Bài nhận qua mail.
Anh Nguyễn Cung Thông mong nhận được góp ý, phản luận.
Từ đây trở xuống là nguyên bài.
---
Nguồn gốc Việt (Nam) của tên 12 con giáp - Thân Khôn khọn (khỉ) - phần 6A
Nguyễn
Cung Thông
nguyencungthong@yahoo.com
Trong lịch sử văn hóa TQ (Trung Quốc), phải
công nhận là các học giả Hán xưa kia rất chịu khó viết lách và đã để lại nhiều
tài liệu phong phú cho hậu thế. Tuy nhiên, các chủ đề được ghi nhận qua chữ Hán
không có nghĩ là chúng có xuất xứ từ TQ, mà đa số từ quá trình giao lưu văn hóa
ngôn ngữ theo dòng thời gian - càng lâu bao nhiêu thì lại càng khó truy nguyên
và xác định nguồn bấy nhiêu. Thí dụ như chữ Phật 佛, nghĩa cổ nhất là người giúp (phụ tá,
dùng như chữ bật/bột 弼)
trong Kinh Thi, nhưng khi đạo Phật truyền đến Trung Nguyên thì Phật lại mang
nghĩa mới chỉ tôn giáo (Phật giáo). Nghĩa mới này hầu như hoàn toàn thay đổi
nghĩa cổ của Phật trong
văn hóa Hán cổ. Đặc biệt là tiếng Việt chúng ta vẫn duy trì hai dạng Bụt và Phật1,
phản ánh các giai đoạn tiếng Phạn (kinh Phật) nhập vào Á Châu: Bụt là âm cổ gần
với động từ Phạn budh- có nghĩa là biết, ý thức được ... Tiếp vị ngữ (hậu tố/suffix)
-a thêm vào động từ budh- cho ra dạng buddha बुद्ध
nghĩa là đã giác ngộ (past participle, động từ chỉ quá khứ), người đã giác ngộ
(dịch là giác giả). Nếu thêm a- vào trước budh- hay là thêm tiền tố (prefix)
thì ta có dạng a-budhá अबुध
là ngu đần; Các dạng liên hệ khác là bodhi बोधि
(phiên âm HV bồ đề 菩
提,
tiếng Nhật bodai hay satori ) là biết lẽ chân chính (dịch nghĩa là chính giác 正覺), bauddha बौद्ध
giữ trong trí óc (tinh thần) ... Khi soạn Thuyết Văn Giải Tự/TVGT, cuốn tự điển
từ nguyên đầu tiên của chữ Hán, học giả Hứa Thận thời Đông Hán đã xếp chữ dự
vào bộ tượng. Đây cũng là lần đầu tiên 540 bộ thủ xuất hiện và trong bộ tượng
chỉ có hai chữ là tượng và dự 豫
(vui) là voi (một dạng ký âm của tiếng phương Nam nhập vào tiếng Hán) - một
loài thú to lớn và nổi tiếng ở Nam Việt2
TVGT
biên hiệu 6103 豫:象之大者 Dự : tượng chi đại giả
TVGT
biên hiệu 6102 象:長鼻牙,南越大獸,三秊一乳,象耳牙四足之形 Tượng :trường tị nha ,
Nam Việt đại thú , tam niên nhất nhũ , tượng nhĩ nha tứ túc chi hình.
Hứa Thận 許慎
đã ghi nhận khá chính xác vào thời Đông Hán nghĩa của các chữ này, thời sau và
đến nay dự và tượng lại thuộc vào bộ thỉ (con heo/lợn, một sai lầm đáng chú ý).
Trong phạm vi bài viết nhỏ này, vài trường hợp tiêu biểu trên như Bụt/Phật,
voi/vui (dự) cho ta một góc nhìn rộng hơn để đặt vấn đề với nguồn gốc tên gọi
12 con giáp khi tiếng Việt còn duy trì các dạng âm cổ hơn như *tlu (tru, trâu)
so với Sửu, mẹo (mèo) so với Mão, *kui (cúi) so với Hãi/Hợi, ngựa so với Ngọ, *mvei
dê so với Mùi (Vị) ...v.v...
Phần này viết về chi thứ 9 Thân, truy
nguyên nguồn gốc của chữ Thân không cho thấy một liên hệ gì đến loài khỉ trong
văn hóa ngôn ngữ Hán, tuy nhiên khi xem lại các dạng âm cổ của Thân và tiếng Việt
thì ta có vài tương đồng và gợi ý thêm về nguồn gốc Việt (Nam) của tên gọi 12
con giáp. Các chữ viết tắt trong bài BK (Bắc Kinh), TVGT Thuyết Văn Giải Tự
(khoảng 100 SCN), NT (Ngọc Thiên/543), ĐV (Đường Vận/751), NKVT (Ngũ Kinh Văn Tự/776),
LKTG (Long Kham Thủ Giám/997), QV (Quảng Vận/1008), Tập Vận (TV/1037/1067), CV
(Chính Vận/1375), TVi (Tự Vị/1615), VB (Vận Bổ/1100/1154), VH (Vận Hội/1297),
LT (Loại Thiên/1039/1066), CTT (Chính Tự Thông/1670), Tự Vị Bổ (TViB/1666), KH
(Khang Hi/1716), HNĐTĐ (Hán Ngữ Đại Tự Điển/1986), Thiết Vận (ThV/601), Vận
Kinh (VK/1161). Dấu hoa thị * dùng để chỉ âm cổ phục nguyên (reconstructed
sound). Không nên lầm số thứ tự chỉ phụ chú với thanh điệu thường ghi sau vần
(âm tiết).
1.
Chữ Thân 申
1.1 Xem lại các dạng khắc/vẽ và viết của chữ Thân
trên giáp cốt văn, kim văn, tiểu triện, khải thể ... Ta thấy ngay là nguồn gốc
chữ Thân không dính líu gì đến loài vật nào cả, có thể là hình tia điện hay chớp
ngoằn nghoèo (cho nên hợp với bộ thị thành chữ thần 神, hay hợp với bộ vũ thành chữ điện 電 ...)
- trích từ trang
http://www.zdic.net/z/1f/zy/7533.htm hay http://www.chineseetymology.org/CharacterEtymology.aspx?submitButton1=Etymology&characterInput=%E7%94%B3
Cũng như các chữ dự (vui voi), Phật (Bụt)
bên trên - ta hãy tìm xem các dạng âm cổ hơn của Thân. Âm Thân phù hợp với các
cách đọc âm Hán trung cổ (Đường, Tống) và với biến âm s(h) > t(h) thường gặp
trong tiếng Việt như shī thi/thơ, shí thập, shì thích, shù thụ, shāo thiêu,
shuǐ thủy ...v.v... Không thấy dạng tín
hay tấn (khứ thanh, thời Chánh Vận) của Thân trong tiếng Việt nên có khả năng
là âm Thân đã hiện diện trong tiếng Việt ít nhất từ thời trung cổ (Đường Tống).
Chữ thân 申 (thanh mẫu thẩm 審,
vận mẫu chân 真, bình/khứ thanh, khai khẩu tam đẳng)
có các cách đọc theo phiên thiết
失人切 thất nhân thiết (TVGT,
ĐV, QV, T, LTV) - TV ghi bình thanh
失人反 thỉ nhân phản (LKTG)
式神切 thức thần thiết (NT,
TTTH)
升人切,音身 thăng nhân thiết, âm
thân (VH, CV, TVKC 集韻考正, TVi, LTCN 六書正𨫠)
思晉切,音信 tư tấn thiết, âm tấn
(TV, LT, VH, CV, TVi) - TV ghi khứ thanh
試刃切 thí nhận thiết (TV, LT)
TNAV ghi vận bộ 真文
chân văn (bình dương, không thấy ghi khứ thanh)
CV ghi bình thanh và cùng vần 申
真
伸
信
呻
紳
身
娠
柛
(chân thân thần)
CV cũng ghi khứ thanh và cùng vần 信
訊
訙 迅
阠 汛
申
(tín tấn *thấn)
審人切,音身
thẩm nhân thiết, âm thân (CTT)
...v.v...
Giọng BK bây giờ là shēn xìn so với giọng
Quảng Đông san1, các giọng Mân Nam Bao'an] sin1 [Dongguan] sin1 [Hong Kong]
sin1 [Kwangtung] s'in1 [Hailu] s'in1 [Siyan] siin1 [Meixian] shin1, giọng Mân
Nam/Đài Loan sin1, tiếng Nhật shin và tiếng Hàn sin.
1.2 Chính cách đọc Thân so với Thần (Thìn 辰 chi thứ năm, tiếng Nhật
đọc Thân và Thần/Thìn là shin, tiếng Hàn là sin) cũng như Tý so với Tỵ (Tị) khiến
cho ta có lý do không đặt vấn đề về nguồn gốc tên gọi 12 con giáp là từ các tiếng
Nhật hay Hàn cổ đại, các ngôn ngữ này không có thanh điệu nên không phân biệt
giữa các chi Thân và Thần (Thìn), Tý và Tỵ (Tị) - tuy rằng các văn hóa ngôn ngữ Nhật và Hàn đều
có giao lưu với văn hóa Hán qua bao ngàn năm (đồng văn) cũng như Văn hóa ngôn
ngữ Việt. Như vậy thì Thân có tương quan nào với tên gọi con khỉ tiếng Việt?
2.
Một dạng âm cổ của Thân là khôn hay *khj(u)on
Để xem âm cổ của Thân có hình dạng ra sao,
một cách tìm là tra các cách đọc khi chữ Thân được dùng làm thành phần hài
thanh (thanh phù). Thí dụ như các chữ hiếm sau đây: chữ Thân hợp với bộ hòa để
cho âm sân (sửu nhân thiết/KH trích Thiên Hải), chữ Thân hợp với bộ khuyển để
cho âm sân (si lân thiết/TV - nghĩa là cuồng si). Một chữ dùng bộ thổ hợp với
chữ Thân rất đáng chú ý là chữ khôn. Chữ khôn 坤
(thanh mẫu khê 溪 vận mẫu hồn 魂
bình thanh, hợp khẩu nhất đẳng) có các cách đọc theo phiên thiết
苦昆切 khổ côn thiết (TVGT, QV)
苦魂切 khổ hồn thiết (NT, TTTH)
枯昆切,音髡。地也
khô côn thiết, âm khôn - địa dã (TV, VH, LT, CV) - "địa dã" ghi từ thời
TVGT cho đến các thời TV, LT ...
TNAV ghi vận bô 真文
chân văn
枯昆切,悃平聲
khô côn thiết, khổn bình thanh (TVi, CTT)
區倫切 khu luân thiết (TVi)
巨員切,音拳 cự viên thiết, âm quyền
(TVi, KH)- CTT ghi âm quyền
音囷
âm khuân (CTT)
...v.v...
Giọng BK bây giờ là kūn so với giọng Quảng
Đông kwan1 và các giọng Mân Nam 客家话:[台湾四县腔] kun1 [梅县腔] kun1 [陆丰腔]
kun1 [客英字典]
kwun1 [宝安腔]
kun1 [客语拼音字汇]
kun1 [东莞腔]
kun1 [沙头角腔]
kun1 [海陆丰腔]
kun1, giọng Mân Nam/Đài Loan khun1, tiếng
Nhật kon và tiếng Hàn kon. Một dạng âm cổ phục nguyên của khôn là *kʰuən
hay * kʰjun
(so với khon tiếng Việt). Âm HV khôn đọc rất khác với Thân 申, theo người viết có thể
là một dạng âm cổ3 của Thân - thổ 土 nghĩa là đất rồi, nên chữ Thân bên phải
khó mang cùng chức năng chỉ ý như vậy, dạng Thân hiện diện trong tiếng Việt rất
lâu đời, khác với các dạng khuân hay quyền. Ngoài ra, TVGT ghi khôn là địa dã
(chỉ đất), như vậy chữ Thân có khả năng là thanh phù - ý này khác với nhận xét
của học giả Đoàn Ngọc Tài cho rằng khôn là chữ hội ý ("TVGT Chú"); điều
này cũng thấy ghi trong tự điển “形聲。從土,申聲 hình thanh, tòng thổ Thân thanh” trang này
http://www.zdic.net/z/17/xs/5764.htm.
Khôn còn là một quẻ (một trong bát quái) có mặt trong Kinh Dịch, phản ánh cách
dùng từ thời cổ đại - càn khôn (trời đất) mở rộng nghĩa chỉ cha mẹ, vua tôi,
trai gái, chồng vợ, âm dương, mặt trời và mặt trăng ...
3.
Khọn là (con) khỉ tiếng Việt
Tiếng Việt xưa dùng khọn để chỉ con khỉ4,
trích Đại Nam Quấc Âm Tự Vị, trang 499 - Tome I - của cụ Huỳnh Tịnh Của
(Imprimerie Rey, Curiol & Cie, SaiGon 1895):
Khọn
n. khỉ
Con
khọn id.
Làm
tuồng mặt con khọn làm mặt khỉ ...
Làm
con khọn id. Làm chẳng nên sự gì (tiếng
mắng)
…
Như vậy là ta có một dây nối âm cổ của
khôn và khon. Tương quan của nguyên âm ô (khôn) và o (khon) khá phổ thông khi
so sánh các cặp từ độc đọc, khốc khóc, lộc lọc, lô lò, bộ pho, nỗ nỏ (ná), nộn
non, môn món, mỗi mọi, mô mọ, khố kho, hô hò, độ đo ...v.v... Sự khác biệt
thanh điệu giữa khôn (bình thanh) và khọn (khứ thanh) có thể vì các âm này đã
hiện diện trong tiếng Việt qua một thời gian rất lâu nên mang âm vực khác nhau
như 墓 mộ mả mồ mô, 研 nghiên
nghiền nghiện nghiến nghiễn, 箭
tiễn tên, 利 lị lãi lợi lời ...v.v...
Tóm lai. ta có cơ sở để đề nghị một khả
năng là âm khôn có liên hệ với khọn (con khỉ), so với chữ và âm khôn 申 tiếng Hán không có
một tương quan nào đến loài khỉ của 12 con giáp. Điều này cho ta đặt lại vấn đề
nguồn gốc của tên gọi 12 con giáp, mà tiếng Việt rất gần gũi với tên gọi các
loài vật tương ứng, không phải là từ văn hóa Hán như nhiều người đã lầm tưởng
qua bao ngàn năm nay và từ Tây sang Đông. Ngoài ra, các dữ kiện khác gợi ý ở
trên như cách gọi Bụt (Phật) hay dự (vui - voi) cũng cho thấy liên hệ ngữ âm
xưa và nay còn bảo lưu trong tiếng Việt, tương tự như trường hợp tên gọi 12 con
giáp vậy. Đương nhiên là cần nhiều dữ kiện ngôn ngữ và khách quan khác như từ
khảo cổ, phân tích DNA, lịch sử ... để ta có thể khẳng định nguồn gốc tên gọi
12 con giáp cho chính xác hơn nữa. Có lẽ sẽ không ‘nghịch lý’ khi nhìn rộng ra
và ngẫm nghĩ sâu xa về ký ức tập thể của tiền nhân qua câu
Trăm
năm bia đá thì mòn
Ngàn
năm bia miệng vẫn còn trơ trơ
4.
Phụ chú và phê bình thêm
Phần này không hoàn
toàn theo cách ghi tài liệu (Bibliography) tham khảo APA hay MLA vì bao gồm các
phê bình thêm về đề tài, tài liệu và tác giả để bạn đọc có thể tra cứu thêm chi tiết và chính xác.
Bài này đánh số 6A vì theo sau bài viết có chủ đề
tương tự (đánh số 6) trong loạt bài "Nguồn gốc Việt (Nam) của tên 12 con
giáp" - xem chi tiết trang http://www.gio-o.com/NguyenCungThong12ConGiap6.htm
(2006) hay http://doremon360.blogspot.com.au/2009/07/bai-17-tong-hop-12-con-giap.html
(2009) ...v.v...
1) Tham khảo thêm loạt bài viết "Bụt
hay Phật?" cùng tác giả (Nguyễn Cung Thông) trên các trang mạng như http://www.khoavanhoc-ngonngu.edu.vn/home/index.php?option=com_content&view=article&id=2108:bt-hay-pht-phn-1&catid=71:ngon-ng-hc&Itemid=107 hay http://www.vanchuongviet.org/index.php?comp=tacpham&action=detail&id=13770
…v.v…
2) Tham khảo thêm các bài viết như
"Ta nói tiếng Việt mà ta không biết" cùng tác giả (Nguyễn Cung Thông)
trên các trang mạng như http://www.khoavanhoc-ngonngu.edu.vn/home/index.php?option=com_content&view=article&id=2271:ta-noi-ting-vit-ma-ta-khong-bit&catid=71:ngon-ng-hc&Itemid=107 hay http://www.daophatngaynay.com/vn/van-hoa/truyen-thong-tap-tuc/9347-Ta-noi-tieng-Viet-ma-ta-khong-biet.html
...v.v...
3) Vì không biết rõ cách đọc cổ nên dễ rơi
vào trường hợp gọi khôn 坤
là loại chữ hội ý ...v.v... GS William G. Boltz là tác giả cuốn "The
origin and early development of the Chinese writing system" NXB New Haven
(Connecticut, Mỹ, 1994). Ông phủ nhận hoàn toàn loại chữ hội ý 会意字 / 會意字 trong cấu trúc chữ
Hán (sđd); lý do đơn giản là thành phần HT đã từng có cách đọc khác hơn (cổ) mà
ta không biết (hay quên/mất đi theo thời gian). Thí dụ như chữ an 安 thường được đưa ra làm
thí dụ cho loại chữ hội ý với bộ miên 宀
(nóc nhà) và chữ nữ 女
(đàn bà): đàn bà ở trong nhà thì mọi chuyện đều bình an (yên ổn). Thật ra chữ nữ
đã từng đọc như *an qua các chữ như 妟
yàn BK (Unicode 599F, yên lặng - Thuyết Văn ghi: 妟 an dã 安也), 奻 nuán BK (Unicode 597B, cãi nhau) và 姦 jiān BK (gian HV): đây
là các dạng biến âm (ngạc hoá) của *an/ yên. Ta có thể thêm các chữ hiếm với gốc
âm cổ *an như nghiên 蔅
yán BK (xinh đẹp, như nghiên 妍),
yển 匽
(dấu diếm, diếm là dạng ngạc cứng hóa) và một số chữ HV yển *an dùng chữ 匽 làm thành phần HT, yển
yăn BK (cá sủ, cá mẫn). Học giả Li Fang Kuei phục hồi một dạng âm cổ của Thân
là *khrin cũng cho thấy phụ âm đầu có thể từng là phụ âm cuối lưỡi (bài viết
"Some Old Chinese loan words in the Tai languages" Harvard Journal of
Asiatic Studies: 332-342).
4) Tác giả Jean-François Génibrel ghi khọn
là con khỉ trong cuốn "Dictionnaire annamite français" (deuxième
édition, Imprimerie de la Mission à Tân Định 1898), chụp lại trang 366:
Gustave Hue cũng ghi khọn là con khỉ trong
cuốn "Dictionnaire vietnamien chinois francais", Imprimerie Trung Hòa
(trang 457).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.
LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.
Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.