Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

15/06/2014

Chất lượng Giáo sư gốc Việt ở nước ngoài : Qua trường hợp liên quan đến công hàm Phạm Văn Đồng năm 1958

Trên trang BVN, ông Phạm Quang Tuấn (một học giả Việt Nam hiện làm việc tại Úc) vừa đưa ra một lời bình, rất thẳng thắn, về bài viết của một học giả Việt Nam khác hiện cũng ở nước ngoài (công bố trên tạp chí Thời đại mới số  31 tháng 7/2014 - do nhóm các ông Trần Hữu Dũng ở Mĩ chủ trương).

Nguyên văn lời bình của ông Tuấn: 
"Là một người quan tâm tới vấn đề Biển Đông và đã từng lên tiếng trên báo chí ngoại quốc để bảo vệ chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông, tôi kinh ngạc khi đọc bài biện hộ cho Công hàm Phạm Văn Đồng (PVĐ) của GS Cao Huy Thuần (xem đây).
Kinh ngạc không phải vì những lời biện hộ trong bài. Những lý lẽ tương tự đã từng được đưa ra rất nhiều bởi báo chí trong nước và những dư luận viên trên mạng. Nhưng kinh ngạc vì chúng xuất phát từ một vị giáo sư của một đại học Pháp".

Theo đường link, vào đọc bài của ông Thuần. Tôi cũng kinh ngạc, đến rợn người. Ngay từ dòng đầu tiên:


Ấm ớ hội tề như thế này, mà lại còn làm duyên làm dáng. 

1. Ngày 14 tháng 9 năm 1958, thì Chu Ân Lai không còn làm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao nữa (ít nhất cũng đã nghỉ chức này được nửa năm).

2. Thư cụ Đồng gửi cụ Lai với tư cách là Thủ tướng Chính phủ gửi Thủ tướng Chính phủ. Không Ngoại trưởng hay Ngoại phó gì hết.

Tốt nhất, xin các ông bà đừng xả rác bừa bãi, làm bẩn và làm khổ các lớp học trò và con cháu. Tạp chí Thời đại mới của nhóm các ông Trần Hữu Dũng có cơ chế đọc phản biện, rập khuôn như tạp chí nghiên cứu của Tây, mà đến giờ này cũng thảm như thế sao ?

Một bài viết/luận văn chuyên ngành của ông Cao Huy Thuần (từ 1990):



---

Bổ sung 1 (tối 16/6/2014): Bản trên tạp chí Thời Đại Mới đã chữa "Ngoại trưởng" thành "Thủ tướng".
Bản chụp màn hình tối ngày 16/6/2014


Tương tự như vậy, bản trên Diễn đàn, cũng đã chữa:




10 nhận xét:

  1. Ở một chỗ khác, GS Cao Huy Thuần gọi "công hàm" là "bức thư" và thản nhiên xem "công hàm" là cách gọi sau này:

    "Trước khi đi vào những chi tiết lịch sử và những lập luận pháp lý rườm rà, tôi bắt buộc phải làm cái chuyện rườm rà đầu tiên là đăng lại nguyên văn bức thư mà ngày nay người ta thường gọi là “công hàm Phạm Văn Đồng”"

    Ông Thuần có lẽ làm tốt những việc khác hơn, như tố cáo chế độ độc tài gia đình trị Ngô Đình Diệm, chính quyền miền Nam làm tay sai đế quốc, hay Công giáo VN thờ Chúa bán nước chẳng hạn.

    Tất nhiên bằng lối viết rất "duyên dáng" xưa nay của mình hehe.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hình như ông Thuần có tham gia vụ Phật giáo 1963 nên ông viết về chế độ độc tài NGD thì có chứ chưa thấy ổng viết về Công Giáo VN thờ Chúa bán nước, bác He? Tôi chỉ mới đọc mấy cuốn gần đây như Thấy Phật, Chuyện trò ..., tôi thấy hay ("duyên dáng").

      Ơ mà bác Giao bỏ chế độ kiểm soát còm à? Trước vẫn phải gõ mã?

      Xóa
    2. Trước nay, blog tôi không kiểm duyệt comment bác ạ. Ai viết thì sẽ tự thấy nó hiển thị luôn, và nếu nhỡ tay có thể xóa để viết lại. Tuy nhiên, do mặc định của nhà cung cấp, nó cứ bắt phải gõ mã.

      Gần đây, bạn hehe có nói là: khó nhập lời bình. Tôi đã nhờ bạn ấy chỉ dẫn cho, và bây giờ, đã sửa mặc định, chuyển thành không gõ mã nữa. Cảm tạ bạn hehe.

      Xóa
    3. Cô Lý thử đọc luận án tiến sĩ của ông Thuần tại Đại học Paris (Đạo Thiên Chúa Và Chủ Nghĩa Thực Dân Tại Việt Nam) thì rõ. Không cần mất thì giờ vào những việc thế này làm gì.

      Xóa
  2. Không chỉ gọi CH 1958 là "thư", hay "bức thư", ở những chỗ phải gọi là "công hàm", GS luôn để "công hàm" trong nháy kép, như thể "công hàm" là cách gọi cường điệu, cố í làm tăng giá trị của văn bản (và do đó thiếu chính xác) vậy.

    Thế nhưng ở một chỗ khác, khi so sánh CH 1958 với một văn bản tương tự của LX, mà theo GS là "chữ nào chữ nấy gần như bản chính với bản sao", thì GS lại gọi văn bản của LX kia là "công hàm" như chẳng có gì phải thắc mắc hehe:

    "Phe tư bản phản ứng đi, tất nhiên phe cộng sản phản ứng lại. Như một tiếng dội. Như một luật chơi của chiến tranh lạnh. Và cũng trên vấn đề 12 hải lý. Liên Xô tức tốc gửi một công hàm đến Bắc Kinh, tuyên bố “hoàn toàn tôn trọng quyết định của chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa” và “đã chỉ thị cho các cơ quan liên hệ của Liên Xô triệt để tôn trọng hải phận 12 hải lý của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa”.

    Hãy so sánh ngữ văn này của Liên Xô với “công hàm Phạm Văn Đồng”: chữ nào chữ nấy gần như
    bản chính với bản sao. Đây là một điểm quan trọng góp phần vào việc giải thích bản văn của Hà Nội."

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thế đấy hehe ạ. Ngay dòng đầu tiên đã không ngửi được rồi (tự nhiên đi vơ cái Ngoại trưởng vào, thể hiện một CHẤT LƯỢNG rõ ràng).

      Chú ý, là ở đây tôi sử dụng chữ CHẤT LƯỢNG.

      Về CHẤT LƯỢNG của Đại học Paris, có thể tham chiếu thêm trường hợp này (xin lỗi là vì liên đới, nên mới dẫn thêm ra):
      http://giaovn.blogspot.com/2014/04/nha-nghien-cuu-bi-kem-mat-hay-bi-thien.html

      Xóa
  3. Từ bài viết của GS Thuần về CH PVĐ mà bác Giao đặt cái tít e chừng... rộng quá.

    Riêng tôi, tôi thấy bài viết của ông Thuần có nét mới, là giúp người đọc hiểu thêm, khi đặt bức thư hay CH PCĐ vào bối cảnh xung đột TQ - ĐL hồi 1958, và chiến tranh lạnh, thì thấy mấy nước thuộc phe XHCN đều ủng hộ tuyên bố 12 hải lý của Tàu, kể cả những nước không có biển như Mông Cổ (?). Điều đó cho thấy CH PVĐ thực chất cũng chỉ là một văn bản có tính ngoại giao, hô khẩu hiệu mà thôi (cho nên mới hô ... giống nhau, báo ND thì rõ là hô khẩu hiệu!), nhiều hơn là tính pháp lý.

    Và nếu theo lập luận của TQ ( và các cụ Cờ Vàng, và v.v...) rằng CH PVĐ là "công hàm bán nước" thì buộc phải công nhận ngoài VNDCCH, còn có LX và mấy nước khác cùng "bán" HS -TS.

    Ở trên, tôi nói có nét mới, là mới với tôi và những người như tôi, tức là những người không am hiểu sâu về vấn đề này. Điều này hiện nay cũng rất cần thiết (phổ cập). Tuy nhiên, không thể dùng lý luận như tôi để tranh cãi với bác Tập được, thế mới đau!.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Về điểm chép bài của Liên Xô, ông Phạm Quang Tuấn đã đưa ra ý kiến rằng:

      Ông Cao Huy Thuần biện hộ rằng vì Liên Xô đã tán đồng tuyên bố của Trung Quốc, nên việc Phạm Văn Đồng cũng tán đồng điều đó có thể hiểu được trong tình hình thế giới năm 1958. Ông Cao Huy Thuần đưa ra bằng cớ rằng câu chữ, cách viết của công hàm Phạm Văn Đồng hầu như y hệt với công hàm của Liên Xô: "Hãy so sánh ngữ văn này của Liên Xô với “công hàm Phạm Văn Đồng”: chữ nào chữ nấy gần như bản chính với bản sao. Đây là một điểm quan trọng góp phần vào việc giải thích bản văn của Hà Nội".

      Lối bênh vực đó thật phi lý. Khi một người hay một đảng chính trị đã ở vị trí lãnh đạo một nước, và nhất là khi người hay đảng đó đã tự chiếm cho mình độc quyền lãnh đạo nước đó, không cho ai khác được tranh giành, thì không thể biện hộ rằng chỉ vì máy móc theo gương mẫu, tập quán XHCN, gương mẫu, tập quán quốc tế hay bất cứ gương mẫu gì khác "như một bản sao", mà vô ý nhượng bộ lãnh thổ cho ngoại bang. Thủ tướng một nước đâu có phải là một cậu học trò lười biếng sao chép bài của thầy, bạn?

      Phạm Văn Đồng, và tập thể lãnh đạo VNDCCH thời 1958, có phải là những Bambi (nai tơ) ngây thơ vô tội, nhìn đời qua cặp mắt kiếng mầu hồng, nên bị lừa dối bởi những ảo tưởng không thực tế? Hay ông và những người đồng đảng, kể cả lãnh đạo Hồ Chí Minh, là những nhà chính trị lão luyện, đã từng trải qua nhiều chục năm tranh đấu gay go, vào sinh ra tử, đã từng không ngần ngại bắt bớ, thủ tiêu những chính trị gia đồng bào không đồng ý kiến?

      Khi Phạm Văn Đồng rập khuôn công hàm của Liên Xô, ông có nghĩ tới sự khác biệt quan trọng: Liên Xô không có tranh chấp với Trung Quốc về những đảo trong tuyên bố của Trung Quốc, còn Việt Nam thì có? Khi Phạm Văn Đồng "ghi nhận và tán thành bản tuyên bố" của Trung Cộng, thì ông có thêm dòng chữ "trừ điều khoản về Tây Sa (Hoàng Sa) và Nam Sa (Trường Sa)"? Không, ông chỉ "ghi nhận và tán thành" "như một bản sao"! Khó có thể tưởng tượng người nào – dù là một người bình thường hay một thẩm phán Tòa án Quốc tế – chấp nhận việc một thủ tướng lại nhắm mắt sao chép như vậy về một vấn đề liên quan đến chủ quyền lãnh thổ nước mình!

      http://boxitvn.blogspot.com/2014/06/co-can-phai-thong-cam-cho-ong-pham-van.html

      Xóa
  4. Bổ sung 1 (tối 16/6/2014): Bản trên tạp chí Thời Đại Mới đã chữa "Ngoại trưởng" thành "Thủ tướng".Tương tự như vậy, bản trên Diễn đàn, cũng đã chữa.

    Trả lờiXóa

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.