Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

06/04/2014

Dạo chơi các đình đền chùa quanh Hồ Tây (bài Lý Khắc Cung)

Đã rất lâu, không có dịp để gặp lại được bác Lý Khắc Cung. Hôm nay, đi quanh Hồ Tây, về nhà gặp bài của ông, nên tạm cất vào đây.

Bài không có gì mới, nhưng đáng quí ở chỗ đã ghi lại cảm tưởng hiện tại của một người am hiểu về Hà Nội. Khác với cảm tưởng của thời Hồ Tây đầy cá đêm đêm nghe tiếng thuyền máy đi tuần của quân đội Nhật, hay thời thường trực chống đỡ B52 của không lực Hoa Kì. Cũng khác cảm tưởng của nhóm anh em Nhất Linh nhậu đến say mèm, đang đêm nhảy xuống tắm, trước thời Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta

Cũng đã khác với chính ngày hôm nay, khi tôi đi vòng quanh hồ.


Hay lang thang quanh Hồ Tây, có thể kể đến các bậc tiền bối, chỉ tính đời gần: Thạch Lam, Võ An Ninh, Tô Hoài, Hoàng Đạo Thúy, Nguyễn Tuân, Nguyễn Văn Uẩn, Nguyễn Vinh Phúc, Ngô Văn Phú, Lý Khắc Cung,... Đặc biệt, đó là Hồ Chủ tịch - nhưng hiện chưa tìm được một bài thơ nào ông viết về Hồ Tây. Hình như ông cụ có một bài về Tây Hồ ở bên Trung Quốc thì phải, để tra lại sau.


Từ đây trở xuống là lấy về từ trang Du lịch Việt Nam.

---
Tour du lịch văn hóa, tâm linh quanh Hồ Tây

(VTR) Đến với Hà Nội, du khách hãy đi một vòng chừng 20km đến thăm 34 ngôi chùa, đình, đền, miếu ở quanh hồ Tây, gắn với hồ Tây mà đều là những thằng cảnh độc đáo. Đó là một quần thể thắng cảnh tô điểm cho một thắng cảnh lớn là hồ Tây. 

Hành trình lý thú
Ta hãy đi từ đền Quán Thánh (Đạo giáo) nơi có pho tượng Huyền Thiên Trấn Võ nặng trên 3 tấn rồi ra đường Thanh Niên, qua bên phải một chút là đến đền Cẩu Nhi giữa hồ Trúc Bạch (là một phần của hồ Tây). Đến nằm ở giữa hồ, dưới một lùm cây tươi tốt, xanh um. Đến thờ chúa Liễu Hạnh, bà Chúa Cá và con cho nhà trời, xưa là những cung điện nguy nga của chúa Trịnh Giang. Nơi đây có bãi tắm, nơi nghỉ ngơi, vui chơi của nhà Chúa và các quan chức. Phía dưới là nơi ở và trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải của các cung phi, cung tần, cung nữ đã hơi luống tuổi hoặc phạm chút khuyết điểm. Nhưng khu vực này vẫn là khu vực của những người đẹp (mỹ nhân chi địa) nổi tiếng.

Vẫn theo đường Thanh Niên, bên trái là chùa Trấn Quốc, có từ đời Lý. Chùa có cảnh quan đẹp, có vườn tháp. Gần chùa Trấn Quốc, về phía có doi đất đâm ra mép hồ là phủ Tây Hồ nhộn nhịp, uy nghiêm mà dân dã. Bên cạnh phủ là những hàng quán dành cho các món ăn dân tộc danh tiếng như: bánh tôm, bún ốc, ốc luộc, bún chả, nem rán… Cứ đi thẳng lên mảnh đất cao một chút là tới chùa Hòe Nhai. Xung quanh phía ngoài chùa có nhiều cây hòe. Đi độ chừng 200m nữa sẽ tới chùa Kim Liên (bông sen vàng). Các pho tượng trong chùa được tạo theo dòng truyền thống. Chùa do công chúa Từ Hoa là con gái vua Lý trụ trì. Chùa mênh mông, dáng siêu thoát. Cổng tam quan có dáng lạ mắt, bí hiểm. Vườn chùa đẹp, nhiều hoa thơm cỏ lạ. Chùa có hai tầng mái. Đi lên một chút nữa chúng ta tới chùa Nghi Tàm bề thế, có nhiều pho tượng quý hiếm. Các làng xóm Nghi Tàm ở quanh ngôi chùa có rất nhiều vườn cảnh, vườn cây thế, thấp thoáng những chàng lãng tử đi săn, bắt chim sâm cầm. Bến trúc Nghi Tàm cũng là bãi tắm, nơi vui chơi của nhà Chúa (chúa Trịnh) và các Vương tôn công tử nhà Lê.
Chùa Trấn Quốc bên hồ Tây. Ảnh: Nguyễn Minh

Đi tiếp lên phía trên, men theo hồ Tây, ta đến chùa Quảng Bá với dáng đứng nhẹ nhàng của nhà hiền triết rồi đến chùa Yên Phụ thanh bình êm ả. Tên trước kia của Yên Phụ là Yên Hoa. Yên là khói mái nhà. Hoa là hoa mọc đầy sân. Có nhiều xóm nuôi tằm và nhiều cảnh: “Ngàn dâu xanh ngắt một màu”… Vẫn quanh theo mép nước hồ Tây, ta đến thăm những ngôi chùa rất cổ là chùa Kiến Sơ, chùa Tảo Sách, những ngôi chùa điển hình của làng quê Việt Nam.

Ra đi theo một bên là triền đê có vạn lý trường thành cổ, một bên là mặt hồ, chúng ta đến chùa Nhật Tân rồi rẽ trái, theo đường Lạc Long Quân, đến chùa Xuân La, chùa cổ Thiên Niên (Thiên Niên cổ tự), Vạn Niên cổ tự và Ức Niên cổ tự. Ba ngôi chùa này có dáng dấp khác nhau. Cảnh quan đẹp, hệ thống các cây cối của vườn rất “thiền” mà bố trí rất hợp lý. Cây cối xum xuê, cỏ hoa thơm bốn mùa.

Chúng ta vào đền Sóc thờ Phù Đổng Thiên Vương. Đây là nơi ông Gióng từ biệt mẹ đẻ và dân làng để bay về Trời sau khi đã có công đánh thắng quân xâm lược. Ta lại đến chùa Xuân Tảo. Chùa giữ nguyên được những nét điển hình của một ngôi chùa cổ Việt Nam. Dân chúng ở quanh chùa có một số ít mang gốc tích người Chăm (họ Phương) và đã trở thành người Việt từ lâu vì khi xưa nơi đây có mấy trại tù binh người Chăm bị giam cầm.

Tiếp đến là chùa Bái Ân có cảnh quan thoáng đãng và đẹp mắt. Quanh chùa là một quần thể di tích như: văn chỉ thờ Khổng Tử và các vị tiên hiền Việt Nam, Rừng Bàng… Dân quanh chùa làm nghề dệt gấm, the, đoạn. Cách chùa Bái Ân không xa, về phía tay phải là chùa Võng Thị, nơi đây, xưa đã xảy ra nhiều sự kiện quan trọng của lịch sử nước nhà. Do đó đã có nhiều chuyện kể khả ca, khả khấp (có thể hát lên mà cũng có thể khóc) còn truyền đến tận ngày nay.

Chùa Voi Phục thờ Thánh Linh Lang đã chết trận, khi chống quân xâm lăng. Thánh Linh Lang là con vua Lý. Nhưng vua Lý chỉ biết Linh Lang là con mình sau khi Linh Lang đã tử trận. Từ đây, chúng ta hành hương tiếp đến các ngôi đình Ngọc Hà, đình Đại Yên, đền Hữu Tiếp rồi quay lại, men theo chợ Bưởi, qua đường Thụy Khuê để thăm đình làng Yên Thái có dánh dấp đường bệ, khỏe khoắn và uy nghi mang chút nghệ thuật kiến trúc Ấn Độ. Đi thêm độ vài trăm mét nữa, đến miếu Long Tỉnh (giếng rồng) là miếu thờ Mẫu, thường xuyên có những buổi lễ bái, lên đồng, chầu văn sôi nổi. Tiếp đó, ta tới đình An Thọ, đình làng Đông, đình Hồ Khẩu.

Chúng ta đến miếu Đồng Cổ là nơi hàng năm các vua đời Lý, Trần, Lê… tổ chức hội thề Đồng Cổ. Các quan văn và quan võ phải thề rằng: “Làm con bất hiếu, làm tôi bất trung sẽ bị Thần minh tru diệt”.

Lại đi tiếp đến đình Thụy Chương, đền Thụy Chương thờ Mẫu, ở giữa quãng từ Thụy Khuê đến trường Bưởi (nay là trường Chu Văn An) có một đầm lầy và một ngôi chùa nhỏ hẻo lánh hướng về phía mặt hồ. Đó là chùa Bà Đanh. Ta có câu “vắng ngắt như chùa Bà Đanh” vì chùa này xưa có một số người theo đạo Hồi đến thăm viếng. Nhưng về sau, một số người theo đạo Hồi đó rút về miền Nam cả nên không có ai đến thăm hỏi nữa mà bỏ lạnh ngôi chùa…

Những giá trị trường tồn
Những đình, chùa, miếu, đền… ở quanh hồ Tây thường được dựng trên những nền đất cao, có địa thế đẹp, hợp với âm dương và thường hướng về hướng Nam là hướng của trí tuệ, hình thành một nơi có sơn (núi), thủy (nước), thụ (cây), điền (ruộng đồng), một số (cây con) trúc, cau… tất cả đều hài hòa với cảnh chùa tĩnh mịch, suy tư để khách hành hương thả tâm hồn mà tìm về bản chất nguyên sơ của mình và lắng nghe tiếng rì rào của vũ trụ.

Phần nhiều các đình, chùa đều có những vị trí riêng dành cho việc thờ cúng của Đạo giáo, Nho giáo, các anh hùng dân tộc thể hiện tinh thần tam giáo đồng lưu. Lại có chùa bớt ra một góc nhỏ cho một số chúng sinh được đặt bát hương, tên tuổi và ảnh (người quá cố) ở trong chùa để được nương cửa phật ngay cả khi đã sang thế giới bên kia. Gọi là “ăn hậu”.

Nói chung, những ngôi đình, chùa, miếu, đền quanh hồ Tây đều có hình hài, dáng vóc khác nhau, rất đa dạng và tinh tế; 34 đơn vị ở gần nhau mà không có đơn vị nào lặp lại đơn vị nào. Các kiến trúc nhỏ và kiến trúc lớn cũng vậy. Chúng ở gần nhau mà không sao chép của nhau. Đó là một điều đặc biệt được tôn trọng (lời của nguyên Tổng Giám đốc UNESCO – Amadou M.Bow phát biểu năm 1980).

Việc trồng các loại cây ở xung quanh các chùa, đình, đền ven hồ Tây cũng được chú ý nhấn mạnh đến chất thiền. Muốn trồng gì thì trồng nhưng không thể thiếu 10 loại cây được gọi là Thập linh: cây thông là cây trí tuệ, thanh cao, giải thoát; cây đại là cây sống lâu để thương đời; cây gạo là cây đứng đầu sóng ngọn gió, chịu trận cho các loại cây khác; cây sung là cây vô ưu của phật; cây tre (trúc) ngay thẳng, kiên nhẫn, xanh tươi để giúp đời; cây mít mang ngon ngọt và sự tròn đầy vào đời; cây đề mang bóng dáng đức phật ngồi tu; cây vả có lá to như chiếc quạt nan, trong quả vả có mật ngọt; cây cau là cây được dân gian ưa chuộng, tượng trưng cho cái đẹp; cây bồ đề tỏa bóng xuống nơi Phật làm việc, giảng kinh và nghỉ ngơi.

Các đình, chùa, đền, miếu quanh hồ Tây đều có nhiều pho tượng quý hiếm, cổ kính như nhóm tượng Phật và Bồ Tát, tượng phật Quan Âm, Quan Âm nghìn tay nghìn mắt, tượng Mẫu, tượng bộ Thánh Tăng, tượng Hộ Pháp… Chúng phối hợp với cảnh quan tạo nên cái tinh thần mênh mông vừa thiên nhiên vừa nhân tạo.

Ở các đình, chùa, miếu quanh hồ Tây thường đặc biệt rực rỡ lên trong những ngày tế lễ Phật, Mẫu, Thánh, anh hùng dân tộc. Người ta làm lễ, tế, rước kiệu quanh làng với sự tham gia của các nhạc cụ lớn và phường bát âm tấu nhạc. Sau đó là những trò chơi dân gian đem lại niềm vui cho mọi người như đánh đu, bắt vịt, thi cờ tướng… và đón các đoàn nghệ nhân về tuồng, chèo, cải lương, ca trù, quan họ…

Như vậy là chúng ta đã làm được một cuộc phiêu lưu văn hóa không thể quên xung quanh thắng cảnh hồ Tây!   

Lý Khắc Cung

Nguồn: Tạp chí Du lịch Việt Nam

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.