Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

11/12/2015

Đọc tự sự của anh Cua để hiểu thêm về thơ của chú bé Khoa

Chú bé Khoa ở đây là nói về nhà thơ thiếu nhi Trần Đăng Khoa.

Gần đây, đọc lại thơ của chú bé Khoa (cuốn Góc sân và khoảng trời) với đám thiếu niên nhi đồng ở trong nhà, chúng tôi đều giật mình về những ý nghĩ thời chiến của cậu. Sẽ diễn dạt rõ hơn ý này ở một dịp khác.

Có thể ghi chép sau đây về thời đó của anh Cua sẽ giúp ta hiểu hơn về thơ của Khoa.


Toàn văn lấy về từ blog Hiệu Minh.

---

Cu Phong đại tá

Cu Phong đại tá. Ảnh: HM
Cu Phong đại tá. Ảnh: HM
Hôm qua (10-12-2015) họp với các bạn học cấp 3 khóa 1967-1970, trường Lương Văn Tụy, Ninh Bình, mình gặp lại cu Phong. Ngoài đời hắn là đại tá Đinh Văn Phong, giáo sư hay phó GS gì đó, tiến sỹ hay PTS trên học viện quân sự ở Vĩnh Yên, nhưng với Tổng Cua bạn học từ thời quần thủng đũng, thì hắn chỉ là thằng cu Phong, nói rộng ra là cu có hồn của gió.

Sinh ra ở xã Ninh Thành, cạnh thị xã Ninh Bình, hắn có vẻ một anh chàng nửa tỉnh, nửa quê. Năm lớp 10 (1969-1970) cu Phong vào học lớp 10E của thầy Hồ Quang Sỹ, thích ngồi bàn đầu tiên, vì hắn học giỏi, không quay cóp bao giờ. Không may cho Phong vào lớp do anh Cua làm bí thư chi đoàn.
Cu Phong là cây toán của trường, tài ngang ngửa với các bạn học toán ở lớp đặc biệt (A0) được hưởng chế độ bao cấp ăn ở tại trường, 13kg/tháng, 5đ phụ cấp, trong khi Phong đi về ăn cơm với mẹ. Nhưng không vì thế mà ngăn cản hắn đi thi toán cấp tỉnh, thậm chí cả miền Bắc với các bạn được bao cấp. Thầy Độ dạy toán giỏi nổi tiếng ở Ninh Bình phụ trách hai lớp 10E và A0 thường tự hỏi, tại sao Phong không vào lớp A0.
Học giỏi toán, hóa, lý nhưng hơi kém văn, nhưng thời đó phải viết sổ tu dưỡng. Cái sổ khốn kiếp này làm khổ biết bao đứa teen hồi đó. Đại loại hàng ngày phải viết mình đã làm gì tốt phục vụ cho đoàn, cho tổ quốc, có gì sai phạm.
Cuộc đời một đứa trẻ 15-16 tuổi trong một ngày thì rặn kiểu gì ra tình yêu tổ quốc như cầm súng giết giặc hay bắn rụng máy bay. Phạm lỗi thì có nhiều, lúc thì đái đường, trêu chửi bà tát nước, nhìn trộm mông cô giáo, chạm vào lưng bạn Hằng hay bạn Sen làm quản ca ngồi cạnh.
Có lúc chửi thầm thằng bí thư Cua hắc ám sao bày lắm trò. Ngồi bên trang giấy trắng với cái bút và ngọn đèn dầu leo lét trong cái nóng như thiêu mùa hè muỗi bay vo ve hay trời lạnh cóng của đêm đông, bụng cồn cào, làm sao nghĩ ra tình yêu tổ quốc ở tầm vĩ mô.
Bạn học cấp 3 khóa 1967-1970 Lương Văn Tụy gặp nhau tại Hà Nội. Ảnh: HM Camera.
Bạn học cấp 3 khóa 1967-1970 Lương Văn Tụy gặp nhau tại Hà Nội. Ảnh: HM.
Cuối tuần (thứ 7), bí thư Cua bắt mọi người để sổ tu dưỡng lên bàn, mở trang mới nhất để ban chấp hành đi kiểm tra từ đầu lớp đến cuối lớp. Có bạn ghi kín với bao tình yêu bao la tổ quốc, thề hy sinh thân mình như Phan Đình Giót hay nhảy sông như anh Giáp Văn Khương đội bèo trốn Pháp. Có người chẳng viết được gì, mỗi một câu “ngày hôm nay giống ngày hôm qua”. Sổ của Phong gần như trắng tinh, kết quả bị cảnh cáo, hắn thâm thù mình từ đó.
Tập trung ra Hà Nội (8-1970) để du học, lớp 10E của thầy Sỹ có hai bạn là cu Phong và anh Cua được đi nước ngoài trong số 8 bạn của trường Lương Văn Tụy. Phong đi Liên Xô, học ở Moscow. Đến giờ chẳng biết hắn học gì, nhưng chắc chắn không phải môn văn. Hai đứa thỉnh thoảng gửi bưu ảnh hỏi thăm nhau vào dịp năm mới. Năm 1974, mình về phép có đi qua Moscow, ở lại chơi với Phong một tuần.
Hồi về Hà Nội, mình mặc cái quần bò Ba Lan (không phải Levis) và áo nilong trắng tinh và phẳng lỳ dù không cần là. Trời nóng 40 oC hai thứ này thành cái lò nướng nhưng vì sỹ diện nên cứ mặc xem có gái nào nhìn. Vài tay chơi đi theo nằn nì trên tầu điện, anh ơi bán em cái quần bò. Anh vào xó kia, cởi quần ra, em cũng cởi quần, mình đổi cho nhau, em đưa anh 10 đồng (hồi đó mua được cỡ 50 bát phở). Mình nhát không dám buôn quần cởi giữa trời Hà Nội dù thấy 50 bát phở thơm lừng trước mũi.
Sang Moscow gặp Phong, hắn nhìn mình từ đầu tới chân và bỗng nhiên cũng bảo, cởi quần ra… Hiểu ngay là hắn muốn quần bò để đi tán gái. Thương bạn cởi quần, nhưng y ngắn hơn mình một cái đầu nên chịu. Mình hứa khi nào về Warsaw sẽ gửi cho một cái.
Ở Moscow hơn tuần, Phong cũng đưa đi chơi loanh quanh nhưng không được nhiều, cho ăn mỳ vermisel với cá hộp tanh lòm. Hỏi thì hắn bảo, học bổng sv được 60 rúp, rượu vodka Nga 3,7 rúp một chai, cả tháng chưa được 20 chai, chưa kể ngu phí, làm sao đủ tiền đãi Cua.
Mình về Warsaw thư hỏi thích quần bò mầu gì. Hắn bảo, mầu đỏ. Phong giải thích, con gái như con bò tót ấy, thấy mầu đỏ là lao vào. Nhờ cái quần ấy mà hắn làm tan nát không biết bao nhiêu trái tim dù chẳng ai làm tiger sau này. Cu Phong tán gái như gió thật.
Phong và các bạn ở Moscow 1974. Ảnh: Tư liệu gia đình
Phong và các bạn ở Moscow 1974. Ảnh: Tư liệu gia đình
Phong (phải) và các bạn gái gặp lại sau 40 năm. Ảnh: FB Phong
Phong (phải) và các bạn gái gặp lại sau 40 năm. Ảnh: FB Phong
Có lần mình đã viết về Phong, rượu vào lời ra nhưng rất thông minh. Trên Vĩnh Yên, không có việc gì làm nên chiều tối chỉ đi uống rượu, uống nhiều thành quen, tu mà không nói thành…phí rượu.
Hôm qua hắn cũng đi một vòng chúc các bạn học cũ, mỗi người một ly. Phong bảo, ghét nhất anh Cua hai thứ: không biết uống rượu và thời bắt ghi sổ tu dưỡng. Phong kể, trên trường có nhiều đàn em hay đọc Cua Times, rất thích đi tìm triết lý dưới…đít. Chả là mình viết người Nga tìm triết lý đưới đáy chén rượu.
Thấy hắn quay sang hôn bạn Mai, bạn gái duy nhất làm bí thư chi đoàn thời đó tại trường, bây giờ đã là cụ 62 tóc bạc, có cháu nội ngoại, mình nghi nghi hắn say. Nhưng ngồi với thầy Sỹ, hắn hôn lên má thầy gần 80 tuổi thì hiểu là Đại tá vẫn tỉnh.
Ôm vai bá cổ thầy Hồ Quang Sỹ. Ảnh: HM
Ôm vai bá cổ thầy Hồ Quang Sỹ. Ảnh: HM
Ăn uống xong, rủ các bạn về nhà Tổng Cua chơi. Phong nặng 90kg ngồi lên lòng bạn gái Hiên 40 kg, mắt long lanh, bỗng y đọc vanh vách thơ Nguyễn Trọng Tạo cũng là một đệ tử của Lưu Linh
“Vẽ tôi mực rượu giấy trời
Nửa say nửa tỉnh nửa cười nửa đau
Vẽ tôi thơ viết nửa câu
Nửa câu ma quỷ đêm sâu gọi về
Vẽ tôi thấy đẹp là mê
Thấy ghen là sợ thấy quê là nhà”.
Cu Phong đại tá, cu có hồn của gió, chưa say.
Gặp bạn cũ thấy tuổi thơ ùa về, ứa nước mắt về một thời.
HM. 11-12-2015
Rất nhiều bạn sau 45 năm mới gặp. Ảnh: Nhà hàng chụp hộ.
Rất nhiều bạn sau 45 năm mới gặp. Ảnh: Nhà hàng chụp hộ.
Đại tá Phong và Tổng Cua 8-1974 và 12-2015. Ảnh: tư liệu gia đình.
Đại tá Phong và Tổng Cua 8-1974 và 12-2015. Ảnh: tư liệu gia đình.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.