Ghi lại để khỏi quên, nhân đang viết
Gần đây, nhân chuyện phiếm trên những chuyến cùng đi công tác ngoại tỉnh, và những buổi tham vấn tại nhà riêng, một "cố vấn" trong nhóm 12 chuyên gia của cụ Trường Chinh (ra đời tháng 5 năm 1984, trước khi cụ Lê Duẩn qua đời), là bác Dương Phú Hiệp, có nhận mạnh rất rõ về những cống hiến mở đường của lãnh tụ Trường Chinh trong Đổi Mới. Bác đã viết thành sách, mới xuất bản.
Xưa nay, chúng ta luôn có cảm tưởng về cụ Trường Chinh với màu sắc thủ cựu và ghét đổi mới, không ưa nhóm cấp tiến. Nhưng trên thực tế, ở thời khắc đó, được cầm quân ở ngôi Tổng Bí thư thay cho cụ Lê Duẩn, thì chính cụ Trường Chinh đã dẫn dắt Đổi Mới.
Sau này, năm 1997, Võ Đại tướng cũng đã phân tích rất rõ vai trò của Tổng Bí thư Trường Chinh.
Dưới đây, giới thiệu thêm một bài của một "cố vấn" khác, là cụ Trần Nhâm. Bài từ năm 2007.
Hiện tình đất nước hiện nay đã khác xa thời 1986. Đòi hỏi của tình hình mới đang được đặt ra, cho những nhân vật mang trách nhiệm. Bản thân cụ Trường Chinh, cũng vốn có sử quan coi trọng những nhân vật làm xoay chuyển tình thế đất nước, như Quang Trung.
Từ đây trở xuống là bài của cụ Trần Nhâm (cụ Nhâm nói 8 người, nhưng danh sách tôi có thì đúng là 12 người).
---
Người lát viên gạch đầu tiên để xây lên ngôi nhà ĐỔI MỚI đó chính là Trường Chinh. Ông đã vượt lên những hạn chế của sức khỏe và tuổi già, dũng cảm tiến hành cuộc đấu tranh với những quan điểm bảo thủ, giáo điều, với cơ chế tập trung quan liêu, bao cấp để cùng với Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương Đảng ta hình thành tư duy đổi mới và xác lập đường lối đổi mới toàn diện tại Đại hội lần thứ VI của Đảng.
Đầu năm 1982, tôi về giúp việc cho đồng chí Trường Chinh đúng vào lúc đất nước ta lâm vào một cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội trầm trọng. Sau đợt điều chỉnh giá cuối năm 1981, nâng giá hàng loạt mặt hàng mà không điều chỉnh tiền lương một cách tương ứng, nên làm cho giá cả tăng vọt, lạm phát đến mức chóng mặt, khiến cho mức sống của cán bộ, công nhân, viên chức và lực lượng vũ trang giảm sút nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sản xuất, nền kinh tế trở nên tiêu điều, tác động đến toàn bộ đời sống xã hội, đến đạo đức, pháp luật, tâm tư, tình cảm, lòng tin của cán bộ và nhân dân.
Cả xã hội đều phải xoay xở để duy trì cuộc sống, tệ nạn tiêu cực phát triển, nguy cơ tha hóa con người và xã hội đang bày ra trước mắt.
Vào thời điểm này văn phòng đồng chí Trường Chinh nhận được hàng trăm, hàng ngàn báo cáo, kiến nghị của các cơ quan, các cấp, các ngành và các địa phương cùng với thư từ của cán bộ, đảng viên và nhân dân các nơi tới tấp gửi về, tập trung phản ánh về đời sống, về đạo đức, về lòng tin, về vai trò lãnh đạo của Đảng và Nhà nước ta. Những thông tin này đều báo cáo cập nhật đến đồng chí Trường Chinh và chúng tôi không quên trình bày ý kiến riêng của mình những vấn đề cấp bách mà nền kinh tế - xã hội đất nước đang đặt ra. Ông khuyên chúng tôi không nên quá bi quan với tình hình, vì không có bất cứ khó khăn nào không có cách khắc phục và vượt qua. Đây là những giờ phút mà tôi thấy luôn luôn hiện lên trên vẻ mặt và vầng trán ông sự suy tư, trăn trở, vật lộn với chính mình để tìm ra lối đi, tháo gỡ khó khăn, thoát khỏi tình thế hiểm nghèo.
Vào một ngày cuối tháng 11.1982, ông cho gọi chúng tôi lên làm việc. Ông khẳng định tình thế lúc này không thể tiếp tục kéo dài được nữa, không thể duy trì cách nghĩ, cách làm cũ cũng như những chủ trương, chính sách và cơ chế quản lý như trước được nữa. Nhưng để thay thế cái cũ, tìm ra cái mới thì phải nắm vững lý luận, hiểu rõ thực tế và nhìn thẳng vào sự thật, thấy được những cái gì ta đã làm được, cái gì ta chưa làm được. Do vậy, ông đã quyết định trước mắt cần làm gấp hai việc.
Một là, tập hợp một tổ nghiên cứu gồm những anh em có tư duy mới để nghiên cứu một số vấn đề lý luận và thực tiễn nước ta, làm căn cứ phương pháp luận cho việc xác định con đường và bước đi sắp tới.
Hai là, tổ chức những chuyến đi thực tế ở các địa phương, tìm ra những cái hay, cái dở, những bài học thành công và thất bại của cơ sở để đổi mới cách nghĩ, cách làm của chúng ta. Bởi vì, ông hiểu rất rõ: thực tiễn cao hơn nhận thức. Quần chúng là người làm ra lịch sử!
Chúng tôi gấp rút thực hiện ngay ý kiến đó và một tháng sau, cuối tháng 12.1982 đã hình thành Tổ nghiên cứu gồm có 8 đồng chí. Suốt 4 năm tồn tại (từ tháng 12.1982 đến tháng 12.1986 khi kết thúc Đại hội VI), Tổ nghiên cứu đã sinh hoạt thường xuyên, làm việc tận tụy, hết mình để nghiên cứu, phân tích, gợi mở một số vấn đề lý luận và thực tiễn Việt Nam, góp phần đáng kể vào việc hình thành tư duy đổi mới của đồng chí Trường Chinh, thể hiện qua các bài phát biểu của ông tại các cuộc họp Bộ Chính trị, các Hội nghị Trung ương, đặc biệt là kết luận của Bộ Chính trị về ba quan điểm kinh tế lớn để chuẩn bị cho báo cáo chính trị và các văn kiện của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI. Với thái độ cởi mở, chân tình, lắng nghe ý kiến, đồng chí Trường Chinh đã tạo ra một không khí làm việc say mê, hồ hởi, phấn khởi của anh em trong Tổ nghiên cứu.
Đồng thời, đối với đồng chí Trường Chinh, vấn đề thâm nhập thực tế, nghiên cứu tình hình, phát hiện cái mới là vấn đề quan trọng bậc nhất. Chính vì vậy, từ năm 1983 đến năm 1986, chúng tôi đã bố trí một chương trình đi thực tế của ông một cách chặt chẽ, hợp lý. Trong ba, bốn năm ông đã khảo sát gần 20 tỉnh, thành từ miền Nam, ra miền Trung và về miền Bắc. Chuyến đi thực tế dài ngày ấy đã để lại cho ông nhiều ấn tượng tốt. Chưa bao giờ tôi thấy vẻ mặt ông rạng rỡ và tinh thần ông phấn chấn như lúc này. Đây chính là căn cứ thực tế sinh động, có sức thuyết phục, khắc họa tư duy đổi mới của đồng chí Trường Chinh, thể hiện qua các bài phát biểu của ông tại các Hội nghị Trung ương 6, 7, 8, 9...; đã gây tiếng vang trong cả nước, người ta chuyền tay nhau đọc, khen ngợi hết lời. Những tâm tư, nguyện vọng, những trăn trở, suy tư của cán bộ, đảng viên, của quần chúng nhân dân trong bao lâu nay không nói ra được thì lúc này nhờ những quan điểm đổi mới, những phân tích sâu sắc của đồng chí Trường Chinh đã nói thay cho họ. Người ta thấy hiện trở lại một Anh Năm - Trường Chinh của những năm tháng trước, trong và sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Trong những ngày đó, văn phòng đồng chí Trường Chinh liên tục nhận được điện thoại và thư từ khắp nơi gửi về chúc mừng thắng lợi của tư tưởng đổi mới, mà người nhen lên đốm lửa đó chính là đồng chí Trường Chinh.
Do vậy, có thể nhận thấy quá trình hình thành tư duy đổi mới của Trường Chinh không phải là từ trên trời rơi xuống, cũng không phải là nặn từ trong đầu ra, mà là một quá trình được chuẩn bị bằng lý luận, phương pháp luận; là quá trình thâm nhập, nghiên cứu thực tiễn, rút ra bài học kinh nghiệm và từ đó đúc kết thành quan điểm, tư duy đổi mới. Người lát viên gạch đầu tiên để xây lên ngôi nhà ĐỔI MỚI đó chính là Trường Chinh. Ông đã vượt lên những hạn chế của sức khỏe và tuổi già, dũng cảm tiến hành cuộc đấu tranh với những quan điểm bảo thủ, giáo điều, với cơ chế tập trung quan liêu, bao cấp để cùng với Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương Đảng ta hình thành tư duy đổi mới và xác lập đường lối đổi mới toàn diện tại Đại hội lần thứ VI của Đảng.
Tại sao Trường Chinh lại đặt ra yêu cầu cấp bách của công cuộc đổi mới, trước hết là đổi mới tư duy? Theo ông, không có bước đổi mới tư duy đi trước thì không có bất cứ một sự đổi mới nào cả. Đổi mới tư duy thực chất là một cuộc giải phóng triệt để mang ý nghĩa lịch sử? Tư tưởng giải phóng mà ông nói đây là một quá trình rời bỏ khỏi bản thân mình và toàn xã hội những gì đang kìm hãm và cản trở sự phát triển, là quá trình tổ chức lại xã hội và đưa vào cơ chế vận hành của xã hội một hệ thống đồng bộ các yếu tố vật chất và tinh thần, tạo nên lực đẩy cho sự phát triển nhanh và bền vững. Và, tại sao đã nhiều lần ông nhấn mạnh: đổi mới tư duy, đặc biệt là tư duy kinh tế? Điều đó không chỉ có ý nghĩa là kinh tế có vị trí hàng đầu, có tác dụng quyết định mà còn là vì phát triển kinh tế trong điều kiện bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa tiến lên chủ nghĩa xã hội như nước ta, có tầm quan trọng đặc biệt, nếu không muốn nói là quan trọng bậc nhất. Nó còn có ý nghĩa là vai trò kinh tế tuy chiếm vị trí hàng đầu nhưng tư duy kinh tế của chúng ta trong nhiều năm qua còn quá lạc hậu so với cuộc sống, cản trở không ít đến sự phát triển kinh tế. Tư duy kinh tế lỗi thời bắt nguồn từ căn bệnh giáo điều, bảo thủ, trì trệ, luôn bám lấy cái cũ, không chịu đổi mới, chính vì vậy mà nền kinh tế - xã hội nước ta cho đến lúc này lâm vào một cuộc khủng hoảng kéo dài và đang trở thành vấn đề nóng bỏng, nổi lên hàng đầu. Đổi mới tư duy kinh tế, vì vậy, là điểm xuất phát trong tư duy đổi mới của đồng chí Trường Chinh cũng là điều hợp với thực tế, với logic cuộc sống lúc này.
Điều đó tỏ rõ, tư duy kinh tế của ông bao giờ cũng hướng tới một mục đích nhất định và trên cơ sở đó xác định động lực của sự phát triển. Trong những năm đầu đổi mới, ông nhận rõ tính tất yếu phải xóa bỏ mô hình tập trung quan liêu, bao cấp để chuyển hẳn sang mô hình kinh tế thị trường. Suốt từ Hội nghị Trung ương 6, 7, 8, 9,... cho đến Đại hội VI, ông kiên trì giữ vững mục tiêu chiến lược đó với lập trường nguyên tắc không thay đổi. Đã nhìn rõ mục tiêu và động lực rồi thì điều cốt yếu đối với ông lúc này là tìm ra điểm bắt đầu, xác định được khâu chính, khâu đặc biệt mà người ta cần phải nắm lấy để từ đó làm xoay chuyển tình thế. Không phải ngẫu nhiên mà đồng chí Trường Chinh lại chọn giá - lương - tiền là khâu đặc biệt, là đột phá khẩu mà chúng ta cần phải mở ra, đúng như ông đã nói: đánh trúng vào đó là đánh trúng vào chủ nghĩa tự do, tình trạng vô tổ chức, vô kỷ luật, đánh trúng vào đó sẽ tạo điều kiện cho sản xuất phát triển, lập lại trật tự trong nền kinh tế quốc dân và trong đời sống xã hội, khôi phục lại phẩm chất, đạo đức và lòng tin.
Khi xác định giá - lương - tiền là khâu đột phá rồi, thì tư duy logic của ông là nắm vững mối quan hệ biện chứng giữa các khâu ấy, xem việc giải quyết các khâu ấy phải kiên quyết, khẩn trương, đồng bộ, nhưng phải có bước đi vững chắc, không chần chừ, do dự, cũng không nóng vội, chủ quan, duy ý chí. Khi kiên trì chính sách một giá, ông phát hiện chính đó là đầu mối để giải quyết chính sách tiền lương và chính sách tiền tệ. Ông nhận rõ đó là đầu mối của mọi đầu mối để chuyển hẳn sang cơ chế hạch toán kinh doanh của nền kinh tế thị trường. Bởi vì, từ đầu mối của chính sách một giá mà lần ra được vấn đề bù giá vào lương - một phạm trù mới ra đời trong thời kỳ đầu đổi mới.
Điều đáng lưu ý là tại sao tư duy kinh tế của Trường Chinh lại bắt đầu từ những vấn đề nóng bỏng nhất của lĩnh vực phân phối lưu thông, của cơ chế quản lý kinh tế, của việc mở rộng quyền chủ động của cơ sở trong sản xuất, kinh doanh. Đó đều là nội dung cốt lõi của quan hệ sản xuất, tức là bắt đầu từ quan hệ sản xuất. Không phải ngẫu nhiên mà Trường Chinh đưa ra vấn đề đổi mới tư duy kinh tế lại bắt đầu từ quan hệ sản xuất. Làm như vậy, theo ông, là ta tuân theo quy luật phù hợp tất yếu giữa quan hệ sản xuất với tính chất và trình độ của lực lượng sản xuất.
Với điều kiện của Việt Nam, chúng ta không bao giờ ảo tưởng rằng trong trạng thái thấp kém của lực lượng sản xuất lại có thể xác lập và phát triển những quan hệ sản xuất mới vượt quá tính chất và trình độ của lực lượng sản xuất cho phép quan hệ sản xuất ra đời, tồn tại và phát triển. Do vậy, việc củng cố và hoàn thiện quan hệ sản xuất bao giờ cũng phải xem xét kỹ đến tính chất và trình độ của lực lượng sản xuất. Đổi mới cơ chế quản lý, mở rộng quyền chủ động của cơ sở, giải quyết giá - lương - tiền chính là giải quyết các vấn đề của quan hệ sản xuất, mở đường cho lực lượng sản xuất phát triển.
Logic của tư duy kinh tế của Trường Chinh là đặt vấn đề trên cơ sở đó. Ông thường nói: tôn trọng quy luật, làm theo quy luật cũng chính là như thế!
GS Trần Nhâm nguyên là trợ lý của đ/c Trường Chinh thời kỳ trước và trong thời gian đ/c Trường Chinh làm Tổng bí thư Đảng CS Việt Nam
---
Những entry liên quan đã đi trên blog này:
- Nhìn lại đêm trước Đổi Mới và Đổi Mới - 1 (vai trò của Trường Chinh, bài Trần Nhâm năm 2007)
- Trường Chinh (1946): Cách mạng Tháng Tám
- Xác nhận của nhà văn Vũ Thư Hiên về nhân vật Trần Dân Tiên
- Phan Đăng Lưu (1902-1941) đã nhường chức Tổng Bí thư cho Trường Chinh trong Hội nghị Trung ương 7 (1940)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.
LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.
Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.