giám đốc; Nguyễn Xuân Trường, Vũ Thị Hồng Dung, Lê Thanh Sơn, đều thuộc nhóm quảng bá, tuyên truyền, phát triển hệ thống đa cấp ở các tỉnh; Trịnh Xuân Sáng, phụ trách công nghệ thông tin của công ty này.
Cơ quan điều tra xác định, Lê Xuân Giang là người đứng đầu, lập ra Công ty Liên kết Việt, Giang đồng thời là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Thiết bị Y tế BQP.
Các mặt hàng kinh doanh của công ty Liên kết Việt khá nghèo nàn, chỉ một số máy làm sạch, máy chăm sóc sức khỏe, thực phẩm chức năng và được thực hiện kinh doanh dưới hình thức bán hàng đa cấp nhằm lừa đảo người tiêu dùng.
Theo cơ quan điều tra, vụ án “Lừa đảo, chiếm đoạt tài sản do Lê Xuân Giang cầm đầu xảy ra trong một thời gian ngắn (2014 - 2015) nhưng có tính chất rất phức tạp, quy mô rộng khắp 27 tỉnh, thành trên cả nước, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình chính trị, kinh tế và gây bức xúc trong xã hội.

Các đối tượng có hành vi, thủ đoạn lừa đảo mới, công khai trắng trợn tổ chức và tuyên truyền sai sự thật, khiến khoảng 60 nghìn người bỏ tiền tham gia vào hệ thống kinh doanh đa cấp của Công ty Liên Kết Việt và bị chiếm đoạt gần 1.900 tỷ đồng.
Vụ án đang được cơ quan chức năng tiếp tục điều tra, làm rõ. 

http://vtc.vn/nguyen-pho-chanh-van-phong-trung-uong-trao-bang-khen-cho-lien-ket-viet-noi-gi.2.597779.htm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.