Chống tham nhũng còn hạn chế
Theo đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng), việc phát hiện xử lý tham nhũng chưa tương ứng với tình hình và mong đợi dư luận xã hội, xử lý tham nhũng rất chậm. Thiệt hại do tham nhũng gây ra là hơn 900 tỷ đồng và gần 10.000 m2 đất nhưng thu hồi tài sản tham nhũng chỉ đạt hơn 55%. Tài sản tham nhũng thu hồi thấp đó chính là điều cử tri coi rằng "hy sinh đời bố củng cố đời con".
Từ đó ông Nghĩa đề nghị, tỷ lệ thu hồi càng thấp thì án càng phải cao. Có như vậy mới bắt tội phạm tham nhũng nộp tài sản cho Nhà nước, và chỉ được đặc xá khi trả cho Nhà nước hơn 60% tài sản bị thất thoát.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) thì cho rằng, tham nhũng làm cho chính trị suy yếu, thể chế bê bối. Theo ông Phương, tham nhũng ngày càng phức tạp và ngày càng tinh vi gây bức xúc trong xã hội. 
"Hầu hết mọi lĩnh vực đều có tham nhũng, người không tham nhũng bị người tham nhũng cô lập, tham nhũng chính sách cho hộ nghèo, chế độ chính sách với người có công. Tham nhũng vặt và hối lộ công diễn ra phổ biến và nghiêm trọng. Hối lộ xảy ra ngay trong cơ quan bảo vệ pháp luật, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán. Công chức tạo ra những thủ tục mà người ta gọi là lệ phí bôi trơn” - ông Phương nhấn mạnh. 
Đáng chú ý, một trong những hình thức tham nhũng tinh nhất mà lâu nay ít đề cập, báo cáo của Chính phủ cũng chưa nói rõ chính là tham nhũng chính sách, chạy chọt để đưa chính sách hưởng lợi ích nhóm cá nhân. Trong khi đó, xử lý tham nhũng lại nhẹ, vẫn còn tình trạng người đứng đầu bao che cho cấp dưới.
Để chống tham nhũng trong thời gian tới, ông Phương cho rằng, cần xử lý trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu để xảy ra tham nhũng trong cơ quan đơn vị mình. 
Trong khi đó, ĐB Nguyễn Thái Học (Phú Yên) chỉ rõ, báo cáo của Chính phủ nhận định tham nhũng, lãng phí còn nghiêm trọng làm cản trở sự phát triển của đất nước nhưng kết quả từ điều tra, truy tố, xét xử đều giảm so với năm 2014. 
"Có loại tội phạm giảm thì được nhân dân biểu dương đồng tình. Nhưng tội phạm tham nhũng giảm trong khi tham nhũng đang còn nghiêm trọng là lỗi của các cơ quan phòng chống tham nhũng. Đây là điều có lỗi với nhân dân với cử tri” ông Học nêu quan điểm.
Còn đại biểu Lê Nam (Thanh Hoá) cho rằng qua nhiều cuộc tiếp xúc cử tri, cử tri vẫn đánh giá tham nhũng vẫn là chưa có chuyển biến cho nên chúng ta phải đánh giá lại vấn đề này.

Vai trò người đứng đầu phòng chống tội phạm còn hạn chế
Thảo luận về báo cáo công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm do Bộ Công an trình bày, đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) cho rằng, công tác phòng chống tội phạm trong năm qua có nhiều vụ diễn biến phức tạp, hành vi phạm tội vô cùng nguy hiểm.
Một số vụ án giết nhiều người trong cùng một gia đình gây hoang mang trong xã hội. Dù cơ quan điều tra đã nhanh chóng vào cuộc truy bắt tội phạm nhưng vẫn gây tâm lý bất an trong xã hội. 
Còn đại biểu Lưu Thị Huyền (Ninh Bình) đã chỉ ra những nguyên nhân yếu kém khiến tình trạng vi phạm pháp luật ngày càng tăng cao như vai trò của người đứng đầu trong công tác phòng chống tội phạm còn hạn chế; vai trò của gia đình chưa được đề cao; công tác quản lý trò chơi bạo lực chưa được ngăn chặn, tình trạng giải quyết việc làm chưa được giải quyết; hệ thống quy định pháp luật trong chống tội phạm còn chưa đồng bộ, đủ sức răn đe… 
Nhấn mạnh tình hình vi phạm pháp luật diễn biến phức tạp, xem thường pháp luật, cướp của giết người, giết người dã man diễn ra gây bức xúc trong xã hội, đại biểu Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận) nhấn mạnh, tình hình trên là hết sức nghiêm trọng, vì vậy cần bổ sung các giải pháp tăng cường công tác đổi mới công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, tăng cường công tác thanh tra kiểm tra giám sát để ngăn chặn tình trạng vi phạm xảy ra, ngăn chặn vi phạm học đường. 

* Clip: ĐB Nguyễn Tiến Sinh (Hoà Bình) phát biểu tại phiên thảo luận chiều 28.10. 

http://laodong.com.vn/chinh-tri/hau-het-moi-linh-vuc-deu-co-tham-nhung-nguoi-khong-tham-nhung-bi-nguoi-tham-nhung-co-lap-391434.bld