Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

15/08/2014

Đọc lại lời của ông giáo Hưng : "Một tờ báo khoa học quốc tế của người Việt" (2013)

Ta hãy xem, vào tháng 8 năm 2013, tức khoảng đúng 1 năm trước, ông giáo đã nói như thế nào. Khi ấy tờ tạp chí ra mắt, đã được xem là một "sự kiện đáng chú ý của giới hàn lâm khoa học Việt Nam".


Đại ý, lúc ấy, ông đã nói (chính văn của ông, chứ không phải văn của phóng viên hay ai khác):

"Vì ý thức rõ những khó khăn này nên chúng tôi đã rất băn khoăn. Nhưng ban lãnh Đại học Tôn Đức Thắng (TDTU) đã không ngừng hối thúc và cam kết là ngay cả không có quốc tế ủng hộ, họ cũng sẽ đứng ra bảo trợ việc xuất bản tạp chí khoa học này. Chính quyết tâm ấy đã xua tan những do dự ban đầu.

Hiện nay, TDTU là thành viên sáng lập, sẽ đứng ra đảm đương việc thực hiện bản in, hỗ trợ tổng biên tập thông qua một ban thư ký thường trực, nhất là tạo điều kiện phòng ốc để APJCEN có đại bản doanh tại Việt Nam."

Có vẻ không giống với điều ông vừa nói hôm nay hay hôm qua.


Từ đây trở xuống là chép nguyên bài của ông đã đăng trên Một thế giới


---






23/08/2013 08:47:06 AM


Tháng 4 năm nay một sự kiện đáng chú ý cho giới lâm khoa học Việt Nam là một tạp chí quốc tế đã ra đời với sự ủng hộ của nhà xuất bản lừng danh SPRINGER (Đức).
Đó là tạp chí “Asia Pacific Journal on Computational Engineering”  (APJCEN), chuyên ngành vể lĩnh vực tính toán mô hình mô phỏng  cho các ngành công nghệ.  Rõ hơn là chuyên ngành dùng máy tính phân tích hay thiết kế vật thể, môi trường phức tạp. Mục đích rộng là đăng tải quảng bá những công bố khoa học độc đáo và mới mẻ trong khuôn khổ ấy. Mục đích cục bộ hơn là tạo điều kiện khuyến khích các nhà nghiên cứu Việt Nam công  bố ra quốc tế các thành quả nghiên cứu của mình.


Sau khi cân nhắc APJCEN đã chọn hình thức “ truy cập mở (open access)”, có nghĩa là độc giả có thể vào xem hay chuyển tải về mà không phải tốn phí. Ngược lại người đăng tải thường có quỹ tài trợ sẽ phải đóng phí cho mỗi bài đăng lên. Nhà xuất bản danh giá gốc Đức SPRINGER sẽ đứng ra đầu tư chu toàn các kinh phí hoạt động và đồng ý là các tác giả đến từ các nước đang phát triển như Việt Nam sẽ có chế độ miển phí. Hình thức “truy cập mở” là xu thế xuất bản hiện đại, ngày càng phổ biến trên thế giới.

Lấp một lỗ hổng cho khoa học Việt nam
Gần đây giới lãnh đạo khoa học công nghệ Việt Nam chợt thức tỉnh về tình trạng tụt hâu thê thảm trong công bố khoa học quốc tế của các nhà khoa học Việt Nam, tụt hậu so với các nước phát triển đã đành mà còn tụt hậu so với các nước Đông Nam Á như Thái Lan, Mã Lai đã từng đứng sau lưng Việt Nam trước năm 1975! Có một tờ báo khoa học quốc tế do một ê kíp người Việt đề xướng và điều hành là đáp ứng một đòi hỏi bức thiết: khuyến khích và tạo điều kiện cho các nghiên cứu sinh Việt Nam công bố các công trình nghiên cứu, vươn ra quốc tế. Tuy nhiên, trên bình diện quốc tế cho ra đời một tờ báo khoa học quốc tế trong năm 2013 là một động tác rất khó, khả năng thành công rất hạn hẹp. Thật vậy, sau những năm 90, các nước Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu sụp đổ. Nga và các nước Đông Âu đã hòa nhập nền khoa học của họ vào phương Tây và các nhà xuất bản danh giá của các nước phát triển như Mỹ, Hà Lan, Đức đã đi đến chỗ bão hòa trong việc ủng hộ các tạp chí mới ra đời tại các nước trên. Thêm vào đó Trung Quốc trổi dậy với khả năng tài chính dồi dào ủng hộ việc xuất bản sách vở báo chí khoa học quốc tế phát xuất từ Trung Quốc. Rồi Hàn Quốc, rồi Ấn Độ, rồi Singapore… Sự cạnh tranh thật là khốc liệt và việc “chen chưn” bước ra quốc tế không đơn giản chút nào… Còn nếu cho xuất bản tại Việt Nam, không có một nhà xuất bản danh giá ủng hộ thì có lẽ phải duy trì cho được ít ra 20 năm, quốc tế mới biết đến. Kinh nghiệm cho thấy tại Pháp, tại Ỳ, tại các nước phát triển các tạp chí khoa học mũi nhọn tầm cỡ quốc gia đều gặp khó khăn trong việc gây ảnh hưởng quốc tế. Các tờ này kết cục phải hoặc đóng cửa ngưng sinh hoạt, hoặc cải tiến theo hướng kêu gọi các nhà xuất bản danh giá đứng ra đỡ đẩu lo việc quảng bá!

Vì ý thức rõ những khó khăn này nên chúng tôi đã rất băn khoăn. Nhưng ban lãnh Đại học Tôn Đức Thắng (TDTU) đã không ngừng hối thúc và cam kết là ngay cả không có quốc tế ủng hộ, họ cũng sẽ đứng ra bảo trợ việc xuất bản tạp chí khoa học này. Chính quyết tâm ấy đã xua tan những do dự ban đầu.

Hiện nay, TDTU là thành viên sáng lập, sẽ đứng ra đảm đương việc thực hiện bản in, hỗ trợ tổng biên tập thông qua một ban thư ký thường trực, nhất là tạo điều kiện phòng ốc để APJCEN có đại bản doanh tại Việt Nam.

Chỗ hội tụ của các nhà khoa học
Là một tờ báo khoa học quốc tế liên kết với một nhà xuất bản danh giá có mặt trên 20 nước, APJCEN có chế độ duyệt bài chuyên nghiệp bảo đảm cho chất lượng của các công bố khoa học.

APJCEN đã qui tụ được sự ủng hộ góp sức của 45 nhà khoa học danh tiếng trên thế giới đến từ các trường đại học, các trung tâm nghiên cứu uy tín hàng đầu trên thế giới.  Ta có thể đơn cử GS Giulio Maier đã từng là Giám Đốc Viện Cơ học Châu Âu Udine (Ý), Giáo sư  Pierre Ladevèze nhân vật nổi trội của nền cơ học tính toán Pháp, GS Wing Kam Liu của Northwestern University, Mỹ , GS Franz G Rammerstorfer, thành viên Hàn Lâm Viện Áo, GS Manolis Papadrakakis, Chủ tịch Công đồng Châu Âu về khoa học tính toán. Phần lớn các nhà khoa học gốc Việt Nam có tiếng trên thế giới về các ngành liên quan đều có mặt: GS Bùi Huy Đường thành viên Hàn Lâm Viện khoa học Pháp (rất tiếc vừa mới qua đời), các GS Nguyễn Quốc Sơn, Đặng Văn Kỳ (Bách Khoa Paris), GS Phan Thiện Nhân (Đại học quốc gia Singapore), GS Vũ Khánh Toàn (Đại học Québec, Canada), GS Trần Công Thành (Đại học Southern Queensland, Úc)… Về phía Việt Nam, chúng ta có thể để ý đến sự hiện diện của các giáo sư năng động nhất trong nghiên cứu khoa học, như GS Vũ Đức Chính, Viện khoa học công nghệ Việt Nam, GS Võ Văn Hoàng (Đại học Bách khoa Tp HVM) , PGS Nguyễn Xuân Hùng (Đại học Tôn Đức Thắng), GS Võ Văn Tới hồi hương từ Mỹ nay đang giảng dạy tại Đại Học quốc tế Tp HCM…

Độc lập trong điều hành, minh bạch trong biên tập
Ngay từ ngày đầu ê kíp biên tập đã cùng nhà xuất bản SPRINGER thỏa thuận trong việc bảo vệ tính độc lập khoa học của Ban Biên Tập, tuyệt đối không để cho bất cứ thế lực bên ngoài nào có thể ảnh hưởng đến nội dung tạp chí. Trên trang mạng của APJCEN đã công bố qui chế minh bạch và chặt chẽ trong việc thẩm định xét duyệt các bài gởi đăng, đảm bảo thường trực tính độc đáo và mới mẻ của các công bố. Chính uy tín khoa học công nghệ của  45 thành viên trong ban biên tập sẽ là cơ sở thuyết phục nhất cho việc bảo đảm chất lượng tương lai cho tờ báo

APJCEN là tờ báo của các nhà khoa học quốc tế. Chính sự có mặt của tờ báo tại Việt Nam, chính sự có mặt của một ê kíp người Việt trong vai trò chủ biên và điều hành sẽ tạo điều kiện thúc đẩy nghiên cứu khoa học tại Việt Nam nhất là tăng cường chất lượng cũng như số lượng công bố quốc tế của các nhà khoa học trẻ Việt Nam.
GS Nguyễn Đăng Hưng vốn là một nhà nghiên cứu, một giáo sư đại học có thời gian tác nghiệp tại Bỉ dài 40 năm, làm đủ các chức năng, từ nghiên cứu sinh cho đến giáo sư trưởng khoa. Ông là tác giả của trên 200 bài báo khoa học, thường xuyên tham dự các hội nghị hội thảo khắp nơi. Ông cũng đã được mời thăm viếng cộng tác làm khoa học hay đi thỉnh giảng thuyết trình khoa học tại các đại học hay viện nghiên cứu tăm tiếng trên thế giới, chia sẻ với họ thông tin khoa học, trao đổi thảo luận với họ về những giải đáp cho những bài toán mũi nhọn đương đại Ông cũng đã đào tạo được khá đông đảo các môn đệ nay đã thành danh, đã trở thành nhà khoa học, giáo sư tại các đại học, các trung tâm nghiên cứu cao cấp ở các nước tiên tiến. Vì những mối thâm tình ấy mà khi Ông quyết định đưa ra đề nghị thành lập một ban biên tập quốc tế cho tờ báo mới, chỉ trong vòng hai tuần lễ đã có trên 40 nhà khoa học trả lời đồng ý trực tiếp tham gia. Và cũng vì có được một lực lượng hùng hậu trong ban biên tập bao gồm 45 nhà khoa học tiếng tăm trên thế giới trong lĩnh vực đặc thù này mà nhà xuất bản danh giá vào bực nhất SPRINGER đã đồng ý đứng ra tài trợ xuất bản, ngay sau bức thư tham khảo đầu tiên tiên được gởi đi.
Vĩnh Thắng
GS Nguyễn Đăng Hưng
(Tổng Biên Tập APJCEN)

http://thegioimoi.vn/Home/ArticleDetail/vn/4/1154/mot-to-bao-khoa-hoc-quoc-te-cua-nguoi-viet.tgm

15 nhận xét:

  1. Trên thực tế thì khoa học Việt nam hiện nay -những phát minh của những người nông dân đang lấn át những phát minh của những người làm khoa học chính thống -

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Các nhà khoa học chính thống thì có đủ sống đâu (lương bèo bọt, phải nghỉ mọi cách để có thêm thu nhập mà gánh vác công việc gia đình). Thế thì, làm sao ra được sản phẩm phát minh.

      Cho nên, thua mấy bác thợ cày với thợ kèn, thợ quạt, là ở một phương diện, cũng đã thấy rồi.

      Xóa
  2. Ai đúng ai sai phải chờ phán quyết của tòa án.
    Đáng tiếc nhất là một nhà khoa học Việt danh tiếng ở nước ngài (Bỉ) và một trường đại học (TDTU) lại không thể tìm được tiếng nói chung, rồi đường ai nấy đi. Đây là sự kiện mới hay xưa nay vẫn vậy?
    12/13 người lên đỉnh OLIMPIA không về nước có góp phần giải thích cho những khúc mắc này!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tôi thì kì vọng là không cần đến tòa. Làm sao ông giáo và nhà trường ngồi lại với nhau, rút cái đơn đã gửi tòa, để bình tĩnh nghĩ về đại cục thì hơn.

      Nhưng có thể kì vọng trên của tôi, hơi khó, thấy được hiện thực. Vì cả hai bên, hình như, càng xem, càng thấy khó ngồi lại.

      Nếu phải ra tòa án, thì quả đáng tiếc. Bây giờ, vẫn còn kịp để hai bên nhìn lại.

      Xóa
    2. Nhiều nhà KH cũng mong muốn như vậy, nhưng liệu TDT U (LVD) có hiểu như vậy không.? Môt đại học non trẻ, chưa có những nhà KH tầm cỡ, không biết sử dụng những người như ông GS Hưng (đã sớm kết thúc hợp đồng), đòi quyền là nhà sáng lập tạp chí quốc tế; trả tiền cho việc làm thêm giờ của GS Hưng nhưng lại nghĩ là có quyền "sở hữu" con người và sản phẩm của GS Hưng ...Từng ấy nội dung, liệu có khi nào ông hiệu trưởng LVD có cơ hội nghĩ lại để ...ngồi với nhau.

      Xóa
  3. Thái độ ứng xử của trí thức
    (LĐ) - Số 189 LÊ THANH PHONG - 8:12 AM, 15/08/2014
    http://laodong.com.vn/su-kien-binh-luan/thai-do-ung-xu-cua-tri-thuc-234391.bld

    Theo đơn kiện của Đại học Tôn Đức Thắng, sau khi thực hiện tạp chí APJCEN với vai trò tổng biên tập, GS Hưng đã gạt bỏ vai trò sáng lập của trường. Đây cũng là điểm mấu chốt của vụ kiện, TAND quận 9 (TPHCM) thụ lý vụ án. Đúng, sai sẽ có tòa phân xử, ở đây xin được bàn đến nội dung khác.
    Đúng ra, là nhà khoa học, dù có tranh chấp thì cũng có thái độ ứng xử văn minh, tôn trọng nhau. Nhưng tiếc rằng, GS Nguyễn Đăng Hưng đã gửi thư đến ban biên tập tạp chí APJCEN gồm hơn 50 nhà khoa học có uy tín của các nước với nội dung: “Chúng tôi không thể chấp nhận rằng, ông hiệu trưởng của Trường Đại học Tôn Đức Thắng rất ngạo mạn đòi quyền sáng lập tập san để bổ nhiệm thành viên ban biên tập. Ở Việt Nam, sự toan tính như thế thường là do thói quen toàn trị…”. Trong một thư khác gửi diễn đàn Sci-Edu về vụ này, GS Nguyễn Đăng Hưng viết: “Âu đây cũng là thêm một kinh nghiệm hợp tác với một đại học Việt Nam”.

    Trong thư ngày 3.5.2014 gửi tạp chí APJCEN, GS Nguyễn Đăng Hưng nói đến hiệu trưởng Trường Tôn Đức Thắng: “Ông không xứng đáng là hiệu trưởng của một trường đại học như Đại học Tôn Đức Thắng. Quả thật, điều này đã hạ thấp vai trò học thuật của ông”.

    Trả lời Dân Trí, GS Nguyễn Đăng Hưng tự cho mình là “một nhà khoa học lừng danh của thế giới”. Với người đạo cao đức trọng như ông, trong một vụ kiện, ông hãy chứng minh cái đúng của mình trước tòa, nhưng cần tôn trọng các nhà khoa học khác cũng như đối tác của ông là Trường Đại học Tôn Đức Thắng. Ông không nên mở diễn đàn nặng lời chê bai trường đại học của Việt Nam và cũng không nên sỉ nhục cá nhân hiệu trưởng Trường Đại học Tôn Đức Thắng.

    Tranh chấp xảy ra trong quan hệ hợp tác là chuyện bình thường, bởi vậy, nhân loại mới sinh ra pháp luật và các tòa án để phân xử. Tại sao ông lại cho rằng “Ở Việt nam, sự toan tính như thế thường là do thói quen toàn trị”?

    Đại học Việt Nam, có thể chưa bằng nhiều trường đại học khác trên thế giới, nhưng cũng đào tạo nhiều thế hệ các nhà khoa học có uy tín và phẩm chất cao, đào tạo hàng triệu trí thức có năng lực cống hiến hiệu quả cho đất nước. Cho nên, không thể vì một vụ kiện của cá nhân GS Hưng với Trường Đại học Tôn Đức Thắng, mà ông lại xúc phạm đến cả nền học thuật của Việt Nam bằng câu: “Âu đây cũng là thêm một kinh nghiệm hợp tác với một đại học Việt Nam”.

    Thật khó có thể tin được những lời đó là của GS Nguyễn Đăng Hưng - người đã được truyền thông ca ngợi và như chính ông tự ca ngợi mình “lừng danh thế giới”. Nhà khoa học có tài năng thực sự không ai lại tự nói về mình như thế và đặt mình cao hơn người khác, xem thường đồng nghiệp.

    Phần thắng của vụ kiện thuộc về ai chưa biết, nhưng các nhà khoa học của Trường Đại học Tôn Đức Thắng đã có thái độ chừng mực, thực hiện các thủ tục trong khuôn khổ quy định của pháp luật, không lên tiếng đả kích cá nhân. Đó là sự ứng xử văn minh, tôn trọng đối tác của những người trí thức.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cái chính là ai đúng ai sai! GS Hưng là nhà khoa học nhưng ông cũng là con người thị trường (biết kiếm tiền biết PR..). Ông có thể đứng vững trên chân của mình là tuyệt vời rồi.
      Đả kích thái độ ứng xử của ông ( hay bất cứ điều gì thuộc về đời tư) trong trường hợp này không dc coi là "chơi đẹp".
      Báo lao động, người lao động, TDT U đều là công đoàn nhà nước nên ngôn ngữ cũng khó khách quan.

      Xóa
    2. Ý kiến của cá nhân người quan sát, có tên rõ ràng là Lê Thanh Phong mà. Bạn Lê Thanh Phong chỉ nói về phong cách ứng xử, và không có gì là phạm về đời tư của ông giáo cả.

      Xóa
  4. Đúng vậy, có cảm giác ông Giáo Hưng ứng xử cũng chưa được tương xứng với tầm vóc tiếng tăm của mình.
    Ví dụ ông viết: "Vụ kiện này là câu chuyện của một giai nhân (tờ báo khoa học quốc tế APJCEN mà tôi là Tổng Biên tập (TBT) yêu kiều lộng lẫy ban đầu là con nuôi của một gia đình có người chủ quá ham mê sắc dục, thay vì nuôi đưởng vô tư để nhận lãnh tiếng khen từ muôn họ, đành lòng ra tay ép uổng. Người đẹp buộc phải dứt áo ra đi, thoát thân tá túc nơi người láng giềng. Người chủ tiếc nuối tham lam tiếp tục làm càn gây chuyện với tất cả những ai có liên quan với giai nhân…"



    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bác Lý à, bây giờ, bác nhắc, mới tìm ra, chính là lời của ông giáo viết như vậy. Toàn văn thì thấy trên Đất Việt (và trên trang cá nhân của ông giáo):
      http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/giao-duc/gsnguyen-dang-hung-noi-ve-don-kien-cua-dh-ton-duc-thang-3052207/

      Vụ kiện này là câu chuyện của một giai nhân (tờ báo khoa học quốc tế APJCEN) yêu kiều lộng lẫy ban đầu là con nuôi của một gia đình có người chủ quá ham mê sắc dục, thay vì nuôi dưỡng vô tư để nhận lãnh tiếng khen từ muôn họ, đành lòng ra tay ép uổng. Người đẹp buộc phải dứt áo ra đi, thoát thân tá túc nơi người láng giềng. Người chủ tiếc nuối tham lam tiếp tục làm càn gây chuyện với tất cả những ai có liên quan với giai nhân...

      Ngày 8/8/2014 báo Tuổi Trẻ với bài: “Đại học Tôn Đức Thắng (TĐT) kiện giáo sư Nguyễn Đăng Hưng” đã công bố ra trước công luận nội dung đơn kiện phân tích trên đây.

      Thiết nghĩ vấn đề này liên quan đến việc công bố quốc tế của các nhà khoa học trẻ Việt Nam, đến một trường công lập lớn tại TP. HCM nên tuy có trong tay những hồ sơ minh chứng cụ thể, khá nhạy cảm nhưng tôi chưa có hành động gì.

      Tôi cố ý để cho sự việc lắng xuống với tất cả tinh thần trách nhiệm của mình. Dù sao TĐT cũng là một trường đại học quan trọng tại TP HCM, hàng ngàn sinh viên đặt lòng tin theo học…

      Vì không muốn để dư luận có thông tin sai lạc tôi có bài đính chính nhanh gọn này.

      Các tình tiết khác tôi xin hẹn với độc giả lần tới. Nay chỉ xin phản hồi những gì Tuổi Trẻ đã đăng hôm 8/8.

      Xin trích báo Tuổi Trẻ đã ghi lại nội dung đơn kiện : “Trường ĐH Tôn Đức Thắng cử ông Lê Văn Út (Quyền trưởng phòng quản lý phát triển khoa học và công nghệ) thúc đẩy thành lập tạp chí. Cuối năm 2012, ông Út thuyết phục Nhà xuất bản Springer xem xét đề nghị thành lập tạp chí quốc tế của trường”.

      Xóa
    2. Sự thật hoàn toàn khác. Chính tôi đã chọn Lê văn Út (LVU) làm trợ lý cho việc hình thành tờ tạp chí khoa học quốc tế và giao cho LVU việc chuyển hồ sơ, gởi thư liên lạc trong đó có một số nhà xuất bản sau khi thành công trong công tác khởi động bằng cách liên lạc với các nhà khoa học ngành cơ học tính toán, chuyên ngành của tôi, một giáo sư trưởng khoa, một nhà khoa học có 40 năm tác nghiệp tại ĐH Liège, Bỉ.

      Tôi đã viết hàng trăm thư điện tử và các nhà khoa học lừng danh trên thế giới đã phúc đáp tích cực lời mời của tôi tham gia Ban Biên Tập. LVU là một TS toán học chưa bao giờ có một công bố về ngành cơ học tính toán làm gì có khả năng tập hợp các nhà khoa học danh tiếng về ngành cơ học tính toán được?

      Dĩ nhiên là tất cả các e-mail này, tôi còn giữ lại và tôi đã giao cho LVU việc ghi lại danh sách khi có một nhà khoa học trả lời đồng ý tham gia. Và sau khi LVU gởi thư cho nhà xuất bản nổi tiếng thế giới SPRINGER, yêu cầu ủng hộ thì nhà xuất bản này ra quyết định đứng ra xây dựng tờ tạp chí quốc tế APJCEN.

      Xin ghi lại nội dung thư trả lời cho tôi bằng tiếng Anh trên văn bản [1] sau đây là lời dịch:

      “Chúng tôi ủng hộ vì :

      1. Quan trọng nhất chúng tôi thừa nhận GS Nguyễn Đăng Hưng là một nhà khoa học lừng danh, với tiếng tăm tốt trên lĩnh vực cơ học và tính toán cơ học. Với mối liên hệ và ảnh hưởng của ông, chúng tôi cho rằng ông sẽ giúp một cách quyết định cho việc quảng bá tờ báo. Chúng tôi chờ đợi là tờ báo sẽ phát triển nhanh chóng.

      2. Chúng tôi thừa nhận BBT gồm những nhà khoa học tiếng tăm trong lĩnh vưc. Trong họ có người đã cộng tác với các tờ báo khác của SPRINGER… Chúng tôi cũng được biết là nhiều người trong số họ đã ủng hộ các sinh hoạt tại Việt Nam. Bỡi vậy, tờ báo sẽ phát triển cũng như khởi hành tốt

      Lời phát biểu trên e-mail khởi xướng này nói rõ sự thật. Sự có mặt của APJCEN là nhờ ở chất lượng của toàn Ban Biên Tập ở khắp thế giới, chắc chắn là không phải nhở ở ông Lê Vinh Danh (LVD) hay ông LVU vậy.

      Một đoạn khác của đơn kiện lại càng vô lý. Xin ghi lại dòng đã đăng:

      “ĐH Tôn Đức Thắng cho rằng ông Hưng không hoàn thành nhiệm vụ xây dựng tạp chí cho trường và “đã có dấu hiệu gian dối khi tự ý thỏa thuận về việc Nhà xuất bản Springer và ban biên tập sẽ là các nhà sáng lập song hành của tạp chí, gạt bỏ đi vai trò sáng lập của Trường ĐH Tôn Đức Thắng”.

      Ở đây trường TĐT có ý coi thường nhà xuất bản rất có uy tín trên toàn thế giới là SPRINGER. Họ có cả trăm tờ báo như APJCEN trên mọi lĩnh vực và thể thức ra báo của họ là rất chuyên nghiệp.

      Giáo sư Stéphane Bordas (ĐH Cardiff) [2] trong một thư cho ông LVD đã từng ôn tồn chỉ bảo thông lệ ra báo quốc tế toàn cầu vì ông cũng có kinh nghiệm ra những tờ báo tương tự.

      Xóa
    3. Lịch sử câu chuyện khá dài bắt đầu từ cuối năm 2012

      Sôi động nhất là tháng năm vừa qua Hiệu trưởng TĐT (LVD) chiếm đoạt danh sách địa chỉ e-mail của báo, viết thư nói xấu tôi [3]. Tôi đã rất ngỡ ngàng chỉ trả lời một lần qua một thư với lời lẽ phân trần từ tốn [4]. Tôi ngạc nhiên là ĐH TĐT lại tiếp tục viết cho BBT APJCEN nhiều e-mail khác nó xấu luôn các nhà khoa học đứng ra binh vực tôi. Tức nước vỡ bờ, các nhà khoa học đã đồng loạt phản ứng lại rất dữ đội [2] đến nỗi TĐT cuối cùng đã phải xin rút lui.

      Lạ lùng là xin thôi đừng mắng nữa mà chẳng có một lời xin lỗi nhỏ nào dành người bị hại.

      Có gần cả chục phản ứng, tôi chỉ xin ở đây ghi lại phản ứng GS Philippe Ponthot : Criticizing without knowing is not the way I want to teach and educate my own students. (chỉ trích mà không hiểu biết không phải lá cách mà tôi muốn dạy và đào tạo sinh viên chúng tôi)

      Buồn quá, hiệu trưởng một trường lớn mà hành động thiếu suy nghĩ để phải bị các nhà khoa học quốc tế vô tư ở xa bên trời Âu-Mỹ mắng mỏ! Quả tình đây chính là hành động tự huỷ phát xuất từ những động cơ kỳ lạ, những đòi hỏi không đúng chỗ.

      Đã có hành động vội vã dẫn đến cơ sự đáng buồn như vậy, tôi e rằng lần này ông LVD, khi đút đơn kiện tại Q9 lại mắc lỗi lần thứ hai: Tự mình là nạn nhân của chính minh.

      Tôi sẽ đón nhận sóng gió này với sự yên bình, thanh thản thường lệ!

      TP HCM ngày 12/8/2014

      GS Nguyễn Đăng Hưng

      Xóa
    4. (Hết)
      Hồ sơ minh chứng:

      [1] Hồ sơ sáng lập căn bản: E-mail của SPRINGER trả lời đồng ý ủng hộ xuất bản APJCEN.

      Xin lưu ý phần dưới còn dấu vết LVU gởi đi với tư cách là trợ lý của GS Nguyễn Đăng Hưng!

      http://www.ndanghung.com/wp-content/uploads/e_mal-sang-lap.pdf

      [2] Phản ứng giận dữ tiêu biểu của các nhà khoa học thế giới về thư ông LVD

      http://www.ndanghung.com/wp-content/uploads/e_mail-phan-doi-của-GS-Ponthot-De-saxce-va-Bordas.pdf

      [3] Thư của ông LVD gởi cho BBT APJCEN nói xấu GS Nguyễn Đăng Hưng

      http://www.ndanghung.com/wp-content/uploads/TDTU-Letter-to-APJCEN-Board.pdf

      [4] Thư trả lời của GS Nguyễn Đăng Hưng

      http://www.ndanghung.com/wp-content/uploads/response-to-LVD_final.pdf

      Xóa
  5. Người ủng hộ ông giáo:
    http://opeconomica.wordpress.com/2014/08/14/khi-su-that-len-tieng-toi-ung-ho-gs-nguyen-dang-hung-vi-muc-tieu-toi-thuong-khoa-hoc/
    Ủng hộ GS Nguyễn Đăng Hưng vì mục tiêu tối thượng khoa học
    Posted on August 14, 2014 by Già Bản 11

    Trả lờiXóa
  6. Một người ủng hộ, và một người khác lại phản luận lại ngay:
    http://dttl-nguoilotgach.blogspot.jp/2014/08/lon-chuyen-roi-cau-chuyen-cua-gs-nguyen.html

    Trả lờiXóa

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.