Từ hôm nay, nếu không vướng bận về thời gian quá, mỗi ngày kể một chuyện về người Nùng và các tộc gần gũi.
Cụ Nguyễn Ái Quốc lúc về Cao Bằng đầu thập niên 1940 (theo bố trí đầu tiên của nhóm Hoàng Văn Thụ), đóng giả làm một ông già người Nùng. Một người Nùng biết nói tiếng Việt và tiếng Quảng Đông. Mà không phải người Tày.
Ẩn ý sâu xa chính là ở chỗ: làm sao không chọn tộc danh Tày, mà lại là Nùng. Dù nhóm Hoàng Văn Thụ thì cứ khuyên cụ nên "hóa Tày".
Ẩn ý sâu xa chính là ở chỗ: làm sao không chọn tộc danh Tày, mà lại là Nùng. Dù nhóm Hoàng Văn Thụ thì cứ khuyên cụ nên "hóa Tày".
Ở dưới là chép về từ cổng thông tin điện tử tỉnh Yên Bái. Một vùng mà có khá nhiều người Nùng, nhưng còn đang hầu như bị bỏ quên. Hồi đầu năm 2013, tôi đi từ Cao Bằng sang Yên Bái, đánh bạo thử theo lối "vừa đi vừa vẫy bám càng" (phổ biến với lối du lịch ở nước ngoài), để tìm đến những bản người Nùng này. Về đến đoạn giáp ranh giữa Yên Bái và Lào Cai thì được bố trí riêng một wave Tàu chạy rất khỏe. Người ở trong bản đã nhận điện thoại của người nhà ở Cao Bằng mà ra đón.
Từ đây trở xuống là của cổng thông tin điện tử tỉnh Yên Bái.
Tháng 8 năm 2014,
Giao Blog
---
- Ma túy ở vùng Bản Thang và Bản Giốc (Cao Bằng)
- nhà thơ Triệu Lam Châu cảm động khi được Mẻ Va ban những từ khoa học bằng tiếng Tày
- Văn bia lăng mộ ở Cao Bằng (2014)
- "Đầu rau" có nghĩa là gì ?
- Năm 1958, hai khu tự trị và hai ông tướng Việt - Trung (Chu Văn Tấn, Vi Quốc Thanh)
Dân tộc Nùng
Cập nhật lúc: 15:36, ngày 03/12/2013
Theo số liệu thống kê năm 2009, dân tộc Nùng ở Yên Bái có 14.821 người sinh sống tại hầu hết các huyện, thị xã, thành phố trong toàn tỉnh, trong đó tập trung chủ yếu ở huyện Lục Yên và huyện Yên Bình.
Dân tộc Nùng ở Yên Bái chủ yếu thuộc hai nhóm Nùng An và Nùng Phủ (tên chỉ nhóm địa phương của người Nùng).
Người Nùng Yên Bái có tiếng nói riêng, thuộc nhóm ngôn ngữ Tày – Thái (dòng ngôn ngữ Nam Á) và có chữ viết từ rất sớm – chữ Nôm Nùng. Ngày nay, chữ Nôm Nùng hầu như không được sử dụng, chỉ có một số người già và người làm nghề thầy cúng còn biết (bài Mo Nùng còn ghi lại bằng chữ Nôm trên giấy bản. Gia phả nhiều dòng họ còn giữ lại cũng ghi bằng chữ Nôm Nùng).
Người Nùng An và người Nùng Phủ có phong tục tập quán cơ bản giống nhau nhưng có sự khác nhau về tiếng nói. Tiếng Nùng An phát âm gần như tiếng Cao Lan – Sán Chay và tiếng Giáy. Tiếng nói người Nùng Phủ ảnh hưởng âm sắc của tiếng Tày.
Ở Yên Bái có một bộ phận nhỏ người Nùng có nguồn gốc từ người Kinh, trong quá trình sống xen kẽ và giao lưu văn hóa họ tự nhận mình là người Nùng, nói tiếng Nùng, ăn ở và sinh hoạt theo phong tục người Nùng.
Dân tộc Nùng mang các họ: Nông, Mông, Hoàng.
Do địa bàn cư trú của người Nùng ở nơi có nhiều rừng, núi và ở khoảng giữa là thung lũng lòng chảo nên đồng bào Nùng rất thành thạo trong khai thác đất đồi, làm nương rẫy; đất bằng đồng bào trồng lúa nước.
Nguồn sống chính của đồng bào Nùng Yên Bái dựa vào cây lúa: lúa nước và lúa nương. Đồng bào dùng công cụ có sức kéo như cày, bừa,...hệ thống cọn nước, mương tưới nước cho ruộng...kết hợp với khoa học kỹ thuật mới, thâm canh tăng vụ, sử dụng giống mới, phân hóa học, thuốc trừ sâu, cải tạo vườn tạp, trồng các loại cây công nghiệp, cây ăn quả có giá trị kinh tế cao nên hiệu quả kinh tế trên đất canh tác đã được nâng lên rất nhiều. Ngoài nguồn lương thực thu được từ cây lúa, đồng bào Nùng còn có thu được nhiều sản phẩm nông sản như ngô, sắn và các hoa màu khác.
Nguồn thu chủ lực của gia đình người Nùng phải kể đến chăn nuôi. Đồng bào phát triển chăn nuôi cả trên cạn và dưới nước. Gia súc như trâu, bò, lợn và gia cầm như gà, vịt, ngan là vật nuôi phổ biến. Diện tích mặt nước đồng bào dùng để nuôi cá, vịt, ngan, ngỗng.
Nghề thủ công truyền thống của đồng bào Nùng vẫn được duy trì phát triển như nghề mộc: làm giường, tủ, bàn, ghế, nghề rèn, các công cụ sản xuất như dao, cuốc, lưỡi cày... nghề đan lát; các đồ dùng đồ đựng bằng tre, nứa...
Đồng bào Nùng Yên Bái tham gia tích cực vào phong trào trồng rừng và bảo vệ rừng. Ngoài trồng các cây lấy gỗ, đồng bào cũng rất tích cực hưởng ứng trồng các loại cây công nghiệp như quế, sắn; cây ăn quả có giá trị cao như cam, hồng, quýt,...
Do sản xuất phát triển, giao lưu hàng hóa mở rộng và được Nhà nước đầu tư, hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng nên đời sống người Nùng ngày càng được cải thiện. Nhiều hộ vươn lên có mức sống khá, sắm sửa các tiện ghi đắt tiền phục vụ sản xuất và đời sống như: xe ô tô tải, máy xát liên hoàn, xuồng máy, xe máy, ti vi, radiô...
Người Nùng Yên Bái ở nhà sàn: 3 gian, 5 gian, 7 gian. Hiện nay có một số ít làm nhà đất.
Trang phục người Nùng không văn hoa sặc sỡ. Phụ nữ Nùng mặc áo năm thân màu chàm, áo ngắn đủ che mông, áo được may rất rộng cả phần thân và tay, giúp cho cử động được thoải mái. Chiếc áo của phụ nữ Nùng được trang trí bằng cách thêm miếng vải khác màu vào cổ tay áo và phía trước ngực, thông thường là vải đen đắp lên áo chàm. Một bộ phận nữ Nùng ở Lục Yên mặc áo chàm dài quá đầu gối. Áo nam giới Nùng dài ngang hông, tứ thân, may áo gần sát người, tay áo dài và rộng, cổ áo khoét tròn, áo có 7 cúc và thường có 4 túi hoặc 2 túi.
Trong gia đình người Nùng, bàn thờ là nơi tôn nghiêm nhất mà gia đình nào cũng phải có. Bàn thờ thờ quan Thế âm Bồ Tát hoặc Hắc hổ huyền đàn (đồng bào gọi là thờ Ham); thờ tổ tiên và thờ Hoa vương Thánh mẫu (bà Mụ). Trong gia đình có người làm thầy cúng thì thờ thêm tổ sư của người cúng, bát hương để ở chỗ cao hơn bát hương thờ tổ tiên. Gia đình có người làm thầy thuốc làm thêm bát hương Quan thái y.
Bất cứ gia đình người Nùng nào cũng thờ quan Phật trong nhà, có họ thờ quan Thế âm Bồ Tát, có họ thờ Ham. Đồng bào Nùng cho rằng có 2 vị thần này rất thiêng, có thể giúp gia đình diệt trừ yêu ma.
Thờ tổ tiên của người Nùng theo tộc hệ 9 đời nhưng chỉ thờ đến đời thứ 3: bắt đầu từ đời cha, cụ. Đời thứ 4 tức kỵ, tổ tiên biến thành thần giữ gia súc, đồng bào thường cúng ngoài trời trong dịp tết Nguyên đán. Thường khi cha mẹ mới mất, gia đình lập bài vị riêng, hàng ngày cúng cơm nước để tỏ lòng nhớ đến người đã mất, sau mãn tang, người ta lập một bát hương riêng để ở bàn thờ để chỗ thấp hơn, khi cha mẹ đã quy tiên hết thì bỏ đi, coi như đã nhập vào tổ tiên chung.
Đồng bào Nùng ở Yên Bái có tục thờ bà Mụ tức Hoa vương Thánh mẫu trong nhà để bảo vệ trẻ em. Bàn thờ được lập khi hai vợ chồng bắt đầu sinh con, đến khi con được 13 tuổi thì thôi. Táo quân là một vị thần được người Nùng thờ trong nhà, bàn thờ ở cạnh bếp. Người Nùng còn thờ thần thổ địa của từng gia đình mang theo từ nơi cũ khi họ di cư đến nơi đất khác. Những thần này thờ ngoài sân phơi hoặc là một bát hương đặt trên bục xây ngoài trời.
Ở bản của người Nùng còn thờ Thổ công của bản, xã, thờ Thành Hoàng – vị thần có nhiệm vụ bảo vệ mùa màng và gia súc. Đồng bào thờ những người có công giúp dân khai phá ruộng nương, xây dựng mường bản.
Những tục thờ cúng trên minh họa tín ngưỡng của đồng bào Nùng mang đậm màu sắc tín ngưỡng đa thần nguyên thủy xen lẫn với những yếu tố Đạo Giáo, Phật giáo, Khổng giáo. Hiện nay ở vùng đồng bào Nùng sinh sống hầu như đã bỏ hẳn tục thờ Thành hoàng nhưng tục thờ Thổ địa, thờ các vị thần trong nhà vẫn không có gì thay đổi đã gắn liền với tập quán sinh hoạt của đồng bào từ lâu đời.
Giống như người Thái, đồng bào Nùng ở Yên Bái có 2 tết lớn nhất trong năm là tết Nguyên đán và tết 14/7 (Sipslxi). Ngoài ra, đồng bào còn ăn tết vào các dịp: 3/3- tết Thanh minh; 5/5 tết Đoan ngọ, đồng bào ăn mừng đã cấy xong vụ mùa, dịp này đồng bào còn đi hái cây thuốc; 6/6 lúc này lúa đã lên xanh, đồng bào tổ chức tết cúng thần ruộng, thần trâu, bảo vệ mùa màng, gia súc; tết trung thu 15/8; 10/10 khi vụ mùa đã gặt xong, đồng bào tổ chức ăn mừng thành quả lao động.
Những ngày tết của đồng bào Nùng ở Yên Bái đều mang ý nghĩa lành mạnh thể hiện sự mong muốn của người dân lao động cho mùa màng tốt tươi, đời sống ấm no hạnh phúc; đồng thời cũng là dịp cải thiện đời sống của người lao động sau những ngày vất vả trên đồng ruộng, nương rẫy.
Đồng bào Nùng có tổ chức mừng sinh nhật, không có tục giỗ, thông thường những người từ 60 tuổi trở lên được tổ chức lễ sinh nhật. Lễ sinh nhật đầu tiên được tổ chức rất trang trọng, mời thầy cúng, họ hàng nội ngoại, con cháu, các gia đình trong bản và bạn bè thân thiết. Tổ chức những lần sau không mời lại nữa, những ai đã được mời rồi cứ đúng ngày, tháng năm sau đến dự.
Cưới xin là việc trăm năm của con người, do vậy đồng bào Nùng rất coi trọng việc thực hiện các nghi lễ, trai gái Nùng đến tuổi se duyên phải được làm các lễ chính là: lễ dạm hỏi “Khắm lùa” là lễ thăm dò thái độ của nhà gái do nhà trai chủ động tiến hành; lễ “Au mình” nhà trai trả lời chính thức, nhà trai xin tuổi cô gái về để so tuổi với chàng trai; lễ “Mình hom”: hai nhà thỏa thuận về thời gian – lễ vật để làm lễ đính hôn; lễ “khả cáy”: là lễ đính hôn chính thức. Trong tục lệ cưới xin, vai trò của ông mối, bà mối hết sức quan trọng. Tổ chức xong đám cưới, theo tục lệ họ trở thành bố mẹ nuôi của cô dâu, chú rể. Đôi vợ chồng này phải có trách nhiệm như đối với cha mẹ đẻ mình.
Trong các đám cưới của người Nùng, trung tâm vui nhộn là các cuộc hát đối, tiếng Nùng gọi là “Cỏ Lảu” người hát thuộc lòng một số câu hát mẫu song còn phải có tài ứng đáp. Nhạc cụ sử dụng đàn tính 2 dây hoặc 3 dây, não bạt, chũm chọe. Mỹ thuật truyền thống có bộ tranh thờ từ 7 đến 12 tờ mô tả vũ trụ quan, đất, nước, lửa, gió tạo nên vạn vật, trong đó con người là chủ thể. Con người luôn đấu tranh với cái ác, để giành lấy cái thiện. Họa tiết sinh động...thủ pháp nghệ thuật theo mô típ tả thật, màu sắc dân gian theo trường phái tranh hàng trống của người Kinh.
Nghề thêu thổ cẩm, trạm khắc trên gốm, đục đá vẫn được duy trì. Nghề làm hương, dệt vải nhuộm vải được phụ nữ yêu thích.
Sinh hoạt ẩm thực của người Nùng giản đơn nhưng khéo léo. Những thức ăn được chế biến từ nông sản phổ thông như gạo, ngô, sắn, rau trồng, rau rừng, thịt, cá nuôi được. Rượu được nấu từ chõ tự làm lấy, nguyên liệu sắn, gạo, men rượu được chế ra từ thảo mộc tự nhiên và bột gạo nếp. Những thức ăn ngày lễ tết được chế biến cầu kỳ như cá nướng, xôi đỏ, xôi tím...
Sống hòa nhập trong cộng đồng các dân tộc ở Yên Bái, người Nùng sống chân thực, giàu chất lao động sáng tạo, bảo lưu được truyền thống văn hóa của mình.
Văn hóa người Nùng đã góp phần tô điểm thêm cho bức tranh văn hóa các dân tộc Yên Bái, đậm đà bản sắc, giàu chất trữ tình. Các thế hệ người Nùng giàu truyền thống yêu nước và cách mạng. Từ khi có Đảng, thanh niên tri thức trong dân tộc Nùng đã sớm giác ngộ cách mạng, theo Đảng, theo Bác Hồ tìm đường cứu nước, nhiều gia đình nuôi giấu cán bộ trong kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược.
---
Những entry liên quan đã đi trên blog này:
- Người Nùng ở Yên Bái- Ma túy ở vùng Bản Thang và Bản Giốc (Cao Bằng)
- nhà thơ Triệu Lam Châu cảm động khi được Mẻ Va ban những từ khoa học bằng tiếng Tày
- Văn bia lăng mộ ở Cao Bằng (2014)
- "Đầu rau" có nghĩa là gì ?
- Năm 1958, hai khu tự trị và hai ông tướng Việt - Trung (Chu Văn Tấn, Vi Quốc Thanh)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.
LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.
Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.