Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

15/12/2014

Tác giả của "Chuyện đông chuyện tây" và "Những tiếng trống qua cửa nhà sấm" (An Chi, Huệ Thiên)

Hôm trước, đang dừng lại với cụ An Chi ở các chi tiết, như quả thực hay Tàu, hay nữa là đồng bóng, vân vân. Cụ lan man và tay chơi thế thôi. Người ta cũng gọi cụ là học giả.

Hôm nay, thử đọc một bài giới thiệu về An Chi (tức Huệ Thiên) của Huỳnh Công Tín.



Huỳnh Công Tín

Trong lời tựa công trình “Chuyện Đông Chuyện Tây”, Giáo sư Cao Xuân Hạo nhận định sự nổi tiếng của An Chi khiến nhiều người hình dung ông phải là cụ già, đầu bạc trán hói, thông kim bác cổ: “Trong trí tưởng tượng của họ, An Chi gần như là một nhân vật huyền thoại, khó lòng có thật trong cuộc sống còn nhiều hàng dỏm, sách dỏm và trí thức dỏm này.”.

Uy tín trong nghiên cứu khoa học Ngữ Văn, Xã hội và Nhân văn của học giả An Chi, tên thật Võ Thiện Hoa, bút hiệu Huệ Thiên, nổi tiếng từ những năm 90 của thế kỉ XX, khi ông bắt đầu phụ trách chuyên mục “chuyện Đông chuyện Tây” cho Kiến Thức Ngày Nay. Những bài trả lời thắc mắc cho người đọc được ông tập hợp lại in trong công trình “Chuyện Đông Chuyện Tây”, 6 tập, Nhà xuất bản Trẻ phát hành và tái bản trong những năm từ 1997 đến 2006. Được biết, ông cũng chuẩn bị xong tập 7, đang chờ ngày ra mắt độc giả. Lần xuất bản đầu tiên(1), Cao Xuân Hạo viết lời tựa. Trong lời tựa, Giáo sư nhận định sự nổi tiếng của An Chi khiến nhiều người hình dung ông phải là cụ già, đầu bạc trán hói, thông kim bác cổ: “Trong trí tưởng tượng của họ, An Chi gần như là một nhân vật huyền thoại, khó lòng có thật trong cuộc sống còn nhiều hàng dỏm, sách dỏm và trí thức dỏm này.”(2). Tôi vinh dự biết ông gần đây, năm 2007, trong dịp đi đưa tang thầy Cao Xuân Hạo ở chùa Hoằng Pháp. Từ đó, thỉnh thoảng tôi lên Sài Gòn có ghé thăm ông. Ông vẫn khỏe, vẫn làm việc bền bỉ. Dù cao tuổi, ông tiếp chúng tôi chân tình, ngay cả khi cần nghỉ ngơi.
Tôi tặng ông cuốn “Từ điển Từ ngữ Nam Bộ”, 2007, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, xin được sự góp ý. Ông tặng tôi quyển “Những tiếng trống qua cửa các nhà sấm”, 2004, Nxb. Trẻ, TP. HCM. Thời gian sau, tôi nhận được góp ý. Nói chung, những góp ý của ông chân tình và nâng đỡ thế hệ trẻ; khác với ý nghĩ mà tôi mường tượng về ông trước đây: phải là người “căng lắm”. Tôi đọc quyển sách ông tặng, thêm nể sự uyên bác của ông, khi ông thẳng thắn trao đổi với những nhà khoa học tên tuổi, như Giáo sư Nguyễn Lân, Giáo sư Phan Huy Lê, Giáo sư Phan Ngọc, Giáo sư Trần Quốc Vượng… Văn phong ông nhẹ nhàng, ý tưởng chân xác, tâm ông cởi mở, thành thật. Người được góp ý chắc không buồn gì ông. Khi bắt tay làm cuốn “Từ điển Từ ngữ Nam Bộ”, tôi gặp khó khăn trước một số mục từ ngữ cổ, xa xưa, những thành ngữ, quán ngữ riêng Nam Bộ, ít có sách quan tâm giải thích. Biết An Chi, người quê quán Gia Định, học giả nổi tiếng cả nước, học giả “gốc Nam Bộ”, tôi rất mừng. Qua bộ “chuyện Đông chuyện Tây”, tôi giải quyết được những mục từ khó. Về đời tư, được biết ông tự trang bị kiến thức cho mình để nghiên cứu, thật đáng phục. Như Cao Xuân Hạo đã viết trong Lời tựa: “Vả chăng chính cuộc đời của An Chi cũng đã là một tấm gương sáng chói của ý chí vượt qua mọi nỗi gian truân để đạt đến một đỉnh cao của tri thức.”(3), tôi nể phục vốn hiểu biết và nhân cách ông, nên gọi ông là thầy.
An Chi sinh năm 1935, tại Sài Gòn, quê ở làng Bình Hoà, quận Gò Vấp, tỉnh Gia Định. Võ Thiện Hoa là “dân Tây” (có quốc tịch Pháp), tên Pháp là Emile Pierre Lucatos, thời niên thiếu sống ở Sài Gòn – Chợ Lớn. Có 20 năm sống xa mảnh đất quê nhà là thời gian ông vượt tuyến ra Bắc, tháng 5/1955; rồi trở về Nam sau hòa bình lập lại tháng 8/1975. Quãng đời trung niên, lão niên, An Chi đều trải qua ở Bình Hòa, nay thuộc Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh.
An Chi cộng tác với một số tờ báo, tạp chí, viết nhiều lĩnh vực: lịch sử, văn hóa, địa lí, ngữ văn…, chuyện trong nước, ngoài nước; điển cố, tích xưa… Bao giờ nhận định, nêu ý kiến, ông cũng tra khảo cẩn thận, tới nơi tới chốn. (Không rõ, ông còn có nguồn tư liệu nào khác nữa không; nhưng tủ sách gia đình ông (theo tôi) là chỗ dựa tin cậy được. Thì ra, ông đầu tư cho việc nghiên cứu từ lâu và “bài bản lắm” mới có được một lượng sách quý như vậy.)
            Lĩnh vực ông quan tâm nhiều là “từ nguyên”. Vấn đề ông viết, tạm chia thành 3 lớp từ ngữ: từ thuần Việt, (bao gồm những yếu tố Việt có nguồn gốc Hán xưa) từ Hán Việt và từ gốc ngôn ngữ khác. Ba lớp từ gốc, xét trên bình diện nội dung chia thành 2 nhóm: từ định danh (biểu vật), từ biểu nghĩa (biểu vật, biểu niệm, biểu thái) trên 2 phạm vi hiện được dùng: toàn dân và địa phương, khẩu ngữ. Khái quát lại có thể hình dung qua bảng:

Từ định danh
Từ biểu nghĩa
Toàn dân
Địa phương
Toàn dân
Địa phương
Từ
thuần Việt

Từ thuần Việt định danh toàn dân(TVĐDTD)
Từ thuần Việt định danh địa phương(TVĐDĐP)
Từ thuần Việt biểu nghĩa toàn dân(TVBNTD)
Từ thuần Việt biểu nghĩa địa phương(TVBNĐP)

Từ
Hán Việt

Từ Hán Việt định danh toàn dân(HVĐDTD)
Từ Hán Việt định danh địa phương(HVĐDĐP)
Từ Hán Việt biểu nghĩa toàn dân(HVBNTD)
Từ Hán Việt biểu nghĩa địa phương(HVBNĐP)
Từ
gốc ngôn ngữ khác

Từ gốc ngôn ngữ khác định danh toàn dân(NNKĐDTD)
Từ gốc ngôn ngữ khác định danh địa phương(NNKĐDĐP)
Từ gốc ngôn ngữ khác biểu nghĩa toàn dân(NNKBNTD)
Từ gốc ngôn ngữ khác biểu nghĩa địa phương (NNKBNĐP)
            Với các nhóm từ được kí hiệu bằng chữ viết tắt, chúng tôi sẽ chọn các trường hợp nghiên cứu tiêu biểu của ông để phân tích, đánh giá.
1. Nhóm TVĐDTD, có bài viết: “Từ nguyên của từ Tết”; có mục trả lời: “Sao Bánh Lái là sao nào và bánh trong bánh lái nghĩa là gì?”.
Bài viết nhận định Tết là một từ Việt gốc Hán, bắt nguồn ở một từ Hán, đọc là tiết. Đưa ra nhận định này, An Chi đã chứng minh từ 2 bình diện ngữ nghĩa và ngữ âm. Có thể nhận định của ông đúng hoặc sai, thuyết phục hoặc không, nhưng theo chúng tôi, việc truy từ nguyên ở trường hợp này không mang nhiều giá trị thông tin giúp cho việc nghiên cứu lịch sử, ngữ văn tiếng Việt. Hơn nữa Tết nếu có gốc Hán, thì việc vay mượn này cũng đã xa yếu tố gốc về thời gian, phương diện ngữ âm, đặc biệt là ngữ nghĩa đã mang một nghĩa riêng hẳn, của tiếng Việt. Ngay cả An Chi cũng thừa nhận điều này khi nói về Tết với nghĩa “Tết Nguyên đán”: “Đây không những chỉ là Tết đầu tiên trong các cái tết của năm âm lịch mà còn là Tết mở đầu cho một năm nữa. Chính vì vị trí đặc biệt của nó trong năm như thế cho nên riêng đối với nó, người ta đã dần dần lược bỏ cái định ngữ “Nguyên đán”; chỉ cần nói Tết mà vẫn biết được đó là tết nào rồi.(4)
            Xác định sao Bánh lái, An Chi không chỉ giúp bạn đọc có được hiểu biết định vị sao trời, tên gọi, mà không ít người đã nhầm lẫn: “Sao bánh lái chính là tên dân gian xưa mà người Việt đã dùng để gọi các ngôi sao mà người Trung Hoa gọi là Bắc đẩu tinh, còn danh từ thiên văn học hiện nay thì gọi là Đại hùng, tiếng Pháp là Grande Ourse, còn tiếng Anh thì gọi theo tiếng La Tinh là Ursa major.”.(5) Cách gọi tên dân gian sao bánh lái là cách gọi “có hình ảnh”, cho thấy dáng tổng quát của chòm sao 7 ngôi này (sao 1: Thiên Khu - Dubhe, sao 2: Thiên Tuyền - Mérak, sao 3: Thiên Cơ - Phecda, sao 4: Thiên Quyền - Mégrez, sao 5: Ngọc Hành - Alioth, sao 6: Khai Dương - Mizar, sao 7: Dao Quang - Alkaid.), tương tự như cái bánh lái ghe, tàu; nên dễ nhận biết hơn khi quan sát sao trời.
2. Nhóm TVĐDĐP, các mục trả lời: “Hai tiếng (dầu) Cù Là xuất xứ từ đâu?, Ở Huế có địa danh Thọ Xương hay không?...”.
Truy tìm xuất xứ và nghĩa của hai tiếng Cù Là, theo chúng tôi, giúp xác định nghĩa ban đầu. Nghĩa này cũng được ghi nhận trong sáng tác của Sơn Nam về xóm Cù Là (nơi người Cù Là (Miến Điện) đến buôn bán, định cư cuối thế kỷ XIX) thuộc làng Vĩnh Hòa Hiệp, cách chợ Rạch Giá 13 cây số, nay hãy còn tên. Quan trọng hơn sự phát triển nghĩa khái quát của từ này trong cộng đồng người Nam Bộ là “tất cả các loại dầu cao, bất kể chúng được sản xuất tại nước nào.”. Mặt khác, tôi cũng đồng ý với An Chi là cho đến giờ, tôi chưa nghe ai trong vùng Miền Tây này gọi “chocolat” là “súc cù là” mà chỉ nghe nói “sô cô la”, hoặc “sô cu la” (nói vui “cho có lát, cho cô la”). Vì vậy, dầu cù cà không căn cứ màu sắc mà căn cứ chất dầu: không phải dạng lỏng mà ở dạng sền sệt (dạng cao).
Truy tìm và khẳng định địa danh Thọ Xương, ở xã Nguyệt Biều thuộc huyện Hương Thủy, gò gối bờ phía nam sông Hương, đối diện với núi Thiên Mụ ở bên kia sông, trước gọi là Kho Thọ Khang thượng, theo An Chi, khang cũng đọc khương, đầu niên hiệu Gia Long đổi tên là Thọ Xương, năm Minh Mệnh thứ 5, đổi tên là Long Thọ Cương, là để khẳng định tính chân xác của câu ca Huế “Gió đưa cành trúc la đà, Tiếng chuông Thiên Mụ, canh gà Thọ Xương.”. Đồng thời, giúp loại bỏ những những nhận định phản thực tế.
3. Nhóm TVBNTD, có bài viết: “Chung quanh từ nguyên của từ gạoSấu là một yếu tố cổ Hán Việt, Về từ nguyên của cặp từ chết - giết.”; các mục trả lời: “Ăn vóc học hay: vóc là gì?, Búa trong chợ búa là gì và có phải là một với búa trong hóc búa không? Hóc có phải là nghẹn không?, Bưng tai giả điếc: bưng là gì?, Cái trong con cái là gì?, Cào cào và châu chấu, Chiềng trong chiềng làngchiềng chạ không phải là chiềng trong chiềng mường, Chó nhảy bàn độc: độc hay là đọc? Bàn độc (hoặc bàn đọc) là gì?, Do đâu mà có thành ngữ phớt Ăng lê?, Lúa tốt xem biên – người hiền xem tướng: chữ lúa có đúng không?, Mèo mả gà đồng: gà đồng là con gà hoang hay con ếch?, Nguồn gốc của lối nói ông xã, bà xã để chỉ người chồng và người vợ, Phận gái mười hai bến nước: mười hai bến là những bến nào?, Tại sao gọi là đồng bóng? Nếu đồng là do tiên đồng ngọc nữ thì bóng là do đâu?, Tại sao lại nói “chim chuột” để chỉ chuyện trai gái ve vãn nhau?, Thằng bờm có cái quạt mo: bờm hay là bần?, Thuốc đắng đả tật hay thuốc đắng dã tật?, Tiếng Việt có bao nhiêu từ cái thuần Việt và Hán Việt?, Từ nguyên của cốc (li đựng nước)…”.
            Bài viết đề cập đến từ nguyên của từ gạo, nêu lên một số vấn đề trong nghiên cứu khoa học liên quan đến lịch sử, khảo cổ, ngữ hệ… là “những cứ liệu “ngôn ngữ chi ngoại” luôn luôn chỉ là bằng chứng, chứ dứt khoát không thể thay thế cho những cứ liệu “ngôn ngữ chi nội” được, nếu người ta thực sự muốn đạt đến những kết quả chính xác trong từ nguyên học.”.(6) Mặt khác, đề cập đến cặp từ chết - giết, An Chi muốn đặt lại vấn đề về kết quả nghiên cứu của A. G. Haudricourt về việc chứng minh “phương pháp tạo từ bằng phụ tố trong tiếng Việt cổ, đặc trưng cho các ngôn ngữ Nam Á là không thực tế.”.(7) Vì theo An Chi, đây là một cặp từ Việt gốc Hán.
            Mục trả lời: “Búa trong chợ búa…”, khẳng định một quan điểm mới (đối lập với quan điểm truyền thống) tồn tại trong giới nghiên cứu ngữ học là “âm tiết (tiếng) trong tiếng Việt, trừ những từ phiên âm, đều có nghĩa hoặc vốn có nghĩa”. Nếu thừa nhận quan điểm này thì hàng loạt kết quả trong nghiên cứu từ, hình vị thuộc lĩnh vực từ vựng, ngữ pháp học của quan điểm truyền thống cần phải được xem xét lại. Ngày còn ngồi ở ghế nhà trường, tiếp thu quan điểm của GS. Nguyễn Thiện Giáp, Cao Xuân Hạo…, chúng tôi nhận thức rằng, ông có lí.
            Mục trả lời: “Chiềng trong chiềng làng…” phản biện lại quan điểm xem chiềng trong câu này là một hình thức công xã nông thôn cổ. Theo An Chi, chiềng làng,chiềng chạ thực ra còn đọc là trình làngtrình chạ, còn truyền lại trong nhiều bài giáo trò, chẳng hạn: “Trình làng, trình chạ, Thượng hạ, tây đông. Tứ cảnh hòa trung, Tôi xin giáo trống (…)”.(8) Bằng nhiều dẫn liệu, theo chúng tôi, quan điểm của An Chi trong mục trả lời này đủ sức thuyết phục.
            Các mục trả lời có liên quan đến từ “cái…” xác định các phạm vi ngữ nghĩa của từ trong cả hai hệ thống từ Việt và Hán Việt làm cơ sở nhận diện nhóm những từ có chung trường nghĩa. Còn mục trả lời: “Cào cào và châu chấu” xác định sự khác biệt ngoại diên của từ liên quan đến phương ngữ.
Các mục trả lời khác: “Ăn vóc học hay, Chó nhảy bàn độc, Lúa tốt xem biên, Mèo mả gà đồng, Mười hai bến nước, Nguồn gốc của lối nói ông xã, bà xã, Tại sao gọi là đồng bóng, Tại sao lại nói chim chuột, Thuốc đắng đả tật…”, An Chi đã chịu khó tra cứu từ điển, tích xưa cẩn thận khi đưa ra kiến giải giúp người đọc có được những cách hiểu đúng về các thành ngữ, quán ngữ, từ thông dụng trong đời sống xã hội, trong văn chương. Mục từ nguyên sấu có gốc từ sứu,(9) An Chi vừa phân tích tính tượng hình của loại hình ngôn ngữ ghi ý, vừa dè dặt nêu ra nhận định, phải chăng đây là “ngữ liệu” Hán cổ còn lưu giữ trong tiếng Việt?  
 
(Nguồn: vnmilitaryhistory.net)
4. Nhóm TVBNĐP, có các mục trả lời: “Cả mô là gì?, Lại góp ý và trả lời về thành ngữ bắt cá hai tay, Nói thêm về từ nguyên của Kẻ trong địa danh, Rắn mắt hay rắn mặt?, Tại sao gọi cái rựa (để bửa củi) là đực rựa?, Tại sao gọi là con giáp? Mỗi con giáp có bao nhiêu năm?, Tại sao trước đây người Nam Bộ gọi người Khmer là đàn thổ?...”.
            Các mục từ trả lời: “cả mô, bắt cá hai tay, rắn mắt, đực rựa, con giáp, đàn thổ” liên quan đến phương ngữ Nam Bộ. Nhìn chung, những ý kiến ông đưa ra phù hợp với cách hiểu của người Nam Bộ, nhưng không phải những lí giải sắc sảo của ông, người Nam Bộ nào cũng phân tích được. Đặc biệt, thành ngữ bắt cá hai tay kèm theo hai từ bắt cáthả cá cho người đọc thấy được lối dùng từ xuất phát từ thực tế đời sống của họ. Từ nguyên “kẻ”, tuy chúng tôi xếp vào mục từ Việt (Việt gốc Hán), địa phương (chỉ trong phạm vi miền), nhưng xét về gốc thì từ này và các từ khác nữa (có thể) lại có gốc Hán, như An Chi đã phân tích, chứng minh. Trong bài “Về những địa danh “thuần Việt” thời Hùng Vương”, Huệ Thiên còn đi đến kết luận có thể nói là “táo bạo” có tính “thách thức” giới học giả và các nhà nghiên cứu: “Tóm lại, trong toàn bộ các địa danh Việt Nam liên quan đến địa bàn cư trú của người Việt thời xưa, chắc chắn có những trường hợp là những chữ Hán dùng để phiên âm tiếng bản địa nhưng cũng chắc chắn những trường hợp đó là thật sự ít ỏi. Tuyệt đại đa số thì lại là những địa danh song tiết đặt bằng chữ Hán. Trong số đó, có nhiều địa danh thật sự cổ xưa, thường được gọi tắt bằng một trong hai âm tiết hữu quan, âm tiết này lại được đọc theo âm Hán Việt xưa, khó nhận diện, nên nhiều người, đặc biệt là các học giả và các nhà nghiên cứu, cứ ngỡ rằng chúng là thuần Việt, là Nôm!”.(10) Trong trường hợp này, chúng tôi chưa có khả năng nhận định lập luận của An Chi là đúng hay không, nhưng kiến giải của ông đã thuyết phục chúng tôi. Vấn đề, chúng tôi muốn có được thêm những kiến giải phản biện An Chi mà An Chi đã phản biện.
5. Nhóm HVĐDTD, có bài viết: “Tìm hiểu về hai từ Bụt và Phật”; các mục trả lời: “Nghĩa và xuất xứ địa danh Móng Cái, Nguyễn Hữu Cảnh hay Nguyễn Hữu Kính?, Tên thật của vua Gia Long là Nguyễn Anh hay Nguyễn Ánh?, Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam (KHXH, 1991) đã nhất loạt ghi tên các họ Chu và Châu thành ChâuHuỳnhvà Hoàng thành HoàngVũ và Võ thành . Làm như thế có đúng hay không?, Xuất xứ của yếu tố Hoa trong Trung Hoa…”.
            Bài tìm hiểu về hai từ Bụt và Phật, như An Chi nhận định đó là sự phiên âm thẳng từ Ấn Độ Buddha thông qua Trung Quốc: “Bụt và Phật là hai cách đọc khác nhau của cùng một chữ Hán mà người ta đã dùng để ghi tiếng phiên âm âm tiết thứ nhất của từ Sanskrit “Buddha”.”.(11) Những phân tích, chứng minh của ông còn bác bẻ các lập luận của giới nghiên cứu. Để phản biện nhận định của Đinh Gia Khánh và Chu Xuân Diên đã viết: “Hai tên gọi khác nhau của Bụt và Phật phản ánh hai con đường du nhập của đạo Phật, một đằng thì trực tiếp từ Ấn Độ sang (Bụt là phiên âm thẳng từ Ấn Độ Buddha); một đằng thì thông qua Trung Quốc (Phật, Phù đồ là âm Hán Việt của các từ ngữ Trung Quốc). Bụt lại là từ ngữ dân gian, còn Phật là từ ngữ bác học.”,(12) An Chi đã làm thống kê một số công trình, như: Tục ngữ Việt Nam của Chu Xuân Diên, Lương Văn Đang và Phương Trì, Hà Nội, 1975; Tục ngữ, ca dao, dân ca Việt Nam của Vũ Ngọc Phan, Hà Nội, 1971. Cả hai đã cho kết quả lần lượt: Phật xuất hiện 5 lần, Bụt chỉ có 2 lần; Phật xuất hiện 7 lần, còn Bụt chỉ có 2.(13) Ngay cả hai tác giả Thích Minh Châu và Minh Chi, tuy đã có nhận định: “… Tiếng Việt gọi là Bụt hay Phật. Tiếng Bụt phổ thông hơn trong văn học dân gian và là dấu hiệu chứng tỏ: đạo Phật truyền đến nước ta sớm lắm, sớm hơn đến Trung Quốc.”,(14) cũng có lúc đưa ra nhận định phản bác lại chính mình và phản bác luôn cả Đinh Gia Khánh, Chu Xuân Diên: “Trong văn học dân gian từ “Phật” được dùng rất nhiều”.(15) Từ thống kế, phân tích ý kiến mâu thuẫn của giới nghiên cứu, An Chi đi đến kết luật ngắn ngọn: “Vậy lẽ ra phải nói Phật “dân gian” hơn Bụt.”.(16) Còn đây là nhân định sắc sảo, “hóm hỉnh” của Huệ Thiên: “Vả lại, nếu quả thật Bụt là từ ngữ dân gian còn Phật là từ ngữ bác học thì người ta phải thừa nhận sự thật sau đây: thời xưa dân gian còn am hiểu ngữ âm hơn cả các học sĩ nữa, bởi cái tai thẩm âm của họ tinh tế hơn của nhà sư và nhà nho rất nhiều. Chả thế mà “Bụt” gần với “Bud(dha)” của tiếng Sanskrit còn “Phật” thì chẳng có gì giống với nó cả: âm đầu, âm chính, âm cuối đều khác nhau (ph ≠ b, â ≠ u và t ≠ d).”.(17)
            Các mục trả lời: “tên, họ, địa danh, tên nước” đều có phân tích, biện luận, nêu chứng cứ trước khi đi đến kết luận. Cung cách làm việc này thật đáng để chúng ta học tập.
6. Nhóm HVĐDĐP, có các mục trả lời: “Góp ý và trả lời có liên quan đến họ Hoàng Huỳnh, Họ Huỳnh với sự kiêng tên của chúa Nguyễn Hoàng…”.
            Mục trả lời này khiến chúng tôi nhớ lại một việc. Gần đây, tôi có nhận một thư gửi đến Hoàng C. T. để thăm hỏi và mời tham gia “phổ hệ” dòng họ Hoàng, do nhóm đại diện dòng họ Hoàng ở Hà Nội đứng ra đề xướng. Lúc đầu tôi định tham gia, nhưng sau nghĩ lại nên thôi: mình họ Huỳnh, chứ nào họ Hoàng. Có thể ông cha mình trước đây mang họ Hoàng, nhưng khi vào Nam theo chúa Nguyễn Hoàng, để “nhớ ơn” mà đổi thành Huỳnh. Vậy sao mình phải đổi họ lại, để “khác họ” với cha ông mình? Tôi rất đồng ý với trả lời của An Chi khi có ai đó đề nghị ông “Vậy phải chăng ta nên có mấy dòng đính chính hoặc xin lỗi đối với họ Hoàng-Huỳnh này?” An Chi đáp: “Họ người ngoài khía cạnh tông tộc, còn có cả khía cạnh xã hội. Mà về mặt xã hội thì đã rõ Huỳnh và Hoàng là hai họ riêng biệt và độc lập với nhau. Việc làm cho người ngoài hiểu đúng mối quan hệ huyết thống của dòng họ Hoàng - Huỳnh mà ông đề cập thì lại không thuộc về trách nhiệm của chúng tôi. Chúng tôi chỉ có bổn phận phải xin lỗi khi nào có người trong dòng họ đó ký Huỳnh X chẳng hạn, mà chúng tôi lại tự tiện đổi thành Hoàng X, hoặc khi nào có người trong dòng họ đó ký Hoàng Y chẳng hạn, mà chúng tôi thì lại tự tiện đổi thành Huỳnh Y.”.(18)
7. Nhóm HVBNTD, có bài viết: “Chữ vằn liền với chữ văn một vần, Sự tích ngày Rằm tháng Bảy và xuất xứ của hai tiếng Vu lan, Từ nguyên của bù nhìn”; các mục trả lời: “Ăn như hạm: hạm là gì?, Cái thẹp là cái gì? Đâu là xuất xứ của từ này?, Con lân là con gì? Tại sao trong Nam nói múa lân mà ngoài Bắc lại nói múa sư tử?, Cổ bồn là gõ chậu hay là gõ nhạc khí?, Dựng vợ gả chồng: dựng là gì?, Đầu cua tai nheo: tai là gì?, Khỏe như vâm: vâm có phải là voi? Đâu là xuất xứ của từ này?, Lái trong lái buônmối lái có phải là một với lái trong lái thuyềnlái đò không?, Nguồn gốc của hai tiếng ba hoa, Phu khiêng đòn đám ma là đô tì hay đô tùy?, Tại sao gọi là ông táo?, Tại sao lại nói giao thừa? Có phải do nói trại hai tiếng giao thời?, Tại sao lại dùng thị làm tiếng lót để đặt tên cho phụ nữ?, Tại sao lại nói quay tít thò lò? thò lò là gì?, Tạo hóa và tạo vật là một hay hai?, Té lăn cù:  là gì?, Từ nguyên của heo và may trong gió heo may, Từ nguyên của máy móc, Từ nguyên của mưỡu, Từ nguyên của quàvà cáp trong quà cáp, Từ nguyên của vía...”.
            Ba bài viết trong “Những tiếng trống qua cửa các nhà sấm” về hai tiếng vằn và vănvu lan và bù nhìn cho thấy trước khi đưa ra kiến giải, Huệ Thiên đã phân tích từ nguyên khá cẩn thận, chẳng hạn:
            Để chứng minh văn và vằn có liên quan về nghĩa, Huệ Thiên đã liệt kê 23 nghĩa của chữ văn trong Hán ngữ đại từ điển (Thành Đô 1993), trong đó có nghĩa liên quan đến vằn: “lằn, sọc, vằn, nét…”, rồi tra Từ hải bản tu đính 1989 thì thấy 4 nghĩa của chữ văn được sắp xếp rất hợp lí như sau: “Văn: 1. Vằn, sọc, đường, nét…, 2. Hoa văn (đường nét trang trí), 3. Văn tự, chữ viết (“đường nét” để ghi tiếng nói), 4. Văn chương.”.(19) Cũng theo ông, cách đọc Hán Việt của chữ văn có đến 3 âm được sắp xếp theo thứ tự thời gian từ xa nhất đến gần nhất như sau: vằn - văn - vân. Như vậy, vằn là âm Hán Việt xưa hơn văn. Ba chữ này được Từ điển tiếng Việt 1992, ghi nhận như sau:
            Văn: Hình vị góp phần tạo ra hàng loạt tổ hợp hai tiếng, có 52 trường hợp, liên quan đến văn hóa, văn học, văn bản, văn bài … văn võ, văn xuôi…
Vằn: “Vệt màu hình cong lượn song song trên lông một số loài thú (nói tổng quát)”.
            Vân: “Đường cong lượn song song hình thành tự nhiên trên mặt gỗ, trên mặt đá hay ở đầu ngón tay”.(20)
            Từ những dẫn liệu trên, Huệ Thiên đi đến kết luận có tính khái quát về hiện tượng từ nguyên của các từ Việt gốc Hán: “Lâu nay nhiều người cứ ngỡ rằng trong hệ thống Hán Việt, chữ “văn” chỉ có âm “văn” chứ không ngờ rằng nó còn có cả âm” vằn” và âm “vân” mà” vằn”, với nghĩa đã nói có lẽ là hiện tượng bất ngờ nhất. Thực ra, nếu đi sâu vào từ nguyên của các từ Việt gốc Hán thì người ta sẽ còn khám phá ra nhiều điều thú vị khác nữa.”.(21)
Khái niệm Vu lan, dạng tắt của Vu lan bồn, được dịch âm từ chữ Sanskrit Ullabana của một số nhà nghiên cứu mà theo ông “…từ Sanskrit này đã bị viết sai. Vậy không biết ở đây, hai tác giả muốn nói đến danh từ Sanskrit nào, nhưng cứ theo dạng sai chính tả đã thấy thì có thể luận ra rằng đó là một trong hai từ sau đây: ullambana hoặc ullambhana.”.(22) Từ sự phân tích, tác giả đi đến kết luận: “Vậy “ullambhana” có nghĩa là sự giải thoát. “Ullambhana” được phiên âm sang Hán ngữ bằng ba tiếng đọc theo âm Hán Việt là “Vu lan bồn”. “Vu lan bồn” được nói tắt thành “Vu lan”. Vậy “Vu lan” là sự giải thoát. Xuất xứ của nó là danh từ Sanskrit “ullambhana”. Đây là từ thứ hai trong hai từ mà chúng tôi đã suy đoán ở trên. Trong cấu tạo của từ này, tuyệt nhiên cũng không có một thành tố nào mà về ngữ nghĩa lại có liên quan đến hiện tượng “treo ngược” cả.(23) Dầu kết luận vậy, nhưng tác giả vẫn dè dặt và khiêm tốn viết thêm: “Trở lên, dù sao cũng chỉ là ý kiến thô thiển của cá nhân. Nó đúng hay sai thì còn phải chờ ở sự thẩm xét của các nhà chuyên môn, trước nhất là các nhà Phật học và các nhà Phạn học.”(24)
Từ bù nhìn, lâu nay giới từ vựng – ngữ pháp học đều nhìn nhận đây là “2 tiếng vô nghĩa tạo nên từ”. Chúng tôi được học quan điểm này; nhưng khi giảng vềRanh giới từ vựng tiếng Việt, theo quan điểm không truyền thống “mỗi tiếng là từ”: tuy chúng tôi không chứng minh được từng thành tố nghĩa bù, nhìn; nhưng chúng tôi vẫn cho rằng, phải xem đây là sự kết hợp 2 từ có nghĩa, thì thuận trong tương quan hệ thống tiếng Việt hơn sự nhìn nhận đây là 2 tiếng vô nghĩa hợp thành từ đa âm có nghĩa. Nay trong quá trình khảo cứu, Huệ Thiên đã đưa ra các nguyên từ (etymon) cho từ nguyên bù nhìn, gồm: “bồ nhân, phù nhân, mạo nhân, mộc nhân, môn nhân” và chọn nguyên từ môn nhân để phân tích sự tiến triển ngữ âm, ngữ nghĩa: Môn nhân (âm xưa mùn nhìn) có hiện tượng chuyển dịch âm: môn > mùn > mùnhân > nhin > nhìn, chuyển dịch nghĩa: người gác cửa > hình người bằng rơm đóng vai trò của người trông coi ruộng nương để dọa chim chóc. Kết luận của ông “xin mạo muội nêu ra để thỉnh giáo ở các nhà chuyên môn”, tuy chưa thể nói là thuyết phục được hết giới chuyên môn, nhưng ông đã giúp cho những người theo quan điểm “mỗi tiếng là từ” (trừ tiếng phiên âm) có thêm “ánh sáng” trên đường đi tìm chân lí khoa học.
Các mục trả lời có liên quan đến các từ: “như hạm, cái thẹp, con lânmúa lânmúa sư tửcổ bồndựng vợ, tai nheo, như vâmlái buônmối láilái thuyềnlái đò,ba hoađô tìđô tùyông táogiao thừathị (tiếng lót), thò lòtạo hóatạo vậtlăn cùheo maymáy mócmưỡuquà cápvía…”, tuy không thỏa mãn hết mọi trường hợp, nhưng phần lớn trường hợp, tác giả có những phân tích thấu đáo, dẫn chứng hợp lí, nên chúng tôi cảm thấy thỏa mãn với hầu hết những kết luận của ông.
8. Nhóm HVBNĐP, có các mục trả lời: “Ba và  trong tiếng miền Nam có phải là gốc Pháp?, Nguồn gốc của hai tiếng thổ mộ trong xe thổ mộSui gia và thông gia có khác nhau không?…”.
            Mục trả lời bác bỏ ý kiến cho rằng, từ ba, má có nguồn gốc Pháp, chúng tôi cho là hợp lí. Còn cách lí giải của ông về cụm từ xe thổ mộ, có mui na ná như ngôi mộ đất, cung cấp cho người đọc một điều thú vị về lối định danh đơn giản, nhưng gắn với thực tế mà trong nhiều trường hợp người Nam Bộ dùng để gọi tên sự vật, như: xe kiếng, bến bạ, kinh đòn dông, kinh ruột ngựa, dinh xã Tây, đàng Thổ, đồng chó ngáp, hạng cá kèo…
9. Nhóm NNKĐDTD, có bài viết: “Từ nguyên của Noёl và Christmas”; các mục trả lời: “Địa danh Đà Lạt có phải là do một câu bằng tiếng La Tinh mà ra?, Phù Nam có phải là tên phiên âm từ tiếng Khmer phnom (núi)? Tại sao lại gọi tên một nước bằng một từ có nghĩa là núi?, Tại sao Sa Tăng có công bảo vệ Đường Tam Tạng đi thỉnh kinh mà lại có câu chửi đồ quỷ Sa Tăng?, Tại sao trước đây Thái Lan được gọi là Xiêm hoặc Xiêm La? Tại sao lại đổi thành Thái Lan? Các tên đó có ý nghĩa gì?...”.
Bài viết về từ nguyên Noёl và Christmas được phân tích cặn kẽ, chi tiết, giúp người đọc có được những hiểu biết chính xác liên quan đến những chữ thông dụng trong dịp lễ Giáng sinh - 25/12, một ngày lễ trở nên phổ biến với nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Các mục trả lời về địa danh, tên nước, tên người được tác giả phân tích cẩn thận trước khi đưa ra ý kiến riêng của mình.
10. Nhóm NNKĐDĐP, có bài viết: “Từ nguyên của địa danh Sài Gòn”.
            Vấn đề từ nguyên của địa danh Sài Gòn và một số từ nguyên địa danh khác ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long có thể phải lí giải theo hướng của Huệ Thiên là, các tên địa danh nghi ngờ có sự phỏng âm theo địa danh của tiếng Khmer. Tên gọi “Sài Gòn không phải là cái tên đầu tiên mà những lưu dân Việt Nam đầu tiên đã đặt ra một cách tùy hứng để chỉ cái xứ mà họ đặt chân đến là xứ rừng “Prej Nokor”. Cái nét đặc thù kia (đồn lũy chung quanh có gòn) cũng không phải là đã được họ khám phá ra liền lúc bấy giờ.”.(25) Rồi sự cộng tồn giữa tên Nôm và tên chữ sẽ giúp cho hình thức nào đó dễ định hình, do bị thu hút vào hệ thống.
11. Nhóm NNKBNTD, có bài viết: “Hằm pà làng và trăm thứ bà giằn, Tìm hiểu câu thần chú Án ma ni bát mê hồng”; các mục trả lời: “A lan nhã là gì và có phải là gốc ở tiếng Sanskrit không?, Nam mô A Di Đà Phật nghĩa là gì và xuất xứ từ đâu? A men và A lê lui a là gì?, Nước cam lồ là nước gì?, Ren, rua: ren có phải do tiếng Phápdentelle và rua do ajour?, Tại sao gọi là La Hán? Có 16 vị hay là 18 vị?, Tại sao cứ phải dùng lô gích mà không dùng một từ nào thuần Việt?...”.
            Bài viết “Hằm pà làng…” trong Những tiếng trống qua cửa các nhà sấm, đã phản biện một quan niệm cho rằng, nó là một từ Việt chính tông từ một từ đơn tiết [mblan] được tách ra thành 3 tiếng và đó là dấu chỉ về mối quan hệ nguồn gốc của các ngôn ngữ Việt Mường. Theo Huệ Thiên thì nó là tiếng Quảng Đông, ghi thật chính xác bằng chữ Quốc ngữ Việt Nam thì đó là Hằm pà làng. Còn bà giằn < bà giằng < bà rằng của tiếng Việt đều bắt nguồn từ tiếng Mã Lai barang có nghĩa là đồ dùng. “Sự xuất hiện của mỗi từ trong từng thứ tiếng trên đây là kết quả của những cuộc giao thương diễn ra ở miền duyên hải Quảng Đông và Bắc Việt Nam; tại đó và trong những dịp đó, tiếng Quảng Đông và tiếng Việt đã thường xuyên tiếp xúc với tiếng Mã Lai… Có thể nó mới nhập tịch được vào từ vựng của hai ngôn ngữ này mà tiếp tục tồn tại mãi cho đến tận ngày nay.”.(26) Còn câu thần chú Án ma ni bát mê hồng là cách đọc theo âm Hán Việt của sáu chữ Hán mà người Trung Hoa đã dùng để ghi cách phiên âm của câu thần chú gốc bằng tiếng Sanskrit. Theo Huệ Thiên, câu này có nghĩa: “Úm, ngọc báu trong hoa sen, hum! Đương nhiên là kèm theo phải có một sự giải thích cần thiết và rành mạch về nguồn gốc cũng như về ý nghĩa của “úm” và của “hum”…”.(27)
            Các mục trả lời về các từ phiên âm các lĩnh vực tôn giáo, khoa học, từ dùng được ông truy tìm gốc từ và ngôn ngữ cẩn thận. Chúng tôi cũng không khẳng định được hết tính đúng đắn đến đâu; nhưng hướng phân tích của ông, chúng tôi cảm thấy chấp nhận được.
12. Nhóm NNKBNĐP, có các mục trả lời: “Bổ sung cho câu trả lời về từ lạc xoong…, Hai tiếng cu li (bi, đạn) bắt nguồn từ đâu?, Lại nói về nguồn gốc hai tiếng bánh ít, Mút chỉ cà tha: cà tha là gì và hai tiếng này bắt nguồn từ đâu?, Phú de là gì?, Vít vồ là gì?, Xuất xứ của tên gọi Ba Son, Xuất xứ của hai tiếng mã tàY chang có phải là do y trạng mà ra hay không?…”.
            Vì là người Nam Bộ, các mục từ ông đề cập chúng tôi đã nghe quen, biết nghĩa; nhưng nắm bắt đến tận ngọn nguồn thì nhờ ông chúng tôi mới rõ. Chẳng nhạn, từ: “lạc xoong, phú de, cà tha…”. Riêng từ Ba Son, không rõ cách giải thích của ông, dân Sài Gòn cố cựu có đồng ý không nữa và cả bánh ít nữa, người Nam Bộ nghĩ sao?.
            Riêng trong quyển Những tiếng trống qua cửa các nhà sấm, Nxb. Trẻ, 2004, thoạt đầu chúng tôi không rõ tên tựa quyển sách lắm. Nhưng đọc xong quyển sách, chúng tôi hiểu được thâm ý của tác giả. Trong công trình này, Huệ Thiên chia vấn đề ra thành 6 nội dung. Ngoài nội dung Những mẩu từ nguyên, chúng tôi đã bàn ở phần trên, còn 5 nội dung chúng tôi muốn điểm qua, gồm: Một chút ngữ vănVài trang lịch sửMười hai con giápĐọc sách đọc báoMấy bài trả lời.
            Phần Một chút ngữ văn, ông có 3 bài phân tích thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Trãi, Tuệ Trung Thượng Sĩ, theo thiển ý chúng tôi là hết sức sắc sảo. Chúng tôi hiểu thêm một số vấn đề về cuộc đời Nguyễn Bỉnh Khiêm và chính kiến ông với thời cuộc và nhà Mạc.
Chúng tôi hiểu thêm 4 câu thơ (2 câu thực và 2 câu luận) trong bài Trần tình thứ 3 của Nguyễn Trãi: “Cơm kẻ bất nhân ăn ấy trớ (trớ: sai); Áo người vô nghĩa mặc chăng thà (thà: đúng).” (không phải “chớ” như trước đây đã hiểu). Chúng tôi đã học nhiều lần hai câu thơ ấy, nhưng nay vẫn học được thêm ý hay mà ông phân tích. Hai câu thơ không để khuyên ai khác mà để nói với chính mình. Đó là tâm tư sâu lắng của Nguyễn Trãi trước bi kịch mà cả Lê Thái Tổ (Lê Lợi) và Lê Thái Tông (Lê Nguyên Long) đã gây ra cho ông. Theo An Chi, sang hai câu luận, ông còn cẩn thận nhắc đến vua và cha (Khỏi triều quan mới hay ơn chúa. Sinh được con thì cảm đức cha.) thì câu luận đầu là một lời mỉa mai chua chát và cay đắng và cũng là một lời chỉ trích sâu sắc và khéo léo. Do vậy, chúng tôi rất tán thành kết luận sau đây của Huệ Thiên về bài thơ trên của Nguyễn Trãi: “Sau hai lần sáng mắt, biết rõ lòng dạ của vua cha Lê Lợi và vua con Lê Nguyên Long, Nguyễn Trãi mới làm bài Trần tình 3 này. Trong hai câu thực của bài thơ, ông đã tỏ ra hối tiếc trước sự thật phũ phàng. Ông tự thấy trước kia mình hưởng lộc của Thái Tổ đã là sai mà sau đó, lại hưởng tiếp lộc của Thái Tông thì lại càng không đúng.”(28)
 
(Nguồn: sachxua.net)
Trước đây, học thơ Lý - Trần, chúng tôi thấy hay, nhưng nhiều nhận thức chưa tới vì không nắm rõ được tình hình xã hội lức bấy giờ; hơn nữa, nhận thức cuộc đời chưa sâu sắc. Nay được Huệ Thiên phân tích, chúng tôi mới cảm nhận được một Tuệ Trung Thượng Sĩ uyên thâm về thiền học, nhưng tiếc cho một tài kinh bang tế thế lừng danh của Hưng Ninh Vương Trần Tung không được triều đình trọng dụng. Huệ Thiên nêu bài thơ Dưỡng chân (Nuôi dưỡng chân tính), cho ta thấy được cái duyên cớ làm cho ông phải xa lánh chốn quan trường mà đi vào cõi thiền:
Suy táp hình hài khởi túc vân
Phi quan lão hạc tị kê quần
Thiên thanh vạn thúy mê hương quốc
Hải giác thiên nhai thị dưỡng chân.”
(Thân xác hao gầy há đáng than
Phải đâu hạc cả lánh gà đàn
Nghìn xanh muôn thúy mờ non nước
Góc biển lưng trời: nơi dưỡng chân.) An Chi dịch
            Huệ Thiên dẫn thêm bài thơ khác, bài Giản để tùng (Cây tùng ở đáy khe), cho thấy nhận định của ông về Tuệ Trung, một con người giỏi về quân sự, chính trị lẫn ngoại giao; nhưng cái tài lương đống của ông gặp phải sự đố kỵ, nên ông thành một con người bất đắc chí:
Tối ái thanh tùng chủng kỉ niên
Hưu ta địa thế sở cư thiên
Đống lương vị dụng nhân hưu quái
Dã thảo nhàn hoa mãn mục tiền
(Thương cội tùng xanh tuổi bấy niên
Đừng than thế mọc lệch cùng xiên
Cột rường chưa dụng người thôi lạ
Cỏ dại hoa hèn trước mắt chen.) An Chi dịch
            Ngoài ra, Huệ Thiên còn viết 3 bài về ngữ học rất đáng được giới ngữ học lưu ý: “Sai lầm căn bản trong kiến giải của A. G. Haudricourt về phổ hệ của tiếng Việt; Tại sao một số thành ngữ, tục ngữ lại khó hiểu?; Hiện tượng láy xét về phương diện lịch sử.”
            Bài “Sai lầm căn bản trong kiến giải của A. G. Haudricourt…” phản biện lại kiến giải về quan hệ ngữ tộc của tiếng Việt mà A. G. Haudricourt cả quyết rằng nó là một ngôn ngữ Nam Á. Cũng có nhiều người theo quan điểm này. Nhưng sau những phân tích, Huệ Thiên đi đến kết luận theo H. Maspéro, nó là một ngôn ngữ Thái. Thừa nhận điều này, người ta đi đến một giả thuyết như Vương Hoàng Tuyên mà Huệ Thiên đã dẫn ra: “Trên đồng bằng Bắc Bộ, xưa kia là nơi cư trú của một giống người nói tiếng Môn - Khơme thì có một sự di cư to lớn của một lớp người nói tiếng Thái ở Tây Nam Trung Quốc tràn qua.”. Và ông kết luận: “Chính ngôn ngữ Thái này đã thay thế cho ngôn ngữ Môn - Khmer kia để trở thành tiếng Việt ngày nay.”.(29) Hiện nay, vẫn chưa ngã ngũ về quan điểm, nhưng nếu chọn quan điểm này, các nhà nghiên cứu phải nhìn nhận lại nhiều vấn đề: ngữ âm, từ vựng, ranh giới hình vị, từ… của tiếng Việt.
            Bài “Tại sao một số thành ngữ, tục ngữ lại khó hiểu?”, Huệ Thiên đưa ra 6 nguyên nhân: từ cổ, bị tách khỏi môi trường, từ nguyên dân gian làm méo mó, không nhận ra được phương thức cấu tạo, sự cố ngôn ngữ, người viết vô tình hoặc cố ý bóp méo thành ngữ, làm cho thành ngữ trở nên khó phân tích nghĩa, cần báo động nhất là nguyên nhân sau cùng. Ông có một kết luận chí lí: “Sự phân tích những nguyên nhân đó bằng những dẫn chứng cụ thể đã chứng tỏ rằng chúng không phải khó hiểu ngay từ đầu mà chỉ trở nên khó hiểu theo thời gian.”. Vì đó là lối nói của kẻ dân dã.(30)
Bài “Hiện tượng láy xét về phương diện lịch sử”, Huệ Thiên dẫn ra 100 trường hợp cho thấy yếu tố mà một số nhà ngôn ngữ cho là “yếu tố vô nghĩa của dạng láy”, thật ra chúng có nghĩa. Như vậy, vấn đề loại từ này và những công trình “ăn theo” cần được nhìn nhận nghiêm túc, xem chúng có giá trị khoa học gì không. Vì theo An Chi “Hy vọng dựa vào chúng để miêu tả một phương thức tạo từ mà nhiều tác giả người Việt Nam cứ ngỡ là phương thức độc đáo của tiếng Việt (và các ngôn ngữ đơn lập khác) còn một số tác giả Âu, Mỹ thì say mê như món lạ “outre-mer”, hy vọng đó rất hão huyền!”.(31)
Phần Vài trang lịch sử, có 2 bài viết mà chúng tôi quan tâm, đó là: Hùng Vương hay Lạc Vương?, Về những địa danh “thuần Việt” thời Hùng Vương.”
Bài Hùng Vương hay Lạc Vương? Nói về sự nhầm lẫn từ Lạc Vương thành Hùng Vương. Người đầu tiên phát hiện sự nhầm lẫn này theo Đào Duy Anh là H. Maspéro. Nhiều nhà nghiên cứu trước đây qua các thời kì cũng đã thấy sự nhầm lẫn coi như đã rõ ràng. Thế nhưng, có nhà khoa học lại chứng minh sự nhầm lẫn mà nhiều người nhìn nhận, là không nhầm, nói khác đi là đúng. Người ấy muốn “tiếp cận vấn đề Hùng Vương từ ngả đường ngôn ngữ học”. Đặt lại vấn đề, Huệ Thiên muốn phản biện những chứng minh thiếu cơ sở khoa học của nhà khoa học này. Không rõ khi ông còn sống, ông suy nghĩ những phản biện của Huệ Thiên ra sao; nhưng vấn đề đặt ra, An Chi muốn kết luận như một số nhà khoa học trước đây đã thấy sự nhầm lẫn và cũng muốn nói: “Chúng tôi mạo muội mường tượng rằng nếu các đấng tiên nhân của chúng ta biết đến cái lập luận của người hiện đại trong việc cố gắng duy trì danh hiệu “Hùng Vương” thì hẳn các vị sẽ nhắn nhủ với di duệ của mình: “Chúng ta là con cháu đức “Lạc Long Quân”, thuộc nòi giống “Lạc Việt”, lại làm “vua” của Lạc dân (= dân Lạc) nơi xứ sở của Lạc điền (= ruộng Lạc) có các “Lạc hầu” và “Lạc tướng” trông coi mà bị gọi là “Hùng Vương” thì không thú vị lắm! Hãy cho chúng ta được về nguồn mà gọi chúng ta là “Lạc Vương”.”. (32)
            Bài Về những địa danh “thuần Việt” thời Hùng Vương phản bác ý kiến muốn dựa vào những địa danh được cho là “thuần Việt”, là “Nôm” để vẽ lại cương vực của nước Văn Lang thời các vua Hùng. Trong bài, An Chi cho rằng chúng chỉ là âm xưa của những chữ Hán, nay đã được đọc theo âm Hán Việt hiện đại mà thôi. Từ những phân tích phản biện của mình và những dẫn liệu được trưng ra khá nhiều (có nhiều bài ông nói về từ “kẻ” trong hàng loạt địa danh cổ ở miền Bắc, như “Kẻ Chợ, Kẻ Cót, Kẻ Mẩy, Kẻ Sắt, Kẻ Sặt, Kẻ Vòng…”.), Huệ Thiên cho rằng, “sự phân biệt thành “tên Nôm” và “tên chữ” như Hoàng Thị Châu và nhiều người khác đã chủ trương chỉ là một sự phân biệt giả tạo.”.(33) Mặt khác, An Chi cũng thừa nhận: “Vậy có lẽ nào trong toàn bộ hệ địa danh Việt Nam lại không có những trường hợp dùng tiếng Hán để phiên âm tiếng bản địa? Chúng tôi tuyệt nhiên không cho là không có. Chỉ xin nhấn mạnh rằng đó là những trường hợp cần được phân tích một cách thật sự cẩn trọng vì thực ra yếu tố được phiên âm chưa hẳn đã là yếu tố Việt đích thực, vì đã nói đến địa danh phiên âm thì con đường diễn tiến lắm khi lại rất quanh co.”.(34)
Phần Mười hai con giáp, Huệ Thiên viết từ những dịp xuân về, khởi đầu từ Xuân Quý Dậu, 1993, ông viết về con gà, đến Xuân Giáp Thân, 2004, ông nói về con giáp thứ chín, con khỉ. Trong mười hai bài viết về các con giáp, ông phân tích từ nguyên, ngữ âm, ngữ nghĩa, các cách nói thành ngữ, tục ngữ…, liên quan đến các con giáp. Loạt bài này thú vị. Nó cung cấp cho chúng ta những kiến thức chung rất bổ ích về những con giáp cầm tinh của năm. Dạng bài này hằng năm khi xuân về cũng có nhiều người viết. Nhưng để đạt tới mức phân tích sâu, đòi hỏi người viết phải có vốn Hán học, sự tra cứu từ điển, sách ngoại vi cẩn thận, đầy đủ mới có thể viết được.
Mục Đọc sách đọc báo, Huệ Thiên viết rất nhiều bài. Trong đó, ông đóng góp, nhận xét những sai sót của các bài viết, công trình của nhiều cá nhân, tựu trung trên bình diện chữ nghĩa, ngôn từ; ông phản biện những luận điểm mà ông cho rằng nó thiếu cơ sở khoa học. Việc làm của ông, nhìn chung, theo suy nghĩ chúng tôi sẽ có được sự điều chỉnh ở người viết và giúp người đọc có được những cơ sở để xem xét nhìn nhận vấn đề có tính khoa học hơn. Trong những bài nhận xét của Huệ Thiên, chúng tôi nhận thấy giọng văn, lời lẽ ông chừng mực, cung cách chấp nhận được.
Có những sự trao đổi lại từ phía người viết được góp ý, ông tôn trọng người viết nên có bài trả lời chân tình, cởi mở. Những bài này nằm rải rác trên các báo, tạp chí. Trong Những tiếng trống qua cửa các nhà sấm cũng có mục Mấy bài trả lời.
Hai mục này, cả những chuyên mục khác, về vấn đề “tranh luận” nhìn từ khía cạnh tích cực: An Chi có đóng góp rất nhiều cho nghiên cứu khoa học, nhất là khoa ngữ học. Mặt khác, sẽ tốt cho người viết, cả người đọc; vì khi đưa ra luận điểm, An Chi không lí luận suông mà bao giờ ông cũng “nói có sách, mách có chứng”. Không chỉ một dẫn chứng mà nhiều dẫn chứng. Không chỉ dẫn từ một nguồn mà nhiều nguồn, nhiều mặt. Vấn đề luôn được ông lật qua lật lại, xem tới xem lui cẩn thận, chu đáo. Điều này giúp ích cho người được góp ý, lẫn người không được góp ý. Tất nhiên, không thể An Chi đúng hết. Nhưng ông có bao giờ cho là mình đúng hết đâu. Vì vậy, thường cuối mỗi bài An Chi cẩn thận, dè dặt “xin mạo muội nêu ra để thỉnh giáo…” “nó đúng hay sai thì còn phải chờ ở sự thẩm xét của các nhà chuyên môn…”... Có lúc ông có những kết luận “vui vẻ”, nhưng cũng không quá lời với ai.
Mặt khác, trong khoa học, ai cũng đề cao tranh luận, vì tranh luận là đường đến khoa học. Có điều, sẽ có sự “đụng chạm” - sự đụng chạm, nhìn nhận trên bình diện khoa học, chẳng có gì để gọi là “mích lòng”; nhưng người ta đưa vào đời tư thì quả không vui. An Chi biết thế, nhưng không thể làm khác được, vì sở học ông có cho việc nghiên cứu, luôn đòi hỏi ông “tính nghiêm túc” trong tranh luận. Đó là cung cách An Chi.
Nhìn chung, những bài trao đổi, phản biện của An Chi chứa đựng sự uyên bác trong kiến thức, vững vàng trong lập luận, rất đáng để học tập, nghiên cứu, đó là các bài “Cải chính những chỗ phiên Nôm sai…”, “Chung quanh từ nguyên của “gạo””, “Cung cách “giải mã” từ cổ…”, “Hiện tượng láy…”, “Mười điều nhận xét…”, “Những chỗ dịch sai…”, “Những chỗ sai khó ngờ…”, “Trả lại cho Nguyễn Du…”, “Từ nguyên của “bù nhìn””, “Về một đứa con tinh thần…”, “Về những địa danh “thuần Việt””, “Không thể không là cái đa đa”… Các bài này mang lại cho chúng tôi một lượng kiến thức lớn mà việc học ở nhà trường không thể có được.
Năm 60 tuổi, An Chi có làm bài tự vịnh với hai câu kết: “Mơ màng chi đến màu danh lợi, Rồi ra cũng một mớ phù vân.” (1995). Cả đời ông theo đuổi nghiệp tự học, không phải để tranh danh lợi, phù vân; ông chỉ muốn góp mặt với đời bằng vốn kiến thức ông thu nhặt, tích cóp được từ cuộc đời. Con đường đi tìm kiến thức của ông, theo chúng tôi, là cái đáng để chúng ta lấy đó làm gương. Nếu có lời khuyên cho các bạn trẻ học sinh, sinh viên, tôi cũng khuyên các bạn nên tìm học những loại kiến thức bổ ích này và xác định đúng con đường đi tìm kiến thức cho mình.
Kết thúc bài viết, chúng tôi muốn mượn lời Giáo sư Cao Xuân Hạo, một lần nữa, xin đánh giá về An Chi: “… Thời nay không có ai có thể tự cho mình là “nhà bách khoa” cái gì cũng biết, nhưng những câu trả lời của anh trên tạp chí đã làm thỏa mãn được phần đông độc giả vì đó đều là kết quả của một quá trình tra cứu nghiêm túc, đầy tinh thần trách nhiệm đối với khoa học và đối với những người đã có lòng tin cậy mình. Thêm vào đó là lời văn trong sáng, đĩnh đạc, nhiều khi dí dỏm một cách nhã nhặn và tuệ minh, làm cho việc đọc anh trở thành một lạc thú thanh tao…”.(35)
Chú thích:
1. An Chi, Chuyện Đông chuyện Tây, Nhà xuất bản Trẻ, TP. Hồ Chí Minh, tập 1, 2, 3, 4…, 2005.                                    
2. Cao Xuân Hạo, An Chi, sđd, tập 1, tr. 21.
3. An Chi, sđd, tập 1, tr. 25.
4. Huệ Thiên, Những tiếng trống qua cửa các nhà sấm, Nhà xuất bản Trẻ, TP. Hồ Chí Minh, tr. 188.
5. An Chi, sđd, tập 4, tr. 241.
6. Huệ Thiên, sđd, tr. 222.
7. Huệ Thiên, sđd, tr. 236.
8. An Chi, sđd, tập 2, tr. 357.
9. Huệ Thiên, sđd, tr. 237-239.
10. Huệ Thiên, sđd, tr. 155.
11. Huệ Thiên, sđd, tr. 199.
12. Đinh Gia Khánh, Chu Xuân Diên, Văn học dân gian, tập 1, Hà Nội, 1972, tr. 197.
13. Huệ Thiên, sđd, tr. 196-197.
14. Thích Minh Châu, Minh Chi, Từ điển Phật học Việt Nam, Hà Nội, 1991, tr. 108.
15. Thích Minh Châu, Minh Chi, sđd, tr. 526.
16. Huệ Thiên, sđd, tr. 196-197.
17. Huệ Thiên, sđd, tr. 197.
18. An Chi, sđd, tập 1, tr. 340-341.
19. Huệ Thiên, sđd, tr. 242.
20. Hoàng Phê chủ biên, sđd, tr. 1078-1080, 1082.
21. Huệ Thiên, sđd, tr. 244-245.
22. Huệ Thiên, sđd, tr. 210.
23. Huệ Thiên, sđd, tr. 212.
24. Huệ Thiên, sđd, tr. 212.
25. Huệ Thiên, sđd, tr. 176.
26. Huệ Thiên, sđd, tr. 204.
27. Huệ Thiên, sđd, tr. 193.
28. Huệ Thiên, sđd, tr. 23.
29. Huệ Thiên, sđd, tr. 50.
30. Huệ Thiên, sđd, tr. 71.
31. Huệ Thiên, sđd, tr. 85.
32. Huệ Thiên, sđd, tr. 127.
33. Huệ Thiên, sđd, tr. 154.
34. Huệ Thiên, sđd, tr. 154.
35. Cao Xuân Hạo, Lời tựa, An Chi, sđd, tập 1, tr. 24.
Nguồn: Từ điển học & Bách khoa thư, số 2 (22). 3/2013

2 nhận xét:

  1. Lão xem bài ông này như húc đầu vào bụi rậm, lan man chẳng biết bến bờ là đâu.
    Chiên da ngôn ngữ kì rì mà "tôi cũng đồng ý với An Chi là cho đến giờ, tôi chưa nghe ai trong vùng Miền Tây này gọi “chocolat” là “súc cù là” mà chỉ nghe nói “sô cô la”, hoặc “sô cu la” (nói vui “cho có lát, cho cô la”). Vì vậy, dầu cù cà không căn cứ màu sắc mà căn cứ chất dầu: không phải dạng lỏng mà ở dạng sền sệt (dạng cao)." - Em vái cả nón đại ca!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Lão vái cả nón là phải rồi ! Bên ta tuyền tán nhau như rứa !

      Xóa

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.