Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

07/12/2015

Lại chê Lê Quí Đôn

Hôm trước, đã nói đến việc ông hoàng tử Miên Thẩm chê Lê Quí Đôn kém cỏi về thơ (xem lại ở đây).

Hôm nay, thử xem các sử thần triều Nguyễn chê Lê Quí Đôn lươn lẹo, tham nhũng và hối lộ ra sao.

Bài của Chu Mộng Long. Lấy về từ Fb CML.


---


Chu Mộng Long
THỜI TRƯỚC LÀM QUAN CŨNG THẾ A? - LÊ QUÝ ĐÔN
(Bài này tặng hội anh Thỉnh)

Lê Quý Đôn được biết đến chỉ một chiều: "nhà bác học ham đọc, ham biết và ham viết", là "một nhà bác học có kiến thức hết sức uyên bác và đa dạng". Các đánh giá về sau chủ yếu ăn theo "Văn tịch chí" của Phan Huy Chú. Tất nhiên không sai khi các trước tác của Lê Quý Đôn vẫn còn nguyên vẹn đó.

Tuy nhiên, văn chương và con người không là một. Trước sau, Lê Quý Đôn vẫn là nô thần của Chúa Trịnh, thời đại mục nát nhất của chế độ phong kiến: độc tài, tham nhũng.

Trong thời đại nhiễu loạn ấy, Lê Quý Đôn từng chạy chức chạy quyền cho mình và cho con mình. Sách Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục viết rằng:

"Trước kia, Quý Đôn làm phó đô ngự sử, thường dùng số bạc đút lót trong khi xét kiện để dâng chúa Trịnh, bèn được thăng chức Hữu thị lang bộ Hộ. Đến nay, nhân khi khám xét hạt Thanh Hoa trở về, lại dâng hơn một ngàn lạng bạc đã ăn của đút, nên do chức Hữu thị lang bộ Hộ thăng lên chức này." [1]

"Lập mưu cho con ăn cắp văn thi ở trong trường: Kỳ đệ tứ khoa thi Hội năm Ất Mùi (1775), Quý Đôn nhờ Đinh [Thì] Trung làm bài cho con mình là Quý Kiệt. Vụng trộm chiếm nơi cấm địa: Quý Đôn táng trộm mả tổ ở cấm địa tại sơn phận Tản Viên. Bị phát giác, cả hai đều bị tội. Vì là đại thần, Lê Quý Đôn được miễn nghị" [2]

"Tháng 5, năm 1773, chúa Trịnh Sâm hạ lệnh cho Nguyễn Nghiễm, Nguyễn Phương Đĩnh và Lê Quý Đôn làm lại sổ hộ tịch, Quý Đôn kê cứu tra xét quá nghiêm khắc, nhân dân đều nghiến răng căm hờn, họ làm thư nặc danh dán ở cửa phủ chúa Trịnh xin bãi bỏ Quý Đôn đi mà dùng Ngũ Phúc, lời lẽ trong thư rất là khích thiết." [3]

"Tháng 7, năm 1779, thổ tù Hoàng Văn Đồng làm phản, triều đình sai Nguyễn Lệ, Nguyễn Phan đi đánh, Văn Đồng xin hàng. Văn Đồng cáo tố rõ tình trạng sách nhiễu của Quý Đôn và Xuân Hán. Lệ đem việc này tâu về triều, bọn Quý Đôn đều can tội, phải giáng chức." [4]

Không phủ nhận thời phong kiến có không ít nhà Nho cương trực như Chu Văn An, Nguyễn Trãi, nhưng loại nhà Nho ấy không mất đầu cũng bị đuổi về vườn. Xem ra, Nho giáo đã sinh ra những nhân vật điển hình ở 2 mặt: bề ngoài là văn chương nho nhã, nhưng bên trong là cốt cách lươn lẹo, thế thời thế thế thời phải thế của con người công cụ, nô dịch...

Các sử gia thời nay cho sử gia triều Nguyễn cố tình bôi nhọ đại thần của Lê - Trịnh, nhưng không hẳn. Thời đó không làm quan kiểu đó, quan của ý thức hệ Nho giáo ấy, chỉ có thể ném áo mão về vườn!

Nói chung, xưa nay đáng khinh bỉ nhất là bọn lập thân bằng văn chương. Thảo nào Viên Mai dám nói thẳng: "Lập thân tối hạ thị văn chương" (Lập thân hèn nhất là bọn văn chương lẻo mép).


-------------------------------
[1] Khâm Định Việt Sử Thông giám cương mục, Quốc Sử Quán Triều Nguyễn, Nhà xuất bản Giáo dục- Hà Nội, 1998, quyển XLII.
[2] Khâm Định Việt Sử Thông giám cương mục, quyển XLV.
[3] Khâm Định Việt Sử Thông giám cương mục, Quốc Sử Quán Triều Nguyễn, quyển XLII.
[4] Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục, quyển XLV.
Dẫn theo wikipedia.

https://www.facebook.com/chauminhung/posts/789735021138450





Lê Quý Đôn là một huyền thoại văn chương Việt. Tương truyền lên 5 tuổi, đã đọc được nhiều bài trong Kinh Thi và biết làm thơ. Năm 12 tuổi, ông đã học "khắp kinh, truyện, các sử, các sách của bách gia chư tử". Ba lần đỗ khôi nguyên và làm quan to nhất thời Lê -Trịnh.

Huyền thoại, như tôi từng viết, chủ yếu là do kẻ có quyền thêu dệt để đánh bóng mình, dân gian cả tin làm phương tiện lưu truyền. Với cách này, nếu không có giải huyền thoại, đứa cháu nội Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh đã có thể là thần đồng trẻ nhất xưa nay: mới 5 tháng tuổi đã biết bấm điện thoại bầu chọn Hạ Long Bay. Và biết đâu có thể được truyền ngôi làm Bộ trưởng Văn Thể Du!!!
Tất nhiên, với những trước tác để lại, không thể phủ nhận Lê Quý Đôn là bậc kì tài.

Nhưng cái tài đó đã dụng võ trên mảnh đất của một thể chế độc tài, toàn trị nên sinh ra một Lê Quý Đôn khác mà ít người biết đến. Đó là một Lê Quý Đôn khôn ngoan như… Rắn. 

“Rắn đầu biếng học” là bài thơ tương truyền của Lê Quý Đôn thể hiện rõ cá tính xu thời của ông: "Ráo mép chỉ quen tuồng lếu láo/ Lằn lưng cam chịu vệt năm ba."

Quốc sử quán triều Nguyễn không phủ nhận tài ba lỗi lạc của bậc danh nhân này, nhưng không thể giấu diếm những khuất tất trong cuộc đời làm quan của ông. Sách Cương mục viết:
- Tháng 4, mùa hạ. Hạn hán. Hạ chiếu cầu người trình bày lời trung thực. Lúc ấy, luôn mấy năm hạn hán, kém đói, Trịnh Sâm hạ lệnh cho bầy tôi và sĩ thứ nói thẳng những điều thiếu sót, sai lầm. Lê Thế Toại, tham nghị cũ ở xứ Thanh Hoa dâng tờ khải, đại lược nói: "Dĩnh Thành hầu Lê Quý Đôn dụng tâm quanh co, bỉ ổi, mong muốn càn rỡ những điều quá hạn định của mình: nào lập mưu cho con ăn cắp bài văn thi ở trong trường, nào vụng trộm chiếm nơi cấm địa. Ông Mạnh Tử nói: "Quan sát con ngươi của từng người, thì người gian người ngay, không thể nào giấu giếm được". Con ngươi của Lê Quý Đôn lúc nào cũng đưa đẩy lia lịa, nếu dùng người này giữ chức cao cả tất nhiên làm tai hại cho nhân dân. Kiều Nhạc Hầu Nguyễn Lệ từ khi được dự vào chính phủ đến nay, chưa nghe mở mang được điều gì có lợi, trừ bỏ được việc gì có hại, chỉ chuyên dùng mánh khoé khéo léo để mê hoặc lòng vua chúa; vừa mới bổ ra giữ chức tham đốc xứ Nghệ, mà quá nửa số nhân dân bị phiêu lưu. Vậy xin: Nghiêm ngặt trị tội Quý Đôn và Nguyễn Lệ, để tạ tội với mọi người trong nước, thì tự nhiên được trời mưa". Tờ khải này không được Trịnh Sâm trả lời. Lời chua - Lập mưu cho con ăn ắp văn thi ở trong trường: Kỳ đệ tứ khoa thi Hội năm Ất Mùi (1775), Quý Đôn nhờ Đinh [Thì] Trung làm bài cho con mình là Quý Kiệt ngầm trộm chiếm nơi cấm địa: Quý Đôn táng trộm mả tổ ở cấm địa tại sơn phận Tản Viên.

- Văn Đồng lấy danh nghĩa là thổ tù được cha truyền con nối quản thụ mỏ Tụ Long, thu nộp thuế đồng. Lúc ấy, viên quan coi Hộ phiên là Lê Quý Đôn và viên xuất nạp là Chu Xuân Hán xét Văn Đồng về tội thiếu thuế, tống giam khổ sở không cho về, bắt phải nộp bạc hối lộ đến 3.000 lạng. Văn Đồng đút lót cho người giữ ngục được thoát ra; về nhà, dấy quân làm phản, nhân lúc sơ hở, kéo quân xông thẳng vào phố Tam Kỳ. Trấn thủ là Nghi Trung hầu (sót họ tên) đóng cửa thành, chống giữ. Triều đình hạ lệnh cho Nguyễn Lệ đem quân cứu viện Tuyên Quang. Khi quân Nguyễn Lệ kéo đến, Văn Đồng rút lui, chạy trốn. Lại sai người dụ bảo Văn Đồng đầu hàng. Nhân đấy, Văn Đồng cáo tố rõ tình trạng sách nhiễu của Quý Đôn và Xuân Hán. Lệ đem việc này tâu về triều, bọn Quý Đôn đều can tội, phải giáng chức.

Lê Quý Đôn là đại công thần (có công dẹp loạn cuộc khởi nghĩa nông dân Hoàng Công Chất, đàn áp dân oan và lạm thu thuế cho triều đình) được chúa Trịnh Sâm tin yêu, bọn Thế Toại, Thì Trung, Văn Đồng không thể to gan bịa đặt “bôi nhọ” được nếu không có đủ chứng cứ. May mà Trịnh Sâm không đến mức là một hôn quân, đã cho thanh tra và truy xét "đúng quy trình". Kết quả, thí sinh Lê Quý Kiệt, con lcưng Lê Quý Đôn bị loại bỏ kết quả thi và cho về làm dân thường chăn bò, cắt đứt con đường hoạn lộ cha truyền con nối của họ Lê. Đinh Thì Trung mắc tội móc nối gian lận trong thi cử bị lưu đày. Thêm tội ăn hối lộ và bức hiếp dân lành, đại thần Lê Quý Đôn bị giáng chức và ném ra trấn giữ biên ải phía Nam. Nhờ những ngày tháng không được hót Chúa mà Lê Quý Đôn mới viết được những bộ sách quý, coi như đổi công chuộc tội vậy.

Xem ra thời ấy, việc xử tội đại công thần cũng đúng quy trình, nhưng có vẻ nặng tay hơn thời nay, vì lệ làm quan cha truyền con nối không được chấp nhận trong quy trình thi cử và bổ nhiệm của triều đại phong kiến!

https://www.facebook.com/chauminhung/posts/789927894452496

1 nhận xét:

  1. " Nhân bất thập toàn " mà , con người ta ai cũng như tấm huân chương , mặt phải thì đẹp đẽ long lanh , mặt trái thì xù xì xấu xí . Sống trong triều đại nào cũng thế thôi , văn chương phải phụng sự triều đại đó , anh không thể viết khác được .
    Trong một đất nước khi chăn dắt thần dân là một minh quân thì rất cường thịnh , sẽ không có tham nhũng . Còn khi đất nước được điều hành bằng một hôn quân thì tham nhũng và nhiều điều tệ hại xảy ra tràn lan . Khổ nỗi Lê Quý Đôn lại sống trong triều đại mạt pháp đó ,mà ông cũng không phải là Thánh , thì không tránh khỏi điều nọ kia . Ở đây ta nên ghi nhận công lao của ông thôi
    Khi một vương triều bị lật đổ , vương triều mới vì muốn an dân nên nói xấu vương triều cũ , điều đó thì thời nào chả có . Vì thế lịch sử nhiều khi phải soi chiếu lại vì có nhiều người bị hàm oan chưa xoá được , cần lấy lại công bằng cho họ

    Trả lờiXóa

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.