Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

28/10/2013

Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh và tư liệu về Phùng Chí Kiên

Lời dẫn: Dưới đây, là số tư liệu được kiểm kê cho đến thời điểm tháng 8 năm 2011.


Lấy về từ website của Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh.


---
I. Vài nét về Bảo tàng



Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh


Địa chỉ: số 10 - đường Đào Tấn - thành phố Vinh - tỉnh Nghệ An

Năm 1959, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh chính phủ cho phép xây dựng ở thành phố Vinh nhà trưng bày thường trực giới thiệu về phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh.

Ngày 15/1/1960, Đảng đoàn Bộ Văn hoá có quyết định số 106 - QĐ/VH về việc thành lập bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Tỉnh uỷ hai tỉnh.

Ngày 12/9/1963, nhân dịp kỷ niệm 33 năm Xô Viết Nghệ Tĩnh, bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh(XVNT) mở cửa đón khách tham quan. Ngày 3/2/1964, Chủ tịch Hồ Chí Minh ghi “Lời Đề tựa” cho bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh. Người đánh giá cao ý nghiã lịch sử của phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh năm 1930/1931; đồng thời căn dặn Đảng bộ và nhân dân hai tỉnh phải phát huy truyền thống cách mạng xây dựng Nghệ An và Hà Tĩnh gương mẫu xứng đáng với quê hương Xô Viết anh hùng.

Ngày 5/8/1964, đế quốc Mỹ dùng không quân và hải quân mở rộng đánh phá ra miền Bắc; thành phố Vinh là tâm điểm của các cuộc ném bom. Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh đã sơ tán về các xã thuộc  huyện  Nam Đàn. Ngoài các phòng trưng bày thường xuyên mở cửa phục vụ nhân dân, Bảo tàng còn tổ chức đội trưng bày lưu động phục vụ Đại hội  Đảng bộ các huyện thuộc tỉnh Hà Tĩnh, đến tận các trận địa pháo, đơn vị thanh niên xung phong, hợp tác xã, các trường học...

Năm 1980, Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh trở về vị trí ban đầu trong thành cổ Nghệ An. Được sự quan tâm của tỉnh uỷ, UBND tỉnh Nghệ Tĩnh và các ngành hữu quan, bảo tàng được phát triển hơn trước.

Cục Bảo tồn, Bảo tàng - Bộ Văn hoá đã tổ chức hội nghị khẳng định vị trí và loại hình của Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh là: bảo tàng lưu niệm sự kiện lịch sử. Bộ Văn hoá ra Quyết định số 204/QĐ-VH ngày 14/11/1987 chuyển Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh thành “Chi nhánh của Bảo tàng cách mạng Việt Nam”. Từ đây Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh dưới sự chỉ đạo trực tiếp về chuyên môn của Bảo tàng Cách mạng Việt Nam. Năm 1995, bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh  được nâng cấp hạ tầng cơ sở, chính lý trưng bày theo phương pháp hiện đại, hấp dẫn và thu hút khách tham quan

Với sự quan tâm của các ngành, các cấp, 48 năm qua, Bảo tàng XVNT không ngừng phấn đấu để hoàn thành nhiệm vụ chính trị, hoạt động đều và có hiệu quả trên lĩnh vực bảo tồn và phát huy di sản văn hoá.

Nghiên cứu khoa học là một hoạt động quan trọng trong công tác bảo tồn, bảo tàng. Bảo tàng XVNT đã tổ chức nhiều hội thảo và toạ đàm khoa học chuyên đề về Xô Viết Nghệ Tĩnh


II. Tư liệu Phùng Chí Kiên tại Bảo tàng


Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh với công tác phát huy di sản về đồng chí Phùng Chí Kiên

BTXV: 09:06-24/08/2011



Như chúng ta đã biết, đồng chí Phùng Chí Kiên là một vị lãnh đạo cách mạng tiền bối của Đảng, có nhiều cống hiến xuất sắc và hy sinh anh dũng vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, gần đây đã được đánh giá là người cộng sản mẫu mực, kiên trung; nhà chính trị, quân sự song toàn. Phùng Chí Kiên sinh ra và lớn lên tại xã Diễn Yên, huyện Diễn Châu tỉnh Nghệ An. Thời nhỏ ông thường hay giao du, kết bạn và thoát ly hoạt động cách mạng sớm. Tư liệu, hiện vật về quê hương, gia đình, tuổi trẻ và sự nghiệp của ông hiện nay còn lại rất ít . Do những hạn chế lịch sử, những cống hiến của Phùng Chí Kiên chậm được nghiên cứu, đánh giá, ghi nhận, vì vậy khó khăn cho công tác sưu tầm, trưng bày và phát huy tác dụng di sản của đồng chí để lại cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta.

Mặc dù vậy, trong những năm qua, với chức năng nghiên cứu, sưu tầm, bảo quản, trưng bày và phát huy tác dụng những di sản Xô viết Nghệ Tĩnh, về những vị tiền bối cách mạng của Đảng, Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh đã có những đóng góp nhất định trong việc sưu tầm và phát huy tác dụng những di sản mà đồng chí Phùng Chí Kiên để lại phục vụ công tác nghiên cứu khoa học và giáo dục khoa học.

1. Về khối lượng tàng trữ tài liệu hiện vật về đồng chí Phùng Chí Kiên tại Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh:
Qua một số đợt tiến hành sưu tầm tài liệu, hiện vật trong nước và quốc tế, hiện nay tại Bảo tàng Xô viết nghệ Tĩnh có những tài liệu, hiện vật sau:

1.1: Hiện vật:
1. Chiếc mâm bằng gỗ của gia đình đồng chí Phùng Chí Kiên ở Diễn Yên, Diễn Châu phục vụ các đồng chí cán bộ Việt Nam thanh niên cách mạng dồng chí Hội về hoạt động trong những năm 1925 – 1926.

2. Chiếc đĩa sứ của gia đình đồng chí Phùng Chí Kiên ở Diễn Yên, Diễn Châu phục vụ các đồng chí cán bộ Việt Nam thanh niên cách mạng dồng chí Hội về hoạt động trong những năm 1925 – 1926.

1.2: Về tài liệu:
1.2.1 Ảnh chân dung đồng chí Phùng Chí Kiên thời kỳ là học viên Trường quân sự Hoàng Phố ( 1926 – 1927);
1.2.3. Hồ sơ của Mật thám Pháp số 4480 CN-MT-C lập để theo dõi hoạt động của Mạch Văn Liễu ( tức Phùng Chí Kiên) gồm:
- Tài liệu của Phòng Nhì Pháp số 1880 D lập năm 1925 – 1926. ghi tên tuổi, đặc điểm, nhân dạng của Mạch Văn Liễu;
- Công văn số 235/CA1 của Bộ thuộc địa Chính trị vụ, nội dung Thượng thư Bộ Thuộc địa gửi quan Toàn quyền Đông Dương, Tổng nha mật thám Hà Nội ngày 07/3/1934 nói về sự hiện diện của những người An Nam tại phiên họp toàn thể Ban chấp hành Đệ tam quốc tế tại Mạc tư khoa do Ủy viên Hội đồng Nhà nước, Chánh Chính trị vụ Joseph ký.
- Thông tri mật số 1226/SG của Tổng nha mật thám gửi các ông Chánh liêm phóng và mật thám Bắc kỳ, Trung kỳ, Nam kỳ, Cao Miên và Lào ngày 20/4/1934 tin báo về người An Nam bên Nga ( Mạch Văn Liễu và Trần Văn Diệm) do Chánh mật thám Marty ký;
- Thông tri mật số 1530 C ngày 19/3/1941 của Chánh liêm phóng Trung kỳ L.Sogny gửi các ông Chánh mật thám Trung kỳ thông báo với ông Công sứ Pháp tại Vinh nội dung viết về đám lưu vong trở về Đông Dương ( Mạch Văn Liễu và Lê Quốc Vọng).
- Các mật điện số 514 Sg ngày 17/1/1940 của Thanh tra Sở cảnh sát ( Phủ toàn quyền Đông Dương) gửi Chánh cảnh sát Bắc kỳ, Trung kỳ Nam kỳ, Cambodge. Lào, Chánh cảnh sát đặc biệt Móng Cái, Cao Bằng, Lào Cai; số 142 ngày 20/1/1940 của L.Sogny – Chánh cảnh sát miền, Tổng thanh tra hạng nhất gửi Chánh sở Liêm phóng Vinh, Hà Tĩnh, Phó Công sứ Pháp ở Vinh – Hà Tĩnh…
1.2.4. Hồ sơ mật thám Pháp về những đồng chí cùng hoạt động với Phùng Chí Kiên có các nội dung liên quan: Nguyễn Ái Quốc, Lê Hồng Phong, Lê Văn Nghiệm ( Lê Thiết Hùng), Trương Phước Đạt, Trần Tố Chấn, Trần Ngọc Diệm…
1.2.5. Hồi ký của các đồng chí cùng hoạt động với Phùng Chí Kiên: Võ Nguyên Giáp, Vũ Anh, Đặng Văn Cáp, Chu Văn Tấn, Hoàng Văn Hoan…( in trong tập sách Đầu nguồn).
1.2.6. Kỷ yếu Hội thảo khoa học “ Phùng Chí Kiên – người cộng sản mẫu mực, kiên trung; nhà chính trị, quân sự song toàn” NXB Quân đội nhân dân xuất bản năm 2009…

2. Các hình thức phát huy di sản về đồng chí Phùng Chí Kiên tại Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh:

2.1. Trưng bày thường trực: Tổ chức trưng bày tài liệu hiện vật về đồng chí Phùng Chí Kiên tại phòng trưng bày số 1: Nguyên nhân nổ ra XVNT
Sự hình thành các tổ chức yêu nước và sự ra đời của Đảng cộng sản Việt Nam, nhân tố lãnh đạo cách mạng Việt Nam mở đầu là cao trào XVNT. Trong phần này có trưng bày hiện vật chiếc mâm gỗ và đĩa sứ của gia đình đồng chí Phùng Chí Kiên sử dụng phục vụ cán bộ VNTNCMĐCH hoạt động ở Diễn Châu những năm 1925 – 1926; ảnh chân dung đồng chí Phùng Chí Kiên thời kỳ học tại Trường quân sự Hoàng Phố theo sự bố trí của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, chứng minh quá trình đào tạo cán bộ. chuẩn bị tổ chức để thành lập Đảng, quá trình hoạt động của đồng chí Phùng Chí Kiên.

2.2. Phối hợp với huyện Diễn Châu tổ chức các hoạt động kỷ niệm, trưng bày lưu động, giao lưu văn hóa, thi tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí Phùng Chí Kiên.
Nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh đồng chí Phùng Chí Kiên (1901 – 2006), Bảo tàng XVNT đã phối hợp với huyện Diễn Châu tổ chức các hoạt động kỷ niệm tại Diễn Yên – quê hương của đồng chí Phùng Chí Kiên trong 3 ngày, từ 11 đến 13 tháng 5 năm 2006.
- Tổ chức trưng bày chuyên đề Cao trào XVNT 1930 – 1931, phong trào XVNT ở Diễn Châu, một số hình ảnh và tư liệu về cuộc đời sự nghiệp cách mạng của đồng chí Phùng Chí Kiên phục vụ học sinh các trường học và nhân dân trong vùng.
- Tổ chức giao lưu văn hóa, văn nghệ, thi tìm hiểu lịch sử về cuộc đời sự nghiệp cách mạng của đồng chí Phùng Chí Kiên với sự tham gia trực tiếp của Trường PTTH Diễn Châu II và IV, có sự tham dự của lãnh đạo huyện, xã, học sinh các trường và đông đảo nhân dân Diễn Châu.

Các hoạt động trên lần đầu tiên được tổ chức đã góp phần làm cho Đảng bộ, nhân dân Diễn Châu, xã Diễn Yên, gia đình họ tộc đồng chí Phùng Chí Kiên, đặc biệt là các em học sinh hiểu được một cách sâu sắc, có hệ thống về cuộc đời, sự nghiệp cách mạng và những cống hiến xuất sắc của đồng chí Phùng Chí Kiên đối với Đảng và nhân dân ta, từ đó đẩy mạnh ý thức và hành động bảo tồn, tôn tạo và phát huy di sản mà đồng chí Phùng Chí Kiên để lại, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho các tầng lớp nhân dân.

2.3. Tuyên tuyền về đồng chí Phùng Chí Kiên trên các phương tiện thông tin đại chúng và trên Website Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh.

2.4 Tham gia nghiên cứu làm sáng tỏ cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí Phùng Chí Kiên:
- Tham gia Hội thảo Khoa học “ Phùng Chí Kiên – người cộng sản mẫu mực, kiên trung; nhà chính trị, quân sự song toàn” do Bộ quốc phòng và Tỉnh ủy Nghệ An tổ chức với 2 bài viết:
+ Phùng Chí Kiên qua một số tư liệu lưu giữ tại Cộng hòa Pháp;
+ Nghiên cứu về Phùng Chí Kiên qua tư liệu lưu giữ tại Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh.
- Tham gia Hội thảo khoa học góp ý cho bản thảo cuốn sách: “Phùng Chí Kiên, tiểu sử” do Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức phục vụ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI.
- Tham gia thẩm định và góp ý cho các cuộc họp HĐKH ngành Văn hóa, thể thao, Du lịch Nghệ An về hồ sơ di tích Phùng Chí Kiên, hồ sơ quy hoạch bảo tồn, tôn tạo di tích Phùng Chí Kiên ở Diễn Yên, Diễn Châu.
- Cung cấp hồ sơ, tư liệu về đồng chí Phùng Chí Kiên cho các nhà nghiên cứu thực hiện các đề tài khoa học…

3. Các giải pháp tiếp theo để phát huy giá trị di sản về đồng chí Phùng Chí Kiên:
Trong điều kiện hiện nay, tài liệu, hiện vật về đồng chí Phùng Chí Kiên còn lại rất ít, nhiều giai đoạn trong tiểu sử và sự nghiệp của đồng chí vẫn chưa có cứ liệu lịch sử để chứng minh, làm sáng tỏ. Đảng, Nhà nước đã có chủ trương bảo tồn, tôn tạo và phát huy tác dụng những di sản quý báu mà đồng chí Phùng Chí Kiên để lại, vì vậy việc tiếp tục nghiên cứu, sưu tầm, phát huy tác dụng di sản Phùng Chí Kiên là hết sức cần thiết của nhiều cơ quan, tổ chức, địa phương, trong đó đặc biệt là Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh.

Để làm tốt việc này, Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh cần chú trọng đến các vấn đề sau:
1. Cần tiếp tục tiến hành công tác sưu tầm tư liệu, hiện vật về quê hương, gia đình, tuổi trẻ và cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Phùng Chí Kiên để xây dựng bộ sưu tập tài liệu, hiện vật Phùng Chí Kiên.
Tư liệu, hiện vật về Phùng Chí Kiên hiện nay còn quá ít ỏi để tuyên truyền về cuộc đời hoạt động cách mạng phong phú và những đóng góp lớn lao của đồng chí cho Đảng và nhân dân, vì vậy việc tiếp tục tổ chức sưu tầm là hết sức cần thiết, nhất là các tư liệu lưu trữ ở nước ngoài như Trung Quốc, Thái Lan, Cộng hòa liên bang Nga, Cộng hòa Pháp…và các địa phương trong nước như Nghệ An, Cao Bằng, Bắc Cạn phục vụ công tác trưng bày, tuyên truyền và phát huy tác dụng.
2. Tiếp tục phối hợp với huyện Diễn Châu, các địa phương, đơn vị, cơ quan liên quan tổ chức các hoạt động kỷ niệm, giao lưu văn hóa, thi tìm hiểu lịch sử về cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Phùng Chí Kiên.
3. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu tiểu sử, sự nghiệp cách mạng của đồng chí Phùng Chí Kiên và tổ chức tuyên truyền các kết quả nghiên cứu trên các phương tiện thông tin đại chúng, các tạp chí và trên trang Website Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh.
4. Viết bài nghiên cứu tham gia các Hội thảo, tọa đàm khoa học góp phần làm sáng tỏ lịch sử về cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của đồng chí Phùng Chí Kiên.
5. Xây dựng đề tài khoa học Cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của đồng chí Phùng Chí Kiên để tổ chức nói chuyện truyền thống phục vụ các cơ quan, đơn vị, địa phương, trường học.
6. Tham gia thẩm định các công trình, đề tài nghiên cứu, bảo tồn, tôn tạo và phát huy di sản về đồng chí Phùng Chí Kiên.


Nguyễn Xuân Thủy - Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh



---
Những entry liên quan đã đi trên blog này:
Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh và tư liệu về Phùng Chí Kiên
67 năm sau, tính từ ngày thủ cấp "đáng ba tạ muối" bị hạ để bêu : 22/8/1941 - 8/5 và 15/8 năm 2008
Đề nghị VTV và Viện Pháp y Quân đội đưa bằng chứng xác thực, trước khi phán lung tung
Phùng Chí Kiên, cha con Võ Đại tướng, và Phan Thị Bích Hằng (tư liệu)
Đội Du kích Bắc Sơn : 32 chiến sĩ, 14/2/1941, rừng núi Lạng Sơn
Phùng Chí Kiên (1901-1941) : Vị tướng quân đầu tiên và cái thủ cấp đáng ba tạ muối




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.