Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

21/05/2015

Các chính trị gia vừa nói thế : "Đời tôi, đời các bạn chưa đòi được thì con cháu chúng ta sẽ tiếp tục đòi lại"

Có liên quan đến sự kiện "học giả đã nói".

Câu trích trên là của ông Vũ Đức Đam.


Còn Chủ tịch Trương Tấn Sang thì nói:“Năm nay không xong thì năm tới, mười năm này không xong thì mười năm sau, đời ta không xong thì đến đời con cháu, phải dứt khoát như vậy".

Cụ thể xem bài chính thức trên báo chính thống.

---

1. Chủ tịch nước, năm 2014:





TTO - “Năm nay không xong thì năm tới, mười năm này không xong thì mười năm sau, đời ta không xong thì đến đời con cháu, phải dứt khoát như vậy. Trước sau như một, vấn đề chủ quyền là thiêng liêng, bất khả xâm phạm”.
Trung Quốc thay đổi đội hình tàu
Tàu kiểm ngư Việt Nam tiến vào sát giàn khoan 981Trung Quốc vớt lưới, thùng phuy, ván gãy vu khống Việt Nam
Lời khẳng định này được nói ra tại cuộc tiếp xúc sáng 26-6 của Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM với Ủy ban MTTQ VN TP.HCM sau kỳ họp thứ 7 của Quốc hội.
Chủ tịch nước nhấn mạnh nước ta đã liên tục tuyên bố rằng VN muốn làm bạn, đối tác tin cậy của cộng đồng quốc tế, vì hòa bình, vì sự phát triển và tôn trọng lẫn nhau, đôi bên cùng có lợi. Từ đường lối này, VN đã quan hệ với hầu như khắp các nước trên thế giới…
“Tôi muốn nói điều này để khẳng định rằng VN không lệ thuộc bất cứ ai cả” - Chủ tịch nước nói.
Đề cập đến tình hình diễn biến trên biển Đông, Chủ tịch nước cho biết những gì của chúng ta trên cơ sở luật pháp quốc tế thừa nhận là của chúng ta và chúng ta phải giữ gìn.
“Năm nay không xong thì năm tới, mười năm này không xong thì mười năm sau, đời ta không xong thì đến đời con cháu, phải dứt khoát như vậy. Trước sau như một, vấn đề chủ quyền là thiêng liêng, bất khả xâm phạm” – cũng theo Chủ tịch nước, cần hết sức kiên trì, bền bỉ, “đồng thời phải hết sức tránh không để bị ai khiêu khích”.
Phát biểu ý kiến tại buổi tiếp xúc, chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm - ủy viên Ủy ban MTTQ VN TP – nêu nhiều câu hỏi mang tính chất vấn nỏng bỏng, theo đó, nhân dân, đặc biệt là trí thức, đặt vấn đề rằng Đảng, Nhà nước ta nhìn quan hệ thực chất với Trung Quốc như thế nào? Có còn là đồng chí tốt, bạn bè tốt, láng giềng tốt, đối tác tốt nữa không? Hay đây là chiêu bài được nêu lên nhưng thực tế họ (Trung Quốc) không có cái gì tốt đối với chúng ta cả?
Ông Lâm cũng đặt vấn đề Trung Quốc đưa ra “miếng mồi” 20 tỉ USD ODA và 100 tỉ USD tín dụng. Bên cạnh đó họ nói không ràng buộc về chính trị nhưng thực chất như thế nào? Hiện nay 80% xi măng của VN được sản xuất từ những nhà máy do Trung Quốc cung cấp trang thiết bị; dệt may da dày hầu như dùng nguyên liệu của Trung Quốc… Như vậy có phụ thuộc hay không phụ thuộc vào Trung Quốc?
Ông Lâm kiến nghị Đảng, Nhà nước cần nhìn nhận những vấn đề thực tế, làm sao để không lệ thuộc vào Trung Quốc.
Trước đó, phát biểu khai mạc cuộc tiếp xúc, Phó chủ tịch thường trực Ủy ban MTTQ VN TP Phạm Văn Hải cho biết cuộc tiếp xúc này được tổ chức để Đoàn đại biểu Quốc hội TP báo cáo kết quả kỳ họp thứ 7 và những hoạt động của đoàn tại kỳ họp.
Theo ông Hải, cuộc tiếp xúc được tổ chức cũng nhằm lắng nghe những ý kiến đóng góp, kiến nghị của các vị ủy viên UBMTTQ VN TP, các tổ chức thành viên của MTTQ VN TP và MTTQ VN các quận - huyện.
QUỐC THAN
http://tuoitre.vn/tin/chinh-tri-xa-hoi/20140626/chu-tich-nuoc-phai-bao-ve-bang-duoc-chu-quyen-thieng-lieng/614696.html



2. Phó Phủ tướng, năm 2014:


Nhất định phải đòi lại Hoàng Sa


18/05/2014 03:20


Hoàng Sa là của Việt Nam. Trung Quốc đã dùng vũ lực để chiếm Hoàng Sa và nhất định chúng ta phải đòi lại. Đời tôi, đời các bạn chưa đòi được thì con cháu chúng ta sẽ tiếp tục đòi lại”, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã khẳng định như vậy tại cuộc đối thoại với các nhà khoa học Việt Nam vào sáng 17.5.

Nhất định phải đòi lại Hoàng Sa
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc đối thoại - Ảnh: Ngọc Thắng

Mặc dù là buổi đối thoại về khoa học công nghệ, song các nhà khoa học lại dành khá nhiều thời gian đặt câu hỏi cho vấn đề thời sự nóng bỏng: biển Đông. Là nhà khoa học, nhưng đồng thời cũng là chiến sĩ, giảng viên Nguyễn Quốc Định, Học viện Kỹ thuật quân sự, bày tỏ các nhà khoa học có tri thức không thể khoanh tay trước vấn đề của đất nước hiện nay, đặc biệt là vấn đề phức tạp tại biển Đông. “Giới khoa học và trí thức nên làm gì vào lúc này?”, anh Định đặt câu hỏi.
Nhất định phải đòi lại Hoàng Sa - ảnh 2
Chống chủ nghĩa bành trướng
Bây giờ, chúng ta đang sống trong thế giới toàn cầu hóa, những nhà khoa học chúng tôi hiểu rõ, những vấn đề phải đối mặt hiện nay giữa các quốc gia không phụ thuộc vào đường biên giới mà còn là vấn đề của toàn cầu. Là nhà khoa học, điều chúng tôi mong muốn là giữ mối quan hệ tốt với các nhà khoa học ở các nước, chúng tôi chống lại chủ nghĩa bành trướng.
Nhất định phải đòi lại Hoàng Sa - ảnh 3
GS Pierre Darriulat chuyên gia trong lĩnh vực hạt nhân
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng giới khoa học có thể làm nhiều việc. Cụ thể đối với việc Trung Quốc đem giàn khoan vào Việt Nam, các nhà khoa học là người có tri thức, có thể tìm hiểu, nghiên cứu vấn đề chia sẻ với người thân, người xung quanh mình, bạn bè nghiên cứu, các tổ chức khoa học quốc tế hiểu về luật pháp quốc tế.
Trước tình hình phức tạp ở biển Đông, một nhà khoa học trẻ đến từ Đại học Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) băn khoăn: “Thực lực của Việt Nam thế nào? Chúng ta có đủ khả năng đương đầu giải quyết tình hình thực tế?”. Phó thủ tướng nói: “Sự kiện lần này không phải là sự kiện duy nhất trong quá khứ mà ngay cả tương lai, đất nước chúng ta luôn phải đương đầu với những thách thức như vậy. Chúng ta đã đứng vững như bây giờ, nhất định chúng ta sẽ giữ vững và bảo vệ được độc lập, chủ quyền trong tương lai. Tiềm lực còn rất yếu, trách nhiệm của chúng ta, nhà khoa học phải làm tốt hơn, nhà quản lý phải làm tốt hơn, có như vậy dân tộc mới mạnh”.
“Vàng chưa phải là quý nhất”
Trước câu hỏi khó của một nhà khoa học: “Phó thủ tướng đánh giá như thế nào về cái được gọi là “16 chữ vàng” trong quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc? Việt Nam có nên xem xét thay đổi mối quan hệ đối ngoại giữa Việt Nam và Trung Quốc?”. Không ngần ngại, Phó thủ tướng bày tỏ: Phía Việt Nam luôn thực tâm, chân thành và nỗ lực hết sức để phấn đấu xây dựng mối quan hệ dựa trên phương châm “16 chữ vàng”. Và Việt Nam mong phía Trung Quốc cũng như vậy. “Các bạn là nhà khoa học chắc biết hơn tôi, mà chẳng cần phải là nhà khoa học đâu, người dân cũng biết, vàng chưa phải là quý nhất, kim cương còn quý hơn vàng. Nhưng có thứ còn quý hơn cả kim cương nữa. Bác Hồ đã dạy 4 chữ độc lập, tự do. Không có gì quý hơn độc lập, tự do. Vàng có kim cương quý hơn và có thể có nhiều thứ quý hơn kim cương. Nhưng trên hết, không có thứ gì quý bằng độc lập, tự do”.
Thu Hằng

http://www.thanhnien.com.vn/chinh-tri-xa-hoi/nhat-dinh-phai-doi-lai-hoang-sa-404182.html

27 nhận xét:

  1. Hehe vụ này mới khó ăn nói à nha.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thì để con cháu nó ăn nói.

      Xóa
    2. Các phóng viên của chúng ta thường chỉ tóm lấy vài câu. Mà để hiểu vài câu đó thì chắc phải biết toàn câu chuyện.

      Nhưng báo thì thường không để ý đến toàn câu chuyện. Chỉ đưa vài câu trích.

      Khó là ở chỗ đó các bác ạ.

      Xóa
  2. Trích hay không trích , thậm chí đọc hết nội dung cả bài viết thì câu này nằm trong cả bài nói chuyện cũng không được hay cho lắm . Đơn giản tôi ví dụ trong một gia đình , những gì tốt nhất , những gì ngon nhất các bậc làm cha , làm mẹ đều dành hết cho những đứa con của mình . Họ làm lụng vất vả , ky góp tích trữ tiền bạc , nhà đất để để lại cho con , với ước mong tương lai con cái của mình không bị đói rách . Không một người làm cha , làm mẹ nào lại muốn con cái phải gánh chịu những lỗi lầm và nợ nần mà mình để lại . Đó là trách nhiệm và lương tâm của những người làm cha mẹ không cho phép điều đó xảy ra . Nếu như trút gánh nặng của đời mình cho con cái , tôi tin chắc trước lúc ra đi thì bất cứ người cha , người mẹ nào cũng không nhắm được mắt . Cuộc sống vốn dĩ như vậy . Hỏi các Bác trong nhà này các Bác có muốn như vậy không?
    Tôi không bình luận gì về câu nói của mấy Ổng , tôi chỉ nói về trải nghiệm của mình và những người tôi hằng tiếp xúc hàng ngày. Ai cũng có suy nghĩ giống tôi , đều lo cho tương lai của con cái
    Còn các Bác nghĩ sao ?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tôi nghĩ câu này chỉ muốn nhấn mạnh sự khẳng định quyết tâm đòi HS-TS của VN, chứ không nên hiểu là đẩy trách nhiệm cho thế hệ sau.

      Xóa
    2. Cái điếm đàng của chính trị nó nằm ở chỗ đó. Không làm gì hết nhưng lại được tiếng là rất quyết tâm hehe.

      Xóa
  3. vậy thì Alay kum Sa lam nghĩ ra cách gì hay hơn nhé

    Trả lờiXóa
  4. Câu của các chính trị gia đầy đủ ý đó chứ các bác, vì ai có thể khẳng định đòi đc ngay?
    Còn "câu của học giả" thì làm gì có, mà ngài Sơn bịa ra, nội dung có ý sau nhưng ko có ý trước như của các chính trị gia, muốn nói là "bỏ mặc, để con cháu, ai quan điểm khác là sai trái"!!!!
    Và ngài Sơn đã xin lỗi.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bác Ngô Mạnh Hùng nói đúng đấy ạ. Theo tôi câu của học giả hay của quan chức .. đều chỉ nhấn mạnh sự khẳng định quyết tâm đòi HS- và bảo vệ TS của VN chứ không phải là để thế hệ con cháu làm.

      Xóa
  5. Chào bạn Sinh lê Xuân
    Salam hiểu được ẩn ý trong câu hỏi của Bạn . Trong comment trên của tôi , tôi chỉ ví dụ trong một gia đình Việt , bạn có đồng ý với tôi ? Bạn đã có gia đình chưa? Đã có con chưa ? Nếu đã có rồi thì Bạn sẽ hiểu
    Tôi hiểu điều bức xúc của các Bạn , không riêng gì các Bạn mà đó là nỗi bức xúc của tất cả người dân Việt , trước hoạ xâm lăng của những kẻ bá quyền . Điều tôi muốn nhắn gửi trong comment của tôi là : những người lãnh đạo phải cẩn trọng trong những phát ngôn của mình vì người dân luôn theo dõi những hành động của các ông đối với sự tồn vong của dân tộc .
    Còn nữa Bạn Xuân đừng hỏi tôi câu hỏi " Bạn đã làm được gì cho đất nước " ? Tôi xin trả lời nhanh : Chiều nay mới đi đóng thuế kinh doanh về ,
    Còn cách của SL thì : mình là người dân Việt , luôn luôn ủng hộ chính phủ trong những quyết sách đòi lại chủ quyền biển đảo ...... Thân !

    Trả lờiXóa
  6. Đúng là như vậy. Việt Nam nhất định sẽ đòi lại được những vùng lãnh thổ thuộc chủ quyền. Đời chúng ta không đòi được thì đời con cháu chúng ta sẽ tiếp tục đòi. Đây là cuộc chiến lâu dài và đòi hỏi sự kiên trì nền chúng ta không nản.

    Trả lờiXóa
  7. Chào cô Chi
    Tôi rất mến trọng Cô , tưởng Cô tham gia vào cuộc đàm luận của mấy anh em trong trang blog nhỏ bé này . Salam vẫn muốn nghe những lời nói thật lòng của những cầm bút như Cô . Những nhận xét về những vấn đề của đất nước ở tầm vĩ mô ,. Cần lắm những suy nghĩ của chính Cô , không phải nghe những lời đồng ý hay tán thành của Cô trong những comment trong nhà này
    Hơn ai hết ! Những người hành nghề chữ nghĩa như Cô , phải nhìn xa trông rộng hơn những độc giả phổ thông trong trang blog này. ... Thân Salam !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn bác Alaykum Salam đã có lời và tin tưởng, tôi vẫn cho rằng vấn đề HS-TS là một vấn đề không phải ai cũng có thể có tư cách để bàn về những vấn đề vĩ mô. Tôi không đủ tư cách về chuyên môn để bàn về vĩ mô của những vấn đề không chỉ liên quan đến bằng chứng tư liệu mà lcòn liên quan đến luật pháp quốc tế, tôi cũng không có tư cách hoặc khả năng để có ý kiến về quyết sách cho vấn đề này.. Cũng như bác tôi chỉ đóng góp cho đất nước bằng tiền thuê và làm tốt công việc chuyên môn của mình cũng như ủng hộ những ý kiến mình cho là đúng thôi.

      Xóa
    2. Là dân có lòng yêu nước, ai không tiếc và tức, đa phần đòi hỏi lãnh đạo cần có những đối sách quyết liệt nhưng thử vào vai lãnh đạo để nghĩ quả là khó, cái khó đó đáng tội do mấy chả tự đưa mình vào tròng từ trước, mọi quyết định đều phải cân nhất thiệt hại về kinh tế và ổn định an ninh khu vực.
      Gay nhất nhất là Trường Sa, cái lưỡi bò 9 khúc vô giá trị đối luật quốc tế nhưng trên thực tế, nói không quá Tung Chảo đang kiểm soát 90% biển Đông. Ta chỉ làm chủ thực sự các bãi trên thềm lục địa và kiểm soát những đảo, đá, bãi ngầm tuy vậy ra khỏi 12 hải lý là HQ, CSB, ngư dân đụng đầu với tàu TQ đông như quân Nguyên ngày xưa. Ta cơi nới diện tích 1 một, nó xây 100, làm gì nhau bi giờ ?

      Xóa
    3. @Chi: Ai đủ tư cách hơn nhân dân để bàn về vấn đề chủ quyền?

      Xóa
    4. He he @ Vâng, Ai là nhân dân thấy có đủ tư cách thì cứ bàn, còn vấn đề mà bác Alaykum Salam muốn ở tôi ( những ý kiến ở tầm vĩ mô) thì tôi thấy mình không có khả năng và không đủ tư cách. Và tôi chỉ đại diện cho tôi thôi, không dám cho ý kiến của tôi là đại diện cho ý kiến của nhân dân đâu ạ!

      Xóa
  8. Chào cả nhà. Các bác hehe, Cạo, Salam, Chi, và nhiều bác khác.

    Liên quan đến vấn đề biển đảo này, trang blog tôi từ lâu tạm lưu trong kho nhiều thứ, từ nhiều góc độ khác nhau, tiện khi nào thì bổ sung khi đó (xem link ở dưới). Bởi vậy, phát ngôn của chính trị gia lần này cũng chỉ là một góc độ mà thôi.

    Sẽ thấy các góc nhìn ở đây:
    http://giaovn.blogspot.jp/search/label/bi%E1%BB%83n-%C4%91%E1%BA%A3o

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ví dụ, cũng là góc nhìn của chính trị gia, nhưng nếu là người Trung Quốc thì thế này:
      Dương Khiết Trì vừa nhắc lại với "các đồng chí" của ông vào ngày 18/6/2014: Quần đảo Tây Sa là lãnh thổ Trung Quốc, vốn không có bất cứ tranh chấp nào !

      http://giaovn.blogspot.jp/2014/06/duong-khiet-tri-vua-nhac-lai-vao-ngay.html

      Xóa
    2. Ví dụ tiếp, cùng là góc nhìn của trí thức Việt Nam, thì thời 1930s, người ta nghĩ thế này:
      Tây Sa chỉ là đảo chim ỉa trong con mắt trí thức Việt Nam đầu thập niên 1930

      http://giaovn.blogspot.jp/2014/06/tay-sa-chi-la-ao-chim-ia-trong-con-mat.html

      Xóa
    3. Ví dụ tiếp, "công hàm" năm 1958 của Thủ tướng Phạm Văn Đồng đến bây giờ được điều chỉnh thành "công thư", "thư", "bức thư". Có thể xem ở đây:

      http://giaovn.blogspot.jp/2014/06/lai-tu-cong-thu-thanh-ra-buc-thu-va-con.html#comment-form

      Xóa
  9. Ui da ui da ! Bác Giao sợ nhà bị cháy hay sao ? Mà đã vội dập lửa ? Bác yên tâm , Salam trước khi hành nghề kinh doanh cũng là người có học . Đã cũng trải qua thời sinh viên nên cũng biết được thế nào là ". Đối nhân xử thế " cũng từng đi lao động hợp tác nước ngoài mấy lần , cho nên mọi vấn đề giải quyết rất đơn giản
    Salam Alaykum : là câu chào của người theo đạo Hồi có nghĩa là " Xin chào ! Chúc mọi điều may mắn và hạnh phúc sẽ đến với bạn " tôi lấy tên này là để kỷ niệm 3 năm làm việc ở Trung Đông . Vì thế tôi không bao giờ làm bác Giao và " Lão Cạo " phải buồn lòng mô

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Không phải thế đâu bác Salam. Tôi đưa ra một số cái cũ, từ trong kho thôi mà, để thấy rằng, bản thân vấn đề biển đảo này nó rất đa dạng góc nhìn. Rồi góc nhìn thì lại biến đổi theo thời gian, theo thời cuộc.

      à, cái tên "Salam Alaykum" thì hôm nay em mới hiểu bác Salam à. Rất thú vị đó.

      Xóa
    2. Tiết lộ thú vị, ông Cụ sống lại cũng chào thua, hùi giờ Cạo tui cứ tưởng Salam bên IS.
      Học tập, lần sao vào nhà Chí mình sẽ chào: Sua sơđây, vào nhà Rận mình sẽ chào: Sabai đi cho nước Vịt bớt quýnh nhau...

      Xóa
  10. Thân gửi cô Chi !
    Một đất nước mà có những người dân quan tâm đến những vấn đề chủ quyền là cái phúc cho tương lai của đất nước . Còn một khi người dân không quan tâm, bàng quang với thời cuộc thì đó là một đại hoạ cho dân tộc , Cô có đồng ý với Salam điều này không ?
    Salam bực mình vì câu nói của mấy Ổng ( Vì SL là dân đen ) . Câu nói thoạt đầu nghe thì hay , những nghe kỹ lại thì người dân không hài lòng ( Như comment Sl nói ở trên ) . Đó cũng là nỗi niềm chung của những người dân việt .
    Trong lúc buồn bực thì gặp comment của Cô , SL vẫn luôn mến trọng Cô , chờ Comment của Cô , không ít thì nhiều Cô đưa ra ý kiến của chính mình ( SL nói vậy Cô có hiểu ) . Đọc comment của" Lão Cạo " trả lời , SL ngộ ra nhiều điều , đó là câu trả lời nhanh nhất . ( Cảm ơn Lão )
    SL vẫn biết Cô vẫn ấm ức vì những yêu cầu của SL đối với Cô về tầm " Vĩ Mô " ( Đó là điều không tưởng ) .SaLam hiểu ! Nếu cuộc tranh luận này giữa SL với Cô sẽ không có điểm dừng , không biết chừng sẽ đẩy đi không có giới hạn dừng , đó là điều SL không mong muốn ( Bởi vì tôn trọng chủ Nhà bác Giao )
    Salam cũng muốn bỏ qua ! Nhưng khi nghe Cô trao đổi với HE HE , thì không dừng được , bởi vì anh em trong nhà phải bảo vệ nhau . Cô biết không ? Trong một trang blog nhỏ bé thôi , nhiều khi anh em tranh luận với nhau toé lửa , thậm chí mạt sát nhau , nhưng đó là tranh luận , xong rồi đâu lại vào đấy , vẫn là anh em ( Cô phải tập làm quen với điều này )!
    Cuối cùng điều Salam muốn nói với Cô về vấn đề chủ quyền biển đảo : Thời gian dài hay ngắn để đòi lại chủ quyền biển đảo không quan trọng bằng những quyết sách 1 năm 3 năm 5 năm 10 năm hay lâu hơn nữa .. Phải rõ ràng để người dân biêt ( Không phải như câu nói của mấy Ông )
    P/S Có Cô tham gia vào trang nhà này , Salam rất vui , mong được trao đổi với Cô nhiều

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn bác Sa Lam, nhưng thiết tưởng tôi cũng đã nói hết ý của mình rồi. Tôi có blog cá nhân, nhưng chỉ với mục đích là để giới thiệu các bài viết chủ yếu là cho sinh viên của tôi thôi, ko phải là người viết như bác nghĩ. Tôi thỉnh thoảng comment vào blog Giao vì là chị em quen biết nhau đã lâu ở ngoài đời. và tôi cũng chỉ làm những gì trong khả năng của mình, và nói những gì minh tin và mình nắm vững thôi ạ. Rất xin lỗi bác là tôi đã không đáp ứng được mong đợi của bác..

      Xóa
    2. Cảm ơn bác Salam và chị Chi.

      Em bổ sung một ý nhỏ thôi. Vào chỗ chị Chi nói về việc "làm những gì trong khả năng của mình" và những gì "mình nắm vững". Rất tán đồng quan điểm này của chị Chi.

      Nói cụ thể thêm vào trường hợp thấy ngay được. Đó là, như tranh chấp trên đất liền, ở vùng Quảng Ninh với Trung Quốc, từ lâu lâu trước, em đã có entry này:
      http://giaovn.blogspot.jp/2015/01/en-khoang-nam-tu-uc-20-thap-nien-1870.html

      Tức là:

      1. Vùng người Kinh ở Quảng Tây hiện nay đến cuối thế kỉ 19 vẫn là người Kinh của nước Đại Nam (Việt Nam). Sau đó, qua những biến cố, mới thành ra đất Trung Quốc. Người Kinh ấy thành ra người nước ngoài.

      2. Nhưng Trung Quốc thì luôn luôn tuyên truyền là những người Kinh ấy đã vào Trung Quốc 500 năm trước.

      3. Tư tưởng 500 năm ấy đã được dựng lên. Ý đồ thì đã rõ.

      4. Lưu học sinh Trung Quốc là người Kinh (ở Trung Quốc) tới Việt Nam học tập, đã viết luận văn luận án về người Kinh (ở Trung Quốc).

      5. Các luận văn luận án ấy cũng đưa tư tưởng 500 năm như nói ở trên.

      6. Nhưng phía Việt Nam thì chưa làm hết trách nhiệm (điều chị Chi nói). Không tra cứu tư liệu, không nắm được vấn đề, nên cũng ok với những luận thuyết 500 ấy.

      7. Và kết quả là: luận thuyết 500 năm ấy đã được thông qua ở môi trường học thuật của Việt Nam.

      8. Bản chụp phần viết ở entry trên là trích ra từ luận văn luận án có nội dung như trên.


      Đại khái là làm hết trách nhiệm của mình, như mong muốn của chị Chi, đã là rất tốt rồi bác Salam.

      Nếu làm hết trách nhiệm thì không có chuyện luận thuyết 500 năm nói trên đã qua mặt ở môi trường học thuật tại chính Việt Nam được.

      Xóa

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.