Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

12/10/2015

Nguyễn Hiến Lê với độc giả hôm nay (2) : Phê phán những ý kiến phê phán

Bài của Phùng Hoài Ngọc, để phê phán lại ý kiến của hai ông Trần Thế Kỉ và Trần Đức Lâm.

Toàn văn bài của Phùng Hoài Ngọc như ở dưới.

---

VNTB- Phê phán học giả Nguyễn Hiến Lê là quá nặng nề và bất công




VNTB: Diễn đàn VNTB đang tiếp nhận không khí phản ứng của một số dư luận đối với hai bài viết phê phán học giả Nguyễn Hiến Lê. Nhà nghiên cứu Phùng Hoài Ngọc - hội viên Hội nhà báo độc lập VN - là một trong những phản ứng như thế. VNTB trân trọng đăng nguyên văn bài viết của tác giả Phùng Hoài Ngọc để bạn đọc tham khảo và có cách nhìn công bằng và nhân văn hơn về học giả Nguyễn Hiến Lê.

Sau bài viết này, diễn đàn tranh luận về học giả Nguyễn Hiến Lê trên VNTB xin được tạm dừng.


---------------------




Phùng Hoài Ngọc

Tôi là kẻ hậu học, đọc hai bài báo của Trần Thế Kỷ và Trần Đức Lâm trên Việt Nam Thời Báo, cảm thấy rất băn khoăn.

 

VNTB ngày 8/10/2015- “Sự cẩu thả của dịch giả Nguyễn Hiến Lê” của Trần Đức Lâm. Ông Trần Đức Lâm nói “Tuần trước người bạn thân của tôi là Trần Thế Kỷ đã có đăng bài “Tư Cách Đáng Ngờ của Nguyễn Hiến Lê” trên Việt Nam Thời Báo.

 

Và ông Lâm trịnh trọng tuyên bố:“Hôm nay để góp phần làm sáng tỏ hơn con người thật của Nguyễn Hiến Lê, tôi xin có bài viết này hầu giúp bạn đọc thấy được sự cẩu thả của ông ta trong việc viết lách.
*
Nhận thấy 02 bài báo đả kích học giả Nguyễn Hiến Lê với ngôn từ và giọng điệu gay gắt, nặng nề, căng thẳng khác thường, tôi xin có mấy ý kiến trao đổi với hai ông tác giả.

1. Trước hết trao đổi với ông Trần Thế Kỷ.

(VNTB) 30/9.Trần Thế Kỷ Tư Cách Đáng Ngờ của Nguyễn Hiến Lê” :“Nguyễn Hiến Lê là một học giả. Những bộ sách phong phú do ông biên soạn là một đóng góp đáng kể cho văn hóa nước nhà. Không ai phủ nhận công lao của ông. Nhiều người xem Nguyễn Hiến Lê là một học giả có tư cách. Thế thì tư cách đó có đáng ngờ hay không?

Tôi nhận thấy quan điểm mở đầu của ông Trần Thế Kỷ là thích đáng: “Nguyễn Hiến Lê là một học giả. Những bộ sách phong phú do ông biên soạn là một đóng góp đáng kể cho văn hóa nước nhà. Không ai phủ nhận công lao của ông”.

Liền đó, ông Kỷ lại nói “Nhiều người xem Nguyễn Hiến Lê là một học giả có tư cách. Thế thì tư cách đó có đáng ngờ hay không?”.

Ông Trần Thế Kỷ chỉ ra mấy nhược điểm cụ Lê theo quan điểm riêng của ông:
- Chi tiết kể về Giáo hoàng thời trung cổ (bộ sách Lịch sử thế giới), đoạn này ông Kỷ chưa chỉ ra sai lầm gì của Nguyễn Hiến Lê. Chủ yếu ông Kỷ dẫn lại lời văn Nguyễn Hiến Lê “Sau ngày Giải phóng năm 1975,…”, và bắt bẻ cụ Lê là “Chưa nói tới từ “Giải phóng” thiếu khách quan mà Nguyễn Hiến Lê dùng”. Tôi nghĩ, hồi đó mọi người cũng như cụ Lê quen miệng gọi ngày 30/4/75 như thế, gần đây mới có nhiều ý kiến trăn trở, phản biện rằng đó không phải là ngày “giải phóng”, mà là ngày “chấm dứt Nội chiến”, 
 ngày “thống nhất đất nước”, “ngày tưởng niệm”.v.v...

- “Đoạn cụ Lê viết về Nội chiến Tây Ban Nha trong Bộ lịch sử thế giới, theo ông Kỷ “ông ta gọi là cách mạng chính là biến Tây Ban Nha thành một “Cộng Hòa Nhân Dân” kiểu Liên Xô”,  “Điều nực cười là nhẽ ra phải gọi đúng tên hai phe là Cộng Hòa và Quốc Gia, thì Nguyễn Hiến Lê lại gọi là phe Phát xít và phe Cộng sản!”.
Xin thưa, cụ Lê dịch sách sử nước ngoài, cụ phải dịch sát nghĩa, không thể tùy tiện nói theo ý riêng. Nếu chỗ này, ông Kỷ chỉ ra sách gốc đối chiếu để thấy rằng Cụ Lê dịch sai thì mới lên tiếng được.

Như vậy, chỉ qua vài chi tiết từ ngữ cụ Lê dùng trong sách dịch, ông Trần Thế Kỷ không dẫn được nguyên tác để đối chiếu, mà vội kết luận, “Theo tôi, hai chữ vu khống là rất thích hợp để gọi chính Nguyễn Hiến Lê. Những ai còn xem Nguyễn Hiến Lê là học giả có tư cách thì có lẽ nên nghĩ lại. Tư cách Nguyễn Hiến Lê là rất đáng ngờ”.

Ông Kỷ tự đập đá vào chân mình, tự mâu thuẫn sau khi đã công nhận khái quát về học giả Nguyễn Hiến Lê:“Những bộ sách phong phú do ông biên soạn là một đóng góp đáng kể cho văn hóa nước nhà. Không ai phủ nhận công lao của ông”.

Rút cục ông Kỷ nhằm phê phán “tư cách Nguyễn Hiến Lê”. Chúng ta hiểu “tư cách” là ứng xử đời thường, ngoài chuyên môn của con người, nhưng ông Kỷ không chứng minh được gì về tư cách cụ Lê. Vài từ ngữ trong sách cụ Lê, giả sử ông Kỷ nói đúng thì chỉ là cụ Lê dịch không chính xác (về chuyên môn), vậy sao ông lại qui kết về “tư cách” ?!

Xin trích dẫn báo chí Sài Gòn xưa nói về tư cách cụ Lê.

Báo “Tiền tuyến (của chính quyền Sài Gòn) ngày 20.1.1973.
Mục Tạp ghi - Về giải Tuyên dương Văn học, Nghệ thuật năm nay (…). Về ngành biên khảo ở Việt Nam hiện tại, người mà tôi cho là có công nhất phải kể đến Nguyễn Hiến Lê        Nhưng vì một lẽ nào đó, ông không muốn nhận giải. Thật là một sự đáng tiếc…”.

Báo ĐẠI DÂN TỘC, số  ngày 13-12-1972 (Sài Gòn trước 75)
Mục Hí trường: Ban tổ chức đã trao giải thưởng biên khảo cho cụ Nguyễn Hiến Lê, nhưng cụ Nguyễn Hiến Lê lại không tới lãnh giải. Không lẽ chúng ta phải ban hành một sắc luật buộc các nhà văn hóa khi được trao giải thưởng phải tới lãnh.

Sau này tôi được biết, cụ Lê tâm sự với bằng hữu rằng, cụ không nhận giải vì sợ bị ràng buộc cộng tác với chính quyền. Chẳng những thế, cụ còn rời Sài Gòn về Long Xuyên dạy học và viết sách, để lánh “nạn được ưu đãi” và những hệ lụy khác (Phùng Hoài Ngọc chú thích).

Xin đọc vài dòng hồi ký của học giả Nguyễn Hiến Lê.
Trích “Đời viết văn của tôi” (nxb Văn hóa,1996):
Tôi khuyên con cháu đừng làm chính trị, nhưng nếu làm thì luôn luôn phải đứng về phía nhân dân.
Một xã hội văn minh thì nhà cầm quyền không đàn áp đối lập, cùng lắm chỉ có thể ngăn cản họ để họ đừng gây rối thôi; tuyệt nhiên không được tra tấn họ. Phải tuyệt đối tôn trọng chính kiến của một người.
Một xã hội mà nghề cầm bút, nghề luật sư không phải là nghề tự do thì không gọi là xã hội tự do được”.

Đã có nhiều nhà nghiên cứu trong nước đánh giá cao việc biên dịch sách lịch sử của cụ Nguyễn Hiến Lê. Tôi chỉ xin dẫn một trường hợp quan trọng “nhạy cảm” khi cụ Lê viết “Sử Trung Quốc” (Nguyễn Hiến Lê, Nxb Văn hóa, HN, 1997). Chương cuối, về giai đoạn Cộng sản Trung Quốc nắm quyền từ 1949 về sau, cụ viết (dịch) rất chính xác và khách quan, không hề nể nang Trung cộng, mà đến nay chưa có bộ sử Trung Quốc bằng tiếng Việt nào ở Việt Nam làm được như vậy. Toàn bộ phần chót, từ năm 1911 đến 1973, tả giai đoạn sôi động ác liệt từ cách mạng Tân Hợi đến Trung cộng xuất hiện, giày xéo đất nước Trung Hoa. (Chỉ có tiểu thuyết, như cuốn “Vú to mông nở” (nguyên tác Phong nhũ phì đồn) của nhà văn Mạc Ngôn mới miêu tả được một thế kỷ điêu linh thời Trung cộng, tương ứng với sách sử của cụ Lê).

2. Trao đổi với ông Trần Đức Lâm.
Ông Lâm dẫn ra 3 bài Đường thi “Sơn trung vấn đáp, Tĩnh dạ tứ  Ẩm tửu” do cụ Nguyễn Hiến Lê dịch sách tiếng Anh của Will Durant và chỉ ra ba câu dịch còn vụng về một chút. Tôi xin công nhận ba câu của cụ Lê chưa hay nhưng không sai.

Ông Lâm hẳn biết rằng cụ Nguyễn Hiến Lê viết và biên dịch 120 đầu sách lớn nhỏ với bốn ngôn ngữ Hán, Anh, Pháp, Việt, và toàn bộ là văn xuôi. Tuy nhiên, ông Lâm chỉ dẫn ra ba câu thơ dịch xen trong một cuốn sách văn xuôi là chưa hay chứ không sai nghĩa. Vậy mà ông Lâm đã vội kết luận như sau: “Nguyễn Hiến Lê không hề là một dịch giả hay học giả nghiêm túc như nhiều người lầm tưởng”.

Chúng tôi nghĩ, muốn nhận định “Không hề là dịch giả, học giả nghiêm túc” thì ông Lâm phải nghiên cứu phê phán tất cả 120 cuốn sách của cụ Lê mới có thể nói như vậy.

Đặc biệt ông Trần Đức Lâm còn viết thế này “Tiếc là chúng tôi không có nguyên bản tiếng Anh của Will Durant để đối chiếu vì biết đâu lại chẳng nhặt thêm được ít nhiều lỗi từ bản dịch của Nguyễn Hiến Lê”. Ông Lâm mang sẵn định kiến và đoán mò rằng cụ Lê nhất định sẽ… dịch sai (?!)

Người nghiên cứu văn học nghiêm túc đều biết rằng không thể kết luận kỳ cục như vậy được.

Về ngôn từ tranh luận, hai ông họ Trần mạt sát cụ Lê tới bến như sau:

Ông Kỷ:  nói về học giả Nguyễn Hiến Lê
Viết sử như thế là ấu trĩ, khiến nhiều độc giả có cảm tưởng đó là một đứa trẻ tập viết sử. Nhưng Nguyễn Hiến Lê không phải là đứa con nít. Viết như vậy, Nguyễn Hiến Lê đã tõ ra là kẻ có ác ý. 
 - một kẻ viết sử không đàng hoàng, không chân chính
.- Theo tôi, hai chữ vu khống là rất thích hợp để gọi chính Nguyễn Hiến Lê.

 Ông Lâm: nói về học giả Nguyễn Hiến Lê:
- Những bản dịch kém cỏi tựa như củ khoai sùng
- Dịch thế mà không biết ngượng. Nếu không phải là dốt nát thì cũng là ẩu tả.
- Dịch thơ như thế này thì thiếu cái tâm.

Xin tùy bạn đọc đánh giá thái độ của ông Trần Thế Kỷ và ông Trần Đức Lâm.

***
Ở trên chúng tôi trình bày sơ lược về sự phê phán đả kích quá nặng nề, bất công của “hai ông Trần” dành cho học giả Nguyễn Hiến Lê. Độc giả cao minh hơn xin cứ phán xét tất cả ý kiến của chúng tôi.

Nhân đọc thấy ông Lâm hai lần nhắc lặp lại một ý:
Trường hợp này nếu nhắm chừng không thể dịch nổi thì Nguyễn Hiến Lê có thể nhờ đến các bản dịch hay sẵn có của các dịch giả Đường Thi uy tín như Trần Trọng Kim, Tản Đà, Ngô Tất Tố …
Lần sau ở cuối bài, ông Trần Đức Lâm cao giọng mắc mỏ rằng:“Nguyễn Hiến Lê vẫn có thể nhờ cậy đến các bản dịch xuất sắc sẵn có của những Tản Đà, Trần Trọng Kim… Hay là ông ta chê các vị này dịch tồi quá? !”.

3. Tôi xin dẫn một bản dịch Đường thi sai lầm tai hại của cụ Trần Trọng Kim để hai ông thấy trong nghề dịch thơ văn khó cầu toàn, bình luận vội vàng dễ hỏng việc.

Học giả Trần Trọng Kim [1] để lại cuốn ĐƯỜNG THI [2] quen thuộc mà những bạn đọc Việt Nam ưa thích Đường thi đều biết đến Trang 462-463 (Nxb Văn hóa thông tin, HN,1995 tái bản) có bài “Khiển hoài” đặc sắc của Đỗ Mục- thi nhân lừng danh thời Đường:

Nguyên tác
遣懷
杜牧

落魄江湖載酒行
楚腰纎細掌中輕
十年一覺扬州夢
贏得青樓薄幸名

Khiển hoài
Đỗ Mục

Phiên âm
Lạc phách giang hồ tái tửu hành
Sở yêu tiêm tế chưởng trung khinh (*)
Thập niên nhất giác Dương Châu mộng
Doanh đắc thanh lâu bạc hạnh danh.



Sau vài câu chú thích, cụ Kim dịch thơ lục bát như sau:
Giang hồ lạc phách rượu say,
Lưng eo bụng lép, trong tay không tiền (*),
Dương Châu giấc mộng mười niên,
Nổi danh bạc hạnh ở miền lầu xanh.

Xin chú ý câu 2:  “Sở yêu tiêm tế chưởng trung khinh” *.

Tất cả các dịch giả Việt Nam hiểu đúng nghĩa là “Gái đẹp lưng ong nhỏ nhắn (múa) trên lòng bàn tay”.

Riêng một mình cụ Trần Trọng Kim hiểu lầm rằng “Lưng eo bụng lép, trong tay không tiền” và cho rằng nhà thơ tự tả mình.

Câu thơ trên dùng hai điển cố. Điển cố 1.“Sở yêu” tức “gái nước Sở eo nhỏ” nổi tiếng ở Trung Hoa. Điển cố 2 “chưởng trung khinh”: “nhẹ múa trên lòng bàn tay” là chuyện về nàng Triệu Phi Yến phi tần của vua Hán nhỏ nhắn, múa giỏi, có khi đứng múa trên hai bàn tay ngữa của lực sĩ thái giám, múa cho vua thưởng thức (có giai thoại kể rằng lực sĩ cầm cái mâm, cô trèo lên múa trên lòng mâm). Cả hai điển cố đều được thi nhân Đỗ Mục mượn để miêu tả kỹ nữ thon thả xinh đẹp ở Dương Châu mà thi nhân nhớ lại.

Bản dịch thơ của Ngô Văn Phú, cũng tương tự nhiều dịch giả khác ở Việt Nam:

Để lòng khuây khỏa
Một cõi sông hồ rượu chở theo
Lòng tay, gái Sở múa lưng eo
Mười năm tỉnh giấc Dương Châu mộng
Tình bạc lầu xanh tiếng mãi đeo.
(300 bài thơ Đường, dịch giả Ngô Văn Phú, Nxb Hội nhà văn,2000)
(chú thích Lòng tay: trên lòng bàn tay).

Dịch giả Nguyễn Đại Hoàng có bản dịch tương tự Ngô Văn Phú:

Tự trào
Giang hồ quảy rượu bước nghênh ngang
Lưng ong ca nữ múa xênh xang
Mười năm chợt tỉnh Dương Châu mộng
Thanh lâu còn tiếng bạc tình lang

Hai dịch giả đều hiểu câu 2 như chúng tôi phân tích trên.

Riêng học giả Trần Trọng Kim dịch câu 2 là “nhà thơ gày ốm, không có tiền trong tay” nghĩa là câu 2 là hậu quả uống rượu ở câu 1. Ai cũng biết, khách làng chơi mà không có tiền thì đâu dám mò tới chốn lầu xanh ! Ba câu đầu của cụ Kim không có hình ảnh kỹ nữ đẹp, thế thì câu chót không thể là “bạc tình lầu xanh” được. Bản dịch cụ Kim không bám sát luật tứ tuyệt và logic cấu trúc nên bản dịch sai lầm là phải.

Tuy nhiên để khẳng định, chúng tôi lục tìm sách xuất bản ở Trung Quốc coi sao. May mắn, tôi có cuốn sách Hán ngữ xuất bản tại Bắc Kinh tháng 7 năm 2007. Tác giả Thanh Vũ chủ biên (青羽主编). 中國華僑出版社-“Trung Quốc Hoa kiều xuất bản xã”. Địa chỉ Bắc Kinh thị, An Định lộ, nhà số 20. Tựa sách:“Đường thi tam bách thủ.Tống từ tam bách thủ. Nguyên khúc tam bách thủ”. Giở tới phần sáng tác của Đỗ Mục, trang 142, có bài “Khiển hoài”.

Xem phần chú giải Hán văn của Thanh Vũ, nhà nghiên cứu Trung Quốc, trích:
[] 我落魄在江湖,我 潦倒在綷鄉. 美人纤细的身姿,可以起舞翩翩于手掌.
十年扬州的光阴,如同大梦一场,我: 負心的名声,一直在樓传揚.
[Ý dịch]  “dịch nghĩa”
Ta vơ vẩn chốn giang hồ, ta lảo đảo ở làng rượu.
Mỹ nhân thân hình nhỏ nhắn dung mạo xinh đẹp, có thể múa uyển chuyển trên bàn tay.
Mười năm Dương Châu trôi qua một giấc mộng lớn, tỉnh dậy
Ta mang danh kẻ phụ bạc, bị truyền bá khắp xứ Dương.

[賞析]
杜牧三十三岁前,曾在扬州懷南节度使幕中.
这首詩,記录了作者在扬州时流连青樓,放纵声色,
放荡的生活,以及对这种生活的忏悔和白责.
[Thưởng tích]“thưởng thức và phân tích”:
Đỗ Mục lúc trước 33 tuổi, từng ở Dương Châu, dưới trướng của Tiết độ sứ Hoài Nam.
Bài thơ này ghi lại sau khi tác giả ở Dương Châu lưu luyến lầu xanh, đam mê thanh sắc, thường sinh hoạt phóng đãng, nhưng đã kịp sám hối về trách nhiệm.
(Phùng Hoài Ngọc dịch hai đoạn trích dẫn trên ra Việt ngữ)

Nhà thơ Đỗ Mục (803-853) đỗ tiến sĩ lúc 25 tuổi, nổi tiếng văn chương từ tuổi trẻ. Là người tài hoa, lãng mạn, thích thanh sắc, nhưng cương trực, có khí tiết và xem thường lễ giáo, ông từng làm quan ở nhiều nơi, từ quan chức địa phương về tới triều đình. Tuy nhiên sau những năm tháng ăn chơi, ông làm thơ tự phê phán mình bỏ phí tuổi xuân chốn lầu xanh. Vì thế ông vẫn được thiên hạ quí mến và cảm tài thơ.

Mặt khác, chúng tôi thử vận dụng biện pháp tiếp cận hệ thống và luật lệ Đường thi để phân tích bài tứ tuyệt trên.
Câu 1 (đề / thực): thú giang hồ và rượu
Câu 2 (thực) kỹ nữ eo thon xinh đẹp múa giỏi trên lòng bàn tay.
Câu 3 (luận): chợt tỉnh giấc mộng 10 năm Dương Châu
Câu 4 (kết) Cảm nhận cái hậu quả: mang tai tiếng kẻ bạc tình.
Rượu- gái- tỉnh mộng- sám hối” là một cấu trúc logic, hợp luật thơ tứ tuyệt.

Tôi dẫn thêm hai dịch giả người Mỹ nữa xem họ hiểu và dịch câu 2 ra sao.
Bản dịch của Robert Payne:


Happy Regret
 I roamed with wine along the lakes and rivers
There was always the slim waist of a Húnan girl.
From this dream of ten years wastefulness in Yáng zhōu
 I awake and there is nothing but regret for my unfaithfulness

Robert Payne dùng từ chưa chính xác ở câu 2: “a Húnan girl” (cô gái Hồ Nam), chúng tôi sẽ sửa thành “a Yáng zhōu girl” (cô gái Dương Châu). Vì trong nguyên tác, thi nhân Đỗ Mục không nói gì tới địa danh Hồ Nam.

Trong bản tiếng Anh, Robert Payne cũng cố gắng đạt được nguyên tác Hán ngữ. Chữ “giang hồ” không trỏ “sông” và “hồ” cụ thể, mà được hiểu là “lang thang đó đây, vẻ như sống không có mục đích nghiêm túc”. Ông dịch là “lakes” và “rivers” (chú ý số nhiều “s” để gợi nghĩa rộng, nghĩa bóng, ý khái quát của “sông hồ”) như vậy cũng gần với nghĩa gốc.  Đặc biệt câu 2 nói về kỹ nữ thì rất sát với nguyên tác của Đỗ Mục.

Bản dịch tiếng Anh khác của Witter Bynner:

A Confession
Du Mu

With my wine-bottle, watching by river and lake
For a lady so tiny as to dance on my palm,
I awake, after dreaming ten years in Yangzhou,
Known as fickle, even in the Street of Blue Houses.

Câu 2 cũng tả cô gái nhỏ nhắn múa trên lòng bàn tay
(my palm: lòng bàn tay tôi, tức lòng bàn tay thi nhân).

Cả hai dịch giả Robert Payne và Witter Bynner dịch khá hay, vì đều hiểu đúng câu 2, giống như học giả Thanh Vũ người Trung Quốc phân tích, tương tự các dịch giả khác ở Việt Nam. Tất cả đều khác với bản dịch sai của cụ Trần Trọng Kim.

Bởi ông Trần Đức Lâm khuyên cụ Nguyễn Hiến Lê học tập cụ Trần Trọng Kim về dịch thơ Đường nên chúng tôi buộc lòng phải dẫn một bài thơ dịch hỏng của cụ Kim. Những người dịch thơ không thể cầu toàn được. (Mấy bài dịch thơ của ông Trần Thế Kỷ và Trần Trọng Dương được ông Lâm dẫn ra khen ngợi, theo tôi, cũng chưa phải là hoàn bích, tôi có thể chỉ ra vài lỗi tu từ, vụng. Nhưng xin hẹn dịp khác).

Chứng minh cụ Trần Trọng Kim dịch hỏng một bài thơ Đỗ Mục như trên, chúng tôi vẫn cảm phục rằng cụ là học giả Hán văn hàng đầu khả kính ở Việt Nam đương thời, chưa kể cụ là một chính khách bất phùng thời, một nhà chí sĩ yêu nước đáng trọng. Không vì một bài thơ dịch sai mà vội vã phủ nhận cụ Kim, kiểu như hai ông (ông Kỷ và ông Lâm) đánh giá bất công học giả Nguyễn Hiến Lê.

Nhân tiện đây chúng tôi giới thiệu bài thơ “Khiển hoài” của Đỗ Mục, một bài thơ đặc sắc, với quí độc giả của VNTB cùng thưởng thức.

Cẩn bút
PHN



[1] . Cụ Trần Trọng Kim còn để lại cuốn hồi ký “Dọc đường gió bụi” nổi tiếng, có nhiều giá trị lịch sử chân thực vì cụ từng là thủ tướng Đế quốc Việt Nam trước Sự biến tháng Tám.

[2]. Cụ Trần Trọng Kim dịch cuốn Đường thi tam bách thủ Hán ngữ gồm 336 bài.

http://www.ijavn.org/2015/10/vntb-phe-phan-hoc-gia-nguyen-hien-le-la.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.