Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

10/06/2015

Hoàng Sa - Trường Sa trong sách "Phủ biên tạp lục" (bài Nguyễn Quang Ngọc, 2001 & 2008)

Đây là một bài viết học thuật ở dạng dễ hiểu, của học giả Nguyễn Quang Ngọc, đã xuất bản lần đầu tiên năm 2001.

Bản in lại có bổ sung năm 2008 ở mục 2 entry này được cung cấp từ ảnh chụp của chủ trang Chi Blog. Xin chân thành cảm ơn chị Chi. Và trân trọng giới thiệu tới bạn đọc.

Bản word dễ xem hơn (đã được đưa lên mạng từ năm 2009) thì có thể thấy ở đây (mục 2). Để tiện tham khảo, cũng đưa về ở mục 1 của entry này.


---

1. Bản trên mạng:

"24-06-2009, 03:42 PM

GIÁ TRỊ CỦA CÁC TRANG SỬ LIỆU VIẾT VỀ HOÀNG SA, TRƯỜNG SA TRONG SÁCH PHỦ BIÊN TẠP LỤC 

GS.TS. Nguyễn Quang Ngọc

1. Phủ biên tạp lục viết về Hoàng Sa, Trường Sa

Vào năm 1776 trong khi được cử giữ chức vụ Hiệp trấn tham tán quân cơ ở Thuận Hoá, ngoài việc phải lo tổ chức lại chính quyền, ổn định cuộc sống của dân, Lê Quý Đôn đã tranh thủ thời gian sưu tầm, tập hợp tư liệu viết cuốn sách Phủ biên tạp lục. Sách soạn xong ngay trong năm đó, nhưng chưa được khắc in và các bản sao sớm nhất còn lại đến ngày nay đều là bản sao chép tay thời Nguyễn.


Phủ biên tạp lục đã được Viện Sử học tổ chức nghiên cứu, giám định, phiên dịch và hiệu đính rất công phu. Bản dịch được xuất bản thành sách vẫn mang tên Phủ biên tạp lục, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội, 1977 và xếp là tập thứ nhất của bộ Lê Quý Đôn toàn tập.


Trong sách có 2 đoạn chép về các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa đều nằm trong Quyển II (Hình thế núi sông, thành luỹ, trị sở, đường sá, bến đò, nhà trạm hai xứ Thuận Hoá Quảng Nam):


1. “Phủ Quảng Ngãi, ở ngoài cửa biển xã An Vĩnh huyện Bình Sơn có núi gọi là Cù Lao Ré, rộng hơn 30 dặm, trước có phường Tứ Chính, dân cư trồng đậu, ra biển 4 canh thì đến; phía ngoài nữa lại có đảo Đại Trường Sa, trước kia có nhiều hải vật và những hoá vật của tàu, lập đội Hoàng Sa để lấy, đi 3 ngày 3 đêm thì mới đến, là chỗ gần xứ Bắc Hải” .


2. “Phủ Quảng Ngãi huyện Bình Sơn có xã An Vĩnh ở gần biển, ngoài biển về phía đông bắc có nhiều cù lao, các núi, linh tinh hơn 130 ngọn, cách nhau bằng biển, từ hòn này sang hòn kia hoặc đi một ngày hoặc vài canh thì đến. Trên núi có chỗ có suối nước ngọt. Trong đảo có bãi cát vàng dài, ước hơn 30 dặm, bằng phẳng, rộng lớn, nước trong suốt đáy. Bên đảo có vô số yến sào, các thứ chim có hàng nghìn, hàng vạn, thấy người thì đậu vòng quanh không tránh. Bên bãi vật lạ rất nhiều. Ốc vân thì có ốc tai voi to như chiếc chiếu, bụng có hạt to bằng đầu ngón tay, sắc đục, không như ngọc trai, cái vỏ có thể đẽo làm tấm bài được, lại có thể nung vôi xây nhà; có ốc xà cừ để khảm đồ dùng; lại có ốc hương. Các thứ ốc đều có thể muối và nấu ăn được. Đồi mồi thì rất lớn. Có con hải ba, tục gọi là trắng bông, giống đồi mồi mà nhỏ, vỏ mỏng có thể làm đồ dùng, trứng bằng đầu ngón tay cái, muối ăn được. Có hải sâm, tục gọi là đột đột, bơi lội bên bãi, lấy về dùng vôi xát qua, bỏ ruột phơi khô lúc ăn thì ngâm nước cua đồng cạo sạch đi, nấu với tôm và thịt lợn càng tốt”.


Các thuyền ngoại phiên bị bão thường bị hoại ở đảo này. Trước họ Nguyễn đặt đội Hoàng Sa 70 suất, lấy người xã An Vĩnh sung vào cắt phiên, mỗi năm cứ tháng 2 nhận giấy sai đi, mang lương đủ ăn 6 tháng, đi bằng 5 chiếc thuyền câu nhỏ, ra biển 3 ngày 3 đêm thì đến đảo ấy. Ở đấy tha hồ bắt chim cá mà ăn. Lấy được hoá vật của tàu, như là gươm ngựa, hoa bạc, tiền bạc, hòn bạc, đồ đồng, khối thiếc, khối chì, súng, ngà voi, sáp ong, đồ sứ, đồ chiên, cũng là kiếm lượm vỏ đồi mồi, vỏ hải ba, hải sâm, hột ốc vân rất nhiều. Đến kỳ tháng 8 thì về, vào cửa Eo, đến thành Phú Xuân để nộp, cân và định hạng xong, mới cho đem bán riêng các thứ ốc vân, hải ba, hải sâm rồi lĩnh bằng trở về. Lượm được nhiều ít không nhất định, cũng có khi về người không. Tôi đã xem sổ của cai đội cũ là Thuyên Đức hầu biên rằng: năm Nhâm Ngọ được 30 hốt bạc; năm Giáp Thân được 5100 cân thiếc, năm Ất Dậu được 126 hột bạc, từ năm Kỷ Sửu đến năm Quý Tỵ, 5 năm ấy, mỗi năm chỉ được mấy tấm đồi mồi, hải ba. Cũng có năm được khối thiếc, bát sứ và 2 khẩu súng đồng mà thôi.


Họ Nguyễn lại đặt đội Bắc Hải, không định bao nhiêu suất, hoặc người thôn Tứ Chính ở Bình Thuận, hoặc người xã Cảnh Dương, ai tình nguyện đi thì cấp giấy sai đi, miễn cho tiền sưu cùng các tiền tuần đò, cho đi thuyền câu nhỏ ra các xứ Bắc Hải, cù lao Côn Lôn và các đảo ở Hà Tiên tìm lượm vật của tàu và các thứ đồi mồi, hải ba, bào ngư, hải sâm, cũng sai cai đội Hoàng Sa kiêm quản. Chẳng qua là lấy các thứ hải vật, còn vàng bạc, của quý ít khi lầy được.


Hoàng Sa chính gần phủ Liêm Châu đảo Hải Nam, người đi thuyền có lúc gặp thuyền đánh cá Bắc quốc hỏi nhau ở trong biển. Tôi đã từng thấy một đạo công văn của quan chính đường huyện Văn Xương Quỳnh Châu gửi cho Thuận Hoá nói rằng năm Kiền Long thứ 18 (1753) có 10 tên quân nhân xã Anh Vĩnh đội Cát Liềm huyện Chương Nghĩa phủ Quảng Ngãi nước An Nam ngày tháng 7 đến Vạn Lý Trường Sa tìm kiếm các thứ, có 8 tên lên bờ tìm kiếm, chỉ để 2 tên giữ thuyền, bị gió đứt dây thuyền, giạt vào Thanh Lan cảng, quan ở đấy xét thực, đưa trả về nguyên quán. Nguyễn Phúc Chu sai cai bạ Thuận Hoá là Thức Lượng hầu làm thư trả lời.


Phủ biên tạp lục là bản sao chép tay nên không tránh khỏi có những sơ suất, thậm chí là sai lệch so với nguyên bản. Để có thể nhìn nhận một cách khách quan, chính xác những trang sử liệu viết về Hoàng Sa, Trường Sa trong sách Phủ biên tạp lục, chúng tôi xin được đặt những trang tư liệu này với các sử liệu khác cũng có chép đến Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam, Trung Quốc và phương Tây đương thời (có thể sớm hơn hay muộn hơn đôi chút) để tìm ra mối quan hệ giữa chúng và thông qua đó xác định giá trị của những trang sử liệu này nói riêng và sách Phủ biên tạp lục nói chung.


2. Phủ biên tạp lục trong mối quan hệ với các bộ sử chính thức thời chúa Trịnh và nhà Nguyễn có chép đến Hoàng Sa.


Bộ sách được hoàn thành chỉ sau Phủ biên tạp lục một thời gian ngắn là Đại Việt sử ký tục biên (1676-1789) - bộ sử do Quốc sử viện thời Lê Trịnh tổ chức biên soạn nối tiếp vào quyển XIX sách Đại Việt sử ký toàn thư. Trong sách, đoạn ghi chép về Hoàng Sa, Trường Sa trên căn bản không khác ghi chép của Lê Quý Đôn . Nói một cách khác, các nhà chép sử thời Lê Trịnh sau hki xác định ghi chép của Lê Quý Đôn trong Phủ biên tạp lục là hoàn toàn đúng sự thật, đã đưa gần như nguyên vẹn nội dung này vào chính sử của triều đại mình. Ý nghĩa của Đại Việt sử ký tục biên chính là nó đã biến ghi chép khoa học khách quan của Lê Quý Đôn thành một nội dung của bộ Quốc sử.


Dưới thời Nguyễn, những ghi chép về Hoàng Sa, Trường Sa phong phú, đa dạng với nhiều thông tin cụ thể trên cả hai khu vực tài liệu chính thức của vương triều và tài liệu của các học giả.


Bộ sách đồ sộ và có nhiều thông tin hơn cả về Hoàng Sa, Trường Sa là bộ Đại Nam thực lục (Tiền biên và Chính biên) được xây dựng từ khi nhà Nguyễn mới ra đời và kéo dài cho đến năm Đồng Khánh thứ 3 (1898).


Trong phần Tiền biên, sách Đại Nam thực lục chép về sự việc người đội Hoàng Sa đi Hoàng Sa bị gió dạt vào Quỳnh Châu năm 1754 và giới thiệu khái quát về Vạn Lý Trường Sa, đội Hoàng Sa, đội Bắc Hải được tổ chức từ thời “quốc sơ” - tức là thời các chúa Nguyễn đầu tiên , không có gì khác với Phủ biên tạp lục và Đại Việt sử ký tục biên.


Qua nghiên cứu những bản sao Phủ biên tạp lục lưu giữ tại Thư viện Khoa học xã hội, Viện Sử học và trường Đại học Tổng hợp Hà Nội…, Giáo sư Đào Duy Anh cho rằng nguồn gốc chung của các bản Phủ biên tạp lục “chỉ là hai bản có ở Nội các trong đời Tự Đức” và các bản của Nội các ấy “hẳn là đã được Quốc sử quán chép lại trong thời gian cơ quan này dùng nó trong công việc biên soạn Thực lục tiền biên” .


Như vậy, những ghi chép của Lê Quý Đôn về Hoàng Sa, Trường Sa trong Phủ biên tạp lục không chỉ được nêu cao trong bộ Quốc sử thời Lê Trịnh mà một lần nữa được khẳng định trong bộ sử chính thức của vương triều Nguyễn. Điều cần được nhấn mạnh ở đây là Đại Nam thực lục Tiền biên đã chuyển tinh thần cơ bản của bản chép tay của Lê Quý Đôn thành bản khắc in chính thức trên danh nghĩa Nhà nước ở cả hai phương diện sử liệu và văn bản. Nói một cách khác những điểm yếu của Phủ biên tạp lục nếu chỉ nhìn thuần tuý dưới góc độ văn bản thì đã được khắc phục trong Đại Nam thực lục tiền biên”.


3. Phủ biên tạp lục trong mối quan hệ với các nguồn tư liệu Việt Nam khác ở thế kỷ XVII-XVIII có đề cập đến Hoàng Sa.


Cho đến nay, tấm bản đồ có niên đại xưa nhất vẽ đến Hoàng Sa Trường Sa là Toản tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư của Đỗ Bá. Tại Đông Dương văn khố (Tokyo, Nhật Bản) còn giữ được sách Thiên Nam tứ chí lộ đồ trong tập Hồng Đức bản đồ có ghi Nho sinh trúng thức họ Đỗ Bá, tự Công Đạo, quê xã Bích Triều huyện Thanh Giang phủ tập. Đến phần Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư sau khi vẽ 4 tuyến đường từ Thăng Long đi ra 4 phía có đoạn viết: Nho sinh trúng thức họ Đỗ Bá, tự Công Đạo, người xã Bích Triều huyện Thanh Giang phủ soạn. Sách Thanh Chương huyện chí còn cho biết rõ thêm: Đỗ Công Luận (tự Công Đạo), người thôn Cẩm Nang xã Bích Triều huyện Thanh Chương. Qua nghiên cứu gia phả họ Đỗ (mà nhân dân địa phương gọi là họ Đậu) ở thôn Cẩm Nang xã Thanh Mai, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An, chúng tôi có thể xác định được Đỗ Công Luận (hay Công Đạo) chính là người đã vẽ bản đồ và ghi lại lộ đồ cho chúa Trịnh vào khoảng niên hiệu Chính Hoà (1680 - 1705). Gia phả họ Đậu, phần Phụ lục có đoạn: “Họ ta xưa có Đậu Bá, tự Công Luận hoặc Công Đạo… Vào khoảng thời Chính Hoà (1680 - 1705) ông từ quan giả dạng người buôn, xuôi sông Lam, vượt Thuận Quảng, qua Chiêm Lạp và các nước, xem xét sông núi, đường biển xa gần, vẽ bản đồ mang ra Bắc, hiến kế mở biên giới vào phía Nam. Chúa Trịnh (Trịnh Căn) rất vui mừng, đưa bản đồ cất vào kho. Lại yêu cầu ông soạn vẽ cho bộ Tứ chí lộ đồ”.


Hiện nay trong kho sách Hán Nôm còn lưu giữ được một số tập bản đồ ghi tên Đỗ Bá Công Đạo nhưng không phải là bản gốc. Bản Toản tập An Nam lộ do một nhà nho thời Lê sao chép và ngay trang bìa chép rõ niên đại: Chính Hoà 7 (1686). Phần bản đồ phủ Thăng Hoa và phủ Quảng Ngãi phía ngoài biển có vẽ bãi Cát Vàng. Phần chú trên trang bản đồ bằng chữ Nôm: “Bãi Cát Vàng phỏng dài 400 dặm, rộng 20 dặm, ở giữa biển khoảng từ cửa biển Đại Chiêm kéo đến cửa biển Quyết Mông. Gió tây nam thuyền đi vào trong sẽ mắc cạn. Gió đông Bắc mà thuyền đi cũng bị tắc lại ở đó, đều bị chết đói, của cải phải bỏ lại. Mỗi năm đến tháng cuối đông (Chúa Nguyễn) đưa 18 chiếc thuyền đến đó nhặt vàng bạc… Từ cửa Đại Chiêm đến bãi đảo ấy đi thuyền một ngày rưỡi, từ cửa Canh Sa đi thuyền cũng mất một ngày rưỡi. Ở bãi ấy cũng sinh sản loại đồi mồi”.


Quảng Thuận đạo sử tập của Nguyễn Huy Quýnh (1734 - 1785) bao gồm cả sách và bản đồ được hoàn thành trong khoảng thời gian tác giả được phái vào Thuận Hoá giúp Bùi Thế Đạt, Hoàng Ngũ Phúc đánh quân Chúa Nguyễn và tiếp sau đó làm Đốc thị Thuận Quảng (từ năm 1775 đến năm 1785). Đây là tập hợp những ghi chép về địa lý, địa hình và bản đồ vùng Thuận Hoá, Quảng Nam. Tuy bản đồ không vẽ đến quần đảo Hoàng Sa ở ngoài biển, nhưng khi chú về Cù Lao Ré lại cho biết ở đấy “ có dân xã An Vãng (Vĩnh), sản nhiều dầu phụng, dệt vải, lập riêng đội Hoàng Sa Nhị, hàng năm 8 thuyền ra biển nhặt của quý về nộp tại Phú Xuân” . Giá trị của tấm bản đồ và những ghi chép này của Nguyễn Huy Quýnh chính là ở chỗ nó cùng thời và độc lập với ghi chép của Lê Quý Đôn trong Phủ biên tạp lục, tuy rất giản lược nhưng lại là một bằng chứng xác nhận tính xác thực trong những ghi chép của Lê Quý Đôn về quê hương và hoạt động của đội Hoàng Sa.


Thực hiện chủ trương vươn ra khai chiếm các quần đảo ngoài khơi giữa Biển Đông, các Nhà nước phong kiến Việt Nam từ rất sớm đã tổ chức riêng ra các cơ quan với những lực lượng chuyên trách việc kiểm tra, kiểm soát, bảo vệ và khai thác Biển Đông, trong đó đội Hoàng Sa ở khu vực huyện đảo Lý Sơn và xã An Vĩnh, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi là trường hợp tiêu biểu.


Đến Lý Sơn, điều làm chúng tôi hết sức ngạc nhiên và nguồn tài liệu thư tịch cổ của địa phương như các sổ đinh, sổ điền, các văn khế mua bán ruộng đất, tài sản, các chúc thư, văn cúng… được các gia đình, dòng họ lưu trữ hết sức cẩn thận. Chúng tôi đã tìm ra trong những đống tư liệu đó một số tư liệu có giá trị như những minh chứng cho quá trình biến chủ trương chiếm lĩnh, khai thác các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Chúa Nguyễn, của triều Tây Sơn và triều Nguyễn thành thực tế sinh động ở địa phương. Chúng tôi xin được dẫn ra dưới đây 2 văn bản sưu tầm tại địa phương phản ánh các sự kiện có quan hệ mật thiết đến những ghi chép của Lê Quý Đôn trong sách Phủ biên tạp lục.


1. Đơn của phường Cù Lao Ré xã An Vĩnh.
“Ngày 15 tháng Giêng niên hiệu Cảnh Hưng thứ 36 (1776), thần là Hà Liễu, Cai hợp phường Cù Lao Ré xã An Vĩnh về kho nội thuộc Hà Bạc, huyện Bình Sơn, phủ Hoà Nghĩa.
Mong đội ơn trên: Nguyên xã chúng tôi từ xưa đã có hai đội Hoàng Sa và Quế Hương. Vào năm Tân Mùi (1631) Đốc chiến là Võ Hệ đã đệ đơn tâu xin, được cho lập hai đội nữa là đội Đại mạo hải ba và Quế hương hàm với nhân số 30 người. Hàng năm thường nạp thuế bằng 10 (thạch) đồi mồi, hải ba, 5 lượng quế hương. Đến năm Quý Mão (1723) vâng lệnh truyền rằng: Dân trong thuộc Hà Bạc ai có bằng son, đơn son thì nạp thuế biệt nạp và mang theo sổ sách. Thế là dân số phải bổ sung dân binh cũng bắt đầu. Đến đó quân nhân xã chúng tôi còn 23 người phải bổ sung người và phải chi tiền đi đường như trước, nên cai đội mới đốc suất được công việc từ đó đến nay. Bây giờ chúng tôi lập 2 đội Hoàng Sa và Quế Hương như cũ gồm dân ngoại tịch, được bao nhiêu xin làm sổ sách dâng nạp, vượt thuyền ra các đảo, cù lao ngoài biển tìm nhặt các vật hạng đồng thiếc, hải ba, đồi mồi được bao nhiêu xin dâng nạp. Nếu như có tờ truyền báo xảy chinh chiến, chúng tôi xin vững lòng ứng chiến với kẻ xâm phạm. Xong việc rồi chúng tôi lại xin tờ sai ra tìm báu vật cùng thuế quan đem phụng nạp. Xin dốc lòng theo sở nguyện chẳng dám kêu ca. Chúng tôi cúi đầu mong ơn.
Thân (xét). Chuẩn cho”.


2. Chỉ thị cử Thái phó Tổng lý Quản binh dân chư vụ Thượng tướng công.
Chỉ thị…
Thái phó Tổng lý Quản binh dân chư vụ Thượng tướng công truyền kế hoạch:
Sai Hội Đức hầu cai đội Hoàng Sa luôn xem xét đốc suất trong đội cắm biển hiệu thuỷ quân cưỡi 4 chiếc thuyền câu vượt biển thẳng đến Hoàng Sa cùng các xứ cù lao ngoài biển, tìm nhặt đồ vàng, bạc, đồng và các thứ đại bác, tiểu bác, đồi mồi, vỏ hải ba, cá quý… đều chở về kinh tập trung nộp theo lệ. Nếu ngạo mạn càn bậy không đến, lại gian dối lấy bớt các vật quý hoặc sinh sự với dân làm muối, làm cá, đều sẽ bị trị tội.
Nay sai.
Ngày 14 tháng 2 năm Thái Đức thứ 9 (1786)”
Bên cạnh nguồn tư liệu thư tịch, còn có khá nhiều truyền thuyết dân gian, thơ ca hò vè, phong tục tập quán, hội hè, tín ngưỡng phản ánh hoạt động của đội Hoàng Sa và sứ mệnh bảo vệ, khai thác vùng biển đảo của Tổ quốc của nhân dân đảo Lý Sơn cũng như của các làng gốc ở Bình Sơn, Sơn Tịnh. Nguồn tư liệu này trước hết có giá trị kiểm chứng và khẳng định một cách tuyệt đối ghi chép của Lê Quý Đôn về sự hiện diện của đội Hoàng Sa với chức năng chủ yếu là bảo vệ chủ quyền và khai thác tài nguyên ở các vùng quần đảo ngoài khơi Biển Đông.


4. Phủ biên tạp lục trong mối quan hệ với nguồn tư liệu thư tịch cổ Trung Quốc chép đến khu vực Biển Đông.


Thư tịch và bản đồ cổ Trung Quốc cho đến cuối thế kỷ XIX và những năm đầu thập kỷ đầu thế kỷ XX đã chép một cách rất lô gích và thống nhất rằng lãnh thổ, lãnh hải cực Nam của nước Trung Hoa không vượt quá đảo Hải Nam. Vùng biển đảo ở giữa Biển Đông (mà Trung Quốc gọi là biển Nam Hải) chưa được các Nhà nước Trung Quốc quan tâm (hay nói cho đúng ra là chưa có điều kiện quan tâm) khai chiếm, mà chỉ được nhắc đến như những cái mốc vô cùng nguy hiểm, thuyền bè qua lại cần phải tránh xa. Trung Quốc suốt trong chiều dài lịch sử đến những năm đầu thế kỷ XX chỉ có duy nhất một ứng xử là tìm đường thuận lợi xuống phía Nam sao cho không bao giờ chạm đến vùng biển cực kỳ nguy hiểm này. Trong thực tế họ chưa từng có bất cứ một hoạt động chủ quyền nào với tư cách Nhà nước chính thức ở đây. Trái lại, nguồn tư liệu cổ Trung Quốc lại ghi chép một cách có hệ thống và rất rõ ràng chủ quyền với tư cách Nhà nước, thật sự và lâu đời của Việt Nam trên các vùng biển đảo này. Trong số những ghi chép ấy, theo chúng tôi Hải ngoại kỷ sự của Thích Đại Sán là hết sức tiêu biểu.


Hoà thượng Thạch Liêm tên hiệu là Đại Sán Hán Ông, quê ở huyện Cửu Giang tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc), trụ trì ở chùa Trường thọ tỉnh Quảng Đông. Từ chùa Trường Thọ tỉnh Quảng Đông ông sang vùng Thuận Quảng nước Đại Việt vào năm Ất Hợi (1695) và trở về Trung Quốc vào năm Đinh Sửu (1697). Cuốn sách đúng như tên gọi của nó chỉ là ghi chép lại chuyến đi ra nước ngoài (đi sang Đại Việt) của tác giả. Sách nguyên bản chữ Hán đã được Viện Đại học Huế dịch ra Quốc ngữ vào năm 1963.


Ở quyển III có đoạn như sau: “Khách có người bảo: mùa gió xuôi trở về Quảng Đông chừng vào độ nửa tháng trước và sau ngày Lập thu. Chừng ấy gió tây nam thổi mạnh, chạy một lèo gió xuôi chừng 4, 5 ngày đêm có thể đến Hổ Môn. Nếu chờ đến sau mùa nắng, sức gió nam yếu, không chống nổi dòng nước chảy mạnh về đông, lúc đó sẽ khó giữ được sự yên ổn. Bởi vì có những cồn cát nằm thẳng giữa biển, chạy từ đông bắc qua tây nam, động cao dựng đứng như bức tường, bãi thấp cũng ngang mặt nước biển, mặt cát khô rắn như sắt, rủi thuyền chạm phải ắt tan tành. Bãi cát rộng trên trăm dặm, chiều dài thăm thẳm chẳng biết bao nhiêu mà kể, gọi là Vạn Lý Trường Sa, mù tít chẳng cỏ cây, nhà cửa. Nếu thuyền bị trái gió, trái nước mà tạt vào, dẫu không tan nát cũng không gạo không nước trở thành ma đói mà thôi. Quãng ấy cách Đại Việt 7 ngày đường, chừng 700 dặm. Quốc Vương thời trước (tức các chúa Nguyễn) hàng năm sai thuyền đánh cá đi dọc theo các bãi cát, lượm vàng bạc, khí cụ của các thuyền hư hỏng dạt vào. Mùa thu nước ròng cạn, rút về hướng đông, bị một ngọn sóng đẩy đi, thuyền có thể trôi xa trăm dặm; gặp khi gió mạnh, càng sợ hiểm hoạ Trường Sa” .


Đoạn trích dẫn ở trên là một bằng chứng hùng hồn khẳng định chúa Nguyễn là người nắm giữ chủ quyền ở khu vực Vạn Lý Trường Sa một cách hợp pháp, với những hoạt động thực thi chủ quyền rất cụ thể và được chính người Trung Quốc cuối thế kỷ XVII ghi chép lại một cách khách quan, trung thực. Điều cần phải nói rõ thêm ở đây là Hải ngoại kỷ sự ra đời khá sớm, chỉ sau bản đồ của Đỗ Bá Công Đạo 10 năm, nên nó là một bảo đảm vững chắc cho tính xác thực của bản đồ Bãi Cát Vàng của Đỗ Bá. Những hình ảnh ban đầu của đội Hoàng Sa được đề cập đến trong thư khiếu nại của Abraham Duijcker lên chúa Nguyễn Phúc Lan 1636, được Thích Đại Sán phác thảo những nét căn bản trên đường trở về Trung Quốc vào năm 1697 thì 8 thập kỷ sau đó lại được Lê Quý Đôn ghi chép đầy đủ, cụ thể và sáng rõ trong Phủ biên tạp lục. Phủ biên tạp lục như thế đã minh chứng cho những ghi chép của Thích Đại sán và ngược lại chính những thông tin về đội Hoàng Sa trong ghi chép của Thích Đại sán lại góp phần khẳng định tính khách quan và độ xác thực của Phủ biên tạp lục, mặc dù các ghi chép này không những không lệ thuộc mà hoàn toàn độc lập với nhau.


5. Phủ biên tạp lục trong mối quan hệ với nguồn tư liệu phương Tây đương đại nói về Paracels (Hoàng Sa)


Từ thế kỷ XVI trở về trước đã có nhiều ghi chép và bản đồ của các nhà hàng hải phương Tây gọi vùng quần đảo giữa Biển Đông (I. de Pracel) là “Baixos de Chapar” (Bãi đá ngầm Chămpa), “Pulo Capaa” (đảo của Chămpa) và đoạn bờ biển tương đương với khu vực tỉnh Quảng Ngãi hiện nay, được đánh dấu là “Costa da Pracel” (Bờ biển Hoàng Sa) . Như thế, từ rất lâu đời, các nhà hàng hải phương Tây đã coi các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là thuộc chủ quyền của vương quốc Chămpa. Bước sang thế kỷ XVII và thế kỷ XVIII số lượng tàu tuyền của người phương Tây đi qua vùng Biển Đông thường xuyên hơn và nhận thức của họ về các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa cũng ngày càng phong phú và chính xác hơn. Nhiều tư liệu chép đến các vụ đắm tàu ở Paracel đã được những ngư dân Đàng Trong ra tận nơi cứu hộ rồi đưa các nạn nhân về vùng Quảng Nam. Chính quyền Đàng Trong đã dành cho mình quyền giải quyết hậu quả và xử lý các hàng hoá, tiền bạc trên các tàu bị đắm ở Hoàng Sa. Năm 1701, các giáo sĩ người Pháp trên tầu Amphitrite đã khẳng định một thực tế hiển nhiên rằng: “Paracel là một quần đảo thuộc về vương quốc An Nam” .


Đến giữa thế kỷ XVIII ngoài tầu thuyền của người Bồ, tầu thuyền các nước Hà lan, Anh, Pháp đến vùng biển Đông nhiều hơn. Pierre Poivre (1719 - 1786) là một giáo sĩ kiêm thương nhân người Pháp có dịp đi qua vùng Hoàng Sa kể lại trong Mô tả xứ Đàng Trong, 1749 - 1750 rằng “Tôi nghe nói hàng năm Vua (Chúa Nguyễn) thường cho vài chiếc thuyền ra Hoàng Sa để tìm kiếm những báu vật tự nhiên cho bộ sưu tập của mình”. Khi được Chúa Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát tiếp ở Phú Xuân, P. Poivre mô tả kinh đô mới xây dựng và xác nhận những khẩu súng của công ty Đông Ấn Hà Lan ở đây là thu lượm được từ quần đảo Hoàng Sa.


Khoảng non chục năm sau, năm 1759 bá tước D’ Estaing, Phó Thuỷ sư đô đốc của Pháp thị sát vùng Biển Đông đã gửi một bức tường trình về Pháp cho biết ở Phú Xuân có đến 400 khẩu súng đại bác mà số lớn được đem về từ các vụ đắm tầu ở quần đảo Hoàng Sa. đến năm 1768, tức là chỉ 8 năm trước Phủ biên tạp lục, ông viết từ Paris về cuộc hành trình này trên Biển Đông: “Đôi khi khó khăn được nhân lên gấp đôi ở vùng quần đảo Hoàng Sa. Tầu thuyền đi giữa đám đảo đá ngầm này vào đất liền thì thực là khó hơn đi ở ngoài khơi. Hơn nữa vùng biển này lại luôn có những thuyền nhỏ của người bản xứ qua lại, họ có thể biết được tàu của chúng tôi đến đó”.


John Barrow phái viên của phái bộ Macartney đi từ Anh đến Trung Quốc có ghé qua vùng Quảng Nam năm 1793 ghi chép lại những điều mắt thấy, tai nghe trong Một chuyến du hành tới xứ Đàng Trong vào những năm 1792 - 1793. Ông cho biết “Các thuyền xứ Đàng Trong dùng vào việc buôn bán ven biển, chài lưới; thu lượm hải sản, tổ yến trong nhóm quần đảo gọi là Paracels (Hoàng Sa), thuộc nhiều kiểu dáng khác nhau”.


Như thế từ ghi chép của P.Poivre năm 1749 - 1750, ghi chép của D’Estaing năm 1768 đến ghi chép của Jonh Barrow năm 1793 đều cho biết hàng năm thường xuyên có những tầu thuyền từ đất liền xứ Đàng Trong đi ra vùng quần đảo Hoàng Sa để thu lượm hàng hoá, hải sản. Đây chính là các đội Hoàng Sa, Bắc Hải mà Lê Quý Đôn đã chép khá cụ thể trong Phủ biên tạp lục. Sự thống nhất trong những ghi chép của Lê Quý Đôn với ghi chép của các thương nhân, giáo sĩ, các nhà quân sự, phái bộ ngoại giao phương Tây đương thời về các đội tàu thuyền Đàng Trong ở Hoàng Sa chỉ có thể được giải thích là lúc này hoạt động chủ quyền của Chúa Nguyễn ở đây đã trở thành thường xuyên đến mức mà hầu như cả người trong nước vàựngời nước ngoài đều biết khá tường tận.


6. Mấy nhận xét


6.1. Trong Lời tựa viết ngày 15 tháng 8 năm Cảnh Hưng thứ 37 (1776), Lê Quý Đôn cho biết: “Kỳ gian tôi nhân đi dạo núi sông, hỏi di tích, xem xét lệ cũ, tìm kiếm nhân tài, tuỳ bút chép ra thành quyển gọi tên là Phủ biên tạp lục, đó chỉ là vết móng chim hồng tạm ghi nhớ việc bấy giờ thôi. Nhưng các bậc quân tử tại triều, có xét sự tích cõi Nam, muốn không ra khỏi sân mà biết việc ngoài nghìn dặm thì tập này cũng có thể xem qua một lượt vậy” . Như thế có thể biết Phủ biên tạp lục chỉ là “tạp lục” hay “tùy bút” tập hợp những ghi chép bước đầu, không liên tục, không có hệ thống chặt chẽ về người thật, việc thật ở vùng đất phía Nam. Hơn tất cả mọi người khác Lê Quý Đôn được trực tiếp khai thác các hồ sơ, công văn giấy tờ, sổ sách của chúa Nguyễn, trong đó có cả tờ tấu của quan lại, thư trao đổi của nước ngoài, nhưng ông lại chưa có đủ thời gian cần thiết để suy ngẫm, luận xét và đánh giá theo quan niệm riêng của mình, thành thử tư liệu mà ông cung cấp là nguyên sơ chưa có sự gia công chế biến nào, nhưng lại vô cùng quan trọng, độc đáo và có giá trị cung cấp thông tin cao. Giá trị của Phủ biên tạp lục không phải ở chỗ nó là một công trình nghiên cứu hay một tác phẩm chuyên khảo của một nhà bác học vĩ đại mà chính là nó ghi lại những điều tai nghe, mắt thấy, cung cấp một bức tranh mới mẻ và chân thực về khu vực Đàng Trong thế kỷ XVIII.


Thông qua một hệ thống các tư liệu gốc, Lê Quý Đôn đã giới thiệu tương đối đầy đủ và cụ thể vị trí, đặc điểm tự nhiên của Hoàng Sa 130 đảo (bao gồm cả Trường Sa), cũng như cơ cấu tổ chức, chức năng và hoạt động của hai đội Hoàng Sa (chủ yếu ở khu vực quần đảo Hoàng Sa) và Bắc Hải (chủ yếu ở khu vực quần đảo Trường Sa). Viết về thời các chúa Nguyễn nói chung và Hoàng Sa, Trường Sa nói riêng thì Phủ biên tạp lục là một cuốn sách gốc mà các sử gia đời sau đều dựa vào đó để bổ sung, làm phong phú thêm bằng những chi tiết mới.


6.2. Điều thật không may là nguyên bản chữ Hán sách Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn chưa từng được khắc in. Bản thảo chép tay của tác giả cũng không còn và những bản còn lại đến ngày nay chỉ là bản sao ở thế kỷ XIX. Vậy văn bản sách Phủ biên tạp lục mà chúng ta đang sử dụng rõ ràng có rất nhiều hạn chế. Vì thế khi nghiên cứu Phủ biên tạp lục không thể không giữ một thái độ thận trọng cần thiết, thậm chí đối với từng chi tiết. Chẳng hạn có thể nhận ngay ra sai số khi trong văn bản chép vào năm Càn Long thứ 18 (tức là năm 1753) mà lại thuộc đời chúa Nguyễn Phúc Chu (?), hay chữ “hoại” chép thành chữ “ỷ”, chữ “vàng” chép thành chữ “liềm” như trong đoạn chúng tôi trích dẫn ở trên. Tuy nhiên không phải vì những sơ suất ấy mà đi đến thái độ cực đoan phủ định giá trị của các bản sao sách Phủ biên tạp lục.


Qua so sách đoạn tư liệu chép về Hoàng Sa của Lê Quý Đôn với các nguồn tư liệu khác cùng thời ở cả trong và ngoài nước, chúng tôi nhận thấy có một sự tương đồng và thống nhất khá cao, mặc dù chắc chắn phần lớn những tư liệu này là từ các nguồn khác nhau. Bởi vì ghi chép của Lê Quý Đôn là trực tiếp tại chỗ nên cùng chép về đội Hoàng Sa mà chúng tôi không thấy dấu ấn của những tài liệu trước đó được phản ánh trong Phủ biên tạp lục. Những tài liệu độc lập và trước Phủ biên tạp lục ấy là bản đồ Đỗ Bá năm 1686, Hải ngoại kỷ sự của Thích Đại Sán năm 1697, Mô tả xứ Đàng Trong của Pierre Poivre năm 1740-1750, tài liệu của Bá tước D’Estaing năm 1768. Tài liệu nói đến đội Hoàng Sa cùng thời và sớm muộn ít năm so với Phủ biên tạp lục nhưng cũng hoàn toàn độc lập với Phủ biên tạp lục có thể kể đến lá đơn của Hà Liễu ở Cù Lao Ré năm 1776, Quảng Thuận đạo sử tập của Nguyễn Huy Quýnh, Chỉ thị cử Thái phó Tổng lý quản binh dân chư vụ ở Cù Lao Ré năm 1786, Một chuyến du hành tới xứ Đàng Trong vào những năm 1792 -1793 của John Barrow ... Có cả một hệ thống các tài liệu xuất hiện sau và hoàn toàn dựa theo ghi chép của Lê Quý Đôn, nhưng chúng tôi chỉ chọn giới thiệu hai tài liệu tiêu biểu là các bộ sử thời chúa Trịnh và nhà Nguyễn. Những tài liệu trước có giá trị kiểm chứng và xác nhận tính xác thực cũng như nội dung ghi chép của Lê Quý Đôn, thì hai bộ sử nhắc đến ở sau lại có giá trị chính thức hóa, chính thống hóa những điều mà Lê Quý Đôn gọi là “tạm thời ghi nhớ việc bấy giờ”, khắc phục được về căn bản điểm yếu của Phủ biên tạp lục dưới góc độ giá trị của văn bản.


Như thế nếu đặt Phủ biên tạp lục trong mối quan hệ tổng thể với các nguồn tư liệu liên quan thì không những chúng ta kiểm tra được độ chính xác của bản thân tư liệu, mà thông qua đó còn đánh giá đúng được giá trị của văn bản sách Phủ biên tạp lục mặc dù đấy chỉ là bản sao chép tay vào đời sau.


6.3. Các nhà sử học Việt Nam trong những năm gần đây đã tiến một bước khá dài trong quá trình sưu tầm và tập hợp tư liệu liên quan đến lịch sử chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa.


Nguồn tư liệu trong nước bao gồm các bộ sử của vương triều, các công văn giấy tờ, các bộ bản đồ, những tài liệu chính thức của các nhà nước đương đại, ghi chép của các quan chức, học giả, các gia đình, dòng họ, các bộ sách địa lý - lịch sử, các tập du ký, văn thơ... đều cho biết các nhà nước Việt Nam đã thực thi chủ quyền của mình ở Hoàng Sa và Trường Sa dưới nhiều hình thức và biện pháp khác nhau như vãng thám kiểm tra, khai thác các hóa vật và hải sản, tổ chức thu thuế và cứu hộ tàu bị nạn, khảo sát, đo vẽ bản đồ, dựng miếu thờ, lập bia chủ quyền, trồng cây để cho người qua lại dễ nhận biết... Lực lượng ra làm nhiệm vụ ở Hoàng Sa, Trường Sa không chỉ có các đội Hoàng Sa, Bắc Hải, các đội thủy quân, biền binh, vệ giám thành mà cả binh đinh, dân phu. Mỗi chuyến đi ra Hoàng Sa, Trường Sa đều phải có quyết định của Nhà nước và nhiều khi chính nhà vua chỉ đạo việc cho người ra khơi hay tạm dừng vì bão gió. Sau khi kết thúc công việc họ phải chạy thẳng thuyền về kinh đô Phú Xuân để báo cáo tình hình, khai nộp hóa vật, hải vật. Nhà vua thông qua Bộ Công để kiểm tra, đánh giá, luận công, định tội, thưởng phạt công minh tất cả những người được cử ra làm nhiệm vụ ở Hoàng Sa, Trường Sa.


Trong khi đó thư tịch và bản đồ cổ Trung Quốc tính cho đến cuối thế kỷ XIX và thậm chí cả thập kỷ đầu thế kỷ XX đều phản ánh một thực tế hết sức hiển nhiên là vùng lãnh thổ, lãnh hải truyền thống của Trung Quốc chưa bao giờ vượt quá đảo Quỳnh Châu (tức là đảo Hải Nam). Đặc biệt, có một số thư tịch và bản đồ cổ Trung Quốc trực tiếp hay gián tiếp đã xác nhận chủ quyền của Việt Nam trên các quần đảo giữa Biển Đông. Điều này không chỉ thống nhất với nguồn tư liệu Việt Nam mà nó cũng hoàn toàn phù hợp với nhận thức các nhà hàng hải, các thương nhân, giáo sĩ, các phải bộ ngoại giao của các nước phương Tây đương thời. Sự phong phú, đa dạng và thống nhất của các nguồn tư liệu bản đồ và thư tịch, chính thống và dân gian, Việt Nam và thế giới, phương Đông và phương Tây nói ở trên đều bắt nguồn từ một sự thực khách quan: Việt Nam là nước duy nhất trong khu vực chiếm hữu thật sự hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ khi chúng còn là vùng đất chưa có chủ và đã thực thi chủ quyền của mình dưới danh nghĩa Nhà nước, bằng nhiều hình thức và biện pháp khác nhau, liên tục trong nhiều thế kỷ.


Càng mở rộng khai thác các nguồn tư liệu liên quan, chúng ta càng thấy rõ ràng hơn, đầy đủ và sâu sắc hơn giá trị bất hủ của các trang sử viết về Hoàng Sa, Trường Sa của Lê Quý Đôn trong sách Phủ biên tạp lục. Đây phải được coi như là một tuyên ngôn chủ quyền về một vùng lãnh thổ, lãnh hải thiêng liêng và máu thịt của nước Việt Nam, mà tất cả những người có hiểu biết và lương tri đều không thể không thừa nhận.


"
http://ver2.hoangsa.org/forum/showthread.php?t=7482

2. Bản in trên giấy:









1 nhận xét:

  1. Bản in lại năm 2008, mục 2 liên quan các bộ chính sử của nhà nước phong kiến, vẫn giữ nguyên từ bản in 2001, trong đó có đề cập đến sách Đại Việt sử ký tục biên. (1676-1789)

    Trả lờiXóa

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.