Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

05/01/2014

Lại chuyện nên bỏ Tết âm hay không : Các me chửi dữ dội kẻ dám đề nghị bỏ

Đăng lại entry cũ từ 2010, trên blog cũ


Lời dẫn: Thời thuộc Pháp, nhất là thời 1930-1954, ở Hà Nội, từ "me" hay "các me", "me nó" được dùng để chỉ người phụ nữ. Phạm vi sử dụng hình như cũng có hạn chế tí chút thì phải, chủ yếu là cho các bà nhà có của, có vai vế trong giới trung và thượng lưu. Tuy nhiên, giới nữ bình dân cũng sử dụng nó, chứ không phải không.
Văn học thời kì ấy, xuất hiện những tay cự phách, như Tam Lang, Trọng Lang, Nguyễn Đình Lạp, Lan Khai, Ngô Tất Tố, Vũ Trọng Phụng, Chu Thiên, Hoàng Đạo, Thạch Lam, Bạch Đình, Lộng Chương, Nguyễn Tuân,  vân vân, nhiều không kể hết. Nhờ có tác phẩm của họ, chúng ta biết đại khái về cái lối xưng hô "me" hay "các me" như trên.
Bây giờ, đầu thế kỉ XXI, tôi muốn sử dụng từ "các me" cho một nhóm chị em tân thời. Nhóm này, gọi là "tân thời" cũng gọi tàm tạm thế thôi. Đó là các chị em (có lẫn cả một số anh em trong đó) thuộc diễn đàn WEB TRẺ THƠ – một trang mạng thu hút nhiều độc giả, rất bổ ích trong việc quản trị gia đình và nuôi dạy con cái.
Những tiện ích của Web Trẻ Thơ do các me sáng lập và điều hành đã được công nhận từ nhiều góc độ, bản thân tôi cũng vô cùng cảm ơn các me !
Còn riêng trong chủ đề nên giữ hay nên bỏ Tết âm thì các me trên Web Trẻ Thơ lại rất cứng rắn. Ai mà kêu gọi bỏ Tết âm là "chết" với các me, các me sẽ "chửi" cho bằng chết, dù các me có phải bịa ra tư liệu, bịa ra chứng cớ, nói quàng nói xiên đi chăng nữa. Các me "chửi" cho bõ tức, những cái ngữ người ấy, các me không tha đâu, dù là cụ Nguyễn Xiển (đảng trưởng của Đảng Xã hội Việt Nam trước đây, đã mất) hay là bác Võ Tòng Xuân (chuyên gia kinh tế, hiệu trưởng đại học, hiện đang ở Nam bộ Việt Nam).
Chẳng hạn cái me có níc-nềm là madeinviet đã công bố đoạn xả tức như sau vào ngày 29/12/2009, tức là hơn cả 1 năm trước. Tôi cứ lưu vào đây đã, chưa phân tích hay phản luận gì me cả, hồi sau, tôi sẽ trở lại.
Từ đây trở xuống là nguyên văn của me madeinviet (nguồn ở đây).

---
29/12/2009 07:12 PM
madeinviet's Avatar
Thành viên

Tham gia  20/04/2009

Bài gửi    2
 
 
Ðề: Có nên bỏ ngày Tết cổ truyền Việt Nam
Mến chào các bạn!
Cách đây gần 5 năm (14/2/2005), ông Võ Tòng Xuân đã viết một bài đăng trên báo Thanh Niên có tiêu đề là “Tết hội nhập. Tại sao không?” Trong đó ông Xuân đã lớn tiếng đòi “bỏ” Tết truyền dân tộc của Việt Nam.
Đây không phải là một việc mới mẻ, đã có những kẻ “lưu manh giả danh trí thức” đã từng làm những việc tương tự. Ví dụ như ông Nguyễn Xiển, GĐ Nha khí tượng của VNDCCH. Đây là những tiếng kêu lạc lõng của những kẻ vong bản và đã nhận được sự trả đũa quyết liệt từ những con người yêu văn hoá dân tộc (kể cả những hot boys hot girls tóc nhuộm vàng nhưng lòng tràn đầy nhiệt tâm yêu nước).
Gần đây trên mạng có những bài viết cố gắng biện minh cho những ý tưởng trên. Đại để nội dung phân biệt hai khái niệm:
1. Bỏ Tết cổ truyền nghĩa là bỏ hẳn, không vướng líu gì đến các phong tục Tết cổ truyền nữa.
2. Chuyển ngày Tết vào ngày đầu năm Dương lịch, vẫn giữ nguyên các phong tục tập quán của người Việt (như người Nhật đã làm trong ngày Tết của họ). Số lượng ngày nghỉ trong năm vẫn không đổi hoặc thậm chí là cao hơn trước khi chuyển.
Theo đó, họ cho rằng ý của các vị giáo sư kia là chuyển ngày Tết chứ không thay đổi phong tục ăn Tết có từ ngàn đời nay và họ lấy ví dụ thực tiễn là nước Nhật tuy có đổi ngày Tết nhưng vẫn giữ gìn rất tốt phong tục Tết từ xưa đến nay. Đây là những lập luận hết sức sai lầm xuất phát từ quan điểm sai trái của những kẻ muốn phá hoại nền văn hoá ngàn đời của dân tộc. Những suy nghĩ này sẽ dẫn đến hậu quả hết sức nguy hiểm cho nền văn hoá dân tộc. Tôi sẽ phân tích để vạch trần những luận điệu sai trái nói trên.
- Đầu tiên phải khẳng định rằng “ngày Tết” là một cái gì đó rất thiêng liêng, chúng ta thà rằng ngày 1/1 Âm lịch đi nhảy đầm, uống rượu Tây, đánh bài Tây để giữ gìn văn hoá dân tộc còn hơn là cúng ông bà, ăn bánh chưng, nghe hát chèo vào ngày 1/1 Dương lịch (như người Nhật họ đã làm).
- Ta nên nhớ rằng người Nhật chuyển sang ăn Tết vào ngày 1/1 Dương lịch vì họ là những người theo đại Thiên Chúa. Theo tổng điều tra dân số thì khoảng 99% dân số Nhật Bản theo đạo Công giáo và Tin lành. Trong nhà người Nhật nào cũng có Butsudan là nơi để thờ những người mắt xanh mũi lõ. Chỉ có 1% dân số Nhật Bản vừa vô thần, vừa theo Shinto và Phật giáo. Khi đạo Công giáo truyền vào Nhật Bản, ở thế kỷ thứ 17-18 người Nhật đã tiếp nhận hết sức cuồng nhiệt chứ không cấm đoán và bắt bớ như ở Việt Nam ta. Vì vậy người Nhật họ ăn Tết Tây (sau ngày Noel) cũng là chuyện rất dễ hiểu.
- Cải theo đạo Thiên Chúa, đó là bước đâu tiên của sự “Âu hoá” của người Nhật, ngày nay văn hoá Nhật đã bị văn hoá Châu Âu tiêu diệt hoàn toàn. Trên thế giới này chẳng còn ai biết đến cắm hoa Nhật, Kendo, Judo, Thiền Tông Nhật… Trong khi đó, toàn thế giới ai cũng biết đến áo tứ thân Việt Nam, chữ Nôm, hát ả đào, quan họ, võ cổ truyền VN… sự phổ biến văn hoá Việt Nam đến toàn thế giới phải nói là có công rất lớn của những em hotboys, hotgirls rất thích… ăn Tết Âm lịch và thích xem bói. Điều tệ hại nhất của sự đánh mất mình (mà người ta gọi là “bắn súng lục vào quá khứ”) của người Nhật là ngày nay người Nhật rất khoái đóng phim sex. Theo thống kê thì có đến 100% gái Nhật Bản đóng loại phim này và tung lên mạng. Điều đó dẫn đến hậu quả là rất nhiều cô gái trẻ Nhật Bản bị bán qua Đài Loan, Hàn Quốc và Campuchia để làm vợ bé và hành nghề mại dâm. Vì quá nhiệt tình trong việc phá hoại nền văn hoá dân tộc, người Nhật đã lãnh hậu quả là phải sử dụng hoàn toàn Dương lịch cho các lễ hội truyền thống, kết quả là họ có quá ít ngày nghỉ, họ phải làm việc quá nhiều đến mức phải tự tử. Theo thống kê của các nhà khoa học, dân tộc Nhật là dân tộc có tuổi thọ thấp nhất thế giới vì tự tử và vì làm việc quá sức.
- Thực tiễn Nhật Bản đã cho thấy âm mưu thâm độc của các thế lực phương Tây, sự đồng hoá về văn hoá sẽ là bước đầu của sự thống trị về kinh tế và chính trị. Đây cũng là một thực tiễn mà những nước Âu/Mỹ đã và đang mắc phải. Ban đầu, họ bị những ban nhạc Jazz chinh phục, dần dần họ trở nên mê người da đen. Một ví dụ rõ ràng là ngày nay người Âu/Mỹ không còn thích nước da trắng của mình nữa và luôn phải tắm nắng để giống người Châu Phi (dù rằng nguy cơ ung thư da của họ rất cao). Cứ theo đà này thì chỉ vài năm nữa khi văn hoá Châu Phi đã chinh phục hoàn toàn các nước Âu Mỹ, nền kinh tế và chính trị ở Châu Âu và Châu Mỹ sẽ hoàn toàn bị người da đen thao túng.
- Một điều cần phải lưu ý là nước Nhật là nước tư bản theo chủ nghĩa phát-xít. Người Nhật đã nhiều lần đặt ách đô hộ lên nước ta một cách tàn nhẫn. Ăn Tết Dương lịch theo phong tục cổ truyền là bắt chước người Nhật, tức là bắt chước cái “phát-xít” của họ, điều đó sẽ làm cho bạn bè quốc tế lo ngại. Còn ăn Tết chung với người Trung Quốc là ăn Tết chung với một dân tộc hiền hoà bậc nhất thế giới, cả thế giới sẽ nhìn và thấy rằng chúng ta hiền hoà và dễ thương như người Trung Quốc. Việc người Trung Quốc là dân tộc hiền hoà và yêu hoà bình là một điều rất dễ chứng minh. Bạn xem bất cứ một bộ phim Tàu nào cũng thấy điều đó, nhất là những bộ phim của Lý Tiểu Long hoặc các bộ phim kiếm hiệp Kim Dung… thì bạn đều thấy đó là đất nước “địa linh nhân kiệt” bậc nhất và luôn bị các thế lực ngoại bang như Tây Tạng, Cao Ly, Đột Quyết, Khiết Đan, Kim và cả An Nam nữa có âm mưu thôn tính và đồng hoá.
- Ngày nay, trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang hội nhập với nền kinh tế thế giới. Nơi đầu tiên cần hội nhập trước hết phải là Trung Quốc. Nếu chúng ta ăn Tết Dương lịch thì thời điểm đó những xí nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng của Trung Quốc chưa có đủ hàng Tết để xuất sang ta. Như vậy, người tiêu dùng của ta sẽ không có hàng Tàu để dùng trong những ngày Tết mà các bạn hàng Trung Quốc cũng sẽ thất vọng vì mất một nguồn thị trường trung thành với họ. Điều đó sẽ làm cho tình hữu nghị giữa hai nước lung lay.
- Tại sao Tết cổ truyền của ta bắt buộc phải là Tết Âm lịch. Bởi vì nước ta là nước nông nghiệp. Mà lịch Âm (hay còn gọi là lịch Âm dương) là lịch nông nghiệp. Nếu không có lịch âm, sẽ không ai làm nông nghiệp được. Ông Võ Tòng Xuân là một người không hề biết gì về nông nghiệp cả. Ông nói việc ăn Tết Âm lịch làm gián đoạn thời vụ chăm sóc lúa đông xuân (vụ lúa tiềm năng nhất trong năm) là hoàn toàn không có cơ sở. Nước ta chỉ có hai vụ lúa là vụ chiêm và vụ mùa, không hề có vụ đông-xuân, ngày xưa ông bà ta gieo cấy theo Âm lịch nên lúc nào nông dân ta cũng no đủ (và xuất khẩu sang các nước từ thời vua Hùng cơ), từ ngày có ông Võ Tòng Xuân và ông Nguyễn Xiển bày ra cái lịch thời vụ theo Dương lịch nên càng ngày càng thất bát. Vùng nào mà canh tác lúa cao sản của ông Võ Tòng Xuân thì chỉ có đói mà thôi. Việc canh tác theo Âm lịch là một điều đương nhiên mà một bạn trẻ tóc nhuộm xanh nào cũng có thể viết một bài đầy đủ trên mạng mà một người mang danh là GS Nông nghiệp như ông Võ Tòng Xuân lại không biết là một điều rất đáng tiếc cho nền nông nghiệp nước nhà.
- Nếu noi gương Nhật Bản mà bỏ Tết Âm lịch thì phải bỏ cả Âm lịch. Về mặt ứng dụng, Âm lịch là một loại lịch sử dụng chu kỳ của mặt trăng. Nếu không có Âm lịch thì ta sẽ không biết mặt trăng quay như thế nào. Trên thế giới này chỉ có nước nào có Âm lịch thì mới biết được chu kỳ và quy luật vận động của mặt trăng. Vì lý do đó, chỉ có Việt Nam là nước nghiên cứu mặt trăng nghiêm chỉnh nhất. Vào năm 1969, VNDCCH (miền Bắc Việt Nam) đã lần đầu tiên đưa người lên mặt trăng và năm 1959 VNCH (miền Nam Việt Nam) đã phóng vệ tinh và chụp được ảnh phía sau mặt trăng. Những thành tựu đó các nước đã bỏ Âm lịch như Nhật, Mỹ, Liên Xô chưa bao giờ làm được.
- Về sự tác động lên đời sống con người, Âm lịch (hay Âm dương lịch) phản ánh chính xác chu kỳ thuỷ triều. Những nước như Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Nhật… không có Âm lịch nên họ không tính được thuỷ triều. Đây là thiệt thòi lớn cho họ vì họ không thể phát triển ngành hàng hải được. Những nước như vậy chỉ có thể phát triển giao thông đường sông mà thôi. Còn ở các nước còn sử dụng Âm lịch như chúng ta, nếu bạn hỏi bất cứ người dân nào, họ chỉ cần nhìn vào tờ lịch và cho chúng ta biết ngay ngày hôm đó là nước rong hay nước kém, đỉnh triều vào lúc mấy giờ. Chính vì thế, nước ta là một nước hùng mạnh nhất thế giới về hàng hải. Hải quân nước ta là lực lượng mạnh nhất thế giới. Thật đáng tiếc khi một người đã từng giữ chức vụ Giám đốc nha Khí tượng như ông Nguyễn Xiển lại không hiểu mà cứ khăng khăng đòi bỏ Âm lịch vì nó là nguyên nhân gây ra mê tín.
- Một trong những lập luận của những người đòi dời Tết và bỏ Âm lịch là muốn loại bỏ Âm lịch ra khỏi đời sống cộng đồng vì nó là công cụ để hành nghề mê tín dị đoan. Đây là một lập luận sai hoàn toàn. Mê tín là mê tín, chẳng liên quan gì đến Âm lịch hay Dương lịch cả, nếu bỏ Âm lịch thì người ta sẽ mê tín bằng Dương lịch. Nên biết rằng người Tây còn mê tín hơn người Việt Nam nữa. Theo thống kê của báo chí Phương Tây thì hàng năm có rất nhiều cặp người Âu Mỹ yêu nhau tha thiết phải bỏ nhau theo sự ép buộc của gia đình vì họ không hợp… chòm sao. Cũng theo những thống kê đó thì người Tây khi làm việc gì từ kinh doanh cho đến cưới hỏi, tang ma đều phải coi ngày tháng (dĩ nhiên là Dương lịch) rất nhiều việc quan trọng đã phải dời lại vì không tốt ngày. Người Âu Mỹ không nhanh nhạy trong kinh doanh bằng người Việt là vì vậy. Tôi đã từng thấy nhiều người Thuỵ Điển vì xem tháng tốt (dĩ nhiên là theo Dương lịch) để xây nhà, nhưng oái oăm là tháng tốt lại toàn rơi vào mùa Đông nên phải dời lại đến 2,3 năm sau. Đến lúc đó tiền bạc lại dùng vào việc khác nên suốt đời anh ta không có nhà ở. Rất tội nghiệp cho người Tây Âu các bạn ạ.
- Không có lịch Âm, ta không thể tính được trăng tròn, trăng khuyết. Trăng tròn, trăng khuyết không tính được thì không những không tính được ngày Tết mà rất nhiều lễ hội khác cũng không thể tính được. Cụ thể, người Phương Tây không thể nào tính được ngày Phục sinh còn người Nhật Bản không tính được ngày Trung Thu (tsukimi). Thực sự là như vậy, từ trước đến nay tôi chưa hề thấy người Phương Tây nào ăn Phục sinh và người Nhật nào đón Tsukimi cả. Cái hại của việc bỏ Âm lịch là ở chỗ đó.
- Lịch là văn hoá các bạn ạ. Chính vì vậy nên lịch của mỗi nước cần phải khác với các nước khác để thể hiện đặc thù của dân tộc mình. Tôi cho rằng việc thời xưa nước ta thỉnh thoảng sử dụng lịch Âm của Ta khác với lịch Tàu là một điều rất đáng tự hào trong lịch sử dân tộc. Tôi tưởng tượng rằng nếu thời đó thương gia của Đại Việt và thương gia của Tàu có những cuộc giao dịch và thoả thuận về ngày tháng vận chuyển hàng hoá. Đến khi giao hàng thật, người Tàu sẽ rất ngạc nhiên khi người Việt có một hệ lịch khác có khi đi trước lịch của họ đến cả tháng và họ sẽ thán phục nền văn hoá của chúng ta với sự khác biệt về lịch lắm. Tôi cho rằng ngày nay, chúng ta cần phát huy sự khác biệt văn hoá đó bằng cách tạo cho chúng ta một hệ Dương lịch riêng biệt (giống như điều các đồng chí Triều Tiên và Khơ-me đỏ đã từng làm). Điều này sẽ tạo nên sự khác biệt giữa văn hoá Việt với văn hoá Phương Tây và chứng tỏ rằng chúng ta có một nền thiên văn riêng biệt không giống với thiên văn Phương Tây. Tôi khẳng định lại: Việc lịch Âm của ta khác với lịch Âm của Tàu là một điều đáng tự hào và chúng ta nên làm tương tự như vậy với Dương lịch.
- Âm lịch (Âm dương lịch) là một hệ lịch có nguồn gốc từ dân tộc lúa nước (tức là dân tộc Việt thời Hùng Vương). Từ thời Hùng Vương đến nay, Âm lịch không hề có sự thay đổi. Những kẻ cho rằng lịch Âm có nguồn gốc từ Tàu là những kẻ không yêu nước. Còn những kẻ cho rằng lịch Âm là do giáo sĩ Thiên Chúa Adam Schall cải tiến dựa trên thiên văn học Phương Tây là những tên phản động. Thực chất không có người nào tên là Adam Schall cả (đó là một nhân vật do gã văn sĩ Tàu tưởng tượng ra). Xin nhắc lại lịch Âm là do Hùng Vương chế tác và khắc vào trống đồng. Lịch Âm từ thời Hùng Vương đến nay không có gì thay đổi.
- Vì Âm lịch là do Hùng Vương sáng chế, nên ngày Tết từ thời Hùng Vương đến nay vẫn là như thế, không có gì là thay đổi. Những luận điệu cho rằng lịch cổ của người Việt là lịch “ngày lùi tháng tiến”, một năm bắt đầu vào tháng 11 (tức tháng Một) như trong “Đại Nam Nhất Thống Chí” là những luận điệu xuyên tạc nhằm hạ thấp vai trò của Tổ Hùng Vương của chúng ta. Tương tự như vậy, có những người cho rằng ngày hội lớn nhất của người Việt cổ thời Hùng Vương là lễ hội mùa thu (như một kẻ giả danh “nhà sử học” tên là Lê Văn Lan). Đó là những kẻ phản quốc lúc nào cũng chăm chắm theo đuôi ngoại bang để phủ định sự thật về nền văn minh hùng mạnh của người Việt cổ. Sự thật là những ngày lễ hội (gọi là Tết) trong sự tích bánh chưng bánh dày chắc chắn phải là ngày Tết Âm lịch, không thể nào là một ngày lễ hội mùa thu hay mùa Đông nào cả. Ông Táo không thể là “Đông trù tư mệnh táo phủ thần quân” mà phải là “Xuân trù tư mệnh…” đó là điều chắc chắn không chối cãi được.
- Nói về bánh chưng: Như trên đã nói, bánh chưng bánh dày là loại bánh do hoàng tử Lang Liêu sáng chế cho ngày Tết Âm lịch. Nó không liên quan gì đến chữ “chưng” 烝 (một trong hai lễ tế cổ vào mùa Đông là “tế chưng” và “tế lạp”). Khoa học đã chứng minh rằng nếu ăn bánh chưng vào một ngày nào đó không phải là ngày Tết Âm lịch thì sẽ bị ngộ độc rất nguy hiểm. Thực tế là ở Nhật có một loại bánh dày ăn vào ngày Tết Dương lịch. Vì đây là loại bánh của Lang Liêu sang chế riêng cho ngày Tết Âm lịch nên hằng năm có hàng triệu người Nhật phải đi cấp cứu vì ngộ độc thực phẩm khi ăn bánh này.
- Về hoa mai, hoa đào: Tương tự như bánh chưng, hoa mai đào là trời đất tổ tiên đã ban cho chúng ta để trang trí nhà vào ngày Tết. Hằng năm không phụ lòng tiên tổ, mai đào cứ “đến hẹn lại lên” đúng ngày mùng một Tết Âm là tự nhiên nở, không cần dùng bất cứ biện pháp nhân tạo nào để “hãm” hay “thúc” (như lặt lá, đốt gốc…). Thực sự tôi chưa thấy ai phải lặt lá mai đào hay làm bất cứ động tác nào để hoa nở đúng dịp Tết Âm lịch cả. Nếu chuyển ngày Tết sang Dương lịch thì ta phải lặt lá mai đào để chúng nở, đó là điều trái với tự nhiên và sẽ không bao giờ thành công.
- Những ví dụ về bánh chưng, mai, đào như đã nói ở trên cũng đủ để suy ra những phong tục Tết cổ truyền tốt đẹp như đốt pháo, đi lễ chùa, lì xì, hái lộc… chắc chắn không thể nào đưa vào ngày Tết Dương lịch được. Người Nhật chưa bao giờ đưa được những phong tục Tết cổ truyền vào ngày Tết Dương lịch. Ai nói người Nhật ăn Tết Dương lịch theo phong tục cổ truyền của Nhật là những kẻ nói dối.
- Thật vậy, người Nhật chưa bao giờ chuyển đổi được những ngày lễ, tết của họ sang Dương lịch. Những việc họ đi chùa trong ngày Tết Dương lịch là những điều lố bịch nhất tôi từng thấy trên thế giới. Tôi cho rằng tất cả những người Việt Nam yêu văn hoá Việt đều thấy như thế. Bằng chứng là ngày Phật Đản (8/4 Âm lịch) bị người Nhật “bê” nguyên xi sang 8/4 Dương lịch và gọi là “lễ hội hoa Anh Đào” (Khán hoa kiến Phật). Đây là một sự lố bịch ghê gớm nhất của người Nhật Bản, và không một người Việt Nam nào chấp nhận thứ văn hoá lai căng như vậy. Bằng chứng là năm 2008, khi người Nhật đem lễ hội này sang giới thiệu với người Việt Nam, nhân dân thủ đô Hà Nội đã bày tỏ sự phản đối trước thứ văn hoá lai căng này bằng cách vặt trụi tất cả các cành gọi là “anh đào” đó. Đó là một phản ứng cần thiết, một sự bày tỏ thái độ rất quyết liệt của văn hoá Việt Nam trước văn hoá lai căng.
- Một điều cần phải nói rằng ngày Tết phải là ngày Xuân không thể là ngày khác được. Mà mùa Xuân là tháng 1 Âm lịch, điều đó là chắc chắn không thể bàn cãi được. Mùa Xuân là mùa ấm áp, mùa thu là mùa mát mẻ. Ngày Tết ở Hà Nội bao giờ cũng tràn ngập nắng xuân tươi thắm và ấm áp, còn ngày cách mạng tháng Tám (mùa thu) bao giờ cũng là ngày lá rụng, sương hiu hắt, tuyết rơi đầy thủ đô. Những quan niệm xem Tháng 3 mới bắt đầu là mùa Xuân là những quan niệm sai trái, lệch lạc và học đòi theo Phương Tây. Nếu đổi ngày Tết sang ngày 1/1 Dương lịch thì không thể dùng “nhạc Xuân” cho ngày Tết được. Chúng ta không thể giống người Nhật tặng nhau những thiệp hoa mang hai chứ “Nghênh Xuân” ở ngày Tết Dương lịch được, việc nghênh xuân, du xuân phải ở trong những ngày 1/1 Âm lịch khi mà nắng ấm tràn ngập thủ đô Hà Nội, cây cối đâm chồi nở lộc (thật đấy)…
- Phải biết rằng việc Tết Âm lịch được báo trước một tháng bằng cái Tết Dương lịch là một điều hợp lý nhất trong kế hoạch công việc. Sau ngày Tết Dương lịch, ta cứ đến bất cứ một công sở nhà nước nào cũng thấy không khí hừng hực hăng say làm việc của cán bộ nhà nước. Trong những ngày cuối năm Âm lịch… họ cố gắng quyết tâm hoàn thành kế hoạch của năm… Âm lịch để đạt được những danh hiệu thi đua cao nhất và được nhiều tiền thưởng nhất. Sự hợp lý này đã được các nhà nghiên cứu về tâm lý kinh doanh gọi với cái tên là “Định luật Parkinson”. Nếu bỏ Tết Âm lịch và Tết Âm lịch thì hiệu quả này sẽ không còn nữa đó là một điều rất đáng tiếc.
- Việc ăn Tết Âm lịch còn có một cái lợi nữa là Âm lịch có sự thay đổi so với Dương lịch (lịch học tập, công tác, kinh doanh, sản xuất…) Việc hàng năm có sự thay đổi về thời gian ăn Tết.sẽ làm cho người Việt chúng ta trở nên luôn luôn lúc nào cũng ở trạng thái sẵn sàng suy nghĩ về sự khác biệt. Đây là một bài tập rất tốt cho trí não. Chính bài tập này làm cho người Việt trở nên thông minh hơn bất cứ dân tộc nào trên thế giới. Ngược lại nếu bỏ Âm lịch, người Việt chúng ta bắt buộc phải kỷ niệm lễ giỗ của người thân theo Dương lịch, việc nhớ ngày mất của người thân bằng Dương lịch là việc quá dễ dàng, điều này sẽ làm cho người ta lười suy nghĩ và bộ não sẽ teo lại như người Châu Âu và trở nên kém thông minh.

Tóm lại, chúng ta cần phải phản đối những kẻ có ý định dời Tết vào ngày đầu năm Dương lịch. Chúng ta cần phải vạch trần những sai trái và nguỵ biện của họ. Cần phải cho họ biết rằng CHÂN LÝ BAO GIỜ CŨNG THUỘC VỀ SỐ ĐÔNG. Hỡi các hotboys, hotgirls, hãy tiến lên!

9 nhận xét:

  1. 99% Người Nhật theo đạo Chúa (Công giáo hoặc Tin Lành) 100% phụ nữ đóng phim sex, đoạn dưới thì nặng mùi tuyên truyền nhảm nhí. Đọc muốn ói

    Trả lờiXóa
  2. Khi người ta nói thật (vụ Dâm thư thành Thánh kinh), anh Giao bảo là đùa; khi người ta nói đùa (vụ bỏ tết âm lịch này), anh lại bảo là thật hahaha.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. À có thể tôi sai, nhưng GS Võ Tòng Xuân hình như là nhà nông học chính hiệu (chuyên gia hàng đầu về cây lúa nước), không phải dân kinh tế. Ông, cùng với GS Chu Phạm Ngọc Sơn (ngành hóa), là 2 cái tên đình đám nhất trong số ít ỏi các trí thức "ngụy" còn sót lại ở VN sau 1975.

      Xóa
  3. Các "me" này nói đùa thấy rõ mà bác Giao, đối tượng là mấy cháu hotboys, hotgirls ...

    Gọi là "nói ngược", theo kiểu:

    Bao giờ cho tới tháng Ba
    Ếch cắn cổ rắn tha ra ngoài đồng
    Hùm nằm cho lợn liếm lông...
    Một chục quả hồng nuốt lão tám mươi...

    Mà nghe giọng này là "me" ông chứ không phải "me" bà.

    Trả lờiXóa
  4. me này viết "hay" đấy chứ!
    rất trào lộng

    Trả lờiXóa
  5. http://www.webtretho.com/forum/f26/chuyen-gia-pham-chi-lan-can-som-co-lo-trinh-gop-tet-ta-va-tet-tay-1829410/index20.html
    khỏi bình luận nhiều

    Trả lờiXóa
  6. từ trước tới giờ chưa thấy cái blog nào chán như blog của chu xuân giao. thấy trích dẫn sách có vẻ "kinh điển" lắm.. nhưng đọc đến mỏi cả con mắt cũng không thấy quan điểm của giao ở đâu cả.. nhìn lại đống sách trích dẫn thì hỗn độn như..

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. chán thì đơn giản là tránh ra xa cho nhanh nhé.

      Xóa
  7. dĩ nhiên. nhưng điều đó không có nghĩa là không có quyền nói "cái blog này chán quá".

    Trả lờiXóa

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.