Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

20/09/2015

Trường đại học được quyền bổ nhiệm Giáo sư và Phó Giáo sư là xu hướng toàn cầu

Ở Việt Nam, hiện đang có hai luồng ý kiến trái chiều về việc trường đại học (hay các cơ sở đào tạo) bổ nhiệm chức vụ Giáo sư và Phó Giáo sư. Một là ủng hộ, hai là phủ nhận (cho là sai trái, phạm luật).


1. Từ dùng ở đây, của mình, là "bổ nhiệm", mà không phải "phong" hay "công nhận đạt tiêu chuẩn" như văn bản chính qui hiện nay.


Ở đây, mình dùng "chức vụ", chứ không phải "chức danh" như văn bản chính qui.


2. Mình ủng hộ việc đại học có quyền tự quyết bổ nhiệm hai chức vụ trên. Tức bản thân trường cũng có quyền tự quyết bãi nhiệm (hay miễn nhiệm) hai chức vụ đó. Đó là hai chức vụ, không phải chức danh.



3. Nói sẽ dài. Nên trước hết, cứ tập hợp một ít bài viết của cả hai luồng ý kiến.



Từ đây trở xuống là tư liệu. Làm dần dần, và theo thứ tự ngược.


---



TƯ LIỆU


4. Những ý kiến nước đôi


(2). Nguyễn Đăng Hưng

20/09/2015 18:13 GMT+7

"Bộ GD-ĐT cần nhanh chóng trao quyền bổ nhiệm giáo sư"

 - Trao đổi với VietNamNet, GS Nguyễn Đăng Hưng  khẳng định ông luôn cổ vũ việc cải tổ giáo dục Việt Nam, nhất là thay đổi cách tổ chức hệ thống đại học phù hợp với xu thế hội nhập. Ông cho rằng Bộ GD-ĐT cần nhanh chóng đề xuất quy chế cho việc trao quyền bổ nhiệm cho các trường ĐH.
bổ nhiệm giáo sư, tự chủ đại học, Tôn Đức Thắng
GS Nguyễn Đăng Hưng
Thưa ông, việc trường đại học tự bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư là một xu hướng ở nhiều nước trên thế giới. Tại Việt Nam, đây là một điều hoàn toàn mới mẻ. Quan điểm của ông về chuyện này như thế nào?
Tôi đã từng đề xuất và ủng hộ xu hướng này. Vấn đề đặt ra là phải có tiến trình, chọn lựa địa bàn thí điểm phù hợp, nhất là đề xuất điều kiện, quy chế mới thật sự chặt chẽ cho việc thực hiện.
Còn hành động tuỳ hứng, mang tính cục bộ hay cá nhân cảm tính thiếu cân nhắc sẽ mang lại nguy cơ gây đổ vỡ, làm mất uy tín cho công tác cải tổ, mất lòng tin ở tiến trình đổi mới đại học.
Ông có thể kể quy trình bổ nhiệm GS, PGS của đại học nước ngoài?
Ở các nước tiên tiến có nền giáo dục đại học vững mạnh, việc chọn lựa PGS, GS là việc của các đại học. Bỉ cũng thuộc về các nước này. Tại Pháp, hiện vẫn duy trì những Hội đồng chức danh cấp quốc gia cho từng ngành nhưng hội đồng này luôn luôn phối hợp chặt chẽ với các trường khi có yêu cầu chọn lựa và bổ nhiệm.
Tuy nhiên, quy chế bổ nhiệm các chức danh PGS, GS (hay các chức năng thấp hơn như trợ lý thường trực, giảng viên thường trực…) đều phải dựa vào một quy chế thống nhất áp dụng cho tất cả các trường, tất cả các ngành trong cả nước. Chính Bộ GD-ĐT đưa ra quy chế thống nhất này sau khi tham khảo đầy dủ các chuyên gia quốc tế, đối chiếu các quy chế hiện hành ở các nước phát triển.
Nếu trường bổ nhiệm hay chọn lựa theo quy chế riêng là phạm luật.  
Trường không thể bào chữa là Chính phủ chưa cấm nên được quyền bổ nhiệm. Chức năng PGS, GS liên quan đến việc giáo dục đào tạo cho cả một ngành nghề, trực tiếp ảnh hưởng đến xã hội trong thời gian dài cả chục thế hệ sinh viên.
Ông có thể chỉ những ưu điểm và mặt trái việc các trường đại học tự bổ nhiệm GS, PGS trong bối cảnh chất lượng tự đánh giá giáo dục Việt Nam còn chưa rõ ràng?
Việc chính phủ các nước tiên tiến đều giao cho các trường đại học quyền bổ nhiệm nhân sự, rồi ban giám hiệu các trường giao cho các tổ chức cơ sở như khoa hay bộ môn tổ chức tuyển chọn nhân sự có những ưu điểm được trắc nghiệm qua hằng thế kỷ.
Không có cơ cấu nào nắm rõ thực tế hơn các cơ sở. Đây chính là tinh thần thực thi dân chủ cơ sở. Mọi chọn lựa ở xa hay trên xuống có thể dẫn đến những bất cập, yếu kém thậm chí không đạt yêu cầu. Nhưng giao cho cơ sở không có nghĩa là cơ sở muốn làm gì thì làm.
Ở trên, tôi đã nói đến những quy chế, tiêu chí mà cơ sở phải tuân theo. Trước nhất bổ nhiệm nhân sự phải thông qua một quá trình công khai, chặt chẽ.
Việc áp dụng quy chế và tiêu chí phải thông qua một ban kiểm định chuyên môn khách quan vô tư. Ban kiểm định phải bao gồm những thành viên chuyên gia có trình độ chuyên môn phù hợp với ngành nghề cần bổ nhiệm.
Thông thường, ban kiểm định không thể chỉ bao gồm người của trường mà phải có các thành viên chuyên gia đến từ các trường bạn, các trung tâm nghiên cứu, thậm chí từ quốc tế. Đó là điều kiện cho tính khách quan vô tư của ban kiểm định.
Việc thành lập một ban kiểm định trong quá trình bổ nhiệm là điều tối cần thiết cho phép ngăn ngừa những tiêu cực có thể xảy ra.
Nếu các trường đại học Việt Nam được thực hiện quyền tự bổ nhiệm giáo sư, phó giáo sư thì việc này cần được thay đổi như thế nào?
Trước hết, Bộ GD-ĐT nên tham khảo các chuyên gia, các đại học tiên tiến nhanh chóng đề xuất quy chế cho việc trao quyền bổ nhiệm cho các trường ĐH.
Nên cân nhắc là quy chế này phải bảo đảm tính kế thừa phát xuất từ quy chế cũ phong học hàm, học vị hiện hành. Nên thống nhất chỉ có một chức danh cho cả nước. Không thể có chuyện hai ba thứ GS, PGS khác nhau. Không thể có chuyện một trường đòi bổ nhiệm GS cho trường mình và cho cả người ngoài trường chẳng giảng dạy gì, chẳng có liên kết gì đặc biệt (trừ chức danh GS danh dự).
Bộ GD- ĐT nên chọn những trường có mặt bằng cao nhất nước làm thí điểm, giao ưu tiên cho các trường ĐH mạnh, đủ tiêu chuẩn về năng lực học thuật, chuyên môn... Trong giai đoạn thí điểm, Bộ không buông lỏng mà phải có cơ chế theo dõi, kiểm tra từng trường hợp cá biệt.
Những trường chưa hội tụ đủ năng lực chuyên môn (thành viên giảng dạy cơ hữu còn yếu kém, điều kiện giảng dạy còn thiếu sót, cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm chưa đạt chuẩn..) thì nên kéo dài thời gian chờ đợi.
Bộ GD-ĐT nên nghiêm khắc với các hành xử vội vã, tuỳ tiện, đình chỉ ngay những bổ nhiệm bất cập, huỷ bỏ những trường hợp bổ nhiệm không phù hợp với các tiêu chuẩn tối thiểu.
Trường ĐH Tôn Đức Thắng đang thực hiện việc tự bổ nhiệm chức vụ giáo sư, phó giáo sư. Đây là lần đầu tiên tại Việt Nam có một đại học “bắn phát súng” mới mẻ này. Theo ông, trường đại học phải hội đủ những điều kiện như thế nào để thuyết phục dư luận?
Đại học bắn phát súng mới mẻ này ít ra cũng có một đóng góp tích cực. Đại học này đã thí điểm cái không nên làm, cái cần nên tránh. Cũng may, tính bất cập của sư áp dụng quy chế tự trị đại học đã quá rõ ràng, quá thô thiển. Bộ GD-ĐT đang đứng trước một thách thức. Bộ cần nên can thiệp và điều chỉnh ngay.
Cảm ơn ông!
  • Lê Huyền
Ông Nguyễn Đăng Hưng là giáo sư của Đại học Liège (Bỉ). Ông từng làm việc ở Trường ĐH Tôn Đức Thắng và sau đó giữa hai bên không tìm được tiếng nói chung trong việc ra đời một tạp chí khoa học. Hiện nay vụ việc đang được cơ quan pháp luật thụ lý.

http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/262981/-bo-gd-dt-can-nhanh-chong-trao-quyen-bo-nhiem-giao-su-.html



(1). Ngô Bảo Châu


Chủ nhật, 20/9/2015 | 10:17 GMT+7


Ông Ngô Bảo Châu: 'Đại học Tôn Đức Thắng đánh đồng khái niệm giáo sư'



Các cơ sở giáo dục tự bổ nhiệm chức vụ giáo sư là xu hướng của thế giới, song GS Ngô Bảo Châu cho rằng Đại học Tôn Đức Thắng đã đánh đồng khái niệm này trong bối cảnh ở Việt Nam.


- Việc phong hàm giáo sư ở Việt Nam và nước ngoài khác nhau thế nào thưa ông?
- Đầu tiên là cách hiểu nghĩa từ "giáo sư" ở Việt Nam và nước ngoài không giống nhau. Ở nước ngoài, nội hàm của từ này là một vị trí làm việc tương đương với trách nhiệm và mức thu nhập nhất định. Việc phong giáo sư là quyết định tuyển dụng giữa cơ sở giáo dục với nhà khoa học - một cá nhân.
Còn ở Việt Nam, từ xưa tới nay giáo sư không phải là vị trí công tác mà là một học hàm, là sự công nhận của Nhà nước đối với nhà khoa học, rất danh dự. Ở đây, việc phong hàm giáo sư của Việt Nam hơi trái khoáy so với các nước khác. Theo tôi, chúng ta nên trả lại từ giáo sư về đúng nghĩa của nó, tức là một vị trí làm việc. Nhà nước cũng nên trao quyền bổ nhiệm này cho các cơ sở giáo dục bởi phù hợp với chủ trương chung là giao quyền tự chủ cho các trường đại học. 
Ngo-Bao-Chau-ok-6204-140686263-2072-6876
GS Ngô Bảo Châu: "Việt Nam nên trả từ giáo sư về với bản chất của nó". Ảnh:Nguyễn Loan
- Giáo sư nghĩ gì về việc trường Đại học Tôn Đức Thắng bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư? 
- Trên thế giới các trường bổ nhiệm giáo sư là chuyện bình thườngNhưng tôi nghĩ việc làm của trường Tôn Đức Thắng là đánh đồng nghĩa của từ giáo sư ở nước ngoài với Việt Nam. Rõ ràng những giảng viên của Đại học Tôn Đức Thắng nếu mang ra Hội đồng giáo sư Nhà nước sẽ không được công nhận.
Giáo sư họ bổ nhiệm đương nhiên là giáo sư của trường Đại học Tôn Đức Thắng, song ở Việt Nam dễ gây hiểu nhầm với học hàm giáo sư do Nhà nước phong. Đây là trường đã tránh tráo khái niệm. Nếu trường tự phong giảng viên xuất sắc của Đại học Tôn Đức Thắng thì không có vấn đề gì.
- Ông đánh giá thế nào về việc phong hàm giáo sư ở Việt Nam hiện nay?
- Nói thật, tôi thấy một số người được Hội đồng giáo sư Nhà nước phong hàm nhưng lại không xứng đáng vì chức danh giáo sư gắn liền với việc nghiên cứu khoa học. Vấn đề không phải là cần nới lỏng các tiêu chí hay quy trình để phong học hàm giáo sư cho nhiều người hơn nữa. Nhưng về quy trình thì theo tôi cần phải thay đổi để chức danh giáo sư tương xứng với công việc nghiên cứu khoa học của họ. Chứ giáo sư không phải liên quan tới những chức quyền như một số người ở Việt Nam.
- Quy trình phong hàm giáo sư ở một số nước trên thế giới như thế nào thưa ông?
- Pháp cũng có Hội đồng giáo sư quốc gia thẩm định những người đủ tiêu chuẩn ứng cử vào chức danh giáo sư. Những người đạt tiêu chuẩn trước đây do Tổng thống ký, còn hiện nay là do Bộ trưởng Giáo dục công nhận.Tuy nhiên, đây chỉ là vòng đầu, khá dễ.
Sau đó, từng cơ sở giáo dục sẽ tuyển chọn trong số người đã được Hội đồng giáo sư quốc gia công nhận để bổ nhiệm vào trường. Đây mới là vòng khó bởi có hay không được các cơ sở giáo dục uy tín chọn.
Nó giống với Việt Nam là quyết định phong giáo sư vẫn là của Hội đồng giáo sư Nhà nước quyết định. Nhưng về quy trình thì ngược lại. Ở Việt Nam những ứng cử viên được các trường đề cử lên, sau đó Hội đồng giáo sư nhà nước sẽ thẩm định, phong hàm.
Trong khi đó ở Mỹ ai muốn có chức danh giáo sư cũng được. Có những người không có bằng tiến sĩ, không có trình độ đại học cũng có thể là giáo sư miễn là họ được Hội đồng giáo sư trong trường công nhận. Khi họ có những nghiên cứu xuất sắc thì các trường sẽ tuyển và bổ nhiệm vào trường. Tất cả những quyết định phong hàm, bổ nhiệm đều do các cơ sở giáo dục quyết định. 
- Chức danh giáo sư của ông được bổ nhiệm như thế nào?
- Tôi có nhiều chức danh giáo sư khác nhau. Một là giáo sư do Pháp phong vào năm 2004, quy trình bổ nhiệm giống như những gì tôi đã nói. Sau khi được Hội đồng giáo sư quốc gia công nhận tôi được bổ nhiệm làm giáo sư ở cơ sở giáo dục vào năm 2005. Đến năm 2010, khi tham gia giảng dạy ở Đại học Chicago (Mỹ) tôi được cơ sở giáo dục này phong làm giáo sư của trường thông qua Hội đồng giáo sư nhà trường.
Nguyễn Loan
http://vnexpress.net/tin-tuc/giao-duc/ong-ngo-bao-chau-dai-hoc-ton-duc-thang-danh-dong-khai-niem-giao-su-3282051.html



3. Ý kiến của phái phản đối, phủ nhận



2. Ý kiến của phía nhà trường thực hiện bổ nhiệm - người trong cuộc




23/09/2015 13:14 GMT+7

ĐH Tôn Đức Thắng phản hồi việc dừng bổ nhiệm giáo sư

 - "Phát biểu dừng hay không dừng là do hiệu trưởng chứ không phải Cục Nhà giáo. Tôi chưa hề dùng chữ dừng thực hiện".
Ông Lê Vinh Danh, Hiệu trưởng Trường ĐH Tôn Đức Thắng cho biết như vậy khi trao đổi với VietNamNet sáng 23/9, trước thông tin nhà trường đã dừng thực hiện bổ nhiệm, miễn nhiệm các chức vụ chuyên môn. 
.
ĐH Tôn Đức Thắng, phản hồi, giáo sư
Nguồn ảnh: Web của trường
"Chúng tôi có quyền thí điểm xây dựng hệ thống tiêu chuẩn riêng"
Trong một lần trao đổi với Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD-ĐT), tôi đã trả lời: Quy định này vừa ban hành, nội dung và quy trình thì đã đủ, nhưng biểu mẫu chưa làm xong, thì báo Pháp luật TP.HCM đã biết và đưa lên, thế là cả xã hội quan tâm đến. Chứ thực ra chúng tôi chưa thực hiện. Tôi không hiểu từ đâu có thông tin là ĐH Tôn Đức Thắng dừng lại việc này? Tại sao "dừng"? Việc bổ nhiệm chức vụ chuyên môn cho chuyên gia, Nhà khoa học của trường đã được Chính phủ cho phép thí điểm tại Khoản 2.b, Mục II, Điều 1 của Quyết định 158, ngày 29/01/2015. Chúng tôi làm việc có cơ sở pháp lý của mình. Không có lý do gì để "dừng".
Thứ hai, làm gì có chuyện hiểu nhầm quyết định của Chính phủ. Chính phủ có quy định về tiêu chuẩn xét công nhận chức danh GS, PGS. Nhưng chúng tôi được thí điểm tự chủ toàn diện, trong đó có thí điểm việc bổ nhiệm nhân sự là chuyên gia, nhà khoa học vào các chức danh nghề nghiệp tại trường. Vì thế, chúng tôi có quyền thí điểm xây dựng hệ thống tiêu chuẩn riêng, phù hợp với yêu cầu của nhà trường để xét và bổ nhiệm. Bảo chúng tôi "hiểu nhầm quyết định của Chính phủ nên soạn thảo văn bản chưa chuẩn, chưa chặt chẽ (trong việc quy định tiêu chuẩn xét)" là rất chủ quan.
Thứ ba, trường không phong. Việc phong hàm hãy để cho hội đồng nào đó làm. Chúng tôi xét nhà giáo đang công tác tại trường và có nhu cầu so với Bộ tiêu chuẩn của mình xem đủ điều kiện không? Có vi phạm pháp luật không? Có vi phạm đạo đức nhà giáo không? Nếu nhà giáo đạt chuẩn và không có bất kỳ vi phạm gì, chúng tôi bổ nhiệm họ vào chức vụ tương ứng với tiêu chuẩn mà họ có (Trợ lý giáo sư, Giáo sư cộng tác, Giáo sư; hoặc Trợ lý giáo sư nghiên cứu, Giáo sư cộng tác nghiên cứu, Giáo sư nghiên cứu và Giáo sư nghiên cứu xuất sắc); rồi cung ứng đủ điều kiện làm việc (hỗ trợ xe, nhà, phòng làm việc riêng, lab, chuyên viên hỗ trợ, chế độ đi nước ngoài hợp tác nghiên cứu...), trả thu nhập thỏa đáng cũng như mô tả yêu cầu nhiệm vụ mà họ phải thực hiện.
Khi họ hết làm việc hoặc họ vi phạm qui định, chúng tôi bãi miễn.Họ cũng có thể tự xin từ nhiệm nếu sau một thời gian tự nhận thấy là mình không thể đáp ứng nổi nhiệm vụ. Như vậy, trợ lý GS, PGS, GS tại trường Tôn Đức Thắng là chức vụ chuyên môn, nghề nghiệp; không là học hàm suốt đời.
Hai điểm tranh cãi không có cơ sở
Vấn đề đang tranh cãi xảy ra ở 2 điểm là: 1. Trường ĐH Tôn Đức Thắng có đủ nhân lực đẳng cấp để thực hiện việc xét này khách quan, công bằng hay không?  2. GS, PGS hiện nay là từ dùng độc quyền của Hội đồng Chức danh GS nhà nước (HĐCDGSNN), tại sao nhà trường không dùng từ khác, lại dùng từ này để gây lẫn lộn?
Về vấn đề này, nhà trường có quy trình peer review - bình duyệt, chứ không phải nội bộ tự xét và bổ nhiệm.
Căn cứ bộ tiêu chuẩn, trường mời những chuyên gia hàng đầu trong ngành ở nước ngoài (và trong một số trường hợp: ở trong nước) thẩm định. Trường tôn trọng ý kiến thẩm định của chuyên gia; hội đồng xét chỉ mời ứng viên và chuyên gia thẩm định lên tranh luận trước hội đồng khi và chỉ khi có những vấn đề còn phân vân. Ngoài ra, hội đồng tôn trọng kết luận của chuyên gia thẩm định. Không có chuyện bỏ phiếu kín để quyết định; mọi việc đều phải công khai.
“Cần lưu ý rằng năm 2007, khi Bộ GD-ĐT quyết định cho phép các trường đăng ký trường nào đủ điều kiện, thì tổ chức đào tạo tiến sĩ; lúc đó cũng có những núi lo ngại giống hôm nay, rằng: quá nhiều trường không đủ điều kiện, và như thế xã hội sẽ loạn tiến sĩ. Nhưng sau 8 năm, mọi việc vẫn ổn. Tất nhiên, có trường đào tạo tiến sĩ chất lượng khá tốt, có trường trung bình và có trường thực sự chất lượng vẫn còn thấp. Nhưng xã hội đều biết và tự có sự lựa chọn. Đó là một chính sách thông minh. Thế tại sao hôm nay không ai nhớ và rút kinh nghiệm từ chuyện 2007”.
Về vấn đề thứ hai, chỉ có suy nghĩ cực đoan, duy ý chí mới cho rằng những từ ngữ như GS, PGS thuộc độc quyền dùng của của một cơ quan nào đó. Trước đây,  từ GS chỉ những người đi dạy và chúng ta có cả GS trung học, GS đại học. Ông GS đại học chẳng buồn khi bạn mình ở cấp dạy thấp hơn mình vẫn được gọi là GS bởi ông hiểu mỗi người có mỗi việc; và tên gọi trên dùng để chỉ chung nghề nghiệp của họ. Từ năm 2008, khi nhà nước giao quyền cho HĐCDGSNN  công nhận GStrong toàn quốc mới xuất hiện tâm lý này.
Nếu chúng ta cho rằng những từ đó là độc quyền của HĐCDGSNN, thì khi các đại học nước ngoài mở và hoạt động tại Việt Nam, họ xét và công nhận GS, PGS cho họ, họ cũng phải dùng từ khác để khỏi đụng đến độc quyền này hay sao?
Cả 2 tranh cãi đều không có cơ sở. Trường sẽ tiếp tục làm công việc của trường, sẽ hoàn thiện quy định, biểu mẫu, báo cáo...để xét đợt đầu tiên vào đầu 2016.
Với tiêu chuẩn như hiện nay, chúng tôi không kỳ vọng có nhiều người trong ĐH Tôn Đức Thắng đạt được tiêu chuẩn để nhận sự bổ nhiệm ở một số đợt đầu. Nhưng từng bước, giảng viên có mục tiêu để theo đuổi, thì con số người hội đủ tiêu chuẩn những năm về sau sẽ nhiều lên. Hi vọng sau vài năm, việc này phối hợp với việc liên tục tuyển chuyên gia và giáo sư nước ngoài đến làm việc dài hạn tại trường sẽ giúp trường đủ nhân lực cho mục tiêu phát triển thành đại học nghiên cứu.
  • Lê Huyền (Ghi)

http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/263538/dh-ton-duc-thang-phan-hoi-viec-dung-bo-nhiem-giao-su.html









Thứ tư, 16/9/2015 | 14:41 GMT+7


Đại học Tôn Đức Thắng sẽ tiếp tục bổ nhiệm giáo sư



Cho rằng việc tự bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư không hề vi phạm quy định, Đại học Tôn Đức Thắng sẽ tiếp tục thực hiện việc này. 

Trong buổi gặp gỡ với báo chí sáng 16/9, ông Vũ An Ninh, Trưởng phòng Tổ chức hành chính Đại học Tôn Đức Thắng, khẳng định việc trường tự bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư không hề vi phạm quy định.
Về cơ sở pháp lý, việc bổ nhiệm chức vụ chuyên môn cho các chuyên gia, nhà khoa học của trường dựa trên quyền tự chủ được Thủ tướng cho phép thí điểm theo Quyết định 158. Theo đó trường phân chức vụ bổ nhiệm ra làm hai loại, gồm chức vụ quản lý và chức vụ chuyên môn. Trong chức vụ chuyên môn gồm có tập sự giảng dạy, trợ giảng, giảng viên, giáo sư trợ lý, giáo sư và phó giáo sư.
Đối tượng được bổ nhiệm giáo sư, phó giáo sư của trường là chuyên gia, nhà khoa học có học vị tiến sĩ và có hợp đồng lao động với trường một năm trở lên. "Vì đối tượng này không phải công chức, thực hiện nghĩa vụ và hưởng mọi chế độ đãi ngộ do trường trả bằng nguồn thu của trường (không phải bằng ngân sách Nhà nước), do vậy việc bổ nhiệm, giao nhiệm vụ là quyền của trường", đại diện Đại học Tôn Đức Thắng nêu ý kiến và cho biết sẽ tiếp tục bổ nhiệm chức vụ này.
Về việc bổ nhiệm giáo sư và phó giáo sư, trường chia thành 2 nhóm. Nhóm 1 gồm giáo sư trợ lý, phó giáo sư, giáo sư, với nhiệm vụ giảng dạy và nghiên cứu. Nhóm 2 gồm 4 chức vụ giáo sư trợ lý nghiên cứu, phó giáo sư nghiên cứu, giáo sư nghiên cứu và giáo sư nghiên cứu xuất sắc có nhiệm vụ chính là nghiên cứu.
unnamed-3-3415-1442387928.jpg
Đại diện Đại học Tôn Đức Thắng cho rằng việc trường bổ nhiệm chức vụ giáo sư, phó giáo sư là không vi phạm quy định. Ảnh: Nguyễn Loan
Theo lãnh đạo nhà trường, tiêu chuẩn của Đại học Tôn Đức Thắng đưa ra đối với từng chức vụ chuyên môn còn cao hơn so với tiêu chuẩn công nhận của Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước. Tiêu chí chung bao gồm nghiên cứu, giảng dạy và đào tạo, lãnh đạo chuyên môn, thu hút kinh phí nghiên cứu... Mỗi ứng viên sẽ có một nhóm chuyên gia gồm các giáo sư trong và ngoài nước thẩm định. Sau đó Hội đồng của trường sẽ xét duyệt và đưa ra quyết định bổ nhiệm. Hàng năm trường sẽ đánh giá lại, nếu không đáp ứng được yêu cầu thì chức vụ này có thể bị bãi nhiệm.
"Giáo sư, phó giáo sư, giảng viên chính là chức danh nghề nghiệp. Việc bổ nhiệm các chức danh này nếu không phải do Hiệp hội nghề nghiệp thực hiện thì phải do cơ quan chuyên môn của nhân sự thực hiện và tự chịu trách nhiệm", đại diện của trường nêu và cho rằng đến nay học vị tiến sĩ cũng đã giao cho các cơ sở giáo dục đào tạo cấp bằng thì tại sao việc bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp trong lĩnh vực giảng dạy lại không muốn để cơ sở tự làm.
Theo ông Nguyễn An Ninh, quyết định bổ nhiệm chức vụ được ban hành từ tháng 7/2015, đến nay mới có một người được bổ nhiệm chức vụ giáo sư. 
Trước đó, trao đổi với VnExpress về việc Đại học Tôn Đức Thắng quyết định bổ nhiệm chức danh giáo sư và phó giáo sư cho những cán bộ giảng viên trong và ngoài trường có nhu cầu, ông Bùi Mạnh Nhị, Chánh văn phòng Hội đồng Chức danh giáo sư Nhà nước khẳng định việc này không đúng quy định và cần phải dừng lại.
Theo ông Nhị, giáo sư, phó giáo sư là chức danh nghiêm túc và vinh dự, không thể tùy tiện công nhận. Quyết định số 174 của Thủ tướng (sửa đổi năm 2013) quy định tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư nêu rõ, để được công nhận đạt tiêu chuẩn các chức danh đó, ứng viên phải đăng ký và phải gửi hồ sơ tới các cơ sở xét duyệt theo quy định; nếu được Hội đồng chức danh giáo sư cơ sở đồng ý thông qua, hồ sơ của ứng viên sẽ được chuyển tới Hội đồng chức danh giáo sư ngành/liên ngành xem xét.
Tại Hội đồng này, ứng viên sẽ trình bày báo cáo tổng quan kết quả hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học, đồng thời Hội đồng sẽ kiểm tra năng lực ngoại ngữ của ứng viên. Cuối cùng, trên cơ sở kết quả bỏ phiếu, Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước sẽ xem xét, đánh giá và bỏ phiếu tín nhiệm với từng hồ sơ ứng viên.
Nguyễn Loan
http://vnexpress.net/tin-tuc/giao-duc/dai-hoc-ton-duc-thang-se-tiep-tuc-bo-nhiem-giao-su-3280170.html


1. Ý kiến của phái ủng hộ

(3). Trần Hữu Tá

23/09/2015 07:45 GMT+7

'Không thể giới thiệu một ông bí thư tỉnh uỷ là giáo sư'

- Ủng hộ việc trường ĐH được bổ nhiệm giáo sư, phó giáo sư, nhà giáo Trần Hữu Tá cho rằng nếu Trường ĐH Tôn Đức Thắng hội đủ các điều kiện nên để trường làm.

giáo sư, Tôn Đức Thắng, Trần Hữu Tá, bổ nhiệm, công nhận
 PGS Trần Hữu Tá: "Chủ trương của ĐH Tôn Đức Thắng được ủng hộ, chuẩn thuận, phản đối, phản đối vĩnh viễn phải chờ thời gian. Nhưng việc làm của họ đã gieo tiếng vang chấn động vì đây là bước đột phá"
Ông có suy nghĩ gì về quyết định tự bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư của Trường ĐH Tôn Đức Thắng?
- Việc bổ nhiệm giáo sư nội bộ nhà trường là chuyện cũ người mới ta. Ở phương Tây, việc này được thực hiện từ lâu. Nếu để ý trên namecard các trí thức nước ngoài liên hệ với ta sẽ thấy họ giới thiệu là giáo sư của trường nào. Căn cứ vào tên trường để biết người đó giá trị đến đâu. Phương Tây làm như vậy vì có lý lẽ riêng. Khi giảng dạy người đó là GS, PGS, hết giảng dạy họ còn lại học vị tiến sĩ, thạc sĩ. Tên gọi giáo sư chỉ mang tính thời vụ.
Ở Việt Nam chưa có tiền lệ nên vấn đề trở nên quá mới và thành dư luận phân cực. Chức danh GS,PGS được nhà nước phong hẳn hoi. Nhiều người không làm công tác giảng dạy vẫn là giáo sư, phó giáo sư nên có chuyện giáo sư bộ trưởng, giáo sư thứ trưởng, giáo sư vụ trưởng.. rất buồn cười!
Chuyện ĐH Tôn Đức Thắng làm có cơ sở, suy nghĩ và thực hiện. Đây là một trong những nội dung của quyền tự chủ đại học. Tất nhiên, việc tự chủ phải đứng dưới dự giám sát của nhà nước. Nhưng trường phải tính toán, cân nhắc đã đủ điều kiện để tự bổ nhiệm chưa. Việc quan trọng nhất, hội đồng giáo sư trường mạnh hay yếu, có bao nhiêu người thực sự có trình độ cao, có học vị, học hàm đàng hoàng.
Nếu trường có đủ điều kiện nên để cho họ làm. Nếu chưa đủ điều kiện nên khuyên họ xây dựng đội ngũ vững vàng, chờ thời gian, không nóng vội. Đây là chuyện không nên cấm.
Về hội đồng chức danh giáo sư nhà nước vẫn tồn tại. Có những giáo sư do nhà nước phong và có những giáo sư trong phạm vi trường bổ nhiệm. Lúc này đề nghị chức danh do nhà nước phong để tên gọi giáo sư. Chức danh do trường bổ nhiệm phải ghi rõ tên trường.
Theo ông một trường ĐH tự quyết định bổ nhiệm chức giáo sư có tác động như thế nào hệ thống giáo dục đại học và những cá nhân được hội đồng chức danh giáo sư nhà nước công nhận?
- Nếu một trường đại học làm việc này sẽ động mạnh đến toàn bộ hệ thống đại học công lập. Ý kiến có thể phân cực. Những trường “đại gia” lâu nay sẽ mỉm cười, thậm chí chế diễu. Những trường bình thường, trường đàn em cảm thấy đây là sự động viên.
Đối với những cá nhân được nhà nước phong, ai thiển cận sẽ chế diễu, chê bai. Nhưng cá nhân bình tĩnh, chín chắn thấy đây là một nhân tố mới. Một biểu hiện tốt nếu chỉ đạo chặt chẽ, hướng dẫn đến nơi đến chốn. Người được phong trong phạm vi trường cũng thể hiện vinh dự được hưởng nếu thật sự xứng đáng. Càng có điều kiện để hội nhập quốc tế.
Căn cứ vào sự phân loại của dư luận trong 400 trường ĐH, CĐ ở nước ta số vững vàng tự chủ, tự lập về mặt chuyên môn chỉ được 1/3. Điều đó có nghĩa 66% số trường rơi vào tình trạng yếu. Trước đây có tình trạng “cơm chấm cơm”- tốt nghiệp đại học dạy đại đại. Nay vẫn lặp lại tình trạng này. Chúng ta không quá coi trọng học vị nhưng học vị là một chuẩn để phân biệt người đó đang ở đâu, như thế nào không loại trừ có thạc sĩ giấy, tiến sĩ dởm. Nhưng không vì hiện tượng này để phủ nhận những học vị kia.
Tôi xin nhắc lại trường muốn làm phải có điều kiện. Không thể các trường ồ ạt cùng làm dẫn đến tình trạng giáo sãi quá nhiều, giáo sư quá ít.
Rất nhiều ý kiến e ngại danh hiệu giáo sư do ĐH Tôn Đức Thắng công nhận sẽ đánh đồng với danh hiệu do nhà nước công nhận. Bản thân ông thế nào?
- Tôi không có gì để e ngại điều này. Gọi giáo sư, phó giáo sư tức là ông thầy dạy học. Một chuyên gia nông nghiệp trên truyền hình có thể gọi giáo sư vì họ làm ở viện nghiên cứu, nhưng không thể giới thiệu một ông bí thư tỉnh uỷ là giáo sư…
Tên gọi phải đi với đặc thù nghề nghiệp, dạy học, nghiên cứu hay làm công tác quản lý hành chính. Nếu làm công tác quản lý hành chính nên gọi học vị không dùng chức vụ khoa học và trân trọng danh hiệu của họ.
Quyết định của ĐH Tôn Đức Thắng bị hội đồng chức danh giáo sư nhà nước và nhiều nhà khoa học phản đối. Theo ông quyết định của trường này có thuận lợi?
- Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước phản đối quyết liệt trước việc làm của trường Tôn Đức Thắng. Trong giới khoa học nhiều người tán thành, nhiều người phản đối và thứ ba là tán thành nhưng có điều kiện. Tôi thuộc người thứ ba. Tôi nghĩ, vấn đề này Bộ GD-ĐT không giải quyết được mà phải chờ ý kiến những người cấp cao hơn từng có thời gian làm công tác giáo dục.
Chủ trương của ĐH Tôn Đức Thắng được ủng hộ, chuẩn thuận, phản đối, phản đối vĩnh viễn phải chờ thời gian. Nhưng việc làm của họ đã gieo tiếng vang chấn động vì đây là bước đột phá. Bước đột phá này có thể hấp tấp, vội vàng nhưng là bước đột phá cần thiết.
Tất nhiên, trường đột phá, mở đầu luôn phải hứng chịu những điều chê trách, phản bác những cũng là đối tượng nhận được những lời khích lệ, khen ngợi. Việc làm này công luận sẽ xem xét. Nếu không đột phá sẽ không mở hướng cho giáo dục phát triển.
Trường ĐH Tôn Đức Thắng cho rằng trường được quyền bổ nhiệm giáo sư vì được quyền tự chủ, làm những gì pháp luật không cấm. Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước cho rằng khi pháp luật chưa cho phép là phạm luật, ông nghĩ sao?
Nhà giáo Trần Hữu Tá năm nay 78 tuổi. Trước khi nghỉ hưu, nhà giáo Trần Hữu Tá công tác tại Khoa Ngữ văn, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM. Nhà giáo học vị tiến sĩ, chức danh phó giáo sư.
- Theo tôi, chỗ này rơi vào khoảng tù mù, không rành mạch. Vì nội dung, khái niệm tự chủ đại học được quy định chưa rành mạch. Quy định không rành mạnh có được làm hay không nên bên nào cũng có lý.
ĐH Tôn Đức Thắng nói có lý, hội đồng chức danh giáo sư nhà nước nói cũng có lý. Điều này cũng như “sư nói sư phải, vãi nói vãi hay”. Vì vậy phải có sự can thiệp của cấp cao hơn, phải có văn bản chỉ đạo rành mạch đồng ý hay không đồng. Vì sao? không đồng ý vĩnh viễn hay không đồng ý tạm thời.
Theo ông uy tín, vai trò của hội đồng chức danh giáo sư nhà nước như thế nào nếu trường đại học được quyền tự công nhận chức danh giáo sư?
- Tôi cho rằng uy tín của hội đồng chức danh giáo sư nhà nước không giảm gì. Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước vẫn làm việc của ho. Các trường được phép làm việc của trường. Cũng như bên cạnh hệ thống siêu thị, đại siêu thị có những cửa hàng tiện ích, siêu thị mini. Nếu bây giờ mới mẻ phân tâm, phân cực sau này sẽ diễn ra bình thường phổ biến.
Chỉ sợ việc này “té nước theo mưa”, chúng ta sẽ được một mùa bội thu nhưng cũng là mùa thóc lép. Việc xem xét, bổ nhiệm chính xác rất có ích, nhưng nếu làm để có danh, có vai vế khoa học giống như con giao hai lưỡi. Đã có rất nhiều tiến sĩ, sẽ có rất nhiều giáo sư, danh không xứng với thực. Tình trạng hữu danh vô thực rất nguy.
Nhiều ý kiến sẵn sàng ủng hộ trường đại học được quyền công nhận, bổ nhiệm giáo sư nhưng e ngại ĐH Tôn Đức Thắng. Ý ông ra sao?
- Chúng ta rất cần những hoạt động đột phá, tiên phong mở đường nhưng các đơn vị muốn đột phá phải xem lại mình. Điều kiện cơ bản không phải thời gian xây dựng nhiều hay ít mà lực lượng như thế nào. Có thể một trường mới 5 năm đã xây dựng đủ, nhưng một trường có lịch sử 20-30 năm vẫn sống vất vưởng như người thiếu máu.
Có ý kiến cho rằng trong trường đại học, đội ngũ giảng viên là bộ khung dựng. Trong đội ngũ giảng viên có các giáo sư đóng vai trò chủ chốt Theo ông vai trò của hai đội ngũ này như thế nào?
- Một trường đại học được tín nhiệm của xã hội căn cứ vào kết quả đào tạo. Kết quả đào tạo phụ thuộc vào tổ chức trường, thực lực đội ngũ giảng dạy… Có những trường có nhiều giáo sư nhưng không ra sao. Ngược lại những trường chưa có giáo sư nhưng có đội ngũ tiến sĩ, thạc sĩ tốt vẫn có kết quả cao. Việc giáo sư do trường bổ nhiệm là điều kiện cần nhưng chưa đủ, cũng không phải điều kiện quyết định.
Có giai đoạn, chúng ta có những cá nhân không phải cử nhân, càng không phải thạc sĩ, tiến sĩ nhưng được thế giới cực kì nể trọng như giáo sư Đào Duy Anh, Đặng Thai Mai, Nghiêm Toản, Giản Chi… Bên cạnh đó số cá nhân ra nước ngoài học có trình độ cao như GS Phạm Huy Thông, Nguyễn Mạnh Tường… Hai nguồn này một tự học và một được đào tạo thực chất, bằng cấp đáng giá, đáng tin cậy hoà hợp với nhau tạo nên thế hệ vàng trong trí thức Việt Nam.
Tôi nhấn mạnh trình độ chuyên môn quyết định tất cả. Xã hội và đặc biệt những nhà khoa học sẽ phân biệt được đâu là hạt châu - mắt cá; vàng giả- vàng thật.
Cảm ơn ông đã trao đổi
  • Lê Huyền(thực hiện)

http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/263436/-khong-the-gioi-thieu-mot-ong-bi-thu-tinh-uy-la-giao-su-.html



(2). Nguyễn Minh Hòa:


Hãy ủng hộ xu hướng mới

19/09/2015 09:06 GMT+7
TT - Xung quanh việc Trường ĐH Tôn Đức Thắng bổ nhiệm GS, PGS theo những tiêu chuẩn riêng của nhà trường, để rộng đường dư luận, Tuổi Trẻ giới thiệu bài viết của TS Nguyễn Minh Hòa về vấn đề trên.


             
          
Nghe đọc bài: Hãy ủng hộ xu hướng mới
Sinh viên Trường ĐH Tôn Đức Thắng (TP.HCM) trong một tiết học với giảng viên người nước ngoài - Ảnh: Trần Huỳnh
Sinh viên Trường ĐH Tôn Đức Thắng (TP.HCM) trong một tiết học với giảng viên người nước ngoài - Ảnh: Trần Huỳnh
Mấy ngày gần đây có nhiều ý kiến tranh luận sôi nổi quanh chuyện Trường ĐH Tôn Đức Thắng đang trong quá trình xét bổ nhiệm GS, PGS. Ý kiến của các nhà quản lý thì cho là trường vi phạm pháp luật, nhưng cũng có nhiều ý kiến ủng hộ, trong số đó có không ít nhà khoa học uy tín.
PGS.TS Nguyễn Minh Hòa - Ảnh: Tự Trung
PGS.TS Nguyễn Minh Hòa - Ảnh: Tự Trung
“Ở VN, một ứng viên hoàn toàn đủ tiêu chuẩn, thậm chí thừa tiêu chuẩn, nhưng vẫn bị loại vì không qua được vòng bỏ phiếu kín. Mà bỏ phiếu kín thì lại là chuyện tôi thích anh hay không, hay việc anh là GS có ảnh hưởng đến vị thế, quyền lợi của người bỏ phiếu hay không?
Phong GS, PGS ở VN khác với nhiều nước
Điều đầu tiên mà tất cả trí thức và cả những người đóng vai trò xét duyệt người khác không thể không công nhận là cách thức phong chức danh GS, PGS ở VN không giống với thông lệ bất cứ nước nào trên thế giới (có chăng là Lào giống với VN).
Trên thế giới, GS là một chức danh nghề nghiệp, do một trường ĐH nào đó công nhận và bổ nhiệm. Do vậy, anh chỉ là GS của một trường ĐH chứ không có chuyện là GS nhà nước, GS của tất cả các trường như ở VN; và cũng không có chuyện là GS suốt đời, khi nào hết giảng dạy (nghỉ hưu hay bị thôi việc) thì không còn là GS nữa. Những người có công lao lớn lắm thì được phong GS danh dự suốt đời (số này ít lắm).
Bất kỳ trường ĐH nào cũng có quyền công nhận, bổ nhiệm GS. Tùy thuộc vào nhu cầu, quy mô, cấp độ của từng ngành, từng khoa, từng bộ môn mà hội đồng trường đưa ra các tiêu chí và số lượng tuyển GS từng năm.
Giá trị của một vị GS tùy thuộc vào danh tiếng của trường mà người đó phục vụ. Tất nhiên GS của trường Harvard, Stanford cao hơn hẳn GS của một trường cộng đồng.
Tuy nhiên cũng cần phải nói thêm: điều này không phải bao giờ cũng đúng, bởi có nhiều vị GS ở trường bé nhưng lại được kính nể vì người đó là chuyên gia đầu ngành quý hiếm của một môn khoa học mà ở những thành phố lớn, các trường lớn không có.
Trong thời gian làm việc ở Trường Chulalongkorn, trường ĐH số 1 của Thái Lan, tình cờ tôi được chứng kiến buổi xét duyệt ứng cử viên chức danh GS của khoa quy hoạch đô thị. Tất cả mọi chuyện đều minh bạch, các tiêu chuẩn rất cao và rất chặt chẽ; ứng viên, hội đồng khoa học tranh luận công khai từng tiêu chuẩn, từng bài báo, ai hội đủ tiêu chuẩn sẽ được làm thủ tục công nhận là GS của trường và có thư chúc mừng của hoàng gia.
Trong khi ở VN thì một ứng viên hoàn toàn đủ tiêu chuẩn, thậm chí thừa tiêu chuẩn, nhưng vẫn bị loại vì không qua được vòng bỏ phiếu kín. Mà bỏ phiếu kín thì lại là chuyện tôi thích anh hay không, hay việc anh là GS có ảnh hưởng đến vị thế, quyền lợi của người bỏ phiếu hay không?
Chính vì cách làm này mà rất nhiều người đủ chuẩn bị loại, và cũng có rất nhiều người thừa chuẩn không muốn làm hồ sơ xin được xét tuyển vì thấy không đủ “dũng khí” để theo đuổi. Việc bỏ phiếu kín chính là nơi phát sinh tiêu cực, đã có những người lợi dụng dịp này để hạ uy tín người khác, kể cả việc coi đó là cơ hội ban ơn cho người cùng hội cùng thuyền, là cơ hội làm ăn...
Có thể đó chỉ là “một vài con sâu”, nhưng điều đó cho thấy cách thức làm như hiện nay là có rất nhiều vấn đề không ổn, cần phải thay đổi triệt để từ tư duy đến hành động.
Trường ĐH phải có quyền tự chủ
Dù là quá muộn, nhưng đến lúc cần phải cất tiếng nói mạnh mẽ để khẳng định rằng hệ thống giáo dục của VN so với thế giới đã quá lạc hậu, bảo thủ. Một trong các nguyên nhân của tất cả nguyên nhân trì kéo giáo dục VN tụt hậu là Bộ GD-ĐT và các cơ quan trung ương liên quan đến giáo dục đang duy trì một cơ chế quan liêu, tập trung hóa quá cao, không chịu phân quyền và không tin vào bên dưới.
Bộ GD-ĐT chỉ nên làm công việc của cơ quan quản lý nhà nước là giúp Chính phủ tham mưu xây dựng chính sách chiến lược; tuyên truyền, hỗ trợ, tạo điều kiện cho việc thực thi chính sách; đôn đốc, kiểm tra, kiểm soát việc thực thi chính sách và làm cầu nối giữa các trường với Chính phủ, giữa các trường với nhau và các trường với đối tác nước ngoài, còn lại thì trả hết cho các trường. Trước mắt, Chính phủ cần trao quyền xét phong và bổ nhiệm GS, PGS cho hai trường ĐHQG Hà Nội, TP.HCM và các trường ĐH vùng như Thái Nguyên, Huế.
Phải chăng niềm tin của Bộ GD-ĐT đặt vào các trường ĐH quá thấp, lúc nào cũng cho rằng nếu buông ra là loạn. Chả lẽ với hơn 300 GS, PGS và hơn 1.000 TS của ĐHQG TP.HCM, rồi gần 400 GS, PGS, hơn 1.000 TS của ĐHQG Hà Nội lại không đủ năng lực tổ chức được việc xét phong, bổ nhiệm GS, PGS cho chính tổ chức mình.
Nếu các trường dân lập, các trường tự chủ tài chính có nhu cầu thì không nên cấm cản, mà có thể cùng lúc duy trì cả hai hệ thống - GS nhà nước và GS của trường, ai muốn đăng ký vào hệ thống nào là tùy theo nhu cầu, sở thích và tầm mức của họ.
Cái mới ra đời bao giờ cũng khó khăn, có thể sai luật, có thể có trục trặc về kỹ thuật, có thể rất khó chấp nhận, có thể làm ai đó phiền lòng, thậm chí mất đi chút quyền lợi, nhưng xét thấy nó đúng và hợp với thông lệ quốc tế thì nên ủng hộ, chớ nên hùa nhau “ném đá”, bóp chết nó. Luật không còn phù hợp thì sửa luật.
Biết đâu Trường ĐH Tôn Đức Thắng đang bắt đầu cho một sự thay đổi có tính cách mạng trong hệ thống giáo dục VN: hãy trả lại giáo dục cho nhà giáo dục và cho thị trường lao động. Các trường ĐH phải có quyền tự chủ trong chương trình đào tạo, tài chính, nhân sự, đường hướng phát triển và kể cả quyền tự chịu trách nhiệm trước xã hội, trước sinh viên, cha mẹ sinh viên, hơn thế nữa là quyền được sống hay phải chết do cung cách làm ăn của mình gây ra.
Không dại gì phong tặng GS, PGS vô tội vạ
Có một vài người cho rằng nếu tất cả các trường đều có quyền phong GS thì sẽ loạn, VN sẽ thừa GS. Xin chớ lo vội, khi mà GS gắn với tên tuổi, thương hiệu và “chén cơm” của mỗi trường thì tự khắc họ sẽ biết sử dụng sao cho việc phong GS tôn vinh trường của họ lên, chứ không dại gì tự làm hạ thấp nó xuống.
Cũng có thể sẽ có những sai lạc, tiêu cực ban đầu nhưng với cơ chế tự điều tiết của cả hệ thống sẽ biết cách làm sao cho đúng. Khi ấy, mỗi trường căn cứ trên nhu cầu thực và công việc thực mà chọn lựa số lượng, con người cụ thể vào vai trò GS. Họ sẽ không dại gì phong tặng GS, PGS vô tội vạ. Vì kèm theo trách nhiệm, nghĩa vụ là quyền lợi và chế độ lương bổng, vì phần tài chính đó không phải là của Nhà nước mà là mồ hôi, công sức của họ làm ra.
Thêm vào nữa, việc các trường tự chọn lựa GS cho mình sẽ loại bỏ được những GS “danh dự” không giảng dạy. Nên biết ở VN hiện nay hơn 60% (có ý kiến cho là hơn 70%) GS, PGS là các quan chức trung ương, địa phương, các lãnh đạo cấp vụ, cục, cấp bộ, thậm chí có người là giám đốc các doanh nghiệp.
http://tuoitre.vn/tin/giao-duc/20150919/hay-ung-ho-xu-huong-moi/971667.html


(1). Nguyễn Văn Tuấn

1.2. Bài trên blog cá nhân


Saturday, September 19, 2015

Loạn giáo sư?


Liên quan đến việc Trường Đại học Tôn Đức Thắng (TDTU) đòi quyền bổ nhiệm giáo sư, một số người trong giới khoa bảng tỏ ra băn khoăn là nếu các trường đại học có quyền đó thì sẽ dẫn đến tình trạng loạn giáo sư. Tôi nghĩ đây là một quan tâm chính đáng, nhưng có thể quản lí.


Giáo sư là người làm nghiên cứu khoa học và giảng dạy. Dĩ nhiên, cũng có một số giáo sư làm quản lí trong đại học (như hiệu trưởng, hiệu phó), nhưng số này không nhiều. Hai yếu tố tạo nên tính "chính danh" của giáo sư là tiêu chuẩn học thuật và qui trình bổ nhiệm.

Một người xứng đáng với danh xưng giáo sư phải đáp ứng tiêu chuẩn học thuật. Vì nhiệm vụ là nghiên cứu khoa học và giảng dạy, nên tiêu chuẩn bổ nhiệm phải dựa vào thành tích xuất sắc của hai lĩnh vực đó. TDTU soạn tiêu chuẩn sau khi đã tham khảo tiêu chuẩn của các trường đại học có tiếng bên Mĩ và Úc, và tôi đã cố vấn trực tiếp cho trường. Chẳng hạn như TDTU không chỉ xem xét đến số công trình nghiên cứu, mà còn xét đến chất lượng nghiên cứu, đóng góp cho chuyên ngành, đóng góp cho đất nước, và đóng góp cho nhà trường. Đó là những tiêu chuẩn không có trong bộ tiêu chuẩn của Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước.

Tính chính danh của giáo sư còn qua qui trình bổ nhiệm. Giáo sư là người làm khoa học, mà khoa học dựa vào bình duyệt như là một trụ cột. Do đó, qui trình bổ nhiệm của TDTU dựa vào bình duyệt từ đồng nghiệp của ứng viên, một số từ nước ngoài. Đơn của ứng viên sẽ được gửi ra ngoài bình duyệt, kể cả một số đồng nghiệp ở nước ngoài. Dựa vào nhận xét của các chuyên gia, hội đồng học thuật của TDTU sẽ ra quyết định. Do đó, Hội đồng học thuật của TDTU chỉ đóng vai trò trung gian trong qui trình bổ nhiệm. TDTU sẽ không sử dụng cơ chế bỏ phiếu kín như Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước. Cơ chế bỏ phiếu kín không mang tính khoa học, mà còn là cơ hội cho việc "chạy chức", vốn rất tai tiếng hiện nay.



Do đó, với một qui trình minh bạch và tiêu chuẩn khách quan & khoa học, thì không có chuyện "loạn" giáo sư. Nếu ứng viên đáp ứng tiêu chuẩn học thuật và qui trình bổ nhiệm minh bạch thì làm sao có thể nói là "loạn được? Có thể nói rằng trong bối cảnh hiện nay, khái niệm "loạn" giáo sư chỉ là một cái cớ để ngăn chận cải cách trong việc bổ nhiệm giáo sư ở các đại học.

Thế nào là loạn giáo sư? Nếu những người đáp ứng tiêu chuẩn của một giáo sư nhưng bị Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước bỏ phiếu rớt, thì đó có phải là tín hiệu cho thấy qui trình có vấn đề không? Nếu những người không xứng đáng và không đạt chuẩn giáo sư, nhưng lại được Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước bỏ phiếu công nhận, thì rõ ràng là qui trình có vấn đề. Trong thực tế thì quả thật qui trình phong chức danh giáo sư theo kiểu tập trung hiện nay có vấn đề -- rất nhiều vấn đề. Trong thực tế thì hiện nay đã có tình trạng loạn giáo sư. Loạn là vì có nhiều người được phong chức danh giáo sư mà không trực tiếp làm nghiên cứu khoa học và giảng dạy. Tôi có cảm giác những người đang phát biểu về loạn giáo sư chính là những người cảm thấy thiếu tự tin vì họ tự cảm thấy không đáp ứng tiêu chuẩn giáo sư của TDTU.

Tóm lại, Tính chính danh của giáo sư được xác định qua qui trình bổ nhiệm và tiêu chuẩn học thuật. Do đó, nếu qui trình bổ nhiệm và tiêu chuẩn học thuật tốt thì chúng ta không sợ có tình trạng "loạn" giáo sư. Bổ nhiệm giáo sư cũng là một cách ghi nhận đóng góp của ứng viên cho khoa học và giáo dục. Thật là không thuyết phục khi có người sử dụng cái cớ "loạn" giáo sư để không công nhận những giảng viên Việt Nam xứng đáng chức giáo sư.

http://tuanvannguyen.blogspot.com/2015/09/loan-giao-su.html


Friday, September 18, 2015

Trường tự phong PGS, GS: Đừng nghi ngại, nên khuyến khích

Lại nói chuyện bổ nhiệm GS! Đây là một trò chuyện giữa tôi và phóng viên báo Đất Việt chung quanh những câu hỏi về trường đại học bổ nhiệm giáo sư. Như tôi nói, vấn đề là qui trình cho tốt và tiêu chuẩn khách quan, thì trường nào cũng làm được. Nên giải tán cái Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước đi, vì trong thời đại mới, cái hội đồng đó không cần thiết nữa.

Tôi cũng mới đọc vài ý kiến trong bài "Trường bổ nhiệm PGS, GS: Có ủng hộ nhưng cũng băn khoăn" trên báo Tuổi Trẻ (1), và muốn bàn thêm vài cái ý trong đó:

Gs Nguyễn Đông Phong cho rằng nếu trường bổ nhiệm giáo sư thì "Làm sao người dân phân biệt được đâu là GS của trường và đâu là GS của Hội đồng chức danh GS nhà nước". Tôi nghĩ đó không phải là câu hỏi tốt. Tại sao phải phân biệt cái giáo sư do Hội đồng NN phong cho, và giáo sư của trường bổ nhiệm? Khi người ta kí trên văn bản, trong email, danh thiếp, người ta đều kí dưới danh nghĩa một trường nào đó (chẳng hạn như "Nguyễn Đông Phong, Giáo sư Kinh tế, Đại học Harvard" -- chỉ là ví dụ), chứ đâu có viết chung chung như "Giáo sư Nguyễn Đông Phong" đâu. Nếu phân biệt kiểu đó thì người ta cũng có lí do quay lại vụ "phó tiến sĩ" được tiến phong thành "tiến sĩ", làm sao biết được ai thực sự là tiến sĩ hay phó tiến sĩ? Dĩ nhiêu, đó là câu hỏi không cần thiết, không đáng đặt ra.

Gs Đặng Lương Mô hỏi "Việc Trường ĐH Tôn Đức Thắng thực hiện tự bổ nhiệm PGS, GS có lẽ là hơi vội vàng chăng" thì tôi lại nghĩ một câu khác không cần thiết. Thế nào là vội vàng? À, thì ra GS Mô nói rằng "Ở các nước tiên tiến, GS các trường ĐH công hay trường ĐH tư đều có giải thưởng lớn, kể cả giải Nobel, điều đó chứng tỏ GS của họ rất xứng đáng". Về ý này thì tôi có thể nói là không đúng. Đại đa số các giáo sư không có giải thưởng lớn hay giải Nobel. Nên nhớ rằng trong giới học thuật, có giải thưởng lớn không hẳn là một thước đo về thành đạt. Nói ra ý này nhiều người ngạc nhiên, nhưng đã có nghiên cứu nói rõ như thế rồi.

Gs Võ Văn Tới nói "Còn ở Mỹ, chức danh PGS, GS đều do các trường ĐH bổ nhiệm. Các trường được toàn quyền tự phong PGS, GS nhưng phải thông qua một hội đồng GS với luật định rất chặt chẽ. Những quy định này được nhà trường đặt ra, nhưng phải được hội đồng GS chấp nhận" thì hoàn toàn chính xác. Tôi đồng ý với tất cả những ý kiến của anh Tới. Người cùng bộ lạc, dễ hiểu nhau. Bất cứ trường nào cũng cần một hội đồng, và phải sử dụng cơ chế bình duyệt. Nói cho cùng, chính đồng nghiệp ứng viên công nhận ứng viên là cùng cấp giáo sư, và hội đồng chỉ làm việc phê chuẩn. Nó cũng giống như bài báo khoa học được bình duyệt cho công bố vậy: ban biên tập chỉ quyết định dựa trên bình duyệt của đồng nghiệp, chứ ban biên tập đâu có độc tài quyết định được.

Tôi cũng đồng ý với Gs Nguyễn Hữu Đức (Hà Nội). Nhưng tôi muốn lưu ý là ngay cả ở những nước tiên tiến, có nền giáo dục đại học hoàn chỉnh hơn ta, thì các đại học cũng có nhiều đẳng cấp, và tiêu chuẩn giáo sư cũng rất khác nhau giữa các đại học. Chúng ta không thể đòi hỏi tất cả các đại học có cùng một bộ tiêu chuẩn về giáo sư, bởi vì mỗi đại học có một định hướng và viễn kiến khác nhau. Tiêu chuẩn giáo sư của Đại học Harvard khác với các đại học kém danh tiếng hơn. Ở Úc cũng thế, tiêu chuẩn giáo sư của các đại học nhóm G8 phải khác nhiều so với các đại học cấp thấp hơn. Đó là thực tế chúng ta phải chấp nhận. Bởi vậy, khi nói "bà ấy là giáo sư", thì câu hỏi kế tiếp người ta sẽ hỏi là "giáo sư của trường nào". Tôi nghĩ ở VN cũng vậy, tiêu chuẩn giáo sư sẽ khác giữa các đại học, chứ không đòi hỏi phải đồng bộ được.

Cũng đừng bao giờ ảo tưởng rằng giáo sư của đại học quốc gia là có thành tích khoa học hơn các đại học mới. Ảo tưởng như thế là công thức tuyệt vời của suy thoái. Nhưng nếu có người muốn như thế thì chúng ta nên chúc họ may mắn.

Lại có người hỏi thế các giáo sư đã được phong/bổ nhiệm (dù là do Hội đồng NN hay trường phong) trong thời gian qua thì sao? Tôi nghĩ chẳng sao cả. Có người nói nếu áp dụng tiêu chuẩn mới của ĐH Tôn Đức Thắng thì nhiều giáo sư cũ đã được phong không xứng đáng? Cũng có thể như thế, nhưng đó là chuyện quá khứ. Những bất cập trong quá khứ thì chúng ta không sửa được quá khứ, nhưng chúng ta có thể kiến tạo tương lai tốt hơn.

Có ý kiến cho rằng phải có lộ trình, phải chờ. Tôi không hiểu lộ trình gì, và chờ cái gì? Nếu một trường đã có đủ "momentum" khoa học, có cố vấn tốt và biết "luật chơi" quốc tế, thì còn chờ cái gì nữa? Tôi rất e ngại kiểu suy nghĩ chờ, vì đằng sau suy nghĩ đó là giả định đại học chưa trưởng thành, nên cần phải được cầm tay chỉ việc. Một giả định hết sức sai lầm và ấu trĩ.

(1) http://tuoitre.vn/tin/giao-duc/20150918/co-ung-ho-nhung-cung-ban-khoan/970980.html

========

Trường tự phong PGS, GS: Đừng nghi ngại, nên khuyến khích

http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/giao-duc/truong-tu-phong-pgs-gs-dung-nghi-ngai-nen-khuyen-khich-3285941/

Không nên xem giáo sư như là một phẩm hàm

PV: Trước việc trường ĐH Tôn Đức Thắng tự phong chức danh GS, PGS cho các giảng viên trong trường, nhiều ý kiến đã lên tiếng cho rằng việc trường tự ý phong chức danh này là sai quy định khi chưa có sự cho phép của các cấp có thẩm quyền. Quan điểm của ông ra sao trước sự việc này?

NVT: Tôi nghĩ Trường ĐH Tôn Đức Thắng bổ nhiệm giáo sư như là một chức vụ, chứ không phải phong chức danh như Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước.

Tôi không rõ sai quy định nào, nhưng tôi biết rằng trong Quyết định của Thủ tướng Chính phủ trao quyền tự chủ cho ĐH Tôn Đức Thắng thì có điều 2a quy định rằng Trường có quyền "tuyển dụng, sử dụng và bổ nhiệm nhân sự là cán bộ quản lí, chuyên gia, nhà khoa học, giảng viên, viên chức ...". Như vậy, ĐH Tôn Đức Thắng chỉ làm đúng theo Quyết định này.

Quan điểm của tôi là nên xem giáo sư là một chức vụ (position) như nguyên tắc mà các đại học trên thế giới và trong vùng dựa vào. Không nên xem giáo sư như là một phẩm hàm. Vì là chức vụ gắn liền với một đại học, nên tôi cho rằng đại học nên được trao quyền tự chủ trong việc bổ nhiệm giáo sư của trường. Do đó, tôi ủng hộ Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

PV: Theo nhà trường cho biết, việc phong GS, PGS chỉ là hình thức bổ nhiệm một chức vụ chuyên môn ở trong trường, để hướng đến sự phát triển của từng khoa. Hơn thế, đây là cách làm được trường tham khảo từ các trường đại học ở các nước tiên tiến trên thế giới. Việc một trường VN áp dụng theo hình thức của các trường phương Tây mà không theo chuẩn mực quy định phong danh hiệu GS, PGS của nước ta hiện nay, theo ông có hợp lý hay không?

NVT: Tôi nghĩ rằng đại học chúng ta đang trong quá trình hội nhập quốc tế, thì việc áp dụng các quy trình và chuẩn mực quốc tế trong việc bổ nhiệm các chức vụ học thuật là rất nên khuyến khích.

Nên nhớ rằng các bảng xếp hạng đại học trên thế giới dựa vào những chuẩn mực chung về nghiên cứu khoa học, giảng dạy, và phục vụ, chứ đâu có xem xét đến chuẩn địa phương.

Chuẩn mực và quy trình phong chức danh giáo sư của Việt Nam hiện nay đã từng gây ra rất nhiều tranh cãi, và nhiều người không cảm thấy thuyết phục với những tiêu chuẩn hiện nay. Tôi có thể chỉ ra vài bất cập như cách đánh giá và cho điểm công trình nghiên cứu khá tuỳ tiện; không có bình duyệt của giáo sư nước ngoài; có khi người ngồi trong hội đồng không có chuyên môn để bình duyệt; không phân biệt ngạch giáo sư giảng dạy và nghiên cứu; qui trình rất rườm rà, v.v. Những bất cập này cần phải được giải quyết và khắc phục. Trường ĐH Tôn Đức Thắng đang cố gắng soạn bộ tiêu chuẩn khách quan và khoa học, cũng như quy trình bổ nhiệm minh bạch, theo tôi là rất cần thiết.

PV: Theo ông, chuyện nhà trường tự phong chức danh GS, PGS cho giảng viên có phải là một tiền lệ xấu nên mới vấp phải phản ứng của dư luận hay không? Vì sao?

NVT: Tôi nghĩ ngược lại: đó là một tiền lệ tốt. Tốt là vì đó là một cách hội nhập quốc tế và tự tin. Việc Trường đề ra quy trình và soạn bổ tiêu chuẩn bổ nhiệm giáo sư còn chứng minh rằng Trường ĐH Tôn Đức Thắng đã "trưởng thành" dù chỉ sau 18 năm thành lập.

Hiện nay, Trường ĐH Tôn Đức Thắng là một trong "top 15" trường đại học của Việt Nam có nhiều công trình khoa học được công bố trên các tập san quốc tế. Mỗi năm Trường công bố gần 100 bài báo khoa học trên các tập san quốc tế. Trường cũng là đại học đầu tiên và duy nhất của Việt Nam có 2 bằng sáng chế do USPTO cấp. Trường có hơn 20 labo và nhóm nghiên cứu, một số labo được lãnh đạo bởi các giáo sư đẳng cấp quốc tế. Những yếu tố đó cho thấy Trường đã chứng minh năng lực học thuật để bổ nhiệm giáo sư cho trường.

Quy trình xét 3 vòng là không cần thiết

PV: Đặc biệt trong khi hiện nay số lượng GS, TS ở VN đang thừa quá nhiều, thì việc phong danh hiệu có phải càng vấp phải sự phản đối từ dư luận?

NVT: Tôi thấy dư luận có hai xu hướng: một số đồng tình việc làm của Trường ĐH Tôn Đức Thắng, một số thì phản đối. Tôi nghĩ rất khó nói là số lượng GS hiện nay là thừa hay thiếu. Tính từ 1976 đến nay, đã có hơn 11000 giáo sư và phó giáo sư được tiến phong, nhưng phần lớn là làm việc ngoài đại học. Trong số hơn 61.000 giảng viên đại học hiện nay, chỉ có khoảng 6% là giáo sư và phó giáo sư. Nhìn như thế thì chúng ta thấy các đại học Việt Nam đang thiếu giáo sư.

Nhưng vấn đề không phải là nhiều hay ít giáo sư; vấn đề là ghi nhận đóng góp của các nhà khoa học và giáo sư của trường có xứng đáng với danh hiệu đó hay không. Tôi tin rằng nếu quy trình bổ nhiệm minh bạch và tiêu chuẩn hợp lý thì Việt Nam sẽ có một thế hệ giáo sư đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, làm cho họ khi ra nước ngoài cảm thấy tự hào với danh xưng giáo sư.

Nên nhớ rằng Đại học Tôn Đức Thắng chỉ bổ nhiệm giáo sư có nhiệm kì, chứ không vĩnh viễn. Sau một thời gian, thành tích nghiên cứu của giáo sư sẽ được duyệt lại và quyết định tái bổ nhiệm hay không sẽ được quyết định. Khi giáo sư không còn công tác thì danh xưng cũng không còn hiệu lực (ngoại trừ trường hợp đặc biệt nếu giáo sư có đóng góp quan trọng cho trường). Do đó, số lượng giáo sư theo quy định này sẽ không "loạn" như nhiều người nghĩ.

PV: Đối với chức danh GS, PGS hiện nay do nhà nước phong tặng, phải trải qua 3 vòng xét tuyển hồ sơ, từ Hội đồng chức danh giáo sư cơ sở, đến liên ngành và cuối cùng là nhà nước. Trong khi đó, chức danh GS, PGS do nhà trường tự phong thì chỉ cần nhà trường thông qua, theo ông chúng ta có thể dựa vào điều kiện, tiêu chí nào để đảm bảo giá trị của nó, thưa ông?

NVT: Quy trình 3 vòng hiện nay tuy mới nghe qua thì có vẻ chặt chẽ, nhưng thật ra là không cần thiết. Do đó, đã có giáo sư nhận xét rằng quy trình hiện nay là "điệp khúc luẩn quẩn rối rắm, càng trở nên phức tạp đến không hiểu nổi."

Quy trình đã phức tạp, mà tiêu chuẩn thì lại có nhiều bất cập và bất hợp lí. Chẳng hạn như việc đánh đồng một công trình trên một tập san khoa học nổi tiếng trên thế giới với một công trình công bố trên một tập san vô danh trong nước là khó chấp nhận được.

Ở các nước tiên tiến, quy trình bổ nhiệm (hay đề bạt) Giáo sư là dựa vào mô hình bình duyệt trong khoa học. Theo mô hình này, hồ sơ của ứng viên sẽ được bình duyệt bởi đồng nghiệp trong ngành. Quy trình này có thể mô tả như sau: hồ sơ của ứng viên sẽ được gửi cho hội đồng học thuật (academic board) của trường; dựa vào đề nghị của ứng viên và hội đồng, hồ sơ sẽ được gửi cho các giáo sư khác, một số giáo sư từ ngoài trường (và nước ngoài) để họ nhận xét; dựa vào nhận xét của các giáo sư bình duyệt, hội đồng sẽ phỏng vấn ứng viên.

Sau khi có đề nghị của hội đồng, hiệu trưởng đại học sẽ quyết định. Bộ giáo dục không can thiệp vào quy trình bổ nhiệm giáo sư của đại học. Đó cũng là quy trình mà hầu hết các nước khác làm theo, kể cả các nước Á châu như Thái Lan, Malaysia, Singapore, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc. Trong quy trình này, hiệu trưởng chỉ bổ nhiệm theo bình duyệt của đồng nghiệp ứng viên, chứ không có bỏ phiếu.

http://tuanvannguyen.blogspot.com/2015/09/truong-tu-phong-pgs-gs-ung-nghi-ngai.html


1.1. Bài trên Đất Việt

Thứ Sáu, 18/09/2015 07:30

Trường tự phong PGS, GS: Đừng nghi ngại, nên khuyến khích

(Giáo dục) - Các trường ĐH đang trong quá trình hội nhập quốc tế, thì việc áp dụng các quy trình và chuẩn mực quốc tế rất nên khuyến khích.

GS.TS Nguyễn Văn Tuấn, Viện Garvan, Úc bày tỏ quan điểm rất sâu sắc với Đất Việt trước câu chuyện trường ĐH tự phong chức danh GS, PGS.
Không nên xem giáo sư như là một phẩm hàm
PV:- Trước việc trường ĐH Tôn Đức Thắng tự phong chức danh GS, PGS cho các giảng viên trong trường, nhiều ý kiến đã lên tiếng cho rằng việc trường tự ý phong chức danh này là sai quy định khi chưa có sự cho phép của các cấp có thẩm quyền. Quan điểm của ông ra sao trước sự việc này?
GS.TS Nguyễn Văn Tuấn: -Tôi nghĩ Trường ĐH Tôn Đức Thắng bổ nhiệm giáo sư như là một chức vụ, chứ không phải phong chức danh như Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước.
Tôi không rõ sai quy định nào, nhưng tôi biết rằng trong Quyết định của Thủ tướng Chính phủ trao quyền tự chủ cho ĐH Tôn Đức Thắng thì có điều 2a quy định rằng Trường có quyền "tuyển dụng, sử dụng và bổ nhiệm nhân sự là cán bộ quản lí, chuyên gia, nhà khoa học, giảng viên, viên chức ...".
Như vậy, ĐH Tôn Đức Thắng chỉ làm đúng theo Quyết định này.
Quan điểm của tôi là nên xem giáo sư là một chức vụ (position) như nguyên tắc mà các đại học trên thế giới và trong vùng dựa vào. Không nên xem giáo sư như là một phẩm hàm.
Vì là chức vụ gắn liền với một đại học, nên tôi cho rằng đại học nên được trao quyền tự chủ trong việc bổ nhiệm giáo sư của trường. Do đó, tôi ủng hộ Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
PV: - Theo nhà trường cho biết, việc phong GS, PGS chỉ là hình thức bổ nhiệm một chức vụ chuyên môn ở trong trường, để hướng đến sự phát triển của từng khoa. Hơn thế, đây là cách làm được trường tham khảo từ các trường đại học ở các nước tiên tiến trên thế giới.
Việc một trường VN áp dụng theo hình thức của các trường phương Tây mà không theo chuẩn mực quy định phong danh hiệu GS, PGS của nước ta hiện nay, theo ông có hợp lý hay không?
GS.TS Nguyễn Văn Tuấn: -Tôi nghĩ rằng đại học chúng ta đang trong quá trình hội nhập quốc tế, thì việc áp dụng các quy trình và chuẩn mực quốc tế trong việc bổ nhiệm các chức vụ học thuật là rất nên khuyến khích.
Nên nhớ rằng các bảng xếp hạng đại học trên thế giới dựa vào những chuẩn mực chung về nghiên cứu khoa học, giảng dạy, và phục vụ, chứ đâu có xem xét đến chuẩn địa phương.
Chuẩn mực và quy trình phong chức danh giáo sư của Việt Nam hiện nay đã từng gây ra rất nhiều tranh cãi, và nhiều người không cảm thấy thuyết phục với những tiêu chuẩn hiện nay.
Truong tu phong PGS, GS: Dung nghi ngai, nen khuyen khich
GS.TS. Nguyễn Văn Tuấn - Viện Garvan, Úc
Tôi có thể chỉ ra vài bất cập như cách đánh giá và cho điểm công trình nghiên cứu khá tuỳ tiện; không có bình duyệt của giáo sư nước ngoài; có khi người ngồi trong hội đồng không có chuyên môn để bình duyệt; không phân biệt ngạch giáo sư giảng dạy và nghiên cứu; qui trình rất rườm rà...
Những bất cập này cần phải được giải quyết và khắc phục. Trường ĐH Tôn Đức Thắng đang cố gắng soạn bộ tiêu chuẩn khách quan và khoa học, cũng như quy trình bổ nhiệm minh bạch, theo tôi là rất cần thiết.
PV:- Theo ông, chuyện nhà trường tự phong chức danh GS, PGS cho giảng viên có phải là một tiền lệ xấu nên mới vấp phải phản ứng của dư luận hay không? Vì sao?
GS.TS Nguyễn Văn Tuấn: - Tôi nghĩ ngược lại: đó là một tiền lệ tốt. Tốt là vì đó là một cách hội nhập quốc tế và tự tin. Việc Trường đề ra quy trình và soạn bổ tiêu chuẩn bổ nhiệm giáo sư còn chứng minh rằng Trường ĐH Tôn Đức Thắng đã "trưởng thành" dù chỉ sau 18 năm thành lập.
Hiện nay, Trường ĐH Tôn Đức Thắng là một trong "top 15" trường đại học của Việt Nam có nhiều công trình khoa học được công bố trên các tập san quốc tế.
Hiện nay, mỗi năm Trường công bố gần 100 bài báo khoa học trên các tập san quốc tế. Trường cũng là đại học đầu tiên và duy nhất của Việt Nam có 2 bằng sáng chế do USPTO cấp.
Trường có hơn 20 labo và nhóm nghiên cứu, một số labo được lãnh đạo bởi các giáo sư đẳng cấp quốc tế. Những yếu tố đó cho thấy Trường đã chứng minh năng lực học thuật để bổ nhiệm giáo sư cho trường.
Quy trình xét 3 vòng là không cần thiết
PV: - Đặc biệt trong khi hiện nay số lượng GS, TS ở VN đang thừa quá nhiều, thì việc phong danh hiệu có phải càng vấp phải sự phản đối từ dư luận?
GS.TS Nguyễn Văn Tuấn: - Tôi thấy dư luận có hai xu hướng: một số đồng tình việc làm của Trường ĐH Tôn Đức Thắng, một số thì phản đối. Tôi nghĩ rất khó nói là số lượng GS hiện nay là thừa hay thiếu.
http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/giao-duc/truong-tu-phong-pgs-gs-dung-nghi-ngai-nen-khuyen-khich-3285941/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.