Đọc tư liệu năm 2006 của các chuyên gia thực vật Đại Việt, thì sẽ hiểu rõ hơn nội dung các báo cáo hiện nay của chính tòa Hà Nội về cây xanh đô thị. Hiểu ra là trước khi có vàng tâm, từng có đại dịch cau bụng.
"Đại dịch cau bụng" là từ của chuyên gia, đăng trên báo chính thống từ gần 10 năm trước.
Thời mình còn bé tí đã đọc sách có nhắc đến nhà thực vật học Nguyễn Đăng Khôi. Ngày xưa, sách hiếm, nên đọc là thường nhớ lâu. Không như lướt mạng bây giờ.
Thời mình còn bé tí đã đọc sách có nhắc đến nhà thực vật học Nguyễn Đăng Khôi. Ngày xưa, sách hiếm, nên đọc là thường nhớ lâu. Không như lướt mạng bây giờ.
Bây giờ, nghe chuyên gia thực vật này, đã bàn năm 2006 xem sao. Rồi để lúc khác, nếu tìm được cuốn sách đã xuất bản thời thập niên 1980 nhắc đến quan điểm trồng cây đô thị của Nguyễn Đăng Khôi, tức 30 năm trước, thì sẽ post bổ sung.
Dưới là lấy về từ CAND.
---
Một số loại cây xanh đô thị có hại cho sức khỏe
14:02 30/10/2006
Chưa có quy hoạch nên người dân bổ sung mảng cây xanh đường phố bằng cách trồng loại cây mà mình... yêu thích. Qua kiểm tra đã phát hiện tại TP HCM hiện đang tồn tại trên 5.000 cây xanh được "liệt" vào danh sách nguy hiểm vì ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe và môi trường sống.
Cau bụng được trồng trên đường Lê Đức Thọ vào Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình. |
Đánh giá của Bộ Xây dựng cho thấy: Trong những năm gần đây, do việc quản lý cây xanh lỏng lẻo nên tình trạng chặt phá cây, khai thác tùy tiện cây xanh đô thị đã diễn ra khá phổ biến làm giảm diện tích che phủ và khả năng sinh tồn của cây. Đặc biệt, việc trồng cây xanh ở nhiều nơi công cộng trên đường phố, vườn hoa, công viên và cây xanh trong các loại khuôn viên vẫn còn mang tính tự phát, manh mún, phân tán thiếu quy hoạch về lựa chọn và bố trí loại cây trồng phù hợp ở từng công trình, từng địa phương.
Trên thực tế, cây xanh đô thị có vai trò rất quan trọng đối với đời sống con người và môi trường đô thị. Ngoài những tác dụng trong việc cải tạo khí hậu, bảo vệ môi trường sống đô thị, hệ thống cây xanh còn là yếu tố nghệ thuật bố cục không gian và cảnh quan đô thị.
“Đến Việt Nam mà ngỡ lạc tới châu Phi”
Theo Vụ Hạ tầng kỹ thuật - Bộ Xây dựng, những năm gần đây, có nhiều loại cây xanh được đưa vào trồng tại một số đô thị đã không đem lại nhiều thiện cảm, thậm chí gây ảnh hưởng đến sức khỏe của con người.
Điển hình như phong trào trồng cây hoa sữa với mật độ dày đặc tại các đô thị miền Trung như: TP Đồng Hới (Quảng Bình), TP Đà Nẵng (Đà Nẵng), thị xã Tam Kỳ (Quảng Nam), TP Quảng Ngãi (Quảng Ngãi), TP Nha Trang (Khánh Hòa). Loại hoa này có mùi hương quá nồng, đặc biệt là vào thời điểm cuối hè nên đã ảnh hưởng đến sức khỏe của cư dân ở các đô thị.
Tại một số tỉnh ven biển có khá nhiều hàng cọ dầu thô kệch được đưa về trồng nơi đây tạo ra sự phản cảm và xa lạ đối với những thành phố ven biển.
Một số địa phương khác như tại TP Hồ Chí Minh do chưa có quy hoạch rõ ràng, nhiều người dân đã bổ sung mảng cây xanh đường phố bằng cách trồng loại cây mà mình... yêu thích, miễn đáp ứng được yêu cầu cây nhanh lớn, nhanh cho bóng mát. Qua kết quả kiểm tra đã phát hiện tại TP Hồ Chí Minh hiện đang tồn tại trên 5.000 cây xanh được "liệt" vào danh sách nguy hiểm vì ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe và môi trường sống.
Cũng tại đô thị này hiện đang tồn tại khoảng 5.600 cây sao, dầu lâu năm đến tuổi già và có đặc tính nhánh giòn dễ gãy, gây tai nạn cho người đi đường. Thống kê của cơ quan chức năng đã cho thấy, có tới gần 50% vụ tai nạn chết người vì cây xanh đều do các cây sao, dầu gây ra.
Theo Tiến sỹ thực vật học Nguyễn Đăng Khôi thì việc trồng cây xanh ở các đô thị, các công trình kiến trúc không chỉ đơn thuần để lấy bóng mát mà còn để trang trí, làm cảnh. Trang trí thì phải mang bản sắc dân tộc, phải thể hiện được vẻ đẹp của đất nước, cho nên chúng ta cần phải quan tâm đến các loại cây địa phương (cây bản địa), cả loài cây dân tộc.
Bởi một con người sinh ra và lớn lên ở một đất nước không chỉ gắn bó chặt chẽ với nền văn hoá, các phong tục, tập quán, ngôn ngữ, các công trình kiến trúc, cuộc sống vật chất và tinh thần mà còn cả với thiên nhiên cây cỏ của nước đó.
Tại các nước, bản sắc dân tộc thể hiện rất rõ trong việc trồng cây xanh. Ví dụ như đối với người Nga, cây bạch dương là vô cùng thân thiết, bạch dương được coi là cây tượng trưng cho đất nước Nga. Người dân Nhật Bản thì cây anh đào vô cùng gắn bó và tượng trưng cho sự sống, hàng năm có hẳn những ngày lễ hội hoa anh đào. Người Ấn Độ thường trồng cây đề, cây đại ở những nơi linh thiêng của đất nước. Người Lào thường trồng hoa chăm pa, còn đối với đất nước Campuchia là cây thốt nốt...
Tại các thành phố của nước ta nếu như những năm trước đây toàn trồng xà cừ, phi lao, keo tai tượng, các loại bạch đàn… thì vài năm trở lại đây, người ta trồng toàn cọ dầu, cau bụng (là những cây tiêu biểu của châu Phi) và cây cau vua (xuất xứ từ Singapore).
Theo Tiến sỹ Nguyễn Đăng Khôi, xét về vẻ đẹp kiến trúc thì đúng là cau bụng rất đẹp nhưng chỉ nên trồng số lượng vừa phải ở các công viên, khuôn viên biệt thự chứ không thể chấp nhận hiện trạng khách nước ngoài vừa đặt chân đến Thủ đô Hà Nội, bước ra khỏi Sân bay Quốc tế Nội Bài đã gặp ngay một hàng cau bụng trước mặt. Dọc hai bên đường cao tốc từ Nội Bài về Thủ đô Hà Nội, khuôn viên các nhà máy cũng đều trồng cau bụng.
Bức xúc nhất là suốt dọc đường Lê Đức Thọ và xung quanh Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình đều trồng cau bụng khiến những ai đến đây đều có cảm giác như đang lạc vào một khu liên hợp thể thao ở một nước châu Phi.
Dường như đang có một đại dịch cau bụng, cọ dầu đang diễn ra ở các đô thị miền Bắc và theo nhận định của Tiến sỹ Nguyễn Đăng Khôi thì cứ theo đà này, cảnh quan Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến và các đô thị khác ở miền Bắc sẽ biến thành cảnh quan của các đô thị khô hạn châu Phi.
Cần có sự phát triển hợp lý cây xanh đô thị
Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, hiện nay nước ta có 718 đô thị lớn nhỏ, tỷ lệ diện tích cây xanh trung bình ở các đô thị còn rất thấp. Một số đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, diện tích cây xanh bình quân trên đầu người chỉ khoảng 1,5 - 2m2/người.
Trong khi đó, một số đô thị hiện đại phát triển trên thế giới cây xanh bình quân khá cao như ở Paris 25m2/người, Moskva (Nga) 44m2/người, Berlin (Đức) là 50m2/người. Và ở Stockholm (Thụy Điển) tỷ lệ này là 68m2/người.
Để tăng tỷ lệ cây xanh phù hợp với quy hoạch xây dựng và phát triển bền vững đô thị, Bộ Xây dựng đã bổ sung hoàn chỉnh các tiêu chuẩn, quy chuẩn về cây xanh đô thị. Trong thời gian tới, cùng với lập quy hoạch chuyên ngành cây xanh, Bộ Xây dựng sẽ phối hợp với các ngành chức năng quản lý hệ thống cây xanh một cách toàn diện.
Bộ Xây dựng cũng đã ban hành Thông tư số 20/TT-BXD về hướng dẫn quản lý cây xanh đô thị với mục đích nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước, đồng thời khuyến khích toàn xã hội tham gia quản lý, bảo vệ, phát triển cây xanh đô thị trên toàn quốc phù hợp với định hướng phát triển đô thị Việt Nam và quy hoạch xây dựng đô thị.
Thông tư này cũng quy định nghiêm cấm trồng các loại cây trong danh mục cây cấm trồng, các loại cây trong danh mục cây trồng hạn chế khi chưa được cấp thẩm quyền cho phép. Các hành vi xâm hại cây xanh đô thị như tự ý chặt hạ, di dời, ngắt hoa, bẻ cành, chặt rễ... tự ý xây dựng bục bệ bao quanh gốc cây, giăng đèn trang trí, giăng dây, đóng đinh, treo biển quảng cáo trái phép cần phải xử lý nghiêm
Xuân Luận
http://cand.com.vn/Xa-hoi/Mot-so-loai-cay-xanh-do-thi-co-hai-cho-suc-khoe-30487/
---
Phát triển cây xanh đô thị |
09:47 | 06/07/2006 |
(ĐCSVN)- Cây xanh đô thị có vai trò quan trọng đối với môi trường đô thị. Trong thời gian qua, công tác phát triển cây xanh đô thị đã được các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm. Diện tích cây xanh đô thị từng bước tăng dần cả về số lượng và chất lượng, chủng loại cây trồng ngày càng phong phú. Tuy nhiên, công tác này còn nhiều vấn đề cần phải bàn. Ở nước ta, nhiều đô thị đã đạt được kết quả trong việc phủ xanh đô thị bằng cây xanh. Tuy nhiên, công tác quản lý, khai thác và sử dụng vẫn còn nhiều bất cập. Để các đô thị Việt Nam trở nên xanh - sạch - đẹp, một cuộc Hội thảo “Quản lý công viên cây xanh đô thị” mới đây được tổ chức lần đầu tiên nhằm tổng kết, đánh giá thực trạng công tác quản lý cây xanh đô thị trong những năm qua, làm rõ những tồn tại, bất cập trong việc quản lý hiện nay, trên cơ sở đó có phương hướng nhiệm vụ về cải tiến công tác quản lý và phát triển cây xanh đô thị là hết sức cần thiết. Đồng thời, Hội thảo cũng là diễn đàn để các doanh nghiệp, cơ quan nghiên cứu, các nhà quản lý và các nhà khoa học trao đổi kinh nghiệm về quản lý chuyên môn. Sau đây là một số ý kiến của các đại biểu đóng góp tại Hội thảo. Các ý kiến tại Hội thảo đều thống nhất cho rằng, cây xanh và cảnh quan đô thị là một mảng quan trọng của môi trường sống, là yếu tố giúp cân bằng sinh thái. Việc nghiên cứu đầu tư cây xanh và cảnh quan đô thị trong cả nước những năm gần đây tuy có những kết quả khả quan, nhưng nhìn chung quy mô đầu tư còn khiêm tốn. Hiện nay chưa có một dự án chuyên về đầu tư phát triển cây xanh với bất kỳ nguồn vốn nào. Cây xanh chỉ được đầu tư cùng với những dự án xây dựng đường đô thị, khu công cộng dịch vụ trong khuôn viên đô thị mới và một số bồn hoa cây xanh gắn kết với những công trình, dự án xây dựng khác. Theo ông Nguyễn Văn Bảo, Vụ Kết cấu hạ tầng và đô thị, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, để thực hiện kế hoạch phát triển cây xanh đô thị cần triển khai nhiều biện pháp như đầu tư tập trung và xã hội hoá trồng cây xanh; huy động nguồn lực nhân dân và các thành phần kinh tế khác trong và ngoài nước cùng tham gia đầu tư. Để thực hiện được việc đó, ông Nguyễn Văn Bảo nhấn mạnh cần phải có những cơ chế chính sách ưu đãi, khuyến khích để thu hút vốn đầu tư, công khai quy hoạch và danh sách các danh mục kêu gọi đầu tư, xúc tiến đầu tư có hiệu quả, lồng ghép dự án cây xanh đô thị với dự án sinh lợi khác để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia đầu tư. Về các tiêu chuẩn, quy chuẩn cây xanh đô thị, GS. TS Nguyễn Hữu Dũng, Vụ trưởng Vụ KHCN, Bộ Xây dựng nhận xét, trong quá trình phát triển đô thị, tại nhiều đô thị Việt Nam hệ thống không gian xanh chưa được chú ý. Điều này đã ảnh hưởng tới cảnh quan và môi trường sinh thái đô thị. Nhiều nhà quản lý đô thị cũng như nhiều nhà tư vấn quy hoạch thiết kế đô thị còn quan niệm đơn giản là trồng cây xanh chỉ đơn thuần là trồng cây để che nắng, tạo cảnh quan… Do đó, việc chọn cây trồng hết sức tuỳ tiện, việc thiết kế quy hoạch cây xanh chưa trở thành một tiêu chí bắt buộc trong các đồ án quy hoạch xây dựng đô thị. Để khắc phục tình trạng này, GS. TS Nguyễn Hữu Dũng nêu một số vấn đề cần tập trung giải quyết, đó là: nghiên cứu hoàn thiện các tiêu chuẩn về cây xanh đô thị để phục vụ công tác tư vấn thiết kế và quản lý; sớm ban hành Quy chuẩn xây dựng Việt Nam về quy hoạch đô thị và nông thôn mới; thống nhất thuật ngữ, định nghĩa về việc phân loại cây xanh đô thị trên phạm vi cả nước. Quản lý chi phí thực hiện dịch vụ duy trì cây xanh đô thị cũng là vấn đề được nhiều cơ quan, đơn vị có liên quan quan tâm hiện nay. Ông Lê Văn Cư, Viện Kinh tế Xây dựng cho rằng, do đặc thù của dịch vụ công ích nên việc quản lý chi phí thực hiện dịch vụ duy trì cây xanh đô thị chịu sự chi phối của các chế tài của Nhà nước. Nhà nước đặt hàng hoặc giao kế hoạch thực hiện dịch vụ theo đơn giá do Nhà nước quy định, Nhà nước quy định phương pháp xác định định mức, đơn giá, dự toán thực hiện dịch vụ làm cho nhiều địa phương còn lúng túng trong việc tổ chức đặt hàng dịch vụ, đặc biệt là tổ chức đấu thầu dịch vụ công ích đô thị nói chung. Để giải quyết vấn đề này, theo ông Lê Văn Cư, cần tiếp tục nhận dạng bản chất công việc có tính chất công ích thuần tuý trong quá trình duy trì cây xanh đô thị để quy định định mức cho phù hợp. Nhà nước cần tiếp tục ban hành định mức duy trì cây xanh đô thị ở công đoạn duy trì cây xanh phục vụ cho việc đặt hàng hoặc giao nhiệm vụ nhằm đáp ứng các yêu cầu về an toàn, mỹ quan, môi trường đô thị và tiết kiệm nguồn vốn ngân sách. Các công việc của công đoạn ươm cây giống, trồng cây có thể được xã hội hoá, Nhà nước không ban hành định mức, mà giá cả dịch vụ có thể được xác định theo cơ chế thị trường. Cơ chế quản lý định mức cần được tăng cường phân cấp cho chính quyền địa phương theo hướng giao cho chính quyền điều chỉnh, bổ sung định mức khi áp dụng định mức chung do Bộ Xây dựng ban hành để phù hợp với đặc điểm thực hiện dịch vụ duy trì cây xanh đô thị của từng địa phương, đặc biệt là phù hợp với khả năng ngân sách của địa phương dành cho dịch vụ công ích đô thị. Về vấn đề bản sắc dân tộc trong lĩnh vực trồng cây xanh ở các đô thị, Tiến sỹ Nguyễn Đăng Khôi nhận xét, nhìn lại công việc trồng cây xanh ở các đô thị nước ta trong thời gian qua, nhất là trồng cây xanh ở các công trình kiến trúc, các danh lam thắng cảnh, các di tích lịch sử, văn hoá và cách mạng… vấn đề bản sắc dân tộc chưa được chú ý đến. Chúng ta không phản đối việc nhập trồng các loại cây làm phong phú thêm hệ thực vật của nước ta nhưng vấn đề là nên trồng chúng ở đâu? Chúng ta không thể bằng lòng với việc biến thủ đô nghìn năm văn hiến cũng như các đô thị khác của nước ta thành những đô thị chỉ toàn là các loại cây ngoại lai. Chẳng hạn, suốt dọc đường Lê Đức Thọ và xung quanh khu Liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình đều trồng cau bụng, khiến người ta có cảm giác như đi đến một khu liên hợp thể thao quốc gia của một nước châu Phi. Thật là một đại dịch cau bụng, cọ dầu đang diễn ra ở các đô thị của miền Bắc và cứ đà này thì cảnh quan của thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến và các đô thị khác ở miền Bắc sẽ biến thành cảnh quan của các đô thị khô hạn ở châu Phi. Đẩy mạnh công tác quản lý công viên - cây xanh sẽ tôn thêm vẻ tráng lệ của các khu đô thị hiện đại ở nước ta. Các đoàn khách quốc tế sẽ có những ấn tượng sâu sắc về cảnh quan thiên nhiên đặc sắc khi đến Việt Nam. Đồng thời, công tác này cũng góp phần làm cho các đô thị nước ta xanh - sạch - đẹp và phát triển bền vững.
Đặng Hiếu
|
http://www.cpv.org.vn/cpv/Modules/News/NewsDetail.aspx?co_id=0&cn_id=20231
---
- Văn nghệ thứ Bảy : Mùa xuân đâu còn là Tết trồng cây
- Gỗ quí của Việt Nam dựng chùa ở Trung Quốc : tòa tam bảo tồn tại từ thập niên 1660 đến nay
- Mạng cây mạng người, diễn biến tiếp theo
- Không nói nhiều : mỗi cây là một mạng người đó, các ông các bà ạ
---
Những entry liên quan đã đi trên blog này:
- Tiếng nói và trách nhiệm của Hội đồng Nhân dân Thành phố Hà Nội ở đâu, trong vụ thảm sát cây xanh ?
- Ý kiến công dân : một nhóm luật sư yêu cầu về cây xanh Hà Nội
- Cây xanh ở Ba Đình sẽ hỏi thăm chú bé Khoa
- Thời "phàm là cây thì phát quang" và "thay bằng cỏ" : tin mới
- Cây xanh ở Ba Đình sẽ hỏi thăm chú bé Khoa
- Thời "phàm là cây thì phát quang" và "thay bằng cỏ" : tin mới
- Bầy sâu
- "Hà Nội" năm 1969 của Trần Đăng Khoa : "mấy năm giặc bắn phá, Ba Đình vẫn xanh cây"
- Cụ rùa Hồ Gươm cất gươm ở đâu, trong thời gian qua ?
- Cụ rùa Hồ Gươm cất gươm ở đâu, trong thời gian qua ?
- Gỗ quí của Việt Nam dựng chùa ở Trung Quốc : tòa tam bảo tồn tại từ thập niên 1660 đến nay
- Mạng cây mạng người, diễn biến tiếp theo
- Không nói nhiều : mỗi cây là một mạng người đó, các ông các bà ạ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.
LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.
Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.