Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

11/01/2016

Phan Đăng Lưu trên sân khấu chào mừng Đại hội XII (những bài khác)

Bài gần như sớm nhất sau công diễn đêm 7/1/2016, là của Kim Sơn trên báo ĐCSVN (đã đăng ở đây).


Dưới là các bài khác mới lên.


1. Một người cháu ruột (gọi là bác ruột) của Phan Đăng Lưu:


GS.TSKH Phan Đăng Nhật
Đ/c Phan Đăng Lưu sinh ngày 5-5-1902, tại xã Hoa Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An; con cụ Phan Đăng Dư và cụ bà Trần Thị Liễu. Đ/c là “một trí thức uyên bác” (Tố Hữu), giác ngộ chủ nghĩa Cộng sản ; đã đảm nhiệm xứ ủy Trung kỳ, trung ương ủy viên, rồi Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương. Sau khi đ/c Nguyễn Văn Cừ bị bắt (17-1-1940) Phan Đăng Lưu đảm đương công việc Tổng bí thư/ Bí thư trung ương. Sau khi đ/c Võ Văn Tần, Trung ương ủy viên cuối cùng bị bắt (21-4-1940), đ/c Phan Đăng Lưu tiếp tục chèo lái con thuyền cách mạng, vượt qua mọi khó khăn, giành thắng lợi. Ở hội nghị VII, đ/c từ chối nhiệm vụ Quyền bí thư , giới thiệu đ/c Đặng Xuân Khu, lúc bấy giờ là xứ ủy viên Bắc Kỳ, để mình nhận đi vào chỗ “sớm muộn cũng bị địch bắt” (lời đ/c Phan Đăng Lưu)
Cuộc đời hoạt động của đ/c rất phong phú , đa dạng:
- từ bỏ đời làm cán sự kỹ thuật canh nông, dấn thân vào hoạt động cách mạng  18 năm , từ đảng Tân Việt đến đảng Cộng  sản;
- 7 năm bị tù ở Buôn Ma Thuột;
- thời kỳ Mặt trận dân chủ , đ/c đã vận động và lãnh đạo công cuộc đấu tranh trong và ngoài Viện dân biểu Trung kỳ, rất thắng lợi;
- đã vận động và lãnh đạo có kết quả phong trào mặt trận thống nhất phản đế 1936-1940.
Về tri thức, đ/c uyên thâm văn hóa Á đông, đã qua 10 năm đèn sách, thông thạo tứ thư ngũ kinh, “đã đi thi hương cùng các cụ chống  gậy, khi còn để tóc trái đào” (lời cụ thân mẫu); và về sau, lưu loát Trung văn; uyên bác văn hóa Âu Mỹ, qua tiếng Pháp (“tự vị sống”) và tiếng Anh; giỏi cả tiếng Ê đê.
Ngoài ra đ/c giỏi bơi lội, leo trèo, viết chữ Hán rất đẹp, được bà con Nam Bộ tôn là “ông đồ mỹ tự” (theo nhà văn Sơn Tùng).
Về tính tình, đ/c rất điềm đạm, giản dị , cởi mở, vui vẻ, hài hước, thân thương, có sức thuyết phục cao đối với mọi tầng lớp, kể cả từ tên cướp ở Phú Yên, đến các vị đại thân sỹ và thượng lưu trí thức.
Với một cuộc đời như vậy, đ/c Phan Đăng Lưu đã hy sinh vì Tổ quốc,  tại pháp trường thực dân, phong kiến  ngày 26-8-1941, lúc 39 tuổi đời.
Chủ đề của vở cải lương được gói rất khéo trong tên gọi Hừng đông nói về giai đoạn cách mạng 35 -40 là bước mở ra ánh sáng của thời kỳ 40-45, tiền cách mạng Tháng Tám và CM tháng Tám. Mặc dầu Khởi nghĩa Nam Kỳ thất bại nặng nề, nhưng phía sau đã bừng lên ánh sáng thắng  lợi. Kể cả giai đoạn 35- 39 là một bước nối phong trào vận động quần chúng ngoài nghị trường, kết hợp với đấu tranh nghị trường.
Đ/c Phan Đăng Lưu là một nhân vật lịch sử ở cấp lãnh đạo cao của đảng Cộng sản Đông Dương đi xuyên suốt các năm 1935-36-39- 40. Cùng các đ/c  lãnh đạo khác, ông vừa là người lót đường cho lịch sử đi lên; vừa là cánh tay chèo lái tích cực, hiệu quả (có khi có thể tạm gọi là “đơn thương độc mã”, nghĩa là chỉ có một mình vừa là tổng bí thư, vừa là thường vụ, vừa là ủy viên chấp hành TƯ ); sáng tạo không ngừng , không ngừng phá bế tắc, khai thông lịch sử và đưa cách mạng đi lên. Khúc quanh bế tắc là ở đây. Lịch sử Đảng ta chưa bao giờ và mãi mãi không có bao giờ lặp lại bi kịch giống như vậy. Đ/c đã “đơn thương”  phá toang đường hầm, đem đến ánh sáng cho cách mạng, về phương diện tổ chức. Có mấy việc lớn liên hoàn:
- Lập lại Ban chấp hành từ con số không ủy viên chấp hành;
- Đề cử quyền tổng bí thư , từ chỗ tổng bí thư không có/bị bắt;
- Chuyển địa điểm trung ương ra Bắc, không ở Sài Gòn như trước.
Tất cả đều từ trong sự sáng tạo tư duy và sáng tạo hành đông của đ/c Phan Đăng Lưu, không biết bàn với ai và cấm chỉ không được lộ ra cho những đ/c không có chức trách. Tài trí , thông minh, sáng tạo Phan Đăng Lưu đã xoay chuyển lịch sử, khai thông bế tắc. Phương thức xử lý này đã giải thoát về mặt tổ chức Đảng, nhưng tự thân đẩy cá nhân đ/c vào chỗ bị tù đầy tra tấn dã man và kết thúc là tử hình. Đ/c ngang nhiên nhận lấy tình cảnh nêu trên, khi từ chối tổng bí thư: “Tôi biết đi vào đấy sớm muộn rồi cũng bị địch bắt”
Đây là một nhóm phương thức xử lý, tràn đầy phẩm chất anh hùng NHÂN-TRÍ –DŨNG, và nhờ đó Đảng được cứu vãn. Đây chỉ là một phen trong nhiều phen trong cuộc đời của đ/c Phan Đăng Lưu , với 18 năm hoạt động cách mạng và 39 năm dương thế. Ươc sao, tất cả các đ/c lãnh đạo Đảng ta đều luôn luôn Nhân Trí Dũng, thông minh, sáng tạo để nhân dân và dân tộc tránh khỏi thất bại, đau thương và thảm họa.
Nói chung vở Hừng đông đã thể hiện được nhân vật Phan Đăng Lưu với phẩm chất trên, trong một thời kỳ cách mạng hừng đông.  
Sau đây là một số  cảnh xử lý khéo, sáng tạo, gây  ấn tượng tốt.
1.Tiểu cảnh sự hiểu lầm của bà Danh (vợ đ/c Lưu)
Đ/c về quê, đang họp bí mật thì  có tin địch, mọi người phân tán, riêng đ/c Lưu và môt nữ đ/c trẻ được giao ở lại đóng vai đôi người yêu đang tâm sự. Chẳng may “địch” lại chính là bà Lưu. Đương nhiên là căng thẳng to giữa vợ chồng đ/c Lưu, giữa bà Lưu và nữ đ/c trẻ.  May quá , mọi người trở về cuộc họp, họ đều là người thân của gia đình, những người có uy tín như thầy Trần Văn Tăng (giáo viên trường huyện), thầy Trần Phú , thầy Thanh. Mọi người hiểu ra, cười và nói rõ đây là màn kịch đóng giả. Bà Lưu nhận ngay ra sự hiểu lầm của mình. Sự thắt nút khá chặt, nhưng khi mở nút cũng đủ bung ra, không khí sân khấu nhẹ hẳn đi.
2.Tiểu cảnh cụ Phan Bội Châu trên thuyền  Sông Hương
Hình tượng cụ Phan rất ấn tượng và rất tiêu biểu với khăn xếp, áo the đen, đôi kính mắt to, hàm râu quai nón rậm. Môi trường chọn cũng rất điển hình là câu cá trên thuyền Sông Hương.
Với tiểu cảnh gặp đ/c Phan Đăng Lưu và cụ Đào Duy Anh , cụ Phan thể hiện rất sắc nét phẩm chất “Ông già bến Ngự”. Vấn đề đối thoại cụ Đào đặt ra rất có “tính vấn đề”: thỉnh vấn cụ Phan về đ/c Nguyễn Ái Quốc; liên quan là, xác định các nhân vật trong câu sấm phổ biến ở xứ Nghệ đương thời “Đông thành sinh thánh, Nam Đường sinh tướng”.Thẳng thắn và lão trượng, cụ Phan đánh giá cao đ/c Nguyễn Ái quốc.
3.Tiểu cảnh hội nghị ở Tân Hương
Sáng tạo ở đây là hội nghị họp dưới màn che là buổi hát cải lương.Tôi chưa đọc ở sách báo nào viết hội nghị này mượn vỏ cải lương, nhưng tin được và cảm thấy thú vị. Ở xứ cải lương, họp bí mật đông người thì ngụy trang cải lương là hợp quá, vả lại như vậy sinh động, thay vì cho giơ tay xin phép và đứng lên ngồi xuống, là đàn hát. Không rõ đạo diễn Trung Kiên đã nghe câu chuyện như vậy bao giờ chưa, nếu chưa thì có thể cấp cho đạo diễn một bằng sáng tạo.
Về nội dung cuộc họp, điểm nhấn mạnh rất đúng, hợp lý là tranh cãi gay gắt với đ/c Lưu về việc hoãn khỡi nghĩa. Thực tế đã diễn ra như vậy. Trên sân khấu, thậm chí có một đ/c đã nói kháy đ/c Lưu, do không bị giặc tàn sát gia đình nên chủ trương hoãn. Đ/c bị chặn đứng , thông cảm vời tình cảm thiêng liêng nên đ/c im lặng. Im lặng là hợp tình thế, nhưng nhanh nhẹn, đ/c chuyển sang nguyên tắc tổ chức: phải có lệnh của Trung ương.
5.Tiểu cảnh hội nghị VII ở Bắc Ninh
Điểm nhấn của hội nghị là sự kiện đ/c Lưu giao lại nhiệm vụ tổng bí thư cho đ/c Đặng Xuân Khu, lúc bấy giờ mới là xứ ủy viên Bắc Kỳ, còn mình thì sẵn sàng đi vào chốn tù đày, tra tấn và tử hình. Đây là một phẩm chất rất tốt đẹp của nhưng người cộng sản tiền bối, tất cả vì Đảng và Tô quốc, kể cả phải đánh đổi tính mệnh của mình. Có như thế mới có thành công đương thời và từ đó dẫn đến những chiến quả vô giá mà ngày nay chúng ta được tận hưởng: độc lập- hòa bình -thống nhất. Mong mọi người nhìn lại lịch sử một cách công bằng, kể cả những người đương quyền, đang ngụp lặn trong vũng bùn-máu tham nhũng, đồi trụy và cả những người đứng trên bờ phê phán “cả nắm” nặng nề.
Tóm lại, vở cải lương Hừng đông là một thành công lớn , đã đem lại cho khán giả những  cảm thụ thẩm mỹ cao cả, về một giai đoạn lịch sử cách mạng bi tráng mà nhân vật điển hình là một trí thức cách mạng uyên thâm, thông minh, sáng tạo, thân thương- đồng chí Phan Đăng Lưu.
Thành công của vở Hừng đông  đã được bộc lộ một phần  ở công chúng khán giả mà chúng tôi được chứng kiến là đêm 7-1-2015 tai rạp Hồng Hà (Hà Nội). Người xem  chiếm đầy tất cả các hàng ghế, thài độ văn minh , lịch sử và đồng cảm, cổ vũ diễn viên, nhiều tràng vỗ tay tán thưởng vang lên cuối những lớp diễn và câu ca   xúc động.
Xin bày tỏ lời cám ơn tất cả đoàn đã có công lao cho Hừng đông:
-Tác giả kịch bản: PGS. TS Nguyễn Thế Kỷ,
-Tác giả chuyển thể: Hoàng Song Viêt.,
-Đạo diễn: NSUT Triệu Trung Kiên,
-Thiết kế mỹ thuật: Họa sỹ Doãn Bằng,
-Biên đạo múa: Quốc Tuấn,
-Thiết kế và thực hiện phục trang: nhà may Minh Hùng,
-Đoàn 1, nhà hát cải lương Việt Nam, trong đó nhiều nghệ sỹ xuất sắc: NS Quang Khải (vai Phan Đăng Lưu), NS Thu Hiền (vai bà Lưu), NS Như Quỳnh (vai Minh Khai),…và nhiều nghệ sỹ nữa.
Cuối cùng, chúng tôi mong muốn tác giả kịch bản và đạo diễn suy nghĩ lại và điều chính màn khai từ. Ý tưởng của màn này tốt: bày tỏ lòng tri ân cùa các thế hệ ngày nay, nhất là lớp trẻ, đối với các bậc tiền bối đã hy sinh tất cả cuộc đời, niềm vui, hạnh phúc và tính mạng của mình để đem lại cho ngày nay những giá trị cao quý là độc lập-tự do-thống nhất. Tuy nhiên, sự nghệ thuật hóa ý tưởng chính trị trên còn sượng, chưa chín, lại tốn kém nhiều thì giờ và tốn nhiều nhân vật. Đạo diễn là nhân vật ẩn mình, lại phải lộ hình trên sân khâu hai đợt để diễn giảng. Cùng vớikhai từ phải kể đến bế từ nữa chứ, “cẩn thận và chu đáo” quá. Cần chuyển hóa ý tưởng đẹp thành nghệ thuật đep, nếu khó quá thì bỏ đi còn hơn. Công chúng ngày nay đủ tinh nhạy để biết sân kháu muốn nói gì với họ./.

http://mactoc.com/newsdetail/3514/hoi-ong-mac-toc-viet-nam-du-buoi-dien-au-tien-vo-cai-luong-hung-ong.aspx







2. Trang Mạc tộc Việt Nam:



Nhận lời mời của Ban tổ chức và tác giả của vở Cải lương “ HỪNG ĐÔNG” PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Đoàn Đại biểu Hội đồng Mạc tộc Việt Nam do Ông Thái Khắc Việt – Chủ tịch HĐMTVN dẫn đầu đã đến dự buổi công diễn đêm đầu tiên ( 07/1/2016) vở cải lương “ Hừng Đông ”. Đoàn gồm có GS.TSKH Phan Đăng Nhật - Nguyên Chủ tịch HĐMTVN,GS. TSKH Phan Sỹ An- TBT trang Web mactoc.com, Ông Phan Đăng Long- Phó Chủ tịch HĐMTVN- Trưởng ban BLL họ Mạc Hà Nội cùng nhiều thành viên Mạc tộc VN và gia đình của Đ/C Phan Đăng Lưu.
Vở cải lương “ Hừng Đông ” do Tác giả PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Đạo diễn NSUT Triệu Trung Kiên do Nhà hát Cải lương Việt Nam công diễn. Đây là vở Cải lương nói về Đ/C Phan Đăng Lưu, Người chiến sỹ Cộng sản,Nhà lãnh đạo kiên trung, xuất sắc,mẫu mực,có tầm nhìn xa trông rộng, mưu lược, khôn khéo,bản lĩnh, nhân văn, xả thân vì nghĩa lớn, Ông còn là Nhà báo, nhà văn, một nhà lý luận tiên phong xuất sắc tiêu biểu của Đảng và cách mạng nước ta. Trí tuệ, bản lĩnh, tài năng, đạo đức và nhân cách của Ông đã góp phần xuất sắc cho Đảng, cho cách mạng cho nhân dân ở một giai đoạn đầy vẻ vang,đầy bão táp, tạo tiền đề quan trọng tiến tới cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công. Đặc biệt có thời điểm, khi Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ và hầu hết Ban Chấp hành Trung ương Đảng bị địch bắt (năm 1940), chỉ còn duy nhất Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng là Phan Đăng Lưu chưa bị bắt đang trực tiếp lãnh đạo Xứ ủy Nam Kỳ. Tại Hội nghị trung ương 7, nhiều ý kiến đề cử Phan Đăng Lưu làm Tổng Bí thư của Đảng vì ông là Ủy viên thường vụ Trung ương Đảng duy nhất còn ở ngoài nhà tù, nhưng bằng sự khiêm nhường,sáng suốt,ông phân tích tình hình,đề cử đồng chí Đặng Xuân Khu (tức Trường Chinh) làm quyền Tổng Bí thư của Đảng. Ông nói rõ một điều sâu sắc mà xúc động, ông phải vào ngay Nam Kỳ, đồng chí, đồng bào trong đó đang trông chờ từng ngày từng phút sự chỉ đạo của Đảng, của ông. Ông nắm chắc tình hình, quen thuộc anh em, đồng chí trong đó, mặt khác, ông trở lại Nam Kỳ, rất có thể, kẻ thù sẽ bắt được ông, sẽ tử hình ông, rồi Trung ương lại phải bầu một Tổng Bí thư khác.Và thực tiễn cách mạng đã diễn ra như ông nói. Ngay sau Hội nghị Trung ương 7, với trọng trách Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng, Phan Đăng Lưu tức tốc trở lại miền Nam. Khi ông chưa kịp về đến Sài Gòn - Chợ Lớn thì khởi nghĩa Nam Kỳ đã bùng nổ. Khí thế cách mạng ngút trời, kẻ thù dìm Khởi nghĩa Nam Kỳ trong biển máu. Như một tất yếu đớn đau, Phan Đăng Lưu và nhiều đồng chí khác bị địch bắt, bị tra tấn dã man và ngã xuống trước hừng đông độc lập, tự do của đất nước. Những cống hiến to lớn, xuất sắc của Phan Đăng Lưu, tấm gương cộng sản sáng ngời của ông mãi mãi được toàn Đảng, toàn dân ta và các thế hệ mai sau đời đời trân trọng, ghi nhớ, ra sức học tập, noi theo.
Đây là Vở cải lương được công diễn chào mừng Đại hội XII của Đảng, đã thu hút nhiều khán giả và để lại nhiều ấn tượng và xúc động mãnh liệt đối với người xem, nhiều câu nói, hành động của Phan Đăng Lưu đã được nhiều tràng vỗ tay khâm phục.
Cuối buổi diễn, thay mặt HĐMTVN, Ông Thái Khắc Việt đã lên sân khấy tặng hoa Tác giả PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ và Diễn viên Quang Khải đóng vai Phan Đăng Lưu rất thành công.
    Phóng viên “ mactoc.com” thực hiện
http://mactoc.com/newsdetail/3514/hoi-ong-mac-toc-viet-nam-du-buoi-dien-au-tien-vo-cai-luong-hung-ong.aspx




3. Trang Mạc tộc Hà Nội:


Cuộc đời nhà Cách mạng Phan Đăng Lưu qua vở diễn Hừng Đông

Tối 7/1, tại rạp Hồng Hà (Hà Nội), Nhà hát Cải lương Việt Nam đã công diễn vở cải lương mang tên “Hừng đông”. Vở diễn là công trình văn hóa thiết thực chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng.
Đến dự đêm công diễn có đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân – Ủy viên Bộ Chính trị – Phó Chủ tịch Quốc hội, đồng chí Nguyễn Thế Trung – Ủy viên Trung ương Đảng – Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương cùng lãnh đạo một số ban, bộ ngành cùng hậu duệ của nhà Cách mạng Phan Đăng Lưu
Vở kịch đã khắc họa khí phách hiên ngang của Phan Đăng Lưu – một lãnh tụ tiền bối xuất sắc của Đảng. Phan Đăng Lưu – một trí thức cách mạng tiêu biểu (Lời Cố Tổng bí thư Lê Duẩn). Ông là một người có tầm nhìn xa trông rộng, mưu lược, bản lĩnh, nhân văn, xả thân vì nghĩa lớn.
Vở diễn được dàn dựng với 8 cảnh chính. Cảnh mở màn được bắt đầu với sự xuất hiện của một ban nhạc trẻ 9X trong thời hiện đại, họ là những người trẻ dẫn dắt cho tuyến câu chuyện quá khứ được bắt đầu. Tiếp sau đó, câu chuyện về nhà cách mạng Phan Đăng Lưu được bắt đầu khi ông tận mắt chứng kiến sự bóc lột tàn bạo, dã man của chế độ thực dân với người dân An Nam ngay trên mảnh đất quê hương. Căm giận trước tội ác thực dân, Phan Đăng Lưu đã tích cực tuyên truyền, vận động quần chúng đứng lên đấu tranh và tham gia Hội Phục Việt – sau này đổi thành Tân Việt Cách mạng Đảng. Phan Đăng Lưu gặp gỡ cụ Phan Bội Châu, qua đó tìm hiểu thêm về con đường cách mạng của Nguyễn Ái Quốc và mong muốn được gặp Người.
Sau nhiều lần sang Quảng Châu để bàn việc hợp nhất giữa Tân Việt Cách mạng Đảng và Hội Việt Nam Cách mạng Thanh Niên không thành, tháng 9 năm 1929, Phan Đăng Lưu bí mật đi Hải Phòng để sang Trung Quốc tiếp tục bàn việc hợp nhất giữa hai tổ chức cách mạng. Tại đây, ông bị mật thám theo dõi và bắt đưa về giam ở Vinh. Tháng 11 năm 1929, ông bị kết án 3 năm tù khổ sai đày đi Buôn Ma Thuột. Đây là một trong những cảnh xúc động nhất về cuộc đời của nhà cách mạng Phan Đăng Lưu trong vở Hừng Đông. Ở tù, Phan Đăng Lưu vẫn tích cực hoạt động, vận động anh em học tiếng Ê-đê để thực hiện công tác binh vận, viết báo gửi ra ngoài tố cáo chế độ tàn bạo của thực dân Pháp. Đỉnh điểm của vở diễn là cảnh sục sôi chuẩn bị cho khởi nghĩa Nam Kỳ, Phan Đăng Lưu khuyên Xứ ủy hãy chờ xin chỉ thị của Trung ương. Sau đó đồng chí triệu tập và chủ trì Hội nghị Trung ương lần thứ 7. Tại đây đồng chí đã phân tích tình hình cách mạng Nam Kỳ và đề nghị Trung ương ra chỉ thị hoãn khởi nghĩa Nam Kỳ. Tại Hội nghị, ông được đề cử làm Tổng Bí thư, nhưng ông không nhận, vì cho rằng mình cần về miền Nam. Biết rằng cuộc khởi nghĩa phần nhiều thất bại, nhưng Phan Đăng Lưu vẫn dấn thân lãnh đạo và khắc phục cuộc khởi nghĩa. Cuối cùng, ông bị bắt và bị xử tử. Cảnh này đã đem đến cho người xem những xúc cảm mạnh mẽ chứng kiến những gương hi sinh, không vụ lợi, không toan tính. Họ đã nêu cao tấm gương cộng sản, cho đồng chí, đồng bào noi theo.
Nhà Cách mạng Phan Đăng Lưu bên người cha già Phan Đăng Dư trong một lần ông về thăm nhà khi ông chuyển từ Phú Thọ về Diễn Châu làm việc, bắt đầu cuộc đời hoạt động Cách mạng tại quê nhà
Nhà Cách mạng Phan Đăng Lưu và cụ thân sinh trong một lần ông về thăm nhà khi ông chuyển từ Phú Thọ về Diễn Châu làm việc, bắt đầu cuộc đời hoạt động Cách mạng tại quê nhà
Phan Đăng Lưu và Đào Duy Anh gặp gỡ cụ Phan Bội Châu tại Bến Ngự (Huế)
Phan Đăng Lưu và Đào Duy Anh gặp gỡ cụ Phan Bội Châu tại Bến Ngự (Huế)
Phan Đăng Lưu bị đưa ra xử cùng 60 Đảng viên Tân Việt Cách mạng Đảng và bị kết án 3 năm tù khổ sai, bị giam giữ tại nhà tù Buôn Ma Thuột.
Phan Đăng Lưu bị đưa ra xử cùng 60 Đảng viên Tân Việt Cách mạng Đảng và bị kết án 3 năm tù khổ sai, bị giam giữ tại nhà tù Buôn Ma Thuột.
Phan Đăng Lưu, Tạ Uyên, Nguyễn Thị Minh Khai họp tại hội nghị xứ ủy Nam Kỳ mở rộng bàn về khởi nghĩa Nam Kỳ
Phan Đăng Lưu, Tạ Uyên, Nguyễn Thị Minh Khai họp tại hội nghị xứ ủy Nam Kỳ mở rộng bàn về khởi nghĩa Nam Kỳ
Phan Đăng Lưu chủ trì Hội nghị Trung ương 7 tháng 11/1940 gồm các đồng chí Đặng Xuân Khu, Hoàng Văn Thụ, Hoàng Quốc Việt.
Phan Đăng Lưu chủ trì Hội nghị Trung ương 7 tháng 11/1940, hội nghị  có sự tham dự của các đồng chí Đặng Xuân Khu, Hoàng Văn Thụ, Hoàng Quốc Việt
Phan Đăng Lưu bị tòa án binh kết án tử hình khi ông quay trở lại Sài Gòn truyền đạt lệnh  của Trung ương hoãn khởi nghĩa Nam Kỳ.
Phan Đăng Lưu bị tòa án binh kết án tử hình khi ông quay trở lại Sài Gòn truyền đạt chỉ thị của Trung ương hoãn khởi nghĩa Nam Kỳ.
Ngày 26/8/1941, đồng chí Phan Đăng Lưu và nhiều chiến sỹ Cách mạng ưu tú đã ngã xuống trước hừng đông của độc lập, tự do. Trước họng súng của kẻ thù, ông vẫn tràn đầy khí phách hiên ngang của người cộng sản, là tấm gương  chiến đấu và hy sinh anh dũng cho lý tưởng dân tộc, là nhà lãnh đạo tiền bối xuất sắc của Đảng Cộng Sản Việt Nam.
Ngày 26/8/1941, đồng chí Phan Đăng Lưu và nhiều chiến sỹ Cách mạng ưu tú đã ngã xuống trước hừng đông của độc lập, tự do. Trước họng súng của kẻ thù, ông vẫn tràn đầy khí phách hiên ngang của người cộng sản, là tấm gương chiến đấu và hy sinh anh dũng cho lý tưởng dân tộc, là nhà lãnh đạo tiền bối xuất sắc của Đảng Cộng Sản Việt Nam.
Bài và ảnh: Phan Đăng Thuận


Trang thông tin nội bộ Ban liên lạc Họ Mạc Hà Nội

Phó trưởng ban thường trực: Bùi Trần Tuấn

Tổng biên tập: Phan Đăng Thuận

Địa chỉ liên hệ: P.2110, Nhà A2, 151A Nguyễn Đức Cảnh, P.Tương Mai, Q.Hoàng Mai, TP.Hà Nội

Điện thoại: (04) 36627706


Email: thuanphanmac@gmail.com



4. Khác:


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.