Ghi chép linh tinh lúc rảnh việc cày ruộng và đọc sách

30/11/2014

Triết học Hồ Chí Minh trong ghi chép của Trần Dân Tiên : tất cả mọi việc đều bởi Ý TRỜI


Tóm tắt:
Có lẽ đây là tư tưởng quan trọng nhất của Hồ Chí Minh: thiên ý.
Sau này, hoàng đề Bảo Đại đồng ý thoái vị, vì cho rằng, Việt Minh tới thay ông cũng là bởi thiên ý.

Nguyên văn lời của nhà vua trong hồi kí (chữ "tôi" tức chính là nhà vua):
"Tôi không biết ai là những thủ lãnh. Vậy mà những người này lại có những tiếp xúc với Đồng Minh Trung Hoa, Mỹ, Pháp, khi mà những lời kêu gọi tôi gửi cho Tổng thống Truman, Thống chế Tưởng Giới Thạch, Anh hoàng và tướng de Gaulle đều không được trả lời... Những lãnh tụ này có súng ống, có phương tiện, nắm được chính quyền dễ dàng trong khi tôi sống trơ trọi trong một kinh thành đã chết. Sự thành công dễ dàng của các lãnh tụ này phải chăng là đó là dấu hiệu họ đã nhận được mệnh trời? Quần chúng có một bản năng rất là chắc chắn. Bản năng này, trong những giờ phút lịch sử, luôn luôn đưa họ tới những người đã nhận được sứ mệnh phải dẫn dắt họ. Đã đến lúc tôi phải có một sự lựa chọn để dung hòa số phận của tôi với số phận của dân tộc tôi... là tôi phải ra đi."

DIỄN GIẢI

Nguyên văn trong sách đã in năm 1949 của Tran Dan Tien là "Hồ Chí Minh đích triết học". Tức "triết học Hồ Chí Minh". 

Cụ thể hơn, cả dòng đó là (bản dịch tiếng Việt của tôi từ nguyên bản tiếng Trung Quốc): "tuy nhiên, triết học Hồ Chí Minh cho rằng, tất cả mọi việc được quyết định bởi thiên ý, không có gì ngoại lệ cả". Thiên ýý trời, lẽ của trời, lẽ của tạo hóa.

Câu này, Trần Dân Tiên viết về tâm tư của Hồ Chí Minh lúc bị giam cầm đầu thập niên 1940 trong các nhà tù của chính quyền Trung Hoa Dân Quốc.

Cụ bị giam cầm cả năm trời giữa lúc cuộc cách mạng dân tộc đang rất cần kíp. Cụ đã rất sốt ruột (điều này đã được Tran Dan Tien trình bày trong sách). Nhưng trước hoàn cảnh trớ trêu ấy, thì cụ đã hết sức ung dung vì tư tưởng triết học của cụ là mọi việc đều theo thiên ý. Cụ đã tự do tự tại được trong quãng đời khổ cực đó là bởi hiểu được thiên ý, và thuận theo thiên ý.

Rất tiếc là các bản tiếng Việt từ năm 1955 đến nay, đều bỏ mất câu quan trọng đó trong bản viết ban đầu của Tran Dan Tien.


TƯ LIỆU

Đại khái, câu bị bỏ nằm trong đoạn sau, đoạn được đánh dấu màu xanh (còn cụ thể hơn nữa, thì cần hỏi chuyên gia của Bảo tàng Hồ Chí Minh, vì vừa rồi, Bảo tàng đã tiếp nhận tư liệu quan trọng ở đây. Đó là công việc chính qui của Bảo tàng):

"
Chiến tranh du kích do Việt Minh lãnh đạo dần dần phát triển với những vũ khí thô sơ, gươm, giáo mác, và một số ít khẩu súng cướp được của giặc. Đến lúc cần tranh thủ thêm sự giúp đỡ của Đồng minh. 

Đồng minh gần nhất và có quan hệ nhất đến việc chống Nhật ở Việt Minh là Trung Quốc. Vì vậy, phải tìm đến Trung Quốc. 

Trong những người cách mạng ở Việt Nam, ông Nguyễn là người hiểu biết về Trung Quốc và người Trung Quốc hơn hết. Vì vậy mọi người đồng thanh cử ông Nguyễn đi Trung Quốc. Đi bộ đến Trùng Khánh không phải là một việc dễ dàng. Nhưng ông Nguyễn nhận lời ra đi. 

Để đánh lạc hướng bọn mật thám, ông Nguyễn lấy tên là Hồ Chí Minh. Và từ đó, người ta gọi ông Nguyễn là Cụ Hồ. 

Đi liền mười đêm và năm ngày, Cụ Hồ đến một thị trấn Trung Quốc, chưa kịp nghỉ chân thì chiều hôm đó Cụ bị bắt. 

Và gian khổ lại bắt đầu. 

Quốc dân Đảng giam Cụ vào nhà lao C.H.S hơn hai tuần, ngày mang gông, đêm cùm chân. Cụ quen huyện trưởng, trước kia đã gặp nhau ở Q. L. Nhưng huyện trưởng từ chối không gặp Cụ. Cụ gửi điện cho những nhà cầm quyền cao cấp, không thấy trả lời. 

Một tháng rưỡi sau, người ta giải Cụ Hồ đi… nhưng không cho Cụ biết đi đâu. 

Tay bị trói giật cánh khuỷu, cổ mang vòng xích, có sáu người lính mang súng giải đi, Cụ Hồ Chí Minh đi mãi, đi mãi nhưng vẫn không biết đi đâu. Dầm mưa dãi nắng, trèo núi qua truông. 

Mỗi buổi sáng, gà gáy đầu, người ta giải Cụ Hồ đi. Mỗi buổi chiều, khi chim về tổ, người ta dừng lại trong một địa phương nào đó, giam Cụ vào trong xà lim trên một đống rạ bẩn, không cởi trói cho Cụ ngủ. 

Gian khổ như vậy, nhưng Cụ vẫn vui vẻ. Cụ sung sương được thấy phong cảnh thay đổi. Cụ vừa đi vừa ngâm nga. Thỉnh thoảng Cụ Hồ làm thơ. Đến một huyện lỵ nào, người ta giữ Cụ một tuần hoặc mười lăm hôm trong nhà tù huyện. Đó là những ngày khổ sở nhất. 

Ăn uống thiếu, không khí thiếu, bẩn thỉu, ở lẫn với những người mắc bệnh giang mai, nghiện thuốc phiện. Nhà tù thường chật ních, người đến sau không có chỗ nằm. Ban đêm Cụ Hồ thường phải ngồi trên cầu xí ở ngay trong phòng giam. Nhưng Cụ vẫn không được yên ổn. Lâu lâu Cụ lại phải đứng dậy nhường chỗ cho một người đi vệ sinh đêm. 

Mỗi bữa sáng Cụ phải đi đổ thùng và quét nhà giam. 

Một hôm, khi ngủ dậy, Cụ thấy người nằm bên cạnh dựa vào lưng Cụ đã chết cứng. Cụ phải cùng với một người tù khác mang xác chết ra ngoài sân. Ở trong nhà tù ai chết mặc ai, chẳng ai để ý. Cái làm cho Cụ khổ nhất là ghẻ và rận. Cụ bị ghẻ khắp người, đầy cả cánh tay và bàn tay. Không phải là một thứ mà là hai thứ ghẻ: ghẻ ruồi ngứa và lở, còn rận thì vô số. Không có cách gì trừ tiệt được rận. Ở đâu cũng có: trong quần áo, trong chăn chiếu, trong ván nằm. Rận và rệp tranh nhau hành hạ những người tù. Đêm đến họ còn bị một kẻ thù đáng sợ nữa là muỗi. Trong tù người ta gọi là rệp là chiến xa, rận là xe tăng và muỗi là tầu bay. 

Vì vậy mà Cụ gầy như cái que củi. Tóc chóng bạc và rụng nhiều. Mắt nhìn kém. Nhưng Cụ khổ nhất là mất thì giờ ngồi không. Trong khi Cụ Hồ lê lết tấm thân mệt lử từ nhà giam này đến nhà giam khác, có lẽ những việc lớn đang dồn dập trong nước và trên thế giới. Ai khuyên bảo đồng chí? Ai giúp đỡ đẩy mạnh việc tổ chức? Có lẽ các nước Đồng minh đã đổ bộ lên Đông Dương? Có lẽ Pháp Nhật đã cắn nhau? Có lẽ các đồng chí Đảng Cộng sản Đông Dương và các hội viên Việt Minh đương đau đớn hỏi nhau Cụ Hồ đã bị tai nạn gì? 

Lòng Cụ Hồ rối như tơ vò, vì phải ngồi im vô ích trong khi công việc đang đòi hỏi Cụ và thời gian đi qua không chờ người. 

Cụ Hồ tiếp tục đi, bị trói và bị xích như thế trong hơn tám mươi ngày. Cụ đã trải qua gần ba mươi nhà tù xã và huyện. Cuối cùng Cụ đến Quế Lâm. 

Lại bị giam một tháng rưỡi. Một người bạn hỏi Cụ: “Đời tù ở Quế Lâm, Cụ thấy như thế nào?” 


Cụ Hồ cười nói: “Nhắc lại làm gì chuyện cũ”. 

Từ Quế Lâm người ta giải Cụ đi Liễu Châu, giam vào nhà giam quân sự. 

Ở đây Cụ được hưởng “Chế độ chính trị”. Có đủ cơm ăn, mười lăm phút buổi sáng và mười lăm phút buổi chiều để đi vệ sinh, có người gác. Không bị gông, không bị xích. Thỉnh thoảng Cụ có thể đọc một tờ báo hoặc một quyển sách. 

Một hôm Cục trưởng Cục chính trị đến cắt tóc ở trong phòng người gác. Ông này hạ lệnh người gác cho phép Cụ đi dạo nửa giờ trong sân cỏ, cắt tóc cho Cụ và cho Cụ tắm nước nóng. 

Đức Phật tổ đại từ đại bi, tốt biết bao! Mấy hôm sau ghẻ lặn gần một nửa. 

Trong nhà tù này Cụ Hồ được biết ở Liễu Châu có tổ chức “Việt Nam Cách mạng Đồng minh Hội”. Cụ được biết rằng mình bị cầm tù lâu hơn nữa vì người ta nghi Cụ sang Trung Quốc để phá tổ chức đó. 

Cách mạng Đồng minh Hội có hai lãnh tụ: Trương Bội Công và Nguyễn Hải Thần, cả hai đều đã ở Trung Quốc bốn mươi năm nay. Trương Bội Công đóng quan năm, làm việc trong quân đội Quốc dân Đảng. Trước kia, Trương tránh liên lạc với những người đồng hương và không tham gia một phong trào cách mạng nào. Nguyễn Hải Thần gần bảy mươi tuổi, đã quên hết tiếng Việt Nam. Nguyễn Hải Thần sang Trung Quốc năm 1905 với cụ Phan Bội Châu. Cụ Phan đã rời bỏ Nguyễn Hải Thần từ những ngày đầu. Từ đây Nguyễn Hải Thần làm nghề xem số tử vi để kiếm ăn và nuôi vợ con. Nhờ nghề này, Nguyễn Hải Thần quen biết nhiều quan lại Trung Quốc. Cũng như Trương Bội Công, Nguyễn Hải Thần không hoạt động gì. Nhưng sau khi cụ Phan mất. Nguyễn Hải Thần tự nhận là người thừa kế của cụ, Trương và Nguyễn tranh nhau làm lãnh tụ. 

Còn một “lãnh tụ” thứ ba: Trần Báo, một thanh niên phiêu lưu, lai lịch không rõ ràng. 

Trương Bội Công và Trần Báo ăn cánh với nhau. Cho nên họ mạnh hơn Nguyễn Hải Thần. 

Tổ chức này trông vào sự giúp đỡ của Quốc dân Đảng mà sống. 

Bị giam mười bốn tháng thì Cụ Hồ được tha, nhưng vẫn bị quản chế. 

Ra khỏi tù, Cụ Hồ thấy mắt kém đi, chân yếu đi không bước được. Cụ tự nhủ: “Một chiến sĩ mà bị bệnh tê thấp thì còn làm gì được?” 

Cụ Hồ ra sức tập leo núi, tập nhìn vào bóng tối v.v… quyết tâm chữa cho khỏi bệnh chân và mắt. 
Ít tháng sau, Cụ yêu cầu trở về nước với một vài hội viên của Cách mạng Đồng minh do Cụ chọn. Tướng Trương Phát Khuê cho phép. Song những người Việt Nam Cách mạng Đồng minh Hội kịch liệt chống lại. 
"

---














Thông tin từ Thái Lan : cuốn sách của Trần Dân Tiên được dịch ra tiếng Thái từ bản gốc tiếng Pháp (1)




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.