Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

15/10/2015

Phan Huyền Thư lại bị dính nghi án đạo thơ

Hiện chưa rõ nghi án lần này thì như thế nào. 

Nhưng cách đây một số năm, thì nữ văn sĩ này đã thực sự đạo văn một lần. Chuyện cũ ấy khơi mào từ hội thơ xuân, lúc đó là liên quan đến Thanh Tâm Tuyền, và phát hiện ra là Hoàng Ngọc Tuấn của Tiền Vệ.

Nghi án lần này vừa xuất hiện trên Dân trí (xem toàn văn ở dưới).

---


Thứ Năm, 15/10/2015 - 11:38

Phan Huyền Thư dính nghi án “đạo thơ”


Dân trí Làng văn lại xì xào “nghi án” mới, có ý kiến cho rằng Phan Huyền Thư đã “đạo” ngay trong tập thơ vừa đoạt giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội, được trao hôm 10/10.


 >> Giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội 2015: Nặng ký và khác lạ


Khá nhiều ý kiến bức xúc cho rằng Phan Huyền Thư đã cố tình “cầm nhầm” thơ của Du Tử Lê - một nhà thơ hải ngoại, nổi danh với dòng thơ trữ tình từ trước giải phóng ở Sài Gòn, đã xuất bản tới hơn 30 ấn bản thơ, công bố tác phẩm trên khá nhiều trang mạng trong và ngoài nước.
"Sẹo độc lập" có thực sự độc lập?
Nguyên văn câu thơ mở đầu bài thơ “Có lẽ đã chết vẫn tốt hơn” - một bài trong tập “Sẹo độc lập” như sau: “Nếu tôi chết/hãy đem tôi ra biển/vì tôi là hạt muối buồn/kết tủa từ cô đơn/tự ăn mòn mình bằng mơ mộng/Nếu tôi chết hãy ném tôi vào sóng/cào đến xước mặt hoàng hôn/nàng tiên cá hát ru con/mê hoặc đêm trăng những chàng thuỷ thủ…”
Còn câu thơ của Du Tử Lê trong bài “Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển”như sau: “Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển/đời lưu vong không cả một ngôi mồ/vùi đất lạ thịt xương e khó rã /hồn không đi sao trở lại quê nhà / Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển / nước ngược dòng sẽ đẩy xác trôi đi / bên kia biển là quê hương tôi đó / rặng tre xưa muôn tuổi vẫn xanh rì ..”
Ý thơ chủ đạo này được nhà thơ Du Tử Lê đặt vào bài thơ tới 6 lần ở mỗi câu đầu của đoạn, và toàn bộ đã thể hiện ngay trong cái tựa. Bài thơ này là một trong số những bài thơ nổi tiếng nhất của Du Tử Lê. Rất nhiều độc giả Việt Nam yêu thơ đã thuộc bài thơ này, không lẽ Phan Huyền Thư “vô tình” cầm nhầm một ý tưởng sáng tạo nổi tiếng của người khác mà không biết?
Bài thơ của nhà thơ Du Tử Lê đã sáng tác từ năm 1977, công bố khá lâu trên nhiều trang mạng văn chương, và được phổ nhạc nên rất phổ biến trong cộng đồng. Còn bài thơ của Phan Huyền Thư, theo chị công bố, thì từ năm 2008. Nhà thơ Lê Thiếu Nhơn nhận định: “Cái này nếu khắt khe cũng gọi là đạo, vì bắt chước cách khởi ý. Khởi ý là một thao tác quan trọng. Nếu người có tự trọng phải ghi rõ thành đề từ. Nói đúng hơn, bài thơ của Phan Huyền Thư phải gọi là tác phẩm phái sinh, lấy cảm hứng từ câu thơ của người khác để triển khai ý niệm của mình. Hơn nữa, cả bài thơ dù dông dài vẫn không thoát khỏi câu thơ bao trùm của Du Tử Lê!”.
“Một nhà thơ phải viết một tác phẩm phái sinh, nghĩa là bản lĩnh sáng tạo đang chênh vênh. Cần phải xem lại chính mình. Tốt nhất nên tạm ngưng viết để tâm tư lắng đọng lại” - Nhà thơ Lê Thiếu Nhơn nói thêm. Là đồng nghiệp, đồng thời là cây bút viết phê bình thơ văn khá nhiều,Lê Thiếu Nhơn có trong tay đầy đủ tất cả các tập thơ đã ấn bản của Phan Huyền Thư. Nói về phong cách văn chương của Phan Huyền Thư, anh nhận định: “Phan Huyền Thư chỉ “diễn” giỏi, còn sáng tác thì bình thường thôi. Hai tập trước của Phan Huyền Thư là “Nằm nghiêng” và “Rỗng ngực” cũng nông. “Sẹo độc lập” có vài bài vượt trội so với chính thơ của Phan Huyền Thư trước đây. Tuy nhiên, thơ Phan Huyền Thư rất ít chất thơ, cô ấy cứ cố tỏ ra khôn ngoan và thích cao giọng lý giải, nhưng lời không chuyển được ý”.
Để trả lời cho câu hỏi “Một người làm thơ có bao giờ cho phép mình “hồn nhiên” mắc một cái lỗi là “rinh” nguyên câu thơ, “thuổng” trọn vẹn ý thơ của người khác về làm chủ đề cho bài thơ của mình?” Lê Thiếu Nhơn khẳng định: “Chả nhà thơ nào lại cho phép mình cầm nhầm thơ của người khác. Đó là đạo đức tối thiểu của người sáng tác. Nếu sau khi công bố, thấy thơ mình vô tình trùng một ý của người khác, thì lập tức bỏ đi, không bao giờ in lại, hay đưa vào sách. Vả lại, trừ giai đoạn mới tập viết, rất dễ bị ảnh hưởng. Còn khi đã chọn lối đi cho mình, thì rất khó xảy ra trường hợp giống ai đó, đặc biệt là chỉ khác nguyên văn chữ “khi” và chữ “nếu”, vì thơ từ tâm tư cá nhân bao giờ cũng riêng biệt”.
Vinh danh và háo danh
Trả lời về câu hỏi liên quan đến sự việc mới phát sinh, Phan Huyền Thư cho rằng bây giờ, khi dư luận ồn ào, chị mới biết về bài thơ này của Du Tử Lê? Thực ra, “nghi án” Phan Huyền Thư “đạo” thơ Du Tử Lê, người trong giới văn chương không chỉ xì xào đã lâu mà còn thẳng thắn bút chiến trên các diễn đàn, mạng xã hội trong vòng vài năm trở lại đây, nhưng nay, bài thơ dính “nghi án” lại được đưa vào một tập thơ đoạt giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội, vừa mới trao hôm 10/10. Như Phan Huyền Thư “khoe” công khai trên trang cá nhân của chị thì: “bài thơ này đã nằm ngoan trong tập "Sẹo độc lập", được in và được các tiền bối ghi nhận rồi.... nên post lên đây với mục đích " nhắc khéo" về tập thơ được giải. (Nói chung là cũng còn háo danh lắm ạ!)”
Nhà thơ Lê Thiếu Nhơn thẳng thắn nói: “Văn chương bây giờ cũng có lợi ích nhóm, chỉ khen ngợi và trao giải cho những ai thường thù tạc với mình. Để nói tập thơ này có xứng đáng đoạt giải hay không, phải xem lại hết các tập thơ khác vào chung khảo cùng với “Sẹo độc lập”. Nếu đặt cạnh thơ… hưu trí, thì chắc cũng chấp nhận được kết quả tôn vinh ấy”.
‪Phan Huyền Thư từng bị “dính” tai tiếng vụ án đạo văn trong một lần tham gia Ngày thơ Việt Nam ở Văn Miếu khi chị viết trên poster nhận xét thơ Thanh Tâm Tuyền. ‪Cá nhân chị đã gửi thư xin lỗi tới các nhà văn Đặng Tiến và Bùi Bảo Trúc - những người mà chị đã sử dụng tư liệu viết về Thanh Tâm Tuyền của họ mà không ghi nguồn, nhưng trả lời báo chí, truyền thông, Phan Huyền Thư vẫn cho rằng chị chỉ “quên không ghi rõ” tên các tác giả này. Việc sử dụng ý tưởng sáng tạo của người khác thiên hạ vẫn gọi “cầm nhầm” là đáng xấu hổ, thậm chí người trong giới còn dè bỉu rằng chuyện “đạo” ở ta phổ biến đến nỗi phải trao giải cho những ai “sao chép” đẹp nhất, có “nghệ thuật” nhất?
Minh Quang

http://dantri.com.vn/van-hoa/phan-huyen-thu-dinh-nghi-an-dao-tho-20151015113634862.htm






Thứ Bảy, 10/10/2015 - 01:15


Giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội 2015: Nặng ký và khác lạ


Đó là nhận định của nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên trước Lễ trao giải diễn ra sáng nay (10/10), tại Thư viện Hà Nội. Trước đó, 9 thành viên trong Hội đồng xét giải thưởng văn học 2015 của Hội (gồm Ban chấp hành và Chủ tịch các hội đồng chuyên môn) đã tiến hành tiến hành bỏ phiếu chọn ra những tác phẩm xuất sắc.


Kết quả 6  tác phẩm được Hội Nhà văn Hà Nội trao năm 2015 gồm: Mình và Họ (tiểu thuyết - Nguyễn Bình Phương, Nxb Trẻ), Sẹo độc lập (tập thơ - Phan Huyền Thư, Nhã Nam & Nxb Lao Động), Trên đường biên của lý luận văn học (tập phê bình của Trần Đình Sử, Nxb Văn Học), Kiên ngạnh như thủy (tiểu thuyết của Diêm Liên Khoa - Trung Quốc, Minh Thương dịch từ tiếng Trung, Trung tâm Văn hóa Đông Tây & Nxb Hội Nhà văn), Trúc Thông thơ (Nxb Hội Nhà văn, giải thưởng thành tựu về thơ) và Những người vũ công Memphis (tập thơ của Đào Quốc Minh, Nxb Hội Nhà văn, giải thưởng tác giả trẻ).
Trong đó, chỉ tập thơ Những người vũ công Memphis được 8/9 phiếu bầu. Các tác phẩm đạt giải còn lại đều đạt 9/9 phiếu bầu của Hội đồng xét giải.
Tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương xứng đáng hơn cả!
Theo nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, Giải thưởng 2015 của Hội Nhà văn Hà Nội là một giải thưởng “nặng ký” vì những tác phẩm được chọn vào là những tác phẩm đang gây tranh cãi trên văn đàn như tiểu thuyết Mình và Họ của Nguyễn Bình Phương và tác phẩm lý luận phê bình Trên đường biên của lý luận văn học Trần Đình Sử.
Các tác phẩm sẽ nhận Giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội 2015 hôm nay
Các tác phẩm sẽ nhận Giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội 2015 hôm nay
Trong khi xét giải, các thành viên trong hội đồng xét giải cũng có ý kiến phân tích khác nhau, nhưng cuối cùng, với sự đồng thuận rất cao. Cho nên có thể nói giải thưởng năm nay là chất lượng và xứng đáng.
Năm ngoái, tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương từng được hội đồng văn xuôi của Hội Nhà văn Việt Nam khóa trước bỏ phiếu 100%, nhưng khi ra hội đồng chung khảo lại thay bằng một tác phẩm khác. Còn Hội Nhà văn Hà Nội hôm nay thấy tác phẩm này rất xứng đáng.
Về văn xuôi cũng có những tác phẩm khác xuất sắc đúng thời gian xét giải, về chất lượng cũng rất tốt, nhưng vì tiêu chí của Hội là mỗi một thể loại, lĩnh vực chỉ trao một giải, và tác phẩm của Nguyễn Bình Phương xuất sắc, xứng đáng hơn cả, đáng để trao giải.
Tiểu thuyết Mình và Họ được nhà văn Nguyễn Bình Phương khai triển theo lối viết phức tạp đa tuyến, đa chiều của anh, vừa đẩy nghệ thuật viết tiểu thuyết mang đặc hiệu của tác giả lên một mức độ cao.
Cuốn tiểu thuyết này đan xen nhiều thế giới, nhiều nhân vật, song trùng cả quá khứ và hiện tại, bên này và bên kia, thực và ảo, chiến tranh và hòa bình. Nguyễn Bình Phương bắt người đọc đi vào thế giới nghệ thuật của tác phẩm với sức mạnh của một nhà văn có tài kết cấu và sử dụng ngôn ngữ.
Sự mới mẻ, khác lạ gây chú ý
Cũng theo nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên cuốn Những người vũ công Memphis của Đào Quốc Minh (sinh 1986) tuy chỉ được 8/9 phiếu bầu nhưng tác phẩm của anh là một thể nghiệm, bởi người đọc thấy được một sự mới mẻ, khác lạ. Những câu thơ như những xung động vọng ra từ một cõi khác, từ một con mắt thấu thị khác.
“Thơ Đào Quốc Minh khác lạ với một thi pháp như của riêng anh, nó ám ảnh và khơi gợi. Tác giả là một người thơ trẻ vừa dự Hội nghị những người viết văn trẻ Hà Nội lần thứ hai. Tập thơ này cho thấy một sức thơ có thể bung phá và vượt thoát nhiều hơn nữa” – Hội đồng chấm giải nhận định.
Ngoài ra, tập thơ Sẹo độc lập của nhà thơ Phan Huyền Thư  cũng mới lạ và mới mẻ trong tư duy thơ về cá nhân con người khi lọt lòng mẹ mang vết sẹo làm người trong một cõi nhân sinh nhiều lo âu và bất an. Tập thơ đầy khắc khoải suy tư trên hành trình tìm về và tìm lại bản thể mình, con người mình, không để bị chìm lấp trong im lặng đám đông.
Ở tập thơ này Phan Huyền Thư viết thơ xoáy vào tâm trí người đọc hơn là nương nhờ cảm xúc, lấy chất nghĩ làm nền cho câu thơ, bài thơ hơn là chất cảm. Thơ nhờ đó hiện đại và thiết thực hơn.
Cuốn Kiên ngạnh như thủy của nhà văn Trung Quốc Diêm Liên Khoa cũng được nhận định là một tác phẩm mang tính hài hước, giễu nhại, về một thực tại thảm họa đau thương mà đất nước ông đã trải qua nhưng đến nay vẫn rất cần và vẫn được các nhà văn thể hiện trong các tác phẩm văn chương. Nghệ thuật viết truyện của tác giả ở cuốn tiểu thuyết này khiến cười mà đau, làm hài mà xót.
Diêm Liên Khoa là một nhà văn nổi tiếng ở Trung Quốc hiện nay, tác phẩm của ông đã giành được nhiều giải thưởng trong nước và được dịch ra hàng chục thứ tiếng trên thế giới. Ở Việt Nam đã có mấy tác phẩm của ông được dịch và xuất bản. Bản dịch từ nguyên tác của dịch giả Minh Thương là một nỗ lực lớn, một công lao, trong việc tìm cách chuyển tải chính xác, đầy đủ các sắc thái văn chương thâm thúy của tác giả.
Theo Hoa Chanh - Hải Hà
Thể thao & Văn hóa
http://dantri.com.vn/van-hoa/giai-thuong-hoi-nha-van-ha-noi-2015-nang-ky-va-khac-la-20151010101550591.htm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.