Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

11/01/2015

Chữ Nôm di sản của cha ông, cũng là bằng chứng cho thấy cha ông ta kém hơn trong khu vực

Về mặt chữ viết, lâu nay, ta đánh giá cao chữ Nôm. Cho đó là sáng tạo độc đáo của cha ông. 

Chẳng hạn, nhân cuốn sách xuất bản gần đây của học giả Nguyễn Quang Hồng về chữ Nôm, thì học giả Trần Đình Sử nhận xét rằng (trích đoạn, chỗ in đậm là do tôi nhấn mạnh): 

"Xem xét mối liên quan giữa chữ Nôm và chữ Hán, GS Nguyễn Quang Hồng quan tâm đến các danh xưng đối với chữ Nôm (và các hệ văn tự cổ truyền của các dân tộc ở Việt Nam và Trung Quốc), mà nhiều học giả nước ngoài hình như muốn hạ thấp nó xuống hàng một thứ biệt lệ của chữ Hán. GS Nguyễn Quang Hồng đã thảo luận thẳng thắn với một số học giả Trung Hoa về quan niệm coi các thứ chữ dân tộc này là “tục tự”, “phương tự”, nằm trong “đại gia đình chữ Hán”, không nhìn nhận chúng như là những hệ thống văn tự riêng biệt của các ngôn ngữ dân tộc khác nhau, mà những người bản ngữ dân tộc đã dày công tạo tác ra dựa theo hình mẫu chữ Hán (tr.61-66).

Khảo sát sự hình thành của chữ Nôm Việt trong tương quan với chữ vuông của người Chuang ở Trung Quốc, tác giả cũng thảo luận với một học giả nước bạn và cho biết, người Việt không nhất thiết phải học hỏi ở chữ Chuang mới tạo ra được chữ Nôm, mà cũng như người Chuang, họ có thể trực tiếp tạo ra chữ Nôm từ hình mẫu chữ Hán. Còn nếu như có sự tiếp xúc giữa hai thứ chữ Chuang và Việt, thì cứ liệu khảo sát cho thấy trong chữ Chuang có một số chữ đích thị là được mượn từ chữ Nôm Việt, còn ngược lại, ta chưa thấy có những chữ Nôm Việt nào là được mượn từ chữ Chuang  cả (tr.112).".


Toàn văn bài của Trần Đình Sử xem ở dưới.

Đọc kĩ hai chỗ in đậm ở trên, sẽ thấy không ổn. Bởi lí do như sau:

- Nói gì thì nói, chữ Nôm (của Việt hay của Choang) vẫn là nằm trong gia đình chữ Hán. Tức là vẫn trong hệ văn tự Hán. Điều này, không cần nói gì nhiều. Chỉ cần thấy là người Triều Tiên (bao gồm Hàn Quốc cùng Bắc Triều Tiên ngày nay) và người Nhật Bản mới có khả năng làm ra hệ thống văn tự mới, dùng để ghi âm một cách đơn giản (ghép các chữ rời từ bảng chữ cái thành ra âm đọc). Còn người Việt hay người Choang thì kém hơn, nên vẫn quẩn quanh với chữ Hán thế thôi.

- Và về mặt tạo ra chữ Nôm thì ở Việt khá muộn. Cứ cho là đời Trần mới bắt đầu sử dụng khá thuần thục trong một bộ phận giới quí tộc và trí thức. Thế là đã muộn hơn với hệ thống Nôm Choang tới cả mấy thế kỉ. Các học giả Việt Nam thường ngại nói điều này.

Bảo rằng người Choang phải mượn chữ Nôm của người Việt là cố tình nói lấy được (tôi đã xem kĩ luận điểm và giải trình này, trên mấy số tạp chí chuyên ngành trước và sau năm 2000). Chẳng giải quyết gì.

Tựu trung, bản thân chữ Nôm, mặc dù về mặt cá nhân rất trân trọng và sử dụng nó trong nhiều nghiên cứu của mình, nhưng tôi vẫn thấy nản. Là: quả thực, so với khu vực, cha ông mình yếu hơn về mặt tư duy sáng tạo. Người Việt mình chỉ cùng một chiếu với người Choang mà thôi.


Ở dưới là bài của Trần Đình Sử.

---

MỘT ĐÓNG GÓP MỚI VỀ NGHIÊN CỨU CHỮ NÔM

Đọc Khái luận văn tự học chữ Nôm của Nguyễn Quang Hồng

GS.TS. TRẦN ĐÌNH SỬ

(Khoa Ngữ văn, Trường ĐH Sư Phạm Hà Nội)
Chữ Nôm là hệ thống văn tự cổ truyền của nước ta, nhờ đó mà tiền nhân đã ghi lại được những áng văn thơ trác tuyệt bằng ngôn ngữ dân tộc, và vì thế ngày nay đang được mọi người yêu chuộng văn hóa dân tộc quan tâm. Cho đến nay đã có nhiều công trình nghiên cứu có giá trị về chữ Nôm ở nước ta, song đặt vấn đề nghiên cứu chữ Nôm từ góc độ của bộ môn văn tự học, một phân nhánh của ngữ văn học và đi song song với ngôn ngữ học, thì Khái luận văn tự học chữ Nôm của GS.TSKH Nguyễn Quang Hồng (Nxb Giáo dục, 12-2008, 538 tr, khổ 16×24) là công trình đầu tiên.
Tất nhiên, đã nghiên cứu chữ Nôm thì bắt buộc ai cũng phải lấy chữ Nôm làm đối tượng nghiên cứu, xem xét tính chất, cấu tạo, âm đọc, ý nghĩa, cội nguồn và diễn biến của nó. Nhưng công trình của Nguyễn Quang Hồng đã xem xét các vấn đề một cách toàn diện và có hệ thống, chặt chẽ về phương pháp và phong phú về tư liệu. Về phương pháp, ông lấy văn tự học làm gốc, nhưng kết hợp hài hòa với các phương pháp và tri thức của các bộ môn liên quan như sử học, dân tộc học, mà trước hết là ngôn ngữ học và văn bản học trong khoa học ngữ văn. Về tư liệu, ông đặt chữ Nôm trong mối liên hệ về cội nguồn và loại hình với các hệ thống văn tự cổ truyền ở Việt Nam và trong khu vực.
Xem xét mối liên quan giữa chữ Nôm và chữ Hán, GS Nguyễn Quang Hồng quan tâm đến các danh xưng đối với chữ Nôm (và các hệ văn tự cổ truyền của các dân tộc ở Việt Nam và Trung Quốc), mà nhiều học giả nước ngoài hình như muốn hạ thấp nó xuống hàng một thứ biệt lệ của chữ Hán. GS Nguyễn Quang Hồng đã thảo luận thẳng thắn với một số học giả Trung Hoa về quan niệm coi các thứ chữ dân tộc này là “tục tự”, “phương tự”, nằm trong “đại gia đình chữ Hán”, không nhìn nhận chúng như là những hệ thống văn tự riêng biệt của các ngôn ngữ dân tộc khác nhau, mà những người bản ngữ dân tộc đã dày công tạo tác ra dựa theo hình mẫu chữ Hán (tr.61-66).
Khảo sát sự hình thành của chữ Nôm Việt trong tương quan với chữ vuông của người Chuang ở Trung Quốc, tác giả cũng thảo luận với một học giả nước bạn và cho biết, người Việt không nhất thiết phải học hỏi ở chữ Chuang mới tạo ra được chữ Nôm, mà cũng như người Chuang, họ có thể trực tiếp tạo ra chữ Nôm từ hình mẫu chữ Hán. Còn nếu như có sự tiếp xúc giữa hai thứ chữ Chuang và Việt, thì cứ liệu khảo sát cho thấy trong chữ Chuang có một số chữ đích thị là được mượn từ chữ Nôm Việt, còn ngược lại, ta chưa thấy có những chữ Nôm Việt nào là được mượn từ chữ Chuang  cả (tr.112).
GS Nguyễn Quang Hồng cũng điểm lại các giả thuyết về chữ của người Việt cổ từ thời văn hóa Đông Sơn, thời Hùng Vương, và thấy rằng cho đến nay vẫn chưa đủ chứng cớ thuyết phục về sự tồn tại các hệ thống chữ viết cổ như đã nêu. Mà cho dù thực sự có những thứ văn tự Việt cổ đó, thì chúng cũng khó lòng có mối liên hệ gì với chữ Nôm, một thứ văn tự khối vuông chỉ có thể sản sinh ra từ quan hệ tiếp xúc giữa người Việt với chữ Hán, từ đầu Công nguyên về sau. Về sự xuất hiện chữ Nôm trong lịch sử nước ta,  tác giả cũng điểm qua hầu hết các giả thuyết đã có, và nêu ý kiến của mình dựa trên quan niệm như là một nguyên lý của văn tự học: một hệ chữ viết thực sự được hình thành phải do nhu cầu thể hiện văn hóa dân tộc của người bản địa dưới dạng chữ viết dùng cho chính bản ngữ của mình (tr.114). Do đó, có thể tìm thấy một số chữ Nôm tự tạo chen lẫn vào các bài Hán văn trên các bia đá, chuông đồng có niên đại khá sớm, nhưng chữ Nôm lẻ tẻ như vậy không chứng minh được sự hình thành một hệ thống văn tự thực thụ. Một hệ thống chữ viết thực thụ phải được chứng nhận bởi những chứng tích làvăn bản ghi tiếng Việt thực sự. Theo ông, một văn bản như thế có thể là bản dịch ra chữ Nôm tác phẩm Phật thuyết đại báo phụ mẫu ân trọng kinh, thực hiện khoảng giữa hoặc đầu thế kỷ XII (nhà Lý), được ông đoán định theo cấu trúc ngữ âm của từ ngữ tiếng Việt đương thời. Đây là một nhận định hoàn toàn mới mẻ so với các giả thuyết trước đây.
Nghiên cứu “hình mẫu chữ Hán” và ảnh hưởng của nó đối với sự tạo thành các hệ văn tự ô vuông của các dân tộc láng giềng với người Hán, GS Nguyễn Quang Hồng cố gắng xây dựng một hệ thuật ngữ thích hợp để đi sâu phân tích cứ liệu hữu quan giữa các nền văn tự ô vuông theo hình mẫu chữ Hán. Cái mà nhiều học giả nước ngoài gọi là “Vùng văn hóa chữ Hán” thì ông gọi là “Cộng đồng văn tự ô vuông”, rồi từ hình mẫu chữ ô vuông biểu âm – biểu ý đó mà tiến hành phân biệt các lớp lang và biện giải về tính chất của chữ Nôm. Gần đây ở Việt Nam có một vài học giả muốn coi chữ Nôm là một “nền văn tự ghi âm” (để nhấn mạnh sự khác biệt của nó với chữ Hán). Nhưng theo GS Nguyễn Quang Hồng, một văn tự ghi âm được giới văn tự học hiểu là một hệ thống văn tự sử dụng một bộ kí tự ghi âm (như Hangul ở bán đảo Triều Tiên, hay như chữ Quốc ngữ của ta) để phiên viết từ ngữ theo âm đọc của chúng. Chữ Nôm hoàn toàn không như thế. Mặc dù trong văn bản chữ Nôm, vai trò biểu âm của chữ Nôm khá nổi bật so với chữ Hán trong văn bản Hán văn, song chức năng biểu ý của chữ Nôm cũng không hề bị lu mờ, nhất là vào thời hưng thịnh, chữ Nôm hình thanh (biểu âm + biểu ý) ngày càng được ưa chuộng. Bởi vậy, xét về loại hình văn tự, chữ Nôm vẫn là một hệ văn tự biểu âm – biểu ý theo hình mẫu ô vuông kiểu chữ Hán, mỗi chữ ghi một âm tiết – ngữ tố của tiếng Việt (tr.173). Sự khác biệt của cấu trúc chữ Nôm so với chữ Hán, theo GS Nguyễn Quang Hồng, thể hiện chủ yếu ở một vài phương thức tạo chữ. Chẳng hạn, nếu như trong cấu tạo chữ Hán chưa hề có loại chữ ghép “hội âm” (cả hai thành tố đều biểu âm), thì đây là phương thức tạo chữ độc đáo riêng của chữ Nôm Việt.
Tiếp xúc với các văn bản chữ Nôm, trước hết cần phân biệt “chữ Nôm mượn Hán” (mượn âm, mượn nghĩa hoặc mượn cả âm lẫn nghĩa) và “chữ Nôm tự tạo”. Rồi trong chữ Nôm tự tạo lại chia ra chữ đơn và chữ ghép, và trong chữ ghép tự tạo lại chia ra nhiều kiểu loại khác nhau, dựa theo sự kết hợp giữa các thành tố biểu âm và biểu ý trong chữ.  Tổng hợp lại, tác giả cho ta một bức tranh gồm 5 kiểu loại “chữ Nôm mượn Hán” và 8 kiểu loại “chữ Nôm tự tạo”, đem lại một cách hình dung bao quát và chặt chẽ về hệ thống chữ Nôm Việt. Trong đó chữ “hội âm” và “chữ đơn tự tạo” (gồm 2 kiểu loại) là những điều khá mới mẻ so với một số bảng phân loại đã có trước đây (tr. 186-210).
Phân tích cấu tạo và diễn biến của chữ Nôm, Nguyễn Quang Hồng là người đầu tiên phân biệt rành mạch “cấu trúc chức năng” với “cấu trúc hình thể” của chữ Nôm. Một ngữ tố (hoặc từ đơn tiết tiếng Việt) có thể được ghi bằng những chữ Nôm có thành tố biểu âm và biểu ý khác nhau (ta có các chữ Nôm dị thể mang cấu trúc chức năng khác nhau), hoặc các thành tố ấy là như nhau nhưng đặt ở những vị trí khác nhau trong “ô vuông” của chữ (ta sẽ có những dị thể chữ Nôm mang cấu trúc hình thể khác nhau). Theo ông, nghiên cứu về cấu trúc hình thể và cấu trúc chức năng của chữ Nôm là nội dung quan trọng của văn tự học chữ Nôm cũng như các hệ thống văn tự cùng loại hình (tr.211-213). Tạo ra nhiều dị thể cho chữ Nôm, một mặt thể hiện tính “linh hoạt” trong tạo chữ và dùng chữ ở người Việt, nhưng mặt khác cũng cho thấy sự “tùy tiện”, thiếu “chuẩn  hoá” kịp thời trong cách viết chữ Nôm. Đây có thể là một điều khiến chữ Nôm ít nhiều khác biệt với chữ Hán (tr.333). Có rất nhiều ý tưởng và tư liệu mới mẻ, thú vị khi tác giả trình bày về “cấu trúc bề mặt” và “cấu trúc chiều sâu” của chữ Nôm, về chức năng của bộ thủ dùng trong cấu tạo chữ Nôm, về sự chuyển dụng trong nội bộ hệ thống chữ Nôm , v.v. Song đó là những vấn đề khá chuyên sâu, ở đây xin được lướt qua.
Thực hiện nghiên cứu tỉ mỉ sự diễn biến của chữ Nôm trên cấp độ “đơn vị văn tự” và cả trên cấp độ “hệ thống văn tự”, dựa trên những cứ liệu khảo sát các văn bản tiêu biểu qua nhiều thời kỳ, tác giả Nguiyễn Quang Hồng đi đến xác định những đặc điểm chính của chữ Nôm Việt theo cách nhìn lịch đại. Và trên cơ sở đó, ông chia quá trình diễn biến của chữ Nôm ra làm 4 thời kỳ chính : (1) Thời kỳ sơ khai (thời Lý – Trần – Hồ, thế kỷ XII-XIV) ; (2) Thời kỳ hoàn thiện (thời Lê sơ đến Lê – Mạc, đầu thế kỷ XV- cuối thế kỷ XVII) ; (3) Thời kỳ hưng thịnh (thời Lê mạt đến hết triều Nguyễn, đầu thế kỷ XVIII đến giữa thế kỷ XX); (4) Thời kỳ chữ Nôm được bảo tồn và phát huy (từ giữa thế kỷ XX đến nay).
Tồn tại song song cùng chữ Hán và sau này là chữ Quốc ngữ trong suốt chiều dài lịch sử hơn tám thế kỷ, chữ Nôm được dùng vào những việc gì trong xã hội là câu hỏi mà người đọc muốn được giải đáp. Bằng nhiều cứ liệu cụ thể và xác thực, GS Nguyễn Quang Hồng cho thấy chữ Nôm đã được sử dụng trong hầu khắp các lĩnh vực xã hội khác nhau, có thể khái quát thành 5 “môi trường hành chức” của chữ Nôm là: (1) Chữ Nôm với văn hóa dân gian ; (2) Chữ Nôm với tín ngưỡng và tôn giáo ; (3) Chữ Nôm với khoa học và giáo duc ; (4) Chữ Nôm với chính trị và hành chính quốc gia; (5) Chữ Nôm với văn học và nghệ thuật. Chữ Nôm đóng vai trò quyết định trong sự hình thành và phát triển văn học tiếng Việt trước khi có chữ Quốc ngữ với những tác phẩm bất hủ như Quốc âm thi tậpcủa Nguyễn Trãi, Truyện Kiều của Nguyễn Du v.v. là điều mà nhiều người đã biết. Song ở các lĩnh vực khác của đời sống xã hội nước ta, thật không ngờ, chữ Nôm cũng được triệt để sử dụng, như trong chiếu chỉ giữa vua tôi Quang Trung và giữa vua tôi Gia Long, như trong kinh sách nhà Phật và nhà Chung, như trong hương ước và cả các bản dân luật chữ Nôm của nhà nước v.v.
Tôi rất thú vị khi GS Nguyễn Quang Hồng, theo tư liệu sưu tầm được, cho độc giả nhìn rõ hình ảnh tờ Giấy khai giá thú của vợ chồng ông Nguyễn Cơ Thạch dưới chính thể Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1946 tại thị xã Sơn Tây, trong đó vừa dùng chữ Nôm, vừa dùng chữ Quốc ngữ. Hay như tấm bia toàn văn bằng chữ Nôm ở chùa Mỗ Lao (thị xã Hà Đông) viết và khắc năm 1976, sau khi đất nước hoàn toàn giải phóng, ghi công đức nhà sư trụ trì đã tích cực đóng góp cho hai cuộc kháng chiến vừa qua. Điều này chứng tỏ chữ Nôm có sức sống lâu dài trong lòng dân tộc (tr.445-448). Theo GS Nguyễn Quang Hồng, từ đầu thế kỷ XX, chữ Quốc ngữ theo kiểu ghi âm ABC đã chiếm vị thế chủ đạo trong mọi mặt đời sống xã hội, song như thế không có nghĩa là chính quyền thực dân đã “bức tử” chữ Hán, chữ Nôm. Quả là thực dân Pháp muốn phổ biến và sử dụng độc tôn chữ Quốc ngữ (và chữ Pháp, tất nhiên) theo ý đồ của họ. Song các nhà ái quốc trong các phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục, Hội Truyền bá Quốc ngữ và phong trào Bình dân học vụ sau này cũng mong muốn truyền bá sâu rộng chữ Quốc ngữ cho đông đảo dân chúng. Từ sau Cách mạng Tháng Tám, chữ quốc ngữ được coi là văn tự chính thức của tiếng Việt, nhưng như thế không có nghĩa là chữ Nôm (và cả chữ Hán) không còn “đất sống” trong xã hội nước ta (tr.434-444).
Câu chuyện làm sao cho con em chúng ta không quên lãng truyền thống văn hóa nước nhà thể hiện qua văn tự, gần đây được dư luận đặc biệt quan tâm. Có người sốt sắng đề nghị “khôi phục” ngay việc học chữ Hán trong nhà trường phổ thông. Tác giả Nguyễn Quang Hồng đã nêu một quan điểm rõ ràng và các biện pháp khả thi. Theo ông, không thay thế chữ Quốc ngữ, nhưng chữ Hán chữ Nôm có thể bổ trợ cho chữ Quốc ngữ, đặc biệt là trong các lĩnh vực văn hóa cổ truyền. Cần cấp cho con em chúng ta một ít vốn liếng chữ Hán chữ Nôm, với mục đích : Một là, để học sinh có căn cứ cho sự hiểu biết về cái nôi văn hóa cổ truyền mà mình được hấp thụ từ ghế nhà trường. Hai là, trong tiếng Việt chứa một phần không nhỏ từ ngữ Hán Việt, nếu không biết chữ Hán thì không dễ nắm hiểu cặn kẽ về kho từ ngữ này, thậm chí đôi khi còn có thể gây nhiều sự nhầm lẫn ngộ nghĩnh và tai hại. Nhưng việc học chữ Hán chữ Nôm với mục đích khiêm tốn như vậy, chỉ có thể thực hiện ở mức “làm quen” với các thứ chữ ấy. Muốn sử dụng được các thứ chữ này lại cần phải được đào tạo chuyên sâu. Tôi muốn lưu ý thêm là, ngay như ở Trung Quốc, không phải mọi sinh viên tốt nghiệp khoa Ngữ văn đều đã đọc được văn ngôn, vì thế không nên ảo tưởng phải học ngay cho thông thứ chữ này đối với học sinh nước ta, mà tiếng Hán vốn không phải là bản ngữ. Các em chỉ có thể “làm quen” với thứ chữ ô vuông này thôi. Làm quen có nghĩa là: Một, không có chuyện “khôi phục” môn chữ Nho trong nhà trường phổ thông. Chỉ nên dạy “lồng” chữ Nho với âm Hán Việt vào chương trình Ngữ văn ở trường mà thôi. Hai, không chỉ dạy chữ Hán, mà dạy kèm luôn một số chữ Nôm nữa. Ba, cho học sinh nhận mặt chữ Nho, chữ Nôm qua các bài văn được trích giảng (chữ Hán, chữ Nôm trong nguyên tác và phiên chuyển sang chữ Quốc ngữ) và qua chú thích từ ngữ có kèm nguyên chữ Hán chữ Nôm trong sách. Bốn, không đặt nặng yêu cầu học thuộc lòng và viết được chữ, mà chỉ cần nhận ra mặt chữ và đọc được. Số lượng chữ được nhận diện như thế cần được ấn định trước và phân bố qua các lớp từ thấp lên cao, để khi tốt nghiệp các em biết qua được khoảng 1000 chữ Nho và 200 chữ Nôm. Đó chỉ là “ấn tượng” ban đầu của các em về chữ Hán chữ Nôm, và đối với những em có hứng thú, sẽ có thể tự mình tiếp tục học hỏi thêm sau này.
Trong việc bảo tồn và phát huy văn hóa chữ Nôm, tác giả Nguyễn Quang Hồng còn đề cập đến vấn đề mã hóa chữ Nôm theo tiêu chuẩn quốc tế (ISO) để đưa chữ Nôm lên bàn phím máy tính. Trong suốt hơn 12 năm liền trước khi nghỉ hưu (1993-2006), GS Nguyễn Quang Hồng là chuyên gia chữ Hán chữ Nôm trong nhóm công tác về chữ biểu ý (IRG) của khu vực, và là thành viên ban biên tập của nhóm này (thời gian đầu còn có sự tham gia của Ngô Thanh Nhàn, Đỗ Bá Phước, v.v.). Ông đã sưu tầm, biên tập chữ Nôm qua các văn bản và các tự điển để cung cấp cho nhóm IRG, đăng ký vào kho chữ mã hóa quốc tế. Trong kho chữ mã hóa này, hiện đã có hơn 9.000 chữ Nôm Việt (và một ít chữ Nôm Tày) được mang mã quốc tế (Unicode). Đây là một đóng góp đáng kể của giới Nôm học và tin học vào quá trình hiện đại hóa về kỹ thuật để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của chữ Nôm trong đời sống hôm nay.
Có thể nói Khái luận văn tự học chữ Nôm của GS Nguyễn Quang Hồng không chỉ là một chuyên luận nghiên cứu nhiều mặt về chữ Nôm, mà qua đó còn xây dựng một hệ thống thuật ngữ cùng hệ thống phương pháp tiếp cận đối tượng, tạo thành một bộ khung lý thuyết, gợi mở cho sự phát triển của bộ môn văn tự học ở nước ta. Bên cạnh đó, cuốn sách cũng chứa đựng một khối lượng tư liệu, dẫn liệu phong phú, được lựa chọn công phu, có giá trị tiêu biểu. Người đọc còn được tiếp xúc với nhiều bảng biểu, nhiều hình ảnh minh họa, giúp cho bạn đọc phổ thông có thể nhìn thấy tận mắt những tư liệu vốn không dễ tìm.
Khái luận văn tự học chữ Nôm là một công trình khoa học viết theo tinh thần đối thoại. Đối thoại là lắng nghe người khác và nêu ý kiến của mình. Tác giả tỏ rõ một thái độ khiêm tốn, trân trọng mọi thành tựu của người đi trước, trích dẫn đầy đủ và trung thực, nhưng cũng sòng phẳng trong việc nêu lên kiến giải riêng của mình.
Về mặt hình thức, Khái luận văn tự học chữ Nôm còn là một mẫu mực
trong việc trình bày chuyên luận khoa học, rất đáng được đề xướng. Các ghi chú xuất xứ được đưa ngay vào chính văn, đặt trong ngoặc vuông với co chữ nhỏ hơn, tạo thuận lợi cho người đọc. Trong chính văn cung cấp luôn các dẫn liệu dưới dạng chữ Hán và chữ Nôm, tiếng Nga, tiếng Anh và tiếng Pháp, để bạn đọc dễ theo dõi và kiểm chứng. Phần thư mục không chỉ ghi danh sách các tài liệu tham khảo, mà còn cung cấp thông tin về việc tài liệu ấy được đề cập đến ở chương nào, mục nào trong sách.
Cuốn sách Khái luận văn tự học chữ Nôm của GS Nguyễn Quang Hồng đã thực sự hấp dẫn tôi, một bạn đọc thuộc loại láng giềng thân thiện của văn tự học và ngôn ngữ học, và vì vậy tôi tin rằng nó cũng gây hứng thú với hầu hết những ai quan tâm đến văn hóa dân tộc, đến chữ Nôm, một di sản quý báu trong văn hóa cổ truyền của nước ta. Và lẽ đương nhiên, tôi nghĩ rằng cuốn sách cũng sẽ đem đến nhiều gợi mở bổ ích cho những ai muốn đi sâu nghiên cứu chữ Nôm, một đối tượng đầy hấp dẫn nhưng cũng không kém phần phức tạp, bộn bề.
Hà Nội, ngày 10-6-2009
Bài đã đăng trên Văn nghệ, số 27, ra ngày 4/7/2009, tr. 10.
http://trandinhsu.wordpress.com/2015/01/11/mot-dong-gop-moi-ve-nghien-cuu-chu-nom/

2 nhận xét:

  1. Riêng cái khỏan này thì anh Triều Tiên đúng là giỏi, trách chi nó giàu!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đồng ý với em. Về mặt tư duy sáng tạo thì người Triều Tiên quả là đáng nể. Từ khoảng thế kỉ 16 họ đã bắt đầu tạo ra được bộ chữ riêng (theo dạng chữ cái ghép và mà đánh vần). Hoàn toàn độc lập với hệ chữ Hán. Tuy gợi ý đầu tiên là từ tự dạng của chữ Hán.

      Và chính người Triều Tiên cũng đang tự nhận là đã tạo ra bộ chữ viết Hiragana và Katakana cho người Nhật.

      Nếu quả đúng, thì họ đã tạo ra được 2 bộ chữ.

      Nên về cá nhân, anh rất nể bộ óc sáng tạo của người Triều Tiên. Vượt trội hơn cả người Trung Quốc, Việt Nam, Nhật Bản.

      Xóa

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.