Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

15/06/2015

QĐND : Đặt tên phố Mạc Thái Tổ và Mạc Thái Tông, những ý kiến tâm huyết

Nguyên bài của tờ Quân đội nhân dân.


---

QĐND - Chủ nhật, 14/06/2015 | 9:48 GMT+7

QĐND -  Ngày 29-5 vừa qua, PGS, TS Đinh Quang Hải, Viện trưởng Viện Sử học (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) đã phúc đáp công văn của Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) Hà Nội, nhất trí về việc đặt tên Mạc Thái Tổ, Mạc Thái Tông cho đường phố mới Hà Nội năm 2015.

Theo tờ trình của Sở VH-TT&DL gửi UBND TP Hà Nội, trong năm 2015 sẽ đặt tên mới cho 19 đường, phố. Trong đó, đặt tên phố Mạc Thái Tổ (quận Cầu Giấy) cho đoạn đường từ ngã ba giao cắt với đường Phạm Hùng đến ngã tư giao cắt với phố Trung Kính, đối diện tòa nhà E1 Chelsea Park, dài 900m, rộng 60m; phố Mạc Thái Tông (quận Cầu Giấy) cho đoạn đường từ ngã ba giao cắt với đường Phạm Hùng, cạnh Công ty CP Lắp máy xây dựng, đối diện cổng sau Trung tâm Hội nghị quốc gia đến ngã tư giao cắt với phố Trung Kính, cuối đường Vũ Phạm Hàm, dài 840m, rộng 17m.

Việc đặt tên hai tuyến phố trên vẫn gây ra một số băn khoăn trong dư  luận về sự đóng góp của nhà Mạc đối với lịch sử phát triển đất nước. Tuy nhiên, khi luận bàn công lao của nhà Mạc, Hội đồng tư vấn của TP Hà Nội bao gồm những nhà sử học hàng đầu đều thống nhất đặt tên hai phố trên là cần thiết, vì những đóng góp đáng ghi nhận đã được chứng minh. Đồng thời, hội đồng cho rằng đây là việc làm đúng đắn, nhằm giáo dục truyền thống và ghi nhớ công lao của tiền nhân.

Thành nhà Mạc tại Lạng Sơn-di tích kiến trúc quân sự đã được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia.

Tồn tại từ năm 1527-1677 (trị vì từ năm 1527-1592), vương triều Mạc có nhiều đóng góp quan trọng trong tiến trình phát triển của lịch sử dân tộc. Nhưng, do ảnh hưởng bởi cái nhìn thiên lệch, chủ quan của các sử gia phong kiến, việc ghi chép, nghiên cứu cũng như đánh giá về vương triều Mạc chưa đầy đủ, chân thực, đã tạo ra cái nhìn chủ quan, phiến diện về vương triều này. Theo PGS, TS Đinh Quang Hải, trong gần ba thập kỷ qua, giới nghiên cứu lịch sử Việt Nam đã khẳng định những đóng góp to lớn của nhà Mạc, đặc biệt là hai vị vua triều Mạc đối với lịch sử dân tộc. Cụ thể, trong hội thảo về vương triều Mạc được Hội Khoa học lịch sử Việt Nam tổ chức tại Hải Phòng ngày 18-7-1994, GS Phan Huy Lê, Chủ tịch hội, nhấn mạnh: “Nên xóa bỏ thành kiến và định kiến về nhà Mạc. Nên đối xử với nhà Mạc một cách công bằng như các triều đại khác. Hãy trả lại cho nhà Mạc những đóng góp khách quan… Nhà Mạc là vương triều ra đời và tồn tại sau nhà Lê. Việc nhà Lê sụp đổ, nhà Mạc thay thế là một hiện tượng có ý nghĩa tiến bộ, được nhiều người ủng hộ. Sau khi ra đời và tồn tại, nhà Mạc đã có đóng góp nhất định về mặt văn hóa, về mặt tư tưởng và một phần nào đó về mặt kinh tế”. Cũng tại hội thảo này, GS, Anh hùng lao động Vũ Khiêu nhận định: “Nhìn lại những tư tưởng và việc làm của Mạc Đăng Dung, ta thấy ông xuất hiện như một bông hoa xuyến tuyết, chọc thủng lớp dày băng giá mùa đông để chào đón mùa xuân của đất nước”.

GS Sử học Văn Tạo, nguyên Viện trưởng Viện Sử học, cũng khẳng định: “Khi khủng hoảng cung đình diễn ra trầm trọng, triều đình đổ nát, kinh tế suy sụp, dân tình cực khổ, Mạc Đăng Dung đã dẹp được các phe phái phân chia, cát cứ, lên ngôi, tạo dựng được cơ nghiệp cho con cháu nối đời, góp phần ổn định đời sống xã hội, xây dựng và phát triển đất nước về mọi mặt: Kinh tế, văn hóa, xã hội trong hơn nửa thế kỷ. Thành tựu của nhà Mạc không ai có thể phủ nhận được. Xét về sự nghiệp dựng nước thì bao giờ cũng là “Vạn sự khởi đầu nan”-công lao đó thuộc về Mạc Đăng Dung”.

Nhà sử học Dương Trung Quốc, Tổng thư ký Hội Khoa học lịch sử Việt Nam đưa ra nhận định: “Nhà Mạc là một triều đại lịch sử tồn tại trên tiến trình phát triển của lịch sử dân tộc, chỉ có 65 năm nhưng là một triều đại để lại những dấu ấn đậm nét trên nhiều phương diện của lịch sử dựng nước (giáo dục, kinh tế, an ninh xã hội, nghệ thuật kiến trúc…). Lịch sử cũng ghi nhận trong 65 năm trị vì của nhà Mạc những nhân tố của một thời kỳ phát triển (thịnh trị)”. Tuy vậy, nhà sử học Dương Trung Quốc cũng cho rằng, TP Hà Nội cần xem xét kỹ lưỡng khi đặt tên phố theo tên hai vị vua nhà Mạc. Nhà sử học Dương Trung Quốc đồng thuận với quan điểm chỉ nên đặt tên đường Mạc Thái Tông, vì đã có những dữ liệu lịch sử chính thống. Còn đề xuất đặt tên đường Mạc Thái Tổ cần cân nhắc, bởi những cứ liệu về ông chưa được làm rõ.

Ông Trương Minh Tiến, Phó giám đốc Sở VH-TT&DL Hà Nội cho biết, đây là lần thứ hai sở đề xuất đặt tên cho hai tuyến phố mới theo tên hai vị vua đầu triều Mạc. Từ những kết quả nghiên cứu mới trong khoa học lịch sử, nhằm khẳng định công lao của vương triều Mạc đối với lịch sử dân tộc, năm 2002, Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ VH-TT&DL) Phạm Quang Nghị đã ký Quyết định số 24/2002/QĐ-BVHTT ngày 17-9-2002, công nhận Từ đường họ Mạc ở Cổ Trai, xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thụy, TP Hải Phòng là Di tích lịch sử cấp quốc gia. Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định quy hoạch 10,5ha đất tại xã Ngũ Đoan (đất phát tích nhà Mạc và khu vực Dương Kinh xưa của vương triều  Mạc) để xây dựng Khu tưởng niệm Vương triều Mạc và các vua nhà Mạc. Năm 2009, Thủ tướng Chính phủ cũng có quyết định đưa công trình này vào danh mục các công trình kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội, bởi lịch sử vương triều Mạc là một phần không thể thiếu của lịch sử Thăng Long-Hà Nội. Hiện nay, nhiều tỉnh, thành phố như: Hải Phòng, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Quảng Ngãi, An Giang, Gia Lai, TP Hồ Chí Minh… cũng đã có tên đường, phố Mạc Đăng Dung, Mạc Đăng Doanh. Việc đặt tên đường, phố theo tên các vị vua nhà Mạc đã được đưa ra bàn thảo, đánh giá để bảo đảm việc đặt tên là hợp lý.

Theo kế hoạch, việc đặt tên cho 19 đường, phố mới, trong đó có tên hai tuyến phố Mạc Thái Tổ và Mạc Thái Tông sẽ được UBND TP Hà Nội trình lên HĐND thành phố khóa XIV xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 13 tới đây. Bên cạnh đó, HĐND cũng lắng nghe và tiếp thu ý kiến người dân, các chuyên gia đối với việc đặt tên hai tuyến phố này.

Bài và ảnh: VƯƠNG HÀ

http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-vn/61/43/ha-noi-thu-do-cua-chung-ta/dat-ten-pho-mac-thai-to-va-mac-thai-tong-nhung-y-kien-tam-huyet/364129.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.