Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

22/10/2013

Đi thăm bác Bàn Văn Mình, người anh hùng ở bản sương mù

Tôi vào bản lúc trời đã tối. Sương mù dầy đặc, cả mấy ngày rồi, nên đường trơn tuồn tuột. Mấy tháng cuối năm và mấy tháng đầu năm, vùng này đều như vậy, nên vốn có tên là "Mường Mook", tức "xứ sương mù", sau thành ra Hán tự rất văn vẻ là "Mộc Châu".

Cái lạnh xông lên choáng lấy cả phần đường dò dẫm ở phía trước, rồi cái trơn, lại không phải đi ủng, chỉ là giầy, dù loại chuyên dụng để đi đường trơn, tôi bị ngã. May mà chỉ ngã dúi về đằng trước một tí, bẩn áo ở chỗ chống tay chút thôi.

Đúng lúc ấy thì con trai người anh hùng ra kịp. Thật ra, lúc đấy chưa biết vậy, phải đến hôm sau. Tối đầu tiên ngủ bên nhà trưởng bản, hôm sau mới trượt pa-tanh-giầy vào sâu bên trong tìm gặp, lúc người anh hùng còn đang đi chăn trâu.

Chuyện sẽ kể lai rai. Nên bây giờ, tạm đọc một ít trên báo chí, xem người ta giới thiệu về ông như thế nào.

Bài đầu tiên, là lấy từ báo Sơn La cho cây nhà lá vườn. Từ đây trở xuống.

---
Anh hùng bản Dao 


11:06:32 AM | 27/08/2013


Đó là tên gọi thân mật của đồng bào nơi đây khi nói về Anh hùng Lao động Bàn Văn Mình, bản Suối Lìn, xã Vân Hồ (Mộc Châu).


Anh hùng Bàn Văn Mình giở lại kỷ vật được trao tặng cách đây hơn 50 năm.

Ông là người có công đưa bà con đồng bào dân tộc Dao trong vùng từ cuộc sống du canh du cư đến chỗ ổn định cuộc sống. Năm nay, đã 79 tuổi, mái tóc bạc phơ, sức khỏe không còn được như trước, nhưng ông Mình vẫn khí khái lắm, ở ông toát lên vẻ khác lạ của người lãnh đạo có uy tín trong nhân dân.

Nhấp ngụm nước chè nóng, ông kể cho chúng tôi nghe câu chuyện về những ngày đầu đưa người Dao về định cư trên quê hương mới. Trước đây, người Suối Lìn ở bản Suối Khòng, thuộc xã Chiềng Khoa, châu Mộc Châu (nay thuộc khu vực bản Suối Bon). Bản có 30 hộ, chủ yếu làm nương rẫy, sống du canh du cư nên cuộc sống bấp bênh, khó khăn mọi bề. Những năm 60 của thế kỷ trước, hưởng ứng lời kêu gọi của Bác Hồ, khai hóa chân núi làm ruộng, ông Mình cùng một số thanh niên trong bản đi tìm chỗ cho bà con làm ruộng. Sau nhiều ngày, họ tìm thấy vùng đất Vang Pe (Suối Lìn bây giờ) khá bằng phẳng, có suối chảy qua, có thể khai phá làm ruộng. Trở về, ông là người đứng lên vận động mọi người chuyển đến định cư ở vùng đất mới. Năm 1959, ông vận động được 4 gia đình lên khai phá đất làm ruộng; 2 năm sau, thêm 12 nhà lên Vang Pe ở để khai phá ruộng. Cũng năm đó, HTX Khòng Mán được thành lập, giúp bà con làm kinh tế tập thể và phân phối lại thu nhập. Có đất, có ruộng, lại chăm chỉ làm ăn, cuộc sống bà con khá dần lên, không còn lo đói khi giáp hạt. Thấy người đi trước khấm khá trên quê mới, người Dao nhiều nơi cũng xin gia nhập bản, cùng sinh sống, làm ăn.

Là người có công lao lớn đưa người dân ổn định tại miền đất mới, năm 1962, ông Bàn Văn Mình vinh dự được Nhà nước tặng thưởng danh hiệu Anh hùng Lao động. Năm 1964 đến 1970, ông giữ chức Phó Chủ tịch UBND châu Mộc Châu. Sau khi nghỉ công tác tại UBND huyện, ông tiếp tục làm Bí thư Đảng ủy xã Chiềng Khoa. Năm 1989, ông nghỉ hưu, về Suối Lìn, sớm chiều làm bạn với ruộng vườn, cây trái. Tuổi đã cao, sức yếu, nhưng vẫn còn trong ông tâm huyết, ký ức về một thời trai trẻ, xông pha. Những gì ông làm được cho đồng bào Dao không nhỏ, vậy nên người dân Suối Lìn luôn dành cho ông sự kính trọng và biết ơn.

Phát huy truyền thống, các thế hệ đi sau vẫn luôn đoàn kết, chung tay xây dựng vùng đất Vang Pe hoang vu trở thành bản của đồng bào Dao trù phú, đông đúc. Khi người Dao chuyển đến định cư ở đây, họ vẫn luôn lấy làm lạ vì cả vùng đất này có đến nửa thời gian của một năm ngập trong sương mù, đất trời luôn liền làm một nên họ gọi Vang Pe với một cái tên khác là Suối Liền. Sau này, do cách viết, cách phát âm đọc chệch đi thành Suối Lìn, bà con vẫn giữ nguyên cái tên ấy đến tận bây giờ.

Suối Lìn ngày nay đã khác xưa nhiều lắm, bản làng no ấm, giàu đẹp, cánh đồng dưới chân những ngọn đồi thoai thoải hình bát úp xanh ngút ngàn bởi những nương ngô, ruộng lúa. Từ 12 hộ ban đầu, nay bản có 119 hộ dân với 556 nhân khẩu. Ông Bàn Văn Chìn, Trưởng bản Suối Lìn phấn khởi: Bản có hơn 17 ha ruộng và trên 100 ha ngô, nhờ đất khá bằng phẳng lại áp dụng tốt khoa học kỹ thuật cộng thêm phát triển chăn nuôi gia súc nên kinh tế các gia đình khá ổn định. Thu nhập bình quân đầu người đạt 9 triệu đồng/năm, bản chỉ còn 2 hộ nghèo theo tiêu chí mới. 100% số hộ được ngói hóa, nhiều hộ làm được nhà xây, sắm được nhiều phương tiện sản xuất đắt tiền. Mặt khác, Suối Lìn còn được công nhận là bản văn hóa cấp tỉnh, là bản đạt chuẩn “4 không” về ma túy. Có được kết quả ngày hôm nay là nhờ ông Bàn Văn Mình và những người có công khai phá ra vùng đất này nên bà con ai cũng biết ơn lắm.

Tặng Đào

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.