Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

18/01/2015

Lại bàn về chữ Lạc và chữ Hùng : trao đổi An Chi và Đinh Tuấn

Đại khái như sau.


1. Bài An Chi trên NLM


Cả dân gian lẫn trí thức đều có thể sai



(PetroTimes) - Trên tạp chí Đương Thời số Xuân Nhâm Thìn (2012), ông An Chi đã có bài “Lạc Long Quân nghĩa là gì?”. Mới đây, một người có tên là Hau Hoc Nguyen đã dẫn lời của Đinh Tuấn trên diễn đàn Viện Việt học nói về ý kiến của ông An.
Bạn đọc: Trên tạp chí Đương Thời số Xuân Nhâm Thìn (2012), ông An Chi đã có bài “Lạc Long Quân nghĩa là gì?”. Mới đây, một người có tên là Hau Hoc Nguyen đã dẫn lời của Đinh Tuấn trên diễn đàn Viện Việt học nói về ý kiến của ông An Chi như sau:
“Đọc đến đây tôi không khỏi phì cười, có lẽ cụ học giả An Chi lẩn thẩn và bạo gan bạo phổi nên mới suy đoán, kết tội lung tung.
Âm đọc 貉 như đã dẫn chứng ở diễn đàn Viện Việt học trước đây, về tự dạng là thống nhất trong thư tịch cổ của Việt Nam và về âm đọc thì sớm nhất là trong bản chép tay năm 1659 của B. Thiện viết về lược sử An Nam, đã ghi rõ ràng là LẠC. Bản chép tay này không hề được phổ biến mà có phổ biến thì vua quan nhà Lê và các chúa Trịnh - Nguyễn cũng như các nhà Nho cũng chẳng đọc được. Văn bản này chỉ để dùng ở Nhà Chung của đạo Công giáo. Do đó không có chuyện các thế hệ sau đọc theo B. Thiện. B. Thiện cũng không tự ý đọc mà chỉ dựa vào âm “lạc” truyền thống từ ký ức dân gian cũng như cách đọc của các nhà Nho xưa mà thôi.
Kết tội Trần Trọng Kim mà không có cáo trạng đầy đủ là không thành lập. An Chi không biết rằng, cụ Trương Vĩnh Ký đã viết hẳn một cuốn sách bằng chữ Quốc ngữ vào năm 1875 cho những người đang học và đã biết chữ Quốc ngữ ở miền Nam trước cả cụ Trần. Dĩ nhiên cụ Trần đã từng đọc sách của cụ Trương và sau đó cụ Trần có một ảnh hưởng nhất định nhưng không phải là lý do chính đáng để kết tội vị học giả đáng kính, có công lớn về văn hóa Việt Nam”.
Hau Hoc Nguyen đã dẫn lời của Đinh Tuấn như trên. Xin ông An Chi cho biết ý kiến.
Nguyễn Công Trực (Cao Lãnh, Đồng Tháp)
Học giả An Chi: 1- Đinh Tuấn khẳng định rằng Bento Thiện không tự ý đọc mà chỉ dựa vào âm “lạc” truyền thống từ ký ức dân gian cũng như cách đọc của các nhà Nho xưa mà thôi. Về nguyên tắc, khẳng định như thế là hoàn toàn võ đoán, trừ phi Đinh Tuấn có bằng chứng cụ thể, chắc chắn, chứng tỏ rằng cái chữ mà Bento Thiện đọc thành “lạc” đích thị là chữ [貉] (bộ “trãi”). Thực ra, lúc đó, ông ta dựa vào “ký ức dân gian”, ông ta theo “cách đọc của các nhà Nho xưa” hay ông ta đang nhìn vào một bản khắc in, một bản chép tay để tự mình đọc thành âm “lạc” một chữ mà ngày nay không ai biết đến tự dạng cụ thể? Chỉ có Chúa và Bento Thiện biết thôi chứ Đinh Tuấn và An Chi thì dứt khoát không có thẩm quyền để trả lời cho câu hỏi này. “Lạc” là cái âm mà Bento Thiện dùng để đọc đích thị chữ Hán nào, 貉(bộ “trãi”
[豸]), 雒 (bộ “chuy” [隹]) hay 駱 (bộ “mã”[馬]), hay một chữ “lạc” nào khác nữa, trong sách của ai thì chính Đinh Tuấn cũng không thể biết được.
2- Cho dù Bento Thiện đã dựa vào âm “lạc” truyền thống từ ký ức dân gian hay cách đọc của các nhà Nho xưa thì điều này cũng tuyệt nhiên không có nghĩa là truyền thống và các nhà Nho xưa đã không đọc sai. Dù các vị có uyên bác đến đâu cũng không có nghĩa là các vị tuyệt đối không sai trong bất cứ trường hợp nào. Cách kiểm chứng hữu hiệu và đáng tin phải là qua thư tịch chứ không phải chủ yếu là dựa vào dân gian khi ta muốn đi vào từ nguyên; mà đối với chữ
[貉] đang xét thì phiên thiết trong tự thư, vận thư đều không ghi âm “lạc”. Ngay ở thời hiện đại, người ta vẫn xài “sản phẩm” sai trái của dân gian và trí thức mà nghiễm nhiên xem là cách dùng chữ dí dỏm và thú vị, như trường hợp của chữ “U” mà hầu như đều trời, người ta cho rằng có nghĩa là “lứa tuổi” (chẳng hạn, “U50” là lứa tuổi từ 50 đến 59, “U70” là lứa tuổi từ 70 đến 79, v.v...) trong khi “U” thực chất là UNDER, nghĩa là “dưới”, “chưa đến”. Trong nhiều ngày gần đây, đang có những giải bóng đá U19, U21, U23, v.v... Trừ những trường hợp đặc cách, đã là U19 thì không thể 20 tuổi, U23 thì không thể 25 tuổi, v.v... Thế nhưng người ta vẫn ung dung xài nó với nghĩa là “lứa tuổi”. Lại như trường hợp của hai chữ [深圳], ban đầu đọc thành “Thẩm Quyến”, rồi sửa thành “Thâm Quyến” để dùng cho đến bây giờ. Chúng tôi không phải là kẻ mất trí mà đòi thay đổi cách đọc này vì bây giờ nó đã được dùng đều trời. Nhưng nếu xét về nguồn gốc của từ ngữ thì chúng tôi buộc lòng phải nói rằng, đó là một cách đọc sai so với nguyên ngữ. Chữ [圳] bình thường đọc là “quyến”, nghĩa là ngòi nước ngoài đồng. Nhưng đây lại là một trường hợp đặc biệt tế nhị trong phương ngữ Quảng Đông của tiếng Hán. Cũng với nghĩa đó, người Quảng Đông phát âm nó thành “chắn” (của chữ quốc ngữ) đọc theo cách phát âm của miền Bắc (gần như “chánh” trong Nam); còn âm Bắc Kinh ghi theo pinyin là “zhèn”. Đây là một chữ “tục tự” không thông dụng và chỉ còn thấy trong vài địa danh của tỉnh Quảng Đông. Suy từ tiếng Bắc Kinh ra thì âm tương ứng của nó trong tiếng Việt là “trấn”. Và [深圳] mà đọc thành “Thâm Trấn” mới là âm tương ứng sát sao với tiếng Bắc kinh “Shènzhèn”. Rồi chuyên thời sự gần đây là, nhiều người tiếng Tây đầy minh vẫn cứ muốn hoặc ngỡ rằng “correspondant de lAcadémie des Inscriptions et Belles-Lettres” (thông tín viên của Viện Hàn lâm Minh văn và Văn chương) của Pháp là “viện sĩ” (hàn lâm) của Viện này. Hoặc như, đều trời, các vị trí thức không thèm nói “quỷ biện” để chỉ cái được tiếng Ăng-lê gọi là “sophism”, mà chỉ chịu nói “ngụy biện” mặc dù ta mượn từ chữ Tàu [詭辯] (“quỷ biện”). Đến nỗi Từ điển tiếng Việt của Vietlex do Hoàng Phê còn chú thích cho mục “nguỵ biện” bằng chính hai chữ Tàu này! Chẳng qua là do sự dốt nát! Dĩ nhiên là chúng tôi chỉ nêu lên sự dốt nát trong từng trường hợp cụ thể chứ không hề dám nói rằng các vị trí thức là những người dốt toàn tập. Dân gian đấy, trí thức đấy, nhà Nho đấy! Hy vọng là Đinh Tuấn sẽ tiếp tục cười… khà khà…
3- Về chữ [貉], trong bài “Thử tìm nguồn gốc ngữ nghĩa của từ tố lạc” (Hùng Vương dựng nước, tập IV, tr.134-141), hai đồng tác giả Nguyễn Kim Thản và Vương Lộc đã viết: Ở nước ta, có người dùng chữ [貉] để ghi từ tố “lạc”. Chữ này, đúng ra phải đọc là “mạch” hoặc là “hạc” (…) Nhưng vì sao các nhà Nho ta lại dùng chữ [貉]? Chúng tôi nghĩ rằng, có lẽ các cụ đã không chấp nhận chữ “lạc” có bộ “mã” (tức chữ [駱] - AC) vì cho rằng chữ ấy biểu thị thái độ khinh miệt dân tộc (đến nay, ta vẫn còn nói “thân trâu ngựa” để chỉ sự khổ nhục và có lẽ các cụ cho rằng chính chữ Lạc có bộ “trãi” (tức chữ
[豸] - AC) mới là chữ chỉ một giống người” (tr.135-136).
Chúng tôi không cho rằng, các cụ ta ngày xưa lại dốt đến độ không biết rằng chữ [貉] không thể đọc thành “lạc”, trong khi các vị có thể chọn những chữ “lạc” khác, chẳng hạn như chữ [洛]. Đến như nói rằng vì sợ chữ lac bộ “mã” [馬] biểu thị thái độ khinh miệt dân tộc nên họ mới dùng chữ “lạc” bộ “trãi” [豸] thì chính chữ này còn hạ dân tộc xuống tận cấp cuối cùng vì “trãi” chỉ là sâu bọ không chân (Thời Nhân văn - Giai phẩm, người ta vẫn thường nghe đến câu “sâu bọ lên làm người”!). Chứ ngựa thì dù sao vẫn có xương sống, có chân và có… vòng một!
Tóm lại, chữ [貉] không thể đọc thành “lạc”.
4- Về quyển sách của Trần Trọng Kim, chúng tôi đã viết:
“Đây là một quyển sử có ảnh hưởng sâu rộng đối với nhiều thế hệ người Việt Nam và trong nửa đầu của thế kỷ XX thì nó gần như là một quyển sách độc tôn về lịch sử tương đối đầy đủ và có hệ thống của đất nước và dân tộc. Tại tr. 23 của bản do Nxb Tân Việt - Hanoi, in và phát hành tại Saigon năm 1949, Trần Trọng Kim viết: “Lạc-Long-Quân lấy con gái vua Đế-Lai tên là Âu-Cơ, đẻ một lần được một trăm người con trai”. Về tên của Lạc-Long-Quân, cũng ở tr.23, Trần Trọng Kim còn chú thích cả chữ Hán là 貉龍君 nữa. Tuy nhiên, ta không thể hoàn toàn đổ lỗi cho Trần Trọng Kim được vì các tác giả về sau có trách nhiệm phải khảo chứng, chứ không thể nghe theo ông một cách mù quáng (nếu đúng là họ đã nghe ông). Rất có thể là trước cả Trần Trọng Kim cũng đã có người/nguồn đọc như thế, nhưng chúng tôi vẫn cho rằng sở dĩ cách đọc đó trở nên phổ biến là do quyển sử của học giả họ Trần”.
Chúng tôi chỉ ghi nhận một thực tế như trên chứ không lên án hay kết tội ai cả. Vấn đề chỉ là ở chỗ sự ghi nhận đó có đúng hay không mà thôi.
A.C
http://petrotimes.vn/news/vn/hoc-gia-an-chi-giai-dap/ca-dan-gian-lan-tri-thuc-deu-co-the-sai.html


An Chi lý giải: Lạc Long Quân nghĩa là gì?
13.01.2012-18:38


Lạc Long Quân nghĩa là gì?
      AN CHI

NVTPHCM- Mỹ hiệu Lạc Long Quân 貉龍君 thường được diễn Nôm thành “Bố Rồng”, “Cha Rồng” mà không thấy ai thắc mắc rằng đây là một cách hiểu “cà thọt”: nếu chữ long là rồng thì chữ lạc bỏ đi đâu? Người chép truyền thuyết thời xưa ghi lại lời của Lạc Long Quân tự xưng “Ta là giống rồng” chẳng biết có ghi thiếu hay không. Còn nếu quả Lạc Long Quân chỉ tự giới thiệu như thế thì hiển nhiên ông ta quên nói với vợ con mình rằng Hạc Long là giống rồng gì (nếu lạc là định ngữ của long), hoặc là giống rồng và giống gì nữa (nếuhạc long là một danh ngữ đẳng lập). Còn chúng tôi thì hiểu rằng Lạc Long là Hạc và Cá Sấu.

Tên của “Lạc Long Quân” 貉龍君 bị đọc sai ở chữ 貉. Chữ này tuyệt nhiên không có âm “lạc”. Đầy đủ nhất và cũng thuộc loại đáng tin nhất là Hán ngữ đại tự điển của Hán ngữ đại tự điển Biên tập uỷ viên hội (Thành Đô – Hồ Bắc, 1993) đã ghi cho nó 3 âm (không kể âm hậu khởi trong tiếng Bắc Kinh, không có hình thức Hán Việt (HV) tương ứng):
– 1. mạch (mạc bạch thiết  莫白切);
– 2. hạc (hạ các thiết 下各切);
– 3. m (mạc giá thiết 莫駕切).
Nó không hề có âm “lạc”. Xin nhớ rằng chữ 貉 bị đọc sai thành “lạc” này khác với chữ “lạc” trong Lạc Việt, mà tự hình là 雒, cũng có khi viết thành 駱. Hai chữ này mới đúng là “lạc”. Thế mà lại có những người, có lẽ do không tra cứu, khảo chứng về tự hình, về phiên thiết, lại cứ đi phân biệt 3 chữ “lạc”: (lạc 雒 bộ chuy 隹, lạc 駱 bộ  馬 và lạc(!) 貉 bộ trãi 豸), làm cho việc nghiên cứu về cổ sử Việt Nam thêm rắc rối. Tiêu biểu nhất là tại Hội nghị nghiên cứu thời kỳ Hùng Vương lần thứ 2, tháng 4 năm 1969, trong bài tham luận “Về Hùng Vương và xã hội Hùng Vương”, học giả Hoa Bằng cũng chính thức đọc chữ 貉 thành “lạc” khi điểm lại các chữ lạc (Xin x. Hùng Vương dựng nước, tập II, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1972, tr.287). Thực ra, ở đây, ta chỉ có hai chữ “lạc” mà thôi: lạc 雒 bộ chuy và lạc 駱 bộ  馬.
Vậy thì, với 3 âm “mạch”, “hạc” và “mạ” của nó, chữ 貉 trong tên của “Lạc(?) Long Quân” phải đươc đọc như thế nào? Chẳng thấy ai đọc nó theo một trong ba âm trên đây. Ai cũng đọc nó thành “lạc” mà không ngờ rằng đây là một cách đọc sai, ít nhất cũng không phải là một cách đọc theo đúng phiên thiết.
Vậy cái sai này do đâu mà ra? Chúng tôi cho là nó chỉ có thể xảy ra từ đầu thế kỷ XX, đặc biệt là với quyển Việt-nam sử-lược của Lệ Thần Trần Trọng Kim, xuất bản lần đầu tiên năm 1921. Đây là một quyển sử có ảnh hưởng sâu rộng đối với nhiều thế hệ người Việt Nam và trong nửa đầu của thế kỷ XX thì nó gần như là một quyển sách độc tôn về lịch sử tương đối đầy đủ và có hệ thống của đất nước và dân tộc. Tại tr.23 của bản do Nxb Tân Việt - Hanoi, in và phát hành tại Saigon năm 1949, Trần Trọng Kim viết:
“ Lạc-long-quân lấy con gái vua Đế-Lai tên là Âu-Cơ, đẻ một lần được một trăm người con trai.”
Về tên của Lạc-long-quân, cũng ở tr.23, Trần Trọng Kim còn chú thích cả chữ Hán là 貉龍君 nữa. Tuy nhiên, ta không thể hoàn toàn đổ lỗi cho Trần Trong Kim được vì các tác giả về sau có trách nhiệm phải khảo chứng, chứ không thể nghe theo ông một cách mù quáng (nếu đúng là họ đã nghe ông). Rất có thể là trước cả Trần Trọng Kim cũng đã có người/nguồn đọc như thế, nhưng chúng tôi vẫn cho rằng sở dĩ cách đọc đó trở nên phổ biến là do quyển sử của học giả họ Trần.
Vậy thì giữa ba âm mạchhạc và mạ, chữ 貉 phải được đọc theo âm nào? Chúng tôi  cho rằng đó là âm “hạc” vì thiển nghĩ cái tên “Hạc Long Quân” hẳn phải có liên quan đến địa danh Bạch Hạc 白鶴, mà Đại Nam quốc sử diễn ca có nhắc đến:
Hùng Vương đô ở Châu Phong
Ấy nơi Bạch Hạc, hợp dòng Thao Giang.
Đặt tên là nước Văn Lang,
Chia mười lăm bộ bản chương cũng liền.
Bốn câu thơ này gợi ý cho chúng ta rằng ông Hạc Long Quân xuất thân nơi đất Bạch Hạc (mặc dù chữ “hạc” viết khác – ở đây, ta chỉ nói về mặt âm) là chuyện có lý vì Bạch Hạc thời xưa là một vùng sông nước mênh mông nên ở đó mới có nơi được đặt tên là Động Đình (để ví với Động Đình hồ bên Tàu chăng?). Trong Truyền thuyết Hùng Vương (in lần II, có sửa chữa, Chi hội Văn nghệ dân gian Vĩnh Phú, 1972), Nguyễn Khắc Xương đã chú thích rõ:“ Động Đình ở đây ( trong truyền thuyết “Hùng Hải trị nước” – AC) chỉ địa phận Hưng Hoá ngày nay, từ ghềnh Ngọc Tháp về tới bến Trung Hà thuộc sông Thao. Vùng này hàng năm vào mùa nước thường bị ngập lụt, lại có nhiều đầm hồ.” (tr.36). Hiện ta đang có một cụm địa danh đáng chú ý. Ngoài vùng đầm hồ Động Đình, ta lại có núi Động Đình, thuộc tỉnh Hưng Hoá, màĐại Nam nhất thống chí đã chép như sau: “Cách châu Yên 6 dặm về phía Nam, núi rất cao, ngọn núi trùng điệp, khe ngòi bọc quanh, năm Tự Đức thứ 3 liệt vào hàng danh sơn, chép trong điển thờ.” (Bản dịch của Phạm Trọng Điềm do Đào Duy Anh hiệu đính, tập IV, Nxb Thuận Hoá, Huế, 1992, tr. 305). Ta lại có địa danh Hạc Trì, nay là tên một huyện của tỉnh Phú Thọ. Rất có thể là do người chép truyền thuyết biến Động Đình ta thành Động Đình Tàu nên mới sinh ra chuyện biên giới nước Văn-lang “Bắc giáp hồ Động-đình (Tàu), Nam giáp nước Hồ-tôn, Tây giáp Ba-thục, Đông giáp biển Đông-hải”, như đã chép trong Lĩnh Nam chích quái. Chứ chúng tôi thì cho rằng Văn Lang là một nước ra đời “tại chỗ” – vùng trung du Bắc Bộ – chứ không phải tít tận bên Tàu. Vâng, tại chỗ, với những di chỉ khảo cổ học thuộc Văn hoá Phùng Nguyên, Văn hoá Đồng Đậu, Văn hoá Gò Mun, v.v..
Chúng tôi muốn đi theo hướng tiếp cận này, chứ không tin theo thuyết của Đào Duy Anh cho rằng hình chim trên trống đồng Ngọc Lũ là hình chim Lạc, mà ông đã cất công phân tích và chứng minh trong mục “Lai lịch người Lạc-việt”, thuộc chương III của Cổ sử Việt Nam (Nxb Xây Dựng, Hà Nội, 1955, tr.51-56), rồi sau đó nhiều tác giả cũng đã mặc nhận mà nói theo, cơ hồ tạo nên cái thuyết hoàn toàn vô căn cứ hiện hành “hình chim trên trống đồng là hình chim Lạc”. Đào Duy Anh viết:
“Chữ lạc 雒 hay  (có khi viết là 駱) là chỉ một loài hậu điểu ở miền Giang Nam, tương tự với loài ngỗng trời. Có thể chim lạc là vật tổ của người Lạc Việt.” (Sđd, tr.53).
Thực ra, chữ lạc   này của Đào Duy Anh lại không tồn tại; còn hai chữ kia (雒 và 駱) thì không có cái nghĩa mà ông đã nêu vì cái nghĩa này lại thuộc về chữlạc 鵅 bộ điểu 鳥 (chứ không phải bộ chuy 隹 hay bộ  馬).
Vậy ta không có bất cứ căn cứ xác thực nào để gọi đó là chim Lạc cả. Huống chi, trên đồ đồng, mà ngay cả trên trống đồng Ngọc Lũ, đâu phải chỉ có hình khắc của một loài chim! Ta chỉ có thể căn cứ vào những hình khắc đó mà đoán định rằng phần lớn – chứ không phải tất cả – những con chim có hình được đúc là những con thuộc bộ Cò (Ciconiiformes, cũng được dịch là bộ Hạc), có chân dài, mỏ dài và cổ dài. Theo chúng tôi thì trong những hình chim lớn nhất ở vành thứ 10 (từ trong ra) trên mặt trống đồng Ngọc Lũ có hình của con Hạc (Ảnh 1).
Tóm lại, chữ hạc 貉ở đây có thể “thông” với chữ hạc 鶴 về mặt ngữ âm trong tâm thức của người ghi chép truyền thuyết thì đây chỉ là cái tên  của một loài chim thuộc bộ Hạc mà thôi.
Đến như chữ long 龍 thì chẳng có khó khăn gì để tái lập âm HV xưa của nó làluồng, đồng âm với luồng trong tiếng Tày- Nùng hiện đại, cũng có nghĩa là rồng. Trong quá khứ xa xăm thì chữ này vốn dùng để chỉ co cá sấu, như chúng tôi đã trình bày trong bài “Con rồng chẳng qua là con cá sấu lên đời”, trên Kiến Thức Ngày Nay Xuân Canh Thìn (năm 2000), với bút hiệu Huệ Thiên. Vậy không phải ngẫu nhiên mà luồng là một trong hai âm tiết củathuồng luồng mà thuồng luồng là một giống cá sấu. Thật vậy, trong Cổ sử Việt Nam (Nxb Xây dựng, Hà Nội, 1955), Đào Duy Anh đã viết: “Người mình gọi con crocodile (một loài cá sấu nhỏ – AC) là thuồng luồng mà sách chữ Hán của ta cũng gọi là giao long. Về sau trong các sông ở Bắc nước ta, giống crocodile thành hiếm, thỉnh thoảng thấy một con, người ta cũng gọi là thuồng luồng, nhưng người thường không biết hình dạng nó thế nào nên tưởng tượng nó là một giống thủy quái hình dạng như rắn” (Sđd, tr.26). Từ điển tiếng Việt do Văn Tân chủ biên (Nxb KHXH, Hà Nội, 1967) cũng giảngthuồng luồng là “cá sấu” (nghĩa 2), bên cạnh nghĩa 1 là “loài vật dữ ở dưới nước, hình rắn, hay hại người”. Con luồng (<long)-cá sấu này cũng có mặt trên trống đồng Ngọc Lũ, ở vòng tròn trong cùng trên mặt trống. Ta thấy giữa những cánh sao của ngôi sao 14 cánh là những hình quạt bằng nhau, giữa mỗi hình quạt có hình một mũi tên chỉa về phía tâm của hình tròn, mỗi bên có một cái hình tựa như một quả trứng nhỏ (Ảnh 2). Mỗi hình quạt đó chính là một cái đầu cá sấu nhìn trực diện cách điệu hoá từ cái đầu của một con cá sấu thật chỉ nổi lên khỏi mặt nước với hai con mắt (là hai “quả trứng” trong Ảnh 2) còn thân hình của nó thì trầm ở dưới nước (Ảnh 3).
Trang mạng http://vi.oldict.com cũng khẳng định rằng “Tô-tem của người Việt nguyên thuỷ là con cá sấu.”
Thế là trong tên của Lạc Long Quân, ta thấy có Hạc và Cá Sấu, đều là hai loài động vật mà tập tính sinh hoạt đã tìm thấy ở môi trường của vùng đầm hồ Động Đình và sông Thao những điều kiện  hoàn toàn thích nghi. Lạc Long Quân là vua của vùng đầm hồ Động Đình, nơi đó, đứng đầu các loài sống dưới nước là Cá Sấu còn đứng đầu các loài có thể bay trên trời là Hạc. Ý nghĩa của cái tên Lạc Long Quân, theo chúng tôi, là như thế.

Theo Đương Thời xuân Nhâm Thìn 2012

http://nhavantphcm.com.vn/doc-duong-van-hoc/an-chi-ly-giai-lac-long-quan-nghia-la-gi.html



2. Đinh Tuấn trả lời trên blog




Thứ Ba, ngày 19 tháng 11 năm 2013



Đinh Tuấn
   
          Trên báo Năng Lượng Mới số 268, 25-10-2013 có đăng bài viết của Học giả An Chi: “Cả dân gian lẫn trí thức đều có thể sai”, mục đích phê bình tôi (bút hiệu Đinh Tuấn ở Diễn đàn Viện Việt học) về cách đọc chữ LẠC (trong LẠC long quân) của cổ nhân. Được Học giả An Chi quan tâm và trao đổi là một niềm vinh dự của tôi, xin thành thực cảm ơn Học giả. Trên tinh thần học hỏi và yêu chuộng sự thật, tôi xin trao đổi lại đôi điều:
          An Chi: “1.- Đinh Tuấn khẳng định rằng Bento Thiện không tự ý đọc mà chỉ dựa vào âm “lạc” truyền thống từ ký ức dân gian cũng như cách đọc của các nhà Nho xưa mà thôi. Về nguyên tắc, khăng định như thế là hoàn toàn võ đoán, trừ phi Đinh Tuấn có bằng chứng cụ thể, chắc chắn, chứng tỏ rằng cái chữ mà Bento Thiện đọc thành “lạc” đích thị là chữ [貉] (bộ “trãi”). Thực ra, lúc đó, ông ta dựa vào “ký ức dân gian”, ông ta theo “cách đọc của các nhà Nho xưa” hay ông ta đang nhìn vào một bản khắc in, một bản chép tay để tự mình đọc thành âm “lạc” một chữ mà ngày nay không ai biết đến tự dạng cụ thể? Chỉ có Chúa và Bento Thiện biết thôi chứ Đinh Tuấn và An Chi thì dứt khoát không có thẩm quyền để trả lời cho câu hỏi này. “Lạc” là cái âm mà Bento Thiện dùng để đọc đích thị chữ Hán nào, 貉 (bộ “trãi”[豸]), 雒 (bộ “chuy”[隹]) hay 駱 (bộ “mã”[馬]), hay một chữ “lạc” nào khác nữa, trong sách của ai thì chính Đinh Tuấn cũng không thể biết được.”
    Đinh Tuấn: Thực ra chủ đề về chữ 貉 và cách đọc “lạc”  đã được tôi và các thành viên Viện Viện Học phân tích, tìm hiểu từ mấy năm qua nhưng vẫn chưa một ai dám khẳng định, đi đến một kết luận khoa học rằng chữ 貉 và cách đọc “lạc” là sai lầm truyền kiếp. Nhưng ít nhất cũng nêu ra được một sự thật: Chữ LẠC trong “LẠC Long Quân” trong thư tịch cổ đều hầu như thống nhất một tự dạng và về âm đọc cũng thế, từ xưa đến nay đều là LẠC. 
         Lạc Long quân 貉龍君,xét về sách chữ Hán Nôm, sách  sớm nhất hiện còn làLĩnh Nam trích quái (khuyết danh , khoảng đời Trần) viết là 貉,sau đó có thể kể đến Đại Việt sử ký toàn thư (Ngô Sĩ Liên, 1697), Việt sử diễn âm (khuyết danh , khoảng đời Mạc), Thiên Nam minh giám, Thiên Nam ngữ lục (khuyết danh ,khoảng đời Lê), Đại Nam quốc sử diễn ca, Lê Ngô Cát - Phạm Đình ToáiViệt sử diễn nghĩa tứ tự ca, Việt sử tiệp lục diễn nghĩa (khuyết danh), Việt sử cương mục tiết yếu, Đặng Xuân Bảng,  (Đời Nguyễn) đều thống nhất tự dạng 貉 (không tìm thấy tự dạng khác như 雒 hay ).  Về sách viết bằng chữ Quốc ngữ thì sớm nhất hiện còn là tập chép tay về lịch sử nước An Nam của Bento Thiện viết vào năm 1659, tiếp đến là Notes historiques sur la nation annamite của  P. Le Grand de La Liraÿe  (1866), Tóm lại về sự tích các đời vua nước Annam, Trương Vĩnh Ký (1877), Lược biên Nam Việt sử ký lịch triều niên kỷ (1894), Georges Maspero (cũng viết chữ Hán là), Quảng tập viêm văn (1898)Edmond Nordemann (cũng viết chữ Hán là 貉),Nam Việt lược sử, Nguyễn Văn Mại (1919) , Tối tân Quốc văn tập đọc (Văn thơ Đông Kinh Nghĩa Thục, 1907, cũng viết chữ Hán là ) tất cả đều ký âm chữ La Tinh là “Lạc”.  Đây chính là những chứng cứ xác thật khẳng định một truyền thống từ ngàn xưa mà không hề có một nhà Nho uyên thâm Hán học nào  lên tiếng phản đối hay tự ý sửa lại cho dù đó là một bậc vua chúa hay các sử  thần, các văn nhân, thi gia mọi thời đại. Tất cả đều là LẠC ! Bento Thiện là một trí thức thế kỷ XVII, dĩ nhiên ông tinh thông chữ Hán, Nôm và  thông qua tập sử lược của ông, ta nhận thấy vị thầy giảng này tỏ ra rất am tường lịch sử, văn hóa, phong tục nước Đại Việt và chắc chắn ông đã từng đọc các sử sách, văn tập  đương triều viết bằng chữ Hán hay chữ Nôm chứ không thể viết bằng trí nhớ được. Ông đương nhiên  không thể tự đọc ra âm “lạc” nhưng chỉ là đọc theo cách đọc truyền thống của tiền nhân  cũng như các nhà Nho đương thời.
        Từng có nhiều chữ Hán (những chữ bình thường của nhân danh, địa danh…) bị đọc sai do lầm tự dạng hay do đọc vì kiêng húy…nhưng sau có thể được hậu nhân sửa lại theo đúng phiên thiết hay âm đọc Hán Việt chính của tên húy và đời sau đã đọc khác đời trước nhưng đặc biệt tên của tổ tiên dân tộc Việt Nam là LẠC long Quân lại khác, chưa từng thấy trong thư tịch xuất hiện một hiện tượng đính chính chẳng hạn như   do viết lầm từ 雒 hay 駱 và thay vì là “lạc” sẽ là hạc hay mạch. Trên Diễn đàn VVH, tôi đã gợi ý rằng, đây có thể là một ẩn ngữ của tổ tiên để lại và cần được các nhà ngữ học, sử học  đời nay tìm hiểu, khám phá  ra thông điệp của tổ tiên. Tôi đã tìm hiểu ra dân Quảng Đông  (và Khách Gia còn gọi là Hẹ) đã từng có một cách đọc khác phiên thiết, chữ  đọc là “lok 3” (….), sự giống nhau của  “lok 3” và “lạc” là một trùng hợp đáng ngạc nhiên! và tôi đã gợi ý,  rất có thể xưa kia dân Việt  và Quảng có một mối quan hệ chung về lịch sử, văn hóa nói và  ít nhất là về mặt phát âm, cách đọc chữ Hán. Cũng có khả năng cả Việt lẫn Quảng đã lưu lại vết tích cổ âm trước Đời Đường Tống (thời kỳ hình thành ổn định âm đọc Hán Việt) Dĩ nhiên cần phải tìm hiểu sâu mới có thể tìm ra bằng chứng về mối liên quan thú vị này, rất có thể hứa hẹn một khám phá mới liên quan đến nguồn gốc dân tộc Việt Nam chăng? Khẳng định của Học giả An Chi khi cho âm đọc “lạc” và chữ Hán   là một sai lầm từ tiền nhân là không vững vì nếu chỉ dùng cách phiên thiết từ từ thư, vận thư (điều mà ai chuyên học chữ Hán đều biết) sẽ không đủ thuyết phục, An Chi cần  phải tìm ra các chứng cứ trong thư tịch Hán Nôm, Quốc ngữ chứng minh đã từng có hiện tượng: chữ 貉 đã được sửa lại là 雒 hay 駱 và LẠC Long Quân viết là là HẠC (MẠCH) Long Quân. Và như thế làm sao An Chi có thể tuyên bố một cách tùy tiện:  “… Dù các vị có uyên bác đến đâu cũng không có nghĩa là các vị tuyệt đối không sai trong bất cứ trường hợp nào. Cách kiểm chứng hữu hiệu và đáng tin phải là qua thư tịch chứ không phải chủ yếu là dựa vào dân gian khi ta muốn đi vào từ nguyên; mà đối với chữ [貉] đang xét thì phiên thiết trong tự thư, vận thư đều không ghi âm “lạc” và  “Chúng tôi không cho rằng các cụ ta ngày xưa lại dốt đến độ không biết rằng chữ [貉] không thể đọc thành “lạc”, trong khi các vị có thể chọn những chữ “lạc” khác, chẳng hạn như chữ [洛]”

An Chi: “4…“Đây là một quyển sử có ảnh hưởng sâu rộng đối với nhiều thế hệ người Việt Nam và trong nửa đầu của thế kỷ XX thì nó gần như là một quyển sách độc tôn về lịch sử tương đối đầy đủ và có hệ thống của đất nước và dân tộc(...) Tuy nhiên, ta không thể hoàn toàn đổ lỗi cho Trần Trong Kim được vì các tác giả về sau có trách nhiệm phải khảo chứng, chứ không thể nghe theo ông một cách mù quáng (nếu đúng là họ đã nghe ông). Rất có thể là trước cả Trần Trọng Kim cũng đã có người/nguồn đọc như thế, nhưng chúng tôi vẫn cho rằng sở dĩ cách đọc đó trở nên phổ biến là do quyển sử của học giả họ Trần.”Chúng tôi chỉ ghi nhận một thực tế như trên chứ không lên án hay kết tội ai cả. Vấn đề chỉ là ở chỗ sự ghi nhận đó có đúng hay không mà thôi.”
      Đinh Tuấn: Thực ra cuốn sách phổ biến trong giới trí thức Nho học chính là  Tối tân Quốc văn tập đọc do Đông Kinh Nghĩa Thục ấn hành năm 1907 chứ không phải là Việt Nam sử lược, phong trào ĐKNT tuy chỉ tồn tại vài tháng nhưng đã phát triển rộng rãi và gây tiếng vang trong mọi tầng lớp xã hội. Nếu kể tội (theo lập luận của An Chi) thì sau ĐKNT, tất cả các nhà Nho, trí thức, học giả , không chỉ một mình Trần Trọng Kim hay những người sau ông sẽ là : “các tác giả về sau có trách nhiệm phải khảo chứng, chứ không thể nghe theo (…)một cách mù quáng” không những thế, trước ĐKNT, tất cả trí thức mọi thời đại cũng “mù quáng” như tác giả Lĩnh Nam trích quái, Ngô Sĩ Liên , B. Thiện ….khi viết 貉, LẠC!
         Vấn đề quan trọng ở chỗ, Học giả An Chi đã không đủ chứng cứ thuyết phục khi khẳng  định cách đọc chữ Hán 貉 là một sai lầm: Tóm lại, chữ [貉] không thể đọc thành “lạc”.  Tôi cho rằng, cách đọc 貉  LẠC là một truyền thống từ ngàn xưa của tổ tiên lưu truyền hậu thế, nó có một lý do nào đó mà ngày nay mọi người, từ trí thức lẫn bình dân cần phải nỗ lực tìm hiểu một cách khoa học và khám phá ra thông điệp bí ẩn của tiền nhân để  “ôn cố tri tân” và không phụ lòng tổ tiên.
                                                     
                                                                   Biên hòa ngày 28 tháng 10 năm 2013
http://dvtuan63.blogspot.jp/2013/11/trao-oi-voi-hoc-gia-chi-ve-bai-viet-ca.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.