Có mấy câu thơ lục bát nổi tiếng của sứ thần Đại Việt trên đường đi sứ nhà Thanh, thời thập niên 1740, như dưới đây.
Điểm cực kì tuyệt vời, là những câu thơ này là thơ tiếng Việt viết trên đất Trung Quốc - tác giả dùng chữ Nôm ghi lại. Đây là hiện tượng rất hiếm trong lịch sử đi sứ cả ngàn năm của Đại Việt. Bởi lẽ đến gần trăm phần trăm các sứ thần Đại Việt chỉ quen viết thơ chữ Hán trên đường đi sứ mà thôi. Không phải họ thích viết thơ chữ Hán, mà bởi vì: đến trước thập niên 1740 thì chữ Nôm chưa được dùng phổ biến, ít người thành thạo. Cũng có thể nhiều người còn coi khinh chữ Nôm (rằng đó là thứ nôm na mách qué).
Những câu thơ ấy như sau:
“Mấy phen trải gió tắm mưa,
Cát cừu đã đổi kể vừa ba xuân.
Tôi nay đã quản nhọc nhằn,
Miễn binh được rỗi, miễn dân được bình.
Hoàng hoa xong việc lữ đình,
Tay đeo hay chữ bình ninh về chầu"
(Nguyễn Tông Quai 1693-1767, trích từ tập Sứ trình tân truyện, bản phiên âm của Giao - rút từ tập bản thảo cũ).
Tập thơ dài mấy trăm câu. Rồi trong đó lại có mấy bài chữ Nôm thể thất ngôn bát cú (8 câu, mỗi câu 7 chữ) rất tuyệt. Lúc khác sẽ dẫn những bài đó, để thấy rằng, nếu không có giai đoạn thơ tiếng Việt điêu luyện như ở Nguyễn Tông Quai, thì không thể có Truyện Kiều của Nguyễn Du sau này. Cái gì cũng có tính quá trình.
1. Ngày xưa, từ lúc bắt đầu khởi bước lên đường đi sứ, tới lúc trở lại khu cửa khẩu Bằng Tường để chuẩn bị sang Lạng Sơn là tới cả 3 năm. Vậy nên mới có "cát cừu đã đổi kể vừa ba xuân".
Những câu trên, tác giả viết ở đoạn về đến Bằng Tường. Một chút nữa thì về đến cửa Nam Quan. Từ đó mà về Thăng Long thì chẳng mấy ngày nữa.
2. Đoàn sứ đi bộ, đi ngựa, và đi thuyền. Gian khổ, cực nhọc, nên mới có "mấy phen trải gió tắm mưa". Nhiều người đã bỏ mạng trên đường trong 3 năm đó. Có người mất luôn ở kinh thành bên Trung Quốc (phải chôn ở đó, rồi mấy năm sau bốc cốt về Việt Nam). Cũng có người mất ở giữa đường (trường hợp này, sẽ có một khảo cứu riêng của tôi cho đăng trên tạp chí chuyên ngành thời gian tới).
3. Mục đích tối thượng của đi sứ ngày xưa là "thay mặt vua". Vua ngày xưa không bao giờ tự thân chính đi sang gặp một ông vua khác (dù là hoàng đế thiên triều, hay vua của nước chư hầu).
Sứ thần ngày xưa (như trường hợp tác giả viết những câu thơ Nôm nổi tiếng ở trên) chỉ là bồi thần.
Ở trong nước, các sứ thần Đại Việt vốn là đại quan. Tức các ông quan lớn ở trong triều. Nhưng khi sang Trung Quốc, đại quan ấy chỉ được xem là bồi thần. Có nghĩa là "quan của nước chư hầu".
4. Nhiệm vụ của đoàn sứ chính là câu thơ rất giản dị: "Miễn binh được rỗi, miễn dân được bình".
Tóm gọn là hòa bình. Làm gì thì làm, đều là tránh chiến tranh, để cho binh lính thì được rỗi rãi, và nhân dân thì được bình yên.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.
LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.
Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.