Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

15/10/2015

Hiệu Minh kể chuyện du học ở Đông Âu, liên quan đến cây thanh hao

Bác Hiệu Minh vốn là PTS (phó tiến sĩ) học ở Đông Âu. Bác đã kể và đưa luôn bằng PTS lên mạng, ở đây.

Bây giờ, nhân sự kiện cây thanh haobà Đồ người Trung Quốc thời cụ Mao, bác kể tiếp chuyện du học ở Đông Âu.

Thật ra đang hiếm những chuyện kể sự thực như thế này.

Toàn văn lấy về từ blog Hiệu Minh.

---


October 15, 2015

Tiến sỹ Phạm Gia Điền và cây thanh hao hoa vàng

Anh Phạm Gia Điền. Ảnh: Báo Xã Luận
Anh Phạm Gia Điền. Ảnh: Báo Xã Luận

Dân IT nói về thanh hao hoa vàng ngang bằng giáo sư hóa nghiệm viết về IT. Nhưng thôi, cứ mạnh dạn “chém gió”, mong những người trong cuộc lên tiếng.

Hôm trước đọc tin BBC về bà Đồ U U được giải Nobel vì đã tìm ra vị thuốc có 1600 năm tuổi của Trung Quốc nhằm chữa bệnh sốt rét. BBC dẫn nguồn của Guardian nói rằng, tên tuổi của bà được giữ bí mật tại Trung Quốc vì hồi năm 1969, bà Đồ U U tham gia Dự án 523 do chính quyền Mao Trạch Đông lập ra.

The Guardian cũng viết cho đến thời điểm đó “binh lính Bắc Việt, đồng minh cộng sản của Trung Quốc, chết vì sốt rét nhiều hơn vì bom đạn Mỹ”.

Không phải bỗng nhiên mà hang Cua liên tục đăng bài về chuyện này. Nghe nói thuốc chống sốt rét được chiết xuất từ cây thanh hao hoa vàng, tôi nhớ người bạn công tác tại viện Hóa (VKHVN – Viện Hàn lâm VN hiện nay) làm nghiên cứu sinh (NCS) trong thời gian 1986-1988 tại Sofia. Anh tên là Phạm Gia Điền, chuyên về Hóa nghiệm và hình như sau này chuyển sang Hóa dược.

Hầu hết NCS sang làm việc để tìm cách cứu gia đình vì hồi đó rất đói khổ. Nào là buôn thuốc cảm analgin, vải caro mắt dần, mắt sàng (ô to, ô bé), đánh hàng về Việt Nam, Hà Nội gửi áo cánh dơi, cánh chuột, quần bò dởm sang bán cho người Thổ, người Bun và dân dzigan mà người Việt gọi xách mé là “xít” vì hôi như bọ xít. Thấy tôi đầu óc bù xù, anh Điện tặng luôn cái nick “xít”.

Có vài người không biết làm gì ngoài chuyện nghiên cứu để có công trình khoa học và kiếm cái bằng PTS như là cái phao cho cuộc đời. Anh Phạm Trần Nhu chuyên về toán làm Tiến sỹ KH, một năm có 9 bài báo đăng các tạp chí Quốc tế. Anh Phạm Gia Điền cũng thế, ngoài chuyện vùi đầu vào phòng thí nghiệm, chẳng biết làm gì khác, chỉ mơ bảo vệ PTS thành công.

Mấy anh em thân nhau, lại ở gần trong phố vì trọ nhà dân. Sáng cắp ô đi, tối cắp cặp về, thường là 9-10 giờ đêm mới về nhà trọ. Cuối tuần cũng lao đầu đến văn phòng.

Mình thân với anh Điền hơn cả. Lúc mệt, anh em rủ nhau nấu cơm chung, quanh đi quẩn lại có món gà luộc muôn thuở, nước dùng ăn với mỳ cho thêm mấy lá bắp cải. Chiều tối đi dạo, anh em nhìn vào khu nhà của người giầu có hàng rào và vườn cây xung quanh, ở giữa là villa rất đẹp.

Rồi mơ ước, bao giờ có tiền thì mua một mảnh đất và xây như người Bun. Thỉnh thoảng còn trộm mấy quả đào, táo, lê, mận ngon tuyệt vì cành la ra ngoài đường. Đi tầu điện thấy đông người cũng trốn vé như sinh viên, có lần bị bắt và hứa không bao giờ làm việc trẻ con ấy nữa. Đại loại khá vui.

Kể về nghề của mình, anh Điền tự hào biết tạo ra tinh dầu hoa hồng trong phòng thí nghiệm mà không cần hoa hồng. Chả hiểu anh pha chế kiểu gì. Mang về một lọ bé tý, anh khoe có thể pha ra mấy chục lọ nước hoa thơm như của Chanel, chả biết có đúng không.

Rồi anh ước mơ về Việt Nam sẽ cùng anh em nghiên cứu và sản xuất nước hoa. Anh và gia đình sẽ giầu có. Hóa nghiệm là chìa khóa phát triển của thế kỷ 21 đó, anh kể say sưa về những dự định của nhà khoa học đầy hoài bão.

Rồi anh em xa nhau mỗi người một ngả. Dù làm cùng viện nhưng ít gặp nhau. Sau tôi chuyển sang UNHCR và World Bank thì hoàn toàn không nhớ đến anh nữa.

Nhớ một năm (1989?), một hôm đọc bài viết (trên báo Tiền phong?) với cái tít “Ai đã giết cây thanh hao hoa vàng” có nhắc đến anh Điền. Tôi chợt nhớ người bạn năm xưa. Hóa ra anh chuyển sang ngành hóa dược nhằm sản xuất thuốc. Hình như dự án này cũng nhiều chuyện phía sau gì đó, cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt.

Đọc thêm tôi biết được anh và các cộng sự định chiết xuất tinh dầu cây thanh hao để làm ra thuốc chống sốt rét. Rồi chính phủ cấp tiền cho dự án quan trọng này.
Ảnh chụp từ YouTube by Cua Times.
Ảnh chụp từ YouTube by Cua Times.
Trong một phỏng vấn, anh Điền có nói thuốc chống sốt rét của nhóm anh chiết xuất thuộc vào tốt nhất châu Á. Trong một bản tin của TTXVN cũng nói UN đánh giá cao thuốc này của Việt Nam.

Không ở trong ngành nên tôi chẳng biết kết quả tới đâu. Đọc bài về bà Đồ U U, tôi liên tưởng tới anh Điền. Nếu ở Hà Nội, chắc sẽ liên hệ và nghe anh nói về vấn đề này. Thôi thì viết mấy dòng, mong các bạn ở Viện KH VN đọc được bài này và chuyển cho anh.

Chuyện giải thưởng Nobel của bà Đồ U U không cần bàn thêm nhưng chuyện Trung Quốc tham gia giúp bộ đội Bắc Việt tránh bệnh sốt rét rừng thì cần làm rõ. Những người như anh Điền đủ trình độ chuyên môn và uy tín để nói về đề tài này.

Vào Google và tìm ra một số tài liệu liên quan đến cây thanh hao hoa vàng, một số bài báo cũng nhắc đến sốt rét làm lính Bắc Việt chết nhiều hơn súng đạn. Có lẽ vì thế mà báo nước ngoài “xào” lại y chang.

Một số bài nhắc đến công trình nghiên cứu của Phạm Gia Điền, nay là PGS. TS, Trưởng phòng Công nghệ các hoạt chất sinh học, Viện Hoá học, Viện Hàn lâm và Công nghệ Việt Nam (Viện KH Việt nam cũ). Các công trình nghiên cứu cũng có reference đến các bài báo của Phạm Gia Điền.

Sinh năm 1950, tốt nghiệp ở Liên Xô về chuyên ngành Hóa, chắc năm nay phải hưu rồi, chẳng hiểu có liên hệ nhiều với Viện Hóa hay không. Nhưng đọc các bài giới thiệu thấy anh vẫn hoạt động khoa học đều đều và dường như khát vọng khoa học vẫn như xưa. Có video nói anh hoạt động về môi trường.

Không hiểu về ngành Hóa lắm nhưng qua quan hệ thân thiết vài năm, tôi cảm thấy rất trọng nhà khoa học này. Nhìn bề ngoài anh hiền từ, ít nói, cười thân thiện. Có lẽ vì thế mà anh lọt mắt xanh của chị Liên (Lê Ngọc Liên?) một hoa khôi của viện KHVN. Hai anh chị cùng làm việc trong viện Hóa.

Thời thanh niên sôi nổi, có nhóm nhạc Thạch Anh của viện KHVN hay biểu diễn cây nhà lá vườn. Mời các ca sỹ nổi tiếng như Ái Vân, Vũ Dậu, Quang Thọ tới hát. Viện cũng có vài ca sỹ, trong đó có chị Liên có vài bài tủ với mái tóc bồng bềnh, mắt mơ màng cất giọng “Ơi Nha Trang mùa thu lại về” làm hội trường im phắc. Bây giờ thấy TKO còm là nhớ ra chị Liên.

Ban nhạc Thạch Anh - 1978. Ảnh do anh Vũ Duy Mẫn cung cấp.
Ban nhạc Thạch Anh – 1978. Ảnh do anh Vũ Duy Mẫn cung cấp. (Chị Liên ngồi cạnh anh Cua, anh Cua đâu thì bạn đọc tự đoán :roll:  )
Lâu rồi không gặp anh chị, chẳng hiểu họ sống ra sao. Hy vọng mọi việc đều tốt đẹp vì cả hai rất được đồng nghiệp yêu quí.

Cảm nhận của người ngoài cuộc chỉ là cảm nhận. Có gì sai sót, mong bạn đọc lượng thứ. Giá ở HN sẽ alo cho anh một cú và hỏi chuyện thì hay biết mấy.

Viết về viện cũ tôi luôn ước mong thế hệ trẻ ngày nay đam mê khoa học như các anh Phạm Gia Điền, Phạm Trần Nhu và nhiều nhà khoa học khác. Giấc mơ cây thanh hao hoa vàng của người Việt bị dang dở nhưng nếu học được bài học của quá khứ và có môi trường thuận lợi thì chuyện giải thưởng Nobel không phải là ảo mộng của thế kỷ 21.

HM. 14-10-2015

http://hieuminh.org/2015/10/15/tien-sy-pham-gia-dien-va-cay-thanh-hao-hoa-vang/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.