Lời dẫn: Thời nhỏ, từng đọc Phạm Thị Minh Thư. Thích một cách man mác với những truyện ngắn của chị. Nhớ mãi cảnh một anh chàng đeo kính cận dầy cộp sửa xe đạp cho một áo trắng trong cái thế giới mà chị tạo ra.
Rồi thì vào đại học. Đọc lại, không thấy còn thích như hồi nhỏ nữa. Đúng là, chỉ có một đêm như thế thôi.
Rồi thì, có một dạo, tôi trở thành hàng xóm của nhà văn Phạm Thị Minh Thư. Trong khoảng thời gian hai hay ba năm gì đó, tôi không còn nhớ rõ. Chị tới mua đất của ông hàng xóm bên cạnh nhà tôi, và xây một ngôi nhà to ở chỗ đó. Bọn trẻ trong xóm tôi, từ đó về sau, mất luôn chỗ đá bóng.
Sau đó, tôi chuyển nhà đi chỗ khác, và rồi ngay sau đó thì đi du lãng một mạch tới cả mười năm mới quay trở lại.
Lúc trở về, tới thăm chỗ ở ngày trước, hàng xóm nói là gia đình chị đã chuyển đi rồi. Tôi đi ngang qua nhà cũ của chị, ánh đèn nhàn nhạt từ trong đó hắt ra, bỗng làm chợt nhớ ra rằng, cháu Nhiu - con gái của chị - chắc giờ này đã vào đại học rồi cũng phải.
Hôm nay, trong mục Văn nghệ Thứ Bảy, đăng ở đây một đoạn viết của chị mới xuất hiện trên trang của ông Nhật Tuấn.
Trên đời, có quá nhiều thứ phải đọc, mà tôi thì chưa từng đọc văn của Nhật Tuấn. Kể cả blog của ông, cũng chưa một lần. Hôm nay, ngó thấy bài chị Minh Thư, là nhờ qua chơi nhà của bạn Phước Béo.
Dưới là bài của chị Minh Thư.
---
PHẠM THỊ MINH THƯ : Nhật Tuấn ...đi về nơi hoang dã
Tôi biết đến tên Nhật Tuấn vào năm cuối đại học tại nhà một đôi vợ chồng làm thơ. Bấy giờ, báo Văn nghệ đang có cuộc thi truyện ngắn và tên anh (lạ hoắc) đã chường ra trước tôi tên truyện ngắn dự thi “con chim biết chọn hạt” trong số báo mà chủ nhà chưa chờ tôi an vị đã lập tức chìa ra kèm theo những lời giới thiệu vồn vã về nó. Tôi đọc “con chim biết chọn hạt”, rồi làm thinh, rồi chủ động rẽ câu chuyện khỏi lối văn chương để tránh một chính kiến. Tuy thế, phần vì tò mò bởi lời khen có dắt díu thêm rất nhiều lời khen khác của bậc đàn anh nọ cho không chỉ riêng một truyện đó của Nhật Tuấn, phần vì chính tôi lúc đó vào các sáng chủ nhật có thể, rồi những giờ “cúp cua” cũng đang… làm các truyện ngắn của mình – vài ngày sau tôi cũng bỏ công mò vào Thư viện Quốc gia tìm đọc ông nhà văn có cái truyện ngắn chán chết được viết rất chủ động và có nghề (nghề hiểu theo nghĩa kỹ thuật viết văn trung bình). Trừ truyện ngắn “Trang mười bảy” ít nhiều gợi cảm, xinh xắn (đàn ông mà lại viết truyện xinh xắn?), với tôi, cả tập truyện ngắn cùng tên không gây được thêm ấn tượng nào khác cái ấn tượng “con chim biết chọn hạt” đã hoàn tất một cách chu đáo.
Ba năm sau tôi in các truyện ngắn đã viết của mình. Rồi nhờ chúng mà nảy ra mối thân tình với N, một cử nhân văn chương mới nhận bằng khá độc đáo. N kém tôi dăm tuổi, cô thông minh, đặc biệt nhạy cảm có một cái lưỡi… “cực kỳ”. Chúng tôi biết nhau cũng là lúc N vừa “xong” một “quan hệ” với Nhật Tuấn, anh cũng mới chuyển vào Sài Gòn. Nói “xong” nhưng kỳ thật là tình đầu đã dứt. Tuấn vẫn hiện diện trong vô số các bài thơ say đắm, tuyệt vọng, trong những linh cảm buồn bã đầy bất lực của cô.
Một con nhện con, một vầng trăng úa
Một chiếc cốc rơi…
Cứ run rẩy trong em những điềm chẳng lành
Em chết mất vì nhiều linh cảm quá
…
Có lẽ em lại nhầm mất thôi
Linh cảm cũng đánh lừa em như tất cả
Anh ở rất xa, anh không nhớ nữa
Và biết đâu anh còn giận trách em
Tuấn hơn N hai mươi mốt tuổi chẵn. Khi gặp cô anh đang sống với người vợ thứ hai tại nửa căn nhà bên kia vách ngăn là người vợ đầu đã ly hôn và con trai họ. Chú nhóc chưa quá mười tuổi này thường được ông bố đãng tử đưa tiền qua tấm vách ngăn nhờ đi mua hộ… thuốc lá. Cũng qua tấm vách, hai bố con hàng ngày vẫn chuyện trò, đùa bỡn, đưa đàn cho nhau “đánh” rồi thưởng thức cùng nhau – Chú nhóc ngày ấy giờ đã tốt nghiệp Nhạc viện Hà Nội. Tuấn rất yêu con, yêu theo cách của anh, giống như ông thân sinh ra N, người chỉ hơn anh dăm tuổi. Một cuộc chiến – đương nhiên – đã bùng nổ. Sau nó là những hẹn hò vội vã, thầm kín. Mối tình bùng lên ở độ tuổi bốn mươi ngoài kéo dài đâu như… những bảy tháng, rồi Tuấn đi Sài Gòn với người vợ thứ hai. Chuyến đi vì công việc nhà xuất bản nơi anh đang làm yêu cầu, vì muốn tìm một không gian sống và viết mới, hay vì đã cảm nhận được cái hữu hạn của một tình yêu đẹp? Có trời mà biết được sự thật ngoài Nhật Tuấn, tôi nghĩ thế, bất chấp cách lý giải của bạn mình. Bởi tình yêu vốn chứa đủ cả sáng suốt lẫn rất nhiều lầm lẫn, ngộ nhận. Cái được là Tuấn vẫn giành cho N những tin cậy, những quan tâm rất đàn ông cho một tương lai mà anh sau khi đã làm cho nó trở nên rối tung, mờ mịt lại chẳng thể có mặt…
Mùa đông năm 1983, tôi bấy giờ đang làm sinh viên tại trường viết văn Nguyễn Du, một buổi sáng đang ngồi trong lớp học thì N đến. Tôi ra theo cái ngoắt ngoắt tay của cô. “Ông bán chuối”đang chờ chị ngoài quán nước” – Tuấn được N gọi là Ông bán chuối bởi y phục thập cẩm, nhố nhăng mà từ Sài Còn ra tiện đâu vớ đấy anh chồng chất chúng lên người để chống lại cái rét của mùa đông Hà Nội.
Theo sau N, tôi bước vào cái quán úp sụp thường có nước trắng (*), nước trà, thuốc lá, kẹo lạc, dắm thứ bánh rẻ tiền đủ để “móc túi” các sinh viên Văn hóa quần chúng nơi mà trường Nguyễn Du đnag tá túc. Ông bán chuối của cô đang ngồi đó, tầm thước, đã có vẻ đẫy ra của đàn ông tứ tuần đang có một đời sống ổn định, sung túc; sự đẫy ra ngày không chừa cả gương mặt lẫn cái mũi tròn tròn của Tuấn. Mắt anh không “to trố ra” và “sáng rực” như N từng tả, nhưng thông minh, trải đời và… lương thiện đủ để khiến được cả chiếc mũi beo béo lẫn những dầy dầy thịt trên gương mặt thành linh hoạt, biến hóa, thú vị, dễ mến. Sau cái gật đầu chào nhau và một lời giới thiệu ngăn ngắn, cả ba uống nước trà, tôi thì xơi thêm kẹo lạc. Trước khi tấn công đĩa kẹo tôi không quên thẳng thừng hỏi người thết, rằng được xơi “thả phanh? Chăng? Cười bằng mắt Tuấn gật gật đầu. N thì dịu dàng khuyến khích. Lúc này, bên Ông bán chuối, buồn buồn, hiền hậu, cô gợi một cảm giác trong suốt.
Trong quán nước buổi sáng rét quá là rét đó chúng tôi chẳng chuyện trò gì nhiều, nói tới văn chương thì… không hề.
Mươi lăm phút rồi chia tay tôi đâu dè ba năm sau giữa Sài Gòn không hề lạ lẫm nhưng cũng chẳng thể nói là thân quen trong một hoàn cảnh khá đặc biệt mình lại tìm đến Nhật Tuấn để nhờ cậy.
Còn nhớ rất rõ buổi chiều muộn khi tôi tìm đến chi nhánh phía Nam của Nhà xuất bản Văn học, nhớ người đàn bà to béo bị tôi gõ cửa để hỏi thăm lại xem, có đúng căn phòng đang khóa cửa mà có người đã chỉ cho, là của Nhật Tuấn, đã nhìn tôi suốt lượt rồi mới nói “đúng”. Trong hoàn cảnh chỉ nghĩ tới mình thôi đã đủ mệt tôi tìm hiểu làm gì một cái nhìn? Sau mới rõ Nhật Tuấn sau ly hôn với người vợ thứ hai, lúc này, thường sống với Hồng tại đây…
Nhét qua khe cửa vài dòng chữ, “nói” tôi mới vào Sài Gòn, có việc muốn nhờ anh, “nói” cái địa chỉ cơ quan một người bạn nơi tôi đang tá túc. Và buổi tối của ngày hôm sau, Tuấn đã tìm ra tôi trong khu Sứ quán Mỹ rộng mênh của dân Dầu khí.
Việc tôi dời bỏ Hà Nội vào đây sống, muốn kiếm cơm tại một tờ báo nào đó ở Sài Gòn được Tuấn trả lời ngay: Không thể! Anh cho biết ở tất cả các tờ báo của Sài Gòn hiện đamg là lúc các người Bắc (nhập báo au năm bảy nhăm) cuối cùng phải ra đi… Nhưng nếu tôi bằng lòng với một chỗ làm ngoài Sài Gòn Tuấn có thể giúp. Cũng chưa biết rồi kết quả sẽ ra sao, nhưng sự đặc biệt tử tế, thân tình Tuấn bộc lộ đã giúp tôi. Vào lúc chia tay, nhìn anh leo lên xích lô mất hút trên con phố im tối của Sài Gòn, bình tâm lại.
Vài ngày sau Tuấn tin anh đã kiếm được cho tôi chân biên tập viên tại một nhà xuất bản tỉnh, cách Sài Gòn chừng ba mươi cây số. Lại cùng bàn thêm, với chỗ làm này, hàng tuần tôi có thể theo xe đò về Sài Gòn, vào thư viện ngốn sách thả phanh. Cứ hẵng đọc, tới chừng thấy phải viết thì viết. Cần phải nói công việc Nhật Tuấn lo cho tôi là có thực, bởi ít ngày sau đó tại Sài Gòn tôi đã được tiếp xúc với ông giám đốc nhà xuất bản nọ, với một bạn viết bấy giờ là người chạy việc chính của cái tổ chức mới hình thành này. Một cuộc tiếp xúc tử tế, rất công việc và cụ thể. Có điều sau, cũng vẫn lại do hoàn cảnh, tôi trở ra Hà Nội và không vào nữa.
Sau cuộc tiếp xúc rất công việc với một chỗ làm mà bấy giờ đinh ninh mình sẽ theo đuổi, tôi còn lưu lại Sài Gòn, và đôi lượt có ghé chơi căn phòng nhỏ của Tuấn, có gặp Hồng, bấy giờ đã là vợ chưa cưới của anh – Hồng cũng kém tuổi Tuấn hai mươi mốt tuổi chẵn, và trước anh cô chưa từng… lấy chồng. Lúc này mới có những chuyện trò văn chương. Tuấn nói tôi nên viết tiểu thuyết và nói khá nhiều về tiểu thuyết. Có đưa tôi đọc hai chương đầu cuốn “Biển bờ” đang viết. Với hai chương đã có thể nói được gì về một tiểu thuyết? Song đọc chúng thấy trong văn chương có điều gì khác hẳn thứ văn chương truyện ngắn đã biết. Cũng vì sự tử tế Tuấn đã giành cho, tôi đã tử tế nói rằng truyện ngắn của anh là cực chán, rằng anh tỏ ra thông minh, thú vị chứ không như những gì đã viết. Không nổi sùng lên như một vài nghệ sĩ được thừa nhận là tài năng, thông minh khác. Trước chân thành tôi giành cho tác phẩm họ, vui vẻ nghe, lại vui vẻ đáp lại tử tế tôi bằng đưa đọc những truyện ngắn đã viết từ lâu nhưng… không thể in được. Cái không thể in thì hay? Thưa không. Một ngày sau tôi trả lại Nhật Tuấn cả mớ truyện ngắn không thể in. Nói chung có phần sinh sắc hơn chút chút những “Trang mười bảy”, “con chim biết chọn hạt” (*), nhưng sẽ là hợp lý nếu chúng được viết bởi một nữ sinh viên văn khoa! Một lần nữa con ngưoiừ xem ra thật… đáng nể này lại cười, vui vẻ và tử tế.
Trước khi ra Hà Nội một buổi sáng rất sớm chúng tôi có cùng ngồi chốc lát trong một quán café vườn Sài Gòn, tôi sau đó trở về với những chuẩn bị cho một chuyến Nam – Bắc, còn Nhật Tuấn thì từ đây đi luôn Tây Ninh. Vườn loe hoe người, có cây, có hoa, và có… sỏi. Chợt nghĩ đến N. Đâu đây như đang có cô ngồi, trong suốt, lặng thinh với những câu thơ đậu trên lòng tay xanh xao đã một lần đón mở:
Một làn khói rất mỏng
Âu yếm và nồng nàn
Làn khói thuốc lang thang
Quán café mưa vắng
Ước gì có thể khóc
Vì làn khói mỏng kia
Tiếng nói một người lạ
Rơi vỡ tách café
…
Chợt muốn nói về cô, muốn nói tới văn chương, muốn khuyên con người ẩn rất nhiều chất tiểu thuyết trong mình rằng hãy dẹp quách những truyện ngắn làm dáng, vô bổ mà dồn sức cho tiểu thuyết, rằng hãy cứ viết về những gì thật có trong anh làm bận rộn tâm trí và cuộc sống của anh… Nhưng café đã được đưa ra. Và cái nhìn tôi chợt đậu xuống ngón tay đeo nhẫn của Tuấn. Những nghĩ ngợi vu vơ vụt biến nhường chỗ cho một thực tế. Tuấn dường cũng nhận ra cái nhìn tôi, cười cười anh nói sáng nay lúc rửa mặt tháo nhẫn ra cho đỡ vướng suýt anh đã làm tôi tuột nó. Cũng cười cười tôi hỏi:
- Nhẫn cưới hả?
Có thể (tất nhiên thì đúng hơn), Tuấn linh cảm được tôi đang nghĩ tới N (thật sự từ khi vào, tới đó, trừ một lần do tính chất “công việc”, còn ra tôi không hề gợi chuyện cô) nên trước câu hỏi này không “ừ” cũng không “lắc”, anh tạt sang pha trò, mắt cười… đểu đểu:
- Mấy ngày này “nó” tha lôi anh đi chào đủ các loại họ hàng. Sao họ hàng nhà “nó” đông thế bởi đâu cũng chỉ biết cúi chào. Lớn bé, già trẻ, chào. Cả đến chó nhà họ hàng “nó” cũng… chào luôn.
“Nó” chẳng ai khác ngoài Hồng, vợ sắp cưới của Tuấn. Cái cười bằng mắt đểu đểu chợt khiến tôi nhớ tới chuyện kể lại của một đồng nghiệp Tuấn, anh này trong một chuyên công du Hà Nội – Sài Gòn đã được chứng kiến cuộc sống của Tuấn – Hồng. Một lần, khi Hồng đi làm quên mũ, Tuấn lật đật chạy theo, chẳng những chỉ đưa mũ cho cô, như một người chồng chỉn chu anh còn “đưa” thêm cả mấy lời trách móc… Hồng đi, Tuấn vào, anh bạn nọ bèn nói: “Sống với nhau đượcthế. Sao không cưới quách đi!” và cậu Tuấn tức khắc trả lời đã khiến anh sửng sốt tới độ phải tha lôi nó ra tận Hà Nội như một thứ hành-lý-quà, để một lần “nhàn đàm” đã đem nó nhắc lại với một người thân của tôi:
- Cưới? Vợ con đéo gì mà cưới…
Tôi tin lời người đó không? Có. Chỉ chẳng ngạc nhiên làm gì cho… rách việc. Lúc này nghe “lược thuật” hành trình thành chồng của Tuấn tôi vu vơ cười.
Khi viết những dòng này tôi được tin cái gia đình có con trai Nhật Nam lên tám tuổi và một bé gái của Tuấn – Hồng đang giai đoạn chờ hợp pháp hóa một chia ly. Qua điện thoại đường dài tôi có nói với Tuấn về “đường vợ” anh thật đã rất… “năng suất”. Đáp lại tôi là tiếng cười hề hề. Chả rõ buồn, vui thế nào. Trạnh nghĩ duy trì được một đời sống gia đình có đủ tình yêu để không phải hạ thấp nhân cách mình và người khác bởi những vờ vẫn, giả dối phải chăng luôn quá sức người nghệ sĩ? Chợt nhớ một câu hỏi giành cho Sagam và câu đáp của bà: “Bà cười nhiều trong đời?” “Một các tối đa, nếu có thể được, nhưng ngày càng khó khăn hơn. May mắn thay, tôi vẫn còn những người bạn kỳ cục và có thể vui cười với nhau…”. Mong rằng những tiếng “hề hề” tôi mới nghe qua cả dài dặc một khoảng cách thời gian và địa lý còn chung thân lâu lâu với Nhật Tuấn con người với bạn bè thật đã chân thành chu đáo đến mức khó thể quên. Lại cũng mong cả bằng an lan một tương lai sáng sủa cho các người thân của anh!
* *
*
Năm 1987, “Biển bờ” in ra. Tôi đọc nó. Ngạc nhiên vô cùng vi sau hai chương đã biết, có kéo dài thêm khoảng gấp hai rưỡi số trang nhưng tiểu thuyết đã kết thúc như mới chỉ bắt đầu. Với “Biển bờ” tôi đã mua “Bận rộn” tại một quầy sách cũ, giá rẻ. Tiểu thuyết ra đời trước “Biển bờ” hai năm này nghe đâu là được bạn đọc trẻ tuổi trong Nam vồn vã đón nhận? Đọc. Thấy họ có lý. Thấy mừng cho Nhật Tuấn. Không hề gặp chăng hay chớ, viết nhanh nhanh để kết thức cho rồi một việc như “Biển bờ”, “Bận rộn” được bố cục rất hẳn hoi, văn chương lý thú, tâm lý nhân vật hợp nhẽ. Có thể lặp lại nhận định này với “lửa lạnh” tiểu thuyết in năm 1988 của Nhật Tuấn. Giữa bạt ngàn tiểu thuyết “phản tỉnh” mà không tỉnh, làm dáng, làm tàng bằng đa ngôn, đa sự và đa quái của thời kỳ bung ra, đổi mới, hai tiểu thuyết này là một thu hoạch rấtg đáng kể của một nhà văn. Nhà thơ Trần Đăng Khoa sau một cuộc nhẩm tính chợt ngớ rằng: dựa trên số các cuốn sách ra hồn sách của nền văn học nước nhà thì có đến 80% các nhà văn (hội viên Hội nhà văn Việt Nam) chưa có sách, còn ký nợ. Theo cách tính sòng phẳng này với “Bận rộn” và “Lửa lạnh” Nhật Tuấn nhà văn đã đóng thừa thuế thân.
Có điều, tôi, với… rách việc vốn dĩ và dương nữ định mệnh không thể sài được thứ văn chương… đắng âm nam, mà “Bận rộn” và “Lửa lạnh” đọc rất được song xét trên ý tưởng và toàn cục là tiểu thuyết của nữ sĩ chừng phải lý. Bị chi phối bởi điều này khi cho rơi Nhật Tuấn tôi đã để mất đi nhiều năm không biết tới một tiểu thuyết đáng kính trọng (thật sự đàn ông!) của văn xuôi Việt Nam đương đại: “Đi về nơi hoang dã”. Tiểu thuyết in năm 1990 mà tới mùa hè 1995 này tôi mới đọc – Tiện đây muốn nói thêm cùng lúc với “Đi về nơi hoang dã” tôi còn đọc “Quê nhà”, nửa phần tập truyện ngắn Nhật Tuấn in chung với anh trai Nhật Tiến, thấy chúng chẳng khá gì hơn các truyên ngắn Nhật Tuấn đã viết, sự làm dáng bằng các phát hiện con con từ những hiểu biết khoa học kỹ thuật chẳng rộng rãi gì ngày nào mà “Con chim biết chọn hạt” là một điển hình nay lại mang dạng thức mới chán ngắt: siêu thực “mốt” của một thời mà! Phải chăng truyện ngắn vàtiểu thuyết Nhật Tuấn đủ cho thấy những “sáng tối mặt người” (1) của một chân dung anh?
Đi về nơi hoang dã
Nhà văn Tô Hoài trong một bài viết rất hay gần đây (2) sau những ngẫm ngợi có buồn có vui về nghề văn, phong cách, sự nghiệp của một bạn viết, của chính bản thân mình đã ngậm ngùi thốt lên: “… nền văn học quốc ngữ còn non dại và cũng tự học như tôi. Từ cái nghĩ và cái nhìn cho tới cái chữ, tưởng tượng thì trông thấy nhưng đến lúc thật thấy thì vẫn còn ở chân mây.” Cũng trong tâm thế đó ông kết thúc bài viết:”Cái văn học quốc ngữ của ta còn trẻ quá, tính tuổi chưa được một thế kỷ, giữa những chuyển biến thời đại hồ như mỗi ngày mỗi mới.”
“Từ cái nghĩ và cái nhìn cho tới cái chữ, tưởng tượng thì trông thấy nhưng đến lúc thật thấy thì vẫn còn ở chân mây.” Chỉ ông, một nhà văn sống chết với nghề, đủ lịch lãm và đã có đủ thành tựu (dù chỉ một “Dế mèn phiêu lưu ký” như ông tự nhận, và là hai cộng của “Cát bụi chân ai” theo tôi, giữa hơn trăm đầu sách đã cần mẫn viết trong mấy chục năm của một đời văn) mới có thể thành thật “tính sổ” với bản thân, có nổi một nhận định hay đến vậy về cái nghiệp chữ vốn đã nhọc nhằn, càng nhọc nhằn hơn trên một đất nước mà chữ quốc ngữ xuất hiện đồng thời với xâm lược và chống xâm lược liên miên. Túy thế, nói “nền văn học quốc ngữ còn non dại và cũng tự học như tôi” ông dường đã cho qua một Vũ Trọng Phụng mà chỉ chọn hú họa thôi thì với “Số Đỏ”, “Vỡ Đê” đã già dặn, bản lĩnh, nhìn ngang ra các vấn đề xã hội đã và sẽ nảy sinh trên xứ sở này, chí ít cũng là cho đến hôm nay ngay từ bắt đầu văn nghiệp và văn nghiệp tuy ngắn ngủi đó đủ để nền văn học quốc còn “non dại” không mấy hổ thẹn với nền văn học truyền khẩu, chữ Hán rồi chữ Nôm trước đó? Nhưng Vũ Trọng Phụng đã không sống qua được tuổi hai mươi bảy, dưới suối vàng hẳn không mấy vui khi từng bấy năm trải qua bao biến động lớn lao xứ sở mình vẫn chưa sinh nổi một nhà văn, một tiểu thuyết gia thứ hai tầm cỡ ông.
Sau Vũ Trọng Phụng từ năm 1945 đến 1975, rồi từ 1975 đến nay, sau đọc, nghĩ mà tính xem quỹ tiểu thuyết của nền văn học mước nhà có được bao nhiêu?
Trừ đi cái phần cho qua Vũ Trọng Phụng có thể cảm thông, phải chăng, một tâm thế Tô Hoài trước cái gọi là nền văn học quốc ngữ “non dại” “tự học như tôi”: niềm sốt ruột trước thành tưu văn xuôi trong suốt mấy chục năm kháng chiến chống Pháp, xây dựng chủ nghĩa xã hội, kháng chiến chống Mỹ, nhất là trong hòa bình, hòa hợp dân tộc, xây dựng đát nước giữa thanh bình lẫn ứng phó với một ngoại cảnh đã phức tạp, đa chiều hơn rất nhiều lần ta đã nghĩ, đã hình dung khi người lính Mỹ cuối cùng rút khỏi đất nước này (khoảng thời gian gắn liền với đời viết nhà văn)? Hòa bình, hòa hợp dân tộc đã 20 năm, nghĩa là so với chiều dài những hy sinh mất mát những nỗ lực ghê gớm để từ năm 1954 đi tới được tháng 4 năm 1975 thời gian đã nhiều hơn 1 năm? Công cuộc đổi mới tư duy do Đảng khởi xướng bắt đầu từ N.V.L mới đó cũng đã gần 10 năm? Thời gian vùn vụt trôi, nhà văn đã qua “thất thập cổ lai hy” sốt ruột là phải.
Nhưng nên chăng, hướng niềm sốt ruột này vào việc sòng phẳng, lịch duyệt mà bình xét các giá trị văn học đích thực đã có, nhiều ít thì thành tựu cũng ở chính đấy chứ còn đâu?
Gần mười năm đổi mới, nhìn lại văn học ta nói chung và tiểu thuyết nói riêng cũng tưng bừng lắm thay. Nhà văn quá cố Nguyễn Minh Châu đã viết “lời ai điếu” cho một giai đoạn “văn học minh họa”, nhưng phải chăng trước đó chút chút và sau đó dài dài, văn học nói chung và tiểu thuyết nói riêng đã đủ bản lĩnh thoát khỏi một lối quen? Trước minh họa cho các định đề hồng hồng có sẵn đã đành. Sau phải chăng đã không là minh họa cho những mệnh đề, võ đoán xam xám tôi tối mà chính các ngòi bút khi dũng cảm đâm xuống giấy còn chưa tỏ, nếu không nói là tù mù? Phân tích, xét lại nhiều vấn đề có tính cấm ky, xông xáo vào những hạn chế của tư duy, tính cách người trong một nền kinh tế tiểu nông, rồi trong một cơ chế duy ý chí kéo dài…. Nhiều nhiều cuốn tiểu thuyết “gây vấn đề” đã ra đời, nhiều nhiều cuộc hội thảo đã diễn ra quanh chúng, các cuốn tiểu thuyết này đã đẻ ra tiếng tăm cho một số các nhà nghiên cứu phê bình văn học đủ nhạy cảm để lập tức “ăn theo”, lại cũng sinh hạ thêm dăm ba “nhà”… mới toanh. Cuốn được khen, cuốn bị chê, bị … “đánh”. Lại thêm các giải thưởng văn học hàng năm. Xôn xao, ồn ĩ tới mức nhiều lúc gây nhiễu cho một môi trường văn học đang có cỏ xanh và sạch. Gây vấn đề? Được lắm, song trước khi “gây” liệu có đủ lịch lãm để tỏ tường cái “vấn đề” định “gây” chăng? Còn, nói lấy được, hạ bút rồi mà vẫn tù mù trước mệnh đề tác phẩm thì … Không đừng được trong “Cảm xúc văn hóa”(*) nhà văn Đỗ Chu đã phải lên tiếng về cái nguy hiểm của hiện tượng quá nhiều tầm vóc trung bình xưng xưng bàn luận về những vấn đề lớn lao.
Song đủ tỉnh để thoát khỏi chi phối của dư luận và công luận thường khi nảy sinh từ những toan tính vụ lợi của một số ít nào đó, vô tư, thêm một chút tinh tường nữa sẽ thấy các tiểu thuyết gần hay và hay đa phần đều lọt sàng, đáng buồn chẳng để xuống nia của ai, ít ỏi, hiếm hoi, không được công luận dòm dó chúng lập tức bị cuốn phănng rồi mất hút trong cơn bão tiểu thuyết ba xu.
Mà ĐI VỀ NƠI HOANG DÃ là một ví dụ.
(còn tiếp)
Tiếp
Một toán gồm 5 người cả đàn ông lẫn trai tân, cả nông dân “thứ thiệt” lẫn thành thị tư sản tương đối nòi và có học, cả ngoài rìa xã hội (một đứa con bị bỏ rơi, cô nhi viện rồi trại thanh niên vừa học vừa làm nuôi, dưỡng dục) lẫn thành phần cán bộ kháng chiến; trong đó theo sự phân công, một làm toán trưởng phụ trách địa bàn, máy vô tuyến điện, coi sóc tinh thần, vật chất, quán triệt mục tiêu chính trị cho cả nhóm đủ để hoàn tất nhiệm vụ phát rừng, khảo sát, đo đạc thực địa vạch ra trên thực tế con đường huyết mạch tới đỉnh HuaCa theo một bản đồ hoạch định (hơn là khoa học, khả thi), một cấp dưỡng, còn ba đảm đương chỉ tiêu 2000 mét đường mỗi ngày để tới đích trước mùa mưa. Đó là chuyện của tiểu thuyết “Đi về nơi hoang dã”.
Bằng rất nhiều từng trải, lịch lãm cùng với với tái tạo điềm đạm Nhật Tuấn đã cắt nghĩa các bình diệu có thể của một trong rất nhiều sự thật lịch sử. Mà khi đi được hết các chiều kích tới được phần thâm u nhất của cái đơn biệt cũng có nghĩa đã gặp cái đa biệt, phổ quát. Lộ trình của 5 con người cũng là lộ trình của tiểu thuyết. Nó ra sao? Ta hãy cùng họ đi vào cái mê cung của rừng già rậm rịt hoang dã, mê cung của chính lòng họ, càng đi càng mịt mờ vô vọng, càng đi cá tính cứ nhòe vào nhau thành một lũ ngợm, không ra thú mà cũng chẳng ra người.
Ông toán trưởng, hộ pháp, học giả, cấp dưỡng và tôi, 5 cá thể với 5 lý do khác nhau đã họp lại trong một tập thể, cùng nhau đảm đương một công việc, đi tới một mục tiêu. Vì những lý do ban đầu rất đỗi riêng tư nên trong hành trình dài dặc, như một tất yếu, mục tiêu chung đã hóa thành tổ hợp của những mục tiêu riêng bé nhỏ, thiết thân – cấp dưỡng muốn tới đỉnh HuaCa để quay về đem số tiền lương ky cóp được qua những bóp mồm bóp miệng xây cho mẹ ở quê một ngôi nhà hẳn hoi, hộ pháp muốn nhanh nhanh xong việc để trở lại làng đón người tình tới làm ăn sinh sống ở bản Mù U hoang dã xa cách hẳn với cả ông xã đội trưởng chồng cô nàng lẫn pháp luật, miền đất hứa đã “vớ được” trong những ngày hùng hục phát cây băng rừng; ông toán trưởng ngoài bổn phận với sự nghiệp chung mà một cán bộ đã trưởng thành qua kháng chiến còn chan chứa những hy vọng chuộc lại một lỗi lầm …; tôi muốn tới được chốn té ra chứa cả một huyền thoại tình yêu của dân bản xứ để đem về thứ nước “bùa yêu” cho một cô gái; còn học giảtừ những khao khát tìm kiếm mông lung xung quanh hai chữ “sự nghiệp” đã kịp bừng ngộ một phương cách lập nghiệp rành rõ ấu là thế chỗ ông toán trưởng trong đoạn chót hành trình. Những riêng tư, thiết thân ấy khiến họ mỗi ngày một lạ lẫm khó hiểu với nhau, song bất chấp các dạng thức nảy sinh từ một mục đích ban đầu, bất chấp cả những rạn nứt tình cảm, những chia ly không thể hàn gắn, ý chỉ của một thời, cái ý chí đủ mạnh để lặn sâu vào tiềm thức, hóa nên một bản năng vẫn khiến được 5 con người không xa rời mục tiêu đã chung lưng gánh vác – Anh nông dân hộ pháp ngoài cô nàng vợ ông xã đội trưởng chẳng còn nghĩ ngợi đến điều gì, ngoài hùng hục chặt cây mở đường, hùng hục ăn, ấy thế mà sau hành vi đùa chơi đã một hai với cái chết để cứu bằng được chiếc máy vô tuyến điện “giời đánh” luôn nối cả nhóm với chỉ tiêu cực nhọc “2000 mét đường mỗi ngày”, “tới HuaCa trước mùa mưa”; lại cũng chính anh, sau cuộc đào ngũ về với cô nàng vợ ông xã đội trong hành trình ngược đã sốt ruột sốt gan lo cho công việc bấy lâu nay đã thiếu hẳn sức lực của mình; là một ví dụ!
Đã phải hy sinh rất nhiều nhu cầu bức xúc, tối thiểu của con người (miếng ăn, cái mặc, tình cảm gia đình, vợ con, tình yêu lứa đôi, tình dục), thậm chí hy sinh nốt cả quyền được sống (ông toán trưởng) nhưng rồi trải qua liên miên nhọc nhằn, nén chịu, căng thẳng, rốt lại, họ, sau vạn vạn cây số đường rừng đã mở, 4 con người còn lại chỉ tới được đỉnh HuaCa giả, bởi lộ trình đã lạc hướng từ khởi thủy.
Mục tiêu chung đã không đạt được, những mục tiêu bé nhỏ thiết thân của 4 trong nhóm 5 người cũng tan theo, ông toán trưởng chết trong cô đơn cắn rứt, hộ pháp không đón được người tình lên miền đất hứa, tôi chẳng thể lấy được nước thần từ một chốn “tầm thường toàn sương mù, gai góc và đầy những vũng nước vàng ố và bẩn thỉu” (trang 258), cấp dưỡng tiêu tan một dự định từng vẫy gọi anh trên hành trình dằng dặc, anh đã chẳng thể xây cho mẹ một ngôi nhà mái bằng mơ ước bởi gói tiền ki cóp được đã … rơi mất, riêng học giả đạt sở nguyện sự nghiệp. Sau những buồn tênh chán ngắt sự đời dời khỏi ngôi mộ ông toán trưởng sự tan rã của nhóm là tất yếu, tôi, hộ pháp và cấp dưỡng rồi ra sẽ tan biến vào đám đông, họ sẽ đào sâu chôn chặt cả cái đỉnh HuaCa giả lẫn những đẹp đẽ bi thương của một chặng sống, nhưng học giả thì khác, cũng tất yếu nốt, y sẽ trở về chỉ huy sở sau cú điện đã tới HuaCa trước mùa mưa để bắt đầu một hành trình công danh. Xin chớ coi thường cái chức toán trưởng, nó thì con con đấy, nhưng con đường huyết mạch mà cả nhóm dưới sự chỉ huy của nó đã khảo sát, đã vạch ra đâu nhỏ? Đủ sáng suốt để ý thức rõ điều này nên vừa dừng chân tại cái chốn y biết rõ cả nhóm sẽ chẳng thể đi hơn (mà có đi thì cũng chẳng thể tới đâu), một lần nữa trong đời, con người này đã chấp tất để tức khắc “ơ ri ca” lên một “sự thật”, đã hãi hùng hơn rất nhiều cái sự thật thủa nào đã giết chết bố y, rằng HuaCa là đây!
*
* *
5 người cùng giới tách khỏi xã hội loài người ngày lại ngày chỉ làm độc một công việc đơn điệu buồn tẻ ước ao của mỗi người thì cũng chỉ một hai nên cứ lắp đi lắp lại cả chúng cũng hóa đơn điệu buồn tẻ nốt, sự kiện, xung động, nổi loạn đều có nhưng trên cái nền đó một cách hợp lý, chúng chẳng thể là pha này pha nọ làm thang làm mồi dẫn, câu người đọc, ấy thế mà tiểu thuyết đã cuốn hút tôi từ trang đầu đến trang cuối, chịu nổi đến lượt đọc thứ ba. Triệt để sử dụng đối thoại, qua đối thoại biểu hiện tâm lý, tính cách nhân vật, lại cũng qua đối thoại mà dựng chuyện, dẫn chuyện … Trong dòng tiểu thuyết đương đại thật khó tìm thấy một tiểu thuyết nào mà ngôn ngữ đối thoại đạt tới sự nghĩa lý như tiểu thuyết này, người nào ngôn ngữ nấy, đa dạng, lý thú. Trên cái nền vững chãi của ngôn ngữ, họ, các nhân vật nghĩ ngợi, ứng xử và hành động trong các cảnh huống đúng như họ từng thế, phải thế. Văn chương giản dị mà gợi cảm và đẹp và lộng lẫy đúng lúc cần phải đẹp, phải lộng lẫy bằng số chữ tối thiểu. “Đi về nơi hoang dã” gợi tôi nhớ tới các tiểu thuyết “trần trụi” mà hấp dẫn lạ thường, “Chiến hữu”, “Phía tây có gì lạ”(Rơ Mác) và phần nào “Ông già và biển cả” (Hê-minh-uê)
*
* *
Dày 263 trang in, gần 32 chương, tiểu thuyết được bố cục chặt chẽ, chặt chẽ tới từng chương. Mỗi chương từ dài nhất (quãng 11,12 trang in) đến ngắn nhất (1 trang in) đều thực hiện trọn vẹn vai trò nó đảm đương, khi là một sự việc có tính tất yếu, khi một diễn biến đột nhiên, đặt các nhân vật trước tình huống phải bộc lộ cá tính, nhân cách, phải hành động dù dưới dạng thức bản năng người thực sự đơn biệt, hay một bản năng mang tính đồng hóa do dưỡng dục, rèn luyện mà nên…Chẳng những thế trong lộ trình tư tưởng tiểu thuyết ngoài việc là một cuộc chạy tiếp sức để tới được đích. Chúng nhiều khi còn khơi gợi được những ý tưởng nhánh có nghĩa lý mà sức ám ảnh, hiệu quả thẩm mỹ là hiển nhiên. Chương 5, chương tiểu thuyết rất hay là một ví dụ. Cả toán đột nhiên được nghỉ việc. Hộ pháp, một nhân vật hồn nhiên làm, hồn nhiên yêu, rất ngại nghĩ ngợi, nhưng … sự việc sờ sờ ra đấy thì cũng phải thấy chứ, sau khi nhảy cẫng lên vì được xả hơi đã hềnh hệch cười nói tuột căn nguyên một sự (mà rồi đây sẽ thành căn nguyên mọi sự): một vách đá đã dựng lên trước con đường tiến của họ, có nghĩa cái sai của hành trình đã bắt đầu. Một ngày nghỉ ngơi mang nặng tính bất thường ắt sinh ra những bất thường. Nhân vật tôi, mất mẹ phải vào cô nhi viện gần như ngay sau lúc chào đời, từ cô nhi viện đến trại thanh niên vừa học vừa làm, chẳng biết bố là ai, sống được và lớn lên bằng tình thương rơi vãi và kỷ luật – đương nhiên con chẳng có gì để nhớ, không tiểu sử, không ước ao, bước vào tập thể 5 người này như một nối tiếp các tập thể trước, “sau một ngày nghỉ ngơi đột xuất nằm dài trên võng ngước nhìn làn mây trắng hờ hững trôi trên trời xanh, bỗng nhiên thấp thỏm cảm thấy một niềm vu vơ nào đó.”(trang 33)
Dưới một bầu trời xanh vời vợi ở đâu đó trong tôi chợt thức ngộ cái vô nghĩa lý của đời mình; anh không phải ông toán trưởng có một cuộc sống được giác ngộ rất hẳn hoi thông qua phấn đáu và trưởng thành, có ở phía sau một làng quê, ruột thịt, một người vợ, một khối nợ tình cay đắng; anh không phải cấp dưỡng bóp mồm bóp miệng sung sướng tích cóp từng đồng lương những mong có ngày về xuôi xây cho mẹ già một ngôi nhà hẳn hoi theo đúng kiểu do mình vẽ; không là hộ pháp luôn canh cánh bên mình hình bóng vợ người, một mối tình đắm đuối, rất … thịt da; càng không là học giả âm thầm mang một tình yêu lãng mạn, mớ chữ nghĩa rắc rối; mặc cảm giết cha để hòa đồng với thời đại mới, con người đang loay hoay kiếm tìm, xác định một sự nghiệp… Chỉ giữa 4 người thôi, “zêro” mong ước đợi chờ anh đã thấy mình trơ khấc, lạc loài. Nhưng cái niềm vu vơ manh nha một câu hỏi về ý nghĩa cuộc đời vừa lấp ló đã bị anh “quẳng béng nó đi và ngủ” (trang 33). Rồi anh ngủ thật, say sưa như những thường ngày khác. Song nếu chỉ thế, tôi đã chẳng thể là một nhân vật tiểu thuyết có nghĩa lý của một tiểu thuyết có nghĩa lý! Nửa đêm tôi bị học giả lay dậy, bắt cùng thức, cùng chia sẻ cái đêm “ngợp đi trong ánh trăng trong vắt” (trang 34), khung cảnh dị thường tới mức giữa ánh trăng ấy người nọ đã phải chạm tay vào người kia mà thầm thào hỏi, đáp: “Mày còn đó không?” “Tao đây. Mày vẫn đấy chứ?”. Thì, cái niềm vu vơ mà ý thức tưởng đã quẳng ra được khỏi mình cho đỡ rách việc trước lúc tôi nhắm mắt ngủ, té ra chỉ đã lặn vào dòng vô thức. Và cái dòng chảy vốn là đứa con vô thừa nhận của một tư duy ý chí chết, chủ quan, bất biến, trong khung cảnh dị thường này, nó đã ngạo nghễ vọt lên giành lấy quyền làm chủ. Có thể coi hành vi “đốt rừng chơi” (trang 35) là một nổi loạn của vô thức tôi, một hành động bột phát đã manh nha cội nguồn…
Hợp lý, khách quan, dân chủ với đời sống của nhân vật là một biểu hiện của lịch lãm tiểu thuyết này.
Mọi tình huốngdù bất ngờ đến đâu trong 32 chương tiểu thuyết đều ngầm chứa cái hợp lý, tất yếu của nhẽ đời. Ngoài tình huống trong chương tiểu thuyết đầy khơi gợi, lay thức vừa nêu, tôi còn muốn nhắc tới một tình huống khác rất ám ảnh, chương 26.
Hộ pháp sau các tính toán thiết thực đã lặn lội trở về làng hòng đưa người tình lên bản Mù U sinh cơ lập nghiệp. Cái mơ ước day dứt anh bao ngày giờ với cả nỗ lực và thiết thực tưởng không còn gì ngăn trở? Ấy thế, nó đã lụi tắt ngay sau cái ôm siết đầu tiên của cuộc hẹn hò trong chuyến trở về đầy hăm hở: người anh yêu đã mang thai ba tháng với chồng!
“Thế là hết, hết căn nhà gỗ trên bản Mù U, hết cái giường có hau con rồng chầu, hết những buổi sáng đánh trứng gà cho cô… bây giờ cô chẳng thể làm gì hết ngoài cái việc chờ đợi làm mẹ.”(trang 214)
Tình huống bất ngờ mà hợp lý cũng như cách ứng xử của nhân vật. Đã yêu em thương em đến thế, thì trong tình huống này thật chẳng còn cách ứng xử nào khác. Bởi cái thai, con, trước hết là của em. Ngược rừng, lặn lội, làm sao được trong hoàn cảnh này của người đàn bà? Còn sau đó ư? Đã xảy ra diễn biến ngoài tính toán này, ắt sẽ tiếp tục một diễn biến ngoài tính toán khác. Đời sống là thế, anh nông dân hộ pháp sau vỡ mộng đủ thiết thực để hiểu cả người đàn bà yêu dấu lẫn miền đất hứa Mù U đã vĩnh viễn tuột khỏi tầm với.
*
* *
5 nhân vật trong tiểu thuyết đều được đặt trước các tình huống khác nhau, đòi hỏi phải hành động, phải bộc lộ những tâm lý, tính cách người đủ làm nên diện mạo họ, và sau các cá thể đơn biết đó ta nhìn ra những người mà họ đủ điển hình. Phải chăng vì thế, những gì họ đã làm, đã nghĩ, đã mất và được trong lộ trình đi tới đỉnh HuaCa, nói được với người đọc nhiều hơn một tư tưởng tiểu thuyết?
P.T.M.T
6.1995
---
BỔ SUNG
1.
07/12/2012 08:27
Ông Nguyễn Thành Rum, Giám đốc Sở VH-TT-DL TP.HCM ngày 6-12 cho biết lãnh đạo Sở đã có quyết định cách chức Tổng biên tập Báo Thể thao TP.HCM đối với bà Hồ Thị Thu Hồng và bà Hồng rời báo này kể từ ngày 6-12-2012.
Vì sao Tổng biên tập Báo Thể thao TP.HCM bị cách chức?
Ông Nguyễn Thành Rum, Giám đốc Sở VH-TT-DL TP.HCM ngày 6-12 cho biết lãnh đạo Sở đã có quyết định cách chức Tổng biên tập Báo Thể thao TP.HCM đối với bà Hồ Thị Thu Hồng và bà Hồng rời báo này kể từ ngày 6-12-2012.
Bà Hồ Thị Thu Hồng giới thiệu các ý tưởng mới của mình về tờ Thể Thao TP.HCM. Ảnh: Tuổi Trẻ |
Lý do được ông Rum cho biết là bà Hồng có một số vi phạm trong quản lý hành chính và tài chính trong thời gian điều hành Báo Thể thao TP.HCM, kể cả một số việc nhạy cảm khi viết blog gây ảnh hưởng không tốt trong ngành.
Ban giám đốc Sở VH-TT-DL TP.HCM sẽ xúc tiến tìm tổng biên tập mới cho tờ báo này (báo trực thuộc Sở). Trước mắt Phó tổng biên tập Hà Huy Tường sẽ tạm quyền điều hành tờ báo.
Theo T.K
Thanh Niên
https://www.tienphong.vn/xa-hoi/vi-sao-tong-bien-tap-bao-the-thao-tphcm-bi-cach-chuc-603719.tpo?fbclid=IwAR1U5slzrbCrcFrn2xdWnW2WYNJFcxrgOhJiEpYAwIQr0RtrzmAgPE7XcYU
Nội dung hay nhưng quá dài ! Đọc xong hoa cả mắt, thơ cũng hay và lời văn cũng hay ! Cái này nên in thành tiểu thuyết bán chắc sẽ giầu to ?
Trả lờiXóaCó một số bài dài, nhưng để đọc cho đầy đủ, thì em cứ lưu. Bài này đã có từ năm 1995, tức là 20 năm trước rồi đấy ạ.
XóaCó ai có facebook của nhà văn Phạm Thị Minh Thư không ạ? Có thể cho tôi được không?
Trả lờiXóa