Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

02/04/2015

Cây xanh ở Ba Đình sẽ hỏi thăm chú bé Khoa

Chú bé Khoa ở đây là nhà thơ Trần Đăng Khoa. Tác giả của bài thơ "Hà Nội" được cho là viết năm 1969 (hôm trước, tôi đã cho đăng lại từ bản trực tuyến của Thi Viện, ở đây).

Trong bài đó, theo chính nhà thơ Trần Đăng Khoa, thì có hai dòng sau:

"Mấy năm giặc bắn phá 
Ba Đình vẫn xanh cây"


1. Gần đây, sự kiện "thảm sát cây xanh Hà Nội 2015" bùng phát, thì nhà thơ đã đăng đàn: 

Bài này đã bị xóa (chỉ còn lưu ở đây và muc số 6 ở đây)

Và, trong lúc đăng đàn đó, ông đã tâm sự như sau, cũng như đọc lại những câu thơ đã viết thời lên mười của mình. Nguyên văn:

"
Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Ông Nguyễn Quốc Hùng - Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho rằng “không có lợi ích nhóm” trong chuyện đốn hạ 6.700 cây xanh ở Thủ đô. Nói vậy có thể tin được không? Không có chiến dịch đốn hạ cây, tại sao lại có hàng trăm cây lớn bị chặt? Nhiều tuyến phố ngổn ngang như công trường khai thác gỗ.
Thời chiến tranh, bom đạn tàn phá khốc liệt, Hà Nội vẫn giữ được lá phổi xanh của mình. Bấy giờ, tôi còn là một cậu bé mà vẫn tự hào về Thủ Đô Hà Nội: “Những năm giặc bắn phá – Ba Đình vẫn xanh câyTrăng vàng Chùa Một Cột – Phủ Tây Hồ hoa bay…”. Bây giờ, không có giặc, cũng không còn bom đạn nữa mà cây xanh thành phố Hà Nội lại bị hạ sát tàn bạo còn hơn cả những trận rải thảm của B52. 
"


Theo bác Thợ Cạo, thì xem ở trang của chính "Lão Khoa" thì ép-phê hơn (tại đây).

2. Về mấy câu thơ đó của chú bé Khoa, tôi đã đưa thắc mắc như sau:

"Tôi đang thắc mắc là tại sao lại là "Phủ Tây Hồ hoa bay...". Quả thực năm đó, chú bé Khoa (khoảng 11 tuổi) đã đến Phủ Tây Hồ, và thấy cái gì đó bay bay ? 

Hay là chú bịa ? Hay là ngài Xuân Diệu đã thêm thắt gì vào đó ? Hẳn là từ nhà Xuân Diệu mà lên Phủ Tây Hồ thì phải đi xe đạp thì hợp lí (hơn là so với cuốc bộ). Thứ nữa, phải có người hướng dẫn đi cùng. Hay chính là Xuân Diệu ?


Có thể bác Vũ Nho sẽ có kiến giải gì đó (bác Vũ Nho từng xuất bản cuốn nghiên cứu về thơ Trần Đăng Khoa). Hoặc, chính nhà thơ thiếu nhi giải đáp thì là tốt nhất.
"


3. Thắc mắc của tôi, sau đó, đã được bác Vũ Nho (một người có nghiên cứu chuyên sâu về thơ Trần Đăng Khoa) giải đáp như sau:

"Về chuyện "Phủ Tây Hồ hoa bay" thì có nhẽ tốt nhất là đặt câu hỏi với nhà thơ "thần đồng" ngày xưa mà bây giờ cũng chưa già lắm ( không phải "già khú" như Trần Đăng Khoa tự nhận). Tôi không thấy có chi tiết nào nhà thơ nói về việc "can thiệp" của ông thầy Xuân Diệu. Phủ Tây Hồ, có nhiều người mang hương hoa đến lễ. Vì sao lại nhìn "hoa" của người mang đến BAY được? Hoặc giả có cây bông gòn, bông gạo ở phủ, hoa bay ( những hạt bông gòn bung nở, như bông hoa nhỏ xíu bay trong gió)? Bài thơ chỉ đề năm viết 1969, không rõ tháng viết. Trước đó, chú bé Khoa cũng đã quan sát về hoa Hà Nội và viết : Hà Nội có nhiều hoa/ Bó từng chùm cẩn thận/ mấy chú vào mua hoa/ Tươi cười ra mặt trận. Hoa đem lễ thì cũng là hoa được sắp xếp cẩn thận, khó mà BAY. Tôi chỉ đoán như vậy. Để chắc chắn, sẽ gọi điện cho Trần Đăng Khoa là ổn thôi!"


"Bạn Giao thân mến!
Tôi đã điện thoại cho Trần Đăng Khoa để nói về thắc mắc của bạn. Nhà thơ trả lời hai ý : Thứ nhất là bài này, nhà thơ Xuân Diệu không có góp ý gì. Thứ hai, "hoa bay" ở đây là câu thơ viết ảo, đa nghĩa: Có thể hiểu hoa bông gòn, bông gạo bay; cũng có thể hiểu là hoa nắng (qua tán lá) lung linh khi gió thổi; và cũng có thể hiểu là những nụ cười trên gương mặt người như hoa trong gió và nắng của bóng cây Phủ Tây Hồ!
"

4. Tôi đã nhờ thêm bác Vũ Nho như sau, sau khi nhận được giải đáp của bác (và cũng là của nhà thơ Trần Đăng Khoa qua bác):

"
Rất cảm ơn bác Vũ Nho và nhà thơ Trần Đăng Khoa !

Hai chi tiết trên, thì chi tiết liên quan đến nhà thơ Xuân Diệu là một cái giả thiết xa xôi. Cốt để gợi lại không khí anh Khoa lên Hà Nội thời gian đó thôi. Hoàn toàn là giả thiết.


Chi tiết thứ hai thì nếu được, nhờ bác Vũ Nho hỏi giùm anh Khoa là: lúc đó, anh Khoa lên Phủ Tây Hồ là tự đi, hay là đi cùng ai. Lúc đó, vào năm 1969, khi anh Khoa tới Phủ Tây Hồ, thì Phủ đã có người tới lễ chưa ? Tức là cháu muốn biết thêm thông tin bên ngoài câu thơ về Phủ Tây Hồ đó của anh Khoa.

Kính nhờ bác Vũ Nho.
"


5. Bây giờ, tạm gác lại chuyện Phủ Tây Hồ.

6. Mà trở lại với "cây xanh". Tức cây xanh ở Ba Đình. 

"Mấy năm giặc bắn phá 
Ba Đình vẫn xanh cây"

Tức là cả đoạn:

"
Hà Nội có tàu điện 
Đi về cứ leng keng 
Người xuống và người lên 
Người nào trông cũng đẹp 

Mấy năm giặc bắn phá 
Ba Đình vẫn xanh cây 
Trăng vàng chùa Một Cột 
Phủ Tây Hồ hoa bay...
1969 
"


7. Thì kết quả như sau (bản in trước ngày 30/4/1975):


Hình chụp bằng điện thoại, hơi mờ


8. Tức là, ở thời điểm năm 1969, không phải là:
"Mấy năm giặc bắn phá 
Ba Đình vẫn xanh cây"

Mà là:

"Mấy năm giặc bắn phá
Hà Nội có sao đâu"


9. Như vậy, "Ba Đình vẫn xanh cây" có thể là câu đã sửa lại sau này. 

Sửa lúc nào thì cần xác nhận với chính nhà thơ, và với các nhà nghiên cứu phê bình văn học.

Lãnh đạo thành phố Hà Nội, cũng như cây ở Ba Đình, có thể "truy cứu trách nhiệm" của nhà thơ !

Chí hướng Ba Đình đã xuất hiện lúc nào đó, khi cậu bé lớn lên.


---
Bổ sung 3 (07/4/2015): Được gợi ý từ thông tin của Mr. Khoằm (trong Bổ sung 2), mình thấy một tin cũ như sau của năm 2012. Chép nguyên về:

"
LÊ HÀ/PARIS (VIETNAM+) 

Thơ Trần Đăng Khoa trong tranh của họa sĩ Pháp

Cuộc triển lãm mang tên "Tôi mang sắc màu của biển về quê"  trưng bày 37 bức tranh của họa sỹ Pháp, bà Dominique De Miscault, đang diễn ra tại thành phố Choisy-le-Roi, ngoại ô thủ đô Paris, Pháp.

Đây là một cuộc triển lãm đặc biệt vì ở đó những bức tranh của tác giả được bắt nguồn từ cảm hứng và ý tưởng dựa trên những bài thơ của nhà thơ Trần Đăng Khoa, do Michèle Sullivan dịch sang tiếng Pháp.

Triển lãm do Thị trưởng thành phố Choisy-le-Roi phối hợp với Hội hữu nghị Pháp-Việt, Ủy ban kết nghĩa và Trung tâm thông tin Aragon của thành phố tổ chức, thu hút sự chú ý đặc biệt của bạn bè Pháp và cộng đồng kiều bào Việt Nam tại Pháp.

Đến với triển lãm, người xem như được hòa mình vào một cuộc gặp ngẫu duyên mà kỳ thú giữa một nhà thơ Việt Nam với một họa sỹ Pháp và cùng cảm nhận được sự giao hòa thú vị giữa nghệ thuật và văn hóa của hai nước Việt Nam và Pháp.

Họa sỹ Dominique De Miscault cho biết tình cảm của mình khi lần đầu tiên bà thành công trong việc chuyển tải đến người xem bằng ngôn ngữ hội họa những bài thơ của nhà thơ Trần Đăng Khoa như "Mùa xuân lính biển," "Khi mẹ vắng nhà," "Gà con liếp nhiếp," "Tiếng võng kêu," "Trăng ơi…! Từ đâu đến," "Trận địa bỏ không," chú gà trống gáy ò ó o, chú chó Vàng tội nghiệp trong "Sao không về Vàng ơi ?"

Bà cho rằng cũng qua những bức tranh, bà được "ngắm" hình ảnh thân thuộc và gần gũi của làng quê Việt Nam. Từ những con chữ giản dị, bà đã biến hóa và nghệ thuật hóa bằng những đường nét, màu sắc kỳ diệu để đưa những cảnh sắc của Việt Nam đến với công chúng Pháp. Bằng tài nghệ của mình và dưới cái nhìn từng trải của một họa sỹ Pháp, họa sỹ Dominique De Miscault đã phát hiện ra những vẻ đẹp Việt Nam mà nhiều khi vì quá quen thuộc, chúng ta lại không cảm nhận được.

37 bức tranh được trưng bày lấy cảm hứng từ 37 bài thơ của nhà thơ Trần Đăng Khoa viết khi còn nhỏ tuổi từ những năm 60, 70… cũng như sau này; cả tranh và thơ được tập hợp trong một cuốn sách chung cũng được giới thiệu tại buổi triển lãm. Sự kết hợp đó đã giúp người xem thực sự cảm nhận được vẻ đẹp của làng quê Việt Nam qua con mắt trong trẻo của cậu bé Trần Đăng Khoa - một hiện tượng văn thơ Việt Nam được bạn bè Pháp thán phục.

Được hỏi về cơ duyên đã giúp bà gặp và hợp tác với nhà thơ Trần Đăng Khoa, bà Dominique De Miscault cho biết đầu tiên bà được biết đến những vần thơ của Trần Đăng Khoa qua một cuốn thơ đã dịch sang tiếng Anh và những vần thơ đó đem lại cảm hứng đặc biệt cho bà.

Bà Dominique De Miscault kể lại những lần gặp gỡ Trần Đăng Khoa ở Việt Nam và bà cảm mến anh, đến với thơ của anh, đặc biệt nhờ có được một dịch giả giỏi để chuyển tải những vần thơ đó sang tiếng Pháp, mà bà đã có được những tác phẩm trưng bày trên đây. Rồi sau đó xuất phát từ niềm say mê những nét đẹp rất Việt Nam, cũng như cái chân thật và trong sáng trong thơ của Trần Đăng Khoa, từ những chú gà, cơn bão, mưa rơi, ngôi làng, mảnh đất, những chú cá… mà bà đã cố gắng hết sức để thể hiện những vẻ đẹp đó vào trong các tác phẩm của mình. Theo bà, từ năm 2006 đến nay, hai người có cuộc triển lãm và cùng cuốn sách in tranh và thơ chung này.

Tại cuộc triển lãm, khi được xem những bức tranh của họa sỹ Pháp Dominique De Miscault và nghe đọc những vần thơ của nhà thơ Trần Đăng Khoa, nhiều bạn bè Pháp thực sự bị cuốn hút trong một sự kết hợp đầy nghệ thuật.

Bà Nicole Trampoglieri, chủ tịch Hội hữu nghị Pháp- Việt tại thành phố Choisy-le-Roi, cho biết cuộc triển lãm này là thành quả của sự kết hợp và hợp tác giữa 3 con người nhà thơ, nữ họa sỹ và nữ dịch giả- là biểu tượng quan trọng của tình bạn, tình đoàn kết, của những cảm nhận nghệ thuật và văn hóa chung giữa người dân Việt Nam và Pháp. Nền văn hóa Việt Nam luôn rất hấp dẫn chúng tôi.

Về phần mình, ông Daniel Davisse, thị trưởng thành phố Choisy-le-Roi, cho biết cuộc triển lãm là một sự mở màn thú vị cho nhiều hoạt động mà thành phố đăng cai tổ chức nhân dịp Năm giao lưu chéo Việt Nam và Pháp 2013. 

Triển lãm sẽ kết thúc vào ngày 4/3 tới./.

"
http://www.vietnamplus.vn/tho-tran-dang-khoa-trong-tranh-cua-hoa-si-phap/130150.vnp



Bổ sung 2 (07/4/2015): Mr. Khoằm vừa tra cứu được thông tin từ Báo Hải Dương điện tử, cho thấy rằng, năm 1969, cậu bé Khoa lên Hà Nội là trong đoàn học sinh ở xã Quốc Tuấn (huyện Nam Sách). Kết quả tra cứu được Mr. Khoằm thông báo trong comment của entry này. Cụ thể tin đó như sau (chép nguyên từ báo Hải Dương về).

"
Lời Bác Hồ dạy Trần Đăng Khoa


  25/05/2012 10:31:21 AM

Trần Đăng Khoa nổi tiếng là thần đồng thơ từ khi còn là học sinh cấp I ở xã Quốc Tuấn (Nam Sách). Cậu bé Khoa đã sớm viết ra những vần thơ hay về Bác và rất mong được một lần gặp Bác.

Năm 1968, đang học lớp 3, hưởng ứng phong trào "Làm nghìn việc tốt", Khoa đã chép 20 bài thơ của mình gửi Bác. Em đề ngoài phong bì: "Cháu Trần Đăng Khoa, lớp 3B, Trường cấp I Quốc Tuấn, học sinh cô giáo Cúc, kính gửi Bác Hồ Chí Minh ở Hà Nội". Chỉ đề chung chung như thế, Khoa không ngờ là thơ của mình đã đến với Bác. Đồng chí Vũ Kỳ, thư ký của Bác, đã đọc thơ Khoa cho Bác Hồ nghe. Và Bác đã có ý định gặp Khoa, nhưng Khoa không biết.

Dịp Tết thiếu nhi năm 1969, Trường cấp I Quốc Tuấn tổ chức một đoàn 25 em về Hà Nội dự trại hè, trong đó có Trần Đăng Khoa. Được tin đó, Bác dặn Văn phòng cho gọi cháu Khoa đến, nhưng Bác rất ý tứ. Bác nói với đồng chí Vũ Kỳ: Nếu gặp riêng một mình hay viết thư cho em thì sợ em sinh ra kiêu căng, không có lợi. Theo kế hoạch đã định, dịp đó Bác sẽ gặp đoàn thiếu nhi Nhạc viện Hà Nội. Bác bảo nhân đó cho Trần Đăng Khoa đi với đoàn Nhạc viện để Bác gặp. Thời gian này, Bác đã yếu…

 Nhưng Khoa lại không có mặt trong buổi gặp đó! Lý do là: các thầy cô Trường Quốc Tuấn mong muốn được Bác gặp cả 25 em của trường lên Hà Nội, không để riêng học sinh Trần Đăng Khoa tách ra đi với đoàn Nhạc viện. Thật tiếc! Nhưng bù lại, đoàn học sinh Quốc Tuấn đã được vào gặp nhà thơ Tố Hữu. Tại buổi gặp thân mật này, nhà thơ Tố Hữu nhắc lại với Khoa lời của Bác Hồ căn dặn em: "Cháu Khoa phải học giỏi đều các môn, phải là cháu ngoan Bác Hồ trước rồi hẵng làm nhà thơ sau".

Sau đó mấy tháng, Bác qua đời. Khoa đã viết một bài thơ rất xúc động, trong đó có câu: "Bác ơi, cháu chẳng bao giờ/ Còn mong gặp Bác cháu chờ đã lâu". Và tập thơ chép hồi học lớp 3 ở Trường Quốc Tuấn của Trần Đăng Khoa đã được xuất bản song ngữ Việt - Pháp, có minh họa của nữ họa sĩ người Pháp Dominique de Miscault (Đô-mi-ních đờ Mít-côn), lời dịch sang thơ tiếng Pháp của Michèle Sullivan (Mi-sen Xun-li-van), được giới thiệu long trọng tại cuộc triển lãm đặc biệt mang tên "Gặp gỡ Trần Đăng Khoa" tại TP Hồ Chí Minh.


VƯƠNG BẠCH

"
http://www.baohaiduong.vn/News/Weekly/2013/1-118-1229-79910/Loi-Bac-Ho-day-Tran-Dang-Khoa.viss




Bổ sung 1: Ngày 6/4/2015, nhà thơ có trả lời (qua nhà phê bình văn học Vũ Nho) như sau (chép từ comment của entry này lên đây):


Bạn Giao thân mến. Câu hỏi bên ngoài thơ của bạn, tôi đã chuyển đến nhà thơ Đần Đăng Khoa ( bằng điện thoại). Chúng ta có thông tin sau: - Ngày ấy, chú bé Khoa đến Phủ Tây Hồ không chỉ một lần, mà vài ba lần. Khi thì đi với bạn bè, khi thì đi một mình. Chú Khoa thấy ngày đó ở Phủ cũng có rất đông người đi lễ, đi chơi. Còn câu thơ trước đó chú Khoa viết : Hà Nội có sao đâu. Như vậy chắc chắn câu kết sẽ không thể là Phủ Tây Hồ hoa bay... Câu kết này chắc chắn là được sửa cùng với câu " Ba Đình vẫn xanh cây". Vấn đề sửa thơ thì có nhiều chuyện. Có thể biên tập SỬA, rồi sau này, chú Khoa "lấy" lại. Chẳng hạn : bạn nào đá lên trời - ĐỨA nào đá lên trời. Có lời mẹ hát ngọt bùi hôm nay - Có lời mẹ hát ngọt bùi ĐẮNG CAY!...


---

Những entry liên quan đã đi trên blog này:















Văn nghệ thứ Bảy : Mùa xuân đâu còn là Tết trồng cây

Gỗ quí của Việt Nam dựng chùa ở Trung Quốc : tòa tam bảo tồn tại từ thập niên 1660 đến nay

 Mạng cây mạng người, diễn biến tiếp theo

-  Không nói nhiều : mỗi cây là một mạng người đó, các ông các bà ạ

8 nhận xét:

  1. Thú vị thật!
    Tôi có viết cuốn sách Trần Đăng Khoa thần đồng thơ ca ( NXB Văn hóa thông tin,2000). Phần lớn thơ của Trần Đăng Khoa là được in sau 1975. Bởi vậy chi tiết này của bạn Giao thật bất ngờ với tôi. Trong khi tìm hiểu thơ Trần Đăng Khoa, tôi chú ý chi tiết là "chú bé" Khoa luôn sửa chữa thơ của mình. Cũng có trường hợp sửa thơ hay lên, có trường hợp không hay bằng bản cũ. Riêng câu sửa này thì hay hơn hẳn. Có điều là bây giờ Ba Đình vẫn xanh cây. Các vị lãnh đạo mới cho chặt ở đường Nguyễn Chí Thanh, Nguyễn Trãi thôi...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chuyên gia nghiên cứu thơ Trần Đăng Khoa thấy thú vị là vui rồi. Có mấy chỗ cháu viết vui vui bác Vũ Nho à. Còn thực chất đúng là thêm một trường hợp chú bé Khoa sửa thơ của mình.

      Sẽ vẫn còn bất ngờ về chi tiết Phủ Tây Hồ đó bác Vũ Nho. Vì đã nói là tạm gác, nên ở entry này tạm che câu tiếp theo.

      Lại phải chờ luận giải từ phía chuyên gia trước, hoặc là tâm sự của chính nhà thơ. Hi vọng, bạn đọc sẽ được một kiến thức gì đó bổ ích.

      Xóa
  2. Tối cuối tuần vui thiệt đó nghen . " Hà Nội có sao đâu " trong suy nghĩ của chú bé 10 tuổi ,còn " Ba đình vẫn xanh cây " là suy nghĩ của ông già gần 60 với sự việc lùm sùm như thời gian vừa qua
    Nhà văn , nhà thơ cũng phải cảm nhận được hơi thở của cuộc sống , nhưng sửa lại thơ như vầy thì bó tay . Chờ bác Giao đưa đoạn sau lên xem tiếp , chắc vui lắm à nghen

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Quả là lúc lên 10, chỉ có thể là "Hà Nội có sao đâu" được thôi bác Salam à. Sau này, một lúc nào đó đã được chỉnh lại thành "Ba Đình vẫn xanh cây".

      Ta cứ tạm đợi tâm sự mang tính "giải trình" của chính nhà thơ đã bác ạ. Cái này, lại phải nhờ đến liên lạc của bác Vũ Nho.

      Đoạn sau thì bác Salam cũng chờ nhé !

      Xóa
    2. Bạn Giao thân mến. Câu hỏi bên ngoài thơ của bạn, tôi đã chuyển đến nhà thơ Đần Đăng Khoa ( bằng điện thoại). Chúng ta có thông tin sau: - Ngày ấy, chú bé Khoa đến Phủ Tây Hồ không chỉ một lần, mà vài ba lần. Khi thì đi với bạn bè, khi thì đi một mình. Chú Khoa thấy ngày đó ở Phủ cũng có rất đông người đi lễ, đi chơi. Còn câu thơ trước đó chú Khoa viết : Hà Nội có sao đâu. Như vậy chắc chắn câu kết sẽ không thể là Phủ Tây Hồ hoa bay... Câu kết này chắc chắn là được sửa cùng với câu " Ba Đình vẫn xanh cây". Vấn đề sửa thơ thì có nhiều chuyện. Có thể biên tập SỬA, rồi sau này, chú Khoa "lấy" lại. Chẳng hạn : bạn nào đá lên trời - ĐỨA nào đá lên trời. Có lời mẹ hát ngọt bùi hôm nay - Có lời mẹ hát ngọt bùi ĐẮNG CAY!...

      Xóa
    3. Cảm ơn bác Vũ Nho và anh Khoa. Nếu được anh Khoa viết ra thành một bài gì đó, nhân sự kiện "Ba Đình vẫn xanh cây" và "Phủ Tây Hồ hoa bay" này thì hay quá.

      Còn người như cháu, chỉ có thể căn cứ vào bản in được thôi. Không có cách nào khác. May là chú bé Khoa đã được in từ trước 1975. Bài "Hà Nội" đã in rất nhanh sau đó (nếu nó được viết vào năm 1969 như ghi ở cuối bài).

      Nếu dựa vào bản in trước năm 1975 thì có thể nghĩ: lúc trước năm 1975, chú bé Khoa chưa từng lên Phủ Tây Hồ, cũng chưa đủ sức viết câu "Ba Đình vẫn xanh cây" được. Chỉ có thể viết được câu (đúng như bản đã in) là "Hà Nội có sao đâu".

      Tuy nhiên, cái này là suy nghĩ "vật lí" từ bản in thôi. Sự tình cụ thể thế nào, thì phải nhờ chính nhà thơ thần đồng của chúng ta tâm sự.

      Xóa
  3. Dịp Tết thiếu nhi năm 1969, Trường cấp I Quốc Tuấn tổ chức một đoàn 25 em về Hà Nội dự trại hè, trong đó có Trần Đăng Khoa. http://www.baohaiduong.vn/News/Weekly/2013/1-118-1229-79910/Loi-Bac-Ho-day-Tran-Dang-Khoa.viss

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thế chứ ! Thế mới là Mr. Khoằm nhà mình chứ !

      Cảm ơn, mình sẽ bổ sung thông tin này lên chính văn.

      Xóa

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.