Ghi chép linh tinh lúc rảnh việc cày ruộng và đọc sách

05/11/2013

Trường Chinh (1946): Cách mạng Tháng Tám

Bản hiện tại, theo Trường Chình tuyển tập 1. Bản gốc và bản đối chiếu tính sau.




LỜI NÓI ĐẦU
Bạn đọc thân mến,

Trong cuốn sách này, chúng tôi thu thập những bài đã đăng trên báo Sự thật nhân dịp kỷ niệm lần thứ nhất cuộc Cách mạng tháng Tám 1945. Những bài ấy đã được xem lại và sửa, có chỗ viết hẳn lại và bổ sung.
Mục đích của chúng tôi không có gì khác hơn là muốn ghi lại lịch sử một cuộc đấu tranh vĩ đại của dân tộc ta, đánh giá cuộc đấu tranh ấy một cách nghiêm túc, định rõ tính chất và ý nghĩa của Cách mạng tháng Tám, thử phác hoạ bước phát triển của cách mạng Việt Nam từ nay về sau; đồng thời, đề nghị với quốc dân, đồng bào nhiệm vụ chính phải làm ngay để thực hiện độc lập, tự do và hạnh phúc.
Hiện nay, một số người, hoặc chưa từng rỏ một giọt mồ hôi vì cách mạng, hoặc đã và đang hành động phản quốc, chực phủ nhận giá trị của Cách mạng tháng Tám Việt Nam. Họ cho rằng dân tộc ta không phải chiến đấu mấy, chẳng qua "ăn may" mà vớ được chính quyền. Chống lại quan điểm phản động ấy, chúng tôi chỉ cần nhắc sơ qua những bước chiến đấu của dân tộc ta trong cao trào chống Nhật, cứu nước, cũng như trong cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám 1945. Chúng tôi nhấn mạnh vai trò tổ chức và lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương và của Mặt trận Việt Minh; nhấn mạnh sách lược khôn khéo của Đảng và của Việt Minh trong thời kỳ chuẩn bị khởi nghĩa.
Đồng thời, để chống lại chính sách của bọn thực dân Pháp đang tiến công và lấn chiếm về quân sự, chia rẽ và lừa phỉnh về chính trị, chúng tôi trình bày con đường cứu nước và xây dựng nước của dân tộc ta trong giai đoạn này, con đường vẻ vang mà Hồ Chủ tịch đã vạch ra cho dân tộc.
Cuộc tổng khởi nghĩa tháng Tám, cũng như cao trào chống Nhật, cứu nước, là một cuộc đấu tranh rất phong phú về hình thức và nội dung. Phạm vi cuốn sách này cố nhiên không thể chứa đựng được cả một kho tàng kinh nghiệm của nó. Mong rằng các chiến sĩ cách mạng nước ta tìm kiếm thêm trong kho tàng ấy những bài học mới lạ để bổ sung cho tài liệu này.
Dù sao, những trang dưới đây sẽ không đến nỗi vô ích, nếu chúng làm cho bạn đọc tin tưởng thêm vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, hiểu rõ thêm nhiệm vụ công dân của mình, nhận đúng chủ trương của những người cộng sản nước ta trong giai đoạn trước mắt và phương pháp vận động quần chúng của chủ nghĩa Mác - Lênin đã được áp dụng vào hoàn cảnh Việt Nam.
Cách mạng tháng Tám có tính chất quyết định, nhưng chỉ là một thắng lợi vĩ đại đầu tiên của cuộc vận động giải phóng dân tộc. Chúng ta còn phải đấu tranh gay go, quyết liệt hơn nữa mới giữ vững được độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, mới củng cố được chế độ cộng hoà dân chủ và giành được độc lập hoàn toàn.
Sự nghiệp giải phóng dân tộc hết sức gian khổ, gay go, nhưng nhất định phải toàn thắng. Chúng tôi tin chắc như thế và bây giờ xin mời bạn đọc cùng chúng tôi kiểm điểm cuộc đấu tranh oanh liệt vừa qua để chuẩn bị cho những cuộc đấu tranh oanh liệt mới.

Hà Nội, ngày 29 tháng Chín 1946
Trường-Chinh
 I

MỘT TRANG LỊCH SỬ OANH LIỆT
CAO TRÀO CHỐNG NHẬT, CỨU NƯỚC
Ngày 9 tháng Ba 1945, ở Đông Dương, phát xít Nhật quật thực dân Pháp xuống chân đài chính trị. Không đầy hai mươi bốn tiếng đồng hồ, trong các thành phố lớn, thực dân Pháp đều hạ súng xin hàng. Nhiều đội quân của Pháp nhằm biên giới cắm đầu chạy. Riêng ở Cao Bằng và Bắc Cạn, một vài đội quân của Pháp định thống nhất hành động với Quân giải phóng Việt Nam chống Nhật. Ở Bắc Cạn, họ đã cùng ta tổ chức "Uỷ ban Pháp - Việt chống Nhật". Nhưng không bao lâu họ cũng bỏ ta chạy sang Trung Quốc4*. Có thể nói là quân Pháp ở Đông Dương đã không kháng chiến và công cuộc kháng chiến ở Đông Dương là công cuộc duy nhất của nhân dân ta.
Thật thế, ngay đêm 9 tháng Ba 1945, Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương họp từ Từ Sơn (Bắc Ninh), cách Hà Nội không đầy 20 cây số, quyết định phát động cao trào chống Nhật, cứu quốc5*.
Ngày hôm sau, tại chiến khu Hoàng Hoa Thám (Bắc Bộ) dân quân du kích đánh chiếm các đồn lẻ tước vũ khí của một số lính Pháp và của Bảo an binh, không để cho những vũ khí ấy lọt vào tay Nhật, phục kích quân Nhật trên các ngả đường Tuyên Quang - Thái Nguyên và Bắc Cạn - Cao Bằng; quấy rối chúng ngay trong tỉnh lỵ Bắc Cạn và đánh úp chúng ở căn cứ Chợ Chu, v.v.. Hàng nghìn kho thóc của Nhật ở Bắc Bộ và Trung Bộ bị quần chúng chiếm, lấy thóc chia cho dân nghèo. Nạn đói được giải quyết bằng phương pháp cách mạng. Nông dân Bắc Giang, Thái Nguyên, Bắc Cạn, v.v. nổi dậy chiếm các đồn điền của Pháp, Nhật và tiến hành chia đất.
Những cuộc đánh phá kho thóc phần nhiều đã biến thành biểu tình tuần hành thị uy vũ trang. Những chiến sĩ Việt Minh vác súng ra các ngả đường, các chợ, diễn thuyết xung phong, chinh phục quần chúng. Tất cả các ảo tưởng lợi dụng Nhật, lầm tưởng Nhật giải phóng, v.v. đều bị kịch liệt đả phá trong quần chúng nhân dân cũng như trong hàng ngũ cách mạng. Đội danh dự của Việt Minh hoạt động ngay dưới mũi quân Nhật tại các thành phố lớn, lùng giết những tên Việt gian lợi hại và những võ quan Nhật tham tàn, khiến cho phát xít Nhật và tay sai của chúng càng thêm hoang mang, lo sợ. Những đội tự vệ chiến đấu, tiểu đội hoặc tiểu tổ du kích phát triển mau lẹ khắp nơi. Ai nấy đều hăm hở sắm vũ khí, chờ dịp xông ra giết giặc. Những Uỷ ban nhân dân cách mạng thành lập ở các địa phương quân du kích làm chủ. Ngoài các nơi ấy, những Uỷ ban giải phóng mọc lên như nấm, vừa lãnh đạo nhân dân chuẩn bị tổng khởi nghĩa, vừa tập cho nhân dân cầm chính quyền.
Khí thế cách mạng vô cùng mạnh mẽ. Không khí tiền khởi nghĩa tràn ngập, cổ vũ các chiến sĩ cứu quốc và lôi cuốn cả tầng lớp lừng chừng.
Tháng Tư 1945, Hội nghị quân sự cách mạng Bắc Kỳ22  họp ở Hiệp Hoà, Bắc Giang, định kế hoạch thống nhất các lực lượng vũ trang nhân dân, chuẩn bị tổng khởi nghĩa, tiến hành khởi nghĩa từng phần và thành lập Bộ tổng tư lệnh Quân giải phóng Việt Nam ở miền Bắc.
Tháng Sáu 1945, căn cứ vào nghị quyết của Hội nghị cán bộ sáu tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Hà Giang, Bắc Cạn, Tuyên Quang, Thái Nguyên, do Tổng bộ Việt Minh triệu tập, Khu giải phóng đã chính thức thành lập, bao gồm địa hạt sáu tỉnh và thống nhất các vùng đặt dưới chính quyền cách mạng.
Nước Việt Nam mới phôi thai từ đó.
Các Uỷ ban nhân dân cách mạng trong Khu giải phóng dùng những phương pháp mạnh bạo thủ tiêu những hình thức áp bức, bóc lột của bọn phát xít quân phiệt và bè lũ tay sai của chúng, tích cực phá tan xiềng xích đế quốc chủ nghĩa và cải thiện đời sống cho nhân dân. Một phần Bắc Bộ đã thực tế đặt dưới chính quyền cách mạng. Cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám đã có sẵn một tiền đề hết sức thuận lợi ngay từ đó.
Từ tháng Sáu 1945, không quân Đồng minh ồ ạt tiến công nước Nhật. Tháng Bảy, Liên Xô quyết định tham gia đánh Nhật tại Hội nghị Pốtxđam (Posdam)23. Tổng bộ Việt Minh, do cụ Hồ Chí Minh đứng đầu, xúc tiến việc triệu tập Quốc dân đại hội. Song vì giao thông liên lạc khó khăn, Đại hội này mãi đến tháng Tám, ngay giữa lúc Nhật đầu hàng, mới họp được ở Khu giải phóng.
KHỞI NGHĨA THÁNG TÁM
Ngày 9 tháng Tám 1945, Hồng quân Liên Xô đánh vào Mãn Châu như vũ bão. Chỉ trong sáu hôm, đội quân Quan đông mạnh có tiếng của phát xít Nhật bị tiêu diệt và bọn sống sót ra hàng.
Thắng lợi căn bản đó của Hồng quân đã quyết định số phận của phát xít Nhật và Liên Xô thực tế đã giải phóng cho các dân tộc bị Nhật áp bức.
Tình hình đế quốc Nhật vô cùng nguy ngập. Giữa lúc ấy, Đảng Cộng sản Đông Dương họp Hội nghị toàn quốc, quyết định tổng khởi nghĩa, thiết lập chế độ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Tổng bộ Việt Minh cũng đồng ý và Uỷ ban khởi nghĩa toàn quốc tức thời thành lập, hạ lệnh tổng khởi nghĩa ngay đêm hôm 13 tháng Tám 1945, sau khi vừa nhận được tin Nhật sắp đầu hàng không điều kiện.
Sáng ngày 16, Quốc dân Đại hội khai mạc ở xã Tân Trào, tỉnh Tuyên Quang, trong Khu giải phóng. Hơn 60 đại biểu của các dân tộc lớn nhỏ và các xu hướng chính trị nước ta đã họp mặt trong một bầu không khí thân mật, rung lên vì phấn khởi, đã thông qua lệnh tổng khởi nghĩa của Tổng bộ Việt Minh, định chính sách nội trị và ngoại giao của chính quyền cách mạng, và cử ra Uỷ ban dân tộc giải phóng Việt Nam, tứcChính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.
Sau bao năm bôn ba đây đó và hoạt động bí mật, lần đầu tiên, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra mắt đại biểu quốc dân.
Quốc dân Đại hội tiến hành trong khi lệnh tổng khởi nghĩa vừa phát đi, cho nên nó phải họp một cách "chớp nhoáng" để các đại biểu có thể về cùng các chiến sĩ địa phương lãnh đạo cuộc chiến đấu quyết liệt. (Nhớ rằng ngay từ ngày 10 tháng Tám 1945, một số đại biểu đi đến nửa đường đã được lệnh trở về địa phương chuẩn bị sẵn sàng khởi nghĩa).
Trong cuộc Đại hội lịch sử này, Đảng Cộng sản Đông Dương đề ra một chủ trương hết sức đúng đắn: lãnh đạo quần chúng nhân dân nổi dậy tước vũ khí của Nhật trước khi quân Đồng minh vào Đông Dương, giành lấy chính quyền từ tay Nhật, lật đổ bọn bù nhìn tay sai của Nhật, đứng địa vị cầm quyền mà tiếp đón quân Đồng minh vào giải ngũ quân Nhật trên đất Đông Dương.
Nhiều nơi tuy chưa nhận được lệnh tổng khởi nghĩa, nhưng đứng trước tình thế quân Nhật hoang mang, do dự đến cực điểm, vì sắp bại đến nơi, các chiến sĩ Việt Minh cũng đã lãnh đạo nhân dân nổi dậy giành chính quyền, theo chỉ thị ngày 12 tháng Ba 1945 của Đảng Cộng sản Đông Dương.
Từ ngày 11 tháng Tám đến ngày 18 tháng Tám 1945, cuộc khởi nghĩa đã thắng lợi ở nông thôn hầu hết các tỉnh ở Bắc Bộ và miền Bắc Trung Bộ, ở nông thôn Quảng Ngãi, Khánh Hoà (Nam Trung Bộ) và Mỹ Tho, Sa Đéc (Nam Bộ). Ngày 14, 15, nhiều đồn Nhật ở sát Khu giải phóng bị quân ta hạ. Ngày 16, tin Nhật đầu hàng tung ra. Khắp các tỉnh trong toàn quốc, hàng chục triệu quần chúng xuống đường biểu tình thị uy vũ trang. Nhiều nhà máy và công sở nghỉ việc. Cờ đỏ sao vàng tung bay sát sạt khắp nơi. Nhiều cuộc biểu tình vũ trang đã biến thành các cuộc đánh úp các đồn Nhật. Ngày 17, 18, hàng chục vạn quần chúng biểu tình ở Hà Nội. Cuộc tổng đình công chính trị đã được thực hiện. Trước mắt quần chúng, đại biểu Việt Minh hô hào nhân dân xốc tới giành chính quyền. Ngày 19, cả thủ đô đứng dậy. Bảo an binh và cảnh binh ngả về phe cách mạng. Quân khởi nghĩa, có các đội xung phong của công nhân và thanh niên đi đầu, do cán bộ Việt Minh lãnh đạo, xông vào Bắc Bộ phủ. Viên khâm sai Bắc Bộ và bè lũ đã trốn biệt. Việt Minh tuyên bố thành lập chính quyền cách mạng lâm thời. Đứng trước cao trào cách mạng của dân tộc, của toàn dân đoàn kết, vua Bảo Đại tuyên bố thoái vị. Chính phủ bù nhìn
Trần Trọng Kim đầu hàng Việt Minh. Tổng bộ Việt Minh phái đại biểu vào Huế nhận lễ thoái vị của Bảo Đại
6*.
VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ RA ĐỜI
Vài hôm sau, những uỷ viên trong Uỷ ban nhân dân giải phóng Việt Nam đã gần đủ mặt ở Hà Nội. Căn cứ vào tình hình mới, Uỷ ban dân tộc giải phóng Việt Nam tự cải tổ, lấy thêm một số nhân sĩ không đảng phái vào, lập thành một Chính phủ lâm thời thống nhất dân tộc do cụ Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Ngày 29 tháng Tám 1945, Quân giải phóng Việt Nam từ chiến khu kéo vào Hà Nội, được nhân dân hoan hô như sấm dậy.
Ngày 2 Chín 1945, Hồ Chủ tịch ra mắt quốc dân ở vườn hoa Ba Đình, Hà Nội. Nửa triệu quần chúng nhân dân đã họp mít tinh khổng lồ ở đây nghe vị Chủ tịch đầu tiên của nước Việt Nam mới đọc trước đồng bào toàn quốc và thế giới bản Tuyên ngôn độc lập24 của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.
Ngày 23 tháng Chín 1945, một triệu đồng bào Sài Gòn, Chợ Lớn xuống đường biểu tình. Uỷ ban hành chính Nam Bộ thành lập. "Thanh niên tiền phong" và dân quân giành chính quyền và thống nhất thành những đội quân cách mạng của nước Việt Nam mới ở miền Nam.
Lần lượt khắp nơi, từ thành thị đến thôn quê, từ đồng bằng đến rừng núi, những Uỷ ban nhân dân cách mạng ra đời đã thay thế cho bộ máy quan lại và kỳ hào mục nát. Trong vòng nửa tháng, bộ máy chính quyền cách mạng của nhân dân đã thành lập từ trung ương đến các địa phương.
Cổng các nhà tù được mở toang: toàn thể chính trị phạm và một phần thường phạm được giải phóng. Trái lại, bọn Việt gian phản quốc bị trừng trị. Thuế thân được bãi bỏ; chế độ thuế khoá cũ được sửa đổi dần. Địa tô được tuyên bố giảm 25%; ruộng công được chia lại một cách công bằng, hợp lý. Những xí nghiệp Nhật chiếm của Pháp đều chuyển qua tay chính quyền mới, do công nhân tạm thời quản lý. Những quyền tự do dân chủ được ban bố cho toàn dân. Các dân tộc lớn nhỏ ở Việt Nam đều bình đẳng. Đàn bà, đàn ông ngang quyền. Chế độ cộng hoà dân chủ có tính chất dân chủ nhân dân, dân chủ mới, đã thành lập. Việt kiều ở Lào ủng hộ những nhà ái quốc Lào tổ chức chính quyền của nhân dân Lào.
Với một sức mạnh phi thường, toàn dân Việt Nam vươn mình đứng dậy, ráng hết sức tự phá tung xiềng xích nô lệ của phát xít Nhật, dũng cảm tiến bước, cùng nhân dân Trung Quốc, nhân dân Triều Tiên đi tiên phong trong cuộc vận động giải phóng các dân tộc ở Viễn Đông.
NAM BỘ KHÁNG CHIẾN
Chính quyền nhân dân Việt Nam vừa thành lập thì quân Anh và quân Quốc dân Đảng Trung Quốc được lệnh Bộ tổng chỉ huy tối cao Đồng minh phái vào Đông Dương tước vũ khí quân đội Nhật. Bọn thực dân Pháp ở Đông Dương, trước kia đầu hàng Nhật, nay lại dựa vào thế lực quân Anh, chuẩn bị ráo riết để giành lại địa vị cũ.
Trong công việc ấy, bọn Pháp tích cực nhất chính là bọn phát xít thuộc phái Pêtanh, Đờcu trước đây đã làm tay sai đắc lực cho phát xít Nhật.
Ngày 23 tháng Chín 1945, được quân Anh vũ trang và che chở, thực dân Pháp đánh chiếm Sài Gòn. Dân ta dùng vũ khí bắn lại quân Pháp. Cuộc kháng chiến anh dũng của nhân dân ta chống thực dân Pháp bắt đầu từ đó. Và cũng từ đó, đồng bào ta ở Nam Bộ nếm đủ mùi tân khổ, vượt qua mọi hy sinh, mở đầu cho một cuộc chiến tranh giải phóng, nó đề cao uy tín của dân tộc ta trên trường quốc tế và nêu một tấm gương cho các dân tộc Viễn Đông.
Đất Đồng Nai là nơi đã tưới máu quân Pháp xâm lược khi chúng mới đặt chân lên đất nước ta, ngày nay lại biến thành một phòng tuyến kiên cố bảo vệ Tổ quốc. Và con cháu những bậc anh hùng đã hy sinh cứu nước ngót một thế  kỷ trước đây, như Trương Công Định, Nguyễn Trung Trực, Nguyễn Hữu Huân, v.v., lại chính là những chiến sĩ tiên phong giữ gìn tự do, độc lập cho dân tộc ta ngày nay.
MỘT VÀI NHẬN XÉT
Lịch sử Cách mạng tháng Tám dẫn ta đến một vài nhận xét như sau:
Trước hết, Cách mạng tháng Tám thắng lợi là nhờ hai điều kiện chủ quan và khách quan.
Về điều kiện chủ quan, toàn dân đoàn kết chung quanh Mặt trận Việt Minh do Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo. Quyền lãnh đạo ấy độc nhất trong tay giai cấp vô sản, không chia với giai cấp nào hết. Cho nên, lực lượng cách mạng của toàn dân không bị tản mạn, không cạnh tranh hoặc đối chọi nhau (trừ một vài trường hợp không đáng kể) và trong giờ quyết liệt, có thể tập trung dưới một cơ quan chỉ đạo duy nhất, đánh thẳng vào dinh luỹ quân địch.
Về điều kiện khách quan, cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai mang lại cho dân tộc Việt Nam một cơ hội hết sức thuận lợi: kẻ thù của cách mạng Việt Nam là phát xít Nhật, Pháp tự loại trừ nhau, rồi phát xít Nhật, kẻ đã quật đổ thực dân Pháp, lại bị Hồng quân Liên Xô đánh bại; thành ra dân tộc Việt Nam chỉ cần bồi thêm cho chúng một nhát là đủ giành được chính quyền.
Song, điều kiện khách quan dù thuận lợi đến mấy cũng không thể mang lại thắng lợi, nếu không có điều kiện chủ quan tốt. Đó là một sự thật.
Sau nữa, cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám thật là một cuộc cách mạng của nhân dân. Trong cuộc cách mạng ấy, nhân dân Việt Nam đã cầm súng trong tay, chiến đấu anh dũng chống bọn phát xít Nhật, giành quyền độc lập dân tộc và liền sau cuộc cách mạng đó, nhân dân Việt Nam phải đổ máu khá nhiều để bảo vệ quyền sống tự do. Cách mạng tháng Tám thắng lợi, chế độ độc tài phát xít và chế độ quân chủ đã đổ; chế độ cộng hoà dân chủ ra đời.
Đồng chí Tôrê nói rất đúng: "Lịch sử dạy ta rằng một cuộc cách mạng có nhiều đặc điểm, nhưng đặc điểm quan trọng nhất là quần chúng nhân dân nổi dậy mãnh liệt, tự mình cầm lấy vận mệnh của mình và dọn đường cho tiến bộ"7*.
Cách mạng tháng Tám có đặc điểm quan trọng ấy không? Nhất định có.
II 

CÁCH MẠNG THÁNG TÁM VÀ SÁCH LƯỢC 
CỦA NHỮNG NGƯỜI CỘNG SẢN VIỆT NAM

THÊM BẠN, BỚT THÙ
Nói đến Cách mạng tháng Tám, không thể không nói đến vai trò của Đảng Cộng sản Đông Dương, hạt nhân lãnh đạo cuộc cách mạng đó. Cơ hội thuận lợi đã vậy, nhưng phải có chủ trương và sách lược đúng như thế nào mới có thể thắng lợi được chứ! Cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám 1945 thắng lợi hẳn không phải là một sự ngẫu nhiên.
Từ năm 1940 trở đi, những người cách mạng Đông Dương đứng trước hai sự kiện mới: thế giới có chiến tranh và nhân dân Đông Dương bị hai tầng áp bức, bóc lột của phát xít Nhật và phát xít Pháp. Chính sách giải phóng dân tộc của Đảng Cộng sản Đông Dương và của Mặt trận Việt Minh trong giai đoạn vừa qua căn cứ vào hai cự kiện quan trọng đó.
Chiến tranh làm cho hai phe tham chiến cầm giữ nhau, mâu thuẫn với nhau một cách sâu sắc. Hai tầng áp bức của Nhật, Pháp làm cho toàn thể nhân dân, không phân biệt giàu nghèo, đều khổ nhục, phải đoàn kết chặt chẽ chống kẻ thù chung. Đồng thời, Nhật và Pháp cùng thống trị Đông Dương, cho nên chúng tranh giành nhau, xung đột nhau dữ dội. Một trong những nhiệm vụ rất quan trọng của Đảng Cộng sản Đông Dương và của Mặt trận Việt Minh mấy năm vừa qua là lợi dụng triệt để tình thế ấy.
Cho nên, bên ngoài, Đảng Cộng sản Đông Dương và Mặt trận Việt Minh chủ trương đứng hẳn về phe dân chủ chống phát xít xâm lược và nhận rõ rằng tất cả các lực lượng chống phát xít xâm lược trên thế giới đều là đồng minh của mình.
Bên trong, một mặt Đảng Cộng sản Đông Dương tổ chức mọi tầng lớp nhân dân vào mặt trận giải phóng dân tộc: Việt Minh. Chương trình của Việt Minh bảo vệ nhân quyền, dân quyền và tài quyền, tôn trọng các quyền tư hữu tài sản, tự do dân chủ, dân tộc bình đẳng và nam nữ bình quyền, nhằm mục đích thực hiện đoàn kết toàn dân chống phát xít Nhật, Pháp. Đứng trước điều kiện cụ thể của cách mạng Đông Dương. Đảng Cộng sản Đông Dương, người đề xướng ra Mặt trận Việt Minh và lãnh đạo Mặt trận, tuyên bố gác khẩu hiệu cách mạng ruộng đất (không tịch thu ruộng đất của địa chủ nói chung) cốt để phân hoá giai cấp địa chủ và giúp cho một số địa chủ ngả về lập trường phản đế, đặng mở rộng Mặt trận dân tộc thống nhất giành độc lập, bao gồm từ công nhân, nông dân, tiểu tư sản đến tư sản dân tộc và những nhân sĩ yêu nước xuất thân từ giai cấp địa chủ.
Đảng Cộng sản Đông Dương lại đặc biệt phát triển và củng cố những tổ chức của công nhân và nông dân để làm cơ sở vững chắc cho Mặt trận dân tộc thống nhất và kiên quyết đấu tranh chống bọn Việt gian phản quốc, thân Nhật hoặc thân Pháp.
Đảng lợi dụng triệt để những mâu thuẫn giữa hai kẻ thù của dân tộc là phát xít Nhật và thực dân Pháp ở Đông Dương để đẩy mạnh cuộc vận động cách mạng, đồng thời tìm hết cách cô lập bọn phát xít Nhật, Pháp.
Khi phát xít Nhật, Pháp đàn áp không những cách mạng Việt Nam mà cả những người Pháp dân chủ tự do, thì Đảng chủ trương tranh thủ hoặc ít nhất cũng trung lập những người Pháp ấy, cốt tìm kiếm thêm bạn đồng minh nhằm đánh đổ phát xít Nhật, Pháp. Đến khi phát xít Nhật đánh đổ thực dân Pháp và thực dân Pháp không còn là một đối tượng trực tiếp nguy hiểm nữa, thì Đảng cố thực hiện thống nhất hành động với bất cứ phần tử Pháp nào thành thật chống Nhật.
Tóm lại, Đảng luôn luôn nhìn rõ kẻ thù chính, "kẻ thù cụ thể trước mắt" của cách mạng; luôn luôn tước bỏ vây cánh của địch và tăng thêm đồng minh của mình, không một phút nào nhằm chệch mục đích cách mạng giải phóng dân tộc.
SÁCH LƯỢC MỀM DẺO
Đảng Cộng sản Đông Dương đoán trước rất đúng thế nào Nhật, Pháp cũng bắn nhau và một khi Nhật, pháp bắn nhau, Đảng lập tức thay đổi sách lược, tiến thẳng tới tổng khởi nghĩa.
Cho nên, sau cuộc "đảo chính" ngày 9 tháng Ba 1945, Đảng phát động chiến tranh du kích rộng rãi, giành chính quyền ở một số địa phương, tổ chức một vùng ở thượng du và trung du Bắc Bộ thành căn cứ địa chủ yếu của cách mạng để chống Nhật, cứu nước. Đồng thời, Đảng thay đổi các khẩu hiệu, các hình thức tuyên truyền, tổ chức và đấu tranh để dễ động viên quần chúng, đưa quần chúng tiến tới khởi nghĩa một cách mau lẹ.
Lúc đó, về tuyên truyền, Đảng chuyển trọng tâm công tác tuyên truyền vào một vấn đề cốt yếu: vạch mặt nạ giả nhân, giả nghĩa của bọn phát xít quân phiệt Nhật; đánh đổ tất cả những ảo tưởng lợi dụng Nhật; hợp tác với Nhật, hòng dùng những "khả năng hợp pháp" đòi "cải cách", v.v. làm cho nhân dân mơ hồ đối với phát xít Nhật và bọn bù nhìn thân Nhật.
Hình thức tuyên truyền phổ thông lúc đó là diễn thuyết xung phong ở các xí nghiệp, trường học, chợ, các ngả đường; là dùng những đội tán phát xung phong để công khai trưng cờ, băng, áp phích, phân phát các truyền đơn, bươm bướm và sách, báo cách mạng.
Hình thức tuyên truyền cao lúc đó là tuyên truyền vũ trang bằng mọi cách, kể cả cách tuần hành vũ trang và đánh du kích.
Về đấu tranh, nắm lấy vấn đề thiết thân của quần chúng - vấn đề giải quyết nạn đói - mà lãnh đạo quần chúng phá những kho thóc của Nhật;tuỳ tình thế biến các cuộc biểu tình xúc thóc và chia thóc đó thành những cuộc biểu tình thị uy vũ trang.
Hình thức đấu tranh phổ thông lúc đó là biểu tình vũ trang. Hình thức đấu tranh cao lúc đó là đánh du kích ở các vùng có địa hình, địa thế, dùng Đội danh dự trừ gian ở thành thị và nông thôn.
Về tổ chức, khôn khéo vận dụng những hình thức tổ chức quá độ để xây dựng chính quyền địa phương; đặc biệt phát triển các đội tự vệ cứu quốc và tự vệ chiến đấu; tổ chức các đội dân quân du kích (các tiểu tổ hoặc tiểu đội du kích).
Hình thức tổ chức phổ thông lúc đó là các hội cứu quốc, bao gồm cả tự vệ cứu quốc, tự vệ chiến đấu. Hình thức tổ chức cao lúc đó là Uỷ ban giải phóng dân tộc Việt Nam, tức Chính phủ lâm thời; là các Uỷ ban nhân dân cách mạng và Uỷ ban giải phóng, một hình thức tổ chức có tính chất vừa hành chính, chính trị và quân sự (tính chất tiền chính phủ), cùng tồn tại trong một thời gian nhất định với các cơ quan hành chính địa phương của Nhật và, sau ngày tổng khởi nghĩa, đã biến thành những cơ quan hành chính chính thức ở các địa phương; sau nữa là Uỷ ban khởi nghĩa toàn quốc, Uỷ ban hành động của mỗi xứ, mỗi tỉnh, thành, mỗi địa phương trong giờ quyết liệt, v.v..
Tóm lại, từ tháng Ba đến tháng Tám 1945, sách lược của Đảng Cộng sản Đông Dương có những đặc điểm dưới đây:
Một là, biết lợi dụng triệt để và kịp thời những khả năng sau ngày Nhật, Pháp bắn nhau (9 tháng Ba 1945) mà lãnh đạo quần chúng nhân dân lập tức chuyển qua những hình thức đấu tranh và tổ chức vừa và cao, không câu chấp những lề lối cũ, không tự bó tay trước tình thế đã thay đổi, hoặc nói một cách khác, "phải đặt lên hàng đầu chính là những hình thức đấu tranh và tổ chức thích hợp hơn cả với những điều kiện của một cao trào hoặc thoái trào nhất định của phong trào, những hình thức có thể tạo điều kiện thuận lợi và bảo đảm cho quần chúng tiến tới những trận địa cách mạng, cho quần chúng đông đảo, tiến tới mặt trận của cách mạng và cho việc phân phối quần chúng trên mặt trận này"8*.
Thật thế, sau ngày 9 tháng Ba 1945, vũ trang tuyên truyền đưa quần chúng ra đường biểu tình tuần hành thị uy, đánh úp các đồn lẻ, một số phủ, huyện lỵ ngay ở trung du và đồng bằng, tiễu trừ bọn tay sai đắc lực cho phát xít Nhật, tổ chức các đội dân quân ngay ở ngoài các căn cứ địa du kích, v.v., đó là những hành động táo bạo chứng tỏ sách lược của Đảng rất linh hoạt. Sách lược đó đã làm cho trật tự quân thù rối loạn, đồng thời đã phát triển dũng khí và sáng kiến cách mạng của quần chúng; nó đã lôi cuốn các tầng lớp lưng chừng và làm cho phong trào cứu quốc lan tràn ra khắp nước một cách nhanh chóng.
Hai là, trong một tình thế nhất định, biết tìm trong quá trình công tác, công việc nào là công việc mấu chốt phải làm ngay và đem hết tâm lực vào đó mà làm cho bằng được, vì biết rằng đó là một phương pháp tốt nhất để đẩy mạnh phong trào tiến lên.
Ngày 9 tháng Ba đến giữa lúc nạn đói đang dày vò nhân dân ta một cách ghê gớm. Hàng chục vạn dân nghèo đang chết la liệt bên cạnh những kho thóc tạ đầy ăm ắp của Nhật, Pháp. Lúc đó, việc lãnh đạo quần chúng nhân dân vũ trang đánh phá các kho thóc của Nhật và các đồn điền tích trữ đầy nông sản của thực dân Pháp, chính là một việc mấu chốt mà cán bộ cộng sản và Việt Minh đã nắm lấy và giải quyết, khiến cho quần chúng đông đảo, có tổ chức cũng như không có tổ chức, hăng hái tham gia phong trào chống Nhật; càng tham gia càng nhận rõ bộ mặt ghê tởm của địch và sức mạnh dồi dào của mình.
Chính do những cuộc đánh phá các kho thóc và các đồn điền mà phong trào cứu quốc phát triển rậm rộ, nhân dân vũ trang nhanh chóng, các đội tự vệ thành lập mau lẹ ở khắp nơi, kể cả những nơi trước đây chưa có phong trào, và những Uỷ ban giải phóng nảy nở ra ở nhiều tỉnh. Đúng như lời đồng chí Xtalin nói, phải biết "... tìm cho ra trong các nhiệm vụ đặt ra trước Đảng, nhiệm vụ nào là nhiệm vụ cấp bách mà việc giải quyết nhiệm vụ ấy là điểm trung tâm và làm tròn được nhiệm vụ ấy thì sẽ bảo đảm giải quyết được thoả đáng những nhiệm vụ cấp bách khác"9*.
Ba là, tuỳ hoàn cảnh mà vận dụng những hình thức tổ chức quá độ, như Uỷ ban nhân dân cách mạng và Uỷ ban công nhân cách mạng, Uỷ ban giải phóng địa phương và Uỷ ban giải phóng dân tộc Việt Nam, lấn át chính quyền địch, làm tê liệt bộ máy hành chính của chúng. Những tổ chức ấy có tác dụng rất lớn. Chúng mang lại cho nhân dân một dịp thực hiện phổ thông đầu phiếu và tập dần công việc hành chính; làm cho nhân dân bắt đầu tự mình cầm lấy vận mệnh của mình, tự mình cởi mở xiềng xích và cải thiện đời sống cho mình bằng phương pháp cách mạng, không thèm đếm xỉa đến chính quyền của phát xít Nhật và của bọn bù nhìn tay sai Nhật. Những tổ chức quá độ ấy lại động viên và kêu gọi quần chúng nhân dân tham gia cuộc đấu tranh cách mạng; chúng làm cho Mặt trận dân tộc thống nhất chống Nhật thật rộng rãi và đặt nền móng cho nước Việt Nam mới. Sau cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám, những Uỷ ban giải phóng đã biến thành những cơ quan hành chính thật sự. Dùng những Uỷ ban nhân dân cách mạng và Uỷ ban giải phóng làm bước chuyển tiếp nhảy lên chính thể cộng hoà dân chủ, đó là một đặc điểm hết sức thú vị của sách lược cộng sản ở Việt Nam trong thời kỳ tiền khởi nghĩa.
Cách mạng tháng Tám đạt được kết quả như ngày nay chẳng phải một phần lớn do nghệ thuật lãnh đạo của Đảng khôn khéo và đúng đắn đó sao?
III

NHỮNG ƯU ĐIỂM CỦA
CÁCH MẠNG THÁNG TÁM
CHUẨN BỊ CHU ĐÁO
Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng. Nhưng quần chúng phải được đảng cách mạng chân chính động viên, tổ chức và lãnh đạo thì mới phát huy được tác dụng của mình.
Cách mạng tháng Tám thắng lợi, một phần lớn là nhờ sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng Cộng sản Đông Dương, nhờ công tác tổ chức và chuẩn bị của Đảng và của Mặt trận Việt Minh trước khi khởi nghĩa.
Thắng lợi cách mạng không tự nó đến, phải chuẩn bị nó, giành lấy nó. Đảng đã chuẩn bị và giành thắng lợi cách mạng như thế nào? Nó đã khéo lợi dụng những điều kiện thuận lợi do chiến tranh tạo ra để hết sức chuẩn bị khởi nghĩa. Kế hoạch chuẩn bị khởi nghĩa của Đảng đại khái như sau:
Một mặt, thống nhất lực lượng cách mạng của toàn dân; động viên nhân dân; cổ vũ tinh thần nhiệt liệt yêu nước của nhân dân; kiện toàn các tổ chức cứu quốc; lãnh đạo quần chúng đấu tranh chống khủng bố trắng và giành quyền sống hằng ngày.
Mặt khác, phát triển các tổ chức nửa quân sự và quân sự (như các đội tự vệ, các tổ và đội du kích); đào tạo cán bộ chính trị và quân sự; mua sắm vũ khí; bố trí chiến khu; vận động binh lính địch; huấn luyện cho nhân dân công tác phá hoại và làm vườn không nhà trống, v.v.; phát động chiến tranh du kích và giành chính quyền địa phương.
Những văn kiện của Đảng và của Việt Minh như "Chuẩn bị vũ trang khởi nghĩa", "Hãy tích cực sửa soạn khởi nghĩa", "Sắm vũ khí, đuổi thù chung", "Tiến tới Tổng khởi nghĩa", các sách huấn luyện về chiến thuật du kích, v.v. chứng tỏ rằng chúng ta không những chuẩn bị khởi nghĩa về mặt tinh thần, mà còn đặc biệt chú ý về mặt vật chất. Đảng nhận rõ rằng trong bất cứ cuộc cách mạng nào, tinh thần dũng cảm, hy sinh là cần, nhưng không đủ bảo đảm cho thắng lợi. Muốn thắng lợi, phải chuẩn bị tỉ mỉ điều kiện vật chất cho cuộc khởi nghĩa. Chuẩn bị điều kiện vật chất đây tức là chuẩn bị về mặt quân sự: lập căn cứ địa, tổ chức đội quân chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích, vũ trang cho bộ đội và nhân dân.
Ngay từ cuối năm 1941, Đảng đã lập được hai căn cứ địa, một ở Bắc Sơn - Đình Cả (tức Lạng Sơn - Thái Nguyên), một ở Cao Bằng - Bắc Cạn. Việt Nam cứu quốc quân sinh ra trong cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn (tháng Mười 1940), phát triển trong tám tháng du kích ở Đình Cả, Tràng Xá (tháng Tám 1941 - tháng Tư 1942)  và trong cuộc đấu tranh vũ trang lần thứ hai ở Đình Cả (cuối năm 1944), Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân thành lập trong phong trào đấu tranh chống khủng bố trắng ở Việt Bắc (1941 - 1945). Đến tháng Tư 1945, hai đội quân này đã thống nhất thành Việt Nam giải phóng quân. Sau ngày Nhật, Pháp bắn nhau, cuộc khởi nghĩa Ba Tơ (Quảng Ngãi) lại đẻ ra một đội quân du kích nữa. Những đội quân trên đây đã đóng một vai trò hết sức quan trọng trong cao trào chống Nhật, cứu nước và trong cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám 1945.
Một đặc điểm đáng chú ý về cách chuẩn bị vũ trang khởi nghĩa của Đảng là làm cho quần chúng nhân dân có ý thức về công việc chuẩn bị và tích cực tham gia chuẩn bị; đồng thời, phối hợp mật thiết hành động quân sự của các đội du kích với các cuộc đấu tranh chính trị của quần chúng nhân dân, làm cho quần chúng trong khi đấu tranh chống khủng bố, giành quyền lợi hằng ngày, cảm thấy cần thiết phải vũ trang khởi nghĩa giành chính quyền. Những cuộc đấu tranh chống Nhật, Pháp dồn làng, bắt người; chống thu thóc, bắt lính, bắt phu; chống phá màu trồng đay hoặc cân hàng, cướp chợ, v.v. đã đẩy mạnh việc vũ trang quần chúng, tập dượt cho quần chúng tiến tới khởi nghĩa.
Chuẩn bị chu đáo và đúng nguyên tắc, đó là một ưu điểm lớn của Cách mạng tháng Tám.
MAU LẸ VÀ KỊP THỜI
Khởi nghĩa thắng lợi không phải chỉ ở chỗ chuẩn bị chu đáo, mà còn ở chỗ nổ ra đúng lúc phải nổ.
Cuộc Cách mạng tháng Tám, như ta đã thấy, nổ ra rất kịp thời.
Nếu ngày 9 tháng Ba 1945, Nhật vừa đánh đổ Pháp mà cuộc tổng khởi nghĩa đã nổ ra ngay thì cách mạng có thể tổn thất lớn và chính quyền cách mạng chưa thể thành lập trong toàn quốc, vì lực lượng Nhật lúc đó còn khá vững, có thể tiêu diệt quân cách mạng ở những nơi ta không có thế giữ. Cho nên, lúc đó chỉ khởi nghĩa cục bộ, giành chính quyền địa phương. Nhưng nếu sau khi Nhật đầu hàng Đồng minh, mà nhân dân ta bị động trông chờ quân Đồng minh vào "giải phóng" cho, không tức thời nổi dậy giành chính quyền toàn quốc thì sẽ ra sao? Hai trường hợp có thể xảy ra được: hoặc bọn bù nhìn tay sai của Nhật đứng ra vỗ ngực "thoát ly ảnh hưởng Nhật" và tự xưng là "độc lập", "dân chủ" để đầu hàng Anh - Mỹ, chứ không phải để giải phóng dân tộc. Hoặc thực dân Pháp sẽ ngóc đầu dậy, thu thập sức tàn ở Đông Dương và đem tàn quân chạy ra ngoài hồi tháng Ba 1945 trở lại, cùng với bọn Việt gian thân Pháp là chính quyền bù nhìn tay sai của Pháp trong toàn quốc và tuyên bố thi hành bản tuyên ngôn ngày 24 tháng Ba 1945 thừa nhận quyền "tự trị" của Đông Dương10*. Cả hai trường hợp ấy đều vô cùng nguy hiểm.
Nhưng may thay, Đảng Cộng sản Đông Dương đã lãnh đạo nhân dân chống Nhật, cứu nước và tích cực tạo ra những điều kiện thắng lợi cho Cách mạng tháng Tám. Và đến khi Nhật sắp bại (13 tháng Tám 1945), Đảng lập tức hạ lệnh tổng khởi nghĩa, vượt lên trên tất cả những do dự, ươn hèn mà giành lấy chính quyền từ tay Nhật, tổ chức chính quyền nhân dân, dùng lực lượng cách mạng của quần chúng đá phốc cái mồi "tự trị" của Pháp xuống rãnh! Những người lãnh đạo Cách mạng tháng Tám đã khéo "Chọn cho thật đúng thời cơ để đánh đòn quyết định, thời cơ để bắt đầu khởi nghĩa, tức là lúc mà cuộc khủng hoảng đã phát triển đến cực độ; lúc mà đội tiên phong đã sẵn sàng chiến đấu đến cùng; lúc mà những lực lượng hậu bị đã sẵn sàng ủng hộ đội tiên phong và lúc mà hàng ngũ địch đã hỗn loạn đến cao độ"11*.
Mau lẹ, kịp thời, nổ ra đúng lúc phải nổ, đó là một ưu điểm nữa của Cách mạng tháng Tám.
TOÀN DÂN NỔI DẬY
Cách mạng tháng Tám thắng lợi một phần nữa ở chỗ toàn dân đoàn kết, quần chúng nổi dậy.
Thật thế, cuộc Cách mạng tháng Tám đã lôi cuốn được đại đa số quần chúng nổi dậy và làm tê liệt hẳn bọn phản động. Đó là một sự kiện vô cùng quan trọng. Vì nếu cuộc tổng khởi nghĩa không lôi cuốn được toàn dân thì, một là, thực dân Pháp còn có chỗ lách mình lên được; chúng còn lợi dụng được số quần chúng không tán thành cách mạng, vin vào thái độ số quần chúng ấy mà tuyên bố với thế giới là nhân dân Việt Nam hoan nghênh chúng trở lại cai trị; đồng thời, chúng sẽ đổ cho quân khởi nghĩa là "phiến loạn", ngăn cản chúng thi hành nhiệm vụ tước vũ khí quân đội Nhật và lập lại hoà bình, trật tự ở Đông Dương, v.v.. Hai là, bọn phản động quốc tế nói chung có thể lợi dụng chỗ thiếu thống nhất trong nhân dân ta mà chia rẽ thêm dân tộc ta. Chúng có thể gây ra nội chiến, làm cho lực lượng nhân dân ta yếu đi để chúng dễ thống trị. Nhưng may thay, nhân dân ta cực khổ dưới hai tầng áp bức, bóc lột của Nhật, Pháp, đã xiết chặt hàng ngũ dưới lá cờ đỏ sao vàng, nổi dậy giành độc lập, tự do, không ỷ lại vào ai hết! Tuy rằng hồi tháng Tám 1945, bọn Đại Việt liên minh với phái thân Nhật trong Việt Nam Quốc dân Đảng và bọn Phục quốc12* có yêu cầu Nhật nhường chính quyền cho chúng ở một vài nơi (như Vĩnh Yên, Móng Cái, v.v.) để chống lại Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, thái độ làm tay sai cho nước ngoài của chúng bị toàn dân phỉ nhổ và các đảng phái thân Nhật đã bị cô lập đến cao độ.
Toàn dân nổi dậy là ưu điểm thứ ba của Cách mạng tháng Tám.
Có được những ưu điểm trên đây là hoàn toàn nhờ lực lượng tổ chức hùng hậu và chủ trương đúng đắn của Đảng Cộng sản Đông Dươngvà của Mặt trận Việt Minh.
Ta có thể nói rằng, nếu không có Đảng Cộng sản Đông Dương và Mặt trận Việt Minh, thì cách mạng sẽ chuyển sang một tình thế khác. NếuĐảng và Việt Minh không thống nhất được các tầng lớp đồng bào, không có uy tín trong nhân dân, không lãnh đạo được quần chúng nhân dân nổi dậy giành chính quyền, thì cách mạng có thể thất bại. Các cuộc vận động giải phóng của những bậc tiền bối nước ta chống Pháp đã thất bại chủ yếu vì không đoàn kết được nhân dân trong mặt trận dân tộc thống nhất chống thực dân Pháp theo một cương lĩnh chính trị đúng đắn, và các cuộc khởi nghĩa trước đây bị tiêu diệt, một phần lớn cũng bởi chỉ là những cuộc cách mạng của một phái hoặc của một nhóm chiến sĩ, của riêng đội tiên phong nhỏ bé, không phải là một cuộc cách mạng sâu rộng của quần chúng nhân dân.
Một cuộc cách mạng của thời đại mới muốn thắng lợi phải thật sự là một cuộc cách mạng của quần chúng nhân dân đông đảo, được chuẩn bị và lãnh đạo bởi một đảng tiên phong cách mạng. Cuộc Khởi nghĩa tháng Tám 1945 đã đạt được mục đích giành chính quyền, mục đích trực tiếp của mọi cuộc cách mạng, vì nó là sự nghiệp của toàn dân đoàn kết, kiên quyết chiến đấu để tự giải phóng, do Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo.
IV

NHƯỢC ĐIỂM CỦA CÁCH MẠNG THÁNG TÁM
TINH THẦN KIÊN QUYẾT KHÔNG ĐỀU
Bên cạnh những ưu điểm trên đây, cuộc Cách mạng tháng Tám có nhược điểm gì không? Có.
Trước hết, cuộc tổng khởi nghĩa nổ ra không được quyết liệt khắp ba kỳ. Chúng tôi không đòi hỏi khắp mọi nơi phải nổi dậy vào một giờ nhất định trong toàn quốc, vì đó là một điều lý tưởng khó thực hiện trong điều kiện tháng Tám 1945 ở một nước như nước ta trình độ giác ngộ và trình độ tổ chức của quần chúng không đều, giao thông liên lạc không thuận tiện, kém phát triển. Nhưng trong hoàn cảnh tháng Tám 1945 ở nước ta, đáng lẽ phải nổi dậy đều ở các thành phố lớn, khiến cho việc giành chính quyền được gọn gàng hơn, bọn phát xít và bè lũ tay sai bị lật đổ nhanh hơn. Đằng nay, Nhật đầu hàng, các nơi nổi dậy ngay trong tuần đầu, mà Sài Gòn mãi ngày 25 tháng Tám mới nổi dậy. Nam Bộ khởi nghĩa chậm là vì trong hàng ngũ nghĩa quân trong Nam có nhiều người không tin ở sức mạnh của quần chúng, còn hy vọng dùng ngoại giao suông để Nhật nhường chính quyền hơn là tự mình chiến đấu giành lấy chính quyền hoặc dùng quần chúng vũ trang đấu tranh làm hậu thuẫn cho ngoại giao. Họ còn sợ nổi dậy sẽ bị Nhật tiêu diệt, quên rằng lực lượng của Nhật lúc đó đã bị hoàn toàn tê liệt, nó càng tê liệt hơn trước sức mạnh của quần chúng đông đảo, của toàn dân nổi dậy.
Nhược điểm trên đây cũng do cách mạng Việt Nam phát triển không đều, tổ chức của Việt Minh ở Nam Bộ trước giờ khởi nghĩa không được mạnh lắm, hàng ngũ Mặt trận dân tộc thống nhất trong Nam không được thuần tuý, và cũng vì xa cơ quan chỉ đạo toàn quốc13*, chủ trương của Việt Minh trong Nam không được sát, không hoàn toàn ăn khớp với chủ trương chung của Đảng. Trong Nam, việc chậm nổi dậy, việc nổi dậy giành chính quyền không được thật kiên quyết đã khuyến khích bọn phản cách mạng, trước hết là khuyến khích bọn thực dân Pháp và bè lũ Việt gian thân Pháp.
KHÔNG TRIỆT ĐỂ TƯỚC VŨ KHÍ QUÂN ĐỘI NHẬT
Nhược điểm thứ hai của Cách mạng tháng Tám là trong giờ khởi nghĩa, không thực hiện được đầy đủ khẩu hiệu tước vũ khí của quân đội Nhật trước khi quân Đồng minh vào Đông Dương.
Thật ra, khẩu hiệu ấy chỉ thực hiện được một phần. Nhưng so sánh sức ta và sức Nhật, nhiều nơi ta đã không dùng bạo lực tước vũ khí của quân Nhật, không đụng đến họ nếu họ đứng trung lập cho ta tổ chức chính quyền nhân dân. Ở vào tình hình tháng Tám năm ngoái, chủ trương ấy nói chung là đúng, vì người cách mạng không được dùng máu của quần chúng một cách phung phí, không được chủ trương phiêu lưu để được tiếng là anh hùng. Khuyết điểm của chúng ta không phải ở chỗ ngoại giao với Nhật mà chính là ở chỗ không triệt để dùng sức mạnh của quần chúng vũ trang làm áp lực trong việc ngoại giao, ép Nhật phải nhượng thêm vũ khí, và không nhanh tay để cho Nhật phá huỷ mất nhiều vũ khí hết sức tinh xảo.
Ngày nay nhìn lại, ta thấy quân khởi nghĩa nhiều nơi đã bỏ qua một dịp tự vũ trang rất hiếm có, và ta không khỏi lấy làm tiếc mỗi khi kiểm điểm thấy mình thiếu vũ khí hiện đại.
Bọn bù nhìn thân Nhật thường trách Việt Minh là không mềm dẻo với Nhật, cho nên Nhật mới phá huỷ mất nhiều vũ khí tốt, không chịu chuyển giao cho ta. Theo họ, nếu hồi tháng Tám năm ngoái Việt Minh cứ để vậy, thì họ "ngoại giao" với Nhật, chỉ vài hôm nữa là Nhật cho rất nhiều vũ khí. Chúng tôi trả lời cho các ông bù nhìn rằng: nếu Việt Minh không lãnh đạo nhân dân toàn quốc nổi dậy, chớp lấy một phần vũ khí của Nhật, thì chưa biết đến bao giờ các ông mới "xin" được vũ khí của Nhật, mà có "xin" được thì các ông sẽ dùng vũ khí ấy để làm gì, chứ chắc chắn không phải là để thành lập và củng cố chế độ cộng hoà dân chủ và chính quyền nhân dân, không phải để chống ngoại xâm và trấn áp phản cách mạng!
Không tước vũ khí của Nhật một cách triệt để, nhược điểm ấy do điều kiện chủ quan của Cách mạng tháng Tám quyết định. Nói một cách giản dị thì vì thiếu xe tăng, đại bác hạng nặng, cho nên không chiếm được xe tăng, đại bác hạng nặng của Nhật. Thật thế, nhiều nơi quân khởi nghĩa đột nhập một đồn bốt hoặc nổi dậy chiếm thị trấn nào là Nhật rút vào lô cốt để cố thủ; họ đủ lương thực và súng đạn để cầm cự lâu dài, mà quân ta chỉ dùng cách bao vây, tuy tinh thần cao, nhưng hoả lực kém, không phá nổi thành luỹ của họ (ví dụ, trận đánh chiếm thị xã Thái Nguyên). Dù sao cũng phải nhận rằng còn nhiều chỗ quân ta rất có thể tước vũ khí của quân Nhật ngay từ đầu, nếu ta mau lẹ và táo bạo hơn nữa. Chẳng phải nhiều nơi quân khởi nghĩa không đổ máu cũng thắng đó sao? Người ta có cảm giác quân khởi nghĩa đẩy một cái cửa đã mở sẵn; đánh Nhật, nhưng Nhật đã ngã lăn kềnh ra rồi, vậy mà không biết tiến lên bước nữa giật lấy súng từ tay Nhật. Vì thật ra, nhiệm vụ quân sự của ta lúc đó là giật lấy súng từ tay Nhật hơn là đánh cho Nhật ngã.
KHÔNG KIÊN QUYẾT TRẤN ÁP BỌN PHẢN CÁCH MẠNG
Nhược điểm thứ ba của Cách mạng tháng Tám là chính quyền cách mạng, một khi đã thành lập, không kiên quyết trấn áp các hạng Việt gian phản quốc, không kiên quyết đối phó với thực dân Pháp và tay sai của chúng. Trừ một vài nơi, chẳng hạn như Quảng Ngãi, ở đó quân khởi nghĩa đã thi hành chính sách "quét sạch phản động", nhưng lại thi hành quá trớn; còn hầu hết các nơi khác, chính sách của ta tỏ ra mềm dẻo đến nhu nhược, không nhớ rằng: "Trong thời nội chiến, bất kỳ chính quyền nào giành được thắng lợi cũng chỉ có thể là chính quyền chuyên chính mà thôi"14*.
Chính quyền dân chủ nhất càng phải chuyên chính, chuyên chính của số đông nhân dân đối với số rất ít bọn phản động chực giật lại quyền thống trị cũ hay là chực cản trở bước tiến của cách mạng. Vì không kiên quyết trấn áp bọn phản cách mạng trong nước, cho nên thực dân Pháp và phản động quốc tế mới lợi dụng được bọn đó làm khó dễ cho chính quyền cách mạng, chia rẽ hàng ngũ dân tộc. Ta phải tự hỏi: tại sao Uỷ ban hành chính Nam Bộ khi mới thành lập, không hạ ngục ngay bọn Việt gian thân Pháp Nguyễn Văn Thinh, bọn nguy hiểm nhất trong hàng ngũ thân Nhật và nhiều tên tờrốtkít chuyên môn phá hoại, để cho chúng dọn đường cho Pháp trở lại bằng cách khiêu khích trước và trong ngày Độc lập (2 tháng Chín 1945)? Ta phải tự hỏi: tại sao còn nhiều bọn Việt gian thân Nhật hay là tay sai của ngoại quốc rất quỷ quyệt vẫn còn tự do ở Bắc Bộ, một khi chính quyền nhân dân đã thành lập ở thủ đô?
Vẫn biết tình hình nước ta vô cùng phức tạp, cách mạng Việt Nam lại không được sung sức lắm, cho nên muốn thi hành phương pháp trấn áp phản cách mạng như kiểu Giacôbanh (Jacobins)15* ở Pháp hoặc Bônsêvích (Bolchéviks)16* ở Nga mà không được. Không phải chỉ có cách mạng Việt Nam và phản cách mạng Việt Nam đối chọi với nhau, mà còn nhiều lực lượng phản động khác ở ngoài can thiệp vào làm cho tình hình nước ta trở nên vô cùng phức tạp. Nhưng tiếc thay, ngay sau khi giành được chính quyền và trước khi các lực lượng bên ngoài can thiệp vào, bọn phản động bên trong còn hoang mang, chưa kịp "chỉnh đốn đội ngũ", ta không kịp thời thẳng tay trừ hậu hoạ. Nói thế không phải chúng tôi chủ trương sau ngày tổng khởi nghĩa, giam hết những người Pháp lại hoặc giết hết những phần tử đã ít nhiều cộng tác với Pháp, Nhật đi. Không! Chúng tôi chỉ lấy làm tiếc rằng việc trừ phản động của Cách mạng tháng Tám không thi hành được đầy đủ trong phạm vi cần thiết. Chính quyền cách mạng rất có thể tha thứ cho những người lầm lỡ đã hối cải, nhưng không thể nhu nhược đối với bọn mặt người dạ thú. Chính quyền cách mạng mới thành lập mà dung túng bọn phản cách mạng là tự sát. Công xã Pari chẳng đã phạm một lỗi lớn là không truy nã và trừ diệt bọn Vécxây (Versaillais)17* đó sao?
KHÔNG CHIẾM ĐƯỢC NHÀ NGÂN HÀNG
Khuyết điểm thứ tư của Cách mạng tháng Tám là quân khởi nghĩa không chiếm được nhà Ngân hàng Đông Dương và không thủ tiêu được đặc quyền của bọn tài phiệt Pháp ở Đông Dương. Chẳng những thế, quyền kiểm soát ngân hàng cũng không giành được. Sau này thực dân Pháp có thể dùng ngân hàng mà tiến công ta về mặt tài chính, chẳng hạn gây ra nạn giấy bạc 500 đồng, chồng chất thêm những khó khăn trên bước đường của ta. Chính Công xã Pari cũng vì không chiếm được ngân hàng, cho nên đã gặp biết bao khó khăn, trở ngại! Chính quyền nhân dân của ta thừa hưởng một gia tài kinh tế và tài chính hết sức xơ xác, tiêu điều do Nhật, Pháp để lại, mà vẫn tùng tiệm qua ngày được, một phần nhờ sự hy sinh của công nhân, viên chức, binh lính, một phần nhờ ở đức tính cần cù, tận tuỵ của Chính phủ và của toàn dân.
Khuyết điểm trên đây không phải do những nhà lãnh đạo Cách mạng tháng Tám không nhìn thấy sự quan trọng của tài chính đối với chính quyền mới; nhưng bởi Ngân hàng Đông Dương là cơ quan tài chính liên quan đến quyền lợi không những của Pháp, Nhật, mà của nhiều nước khác nữa. Ta đã hy sinh một phần lực lượng khi ta tiến công đội quân Nhật quyết giữ nhà Ngân hàng Đông Dương.
Bốn nhược điểm trên đây của Cách mạng tháng Tám đều có nguyên nhân. Nhưng đứng về khách quan mà nhận xét, ta không thể không vạch ra một cách thẳng thắn.
Ai cũng biết, vì lẽ này hay lẽ khác, những nhược điểm ấy rất khó tránh đối với một cuộc cách mạng như Cách mạng tháng Tám. Nhưng khuyết điểm của chúng ta hồi tháng Tám 1945 chính là không triệt để lợi dụng cao trào cách mạng lúc đó và tinh thần quyết tâm hy sinh của quần chúng trong giờ quyết liệt mà hết sức thu hẹp phạm vi những nhược điểm nói trên.
V

TÍNH CHẤT VÀ Ý NGHĨA CỦA
CÁCH MẠNG THÁNG TÁM
TÍNH CHẤT CỦA CÁCH MẠNG THÁNG TÁM
Cách mạng tháng Tám Việt Nam là một cuộc cách mạng giải phóng dân tộc. Mục đích của nó là làm cho dân tộc Việt Nam thoát khỏi ách đế quốc, làm cho nước Việt Nam thành một nước độc lập, tự do.
Song, vì nó chống phát xít Nhật và bọn phong kiến phản động, tay sai của phát xít Nhật, và nó là một bộ phận của cuộc chiến đấu vĩ đại của các lực lượng dân chủ, tiến bộ trên thế giới chống phát xít xâm lược, cho nên nó cũng có tính chất dân chủ, mặc dù nó chưa thủ tiêu những tàn tích phong kiến ở Việt Nam, chưa làm cách mạng ruộng đất, chưa thực hiện khẩu hiệu người cày có ruộng.
Một cuộc cách mạng thuộc địa như cách mạng nước ta, trong điều kiện lịch sử hiện nay, phải bao gồm đủ hai tính chất: cách mạng phản đế đánh đổ quyền thống trị của đế quốc và cách mạng ruộng đất tịch thu ruộng đất của địa chủ phong kiến chia cho nông dân. Cách mạng tháng Tám mới nhằm đánh đổ quyền thống trị của đế quốc và nguỵ quyền phong kiến, thành lập chế độ cộng hoà dân chủ, nhưng chưa xoá bỏ chế độ phong kiến chiếm hữu ruộng đất, chưa xoá bỏ được những tàn tích phong kiến và nửa phong kiến để cho công nghiệp có điều kiện phát triển mạnh. Do Cách mạng tháng Tám, một phần ruộng đất của đế quốc và Việt gian đã bị tịch thu, địa tô được tuyên bố giảm 25%, một số nợ lưu cữu được xoá bỏ. Nhưng quan hệ giữa địa chủ và nông dân nói chung vẫn như cũ. Chính vì thế mà Cách mạng tháng Tám có tính chất dân chủ, nhưng tính chất đó chưa được đầy đủ và sâu sắc.
Có người bảo: Cách mạng tháng Tám thủ tiêu chính phủ Nam triều và bộ máy quan lại, cường hào là phản phong kiến chứ sao! Thủ tiêu chính phủ Nam triều mới là thủ tiêu một phần hình thức của chế độ phong kiến. Nền tảng của chế độ ấy ở nước ta hiện nay là quan hệ ruộng đất giữa địa chủ và nông dân vẫn còn, thì chế độ phong kiến vẫn chưa bị tiêu diệt ở tận gốc của nó. Ta phải nhằm đẩy nhiệm vụ phản phong kiến của cách mạng nước ta lên nữa, không nên tự mãn với thành tích của Cách mạng tháng Tám.
Cố nhiên, Cách mạng tháng Tám đã dựng nên chế độ cộng hoà dân chủ Việt Nam có tính chất dân chủ nhân dân, dân chủ mới. Chế độ dân uỷ thiết lập một cách rộng rãi từ trên đến dưới bằng phổ thông đầu phiếu; các quyền tự do dân chủ rộng rãi và tự do cá nhân đã được ban bố; các dân tộc lớn nhỏ đều bình đẳng; đàn bà, đàn ông ngang quyền về mọi mặt; bộ phận kinh tế quốc doanh đã hình thành; đời sống của quần chúng nhân dân bắt đầu được cải thiện; chế độ ngày làm 8 giờ được chính thức công bố; giai cấp vô sản thực tế lãnh đạo chính quyền, v.v.. Tất cả những điều trên đây tỏ ra rằng chế độ cộng hoà dân chủ Việt Nam là một thứ cộng hoà dân chủ theo kiểu mới, khác hẳn chế độ cộng hoà dân chủ tư sản theo lối cũ (chẳng hạn như chế độ dân chủ đại nghị của Pháp). Vì chế độ cộng hoà dân chủ Việt Nam bảo đảm quyền lợi cho các tầng lớp nhân dân. Trái lại, chế độ dân chủ đại nghị của Pháp là một chế độ tư sản chuyên chính giấu mặt, nghĩa là giai cấp tư sản đeo mặt nạ là dân chủ, kỳ thực là chuyên quyền, bảo vệ quyền lợi cho số người bóc lột là tư bản. Nó cũng không giống chế độ dân chủ Xô viết ở Liên Xô hiện nay. Vì chế độ dân chủ Xô viết của Liên Xô là một chế độ trong đó giai cấp vô sản công khai chuyên chính, thủ tiêu mọi giai cấp và tầng lớp bóc lột (địa chủ, tư sản, phú nông), nhưng bảo đảm quyền lợi hết sức rộng rãi cho các tầng lớp nhân dân lao động (công nhân, nông dân tập thể, trí thức xã hội chủ nghĩa) cùng cộng tác với nhau để xây dựng đời sống mới, dưới sự lãnh đạo của giai cấp vô sản.
Chế độ cộng hoà dân chủ Việt Nam rất thích hợp với trình độ nước ta và trào lưu thế giới hiện nay. Tuy thành lập ở một nước nông nghiệp, lạc hậu, nhưng nó không thiếu phần mới mẻ và tiến bộ, vì nó đẻ ra trong quá trình đấu tranh quyết liệt chống phát xít Nhật, Pháp, trong quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc do giai cấp công nhân lãnh đạo. Cuộc đấu tranh do một giai cấp cách mạng nhất lãnh đạo, chống lại quân thù phản động nhất, tất nhiên đến khi thắng lợi phải lập nên một chế độ không bảo thủ và ngược hẳn chế độ phản động của quân thù. Chế độ cộng hoà dân chủ Việt Nam có tính chất dân chủ mới, một phần nữa vì nó ra đời trong khi chế độ dân chủ cực mới (dân chủ xã hội chủ nghĩa) ở Liên Xô đã toàn thắng và được củng cố thêm sau khi đã qua cơn thử thách của chiến tranh; trong khi hệ thống thế giới của chủ nghĩa phát xít đã tan rã và cao trào dân chủ đang lan tràn ra các nước. Là con đẻ của thời đại, chế độ cộng hoà dân chủ Việt Nam không thể không mang trong mình nó những dấu ấn của thời đại. Cách mạng tháng Tám Việt Nam là một cuộc cách mạng giải phóng dân tộc mang tính chất dân chủ mới. Nó là một bộ phận khăng khít của cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân Việt Nam.
Ý NGHĨA LỊCH SỬ CỦA CÁCH MẠNG THÁNG TÁM
Cách mạng tháng Tám đã nêu cao tinh thần quật khởi của dân tộc Việt Nam, một dân tộc có truyền thống lâu đời chiến đấu vì độc lập, tự do, quyết không chịu làm nô lệ. Cách mạng tháng Tám là kết quả của 80 năm đấu tranh không ngừng của dân tộc Việt Nam chống thực dân Pháp. Nó cũng là một sự kiện lịch sử vĩ đại nhất của nước ta từ khi Quang Trung đánh đuổi quân xâm lược Mãn Thanh (1789) đến nay. Thật thế, suốt trong thời gian ấy, không có một cuộc vận động nào thể hiện tinh thần anh dũng, quật cường và sự đoàn kết, thống nhất của dân tộc Việt Nam bằng Cách mạng tháng Tám. Không những giật tung được xiềng xích của bọn đế quốc phát xít, Cách mạng tháng Tám lại lật nhào được chế độ quân chủ thành lập nên đất nước ta hàng chục thế kỷ, làm cho nước Việt Nam thành một nước cộng hoà dân chủ, đưa dân tộc Việt Nam lên hàng các dân tộc tiên phong. Giá trị lớn lao của Cách mạng tháng Tám chính ở chỗ đó. Và cụ Hồ Chí Minh, vị Chủ tịch đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, người lãnh đạo Cách mạng tháng Tám, rất xứng đáng là anh hùng dân tộc của nước ta.
Cách mạng tháng Tám tỏ rõ tinh thần chống phát xít và yêu chuộng dân chủ và hoà bình của nhân dân Việt Nam. Nó kết thúc vẻ vang một cao trào chống phát xít Nhật, Pháp trong thời kỳ Chiến tranh thế giới thứ hai. Trước Cách mạng tháng Tám, nhân dân Việt Nam đấu tranh gian khổ để quấy rối hậu phương và tiêu hao lực lượng của Nhật. Từ cuối năm 1944, đường biển của Nhật bị quân Đồng minh chặn đánh. Đông Dương trở thành một cái "cầu" trên con đường Đại Đông Á của Nhật, cái "cầu" vô cùng quan trọng về chiến lược cho quân đội Nhật vận động từ Bắc phương đến Nam Dương. Việc chặn quân Nhật trên chiếc "cầu" ấy do nhân dân Việt Nam đảm nhiệm. Tháng Ba 1945 Đảng Cộng sản Đông Dương ra chỉ thị "Nhật, Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta", phát động cao trào chống Nhật, cứu nước, tức là tích cực lãnh đạo nhân dân Việt Nam đánh vào những vị trí chiến lược quan trọng của Nhật, lãnh trách nhiệm ngăn chặn quân Nhật trên con đường Đại Đông Á.
Từ tháng Ba đến tháng Tám năm ngoái, nước Nhật bị ném bom mỗi ngày thêm dữ dội. Quân du kích Việt Nam cũng đánh Nhật mỗi lúc một mạnh hơn. Thành lập ở thượng du và trung du Bắc Bộ, Khu giải phóng án ngữ ngay trên con đường của Nhật từ Hoa Nam đến Đông Dương. Trong khu ấy, dân quân du kích Việt Nam làm cho quân Nhật bị tiêu hao nặng. Cho nên, nhân dân Việt Nam thật đã góp sức với các lực lượng liên minh chống phát xít, làm cho Nhật mau bại và gián tiếp giúp cho Hồng quân Liên Xô mau thắng. Không nghi ngờ gì nữa:nhân dân Việt Nam đã góp một phần hy sinh xương máu trong cuộc chiến đấu chống phát xít xâm lược mấy năm vừa qua.
Bọn thực dân Pháp cố ý đổ cho phong trào giải phóng dân tộc Việt Nam là "thân Nhật", là "do Nhật cầm đầu", cốt làm giảm ý nghĩa của Cách mạng tháng Tám. Nhưng rất nhiều tang chứng đã đập tan luận điệu gian dối ấy. Và ngày nay, ai cũng phải nhận rằng giọng phản tuyên truyền của thực dân Pháp đối với cách mạng Việt Nam là giọng của kẻ "vừa đánh trống vừa ăn cướp"; không phải chính thực dân Pháp được đế quốc Anh dung túng và giúp đỡ đã phản công cách mạng Việt Nam hòng giành lại địa vị và quyền lợi của chúng ở Đông Dương đó sao?
Nhân dịp phát xít Nhật đầu hàng Đồng minh không điều kiện trong các dân tộc bị Nhật chà đạp, chỉ có nhân dân Trung Quốc, nhân dân Triều Tiên, nhân dân Việt Nam và nhân dân Nam Dương đã thu được nhiều kết quả nhất trong việc lợi dụng thời cơ giành độc lập, dân chủ và tự do"18*. Bằng Cách mạng tháng Tám, dân tộc Việt Nam đã nêu ra trước Liên hợp quốc điều yêu sách tổng quát của mình; các cường quốc phải thừa nhận quyền dân tộc tự quyết của dân tộc Việt Nam theo đúng các Hiến chương Đại Tây Dương25 và Cựu Kim Sơn (Xan Phranxixcô). Chính thế, vì phát xít Nhật đổ thì tất cả những dân tộc thuộc địa Nhật phải được giải phóng, không kẻ nào có thể thay chân Nhật mà áp bức, bóc lột các dân tộc ấy được. Nhân dân Việt Nam bị Nhật thống trị từ năm 1940, lại có công đánh Nhật bên cạnh Đồng minh, nhất định phải được độc lập! Nhân dân Việt Nam quyết không để cho thực dân Pháp trở lại áp bức mình như trước, cũng không chịu chế độ "quốc tế quản trị", vì nhân dân Việt Nam đã trưởng thành rồi!
Cách mạng tháng Tám và cuộc chiến đấu chống phản động Pháp trong ngót một năm nay của nhân dân Việt Nam đã thét lớn nguyện vọng thiết tha trên đây cho thế giới biết.
Cách mạng tháng Tám đã chọc thủng được hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc ở một trong những mắt xích yếu nhất của nó, mở đầu cho một quá trình tan rã không thể cứu vãn được của chủ nghĩa thực dân trên thế giới. Cách mạng tháng Tám đã báo hiệu giờ giải phóng của các dân tộc bị áp bức đã đến rồi. Cách mạng Việt Nam cũng như cách mạng Trung Quốc, cách mạng Nam Dương đang cổ vũ các cuộc vận động giải phóng dân tộc của nhân dân Lào, nhân dân Cao Miên và nhân dân các nước thuộc địa khác ở Đông Nam châu Á. Bởi vậy, chúng ta rất hiểu tại sao đế quốc Anh hết sức giúp thực dân Pháp đàn áp cách mạng Việt Nam trong Nam Bộ; tại sao bọn phản động quốc tế nhân nhượng nhau để cho quân Pháp tiếp phòng quân Tưởng Giới Thạch ở Bắc Bộ Việt Nam.
Chính trong khi chống nhau với quân Pháp từ ngày 23 tháng Chín năm ngoái, quân ta đã chạm trán với quân Anh - Ấn- Pháp - Nhật trong nhiều trận. Cuộc chiến đấu tự vệ của nhân dân ta đã bóc trần mưu mô quỷ quyệt của phản động quốc tế. Nó đã tố cáo với dư luận thế giới rằng: quân Anh được Đồng minh phái vào Đông Dương tước vũ khí quân Nhật và cho quân Nhật về nước; nhưng đặt chân lên đất Đông Dương, không những họ đã không chịu "hồi quốc" ngay quân Nhật, lại dùng một số khá đông lính Nhật giúp thực dân Pháp phản công cách mạng Việt Nam và đàn áp cuộc đấu tranh giải phóng của nhân dân Việt Nam. Cho nên, nhân dân Việt Nam không phải chỉ vì riêng mình mà chiến đấu, còn vì hoà bình, dân chủ và độc lập dân tộc trên thế giới mà chiến đấu.
Sau khi chiến tranh chống phát xít xâm lược kết thúc, nhiệm vụ của mọi lực lượng tiến bộ trên thế giới là đấu tranh vì độc lập dân tộc, phát triển dân chủ, củng cố hoà bình. Bằng cuộc Cách mạng tháng Tám và cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp hiện nay, nhân dân Việt Nam đã và đang dũng cảm gánh một phần nhiệm vụ ấy. Trong hàng ngũ các lực lượng dân chủ, tiến bộ đang đấu tranh cho một thế giới tươi đẹp hơn, không vắng mặt nhân dân Việt Nam. Dù người ta muốn hay không muốn, cách mạng Việt Nam đã thành một bộ phận của cuộc đấu tranh vĩ đại của nhân dân thế giới vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Nhân dân Việt Nam đã hiểu nhiệm vụ quốc tế của mình trong thời kỳ sau chiến tranh này. Nó quyết hoàn thành nhiệm vụ ấy, bất chấp mọi trở lực!
Cuộc Cách mạng tháng Tám được dư luận tiến bộ trên thế giới hoan nghênh và nhân dân Việt Nam được nhân dân thế giới, nhất là các dân tộc bị áp bức, tỏ tình đoàn kết và ủng hộ cũng chính vì lẽ đó.
VI 

TRIỂN VỌNG CỦA CÁCH MẠNG VIỆT NAM
ĐIỀU KIỆN THUẬN LỢI CỦA CÁCH MẠNG VIỆT NAM
Cách mạng Việt Nam sẽ do những điều kiện gì thúc đẩy cho nó tiến mạnh và bảo đảm thắng lợi của nó? Do hai điều kiện dưới đây:
Một là, về mặt chủ quan, nhân dân Việt Nam bị nghẹt thở suốt 80 năm dưới ách thực dân Pháp và mấy năm gần đây dưới hai tầng áp bức, bóc lột của phát xít Nhật, Pháp, đã nhận rõ không có con đường giải thoát nào khác ngoài con đường cách mạng. Họ đã khép chặt hàng ngũ dưới lá quốc kỳ, quyết làm hậu thuẫn cho Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà trong sự nghiệp giải phóng đất nước và xây dựng cuộc sống mới. Mặt trận liên hiệp quốc dân Việt Nam được khối cứu quốc và dân chủ - Việt Minh - làm trụ cột, lại được vị lãnh tụ tài ba là Hồ Chủ tịch lãnh đạo, nhất định sẽ làm tròn nhiệm vụ của mình là động viên toàn dân đập tan mọi sức phản động, vượt mọi khó khăn, trở lực để tiến lên.
Hai là, về mặt khách quan, cách mạng Việt Nam tiến triển trong hoàn cảnh thế giới sau Chiến tranh thế giới thứ hai, có nhiều hứa hẹn: Liên Xô toàn thắng, đã thành một lực lượng vô địch. Tại nhiều nước, Đảng cộng sản đã đứng ra tổ chức chính quyền hoặc tham dự chính quyền; phong trào dân chủ nhân dân phát triển ở nhiều nơi, nhất là ở các nước vừa thoát khỏi ách phát xít; cuộc vận động giải phóng dân tộc sôi nổi ở các nước thuộc địa và nửa thuộc địa. Sau khi phát xít đổ, hệ thống thế giới của chủ nghĩa đế quốc yếu đi; phong trào củng cố hoà bình, chống phản động quốc tế lôi cuốn được phần đông loài người. Cách mạng Việt Nam, một bộ phận của phong trào hoà bình và dân chủ thế giới, chịu ảnh hưởng sâu sắc của trào lưu tiến bộ đang cuồn cuộn trên Trái đất. Cách mạng Việt Nam đang phát triển giữa ba luồng sóng cách mạng trên thế giới: cách mạng giải phóng dân tộc, cách mạng dân chủ nhân dân và cách mạng xã hội chủ nghĩa, cho nên nó hấp thụ được cái hay, cái đẹp của ba luồng sóng ấy, hoà nhịp với ba luồng sóng ấy mà tiến triển, đồng thời nó ảnh hưởng trở lại ba luồng sóng ấy không ít.
Tóm lại, cách mạng Việt Nam có đủ điều kiện để tiến mạnh và nhất định sẽ thành công.
CHẶNG ĐƯỜNG PHẢI TỚI
Hiện nay, dù thành tích của Cách mạng tháng Tám quan trọng đến mấy, ta cũng phải nhận một sự thật khách quan là: cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam chưa hoàn toàn thành công. Cách mạng tháng Tám đã giành được chính quyền cho nhân dân, nhưng chính quyền ấy lại bị bọn thực dân Pháp khởi hấn từ ngày 23 tháng Chín 1945 giành lại một phần. Chúng đã lập chính phủ bù nhìn Nguyễn Văn Thinh ở Nam Bộ và đặt lại quyền thống trị của Pháp ở một số thành thị thuộc miền Nam nước ta. Do Hiệp định Sơ bộ ngày 6 tháng Ba 1946 quy định, hai bên Việt Nam và Pháp lại nhân nhượng nhau: Pháp nhận Việt Nam là một nước tự chủ, có chính phủ, nghị viện, quân đội, tài chính riêng; Việt Nam nhận ở trong khối Liên hiệp Pháp; nước Pháp có quyền đóng quân trên đất Việt Nam trong một thời gian nhất định và quyền lợi kinh tế, văn hoá của Pháp ở Việt Nam, nói chung, được bảo đảm.
Như thế, nước ta mới thành một nước tự chủ, chưa được độc lập hoàn toàn.
Đối với ta, thế nào là độc lập hoàn toàn? Là lãnh thổ Việt Nam, từ Nam Quan đến Cà Mau, phải được toàn vẹn đặt dưới chính quyền nhân dân, do nhân dân bầu ra; trên đất Việt Nam không có quân đội nước ngoài đóng; kinh tế Việt Nam phải được độc lập, không phụ thuộc vào kinh tế nước Pháp hoặc bất cứ một nước nào khác; nhân dân Việt Nam có quyền phát triển văn hoá dân tộc của mình. Tóm lại, nước Việt Nam phải do nhân dân Việt Nam hoàn toàn làm chủ về mọi mặt và cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam phải hoàn thành nhiệm vụ phá tan mọi ách đế quốc cho nhân dân Việt Nam.
Hiệp định sơ bộ Việt - Pháp không phải là một cứu cánh, mà chỉ là một phương tiện, cốt giành cho dân tộc ta một lúc tạm nghỉ để củng cố vị trí của chế độ cộng hoà dân chủ do Cách mạng tháng Tám đưa lại, để phát triển thực lực đặng tiến lên bước mới.
Cách mạng Việt Nam phải tiến triển, nhất định phải luôn luôn tiến triển: lúc tiến nhanh, lúc tiến chậm; lúc nhảy lên bằng những bước cao vọt, lúc tạm thời ngừng lại để lấy sức hoặc lùi lại một bước để lấy đà nhảy qua một cái hố sâu; lúc quay sang bên này hoặc bên kia đường để tránh một vật chướng ngại và vượt mau tới đích.
Trong quá trình phát triển của nó, cách mạng Việt Nam không những phải hoàn thành nhiệm vụ phản đế, mà còn phải hoàn thành nhiệm vụ phản phong kiến, nhiệm vụ ruộng đất. Vì chừng nào cả hai nhiệm vụ ấy chưa làm xong, thì nước Việt Nam chưa thoát khỏi tình trạng lệ thuộc vào người, tình trạng nghèo nàn, lạc hậu, nhân dân Việt Nam chưa hoàn toàn có độc lập, tự do, chưa được ăn no, mặc ấm.
Thật thế, muốn cho nước giàu, dân mạnh, Việt Nam phải từ địa vị một nước nông nghiệp trở thành một nước công nghiệp. Song, trải qua bao nhiêu năm dưới quyền thống trị của chủ nghĩa đế quốc, nước Việt Nam luôn luôn bị kìm hãm ở trình độ nông nghiệp lạc hậu. Đế quốc Pháp giữ độc quyền công nghiệp nặng cho bọn tư bản ở Pháp; công nghiệp được xây dựng ở Đông Dương chủ yếu là công nghiệp nhẹ. Những nhà tư sản dân tộc nước ta mở mang công nghiệp nhẹ còn bị tư bản Pháp cạnh tranh, bóp nghẹt, còn nói chi đến chuyện mở mang công nghiệp nặng là chuyện họ chưa hề nghĩ tới dưới quyền thống trị của bọn đế quốc Nhật, Pháp.
Bọn đế quốc giữ độc quyền công nghiệp nặng như thế cốt bắt Việt Nam phải làm thị trường tiêu thụ hàng hoá cho chúng và kinh tế Việt Nam không thể cạnh tranh với kinh tế của chúng. Cho nên, muốn trở thành một nước giàu mạnh, Việt Nam phải thoát khỏi mọi xiềng xích của chủ nghĩa đế quốc để phát triển công nghiệp, kể cả công nghiệp nặng, để khỏi phụ thuộc vào kinh tế nước ngoài, nghĩa là phải độc lập về kinh tế, cũng như về chính trị và văn hoá. Đến nay, cách mạng Việt Nam chưa thủ tiêu được đặc quyền, đặc lợi của chủ nghĩa đế quốc ở nước ta. Nó mới hạn chế những quyền lợi ấy. Nhân dân Việt Nam lại phải kháng chiến để đập tan âm mưu của thực dân Pháp tái chiếm Việt Nam. Cách mạng Việt Nam vẫn phải tiến lên hoàn thành nhiệm vụ phản đế.
Xét về mặt khác, đế quốc Pháp thống trị nước ta, về cơ bản vẫn giữ và lợi dụng những tàn tích bóc lột phong kiến để bóc lột ta thêm. Ở mạn ngược, chúng để nguyên chế độ nông nô. Ở miền xuôi, chúng để nguyên chế độ tá điền với địa tô khá nặng. Thêm vào đó, sưu cao, thuế nặng, phu sai, tạp dịch, v.v.. Phần rất đông nhân dân là nông dân bị bóc lột hết sức tàn nhẫn. Cho nên số nông dân bần cùng hoá rất nhiều. Bị gạt ra ngoài đồng ruộng, họ lên các thành thị định vào nhà máy tìm việc làm, nhưng công nghiệp ở ta không phát triển, các xí nghiệp (nhà máy, mỏ, đồn điền, v.v.) chỉ thu hút được một phần trong bọn họ, còn lại bao nhiêu sung vào đội quân thất nghiệp hoặc lưu manh hoá. Số thất nghiệp nhiều thì nhân công rẻ mạt. Nhân công rẻ mạt có ảnh hưởng đến việc cải tiến kỹ thuật công nghiệp và nông nghiệp không phải ít. Bọn thực dân bóc lột nhân công rẻ mạt đủ kiếm được nhiều lời rồi, không lo đến việc cải tiến kỹ thuật nữa. Dưới ách đế quốc, kinh tế Việt Nam vì thế vẫn luẩn quẩn trong vòng lạc hậu, không tài nào thoát ra nổi. Nông dân Việt Nam vẫn thiếu ruộng cày cấy và công nhân Việt Nam bị bóc lột hết sức nặng nề: ngày lao động quá dài, tiền công rẻ mạt, bị đánh đập và cúp phạt tàn nhẫn, v.v..
Ở vào một nước nông nghiệp như nước ta, nói đến hạnh phúc của nhân dân không thể không nói đến cải thiện đời sống cho công nông, nhất là cho 90% số dân là nông dân. Song làm thế nào cải thiện đời sống cho nông dân một cách thật sự nếu không làm cho nông dân có đủ ruộng cày cấy? Bởi vậy vấn đề mưu hạnh phúc cho nhân dân, về cơ bản có thể nói là vấn đề làm cho nông dân có ruộng cày cấy.
Cho nên, muốn cho dân tộc Việt Nam có hạnh phúc, rốt cuộc phải phá bỏ chế độ phong kiến chiếm hữu ruộng đất, thực hiện khẩu hiệungười cày có ruộng. Đến nay, cách mạng Việt Nam mới hạn chế bóc lột phong kiến. Cách mạng Việt Nam còn phải tiến nữa để làm tròn nhiệm vụ cách mạng ruộng đất và tiêu diệt những tàn tích phong kiến và nửa phong kiến ở Việt Nam.
Tóm lại, cách mạng Việt Nam phải hoàn thành cả hai nhiệm vụ phản đế và phản phong kiến để thực hiện độc lập, tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Nói một cách khác, nó phải hoàn thành nhiệm vụ cách mạng dân tộc và dân chủ, để một ngày kia tiến lên cách mạng xã hội chủ nghĩa:đem tất cả tư liệu sản xuất chủ yếu làm của chung xã hội, xoá bỏ chế độ người bóc lột người ở Việt Nam.
BƯỚC TIẾN TRIỂN CỦA CÁCH MẠNG VIỆT NAM
Đến đây một quan điểm sai lầm về bước tiến triển của cách mạng Việt Nam cần phải đánh đổ. Có người cho rằng cách mạng Việt Nam cần phải đi từng bước một: cách mạng giải phóng dân tộc (phản đế) hoàn thành, rồi mới đến cách mạng dân chủ hoặc cách mạng ruộng đất (phản phong kiến); cách mạng dân chủ hoặc cách mạng ruộng đất hoàn thành, rồi mới đến cách mạng xã hội chủ nghĩa. Thuyết “tuần tự nhi tiến” đó là sai. Bên trong, quyền lãnh đạo cách mạng Việt Nam ngày một vững chắc trong tay giai cấp vô sản cầm quyền; các lực lượng dân chủ, tiến bộ đúc thành một khối không thể lay chuyển; bên ngoài, Liên Xô, nước xã hội chủ nghĩa, thắng lợi và phong trào dân chủ nhân dân phát triển bồng bột. Trong điều kiện lịch sử ấy, cách mạng Việt Nam có thể vừa hoàn thành nhiệm vụ phản đế, vừa giải quyết nhiệm vụ ruộng đất. Hai nhiệm vụ cách mạng dân tộc và dân chủ ở Việt Nam gắn liền với nhau. Cách mạng dân tộc dân chủ Việt Nam sẽ tiến lên cách mạng xã hội chủ nghĩa một cách tất yếu. Cách mạng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam có thể tiến hành trước khi những điều kiện kinh tế và xã hội trong nước chưa thật đầy đủ (ví dụ, công nghiệp chưa phát triển, hình thức bóc lột tiền tư bản chưa bị thủ tiêu, v.v.), nếu lúc ấy quyền lãnh đạo của giai cấp vô sản được củng cố dựa trên cơ sở liên minh công nông và sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa nước ta được các nước xã hội chủ nghĩa và dân chủ nhân dân giúp đỡ. Đúng như Cương lĩnh của Quốc tế cộng sản đã nói:
“... Tuy những quan hệ xã hội của riêng từng thuộc địa và nửa thuộc địa chưa được chín muồi, các cuộc vận động giải phóng dân tộc ở các nước ấy vẫn có thể đạt tới sự phát triển xã hội chủ nghĩa, nếu những cuộc vận động đó được chuyên chính vô sản nói riêng và nói chung được toàn thể phong trào vô sản quốc tế giúp đỡ và ủng hộ”.
VII

NHIỆM VỤ CẦN KÍP CỦA NHÂN DÂN VIỆT NAM
BỐN ĐIỂM CHÍNH, BỐN KHẨU HIỆU
Cách mạng Việt Nam phát triển trong điều kiện sau Chiến tranh thế giới thứ hai này, cho nên có nhiều bạn đồng minh, nhiều sức ủng hộ. Nhưng không kể điều kiện thuận lợi đến bậc nào, nếu nhân dân ta và trước hết là những chiến sĩ cách mạng nước ta không biết làm thì cũng không thể thành công được. Huống chi, phản động Pháp, đồng loã với phản động quốc tế, đang thi hành một chính sách hết sức thâm độc, cố giành lại quyền thống trị ở nước ta. Về danh nghĩa, tuy chúng nhận nước ta là một nước tự chủ, nhưng về thực tế, chúng muốn làm cho nước ta không khác gì một nước “tự trị”. Chúng mượn chiêu bài “nước Pháp mới” ký hiệp định với ta, nhưng lại dùng những phương pháp phát xít trái hẳn ý chí của nhân dân Pháp để khiêu khích ta, gây ra những “việc đã rồi”, lấn dần từng bước một, rốt cuộc hiệp định Chính phủ ta ký với chúng chỉ còn cái vỏ. Chúng áp dụng có nghệ thuật, có kế hoạch chính sách thực dân cổ truyền “chia để trị”, chia rẽ ta về dân tộc, đất đai, tôn giáo, đảng phái, v.v. hòng làm cho ta không đủ sức chống lại chúng. Chúng khủng bố tàn nhẫn trong những vùng chúng làm chủ, tiêu diệt cán bộ ta, đàn áp nhân dân ta, hòng làm cho nhân dân ta sợ sệt, mất tinh thần.
Chúng ta phải đối phó với một kẻ thù rất quỷ quyệt và có kinh nghiệm. Khó khăn chưa hết. Đồng bào ta phải tỉnh táo nhận rõ nhiệm vụ cần kíp của mình.
Sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta trong giai đoạn hiện tại phải nhằm hoàn thành những điểm chính dưới đây:
ĐỘC LẬP, THỐNG NHẤT, DÂN CHỦ, PHỤC HƯNG
a) Về độc lập dân tộc, hiện nay nước Việt Nam chưa được hoàn toàn độc lập. Quân đội nước ngoài vẫn còn chiếm đóng một phần nước ta. Phải đấu tranh để một ngày kia quân đội đó phải rút hết về nước. Phải đấu tranh giữ lấy chủ quyền, làm cho nước nhà không những có chính phủ riêng, quân đội riêng, tài chính riêng, nghị vi
ện riêng, mà còn phải có ngoại giao riêng. Phải đấu tranh để từ địa vị một nước tự chủ tiến lên địa vị một nước hoàn toàn độc lập, theo nguyên tắc dân tộc tự quyết, nghĩa là có thể tự nguyện gia nhập khối Liên hiệp Pháp (nếu Pháp vẫn là một nước tiến bộ), nhưng có quyền thoát ly hẳn khối đó khi cần.
b) Về thống nhất, nước Việt Nam phải được thống nhất và lãnh thổ Việt Nam toàn vẹn. Muốn thế phải phá bỏ mưu mô của bọn thực dân Pháp định chia cắt nước ta ra làm nhiều mảnh, định đặt trong nước ta những cái mà chúng gọi một cách trơ tráo là “nước Nam Kỳ”, “nước mọi”, “nước Thái”, “nước Nùng”, v.v.. Nước Việt Nam không thể chia làm ba kỳ hoặc ba xứ khác nhau về chế độ chính trị, kinh tế và văn hoá; càng không thể chia làm hai miền Nam, Bắc, từ vĩ tuyến 16 ra Bắc theo chế độ tự chủ và từ vĩ tuyến 16 vào Nam theo chế độ tự trị. Chúng ta phải có một quốc gia xứng đáng với danh hiệu ấy. Vì nước Việt Nam là một khối thống nhất về dân tộc, đất đai, chính trị, kinh tế và văn hoá; khối thống nhất ấy thành lập bằng xương máu, trải qua các thời đại lịch sử, chứ không phải là một sự ngẫu hợp nhất thời.
c) Về dân chủ, giữ vững và phát triển chế độ cộng hoà dân chủ, củng cố chính quyền nhân dân; xây dựng Hiến pháp dân chủ cho nước Việt Nam theo tinh thần dân chủ nhân dân, dân chủ mới. Chống lại những chủ trương làm cho Hiến pháp nước ta thành một thứ hiến pháp tầm thường, theo kiểu hiến pháp dân chủ tư sản. Chống chủ trương định phá chế độ dân uỷ, một chế độ tiến bộ đẻ ra trong quá trình đấu tranh giải phóng của dân tộc, do sáng kiến cách mạng của quần chúng. Giữ cho nước nhà luôn luôn có một chính phủ hợp hiến, do dân bầu ra, dựa vào dân và chịu sự kiểm soát của nhân dân. Cải tổ ngạch cai trị; đuổi bọn phản bội, tham ô, thối nát ra khỏi các cơ quan hành chính, các công sở; trừng trị thói hống hách, quan liêu. Làm cho nước Việt Nam thành một nước dân chủ thật sự ở Viễn Đông, đứng trong hàng các nước dân chủ nhân dân vừa mới thoát khỏi ách phát xít.
d) Về phục hưng, xây dựng và củng cố nền tảng của chế độ dân chủ, bằng cách phục hồi kinh tế và phát triển văn hoá, cải thiện đời sống cho nhân dân (nhất là công nông) về vật chất và tinh thần.
Một mặt, sản xuất, sản xuất nữa, tăng gia sản xuất không ngừng. Ra sức sản xuất về công nghiệp, nông nghiệp để nhanh chóng băng bó những vết thương chiến tranh, xoá bỏ những cảnh hoang tàn, đói rách gây ra bởi tám mươi năm nô lệ. Làm cho ai nấy đều góp một phần vào công cuộc phục hưng dân tộc; người có tiền góp tiền, người có sức góp sức, người có tài trí góp tài trí. Tôn trọng lao động, khuyến khích những nhà doanh nghiệp; thưởng người có công với nước, phạt kẻ có tội. Làm cho nước Việt Nam thành một nước dân chủ mới về chính trị chưa đủ, phải biến nước Việt Nam thành một nước có nền kinh tế và văn hoá dân chủ mới nữa.
Mặt khác, phải làm cho nhân dân, trước hết là những người lao động (lao động tay chân và lao động trí óc) đủ ăn, đủ mặc để có sức mà sản xuất, làm việc; làm cho giống nòi khoẻ mạnh, trẻ con đỡ chết yểu, bệnh tật khỏi hoành hành.
Phải phát huy tinh thần quật cường của dân tộc và tinh thần đấu tranh bất khuất của nhân dân ta; giáo dục cho công dân tinh thần yêu nước chân chính kết hợp với tinh thần quốc tế vô sản.
KHÁNG CHIẾN, KIẾN QUỐC
Chiến đấu giành độc lập và thống nhất cho nước nhà, chống lại sự tiến công của thực dân Pháp tức là kháng chiến. Thiết lập và củng cố chế độ cộng hoà dân chủ, xây dựng nền kinh tế và văn hoá dân chủ mới của nước Việt Nam, tức là kiến quốc. Một năm nay, dân tộc tavừa kháng chiến vừa kiến quốc. Đó là một đặc điểm tất nhiên của cuộc đấu tranh giải phóng của một dân tộc mà một phần đất nước đã được giải phóng, nhưng một phần đang bị đế quốc chà đạp.
Về kiến quốc, một năm nay dân tộc ta cố gắng rất nhiều để tăng gia sản xuất, vừa bài trừ nạn đói, vừa chi viện cho tiền tuyến; sửa chữa đường sá, cầu cống, đê điều, v.v.. Năm nay, dân tộc ta đã thắng được ba trận lớn: trận chống đói, trận chống dốt và trận chống lụt. Đó là những thành tích đáng kể. Nhưng công cuộc xây dựng nước nhà vẫn thiếu một kế hoạch chung. Một vài ví dụ:
Thi hành khẩu hiệu “không bỏ một tấc đất hoang”, đồng bào mạn ngược có nơi đã đốt rừng, phá rẫy một cách vô chính phủ, vi phạm việc bảo vệ rừng, để di hại cho việc ngăn ngừa nước lũ. Kèm theo khẩu hiệu “tăng gia sản xuất”, không có sự chỉ dẫn cho mỗi tỉnh, mỗi nơi nên sản xuất những gì và bao nhiêu trong một thời gian nhất định, lưu thông, phân phối như thế nào, v.v..
Sự cố gắng của nhân dân ta trong một năm nay thật là quá sức tưởng tượng. Nhưng người ta có cảm giác nhân dân ta cắm đầu sản xuất khác nào một anh chàng nhắm mắt mà bổ củi, tuy có hăng, có khoẻ thật, nhưng hao sức rất nhiều.
Đã đến lúc phải xây dựng một kế hoạch kinh tế và văn hoá chung cho cả nước để bảo đảm đời sống của nhân dân và chi viện cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Cố nhiên, tình hình nước ta chưa được ổn định và quyền lợi của người Pháp ở Đông Dương chưa được giải quyết dứt khoát là những vấn đề cản trở cho việc đặt kế hoạch nói trên. Nhưng không phải vì thế mà tuyệt đối không thể đặt được kế hoạch bước đầu với những số liệu giản đơn và thiết thực.
Chỉ lo xây dựng mà không chiến đấu giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, thì nhất định sẽ rơi xuống địa vị “tự trị”, một hình thức lệ thuộc vào Pháp. Dân tộc ta không hiếu chiến. Chúng ta rất yêu chuộng hoà bình, cho nên Chính phủ ta mới ký với Pháp bản Hiệp định sơ bộ (ngày 6 tháng Ba 1946). Nhưng thái độ bội ước của thực dân Pháp đã buộc chúng ta phải tiếp tục kháng chiến để tự vệ. Chúng ta sẵn sàng đình chiến trên cơ sở nước Pháp thật sự tôn trọng những quyền dân tộc cơ bản của ta; nhưng chừng nào quân Pháp không thôi hẳn tiến công và khủng bố thì ta còn phải cầm vũ khí để tự vệ, kỳ cho bọn thực dân Pháp phải nhận rằng chúng không thể đặt lại quyền thống trị trên đất nước ta, không thể chia cắt nước ta. Cuộc kháng chiến miền Nam chỉ có tính chất cục bộ và tạm thời hay là trở thành một cuộc kháng chiến lâu dài và toàn quốc? Ta để người Pháp tự trả lời lấy. Về phần ta, toàn dân phải nhiệt liệt ủng hộ cuộc chiến đấu của đồng bào miền Nam và đâu đó đều phải tăng cường xây dựng lực lượng, nâng cao cảnh giác, sẵn sàng ứng phó với mọi tình thế, sẵn sàng chiến đấu đến thắng lợi hoàn toàn.
ĐẠI ĐOÀN KẾT, MỘT NHIỆM VỤ MẤU CHỐT
Muốn kháng chiến và kiến quốc, chúng ta phải động viên mọi sinh lực của nước nhà, chống chính sách chia rẽ của thực dân Pháp, củng cố khối đoàn kết toàn dân và tìm thêm bạn đồng minh trên thế giới.
Bởi vậy, chính sách đại đoàn kết mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đề xướng phải được thực hiện một cách rộng rãi và triệt để:
Đoàn kết dân tộc, không để cho thực dân Pháp chia rẽ dân tộc ta theo hai miền Nam, Bắc hoặc theo ba kỳ như cũ và đối lập các dân tộc thiểu số với người Kinh.
Đoàn kết nhân dân, mọi giai cấp, mọi tầng lớp trong nhân dân kề vai, sát cánh, đấu tranh chống kẻ thù chung, giành độc lập, thống nhất hoàn toàn cho Tổ quốc.
Đoàn kết tôn giáo, không để cho thực dân Pháp lợi dụng đồng bào Công giáo, Phật giáo, Hoà hảo, Cai đài, chống lại dân tộc.
Đoàn kết đảng phái, các đảng phái yêu nước và dân chủ gạt bỏ thành kiến, kề vai sát cánh, chống thực dân và bọn Việt gian phản quốc.
Tất cả phải đoàn kết lại thành Mặt trận dân tộc thống nhất chống thực dân Pháp xâm lược, giành độc lập hoàn toàn. Một năm nay, Mặt trận ấy đã được máu các chiến sĩ toàn quốc chiến đấu ở miền Nam gắn chặt lại, khiến cho không một lực lượng nào có thể làm tan rã nổi. Tất cả mọi thành viên trong Mặt trận ấy phải hành động chung để chống ngoại xâm, trừ nội phản, bảo vệ chế độ cộng hoà dân chủ, xây dựng lại nước nhà, làm cho nước nhà thống nhất và độc lập, dân tộc được sung sướng và tự do.
Hội liên hiệp quốc dân Việt Nam (Liên Việt) chính có mục đích ấy. Nó là mặt trận dân tộc thống nhất, một hình thức đoàn kết toàn dân rất thích hợp mà dân tộc ta đã tìm thấy trên con đường đấu tranh chống thực dân Pháp và bọn Việt gian trong giai đoạn này. Nó phải được phát triển để thu hút hết thảy các đảng phái đấu tranh vì độc lập dân tộc và dân chủ tự do, cũng như các phần tử yêu nước không đảng phái. Có phải Hội liên hiệp quốc dân Việt Nam chỉ là một thủ đoạn đối phó nhất thời như có người tưởng lầm không? Nhất định không. Nó phải là một tổ chức chính trị nhằm động viên quần chúng nhân dân đông đảo để hoàn thành nhiệm vụ cứu nước và xây dựng nước.
Muốn cho Hội liên hiệp quốc dân Việt Nam được rộng rãi và vững chắc, phải phát triển và củng cố Việt Minh, vì Việt Minh, với những tổ chức mạnh mẽ của nó, tất nhiên phải làm nòng cốt cho Liên Việt. Và muốn cho Việt Minh phát triển và củng cố, cần nhất là các tổ chức của giai cấp công nhân Việt Nam phải được thống nhất và phát triển, khối liên minh công nông phải được củng cố.
Bên trong, đồng bào ta phải đoàn kết chặt chẽ, đoàn kết rộng rãi và thật sự. Thế cũng chưa đủ. Bên ngoài, chúng ta còn phải biết tìm bạn đồng minh, tăng cường đoàn kết quốc tế, đoàn kết với các lực lượng chống chủ nghĩa đế quốc trên thế giới.
Trước hết, phải đoàn kết với nhân dân Liên Xô vĩ đại đã chiến thắng chủ nghĩa phát xít và đang băng bó những vết thương chiến tranh để tiếp tục xây dựng chủ nghĩa xã hội, củng cố Nhà nước Xô viết, thành trì của hoà bình và dân chủ thế giới.
Chúng ta phải đoàn kết với nhân dân Pháp đã hy sinh, phấn đấu rất nhiều cho tự do và chính nghĩa, lại có chung với ta một kẻ thù là thực dân phản động Pháp. Chúng ta tán thành đứng trong Khối liên hiệp Pháp, nhưng khối ấy phải là một “khối liên hiệp dân chủ và anh em giữa những người tự do và bình đẳng”, như lời đồng chí Lôdơray (Lozeray), Uỷ viên Trung ương Đảng Cộng sản Pháp, đã nói tại Quốc hội lập hiến Pháp ngày 20 tháng Ba 1946, chứ không thể là một cái lồng dùng để nhốt các dân tộc thuộc địa của Pháp, sau khi đã “chặt cánh” các dân tộc ấy. Trong cuộc đấu tranh đòi nước Pháp phải tôn trọng độc lập, chủ quyền và lãnh thổ toàn vẹn của nước ta, không thể không liên hiệp hành động với nhân dân Pháp và các đảng phái trung thành với lý tưởng tự do, bình đẳng, bác ái của cách mạng Pháp. Bởi vậy, chúng ta rất hoan nghênh việc thành lập Hội Pháp - Việt Nam19* và chúng ta mong rằng hội này sẽ là một cái cầu chắc chắn bắc giữa nhân dân hai nước cùng có chung một kẻ thù là thực dân Pháp.
Chúng ta còn phải đoàn kết với các dân tộc yêu chuộng hoà bình và dân chủ, đoàn kết với nhân dân Trung Quốc, người bạn láng giềng của chúng ta, đang đấu tranh quyết giành dân chủ, thống nhất và độc lập, và nói chung, liên minh với các dân tộc bị áp bức đang đấu tranh để tự giải phóng.
Trong mấy năm chiến tranh, chúng ta đã chung sức với các lực lượng chống chủ nghĩa phát xít xâm lược. Ngày nay, chiến tranh kết thúc, chúng ta vẫn phải tiếp tục đứng bên các lực lượng cách mạng và tiến bộ để đấu tranh tiêu diệt những tàn tích phát xít, chống phản động quốc tế, củng cố hoà bình thế giới, chống âm mưu của bọn đế quốc định kéo loài người vào một cuộc chiến tranh thế giới mới.
Chính vì thế mà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà phải đòi vào Liên hợp quốc và phải nhảy lên vũ đài quốc tế như một dân tộc đã tham gia chống phát xít xâm lược, đã giành chính quyền từ tay phát xít Nhật và đang tiếp tục chiến đấu bắt thực dân Pháp phải tôn trọng Hiến chương của Liên hợp quốc.
SỬA CHỮA KHUYẾT ĐIỂM, SAI LẦM
Muốn làm tròn những nhiệm vụ trên đây, toàn thể đồng bào và trước hết những người cộng sản, các chiến sĩ cách mạng, phải sửa chữa khuyết điểm, sai lầm, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường nói: “Không sợ quân thù, chỉ sợ các đồng chí chúng ta làm bậy!”.
Thật thế, quân thù không lợi dụng những khuyết điểm, sai lầm của ta mà tiến công ta đó sao? Cho nên, phải kiên quyết tẩy trừ những khuyết điểm, sai lầm hiện có.
Phải tẩy trừ khuynh hướng vô chính phủ, vô kỷ luật biểu hiện ở chỗ làm ẩu, làm bừa, không phục tùng cấp trên, không đếm xỉa đến mệnh lệnh của Chính phủ và kỷ luật của Đoàn thể. Khuynh hướng này chứng tỏ sự hiểu lầm chế độ dân chủ, không nhận thức được thế nào là trật tự cách mạng và kỷ luật dân chủ, tưởng rằng đã là dân chủ thì có thể hành động bừa bãi, lộn xộn, không cần tôn trọng trật tự, trị an. Rồi cũng vì vô chính phủ, vô kỷ luật mà sinh ra địa phương chủ nghĩa cục bộ, quân phiệt, quan liêu.
Tẩy trừ xu hướng cô độc, hẹp hòi biểu hiện ở chỗ đối với người, đối với việc, cũng như đối với việc thi hành các chính sách của Đoàn thể, nhất là chính sách đại đoàn kết dân tộc. Khuynh hướng tai hại này biểu thị thái độ không tin ở quần chúng và ở chính mình; hiểu chủ nghĩa Mác - Lênin một cách giáo điều, máy móc.
Tẩy trừ xu hướng chủ quan chủ nghĩa, "tả" khuynh, muốn làm những việc chưa đủ điều kiện làm; tưởng cái gì mình cho là đúng thì quần chúng đã cho là đúng; muốn "đốt cháy giai đoạn", không đếm xỉa đến điều kiện khách quan và trình độ thực hiện của phong trào.
Tẩy trừ tư tưởng bảo thủ, hữu khuynh, cố níu lấy những cái cũ; luẩn quẩn trong lề lối cổ xưa; ôm khư khư những thành kiến, không nhìn ra cái mới một cách mau lẹ; không quả quyết tiến hành theo tinh thần tích cực, duy nhất thích hợp với thời đại cách mạng mà chúng ta đang sống.
Tẩy trừ xu hướng nhân nhượng vô nguyên tắc với bọn phản động hoặc với bạn đồng hành. Khuynh hướng này tỏ ra thiếu sự kiên quyết giữ vững lập trường, đánh giá quá cao lực lượng địch, đánh giá thấp lực lượng cách mạng; không dám phát động quần chúng, dùng quần chúng làm hậu thuẫn. Khuynh hướng này còn thể hiện sự hiểu lầm chính sách mặt trận, tưởng rằng đã cùng trong một Mặt trận dân tộc thống nhất với nhau thì nhất nhất phải "chín bỏ làm mười", không được phê bình nhau.
Tẩy trừ tư tưởng tự mãn, say sưa với thắng lợi đã giành được, làm cho ta sinh ra chủ quan, kiêu ngạo, nhụt tinh thần phê bình, tự phê bình, làm cho ta khó tiến bộ và đẩy ta xa quần chúng.
Tẩy trừ tư tưởng bi quan, dao động, gặp khó khăn là than phiền, chán nản; gặp thất bại là hoảng hốt, hoài nghi. Rồi sinh ra thủ tiêu đấu tranh, trốn trách nhiệm.
Những khuyết điểm, sai lầm trên đây là những biểu hiện của tư tưởng tiểu tư sản. Nếu ta không kịp thời sửa chữa, thì không thực hiện được toàn dân đoàn kết để đấu tranh vì độc lập, thống nhất, dân chủ và phục hưng của nước nhà.
Chúng ta không có ảo tưởng cho rằng trong một thời gian ngắn những tư tưởng sai lầm trên đây sẽ được khắc phục, cũng như cách mạng sẽ mau chóng gột rửa được hết những thói hư, tật xấu của chế độ cũ để lại.
Nhưng chúng ta tin chắc rằng những cải biến sâu sắc về chính trị, kinh tế và văn hoá sẽ tạo cơ sở tốt cho chúng ta khắc phục từng bước những tư tưởng sai lầm đó. Miễn là mỗi chiến sĩ cộng sản, mỗi công dân chúng ta nhận rõ rằng trong khi cải tạo xã hội, chúng ta phải tự cải tạo chính bản thân mình. Cải tạo xã hội bao gồm cải tạo bản thân mình; cải tạo bản thân mình để góp phần cải tạo xã hội.
ĐÀO TẠO CÁN BỘ
Sau khi đã định rõ đường lối, chủ trương, chính sách, sau khi đã nhận ra những việc phải làm, thì vấn đề cán bộ là vô cùng quan trọng.
Thật thế, vì ai thi hành chủ trương, ai chấp hành nhiệm vụ? Cố nhiên toàn dân, nhưng trước hết phải là cán bộ, nghĩa là những người xung phong, tích cực đem đường lối, chủ trương, chính sách đó tuyên truyền trong quần chúng, tổ chức, hướng dẫn quần chúng thi hành, làm gương mẫu cho nhân dân thi hành.
Phải nhận rằng một nhược điểm của phong trào cách mạng nước ta hiện nay là thiếu cán bộ. Ít người, nhiều việc, sinh ra nạn bao biện ôm đồm. Cán bộ nhận việc mà không làm xong hoặc làm không chu đáo; gặp chăng hay chớ, không có kế hoạch, không suy nghĩ, sự vụ thiển cận.
Bởi vậy, một nhiệm vụ quyết định trong lúc này là làm sao để có thêm nhiều cán bộ và có cán bộ tốt. Cất nhắc một cách đúng mức và công bằng những cán bộ cũ, đào tạo một cách kiên nhẫn và có phương pháp những cán bộ mới. Mỗi cán bộ phải dìu dắt những người mới cộng tác với mình, gây ra bên mình những mầm cán bộ tốt. Biết bao công nhân, nông dân hăng hái và thanh niên trung thực, hăm hở hy sinh? Đừng sợ họ, phải mạnh bạo dùng họ, kiên nhẫn dìu dắt họ, nhưng không quên kiểm soát công việc của họ.
Lúc này việc nước bề bộn. Cần động viên sức người, sức của và tài trí của nhân dân. Đừng bỏ sót một khả năng, một cố gắng nào. Việc nước không phải của riêng một số người, một đảng phái hay là một giai cấp cách mạng, mà là việc chung của toàn dân. Cố nhiên, không nên dùng người một cách bừa bãi hoặc theo cảm tình riêng, nhưng cũng không thể hẹp hòi trong việc thu dụng những chuyên gia, những viên chức của chế độ cũ.
Muốn có thêm nhiều cán bộ, các trường đào tạo cán bộ hành chính, tư pháp, quân sự, kinh tế và kỹ thuật do Chính phủ mở ra chưa đủ. Các đoàn thể cách mạng còn phải thường xuyên mở các lớp huấn luyện chính trị và kinh nghiệm công tác cho cán bộ, các buổi nói chuyện mở rộng cho công chúng đến nghe.
Song song với việc phát triển bình dân học vụ, chống nạn mù chữ, việc xây dựng nền đại học, trung học và giáo dục phổ thông, cũng như việc cải cách giáo dục và tuyển sinh cho đi học nước ngoài là rất cần thiết.
Trong vấn đề cán bộ hiện nay, đang có một mâu thuẫn: phần đông những cán bộ cứu quốc xuất thân ở trường đấu tranh cách mạng là những người trung thành, hăng hái, hiểu chính trị và tháo vát, nhưng phần nhiều thất học, trình độ văn hoá thấp. Điều đó hẳn không phải lỗi tại họ, vì hầu hết họ là nhân dân lao động, vốn thất học hay là không được ăn học đến nơi đến chốn. Trái lại, những cán bộ khoa học, kỹ thuật, cán bộ chuyên môn, những người trí thức xuất thân ở trường học của Pháp trước đây, tuy có trình độ văn hoá, nhưng lại ít hiểu về chính trị. Ta cũng không trách họ về điều đó, vì trong tám mươi năm nô lệ, bọn thực dân, đế quốc có bao giờ chịu để cho nhân dân Việt Nam học chính trị và làm chính trị? Chúng chỉ nghĩ đến việc đào tạo thanh niên trí thức Việt Nam thành một lớp thừa hành, đủ làm tay sai cho chúng mà thôi.
Cho nên, công việc cải tạo trí thức cũ, đào tạo cán bộ mới lúc này phải nhằm xoá bỏ mâu thuẫn ấy: làm sao cho cán bộ cứu quốc có điều kiện học tập để nâng cao trình độ lý luận và trình độ văn hoá; đồng thời, cổ động những người trí thức cũ, những chuyên gia do chế độ cũ để lại tham gia các tổ chức chính trị, đi dự các lớp huấn luyện chính trị do các đoàn thể tổ chức.
Cần phê bình thái độ sai lầm của một số cán bộ Việt Minh coi thường những người trí thức cũ và những chuyên gia, có thành kiến đối với họ, không gần gũi họ, không giao việc cho họ và không chịu học hỏi họ những cái mà mình chưa biết. Nhưng đồng thời, cũng phải phê phán quan điểm không đúng của một số trí thức ngoài Việt Minh cho rằng: cán bộ Việt Minh, cán bộ cộng sản đã có công lãnh đạo cách mạng, giành chính quyền, nay nhiệm vụ của họ đã hết và bây giờ đây họ nên "rút lui" để cho những người có bằng cấp, những chuyên gia đứng ra tổ chức việc kiến thiết nước nhà.
Những kẻ có quan điểm trên đây không biết rằng, nếu các chiến sĩ Việt Minh nói chung và các chiến sĩ cộng sản nói riêng đã xung phong đi đầu trong thời kỳ đấu tranh bất hợp pháp để giải phóng cho Tổ quốc thì ngày nay càng phải xung phong đi đầu, đem đường lối chính trị và nhiệt tình cách mạng ra để hướng dẫn công cuộc giữ nước và xây dựng nước.
Một điều đáng mừng là từ cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám trở đi, số trí thức cũ gia nhập Việt Minh và Liên Việt ngày một đông. Đấu tranh trong hàng ngũ nhân dân, nói chung họ đã tỏ ra nhiệt thành yêu nước và trọng kỷ luật của Nhà nước và của Mặt trận. Dần dần họ gần gũi công nông, trở nên cán bộ cách mạng đáng quý và nước nhà có thể đặt hy vọng vào họ rất nhiều.
KẾT LUẬN
Tháng Tám 1945,
Tháng Tám 1946.
Một năm qua bằng mấy chục năm đúc lại và nhân dân Việt Nam, nhờ Cách mạng tháng Tám, đã chặt tung được xiềng xích nô lệ để bước những bước khổng lồ. Với hàng nghìn năm lịch sử đầy lao động sáng tạo và chiến đấu vẻ vang, nhân dân Việt Nam đang hăm hở đoạt lấy tương lai xán lạn. Dân tộc Việt Nam vốn là một dân tộc dũng cảm, trẻ trung, đầy sức sống. Trước con mắt ngạc nhiên của thế giới, dân tộc ta đang phát huy tinh thần quật khởi của mình.
Trên con đường giải phóng, nhân dân Việt Nam đã tiến được một chặng khá xa. Tuy nhiên, mục đích vẫn chưa đạt. Còn phải tiến, tiến nữa. Chặng đường vừa qua, biết bao chông gai, hiểm trở, nhưng đoàn kết, đấu tranh, nhân dân Việt Nam đã thắng những trận đầu tiên.
Ngày nay, Nam Bộ và miền Nam Trung Bộ vẫn đang kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Cuộc chiến đấu tự vệ anh dũng ấy đang phát triển những thành quả của Cách mạng tháng Tám và rèn luyện thêm những đức tính cổ truyền của dân tộc ta.
Bọn thực dân Pháp hy vọng dùng vũ lực để giải quyết vấn đề Việt Nam theo ý muốn của chúng. Cuộc kháng chiến của dân tộc Việt Nam đã chỉ cho chúng biết rằng chúng lầm. Dân tộc Việt Nam sẵn sàng chiến đấu lâu dài, khắc phục mọi khó khăn, trở lực, quyết chiến thắng bọn thực dân tàn bạo và quét sạch bè lũ chó săn của chúng, kỳ cho nước Việt Nam được giải phóng hoàn toàn, dân tộc Việt Nam có đủ ĐỘC LẬP, TỰ DO và HẠNH PHÚC.
Trường-Chinh Tuyển tập,
Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1987,
t. I, tr. 126-204
---
Những entry liên quan đã đi trên blog này:
Trường Chinh (1946): Cách mạng Tháng Tám
- Trường Chinh tuyển tập (1,2,3)



2 nhận xét:

  1. "Hiện nay, một số người, hoặc chưa từng rỏ một giọt mồ hôi vì cách mạng, hoặc đã và đang hành động phản quốc, chực phủ nhận giá trị của Cách mạng tháng Tám Việt Nam".

    Hóa ra các "bạn" mình có từ thời ấy.

    Cụ Trường Chinh viết từ 1946. Vẫn mới, như một bài viết hiện đại.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cụ Trường Chinh là nhà lí luận tốp đầu về Cách mạng Tháng Tám và Cách mạng Việt Nam mà bác. Đương thời, theo xác nhận của nhà văn Vũ Thư Hiên, cụ Hồ rất nể vì cụ Trường Chinh, điều đó đã thấy rất rõ:
      http://giaovn.blogspot.com/2013/10/xac-nhan-cua-nha-van-vu-thu-hien-ve.html

      Xóa

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.