Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

16/10/2015

Trình bày của Phan Huyền Thư

Trước nghi án (ở đây), thì nhà thơ Phan Huyền Thư mới có trình bày trên Fb.

Toàn văn như ở dưới.

---

15/10/2015


Có môt điều chắc chắn, tôi khẳng định luôn: “Tôi chưa hề biết có bài thơ và ca khúc cùng tên của nhạc sĩ Phạm Đình Chương” cho đến đêm Chủ Nhât, 11/10/2015 vừa rồi .( Chỉ đúng một ngày sau khi tôi chính thức nhận giải thưởng HNV Hà nội 10/10/2015). Đêm đó, sau khi nhậu vui cùng anh em văn chương có Nguyễn Việt Chiến, Phạm Ngọc Tiến, Bảo Ninh, Ngô Thảo, Phạm Xuân Nguyên và Nguyễn Bìnnh Phương, Nguyễn Thành Phong…(mừng giải thưởng của tôi và anh Phương ) ngồi đọc báo mạng, thấy nhiều tin tức về Hải Đăng Trung Quốc ngang ngược, lại nhớ đến những ngày tháng 10 năm 2008, cách đây đã 6 năm rồi…tôi viết bài thơ “ Có lẽ đã chết vẫn tốt hơn” gửi nhà thơ Nguyễn Việt Chiến nên tôi post lại trên FB.

Hôm sau, chính thức tôi mới biết một sự thật rằng đã từng tồn tại một ca khúc tên là: “Khi tôi chết hãy mang tôi ra biển” của nhạc sĩ Phạm Đình Chương, lời của Du Tử Lê. Thực ra nhà thơ viết lời cho bạn làm nhạc cũng là chuyện thường, tôi cũng vẫn làm vậy với một số nhạc sĩ, nên tôi tìm để nghe. Sau đó, tôi lại biết thêm một thông tin nữa rằng Du Tử Lê có một bài thơ cùng tên sáng tác tháng 12 năm 1977 chứ đó không chỉ là ca từ. Và tôi cũng đã tìm thông tin trên mạng để đọc và tìm hiểu.

Tôi cho rằng đây không phải là ca khúc và tác phẩm thi ca được phổ biến rộng rãi trong đời sống văn học cũng như âm nhạc ở Việt Nam trước những năm 2005 trở về trước, khi ta chưa thực sự cải thiện quan hệ với Mỹ. 

Vì tôi cũng là người rất chịu khó nghe và tìm hiểu âm nhạc, ca khúc do đặc thù công việc của mình. Tôi chưa nghe, chưa đọc bao giờ thì không chắc nhiều người đã thuộc nằm lòng và coi đó là tác phẩm nổi tiếng như báo chí nhận định. Đến lúc này, tôi còn không dám chắc ca khúc này đã được cấp phép của Cục biểu diễn nghệ thuật để phổ biến ở Việt Nam hay chưa.


Vậy quan điểm của tôi là:
Có thể, vào thời điểm Du Tử Lê sáng tác bài này, trong suy nghĩ của ông việc một ngày có thể trở về Việt Nam gần như là tuyệt vọng (Các bạn nên nhớ đó là tháng 12 năm 1977, khi ấy tôi mới 5 tuổi vừa vào lớp vỡ lòng) và tôi hình dung bờ biển mà ông mong muốn được mọi người mang xác mình tới đó, mang linh hồn hay tro cốt mình tới đó là biển Nam California hay còn gọi là bờ Tây của Thái Bình Dương. Đọc toàn bộ bài thơ, tôi thấy nỗi niềm trăng trối của một người con khát khao ngày về, trong tuyệt vọng.: “ Ông lập ý và điệp đi điệp lại một lời khẩn cầu “ Khi tôi chết hãy mang tôi ra biển”…để phát triển các mệnh đề và diễn giải khát vọng trở về bằng sự tuyệt vọng ẩn dụ của mình. Ông còn mong “sẽ được hát Quốc ca (Của chính quyền Miền Nam Việt Nam) “vì đã quá lâu không ai buồn hát nữa….” Vừa mới đây, khi lần đầu tiên đọc nó, tôi đa thấy đó là một bài thơ hay, đau đớn thân phận của người lưu vong và có lẽ vì vậy, nó không được phổ biến ở trong nước rộng rãi như các tác phẩm khác hoặc như ở hải ngoại.

Còn câu thơ của tôi?
“ Nếu tôi chết, hãy đem tôi ra biển.
Vì tôi là hạt muối buồn, kết tử từ cô đơn, tự ăn mòn mình bằng mơ mộng…”
Trước tiên, biển mà tôi muốn được đem linh hồn, thân xác của mình đến chắc chắn là biển Đông. Là bờ Đông của Thái Bình Dương. Để làm gì? Để được giải thoát từ cảnh giới màu xanh, di theo hóa giải của Bạch Y Quán Thế Âm Bồ tát với cành dương liễu trên tay như tôi diễn giải trong bài thơ.
Tại sao lại là biển?

Thời gian đó, tôi khá thất vọng khi nhận được tin kịch bản phim tài liệu “Gạc Ma, vòng tròn bất tử” của mình không được chấp nhận vì “chưa thích hợp đưa vào sản xuất với hoàn cảnh hiện tại” (biển Đông đang có nhiều tranh chấp). Kịch bản đó chủ yếu nhắc đến đời sống thực tế rất khó khăn và nhiều uẩn khúc của những chiến sĩ còn sống sót ở Gac Ma năm 1988 đã từng bị Trung Quốc bắt làm tù binh sau đó được thả về, trở lại cuộc sống lặng lẽ, gần như vô danh sau 30 năm…Họ có tất cả 9 người và 1 người đã mất bị bệnh tật, nghèo khó. Và hầu như trên truyền thông, sách vở người ta biết nhiều đến 64 người đã chết hơn là những người đang thực sự còn sống, trở về.

Nhưng tại sao lại là gửi Nguyễn Việt Chiến?

Ngày hôm đó, tôi nhớ là ngày15/10/2008, được tin anh Nguyễn Việt Chiến chính thức ra hầu toà và nhận án hai năm tù giam…vì một vụ việc liên quan đến nghiệp vụ báo chí…vì thế, bài thơ tôi viết gửi trọn nỗi niềm, sự bất lực của chính mình trong những điều mình muốn thực hiện và nỗi buồn khi nghe tin về anh Chiến. Lúc đó tôi nghĩ, vậy là kết thúc sự nghiệp của một giọng thơ tài hoa, một người anh luôn nhiệt huyết đôn đáo việc viết lách sáng tác của tôi…Vì thế tôi buồn!

Bản thân tôi thấy mình là sự bất lực ghê gớm làm gì cũng chỉ như muối bỏ biển, vô nghĩa, đến cả cái kiếp người này cũng vậy…. vì thế, tôi ví mình như “một hạt muối buồn kết tủa từ cô đơn, tự ăn mòn mình bằng mơ mộng….”

Vậy thì tại sao lại là: “ Có lẽ đã chết vẫn tốt hơn”?

Thời gian đó, năm 2008, tôi vừa phải sống trong một sự phản bội ghê gớm của những người thân thiết. Trải qua một năm khủng khiếp của sự miệt thị, quy chụp tôi đã “đạo văn”, trong khi đó chỉ là việc đi sưu tầm lại các tư liệu và tiểu sử của ba nhà thơ tiền bối để phục vụ cho việc làm một bản poster (tôi nhấn mạnh là một bản poster duy nhất, độc bản) để trưng bày trong ngày thơ Việt Nam, sau 3 tiếng đồng hồ, người ta tháo xuống và cất đi đâu không rõ. Không phải là tác phẩm mang tính chất tác giả, không xuất bản in ấn phát hành hay doanh thu gì ngoài việc tôi vinh danh người khác.

Cho đến tận hôm nay, một số người thích tỏ ra sành sỏi, thạo tin, có chiều sâu vẫn lôi lại sự việc đó như một miếng sắt gỉ làm dao để đay nghiến, đâm chọc tôi trên báo chí (như các bạn đã thấy).

Điều nực cười là nhà văn Đặng Tiến Tien Dang, nhà báo Hoàng Nguyên Vũ, những người bị coi là nạn nhân của việc tôi đạo văn của họ thì lại luôn lên tiếng bảo vệ tôi, họ nói trân trọng tôi, hiểu và luôn nắm tay tôi, bảo tôi đừng chấp, hãy nhìn lên phía trước… nhưng các bạn không hề bị mắt cắp cái gì của mình cả lại cứ gào lên chuyện “ truyền thống cầm nhầm”… Tôi nghĩ mọi chuyện nên có giới hạn nên tôi muốn nói lại một lần rồi thôi. Nếu các bạn chưa hài lòng, tôi sẽ tổ chức họp mặt tất cả những ai bị cho rằng tôi đaoj văn họ và các luật sự về bản quyền cho các nhà báo tác nghiệp đến thật thỏa mãn thì thôi, tôi rất thèm một lần được làm như thế!

Vì vậy, khi tôi thoáng gặp ý thơ của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, bài” Đồng dao cho người lớn” có câu:“ Có người đang sống, mà như qua đời /Có cái chớp mắt đã ngàn năm trôi…” Nếu muốn chỉ ra sự vay mượn của tôi trong bài thơ thì phải là ý thơ này chứ không phải lời trăn trối muốn được về cố hương của Du Tử Lê.

Sự bất lực, sự tồn tại vô nghĩa nếu không được là chính mình đã đẩy tôi đến với tứ thơ ” Có lẽ đã chết vẫn tốt hơn” một cách tự nhiên, tôi không cho rằng câu mờ đầu “Nếu tôi chết, hãy đem tôi ra biển” là quá quan trọng trong tổng thể bài thơ, một ví dụ là tôi có thể đổi câu đó thành, “Nếu tôi chết hãy trả biển cho tôi /vì tôi là hạt muối buồn kết tủa từ cô đơn….” Rồi đi vào bài thơ vẫn giữ nguyên mạch đó nó không hề bị thay đổi hay ảnh hưởng gì… Tôi nói thật, trong đời nếu có lần đọc câu thơ hay nghe bài hát trên của Phạm Đình Chương, Du Tử Lê, tôi sẽ không chọn cách viết câu mở đầu bằng ,mệnh đề mang tính điều kiện đó. Vì tứ thơ của tôi là sự bất lực, sự vô nghĩa của tồn tại nếu không được là chính mình thì chết còn hơn cơ mà??? 

Và tôi gửi thông điệp ấy tới Nguyễn Việt Chiến vì có sự liên tưởng” dở hơi” của tôi giữa hình ảnh cô đơn của anh trong nhà giam và tự sự của những nhân vật trong kịch bản của tôi ở trại giam Trung Quốc….Rồi đến cả sự tồn tại của họ “vô hình đến kỳ lạ” trong thế giới này. Nói thật, chuyện bếp núc đằng sau chẳng bao giờ người đọc đơn thuần hiểu được, ngay cả anh Chiến, đọc bài thơ này anh cũng chẳng biết vì sao tôi lại viết thư cho anh theo cách đó, tôi tin chắc rằng anh Chiến cũng bất ngờ khi tôi kể chuyện này ra, vì tôi chưa bao giờ giải thích với ai một lời về cái tứ thơ đầy ẩn ức “quyên sinh” thế này cả.

Cuối cùng thì cuối năm 2009 anh Chiến được đặc xá, rồi anh lại có “ Tổ Quốc nhìn từ biển” hào sảng. Cuối cùng thì đến lúc giàn khoan HD981 vào lãnh hải của Việt Nam tháng 5 năm 2014, những người lính Gạc Ma “ Có lẽ đã chết vẫn được “công nhận” tốt hơn” kia, đã được công nhận dần dần…trên các phương tiện truyền thông. 

Cuối cùng, thì tôi vẫn đang phải sống với câu hỏi: “ Nhưng vì không chết, tôi sẽ là ai? Là ai nếu đớn hèn, lài ai nếu bon chen, là ai nếu giả dối, là lai nếu vụ lợi….?”

Cuối cùng thì kịch bản phim kia mãi mãi chỉ là một mong muốn, nó vẫn chưa được thực hiện thành phim, nhưng tôi sẽ không bỏ cuộc! 

Cuối cùng, mong muốn của tôi rất đơn giản: Các bạn hãy đặt hai bài thơ cạnh nhau và im lặng đọc trọn vẹn từ đầu tới cuối. Đọc hết rồi, các bạn muốn phán xét thế nào tôi cũng thấy vui vì thơ mình được đến với người đọc. Tôi không có gì phải đôi chối ở đây cả, đến mức đối với tôi “đã chết vẫn tốt hơn” thì tôi cần gì đâu!

https://www.facebook.com/huyenthu.phan/posts/866024936836333



Bổ sung 2 (ngày 12 tháng 10 thì nữ văn sĩ đã viết như sau trên Fb):





Tình cờ, sau khi nhà cháu post bài thơ "Có lẽ đã chết vẫn tốt hơn" ngày hôm qua, hôm nay có một vài đàn anh và bạn bè trên FB đã inbox hoặc cmt về một ca khúc có tên: " Khi tôi chết hãy mang tôi ra biển" của nhạc sĩ Phạm Đình Chương, phổ thơ Du Tử Lê. Thông tin này khiến nhà cháu tò mò quá! Lần mò vào mạng để tìm hiểu. Thì đây, đó là ca khúc cháu vừa tìm được trên mạng, chia sẻ cùng cả nhà ca khúc và lời ca từ này nhé!

Nhân sự vụ này, cháu chính thức có ý kiến: Vì sự tình cờ thú vị này, kể từ nay, cháu sẽ in nghiêng câu thơ: " Nếu tôi chết, hãy đem tôi ra biển" của cháu để tỏ lòng kính trọng tiền bối Du Tử Lê, người đã viết câu thơ tương tự : " Khi tôi chết hãy mang tôi ra biển" vào tháng 12 năm 1977, khi đó cháu mới 5 tuổi... ( mà cháu vừa loay hoay tìm hiểu trên mạng ) và mãi đến bây giờ cháu mới được tao ngộ.
Kể từ nay và mãi về sau, nếu in bài thơ này ở đâu hoặc tái bản tập thơ, cháu sẽ xin phép để in nghiêng như ca từ hoặc chú thích là câu thơ trên mượn ý thơ của tiền bối Du Tử Lê các bác ạ. ( Mặc dù bài thơ này cháu viết ngày 15.10.2008, ngày anh Nguyễn VIệt Chiến ra hầu tòa)

Kính cáo.
https://www.facebook.com/huyenthu.phan/posts/865017816937045?pnref=story





Phan Huyền Thư



Tức! Vì bọn bành trướng bá quyền Trung Quốc vận hành Hải đăng khiêu khích, ngang ngược!
Tức! Vì không viết được điều gì ngay lúc này... nên nhà cháu xin post lại một bài thơ viết gửi cho nhà thơ đàn anh Việt Chiến Nguyễn những năm tháng anh đang ở trong tù, vì anh rất hiểu điều cháu tức ạ!
Tức!! (Đã giảm xuống đỡ tức) Vì bài thơ này đã nằm ngoan trong tập "Sẹo độc lập", được in và được các tiền bối ghi nhận rồi.... nên post lên đây với mục đích " nhắc khéo" về tập thơ được giải. (Nói chung là cũng còn háo danh lắm ạ!)

CÓ LẼ ĐÃ CHẾT VẪN TỐT HƠN
( Thư gửi nhà thơ Nguyễn Việt Chiến)

Nếu tôi chết
hãy đem tôi ra biển
vì tôi là hạt muối buồn
kết tủa từ cô đơn
tự ăn mòn mình bằng mơ mộng

Nếu tôi chết
hãy ném tôi vào sóng
cào đến xước mặt hoàng hôn
nàng tiên cá hát ru con
mê hoặc đêm trăng những chàng thuỷ thủ
trôi theo dòng hải lưu tình sử
giam hồn mình dương liễu Quán Thế Âm

Nếu tôi chết
xin gió hãy hồn nhiên
cuốn tôi về phương trời trống rỗng
một mình tôi sẽ làm cả cơn dông
xoáy vào đại dương nỗi đau bất tận
lặng câm đã muối thành lời

Nhưng vì chưa chết,
tôi sẽ là ai ?

Là ai nếu nhạt nhẽo
Là ai nếu giả tạo
Là ai nếu bon chen
Là ai nếu đớn hèn
Là ai nếu ngu dốt
Là ai nếu dị hợm
Là ai nếu ...

Có lẽ đã chết vẫn tốt hơn?

Giữa biển đời hạn hán tình thương
bạc thếch nỗi niềm
ươn nhờn ngộ nhận
mỏng như vết máu khô loang sa mạc
chờ tín hiệu giải thoát
từ cảnh giới màu xanh

Tình âm u
ảo giác thuỷ triều lờ nhờ
tuôn bầu ngực trăng
căng lỗ thủng
dòng sữa đen đặc quánh
nuôi nấng lỗi lầm

Có lẽ đã chết
vẫn tốt hơn !

Hoang vu mắt
người đàn ông tiền kiếp của tôi
linh hồn ngậm sợi cỏ buồn mằn mặn
hạt muối lưu lạc cánh rừng u uẩn
tiếng vọng tình nghìn năm

Có lẽ
đã chết vẫn tốt hơn!

Tôi đã gói ghém xác thân
niêm phong dấu môi, thuyền giấy ảo vọng
sẵn sàng hải trình yêu bằng hải lưu nước mắt

Triệu triệu
xô dạt
triệu triệu
va đập
triệu triệu dòng
trắng
điên cuồng
sóng
tung toé dấu vết một cuộc đời.

Để viết lên mặt biển
bài thơ một cuộc ...người

Đã chết
có lẽ vẫn tốt hơn...
https://www.facebook.com/photo.php?fbid=864721346966692&set=a.384350685003763.1073741825.100002865045010&type=3&theater








Bổ sung 1

Thứ năm, 15/10/2015 | 17:32 GMT+7


Phan Huyền Thư vừa đoạt giải đã bị nghi 'đạo thơ'



Bị cho là đạo thơ Dư Tử Lê trong tác phẩm "Có lẽ đã chết vẫn tốt hơn", nữ tác giả không đưa ra lời giải thích nào vì chị cho rằng, người đọc sẽ tự nhận biết được.
Tập thơ Sẹo độc lập của Phan Huyền Thư vừa đoạt giải thưởng hạng mục Thơ của Hội Nhà văn Hà Nội. Không lâu sau đó, Có lẽ đã chết vẫn tốt hơn - một bài trong tuyển tập - bị cho là tác phẩm phái sinh từ ý thơ của Du Tử Lê trong bài Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển. Những ý kiến nghi ngờ dựa trên sự tương đồng giữa ý thơ của hai tác giả.
Phan Huyền Thư viết: "Nếu tôi chết hãy đem tôi ra biển/ vì tôi là hạt muối buồn/ kết tủa từ cô đơn/ tự ăn mòn mình bằng mơ mộng/ Nếu tôi chết hãy ném tôi vào sóng/ cào đến xước mặt hoàng hôn/ nàng tiên cá hát ru con/ mê hoặc đêm trăng những chàng thuỷ thủ… (Có lẽ đã chết vẫn tốt hơn). Còn bài thơ của Du Tử Lê có những câu: "Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển/ đời lưu vong không cả một ngôi mồ/vùi đất lạ thịt xương e khó rã / hồn không đi sao trở lại quê nhà/ Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển/ nước ngược dòng sẽ đẩy xác trôi đi/ bên kia biển là quê hương tôi đó/ rặng tre xưa muôn tuổi vẫn xanh rì...” (Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển).
Nhà thơ Lê Thiếu Nhơn cho rằng, cả bài thơ của Phan Huyền Thư đều diễn giải một cách bất lực dưới câu: “Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển…”. Thậm chí, ngay câu “nếu tôi chết hãy ném tôi vào sóng…” của chị cũng không thoát được ý Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển.
"Ở trường hợp này, nếu độc giả khắt khe thì xem là đạo thơ, còn tôi thì cho rằng sáng tác của Phan Huyền Thư nên được gọi là tác phẩm phái sinh. Phan Huyền Thư đã chịu ảnh hưởng và được khơi cảm hứng từ câu thơ Du Tử Lê, để sáng tạo tác phẩm của mình" - Lê Thiếu Nhơn nói. 
phan-huyen-thu-vua-doat-giai-da-bi-nghi-dao-tho
Phan Huyền Thư và tập thơ "Sẹo độc lập".
Bài thơ Có lẽ đã chết vẫn tốt hơn có lời đề tặng "Thư gửi nhà thơ Nguyễn Việt Chiến". Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến nhận định: "Tôi không nghĩ Phan Huyền Thư đạo thơ. Dù câu thơ gần giống nhau, nhưng nội dung tác phẩm khác nhau, nhịp điệu, thể thơ khác nhau". Theo Nguyễn Việt Chiến, có thể Phan Huyền Thư ám ảnh với câu thơ của Du Tử Lê, từ tiềm thức, có thể dẫn tới việc tác giả sáng tác vô thức. 
Còn nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên lên tiếng: "Không có cơ sở để khẳng định Phan Huyền Thư đạo thơ. Với tư cách Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội - đơn vị vừa trao giải cho tập thơ Sẹo độc lập - tôi và hội đồng xét giải khi đọc bài thơ Có lẽ đã chết vẫn tốt hơn đều không thấy tinh thần của Du Tử Lê trong đó. Chúng tôi khẳng định Sẹo độc lập là một tập thơ giá trị".
Dưới con mắt một nhà phê bình văn học, ông Phạm Xuân Nguyên phân tích trong tập Sẹo độc lập có khá nhiều bài thơ là những trao đổi, đối thoại giữa Phan Huyền Thư với các bạn thơ. Ví dụ chị làm bài Bạch Lộ và ghi là "Độc ẩm với Lã Bất Vi", bài Happy Ending là "thư gửi nhà thơ Thanh Tùng",Câu hờ hững là "trò truyện với Nguyễn Bình Phương"... bài thơ Có lẽ đã chết vẫn tốt hơn là "Thư gửi nhà thơ Nguyễn Việt Chiến". "Như vậy, khi tiếp nhận tác phẩm, ta phải đọc liên văn bản. Bài thơ được đặt trong mạch trò chuyện với bạn thơ của Phan Huyền Thư" - nhà phê bình nói.
Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên cũng lý giải thêm, việc một ý thơ nào đó giống nhau là chuyện thường thấy trong văn học nghệ thuật. Ví dụ, Tố Hữu trong bài thơ Nước non ngàn dặm có câu giống hệt câu "Nhớ quê anh lại tìm đường thăm quê" trong Truyện Kiều. Hay Phó Đức Phương cũng có ca khúc trùng tên với một truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp - Chảy đi sông ơi.
Trước những ý kiến về thơ của mình, Phan Huyền Thư tỏ ra bình tĩnh. Chị nói: "Nếu tôi đạo thơ của Du Tử Lê, thì người đầu tiên các bạn nên hỏi là chú ấy, chứ sao lại là tôi". Phan Huyền Thư giải thích, giả sử Du Tử Lê nói rằng "không đồng ý cho Phan Huyền Thư làm thế này thế kia", rằng "Phan Huyền Thư làm thế là cầm nhầm"... thì lúc đó chị mới lên tiếng. "Chỉ một câu nói vu vơ mà bắt tôi điều trần, tôi không muốn làm việc ấy". 
Phan Huyền Thư chia sẻ chị không muốn chuyện bé xé ra to, không muốn mất thời gian. "Tôi không muốn lên tiếng, hãy để cho độc giả đưa ra nhận xét".
Lam Thu - Thoại Hà

http://giaitri.vnexpress.net/tin-tuc/sach/lang-van/phan-huyen-thu-vua-doat-giai-da-bi-nghi-dao-tho-3296394.html

4 nhận xét:

  1. Hai câu thơ của Du Tử Lê và Phan Huyền Thư chỉ khác nhau ở hai chữ, "khi" và "nếu".

    Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển
    /
    Nếu tôi chết hãy đem tôi ra biển

    Đọc kỹ sẽ thấy "khi" tự nhiên và thật hơn, còn "nếu" có vẻ gượng ép và dường như tác giả của nó, tức Phan Huyền Thư, cố tình né chữ "khi" của tác giả đàn anh kia.

    Trần tình của Phan Huyền Thư cũng không thuyết phục, nhưng nói như Lê Thiếu Nhơn là nói quá.

    Cũng phải nói, Phan Huyền Thư có đạo, cũng chỉ đạo ý câu này thôi.

    Trả lờiXóa
  2. Thế còn bài này thì sao? :)
    https://www.facebook.com/notes/minh-quang-h%C3%A0/n%E1%BA%BFu-im-l%E1%BA%B7ng-t%C3%B4i-l%C3%A0-th%E1%BA%B1ng-h%C3%A8n/10153663761554717
    ..."Ở trang 96 của Sẹo độc lập, Phan Huyền Thư viết:
    BẠCH LỘ
    (Độc ẩm với Lã Bất Vy)

    Những gương mặt người
    Quen mà không quen

    Từng giọt sương nén trong veo câm nín
    Tiếng chim khua vỡ buổi sáng lạnh
    Em một mình
    Ngồi khuấy loãng thời gian
    Buổi sáng muốn ôm anh
    Nắng nói lời mê ngủ
    Buổi sáng muốn gọi anh
    Mây tái mặt thẫn thờ
    Quàng nỗi nhớ lên gối chăn bỏ ngỏ
    Bản Blues jazz đêm qua lẩn khuất phím dương cầm
    Người thiên di cung bậc cuối cùng
    Nụ hôn nửa vời
    Trái tim không cửa
    Bóng ai hờ hững xéo trên lá cỏ
    Điềm tĩnh ngồi chờ gió
    Về tan cùng tàn thu
    Buổi sáng
    Một mình
    Quen mà không quen
    Lục lọi trí nhớ một hình nhân đêm
    Quấn quýt trùng căng kén ngà, tơ lạ
    Nuốt vào chầm chậm như loài lông vũ
    Vừa bay vừa thảng thốt…âm u
    Buồn ngại ngần níu vạt ngu ngơ
    Chậm mất nhau cuối mùa
    Bão giông đã nửa đời lạc nhịp
    Cơn đau da lươn lên men vân gốm
    Buổi sáng mị tình
    Nốc cạn
    Một tứ thơ./.

    Trả lờiXóa
  3. Tiếp:
    "Và đúng là Phan Huyền Thư đã “quen mà không quen”, “lục lọi trí nhớ" để “nốc cạn một tứ thơ" thực sự. Bài thơ ấy, về giọng điệu, cấu trúc, rất lạ so với tổng thể còn lại của Sẹo độc lập. Nó cho ta cảm giác nó là Thư mà lại không phải là Thư, như một sự thoát khỏi chính mình vậy.
    À, dễ hiểu thôi, nó chính là bài BUỔI SÁNG, của nhà thơ Phan Ngọc Thường Đoan (tên thật là Nguyễn Thanh Bình, quê Vĩnh Long, công tác tại báo Văn Nghệ Thành Phố HCM). Bài này được Thường Đoan đưa vào tập thơ có tên ĐẾM CÁT, xuất bản năm 2003. Nhưng trước đó, cỡ năm 1999 đến 2001, nhạc sỹ Phú Quang đã phổ nhạc thành ca khúc “Buổi sáng ở cafe Catinat”.
    Nguyên văn bài Buổi Sáng của Thường Đoan như sau:
    BUỔI SÁNG
    Những gương mặt người
    Quen và không quen
    Những giọt cà phê muôn đời đen nhánh
    Tiếng chim khua vỡ buổi sáng lạnh
    gõ thức mặt trời
    Em ngồi một mình
    Khuấy loãng thời gian
    Buổi sáng muốn gọi anh
    Nắng nói lời mê ngủ
    Gió se lạnh chối từ
    Quàng nỗi nhớ chạy quanh chiếc bàn nhỏ

    Bản giao hưởng đêm qua còn phảng phất trên phím dương cầm
    Người đã vội quên cung bậc cuối
    Nụ hôn nửa vời
    Trái tim không cửa
    Ai hờ hững xéo lên lá cỏ

    Buổi sáng ngồi một mình
    Không quen những nụ cười lạ
    Em đậm đặc với nắng thu mưa hạ
    Tan cùng tàn đông
    Lòng bàng hoàng luyến tiếc níu vạt áo xuân
    Đã chậm mất nửa mùa cuối cùng

    Khói thuốc cay và cà phê đắng
    Cơn đau màu men ngà
    Buổi sáng ngồi một mình
    Uống cạn kiệt
    lạ
    quen!"

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ui chị Chi, đến bài này, thì quả là giật mình đó chị à.

      Để em tìm hiểu thêm chút. Nếu quả là có vấn đề, thì sẽ cắt phần chị chỉ dẫn này thành một entry riêng.

      Xóa

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.