Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

28/09/2014

Nhìn lại đêm trước Đổi Mới và Đổi Mới - 11 (quan điểm của Đặng Phong)

Hôm nay, soạn tư liệu giản lược về Đặng Phong, là nhờ gợi ý của chuyên gia kinh tế Cu Nỡm trong một comment cho entry hôm trước (Cu Nỡm từ hôm nay đổi sang tên mới là Hiệp sĩ cưỡi lừa). Tôi quan tâm đến Đổi Mới từ góc nhìn văn hóa, và văn hóa sử, nhưng vẫn không thể tách rời được ý nghĩa đầu tiên của Đổi Mới là kinh tế và kinh tế sử.

Những quan điểm của Đặng Phong, rất tiếc, có thể mới với Việt Nam hiện nay, nhưng nếu tính thời điểm là những năm đầu thế kỉ XXI thì đã muộn so với những nghiên cứu của thế giới rất nhiều năm. Cũng có thể do nền tảng xuất bản ở Việt Nam không cho phép quan điểm của ông xuất hiện sớm.

Lúc gặp ông ở Quảng Ngãi, tôi có hỏi ông về việc xuất hiện muộn như vậy, là do đâu. Thì ông không trả lời rõ. Dần dần, phải lục tìm lại chính bản thảo của ông thôi.

Tôi sẽ dần dần chỉ ra rằng, ngay từ khoảng những năm 1991-1994, đã có những nghiên cứu của các học giả nước ngoài đặt vấn đề tựa như Đặng Phong mới nói và viết gần đây. Thậm chí, có tính dự báo rất chính xác, mà bây giờ, Việt Nam đang đương đầu.

1. Bây giờ, nghe Đặng Phong nói trước (BBC phỏng vấn ông, đưa lên từ 2013, nhưng đến hôm nay, mới có 402 lượt xem).


BBC - Đặng Phong - Đổi Mới

402 lượt xem
Xuất bản 26-01-2013
Thông báo: Vì một số lý do kỹ thuật, chúng tôi sẽ không tải file mới lên cũng như cập nhật cho tài khoản này nữa.
Xin mời các bạn chuyển qua tài khoản mới của Sách Nói Việt Nam để thưởng thức các AudioBook hấp dẫn theo đường link:http://www.youtube.com/user/chatonaud...





2. Xem một cuốn sách mới ra của ông (năm 2012, Nxb Tri thức).




3. Giới thiệu về cuốn sách trên (từ trang của Nxb Tri thức). Chép nguyên xi:

Cập nhật cuối lúc 15:52 ngày 07/05/2014, Đã xem 791 lần


I. THÔNG SỐ SÁCH
Tên sách: Phá rào trong kinh tế vào đêm trước đổi mới
Tác giả: Đặng Phong
Số trang: 532
Hình thức bìa: Bìa mềm, tay gấp
Kích thước: 16x24 cm
Giá bìa: 130.000
Năm xuất bản: 2009
Tái bản: 2012
Tái bản lần II: tháng 7/2013

II. GIỚI THIỆU SÁCH
Ở Việt Nam và cả nước ngoài, giới nghiên cứu thường coi năm 1986 với Đại hội Đảng lần thứ VI là thời điểm bắt đầu công cuộc Đổi mới. Trong thực tế, trước đó nhiều năm đã có hàng loạt mũi đột phá can đảm, gian nan, trầy trật, mưu trí, sáng tạo, mà theo cách gọi thời đó là những cuộc “phá rào”. Phá rào tức là vượt qua những hàng rào về quy chế đã lỗi thời để chủ động tháo gỡ nhiều ách tắc trong cuộc sống, đồng thời cũng góp phần từng bước dẹp bỏ hàng loạt rào cản cũ kỹ để mở đường cho công cuộc Đổi mới.
Mục tiêu của cuốn sách này là góp phần dựng lại một bức tranh sống động, phong phú về những tìm tòi, tháo gỡ trong thời kỳ “phá rào” đó.
Nói đến phá rào, trước hết cần trả lời câu hỏi: Hàng rào là những gì?
Đó chính là những thể chế, những nguyên tắc của mô hình kinh tế kế hoạch hóa tập trung được hình thành ở Liên Xô và sau đó được áp dụng tại hầu hết các nước xã hội chủ nghĩa (XHCN).
Ở Việt Nam, mô hình này được áp dụng đầu tiên ở miền Bắc khi bước vào thập kỷ 60. Ngay từ thời kỳ đó, nó cũng đã bộc lộ nhiều nhược điểm. Đảng, Nhà nước, nhiều nhà kinh tế và nhiều cán bộ địa phương khi thấy rõ điều đó đã có ý thức tìm tòi giải pháp để khắc phục. Các phong trào “Ba xây, ba chống”, “Cải tiến quản lý hợp tác xã”, “Cải tiến quản lý xí nghiệp”… được phát động chính là do người ta đã phát hiện ra những vướng mắc của mô hình này và thử tìm cách khắc phục. Nhiều nhà kinh tế cũng đã đề xuất một số ý kiến có tính chất đột phá như: Đa phương hóa xuất nhập khẩu, vận dụng quy luật giá trị trong việc hình thành giá thu mua. Một số địa phương, do sớm nhìn ra những nhược điểm của mô hình hợp tác xã nông nghiệp, đã chủ động áp dụng cơ chế khoán (có nơi áp dụng lén lút như ở Kiến An, Hải Phòng năm 1962; có nơi tiến hành công khai và đại trà trên toàn tỉnh như Vĩnh Phúc năm 1966-1968). Tất cả những mũi đột phá đó đều không đi tới đích như dự kiến. Một phần vì quan hệ quốc tế lúc đó, một phần cũng vì trình độ tư duy chung của cả xã hội đương thời chưa chín muồi cho việc đổi mới. Vả lại, trong hoàn cảnh chiến tranh, nhiệm vụ đánh giặc được đưa lên hàng đầu, nên những ý tưởng cải cách vẫn còn phải chờ đợi nhiều thập kỷ nữa.
Từ sau giải phóng miền Nam, mô hình kinh tế của miền Bắc được áp dụng cho cả nước. Nhưng hoàn cảnh lúc này đã khác. Nền kinh tế của miền Nam có hàng loạt đặc điểm mà không thể đơn giản áp đặt mô hình kinh tế của miền Bắc vào. Những phản ứng từ cuộc sống không dễ dập tắt chỉ bằng mệnh lệnh, lại càng không thể chỉ bằng một nhát đập bàn của một ai đó. Trước sự sa sút hiển nhiên về kinh tế từ những năm 1978-1979, khó còn có thể tiếp tục giải thích bằng những nguyên nhân nào khác ngoài bản chất cơ chế kinh tế và sự bất lực của những phương sách cứu chữa cũ. Từ đây, bắt đầu thời kỳ rất sống động của việc tìm tòi.
Rất nhiều biện pháp phá rào đã diễn ra ở các đơn vị, các địa phương, rất đa dạng và phong phú về phương pháp, về bước đi, về kết quả và nhất là về những phản ứng dây chuyền dẫn tới những sửa đổi của chính sách.
Dưới đây, xin lựa chọn 20 cuộc phá rào mà tác giả thấy có thể coi là tiêu biểu cho một ngành nghề, một lĩnh vực, một “nghệ thuật”...
Tất nhiên, khi đã phải phá rào tức là hàng rào có vấn đề. Nhưng mặt khác, đã phải dùng đến giải pháp phá rào thì ngoài những kết quả tích cực, cũng khó tránh khỏi một hệ quả tiêu cực là làm suy giảm hiệu lực của kỷ cương, làm tăng tính tự phát và tạo ra thói quen tùy tiện. Có những tìm tòi lúc ban đầu là đúng hướng, nhưng sau đó, khi cơ chế chính sách đã được sửa đổi, mà cứ đi tiếp theo hướng tự phát thì rất có thể lại mắc phải những sai lầm, tiêu cực, thậm chí sa vào vòng lao lý. Đó cũng là điều khó tránh trong sự nghiệp chuyển đổi của cả một nền kinh tế từ cơ chế cũ sang cơ chế mới, với biết bao thách thức khó khăn, phức tạp, cạm bẫy. Trong cuốn sách này, mục đích chính của tác giả chỉ là tôn vinh tinh thần tìm tòi, sáng tạo của những cơ sở, của những con người đã tìm được hướng đi đúng, không những cho cơ sở của mình, mà còn tìm ra hướng đi chung cho cả nền kinh tế.
Tác giả đã quan tâm đến chủ đề này từ khoảng 15 năm qua. Đó cũng là thời gian của suy nghĩ, tìm kiếm tư liệu và tiến hành khảo sát tại hàng chục tỉnh và thành phố, sục sạo rất nhiều cơ sở, phỏng vấn hàng trăm người khắp từ Bắc chí Nam, và cả người Việt ở nước ngoài trong các chuyến đi khảo sát ở Nga và Đông Âu để hiểu tường tận hơn những luồng hàng đánh đi và đánh về; lại tận dụng những chuyến đi họp và giảng dạy ở Mỹ, Pháp, Úc, Anh để khám phá những cách thức gửi tiền và hàng về nước, đặc biệt là hệ thống ngân hàng ngầm.
Sau đó, đầu năm 2004, công trình này đã được chấp nhận là Đề tài cấp Bộ của Viện Kinh tế Việt Nam mà tác giả là chủ nhiệm. Công trình được biên soạn xong vào năm 2005 trong sự cộng tác với một số bạn đồng nghiệp trẻ mà tác giả có trách nhiệm hướng dẫn nghiên cứu. Đề tài đã được nghiệm thu chính thức tại Tp Hồ Chí Minh với một Hội đồng thật đích đáng: Chủ tịch Hội đồng là GS.TS. Đỗ Hoài Nam (mà sau đó là đồng chủ biên cuốn sách), thành viên Hội đồng kỳ này có nét rất đặc trưng là bao gồm hầu hết chính những vị “anh hùng” của thời “Phá rào” và được nhắc tới rất nhiều lần trong sách như Tư Giao ở Long An, Sáu Hơn ở An Giang, Nhật Hồng ở Vietcombank, Phan Chánh Dưỡng ở “Nhóm thứ 6”, Trần Đình Bút ở Trường Hành chính...
Nhưng suốt bốn năm sau đó, bản thảo vẫn nằm trong máy tính, không phải do bị ai bắt “ngâm” lại, mà chỉ do bản thân tác giả muốn “ngẫm” thêm cho chín hơn, tham khảo lại nhiều người trong và ngoài cuộc cho chắc hơn, nhất là đối với một số trường hợp có những khía cạnh còn tồn tại nhiều ý kiến khác nhau. Đặc biệt, tác giả lại vinh dự được GS.TS. Đỗ Hoài Nam, Chủ tịch Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, vui lòng nhận lời mời làm đồng chủ biên để chỉ bảo thêm về cách xử lý trên những khía cạnh mà cho đến lúc đó, còn ít nhiều nhạy cảm. Được như thế thì lại càng phải thận trọng hơn, vì tác giả tự thấy mình không được phép để người đồng nghiệp và cũng là cấp trên khả kính của mình phải chịu bất kỳ một ảnh hưởng nào do những sơ suất dù nhỏ nhất của người viết. Để thử phản ứng của dư luận, chúng tôi đã chọn hai trường hợp phá rào đã được chính thức ghi nhận mặt tích cực để xuất bản dưới hình thức những tập sách tham khảo mỏng[1]. Sau đó, tác giả đã tự lược đi tất cả những biếm họa, hò vè hài hước của dân gian và một loạt chương mục như: Khoán Vĩnh Phúc (vì nó liên quan đến uy tín của một nhà lãnh đạo lớn mà bản thân tác giả rất kính trọng), nông trường Sông Hậu (tuy là một trường hợp độc nhất trong ngành này đã phá rào thành công nhưng sau đó lại lâm vào vòng lao lý), thuốc lá Vĩnh Hội tăng sản lượng vùn vụt thì có thể lại đi ngược với xu thế của thế giới... Đến đầu năm 2009, bản thảo mới được gửi tới Nhà xuất bản Khoa học Xã hội. Sách đã in xong đầu tháng 7, gồm 276 trang khổ nhỏ, với tênNhững mũi đột phá trong kinh tế thời trước Đổi mới.
Cứ tưởng là chuyện đã cũ rồi, và cũng không phải là chủ đề đại sự, thì chẳng mấy ai còn quan tâm. Nhưng chỉ trong vòng một tháng sau, sách đã tiêu thụ hết. Nhiều bạn đọc thấy có tên sách trên mạng, nhưng tìm mua không được. Khó xử nhất là đối với những vị mà tác giả tri ân, từng tận tình giúp tác giả trong những đợt đi thực tế ở Vĩnh Phú, Cần Thơ, Vĩnh Hội, Nhà máy Dệt Nam Định, Công ty Xe khách Miền Đông... đã gọi điện tới tỏ nỗi thất vọng vì không thấy chuyện của họ được đưa vào trong sách!
Đòi hỏi rộng rãi đó đã sớm đến tai TS. Chu Hảo, Giám đốc Nhà xuất bản Tri thức. Ông tìm gặp tác giả và ngỏ ý muốn xem bản thảo đầy đủ. Vài hôm sau, ông ngỏ ý sẵn sàng chịu trách nhiệm trước các cơ quan hữu quan về việc xuất bản, với điều kiện tác giả phải trực tiếp đứng tên và chịu trách nhiệm trước Nhà xuất bản Tri thức về độ chính xác của các tư liệu. Điều đó thì đương nhiên tác giả sẵn sàng cam kết, vì một lẽ đơn giản: Đó đều là sự thật, mà tác giả đã gặp, đã nghe, đã đọc. Thế là bản thảo đầy đủ đã được trao cho Nhà xuất bản Tri thức và được tái bản trong khuôn khổ chương trình sách “Việt Nam đương đại” với cái tên nguyên thủy của nó: “Phá rào” trong kinh tế Việt Nam vào đêm trước Đổi mới.
Trong lần tái bản này, tác giả lấy lại để đưa vào khá nhiều cuộc phá rào ngoạn mục và tiêu biểu như:
-          Khoán ở Vĩnh Phúc.
-          Khoán ở Nông trường Sông Hậu
-          Đột phá ở Nhà máy Dệt Nam Định.
-          Đột phá ở Nhà máy Thuốc lá Vĩnh Hội.
-          Khoán ở Công ty Xe khách Thành phố Hồ Chí Minh.
-          Cuộc đấu tranh kiên trì gian khổ 20 năm để sửa đổi hệ thống giá.
-          Những đường dây buôn bán và thanh toán với nước ngoài…
Ngoài phần lớn những chương mục do tác giả trực tiếp khảo sát và biên soạn, tác giả cũng lựa chọn để đưa lại vào đây 3 chương mà tác giả đã tiến hành cùng các đồng nghiệp trẻ, như chương Xí nghiệp Dệt Thành Công (viết cùng bạn Cao Tuấn Phong), Cơ chế một giá của Long An (viết cùng bạn Ngọc Thanh), Kho bạc (viết cùng bạn Lê Mai).
Trong việc tìm hiểu những cuộc phá rào dưới đây, tác giả đã cố gắng tìm cách tiếp cận tận nơi, tận chốn, gặp những người thật, nắm bắt những việc thật. Rất may là phần rất lớn những người chủ trương và những người tham gia các cuộc phá rào vẫn còn sống, còn khỏe mạnh, còn tỉnh táo để nhìn lại cả một chặng đường gian nan nhưng ngoạn mục mà họ đã đi qua. Dĩ nhiên, có những “chiến sĩ đột phá” không còn nữa, như ông Kim Ngọc ở Vĩnh Phúc, ông Năm Hoằng ở Hậu Giang. Ở trường hợp này, tác giả phải tìm lại những tài liệu, những người đương thời và gia đình để hiểu rõ sự việc.
Tác giả xin chân thành cảm ơn các vị đã từng đứng mũi chịu sào trong những cuộc phá rào đó, nay lại sẵn sàng kể lại cho nghe, cung cấp thêm những tư liệu, giúp đỡ về nhiều mặt để tác giả có thể khắc họa lại bức tranh sinh động của một thời tuy chưa phải xa lắm, nhưng có thể là khó hiểu đối với thế hệ trẻ hiện nay và mai sau. Các vị đó là Võ Văn Kiệt (nguyên Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, nguyên Thủ tướng Chính phủ), Giáo sư Trần Phương (nguyên Trợ lý của Tổng Bí thư Lê Duẩn, nguyên Phó Thủ tướng), Đoàn Duy Thành (nguyên Bí thư Thành ủy Hải Phòng, nguyên Phó Thủ tướng), Nguyễn Văn Chính (nguyên Bí thư Tỉnh ủy Long An, nguyên Phó Thủ tướng), Nguyễn Văn Hơn (nguyên Bí thư Tỉnh ủy An Giang, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp), Bùi Văn Giao (nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Long An, nguyên Trợ lý của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh), Lữ Minh Châu (nguyên Giám đốc Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước), Nguyễn Văn Phi (nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại thương, nguyên Giám đốc Sở Ngoại thương Thành phố Hồ Chí Minh), Nguyễn Hồng Cẩn (nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy sản), Nguyễn Nhật Hồng (nguyên Giám đốc Ngân hàng Ngoại thương Thành phố Hồ Chí Minh) và rất nhiều vị lãnh đạo các ngành, các cơ sở kinh tế mà không thể kể hết ra đây.
Tác giả cũng xin chân thành cảm ơn những đồng nghiệp là những nhà nghiên cứu kinh tế và nghiên cứu lịch sử không những đã bày tỏ sự đồng tình và khích lệ, mà còn có nhiều đóng góp trực tiếp về nội dung và phương pháp tiếp cận chủ đề này. Đó là GS.TS. Đỗ Hoài Nam, Giáo sư Trần Đình Bút, Giáo sư Đào Xuân Sâm, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nhà kinh tế Vũ Quốc Tuấn, Tiến sĩ Trần Đình Thiên, nhà sử học Dương Trung Quốc cùng rất nhiều bạn bè thân thiết trong các ngành khoa học xã hội trong và ngoài nước.
ĐẶNG PHONG 
*****
MỤC LỤC
Lời tác giả
Phần mở đầu
TỪ GIẢI PHÓNG ĐẤT NƯỚC ĐẾN “CỞI TRÓI” CHO SẢN XUẤT
I. Từ đại thắng đến đại hội
1. Mô hình kinh tế từ miền Bắc
2. Những vận hội sau ngày giải phóng
3. Hội nghị Trung ương lần thứ 24
4. Đại hội Đảng lần thứ IV
II. Thiếu hụt, khủng hoảng và ách tắc
1. Viện trợ Mỹ được thay bằng cấm vận của Mỹ
2. Thiên tai - địch họa
3. Viện trợ của các nước xã hội chủ nghĩa cũng giảm sút
4. Liệu pháp cải tạo
5. Kế hoạch 5 năm 1976-1980
Phần I
TỪ XÍ NGHIỆP "XÉ RÀO" ĐẾN NHÀ NƯỚC SỬA ĐỔI “HÀNG RÀO”
Chương 1. “Bung ra” và “cởi trói” tại hội nghị trung ương 6 (1979)
1. Thông báo số 10-TB/TƯ của Bộ Chính trị và những bừng tỉnh đầu tiên về quan điểm kinh tế
2. Đột phá tại Hội nghị Trung ương 6
Chương 2. Xí nghiệp Dệt Thành Công – từ “hấp hối” đến lá cờ đầu
Chương 3. Nhà máy Dệt lụa Nam Định – “lệ làng” thành “phép vua”
Chương 4. Nhà máy Thuốc lá Vĩnh Hội – một tháng bằng nửa năm
1. Từ buông ra…
2. Đến bung ra
Chương 5. Cơ chế ăn chia ở Xí nghiệp Đánh cá Côn Đảo – Vũng Tàu
Chương 6. Seaprodex – Mô hình tự cứu: Tự cân đối, tự trang trải, mở và hội tụ
1. “Từ đầu voi” đến “đuôi chuột” trong kế hoạch 5 năm lần thứ II
2. Từ “buông ra” đến “bung ra”
3. Mô hình tự cân đối
4. Liên doanh liên kết theo phương châm lấy mở để hội tụ
5. Tính thuyết phục của những kết quả
Chương 7. Khoán ở Công ty Xe khách Miền Đông Thành phố Hồ Chí Minh
1. Tình hình trước khi thành lập công ty
2. Sự ra đời mô hình công ty quốc doanh vận tải hành khách
3. Phương pháp xây dựng kế hoạch
4. Thực tế của Input
5. Thực tế ở Output
6. Quá trình chuyển đổi cơ chế từ “bung ra”, “phá rào” tới cải cách
Tiểu kết phần I. “SỬA RÀO”
Phần II
TỪ TIỂU NÔNG CÁ THỂ LÊN SẢN XUẤT LỚN RỒI VỀ VỚI KINH TẾ HỘ
Chương 8. “Khoán Kim Ngọc” ở Vĩnh Phúc
1. Mô hình hợp tác xã và những vấn đề
2. Con đường đi tới quyết định “đột phá”
3. Phương thức khoán
4. Phản ứng từ thực tiễn
5. Những phản ứng khác nhau từ Trung ương
6. Tự phê bình và “sửa sai” cái đúng
Chương 9. Khoán ở Hải Phòng
1. Thách đố mới: Sau giải phóng… vẫn chưa được giải phóng
2. Đoàn Xá - đốm lửa từ một xã đi ăn mày
3. Sự “sáp nhập” về tư duy
4. Từ xã Đoàn Xá đến huyện Đồ Sơn
5. Từ Đồ Sơn lên thành phố
6. Sang huyện Kiến An
7. Lên đến Trung ương
8. Từ Trung ương đến cả nước
Chương 10. Chuyện “tày đình”, nhưng trót lọt – Giải thể các tập đoàn máy kéo ở An Giang
1. Sự hình thành các trạm máy kéo
2. Chế độ thanh toán
3. Thức tỉnh và đột phá
Chương 11. Từ chính sách Tam nông ở An Giang: đến Nghị quyết 10 ở Bộ Chính trị
1. Tập thể hóa nông nghiệp ở miền Nam - chủ trương, bước đi, ách tắc
2. Từ chính sách Tam nông đến Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị
Chương 12. Khoán ở Nông trường Sông Hậu
1. Giao đất cho nông dân
2. Tạo vốn ban đầu
Tiểu kết phần II
Phần III
TỪ ”MUA NHƯ CƯỚP, BÁN NHƯ CHO” ĐẾN THUẬN MUA VỪA BÁN
Chương 13. Giá – Hơn 20 năm đấu tranh
1. Bắt đầu ở miền Bắc, với vấn đề giá nông sản
2. Tiếp diễn ở miền Nam
3. Thay đổi nhân sự và tổng điều chỉnh giá - thắng lợi bước đầu
Chương 14. Công ty Lương thực Thành phố Hồ Chí Minh dùng “xe cứu đói” vượt “đèn đỏ”
1. Từ tính cách một con người đến tính cách một tập thể
2. Tình hình lương thực thành phố những năm sau giải phóng
3. “Tổ buôn lậu gạo”
4. Từ lề đường vào chính lộ
Chương 15. An Giang phá giá mua lúa, làm rung chuyển hệ thống “giá chỉ đạo”
1. Tình hình thu mua theo cơ chế cũ
2. Đột phá về mua lúa
3. Kết quả trực tiếp: Mua lúa vượt mức kế hoạch
4. Những phản ứng dây chuyền của việc đột phá giá mua lúa
Chương 16. Long An bỏ tem phiếu, chuyển sang cơ chế một giá
1. Bối cảnh
2. Ý tưởng
3. Cuộc thử thách thứ nhất 1977-1978
4. Tìm kiếm sự đồng thuận
5. Những bước tiến tới cải tiến mua và bán
6. Những kết quả hiển nhiên
7. Sự lan tỏa của mô hình Long An
Chương 17. Từ Kho bạc An Giang đến hệ thống Kho bạc cả nước
1. Hoạt động ngân sách quốc gia
2. Thành lập Kho bạc Nhà nước tỉnh An Giang
3. Kho bạc Nhà nước An Giang thực hiện những ý tưởng sáng tạo. Tự ngân khố lo được tiền mặt
Tiểu kết phần III

Phần IV
TỪ ĐỘC QUYỀN NGOẠI THƯƠNG CỦA TRUNG ƯƠNG ĐẾN NHỮNG “RỪNG” IMEX
Chương 18. Những đường dây buôn bán tư nhân với nước ngoài
1. Với Liên Xô và Đông Âu
2. Với Lào
3. Với Campuchia
4. Hàng Vosco
5. Thị trường ngầm trong nước đối với khách quốc tế
6. Thanh toán ngầm và ngân hàng ngầm
Chương 19. Các “IMEX”
1. “Trói”
2. Hai hình thức cởi trói “lén” đầu tiên sau giải phóng: “Cấp cứu” và trao đổi trực tiếp
3. Sự ra đời của các “IMEX”
4. Lách cơ chế bằng phương thức “kiều hối nguyên liệu”
Chương 20. Vietcombank – Người “tiếp tay”
1. Vietcombank và ý tưởng đột phá đầu tiên ra thị trường tài chính thế giới
2. Hai mươi năm sau
3. Vai trò đầu tàu của Vietcombank Thành phố Hồ Chí Minh
Tiểu kết phần IV
Thay kết luận
NHỮNG BÀI HỌC LỊCH SỬ TỪ NHỮNG MŨI ĐỘT PHÁ
1. “Xả lũ” chứ không “vỡ bờ”
2. Sức sống của kinh tế thị trường
3. Bắt đầu từ cuộc sống, từ dân, từ dưới lên
4. Những điểm tựa lịch sử
5. Từ mâu thuẫn đến đồng thuận
6. Vừa đi vừa mở đường
7. Hệ quả hai mặt
8. Tổng quan về lộ trình
9. So sánh quốc tế
Sách và tài liệu tham khảo
Biên niên các sự kiện liên quan đến những đột phá về kinh tế




---
Những entry liên quan đã đi trên blog này:

Nhìn lại đêm trước Đổi Mới và Đổi Mới - 11 (quan điểm của Đặng Phong)


Nhìn lại đêm trước Đổi Mới và Đổi Mới - 10  (tổng quát về Đại hội VI)
Nhìn lại đêm trước Đổi Mới và Đổi Mới - 9 (chương về Đổi Mới trong sách của Huy Đức)
Nhìn lại đêm trước Đổi Mới và Đổi Mới - 8 (năm 1987, 1 USD bằng bao nhiêu VND ?)

Một bài viết của cụ Vũ Khiêu chào mừng đồng chí Gooc-ba-chốp (1986)

- Nhìn lại đêm trước Đổi Mới và Đổi Mới - 7 (một cuốn sách xuất bản năm 1984 mang tên Lê Duẩn)
Nhìn lại đêm trước Đổi Mới và Đổi Mới - 6 (nhớ lại của Trần Độ nguyên Trưởng Ban VHVN)
Nhìn lại đêm trước Đổi Mới và Đổi Mới - 5  (hình ảnh Nguyễn Hữu Đang ở Nghĩa Đô năm 2004) 
- Nhìn lại đêm trước Đổi Mới và Đổi Mới - 4 (về đại phát kiến của Việt Nam "làm chủ tập thể", Nguyễn Ngọc Lanh) 




 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.