Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

20/10/2015

Bản lai diện mục của "Sẹo độc lập" (năm 2005, trên Tạp chí Thơ)

Bây giờ, tôi mới trở lại được phòng làm việc, để post ảnh như đã nói ở entry trước.

Ảnh này, sẽ cho thấy bản lai diện mục (gương mặt thật, gương mặt khởi đầu) của "Sẹo độc lập".

Từ đó đến nay là vừa tròn 10 năm (2005 - 2015). Thật ra, năm 2013, Phan Huyền Thư đã đăng một lần ở đây (xem bổ sung 2). Nói gì thì nói, tập thơ mà chị cho in năm 2014 và nhận giải năm 2015 đã có ý tưởng từ những năm 2004-2005. Tôi đã thấy chứng lí rõ ràng. Về phương diện viết, có thể thấy, chị quả là người thơ (viết thơ, bền bỉ viết thơ). Không phải một ngày hai ngày, mà cả năm năm mười năm.

9 ông/bà trong Hội đồng Thơ của Hội Nhà văn Hà Nội nếu chưa có trong tay ấn bản của số tạp chí này, tôi sẵn sàng cho mượn. Tập "Sẹo độc lập" đã được 9/9 phiếu, tức tuyệt đối, theo thông tin của chính ông trưởng trùm.

Tôi đồ rằng cả 9 ông/bà, cùng ông trưởng trùm Phạm Xuân Nguyên, chưa từng đọc ấn bản này (hoặc là đọc rồi đã quên), nên mới có lời đánh giá như ở đây (xem tư liệu 1). 

Một giải thưởng kém về chuyên môn như vậy quả cũng là đáng thất vọng. Nhìn rộng ra, nền văn chương Việt còn bí bét dài dài. 

Đây là bản lại diện mục:






---


Bổ sung 3 (21/10/2015): Cùng một ngày, Lê Thiếu Nhơn sử dụng bài hai lần. Lần thứ hai là trên TN.

21/10/2015 15:19

Thu hồi giải thưởng của “Sẹo độc lập” là hợp lý, hợp tình


Phan Huyền Thư và tập thơ Sẹo độc lập
1
Phan Huyền Thư và tập thơ Sẹo độc lập
Tôi biết chuyện đạo thơ từ khi “Sẹo độc lập” của Phan Huyền Thư mới phát hành. Tuy nhiên, là một nhà phê bình, thấy Phan Huyền Thư chưa phải là tác giả thực sự có thành tựu nên tôi không nói ra. Ngoài câu thơ giống Du Tử Lê, tôi nhận thấy bài thơ “Bạch lộ” là phiên bản của bài thơ “Buổi sáng”. Tôi có gọi điện cho chị Phan Ngọc Thường Đoan, đề nghị chị phải xác định rõ thời gian sáng tác bài thơ của chị và lưu giữ bằng chứng, vì tôi biết sau này sẽ có chuyện tranh chấp, nhưng mà chị Thường Đoan không để ý. Chị ấy cứ nghĩ tôi nói đến bản quyền phần ca từ đã ủy quyền cho Phú Quang hay Trung tâm bản quyền âm nhạc Việt Nam. Tôi khẳng định với chị Thường Đoan rằng, bản quyền bài thơ của chị đã được xác lập chính thức từ năm 2001, chứ không phải năm 2003 theo như giấy phép xuất bản tập thơ “Đếm cát”.
Bài thơ “Buổi sáng” của chị Thường Đoan làm tại quán của anh Phú Quang giữa năm 2000. Khi anh Phú Quang phổ nhạc và tự hát lần đầu tiên, tôi còn ngồi nghe với chị Thường Đoan. Sau đó bài hát được đưa vào album “Về lại phố xưa” do NXB Âm nhạc Dihavina phát hành năm 2001. Mục đích của Phú Quang là muốn góp phần quảng cáo cái quán của ông ấy, nên mới đặt lại tên “Catinat cà phê sáng”. Ông ấy đùa rằng, rất tự hào là trên thế giới chỉ có hai đơn vị kinh doanh có bài hát riêng. Thứ nhất là khách sạn California ở Mỹ có bài “Hotel California”, thứ hai là quán Catinat ở Sài Gòn có bài “Catinat cà phê sáng”. Câu chuyện xuất xứ bài thơ và bài hát, là như thế.
Đạo thơ, xét cho cùng, cũng không phải cái gì quá ghê gớm. Vì trong sáng tác, đôi khi cầm nhầm của nhau, hoặc cầm nhầm của người đi trước, cũng là tai nạn nghề nghiệp. Và lắm lúc không kiềm chế được cơn háo danh, người ta cũng muốn sở hữu một cái gì đó mà bản thân thấy đồng cảm và thích thú. Chỉ cần xin lỗi, thì giới cầm bút vốn hay mủi lòng sẽ bỏ qua ngay. Đấy là yếu tố tự trọng tối thiểu. Ai dè, lại còn “bịa” ra chuyện mình sáng tác sớm hơn tác giả bài thơ gốc, thì buồn cười thật!
Khi mọi chuyện bị phanh phui, với cái tính của Phan Huyền Thư, thì tôi đoán chắc sẽ tìm cách chống chế theo kiểu của một nhà biên kịch luôn dồi dào tình huống tưởng tượng!
Thực ra một hội đồng thơ, như của Hội nhà văn Hà Nội chẳng hạn, người ta không thể đọc hết được. Tôi cũng là Ủy viên Hội đồng thơ của Hội nhà văn TP.HCM, tôi rất thấu hiểu và rất sẻ chia những bất cập nếu xảy ra ngoài ý muốn. Một năm hàng ngàn tập thơ xuất bản, không cách nào đọc hết được.
Sở dĩ tôi phát hiện hai trường hợp bị “đạo” trong tập “Sẹo độc lập” là vì chúng khá nổi tiếng. Bài của anh Du Tử Lê quen thuộc mấy chục năm rồi, còn bài của chị Thường Đoan thì được phổ nhạc. Có những câu thơ rất xoàng thì người ta sẽ quên đi, có ăn cắp cũng không ai biết, nhưng sao chép những câu thơ ấn tượng thì “lạy ông, con ở bụi này”.
Bài thơ “Buổi sáng” đã được phổ nhạc. Và Phan Huyền Thư là người sống chủ yếu bằng nghề âm nhạc. Cô ấy làm giám khảo âm nhạc trên truyền hình, làm show âm nhạc, viết lời bình âm nhạc, thậm chí còn cầm trịch cả chương trình “Giai điệu tự hào” hoành tráng trên sóng VTV1. Nên không thể có chuyện cô ấy không biết “Catinat cà phê sáng” và bài thơ gốc “Buổi sáng”. Nếu Phan Huyền Thư sáng tác bài thơ, thì sao không gặp Phú Quang đòi bản quyền âm nhạc? Một người có thu nhập thường xuyên từ âm nhạc, sao không quan tâm đến điều đó? Làm gì có chuyện khó tin như thế trên đời. Chẳng lẽ lại độ lượng đến mức tha thứ cho việc Phú Quang lẫn Thường Đoan ăn cắp thành quả sáng tạo của mình?
Đạo thơ, xét cho cùng, cũng không phải cái gì quá ghê gớm. Vì trong sáng tác, đôi khi cầm nhầm của nhau, hoặc cầm nhầm của người đi trước, cũng là tai nạn nghề nghiệp. Và lắm lúc không kiềm chế được cơn háo danh, người ta cũng muốn sở hữu một cái gì đó mà bản thân thấy đồng cảm và thích thú. Chỉ cần xin lỗi, thì giới cầm bút vốn hay mủi lòng sẽ bỏ qua ngay. Đấy là yếu tố tự trọng tối thiểu. Ai dè, lại còn “bịa” ra chuyện mình sáng tác sớm hơn tác giả bài thơ gốc, thì buồn cười thật!
Tại sao vụ câu thơ “Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển” của Du Tử Lê, thì chị Phan Huyền Thư không dám nói rằng đã viết bài thơ đó trước ông Du Tử Lê? Vì ông Du Tử Lê viết bài đó từ năm 1977. Chị không thể nói là viết trước được, vì chị sinh năm 1972. Còn với trường hợp chị Thường Đoan, thì vẫn còn biên độ để “sáng tác” ra một tình huống lâm ly.
Chúng ta có thể tha thứ, nếu chị Phan Huyền Thư xin lỗi vì đã đạo thơ. Nhưng chúng ta không thể chấp nhận chị ấy dùng “tài năng biên kịch” để ngụy tạo chứng cứ. Như thế là ngoan cố. Ngoài đời cũng vậy, tôi đi đường sơ ý, tôi va quệt để chị ngã, tôi phải xin lỗi. Chứ tôi không được phép làm giả hiện trường để nói là chị đi sai luật. Chúng ta có thể tha thứ, nhưng biên độ tha thứ phải có giới hạn. Chúng ta thông cảm cũng phải có giới hạn. Chúng ta thông cảm cho Phan Huyền Thư, thì ai thông cảm cho chị Thường Đoan? Nếu chấp nhận thứ “kịch bản” của Phan Huyền Thư, thì chúng ta cũng phải phong thánh cho chị Thường Đoan vì có đôi mắt nhìn xuyên không gian vào tận hộc tủ ở nhà của chị Phan Huyền Thư để đọc trộm bài thơ “Bạch lộ” à?
Bây giờ mọi chuyện đã quá rõ ràng. Thu hồi giải thưởng là một sự chọn lựa hợp lý, hợp tình và cũng hợp cảnh! Nói như lời ca mà đám đông thường hay nghêu ngao là “không đau vì quá đau”, nhưng “đau một lần rồi thôi”!
Lê Thiếu Nhơn
Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, nhà phê bình văn học, Ủy viên Hội đồng thơ của Hội nhà văn TP.HCM.
http://www.thanhnien.com.vn/toi-viet/thu-hoi-giai-thuong-cua-seo-doc-lap-la-hop-ly-hop-tinh-623628.html



Bổ sung 2 (21/10/2015): Bài của Lê Thiếu Nhơn

(tạm đọc ở đây, chờ đưa về bên này sau)




Bổ sung 1 (21/10/2015): Bức thư trên TPO.

22:52 ngày 20 tháng 10 năm 2015

Thư xin lỗi của nhà thơ Phan Huyền Thư

TPO - Sáng 20/10, nhà thơ Phan Huyền Thư đã viết thư gửi Hội Nhà văn Hà Nội xin lỗi về sự việc xung quanh bài thơ được cho là “cầm nhầm” của tác giả Phan Ngọc Thường Đoan.
Phan Huyền Thư và tập thơ Phan Huyền Thư và tập thơ "Sẹo độc lập".
Chiều cùng ngày, Ban chấp hành Hội Nhà văn Hà Nội đã họp khẩn cấp,quyết định thu hồi giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội 2015 đối với tập thơ “Sẹo độc lập” của Phan Huyền Thư.
Báo điện tử Tiền Phong đăng nguyên văn bức thư dưới đây:
***
Tôi là Phan Huyền Thư, tác giả vừa chính thức được nhận Giải thưởng của Hội nhà văn Hà Nội 2015 cho tập thơ Sẹo độc lập. Lời xin lỗi đầu tiên tôi xin gửi đến Ban chấp hành HNVHN và Hội đồng xét giải của Hội cũng như toàn thể các hội viên về sự việc đáng tiếc xảy ra quanh tác phẩm này của mình. Và tôi xin tuyên bố:
Vì những vướng mắc về bản quyền tác giả cho một bài thơ trong tập thơ được giải, tôi xin trả lại giải thưởng này để tránh những phiền phức dư luận tiêu cực về chất lượng giải thưởng, ảnh hưởng đến Ban chấp hành và các thành viên hội đồng xét giải, đồng thời để bảo vệ uy tín giải thưởng hàng năm của Hội Nhà văn Hà Nội -  một giải thưởng đã có truyền thống về danh tiếng văn chương của mình. 



Lời xin lỗi tiếp theo, tôi muốn công khai trước công luận xin dành cho nhà thơ Phan Ngọc Thường Đoan. Qua vụ việc trùng lặp nội dung giữa hai bài thơ, được biết chị đã có bề dày tác phẩm và tuổi nghề mà một hậu sinh như tôi không biết đến, đối với tôi, đó cũng là một niềm hổ thẹn, nhất là khi lại được biết đến chị trong tình huống trớ trêu này. Tôi xin lỗi chị về sự giống nhau của hai bài thơ này đã làm chị tổn thương và phải trải qua nhiều buồn bực.



Lời xin lỗi thứ ba, tôi muốn dành cho độc giả, bạn bè và các đồng nghiệp. Tôi đã làm các bạn thất vọng khi ngay thời điểm hiện tại xảy ra những thắc mắc của công luận và tác giả Phan Ngọc Thường Đoan về bài thơ “Bạch Lộ”, tôi chỉ có các bản thảo cũ mà ngay lập tức chưa có đủ chứng cứ xuất bản, in ấn tại nước ngoài để chứng minh, bảo vệ cho giá trị hợp pháp của tác phẩm gốc được viết từ năm 1996 của mình. Điều đó có thể khiến cho các bạn cảm thấy thất vọng vì đã trót yêu thích, quý mến, hoặc là kết bạn với một tác giả là tôi. 



Lời xin lỗi tiếp theo, tôi muốn dành riêng cho các nhà báo trong báo giới. Không riêng gì trong lĩnh vực thi ca, ngay cả trong công việc viết lách kiếm sống hàng ngày, như viết đề cương, kịch bản phim tài liệu, không riêng gì cá nhân tôi, các nhà biên kịch phim tài liệu cũng đã có những lần phải tham khảo, sử dụng những tin thức, câu chuyện có thật mà các bạn đưa lên báo chí truyền thông như những chất liệu phụ trợ cho ý tưởng kịch bản phim của mình. Đó cũng là điều tôi cần cảm ơn và xin lỗi các nhà báo. Mặc dù, khi thực sự đi vào sản xuất rất ít khi những thông tin, dữ liệu đó được thực hiện. 



Sau vụ việc đáng tiếc này xảy ra, ngay lập tức tôi sẽ phải rà soát lại toàn bộ các bản thảo tác phẩm của mình đã và chưa xuất bản để đi đăng ký tại Trung tâm Bản quyền Hội Nhà văn Việt Nam, tránh mọi sự cố về văn bản có thể xảy ra sau này. 



Tôi cũng xin cam kết với tác giả Phan Ngọc Thường Đoan và các đơn vị xuất bản, từ thời điểm hiện tại cho tới khi tìm được chứng cứ có tính thuyết phục về mặt in ấn, xuất bản tại nước ngoài của bản thảo đầu tiên viết năm 1996, tôi sẽ không sử dụng bài thơ “Bạch Lộ” trong bất kỳ ấn phẩm nào hoặc khi tái bản tập thơ “Sẹo độc lập” 
Tôi xin hứa sẽ cố gắng hết sức trong việc tìm kiếm các chứng cứ và văn bản thuyết phục nhất để bảo vệ cho tính hợp pháp về thời điểm sáng tác của bài thơ này.



Lời xin lỗi sau cùng, tôi xin dành cho gia đình mình. Để mọi người phải lâm vào sự tổn thương, suy sụp vì những gì xảy ra trên truyền thông mấy ngày qua, là điều tôi sẽ không bao giờ có thể tự tha thứ cho mình. 



Tôi vô cùng xin lỗi. 

Hà Nội ngày 20 tháng 10 năm 2015

http://www.tienphong.vn/van-nghe/thu-xin-loi-cua-nha-tho-phan-huyen-thu-923594.tpo

4 nhận xét:

  1. Sẹo độc lập ở đây là bài thơ có tên "Sẹo độc lập", chứ không phải là bài "Bạch Lộ" có trong tập thơ mang tên "Sẹo độc lậo" đúng không bác Giao?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ở đây, chính xác là cái tên "Sẹo độc lập" bạn à.

      Có hay không một bài thơ mang tên "Sẹo độc lập" in trên giấy năm 2005, thì phải có số tạp chí trong tay thì mới biết.

      Mình mới chỉ đưa 01 trang duy nhất. Và trong đó, thấy rõ chữ "Sẹo độc lập" được chị Phan Huyền Thư viết tay (quen gọi là thủ bút của tác giả).

      Xóa
  2. Cho tôi hỏi, nhờ bác Giao chỉ giùm: Hôm nọ có bài "xin lỗi" của một nhà thơ (nhà văn?) nước ngoài nào đó được đưa ra so sánh để khẳng định bài "xin lỗi" trên kia của cô Huyền Thư cũng đã "đạo" luôn, có phải thế ko ạ?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cái đó, mình có liếc qua, nhưng tư liệu rất đáng nghi. Có lẽ là một tay nào đùa nghịch, hoặc muốn chơi khăm.

      Đáng nghi, nên mình không để ý đến nữa.

      Xóa

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.