Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

16/05/2015

Bản dịch "Lĩnh Nam chích quái" tiếng Pháp từ 128 năm trước (bài Nguyễn Nam, 2003)

Bản dịch của Dumoutier - một người Pháp có cống hiến đặc biệt trong sưu tầm nghiên cứu văn hóa Việt Nam, ở cuối thế kỉ 19 đầu thế kỉ 20. Vào năm 1887, tức là khi Phan Bội Châu khoảng 20 tuổi, Nguyễn Ái Quốc còn chưa sinh, thì Dumoutier đã cho in bản dịch tiếng Pháp của cuốn "Lĩnh Nam chích quái".

Có thể xem Dumoutier là ngang với lứa Kiều Oánh Mậu, Khiếu Năng Tĩnh của Việt Nam. Mấy cụ trên lớn tuổi hơn Phan Kế Bính một chút (cụ này mất năm 1921).

Về bản dịch này, đầu tiên đọc lại bài viết hơn 10 năm trước của học giả Nguyễn Nam.


---









Trong chừng mực nào đó, có thể xem đây như một bài điểm sách, giới thiệu và phân tích dịch bản Pháp văn Lĩnh Nam chích quái của Gustave Dumoutier ra đời cách đây hơn một thế kỷ,(1) một bài điểm sách muộn màng, không có tính thời sự. 

Bình điểm sách trong hoàn cảnh như thế người viết thường có nhiều thuận lợi: khoảng cách thời gian cho phép mở ra một tầm nhìn khái quát hơn về các vấn đề, và tất nhiên, dễ thấy được những khiếm khuyết cña sách mà độc giả thời ấy, do nhiều nguyên nhân khác nhau, chưa có điều kiện nhận chân. Thế nhưng bài viết này không nhằm chỉ trích những sai sót (thường rất khó tránh) của các học giả nước ngoài khi nghiên cứu lịch sử, văn hãa bản địa, mà nhằm phục hiện những nỗ lực ban đầu cña các học giả Pháp trong việc nghiên cứu Việt Nam qua thư tịch Việt Hán và điều tra điền dã. Bên cạnh những điều bất cập, các nghiên cứu sơ kỳ của họ vẫn có không ít điều gợi mở bổ ích, đáng chú ý. Nói cách khác, bình duyệt bản dịch của Dumoutier cũng là đề xuất thêm cách đọc và hiểu mới về một vài chi tiết trong các bản dịch Việt ngữ Lĩnh Nam chích quái hiện đang lưu hành ở ta.

Dumoutier và các văn bản Hán văn cña người Việt
G. Dumoutier là cựu thông dịch viên Việt ngữ và Trung văn cña Tổng trú sứ Pháp tại Hà Nội, ủy viên và thanh tra học hiệu Pháp - Việt tại Bắc kỳ. Ở vào những cương vị vừa nêu, Dumoutier quả là một ứng viên uy tín trong việc khảo cứu các tác phẩm Hán văn Việt Nam, và dịch thuật các tác phẩm này sang tiếng Pháp. TậpLégendes Historique de L'Annam et du Tonkin (Truyền thuyết lịch sử ở Trung và Bắc kỳ) của G. Dumoutier do nhà in F. H. Schneider ở Hà Nội xuất bản năm 1887 là một điểm mốc đánh dấu sự thâm nhập của người Pháp trong việc tìm hiểu Việt Nam như một chỉnh thể với những chiều sâu lịch sử của nó, thông qua nguồn tư liệu Hán văn do người Việt viết. Thêm vào đó, tập sách của Dumoutier cho thấy thao tác chọn lọc nguồn tư liệu, phương pháp tiếp cận, khả năng dịch thuật buổi đầu của học giả Pháp trong lĩnh vực Việt học.

Sách Truyền thuyết lịch sử ở Trung và Bắc kỳ mở đầu với một bài tựa, toàn văn như sau:(2)
“Trong những truyền thuyết chúng tôi cung cấp ở đây, có một số là mới, số còn lại đã được Đức cha học giả Legrand ở Liraye dịch và công bố trong tập sách nhan đề Notes historiques sur la nation annamite (Ghi chú lịch sử về dân tộc Việt Nam) ; thế nhưng, chúng tôi mạo muội đưa ra một bản dịch mới về những chuyện này, bởi lẽ những truyền thuyết ở đây, trong bản Lĩnh Nam chích quái liệt truyện mà chúng tôi sử dụng, khác biệt đáng kể với những chuyện trong Thiếu vi thông giám (3) mà đức cha Legrand ở Liraye đã dùng.
Mặt khác, do năm trước [1886] được ông Paul Bert giao trọng trách nghiên cứu về bia văn ở Bắc kỳ, trong quá trình làm việc, chúng tôi đ· tìm được khi giải đọc văn bia ở các chïa một số thông tin lịch sử mới có liên quan đến các truyền thuyết này. Chúng tôi thêm các dữ liệu này cũng như một số chi tiết cung cấp bởi các tăng đồ và thức giả mà chúng tôi đ· phỏng vấn vào bản văn dưới dạng phụ chú.
Trong ấn bản này, chúng tôi tiếc là chỉ có thể viết đúng quy cách đại để các danh từ riêng Việt Nam và Trung Quốc với các mẫu tự quốc ngữ vốn rất cần thiết cho việc hình dung chính xác phát âm cña các từ, nhưng đến nay tại Bắc kỳ, chỉ riêng nhà in truyền giáo ở Kẻ Sở mới có.
Hà Nội, tháng 9 năm 1887”.

Bài tựa của Dumoutier cho thấy một số điểm đáng chú ý. Đó là:
1. Một lớp học giả Pháp thông thạo cả Việt ngữ lẫn Hán văn đã hình thành và tiếp tục phát triển, tham gia vào nghiên cứu Việt Nam.
2. Sau khi tiếp cận nguồn tư liệu liên quan đến Việt Nam do người Trung Quốc viết, học giả Pháp đã quay trở lại với các tác phẩm Hán văn của người Việt. Sách vở và văn bia đã trở thành đối tượng nghiên cứu cña họ vào những thập niên cuối của thế kỷ XIX. Nghiên cứu điền dã (thu thập tư liệu, phỏng vấn...) cũng đă được coi trọng.
3. Tuy bài tựa cña Dumoutier chỉ nhắc đến Lĩnh Nam chích quái liệt truyện như nguồn thư tịch duy nhất, trên thực tế, dịch giả còn dùng đến Truyền kỳ tân phả như một nguồn bổ sung (như các truyện Vân Cát thần nữ, Bích Câu kỳ ngộ, và Long Hổ đấu kỳ ký). Thần thoại, truyền thuyết đã chiếm một vị trí quan trọng những bước đầu nghiên cứu Việt Nam.
4. Số đầu tiên của Gia Định báo phát hành vào ngày 15 tháng 4 năm 1865 đánh dấu khả năng ấn loát tiếng Việt với tự mẫu La tinh hoàn chỉnh ở miền Nam. Tuy nhiên, cho đến năm 1887, các phương tiện in ấn tiếng Việt ở miền Bắc hãy còn hạn chế và vẫn nằm trong tay các nhà truyền giáo.
Trong bài tựa dẫn vào sách, Dumoutier nói rõ ông đã [tuyển] dịch từ Lĩnh Nam trích [chích] quái liệt truyện (tr.7). Do vậy, để thấy Dumoutier đã hiểu và dịch văn bản Việt Hán này sang tiếng Pháp như thế nào, bài viết này sử dụng bản Lĩnh Nam chích quái liệt truyện (hiện lưu trữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm, ký hiệu A.2107) cùng các khảo dị(4) làm cơ sở đối chiếu và biện thuyết. Bài viết sẽ không thiên truy tìm những lỗi có thể đã phát sinh trong quá trình in ấn, ví như, “Âu Cơ” hóa thành “An-ki” trong truyện Le génie du mont Tan-Vien / Tản Viên sơn thần truyện (tr.9), hay “Đặng Sĩ Doanh” đọc ra “Danh-si-doang” trong Légende de Ha-O-Loi / Hà Ô Lôi truyện (tr.65). Bài viết thử phân tích bản dịch truyện Man Nương (5) thao tác dịch thuật và diễn giải, phương pháp chú thích và hệ thống hóa của Dumoutier.

1. Phương Tây - phương Bắc
Đoạn mở đầu Man Nương truyện được Dumoutier dịch như sau:
“Sous le règne de l’empereur Hiêu de la dynastie Han, Si-Nhiêp, gouverneur de l’Annam, construisit une citadelle au sud du fleuve Thien-duc (Song-Thuong).
Près de cette citadelle se trouvait une pagode dans lequelle vivait un bonze, originaire du Nord, nommé Gia-la-dô-lê, qui était très expert dans l’art magique de Doc-Cuoc” (tr.43).
[Tạm dịch: Dưới đời Hiếu [Hiến] đế đời Hán, Thái thú An Nam Sĩ Nhiếp lập thành ở phía Nam sông Thiên Đức (Sông Thương).
Gần thành này có một ngôi chùa, trong đấy có vị sư gốc từ phương Bắc gọi là Già-la-đồ-lê, vốn tinh thông phép thuật của thần Độc Cước, trụ trì]
So sánh đoạn dịch Pháp văn của Dumoutier với nguyên tác Hán văn, cùng bản dịch Việt ngữ(6), có thể thấy ngay tính chất lược dịch cña đoạn dẫn và một lỗi phiên dịch khá rõ: câu văn chữ Hán “hữu tăng tự tây lai” (có vị sư từ phương tây đến) được dịch thành “có vị sư gốc từ phương bắc”. Có lẽ khi nêu gốc gác cña vị tăng này, Dumoutier đã không căn cứ trên cụm từ “tự tây lai”, mà dựa vào ngữ đoạn “hữu Hồ tăng” (tăng người Hồ)(7). Học giả Trần Văn Giáp nêu rõ, từ đầu Công nguyên, người Trung Hoa dùng từ Hồ để chỉ các tộc người ở miền Trung Á và Ấn Độ; về sau, mãi đến đời Đường, từ này mới được dùng riêng cho “các dân tộc miền bắc Trung Hoa mà thôi”(8). Cả hai cụm từ “hữu Hồ tăng” và “tự tây lai” xét trong bối cảnh lịch sử thời Hán Hiến Đế (190 - 220) đều có thể quy về một mối - đó là Tây vực. Việc xác định gốc tích cña vị tăng này chính là cơ sở để giải đọc phép thuật của ông: “năng lập độc cước chi pháp.

2. Thần Độc Cước
Chú thích (1) của sách theo ngay sau ngữ dịch l’art magique de Doc-Cuoc (phép thuật của thần Độc Cước) cho biết:
“Doc-Cuoc est une génie que les bonzes annamites croient ne posséder qu’un côté du corps. Il n’a, disent ils, qu’un bras, une jambe et une moitié de tête, on lui attribue toutes sortes de sortilèges et de maléfices. Ils le disent originaire de la ville de Quang Yen.” (tr.43).
[Tạm dịch: Độc Cước là một vị thần mà tăng chúng Việt Nam tin là chỉ có nửa thân người. Theo họ, thần chỉ có một tay, một chân, và một nửa đầu; họ gán cho thần mọi loại thư ếm và bùa ngải. Họ bảo rằng thần có gốc tích ở tỉnh thành Quảng Yên].
Hơn 10 năm sau (1898), trong tập Etudes d’Ethnographie Religieuse Annamite (Nghiên cứu Dân tộc học Tôn giáo Việt Nam),Dumoutier nói rõ hơn về tông tích cửa vị thần này:
“Ce culte est, disent les Annamites, originaire du pays de Nam-quan, en Chine, d’où il fut apporté au Tonkin par un réligieux taoïste, nommé Dô-Lê, qui venait de Tay-Vưc.” (tr.276 [2])
[Tạm dịch: Theo người Việt, tục thờ thần này có gốc từ xứ Nam Quan [?] Trung Quốc, từ đấy mà được truyền nhập vào Bắc kỳ nhờ ở một đạo sĩ tên Đồ Lê, người Tây Vực].
Quả là ở Trung Quốc cũng có Độc Cước nhưng đó là quỷ chứ không phải thần. Nguời Trung Hoa xem độc Cước là sơn tiêu, một loại yêu quái ở sơn lâm, chỉ hiện hình vào đêm khuya. Lục Du đời Tống trong bài Tống Tử Long phó Cát Châu duyện (Tiễn biệt Tử Long đến quan Cát Châu) có câu: “Ba hoành thôn thuyền ngư, Lâm khiếu độc cước quỷ” (Dậy sóng ấy cá nuốt thuyền - Hú rừng này quỷ một chân).Độc Cước ở Việt Nam là thần, được thờ, và có cả thần tích. Tuy sinh ra bởi người trần nhưng thần có dung mạo phi phàm: “diện mạo dữ tợn, trên đầu có một cái sừng, trong mình có bảy cái lông mọc dài.” Một hôm trời giông bão, thần “bỗng nhiên dài thành mười trượng, một tiếng sét đánh tách cậu bé thành hai nửa, mỗi mảnh có nửa người, một tay, một chân, một mắt.” Một nửa thăng thiên thống lĩnh âm binh, nửa ở lại nhà sống với mẹ cha. Nửa ở trần thế dẹp loạn phương Bắc, trấn quỷ phương Nam, lúc hóa thì hiển linh, được dân Ái Châu lập miếu thờ phụng: “Đạo sĩ, phù thủy đều thờ ngài, ma quỉ thì sợ oai ngài. Triều Lý cầu đảo ở đền thờ ngài rất linh ứng.”(9) Tục thờ thần Độc Cước hẳn đã thịnh hành từ trước triều Lý, và đấy có thể chính là nguyên nhân vì sao truyện Việt Tỉnh (tức Giếng Việttrong Lĩnh Nam chích quái), bản cải biên truyện Thôi Vĩ của Trung Quốc, đã thay quỷ ăn thịt người độc Cước trong nguyên tác bằng quỷ xương cuồng gốc tích ở ta.(10)
Một phần dựa vào tư liệu điền dã, phần khác căn cứ theo Truyện Man Nương, nhận định của Dumoutier viết năm 1898 về gốc tích thần Độc Cước chính là một sự nhầm lẫn về nguyên ủy sử liệu, không phân biệt rõ thần Độc Cước ở Việt Nam với quỷ độc Cước ở Trung Hoa; và Hồ tăng Tây Vực Đồ Lê hoàn toàn không phải là “đạo sĩ” như Dumoutier đã nêu.

3. Hắc tăng và “phép đứng một chân”
Một số học giả ở nước ta đã đề xuất các cách truy tìm ngữ nguyên cña bốn chữ Hán: già / cà-la-đồ (chà)-lê. Thúc Ngọc Trần Văn Giáp viết:
“Người ta gọi ông, khi thì dưới tên Khâu-đà-la (Ksudra ?), khi thì dưới tên Cà-la-chà-lê. Tên Cà-la-chà-lê có lẽ do từ chữ Kàlacàrya hay “Hắc sư”. Đây có lẽ là một tôn hiệu hay một biệt danh mà người Việt Nam thời đó dùng để chỉ một tu sĩ Ấn Độ.”(11)
Nguyễn Duy Hinh tin rằng Già-la-đồ-lê và Khâu-đả-la chỉ là những phiên âm khác nhau của Ksudra. (12)
Cũng nên chú ý rằng đồ lê chính là phiên âm phạn ngữ củaatchârya / àcàrya, tức là “vị thầy đạo hạnh,” “người có thể giúp cho môn đồ nâng cao đức độ.”(13) Cách hiểu của Thúc Ngọc vì vậy là khả thủ, và mặt khác, khó thể nghĩ rằng Già-la-chà-lê và Khâu-đà-la chỉ là những cách phiên âm khác nhau cña Ksudra. Tri thức điền dã của Dumoutier cho phép ông liên tưởng đến phép thuật của thần Độc Cước khi đọc ngữ đoạn năng lập / tri độc cước chi pháp.Thế nhưng gốc tích Tây Vực và tôn hiệu cña nhà sư này khiến người đọc thiên về một cách đọc khác: nhà sư có thể thạo phép đứng một chân. Các thế tu tập yoga (đặc biệt là thế đứng trên một chân vriksha-àsana)(14) của tăng đồ nước ngoài thường tạo nên những ấn tượng sâu sắc đối với xã hội ta thời ấy. Và đây chính là ý của văn bản.

Lời kết

Tuy rằng ngay đầu sách, Dumoutier có báo cho biết là ông dịchLĩnh Nam trích [chích] quái liệt truyện từ nguyên bản Hán văn, vẫn có nhiều chi tiết khiến người đọc hoài nghi về điều này. Chẳng hạn như truyện Le Précipice de Viêt ( Việt tỉnh, hay Giếng Việt) mở đầu như sau: “An Vương hay An Dương Vương, người xây Loa thành tử trận trong một trận chiến dưới chân núi Triêu...”(15) Ai cũng rõ Việt Tỉnh bắt đầu với sự kiện “nhà Ân cử binh sang xâm chiếm nước Nam”(16), ngoài ra, hai chữ Hán an và ân không dễ gì nhầm lẫn được. Có lẽ do đã không hoàn toàn dịch trực tiếp từ bản chữ Hán, Dumoutier đã “dịch” sai, và nghiêm trọng hơn là tùy tiện thêm thắt, khiến diện mạo của thần thoại - truyền thuyết Việt Nam trong bản dịch cña ông bị biến dạng nghiêm trọng. Tuy bản dịch Pháp văn và phương pháp tổng hợp cña Dumoutier còn quá nhiều khiếm khuyết, nhưng những kết quả điều tra điền dã của ông (được thêm vào dưới dạng phụ chú) lại là những tư liệu đáng lưu ý. Khoảng cách thời gian hơn một thế kỷ đã cho phép người đọc hôm nay thấy được những sai sót mà dịch giả không thể nhận ra được vào lúc ấy.
N.N



CHÚ THÍCH:


(1) G.Dumoutier: Légendes Historiques de l’Annam et du Tonkin (Truyền thuyết lịch sử Trung và Bắc kỳ), F. H. Schneider, Hanoi, 1887. Dumoutier cũng là tác giả các sách sau: Les Débuts de l’Enseignment Français au Tonkin (Khởi thủy giáo dục Pháp ở Bắc kỳ, 1887), Essai sur la Pharmacie Annamite (Tiểu luận về Dược học Việt Nam, 1887), Les Textes Sanscrits au Tonkin (Văn bản Phạn ngữ ở Bắc kỳ), L’Enfer des Bouddhists Tonkinois (Địa ngục cña tín đồ Phật giáo Bắc kỳ, 1888), Le Grand - Bouddha de Hanoi (Đại Phật Hà Nội, 1888).

(2) Ở đầu sách, Dumoutier có lời đề tặng Abel des Michels, Giáo sư Việt ngữ và Trung văn tại Trường Ngôn ngữ Đông Phương, Henri Cordier - Giáo sư lịch sử, địa lý, và luật học các nước Viễn đông tại Trường Ngôn ngữ Đông Phương; đồng thời tưởng nhớ Bá tước Kleczkowski, Công sứ toàn quyền, nguyên phụ trách công vụ Pháp tại Bắc Kinh, Giáo sư Trung văn tại Trường Ngôn ngữ Đông phương; tu viện trưởng Favre, nguyên sứ đồ truyền giáo tại Mã Lai, Giáo sư tiếng Mã Lai và Java tại Trường Ngôn ngữ Đông phương; và Giquel, nguyên Trung úy hải quân, Giám đốc giáo huấn đoàn Trung Quốc tại Châu Âu. Dumoutier tự nhận mình là một người "học trò tri ân sâu sắc, bien reconnaissant élève" của các vị trên.

(3) Theo Viện Nghiên cứu Hán Nôm và Học viện Viễn đông Bác cổ Pháp, Di sản Hán Nôm Việt Nam - Thư mục đề yếu, 3 tập, Nxb. KHXH, H. 1993, tập 3, ở ta có tập Thiếu vi tiết yếu đại toàn (có thế do Bùi Huy Bích soạn) lược chép "bộ sử Thiếu vi của Trung Quốc từ thời Tam Hoàng Ngũ Đế đến đời Nguyên Thuận Tông (1333 - 1368)" (tr.246).

(4) Xem Việt Nam Hán văn tiểu thuyết tùng san, tập 2, Trần Khánh Hạo, Trịnh A Tài, và Trần Nghĩa chủ biên, Học sinh Thư cục, Đài Bắc, 1992, quyển 1: Thần thoại truyền thuyết.

(5) Man Nương là một cô gái mồ côi giúp việc trên chùa. Một hôm, vì mệt, Man Nương ngủ quên nơi ngưỡng cửa. Vị tăng nước ngoài trên đường về phòng mình, bước ngang qua người cô, khiến cô hoài thai. Sau nàng sinh được một bé gái. Vị tăng nhận đứa trẻ, đặt vào trong hốc cây phù dung đầu sông, tặng nàng một cây gậy khơi nguồn nước, rồi hai người chia tay. Gặp năm trời hạn, nàng cắm gậy xuống đất, nước từ đấy cuồn cuộn tuôn ra. Năm Man Nương 19 tuổi, cây phù dung đổ, trôi ra bến sông trước chùa, dùng dằng mãi ở đấy. Ba trăm người trong làng xóm vào kéo nhưng cây không chuyển, thế mà chỉ mình Man Nương lại mang được cây vào bờ. Dân làng xẻ cây, đến chỗ đặt đứa trẻ năm xưa thì chỉ thấy một tảng đá. Họ lấy gỗ tạc bốn pho tượng Phật, đặt là Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, và Pháp Điền. Man Nương không bệnh mà mất, táng ở trong chùa, gọi là Phật mẫu. Xem Vũ Quỳnh, Kiều Phú: Lĩnh Nam chích quái, Đinh Gia Khánh (chủ biên), Nguyễn Ngọc San biên khảo, giới thiệu, in lần thứ hai, Nxb. Văn học, H. 1990, tr.72-74.

(6) Việt Nam Hán văn tiểu thuyết tùng san - Tập 2, quyển 1: Thần thoại Truyền thuyết, sđd., tr.69; Vũ Quỳnh, Kiều Phú, Lĩnh Nam chích quái, Đinh Gia Khánh (chủ biên), Nguyễn Ngọc San biên khảo, giới thiệu, sđd.: “Thời Hiến Đế nhà Hán, quan Thái thú Sĩ Nhiếp đóng đô thành ở bờ phía Nam sông Bình Giang (tức sông Thiên Đức). Phía Nam thành đó có chùa thờ Phật, có vị sư từ Tây phương (chỉ Ấn Độ) tới, hiệu là Già-la-đồ-lê trụ trì ở đấy, có phép đứng một chân.” (tr.72-73).

(7) Lĩnh Nam chích quái ngoại truyện chép: “Hữu Hồ tăng tự tây lai”. Do tình hình văn bản Lĩnh Nam chích quái khá phức tạp, có thể Dumoutier đã sử dụng một bản Lĩnh Nam chích quái liệt truyệntrong đó có từ “Hồ tăng”, và đấy chính là cơ sở để ông dịch thành “gốc từ phương Bắc.” Xem Việt Nam Hán văn tiểu thuyết tùng san,tập 2, quyển 1, sđd., tr.162; cũng xem thêm Vũ Quỳnh, Kiều Phú:Lĩnh Nam chích quái, sđd., tr.159-162.

(8) Trần Văn Giáp: Phật giáo Việt Nam - Từ khởi nguyên đến thế kỷ XIII, Tuệ Sỹ dịch, Ban tu Thư viện Đại học Vạn Hạnh, Saigon, 1968, tr.42. Nối kết Hồ tăng với Ấn Độ là một khuynh hướng thường thấy ở ta, và chính đây là nguyên nhân dẫn đến sai lầm trong phiên dịch.Đại Việt sử ký toàn thư chép truyện cha con một vị Hồ tăng đến Việt Nam dưới triều vua Trần Nhân Tông. Có lẽ do liên tưởng đến Ấn Độ nên bản dịch đã đọc ngữ đoạn miêu tả ngoại hình cña vị tăng này “dung mạo thương cổ” thành “dung mạo đen sạm.” (xemĐại Việt sử ký toàn thư, Cao Huy Giu phiên dịch, еo Duy Anh hiệu đính, chú giải, và khảo chứng, Nxb. KHXH, H. 1967, tập 2, tr.99). Chi tiết này đã được cải chính trong bản dịch mới: “vẻ người già nua.” (Đại Việt sử ký toàn thư, Hoàng Văn Lâu dịch và chú thích, Hà Văn Tấn hiệu đính, Nxb. KHXH, H. 1993, tập 2, tr.96).

(9) Xem Độc Cước, Nguyệt Lãng, Trung Quốc Đại Vương - Thần tích xã Phán Thủy, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên trong Phạm Minh Thảo, Trần Thị An, Bùi Xuân Mỹ: Thành hoàng Việt Nam, Nxb. Văn hóa - Thông tin, H. 1997, tr.391-392.

(10) Xem Truyện Giếng Việt trong Lĩnh Nam chích quái, sđd., tr.114-119.

(11) Trần Văn Giáp: Phật giáo Việt Nam - Từ khởi nguyên đến thế kỷ XIII, Tuệ Sỹ dịch, Tu Thư viện Đại Học Vạn Hạnh, Saigon, 1968, tr.61.

(12) Nguyen Duy Hinh: Three Legends and Early Buddhism in Vietnam (Ba truyền thuyết và sơ kỳ Phật giáo Việt Nam), The Vietnam Forum 13, tr.11-12.

(13) Ernest J. Eitel: Hand-book of Chinese Buddhism (Thủ sách Phật giáo Trung Hoa), Chinese Materials Center, Inc., San Francisco, 1976, tr.22. Cũng xem William Edward Soothill và Lewis Hodous, A Dictionary of Chinese Buddhist Terms (Trung - Anh Phật học từ điển), Buddhist Culture Service (Phật giáo văn hóa phục vụ xứ), Taipei, 1962, tr.463.

(14) Xem Georg Feuerstein: The Shambhala Encyclopedia of Yoga (Bách khoa toàn thư Yoga), Shambhala, Boston & London, 1997, tr.335.

(15) Légendes historiques de l’Annam et du Tonkin, sđd., tr.50.


(16) Vũ Quỳnh, Kiều Phú: Lĩnh Nam chích quái, Đinh Gia Khánh (chủ biên), Nguyễn Ngọc San biên khảo, giới thiệu, sđd., tr.114.

http://hannom.org.vn/web/tchn/data/0302.htm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.