Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

12/09/2015

Văn nghệ Thứ Bảy : chuyên gia tâm linh và các chuyên gia khác phản luận võ sư đuổi mưa

Võ sư đã tuyên bố và tâm sự ở các entry trước.

Bây giờ là các phản luận.

---

1. Chuyên gia tâm linh Vũ Thế Khanh:


TS Vũ Thế Khanh có thể khiến Giáo sư 'đuổi mưa'... "tắt điện"?

Hoàng Đan | 11/09/2015 07:27

TS Vũ Thế Khanh có thể khiến Giáo sư 'đuổi mưa'... "tắt điện"?


TS Vũ Thế Khanh cho rằng, trước đây, ông đã từng "bóc mẽ" một số trường hợp dị nhân "đuổi mưa" và với thí nghiệm ông đưa ra có thể khiến GS.VS Huỳnh "tắt điện".

Thí nghiệm có thể khiến GS tuyên bố "đuổi mưa" dịp 2/9 "tắt điện"?
Tuyên bố "đuổi mưa" cho dịp lễ Quốc khánh 2/9 ở Hà Nội vừa qua của Võ sư, Giáo sư - Viện sỹ Lương Ngọc Huỳnh đang gây ra nhiều ý kiến trái chiều.
Không ít người đã đặt câu hỏi nghi vấn về năng lực thực sự của vị Giáo sư có đúng như ông này nói không?
Để có cái nhìn khách quan, đa chiều về vấn đề này, chúng tôi đã tiếp tục có cuộc trao đổi với TS Vũ Thế Khanh, Tổng Giám đốc Liên hiệp khoa học công nghệ tin học ứng dụng UIA.
Ngay khi vừa nghe thông tin về GS Huỳnh, TS Vũ Thế Khanh đã liên tục hỏi lại xem người này là ai, ở đâu. Bởi ông chưa từng nghe đến.
Khi chúng tôi thông tin thêm về việc GS Huỳnh tuyên bố đã "đuổi mưa" cho dịp 2/9 ở Hà Nội thì TS Khanh đã nhắc lại câu chuyện về "dị nhân đuổi mưa" Nguyễn Vũ Tuấn Anh mà ông đã từng trả lời nhiều lần dịp gần Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội năm 2010.
Ông Khanh nhấn mạnh, đây chỉ là những việc linh tinh, không nên quan tâm.
Khi chúng tôi nhắc đến việc GS.VS Huỳnh cho rằng, sẵn sàng đối chất với các nhà khoa, TS Khanh cho hay:
"Chẳng cần phải đối chất, việc này có cần khoa học đâu. Nếu mình đối chất thì chẳng khác nào nâng lên.
Nhưng thôi, trước khi dẫn đến các nhà khoa học thì chỉ cần dùng đúng chiêu mà tôi đã thử nghiệm để "lật mặt" các nhà ngoại cảm rởm là ông này sẽ “tắt điện", TS Khanh nói.
GS.VS Lương Ngọc Huỳnh.
GS.VS Lương Ngọc Huỳnh và bản đồ mô phỏng cách "đuổi mưa" cho Hà Nội.
TS Vũ Thế Khanh
TS Vũ Thế Khanh
TS Khanh đưa ra một yêu cầu rất nhỏ như sau: Đợi lúc trời mưa, ông Lương Ngọc Huỳnh ra đứng dưới mưa. Ông Huỳnh sau đó sẽ "đuổi mưa" trong diện tích 1m2 – ngay chỗ ông này đứng.
“Nếu ông Huỳnh đuổi được mưa trong diện tích 1m2 để ông không ướt, thì tôi đã thấy ông ấy quá siêu phàm, chứ chưa cần ông phải đuổi mưa cho cả Hà Nội”, TS Khanh nêu quan điểm.
Đồng thời, TS Khanh khẳng định: “Tôi cam đoan là ông Huỳnh không dám gặp tôi để làm thử nghiệm này”.
"Dự báo trước 1 ngày không có giá trị"
Trong khi đó, trao đổi với chúng tôi, nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và ứng dụng tiềm năng con người cho biết, GS.VS Lương Ngọc Huỳnh từng đến Viện của ông làm việc một lần.
Tuy nhiên, từ đó đến nay, ông Hải chưa gặp lại ông Huỳnh lần nào.
"Buổi làm việc đó là do một người giới thiệu ông ấy với Viện và gặp gỡ để xem hoạt động của Viện chúng tôi có những gì, ông có thể tham gia với Viện những gì.
Tính đến nay, ông Huỳnh chưa tham gia với Viện làm việc nào cả.
Do qua trung gian nên ông ấy cũng không giới thiệu gì về bản thân. Còn việc ông ấy nói là "đuổi mưa" cho Hà Nội ngày 2/9 thế nào thì tôi không biết", ông Hải cho hay.
Cũng theo ông Hải, việc ông Huỳnh đưa ra dự báo về ngày 2/9 ở Hà Nội không mưa là làm cá nhân chứ không phải làm với Viện hay làm với cơ quan nào nên ông không thể biết cụ thể.
Đồng thời, ông Hải cũng đặt vấn đề, có rất nhiều người có khả năng dự báo trước, nhưng ở đây có thể "ngẫu nhiên đúng thì sao?".
Nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải.
Cùng với đó, việc ông Huỳnh đưa ra dự báo ngày 2/9 không mưa vào lúc hơn 1h sáng 1/9, theo ông Hải là không có giá trị.
"Cũng cần nói thêm, để chuẩn bị cho ngày 2/9 thì người ta đã phải làm từ hàng tháng trước rồi. Nếu mà có mưa thì người ta đã không tổ chức như thế.
Như vậy, không cần ông ấy mà Nhà nước đã chuẩn bị cẩn thận rồi. Rất nhiều đoàn diễu hành ngoài trời chứ ít gì đâu, nên việc ông Huỳnh dự báo trước một ngày thì chẳng có giá trị gì cả", ông Hải nói.
Ông Hải cũng nhấn mạnh, để chứng minh rõ về khả năng của mình thì ông Huỳnh nên làm thực nghiệm và có sự chứng kiến của nhiều người, trong đó, có các nhà khoa học.
Đồng thời, việc thực nghiệm này phải làm ít nhất là 3 lần liên tiếp đạt kết quả, còn dưới 3 lần thì chỉ có thể là "ăn may hoặc ngẫu nhiên".
"Cá nhân tôi cũng sẵn sàng tham gia theo dõi quá trình thực nghiệm "đuổi mưa" cũng như "tạo mưa" của ông Huỳnh", ông Hải chia sẻ.
(Còn nữa)

2. Chuyên gia khí tượng Phan Văn Tân:


Chuyên gia khí tượng phản bác tuyên bố "đuổi mưa" của GS Huỳnh

Hoàng Đan | 12/09/2015 07:12








Chuyên gia khí tượng phản bác tuyên bố "đuổi mưa" của GS Huỳnh

GS.TS Phan Văn Tân


Theo GS Tân, việc làm của ông Lương Ngọc Huỳnh không phải là cầu mưa, gió và việc đăng thông tin "đuổi mưa" cho 2/9 vào 1h sáng 1/9 dù đúng cũng chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên.

"Tôi không tin"
Những tuyên bố "đuổi mưa" cho dịp lễ Quốc khánh 2/9 ở Hà Nội hay làm "cơn mưa vàng" ở Ninh Thuận hồi tháng 6 vừa qua của võ sư - GS Lương Ngọc Huỳnh đang gây ra nhiều ý kiến trái chiều.
Không ít người đã đặt câu hỏi nghi vấn về những tuyên bố, khả năng, tính khoa học của phương pháp mà võ sư Huỳnh đưa ra.
Để làm rõ hơn về những thông tin mà vị võ sư này đưa ra, chúng tôi đã có cuộc trao đổi thêm với một số chuyên gia đầu ngành về khí tượng thủy văn ở nước ta.
Trao đổi với chúng tôi, GS.TS Phan Văn Tân (Chủ nhiệm Bộ môn Khí tượng, Khoa Khí tượng thủy văn và hải dương học, trường ĐHKHTN Hà Nội) đã cười khi nghe những thông tin tuyên bố của ông Huỳnh đưa ra về việc "đuổi mưa" cho ngày 2/9.
Theo GS Tân, thời tiết là hiện tượng vật lý tức thời của khí quyển, có nghĩa là giờ đang mưa nhưng lát có thể nắng.
Trong các bản tin thời tiết thì có thể có độ chi tiết rất cao, thậm chí là chỉ dự báo cho một vùng để đua thuyền, một sân bay, sân vận động... và về thời gian thì có thể nói 30 phút một lần.
Võ sư, GS.VS Lương Ngọc Huỳnh.
Võ sư, GS.VS Lương Ngọc Huỳnh.
Nhưng khi đưa ra thông tin đại chúng thì bản tin thô hơn rất nhiều. Chẳng hạn chỉ là ngày hôm nay có mưa hay không, ngày mai nắng hay không, phạm vi chỉ trong 24 giờ hoặc chi tiết hơn là đêm nay có mưa hay không...
"Tuy nhiên, tất cả thông tin đó có thể nói được trước, độ chính xác tương đối cao là từ 3 - 5 ngày, đến 10 ngày thì độ chính xác giảm đi rất nhiều, chỉ còn 20 - 30%. Đến 14 - 15 ngày thì độ chính xác gần như bằng 0. Sau 14 - 15 ngày thì không nói được nữa.
Các điều kiện thời tiết được hình thành trên cơ sở hình thế thời tiết và hình thế này được đặc trưng bởi các quá trình khác nhau. Ví dụ như một đám mây đang lớn nhưng vài tiếng sau có thể biến đi, hình thành một cái khác.
Tuổi thọ của đám mây rất ngắn, chỉ vài ba tiếng, cùng lắm đến 12 tiếng, nhưng có những hệ thống có thể tồn tại lâu hơn. Tuy vậy, bản chất của các hệ thống này cũng không tồn tại quá 2 tuần.
Điều này cũng nói lên rằng, dù con người có giỏi đến mấy thì cũng không thể nói được thời tiết trước 2 tuần", GS Tân nói.
GS Tân cho biết thêm, ông không theo dõi bản tin thời tiết nói về ngày 2/9 như thế nào, nhưng ít nhất vào ngày 2/9, lễ diễu binh mừng Quốc khánh vẫn diễn ra rất tốt đẹp, trời không mưa.
"Nếu như đã có dự báo mưa thì người ta đã chuẩn bị sẵn ô dù, nhưng thực tế cả trên khán đài và dưới đều không có. Liệu thông tin có phải từ ông Huỳnh này đưa ra hay không (?).
Giả sử thông tin ông Huỳnh đưa ra đúng thì ta có thể xem lại truyện kể về Khổng Minh cầu gió Đông để đánh trận Xích Bích.
Ở đây, có thể là kinh nghiệm và thực tế, một số trường hợp dựa vào kinh nghiệm hay bị bệnh kinh niên về phong thấp đều đưa ra dự báo thời tiết khá chuẩn.
Cá nhân tôi cho rằng, ở đây việc làm của ông Huỳnh không phải cầu mưa, cầu gió gì cả và nếu có thì chỉ là một sự trùng hợp ngẫu nhiên", GS Tân nói.
Đồng thời, GS Tân thông tin, ông không phủ nhận kiến thức của ông Huỳnh về phong thủy và kinh dịch.
Nhưng ông khẳng định, dù ông Huỳnh có kiến thức giỏi bằng mấy thì cũng không thể điều khiển được hệ thống khí tượng để chỗ này mưa, chỗ kia không mưa.
Về mặt khoa học thì không cho phép điều đó vì mưa là do hơi nước ở bên dưới bốc lên và trong khí quyển có hơi nước, nhưng hơi nước mà không ngưng kết thì cũng không thể tạo thành các giọt nước.
Khi ngưng kết tạo thành các giọt nước rồi nếu nhỏ li ti thì cũng không thể gây mưa được. Chỉ có những giọt nước kết hợp với nhau đủ lớn, đủ nặng để vượt quá trọng lực thì mới rơi xuống tạo thành giọt mưa.
"Tất cả quá trình đó là quá trình vật lý, xảy ra trong khí quyển. Việc một người ở dưới này mà điều khiển, chi phối được cả hệ thống thì tôi không tin. Còn tôi không phủ nhận những thứ tôi không hiểu", GS Tân nhấn mạnh.

Đồ hình mô phỏng việc đuổi mưa cho ngày 2/9 ở Hà Nội của GS.VS Lương Ngọc Huỳnh. Ảnh được ông chụp và đưa lên facebook vào lúc hơn 1 giờ sáng 1/9.
Đồ hình mô phỏng việc "đuổi mưa" cho ngày 2/9 ở Hà Nội của GS.VS Lương Ngọc Huỳnh. Ảnh được ông chụp và đưa lên facebook vào lúc hơn 1 giờ sáng 1/9.
GS Tân cũng phân tích thêm, đây là hệ thống khí quyển, quy mô lớn, tồn tại khách quan ngoài ý thức con người, vì vậy, "một con người không thể điều khiển được".
"Nếu ông Huỳnh tuyên bố có thể ngăn mưa, "đuổi mưa", thì có dám làm thí nghiệm với tôi không?", ông nói.
Không có căn cứ khoa học
Về thông tin ông Huỳnh tuyên bố đã điều chỉnh hướng đi của một số cơn bão để tránh vào Việt Nam, theo GS Tân, đối với một cơn bão thì ẩn nhiệt là vô cùng lớn. Vì lượng hơi nước bốc lên từ biển là rất lớn nên chứa một lượng hơi nước khổng lồ.
Theo đó, nếu ngưng tụ lại sẽ giải phóng lượng nhiệt lớn đến mức có thể vài ba chục quả bom nguyên tử ném xuống nước Nhật chưa thể so sánh được.
"Cường độ, năng lượng cơn bão lớn đến thế thì năng lượng nào có thể chống được. Còn nói thực tế, việc ông Huỳnh làm này mang tính duy tâm, thần thánh hóa những hiện tượng vật lý mà không thể thần thánh hóa được", GS Tân nhấn mạnh.
Trước đó, ngay khi nghe thông tin về tuyên bố "đuổi mưa" của ông Huỳnh, GS.TSKH Nguyễn Đức Ngữ, Trung tâm KHCN Khí tượng Thủy văn và Môi trường cho biết, sau trường hợp của "dị nhân đuổi mưa" Nguyễn Vũ Tuấn Anh, ông không còn muốn nêu ý kiến.
"Trong dự báo thì bao giờ cũng có nhị phân, tức là đúng hoặc sai hay là zê - rô, hoặc là 1. Thế thì người bình thường nói 50% đã là trúng rồi, không cần phải dự báo. Anh có thể nói không mưa hoặc mưa thì đều được 50% rồi.
Cho nên, có thể ngẫu nhiên mà ông Huỳnh trúng 50% vào đó thôi chứ không có gì hết. Còn tôi cũng không muốn bàn vì các nhà khoa học đã biết hết cả rồi", GS Ngữ nói.
Cũng theo GS Ngữ, những tuyên bố "đuổi mưa" của ông Huỳnh cũng "không hề có căn cứ khoa học và chỉ mất công, mất thời gian".
Theo GS.TS Phan Văn Tân, sau trường hợp của "dị nhân đuổi mưa" Nguyễn Vũ Tuấn Anh, chính ông cũng đã được mời tham gia một hội đồng phản bác đề án của một "dị nhân" khác cũng liên quan đến "đuổi mưa".
GS Tân Kể: "Người này làm hẳn một đề án nêu ra rằng, chỗ này hạn hán là do chỗ kia mưa nhiều và tìm một nguồn năng lượng để điều mưa ở chỗ mưa nhiều sang chỗ hạn.
Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam khi đó đã phải thành lập một hội đồng, trong đó, tôi là chuyên gia khí tượng và tôi đã giải thích về cơ chế khí tượng thì không thể tin được.
Không thể nào điều mưa từ bên Ấn Độ hay nơi đâu đó sang Việt Nam hay vùng hạn nào được. Đó là điều không tưởng".






3. Chuyên gia Ozon với lí thuyết đàn gà:


"Ông già Ozon" dùng đàn gà để phản bác "dị nhân đuổi mưa"

Hoàng Đan | 13/09/2015 07:15



"Ông già Ozon" dùng đàn gà để phản bác "dị nhân đuổi mưa"

GS Lương Ngọc Huỳnh.

"Ông già Ozon" Nguyễn Văn Khải cho rằng, không cần ông Huỳnh đưa ra việc "đuổi mưa" vào 1h sáng 1/9 mà ngay từ ngày 31/8, ông đã khẳng định, ngày 2/9 sẽ không mưa.

"Tôi đã dự đoán trước cả ông Huỳnh"
Xung quanh tuyên bố "đuổi mưa" cho ngày Quốc khánh 2/9 ở Hà Nội của Võ sư, Giáo sư - Viện sỹ Lương Ngọc Huỳnh, chúng tôi tiếp tục có cuộc trao đổi với người được mệnh danh là "ông già Ozon" - TS Vật lý Nguyễn Văn Khải để ghi nhận ý kiến.
Ngay khi vừa nghe chúng tôi nhắc lại tuyên bố "đuổi mưa" cho ngày 2/9 của GS Huỳnh, "ông già Ozon" Nguyễn Văn Khải đã liên tục cười lớn.
Theo "ông già Ozon" thực tế, đúng là trong ngày 2/9 thời tiết rất đẹp, mát mẻ và lễ diễu binh chào mừng Quốc khánh đã diễn ra thành công.
Tuy nhiên, về việc dự báo thời tiết không mưa trong ngày 2/9 thì không phải chờ đến khi GS Huỳnh đưa ra mà ngay ngày 31/8, khi ngồi nói chuyện với bạn bè, TS Khải đã khẳng định chắc chắn điều này.
"Tôi chẳng hô mưa hoán vũ gì cả, nhưng ngay ngày 31/8, khi ngồi ăn cơm với một số người bạn, tôi đã khẳng định là ngày 2/9 sẽ không mưa. Nếu ai không tin có thể đi hỏi những người bạn ngồi ăn cùng tôi.
Còn tại sao tôi có thể nói được từ ngày 31/8 là vì tôi theo dõi dự báo thời tiết qua ảnh mây vệ tinh. Nếu hôm đó ta nhìn kỹ nữa sẽ thấy như dân gian truyền là "ráng mỡ gà thì nắng, ráng mỡ trắng thì mưa", nắng chiều rất đẹp.
Do đó, chỉ cần nhìn là có thể đoán được một phần thời tiết những ngày sau. Chưa kể, bản tin dự báo thời tiết của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương phát đi cả nước cũng nói rõ là ngày 2/9 không mưa", TS Khải nói.

Đồ hình mô phỏng việc đuổi mưa cho ngày 2/9 ở Hà Nội của GS.VS Lương Ngọc Huỳnh. Ảnh được ông chụp và đưa lên facebook vào lúc hơn 1 giờ sáng 1/9.
Đồ hình mô phỏng việc "đuổi mưa" cho ngày 2/9 ở Hà Nội của GS.VS Lương Ngọc Huỳnh. Ảnh được ông chụp và đưa lên facebook vào lúc hơn 1 giờ sáng 1/9.
Ông già Ozon Nguyễn Văn Khải
"Ông già Ozon" Nguyễn Văn Khải
Cũng theo TS Khải, gia đình ông nuôi rất nhiều gà và trong những ngày đó, đàn gà nhà ông không hề lên chuồng hay nhảy lên các nơi cao mà nằm dưới nền đất, nên đây cũng là một kinh nghiệm để cho thấy trời sẽ không mưa.
Không hiểu kiến thức vật lý (?)
Trong giải thích của mình, GS Huỳnh cho rằng, muốn giải quyết vấn đề mưa thì phải đẩy được cơn mưa ra ngoài bằng cách tạo ra áp suất, bởi khi có sự chênh lệch áp suất trong không khí thì nó sẽ tự di chuyển mây. Mây bay đi được hay không là do gió.
Về thông tin này, TS Nguyễn Văn Khải cho rằng, đúng là muốn đẩy mây đi thì phải tạo ra gió và muốn có gió phải tạo ra sự chênh lệch về áp suất.
Thế nhưng, để tạo chênh lệch áp suất thì phải có một vùng bị đốt nóng hoặc bị lạnh đi. Nói cách khác là phải làm nồng độ phân tầng ở chỗ nào rất thấp thì dồn vào hoặc từ chỗ rất cao dồn đến.
"Về vật lý, chúng ta tưởng tượng cả một bầu trời Hà Nội rộng như thế này, muốn tạo gió đuổi mây đi thì phải có một vùng bị đốt nóng cực mạnh hoặc bị rất lạnh trải dài hàng trăm km, ví dụ như ở Phú Yên hay Ninh Thuận...
Như vậy, ở đây, tôi muốn hỏi, ông Huỳnh đã tạo chỗ nào không khí loãng để làm việc này? Ông đã hút hay ông đã đốt nóng? Với bầu trời Hà Nội mênh mông thế thì ông đã phải hút một khoảng mây rất lớn hoặc đốt một khu vực cực nóng.
Chưa kể, nếu hút không đều có thể tạo thành xoáy. Tuy nhiên, nếu xem lại chúng ta sẽ thấy, cả nước ngày hôm đó đều không có gió to. Rõ ràng ở đây, ông Huỳnh không hiểu kiến thức vật lý nên mới tuyên bố như vậy!", TS Khải phân tích.
GS.VS Lương Ngọc Huỳnh.
GS.VS Lương Ngọc Huỳnh.
Cũng theo TS Khải, việc GS Huỳnh tuyên bố "đuổi mưa" tức là có thể đuổi mây từ chỗ này sang chỗ kia, nói cách khác có thể làm chỗ này nắng, chỗ kia mưa.
"Nên nếu sang năm có vùng nào đó của chúng ta bị hạn hán thì chúng tôi sẽ nhớ điều này, để mời ông đến làm mưa xem có làm được không", TS Khải đặt vấn đề.
Ông cho biết thêm, để tạo ra cơn mưa trong phòng thí nghiệm thì có thể để chai nước vào tủ lạnh, sau đó cho ra ngoài, hơi nước bắn xuống thành mưa.
"Nhưng để làm thí nghiệm mưa rộng bằng nhà tôi thôi thì đã rất khó rồi, còn để làm mưa cho cả một vùng thì là điều không tưởng.
Rõ ràng ở đây, ông Huỳnh không hiểu kiến thức vật lý ở cấp trung học, nhưng lại có những tuyên bố không chính xác", TS Khải nhấn mạnh.
Đồng thời, ông cũng đề nghị, nếu được, GS Huỳnh có thể cùng ông đến một nơi nào đó như nhà hay văn phòng, quán nào đó để làm một thí nghiệm nhỏ.
"Tôi sẽ treo cách trước mặt tôi hoặc ông Huỳnh khoảng 2m một tấm vải mỏng và tôi chỉ đề nghị, ông dùng cách nào để có thể điều khiển tấm vải đó bay về phía tôi hoặc ông.
Chỉ có vậy thôi còn cá nhân tôi nghĩ rằng, tôi không cần phải đối chất thêm", "ông già Ozon" đề nghị.
http://soha.vn/xa-hoi/ong-gia-ozon-dung-dan-ga-de-phan-bac-di-nhan-duoi-mua-20150909003430451.htm

3 nhận xét:

  1. Có ai biết làm ơn xin cho biết vì công trình gì mà ông Lương Ngọc Huỳnh được Học viện An ninh Quốc gia Liên bang Nga phong hàm Giáo sư và Viện Hàn lâm Chiêm tinh Mông Cổ phong danh hiệu Viện sĩ?

    Trả lờiXóa
  2. Toàn giao sư, tiến sỹ....lại cho răng "Không có" khoa học....vậy tìm mộ thì của bao liệt sỹ...thắp hương cầu mong Quốc thái, Dân an khoa hoc không ?Hay tạm thời "Khoa hoc" mà chúng ta đang có chưa đủ sức để giải thích. Nhiều khả năng chữa bệnh kỳ lạ ....ở quê không cho chữa, về Hà Tình cấp đất, thành lập viện...chữa cho hàng nghìn người....Hãy bình tâm, tìm ra sự thật có hoặc không việc làm mưa như Võ sư, Viện sỹ Huỳnh đã thống kê.

    Trả lờiXóa
  3. Ôi ôi... những cái gọi là Học viện An ninh Quốc gia Liên bang Nga và Viện Hàn lâm Chiêm tinh Mông Cổ... khác nào công ty Thiên Ngọc Minh Uy và công ty BQP mà VTV đưa tin trước công luận dạo đầu tháng vừa qua.
    Chẳng ai XỬ DỤNG cái trò chém gió có "Hô phong hoán vũ" ăn theo bản tin thời tiết của VTV đâu ông Huỳnh ơi. Vậy mong ông TẮT (điện) KHI KHÔNG XỬ DỤNG đi may ra vợ con ông nó còn nhìn mặt.

    Trả lờiXóa

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.